KÝ ỨC BỊ HOÁN ĐỔI


Biết được tin người nhà làm khó dễ cho người mình yêu, Đỗ Hiểu Phù đã rất tức giận, cả với những người thân của mình, cả với Lâm Chính Minh im im không chịu nói.
Cuối cùng thì người nhà họ Đỗ cũng phải chịu thua trước cô con gái độc nhất này và đồng ý hôn sự của hai người.
Lâm Chính Minh mất cha từ nhỏ, chỉ có mẹ tần tảo vất vả làm việc nuôi nấng hắn đến tận khi học xong đại học nên hắn vô cùng biết ơn và yêu quý mẹ của mình.
Sau khi ổn định lại công việc, hắn đã thuê một căn nhà trong thành phố, đón mẹ từ dưới quê lên.

Mẹ hắn- bà Lâm là một người phụ nữ khổ từ trong trứng khổ ra, giờ nuôi được con trai có công ăn việc làm yên ổn, lại còn chu cấp cho bà, làm bà vô cùng vui mừng.
Nhưng cái khổ, cái nết chịu khổ của người nông dân, của người nghèo ấy đã ăn sâu vào trong máu, chả được mấy hôm, bà Lâm cứ loanh quanh trong nhà, không có người quen, không có việc gì làm, bà lại không chịu được, bà lại nhớ đến mấy sào ruộng bỏ không, để người khác gieo cấy trên ấy, bà lại thấy tiếc.
Có thể là ăn quen cái khổ rồi, giờ sung sướng đầy đủ vật chất bà lại không quen, thỉnh thoảng con dâu có đánh đàn trong nhà, bà cũng chỉ ở trong góc nghe cái âm thanh da diết du dương ấy.

Lúc phải giao tiếp với con dâu, bà lúc nào cũng lo lắng căng thẳng, bà sợ sẽ mình sẽ làm sai cái gì, nghe nói cô ấy là con nhà giàu có.
Lúc đám cưới, bà đến ngôi nhà của cô ấy, to như cái thành ấy, như thế không biết bao nhiêu người mới ở hết.

Trong nhà thì toàn những thứ xa hoa đắt giá, đến cái ly uống trà trong nhà người ta cũng là giá trên trời.
Con dâu đối xử với bà rất tốt, một mẹ hai mẹ, dịu dàng hiền lành, nhưng bà không quen, bà cảm giác cho dù con trai bà có mua cho bà bộ quần áo tốt hơn thì trong xương cốt bà vẫn cứ là mụ nông dân nghèo nàn không dám ăn không dám uống mà lao đầu vào làm việc ấy.

Mà cô ấy, vừa xinh đẹp vừa có khí chất, như hệt mấy cô thiên kim tiểu thư, mấy cô công chúa trong phim vậy, chỉ nghĩ thôi bà cũng không dám làm phật ý cô ấy.
Mấy việc như lau dọn nhà cửa, nấu cơm, nhiều lúc A Minh hay cô ấy tranh làm với bà, bà cũng không chịu, A Minh thì bà thương không nỡ, bà không muốn nó phải thân đàn ông còn xuống rửa bát, còn con dâu thì bà không dám, nhìn đôi tay cô ấy, trắng nõn mà trơn bóng, là để đánh những bản nhạc du dương, là để cầm bút viết chữ, chứ đâu giống đôi tay nhăn nhúa toàn vết chai rạn vì cấy lúa gánh phân, còn nhăn nhó theo thời gian của bà.
Không biết thế nào mà bà Lâm mới lên thành phố hưởng phúc mấy tháng mà cả người lại gầy đi một vòng, nhìn cứ như là đi khổ sai lao dịch về ấy.

Mà lo cho sức khoẻ của mẹ mình, Lâm Chính Minh không những còn sắm thêm người giúp việc trong nhà, đồ ăn cũng chọn những loại tốt hơn, còn đưa mẹ đi khám bác sĩ, kê thuốc bổ.

Vậy mà sức khoẻ bà ngày càng tệ, tinh thần cũng xấu đi, cả người nhìn không hề có một tia sinh cơ.
Cuối cùng, bà Lâm, sau gần cả tháng mệt mỏi đau ốm, nói với Lâm Chính Minh: “Con à, hay là ta về quê đi, ở quê cũng tốt”.
Không biết là ý thức được tâm lý bị gò bó của mẹ mình hay sức khoẻ của bà ngày càng đi xuống, Lâm Chính Minh đồng ý, còn sợ bà không người chăm sóc nên trước khi đi còn xin nghỉ dài hạn về chăm mẹ.
Mà cũng biết vợ mình là thiên kim chưa ăn qua khổ, Lâm Chính Minh cũng khuyên cô ở lại trong thành.


Nhưng Đỗ Hiểu Phù không chịu, cô một mực muốn đi cùng hắn.
Sau khi thuyết phục không thành, Lâm Chính Minh đưa vợ đến tạm biệt nhà ngoại rồi đem mẹ về quê.
Quê của Lâm Chính Minh nằm ở một thôn nhỏ giáp trấn trên.

Trong nhà cũng có vài mẫu đất.

Lúc trước bà Lâm cũng cố ý lưu lại không bán để sau này con cháu còn có chỗ để về.
Sau khi sửa sang nhà cũ cả ngày, ba người nhà họ Lâm mới vào ở được.

Người quen đi qua đều khen Lâm Chính Minh có tài, cưới được một cô vợ xinh đẹp người thành phố, vừa có tài vừa có sắc, lại còn là sinh viên nữa.

Lâm Chính Minh cũng vài câu chào hỏi qua lại.
Điều kiện vật chất ở quê đúng là không bằng trong thành phố, cả đêm nằm trên cái giường lúc trước của Lâm Chính Minh, Đỗ Hiểu Phù nửa đêm đau lưng không ngủ được.
Cũng biết vợ mình được cưng chiều từ nhỏ, chưa ăn qua khổ, nên ngày hôm sau, Lâm Chính Minh đã lên trấn mua ngay một cái giường tốt hơn, đồ dùng trong nhà cũng được nâng cấp tốt hơn, tuy không bằng ở nhà họ Đỗ nhưng cũng tốt hơn rất nhiều, nhiều người còn đỏ mắt ghen tỵ Lâm Chính Minh cưới được con gà mái đẻ trứng vàng, phát tài một bước lên mây.
Đối với lời ra tiếng vào của người đời về việc hắn ăn bám nhà vợ, Lâm Chính Minh không tỏ ý kiến.
Lúc trước ở trong thành phố, nhà cửa san sát, bà Lâm không dám nuôi gà nuôi vịt gì đó vì sợ ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.

Nhưng về đến quê, bà vừa khoẻ hơn một chút đã mua mấy chút gà giống về nuôi, lại trồng thêm ít rau trong vườn.
Không biết đồ ăn hay không khí ở quê tốt hơn trong thành phố mà cả ba người nhà họ Lâm đều có da có thịt hơn..


Bình luận

Truyện đang đọc