NHẬT KÍ NỮ PHÁP Y: MẬT MÃ KỲ ÁN


9 giờ sáng ngày 3 tháng 7 năm 2001.

Mưa lớn vừa dứt.
Bên ngoài bức tường bao ở góc Đông Bắc của Đại học Giang Hoa thành phố Sở Nguyên.
Chỗ này nằm ở cuối con đường, mặc dù sáp với tường bao của trường Đại học, chiếm một diện tích rộng rãi nhưng lại vô cùng hoang vu hẻo lánh, mặt đất đầy cỏ dại, bốn bề được quây bằng tấm tôn đen cao hơn 2 mét, hiện ra vừa tĩnh mịch lại sâu thẳm, rất ít người qua lại hàng ngày.

Nhưng lúc này, có một tốp giáo viên và học sinh đang đứng tụ tập ở bên ngoài tường tôn, nhìn vào bên trong với một thái độ căng thẳng, cố gắng để xem thật rõ.
Bên trong bức tường tôn là một khoảng không gian có kích cỡ chừng một cái sân đá bóng, nền gạch ngói vụn.

Trận mưa lớn đêm qua đã khiến cho toàn bộ mặt sân ướt nhẹp.

Ở vùng đất trũng còn đọng lại thứ nước thải trộn lẫn với màu đỏ thẫm của má.u.

Ở góc Tây Nam có một tốp cảnh sát người mặc cảnh phục, tay cầm súng đạn thật đang đứng cảnh giới, quay mặt ra phía ngoài, biểu cảm nghiêm khắc, ánh mắt sáng ngời, xếp thành hình cánh quạt.
Tôi được sư phụ Trần Quảng dẫn vào bên trong hiện trường.


Khi đó tôi vừa mới tốt nghiệp khoa pháp y của Học viện Cảnh sát, được phân vào phòng kỹ thuật của Sở Cảnh sát thành phố Sở Nguyên để làm việc.

Trần Quảng rất hài lòng với thành tích học tập và lý lịch của tôi, chủ động đề xuất nhận tôi làm đệ tử.

Trần Quảng gần 50 tuổi, bộ dạng cục mịch, trông rất to lớn, khỏe mạnh, bề ngoài thì giống một võ phu hùng dũng oai vệ, nhưng thầy ấy lại sống rất tình cảm, là một pháp y có tiếng ở thành phố Sở Nguyên, đã có hai mươi mấy năm trong nghề, kinh nghiệm vô cùng phong phú, lại còn là phó phòng kỹ thuật.

Có thể bái thầy ấy làm sư phụ, đối với một người mới chân ướt chân ráo vào ngành như tôi mà nói, có mơ cũng không được.
Trước khi đến, Trần Quảng chỉ nói sơ qua cho tôi biết ở đây đã xảy ra một vụ án mạng, trên đường đi, một người lần đầu được tham gia giám định án mạng như tôi không thể nào giữ được cảm xúc của mình, có chút hồi hộp, lo âu và một sự kỳ vọng khó diễn tả.

Đợi sau khi chen qua hàng rào cảnh giới, hiện trường vụ án mới hiện ra trước mắt, một cảm giác buồn nôn và sợ hãi dữ dội lập tức ập tới, toàn thân nổi hết da gà, đến độ lục phủ ngũ tạng đều có phản ứng, dạ dày quặn thắt, tôi đưa hai tay lên bịt miệng, chạy ra chân tường rồi nôn thốc nôn tháo một cách thê thảm.
Đó là hiện trường án mạng biến thái nhất mà tôi được tận mắt chứng kiến.

Một thi thể nam khỏa thân nằm vắt ngang sân, hai mắt trợn tròn, hàm răng nhuốm má.u nhô ra khỏi miệng, phần lớn lớp da trên mặt và trên người bị lột sạch, để lộ ra lớp mỡ trắng, vết thương trước ngực sâu đến mức có thể nhìn thấy xương.

Cạnh thi thể có một chiếc đĩa nhựa thường được các tiệm ăn nhanh sử dụng, bên trên được xếp gọn gàng phần thịt được lọc ra từ thi thể người đàn ông, kích thước mỗi miếng rất đồng đều, to bằng quân mạt chược, có da có thịt.
Tôi nôn miết một hồi, đến khi cái bụng trở nên rỗng tuếch, tuy rằng cảm giác buồn nôn vẫn chưa hết, nhưng chẳng còn gì để mà nôn nữa rồi.


Tôi đứng dậy lau miệng, vừa ngại vừa ngượng: Tiêu rồi, lần đầu tiên được chính thức ra hiện trường lại để bẽ mặt như vậy, sau này sẽ thành trò cười mất.
Tôi ngại ngùng quay trở lại, nhưng không ngờ là mọi người không hề để ý đến hành động mất mặt ấy của mình.

Trần Quảng đã hoàn thành xong việc khám xét sơ bộ hiện trường, nói với tôi bằng một vẻ mặt vô cảm: “Chuẩn bị xong chưa? Bắt đầu khám nghiệm tử thi.”
Đối diện với thi thể nam không toàn vẹn ấy, là cơn ác mộng mà cả đời này tôi cũng không thoát ra được.

Đến tận bây giờ, khi đã giám định qua hàng ngàn cái xác nhưng mỗi lần nhớ lại lần khám nghiệm đầu tiên, tôi vẫn không khỏi rùng mình.

Tôi quỳ xuống đất, khoảng cách giữa mình và cặp mắt trố lồi, hàm răng phẫn nộ cùng đống thịt bị băm nát gần trong gang tấc.

Suốt quá trình giám định dài lê thê ấy, tôi đã nhiều lần nảy sinh cái ý định vứt hết lại mà bỏ chạy.

Khi giám định đến cánh tay của thi thể, để ý tới bàn tay phải nắm chặt, cảm thấy có gì đó không ổn, tôi liền dùng lực để gỡ ngón tay ra, một chiếc huy hiệu mới tinh xuất hiện trước mắt.
Đó là vật chứng duy nhất có thể có giá trị được tìm thấy ở hiện trường tính đến thời điểm trước mắt, tôi cẩn thận bỏ chiếc huy hiệu vào trong túi vật chứng, lúc này mới nhìn rõ đó là một chiếc huy hiệu của trường Trung học số 4 thành phố Sở Nguyên.


Bỗng nhiên, một bàn tay thò ra trước mặt tôi, trên đầu vang lên một giọng nam trầm: “Đưa nó cho tôi.”
Lúc đó tôi đang trong trạng thái cảm xúc kích động, nhất thời mất đi khả năng phân biệt, lần theo tiếng nói rồi ngoan ngoãn đưa vật chứng cho bàn tay kia, sau mới nhận ra có gì đó không đúng, đến đối phương là ai tôi vẫn chưa nhìn rõ mà đã giao vật chứng cho người ta rồi.

Tôi định ngẩng đầu tỏ vẻ dị nghị, thì phát hiện người đó đã đi ra chỗ khác, chăm chú ngắm nghía chiếc huy hiệu kia.

Cậu ta là một chàng trai tầm 20 tuổi, trông thư sinh nho nhã, mặc thường phục, không hề nổi bật giữa đám đông.
Trần Quảng để ý đến biểm cảm kỳ lạ của tôi, thấp giọng nói: “Cậu ta là Thẩm Thư, đội trưởng đội trọng án, phụ trách chính vụ án lần này, em đừng phân tâm, tiếp tục công việc đi.” Lúc này tôi mới hiểu vấn đề, thì ra cậu ta là Thẩm Thư.

Thời gian đến Sở chưa lâu, nhưng tôi đã nghe không ít người nhắc đến cái tên của cậu ta, tâng bốc những câu chuyện phá án của cậu ta rồi ba hoa thiên địa.

Đúng là nghe danh không bằng nhìn thấy mặt, một tên thư sinh nho nhã, không nổi bật như hắn thì dù có tâng bốc tới đâu, e rằng bản lĩnh cũng chỉ có hạn.
Giám định xong, tôi báo cáo kết quả cho Trần Quảng.

Do đây là bài thi đầu tiên của tôi từ khi vào nghề, nên lúc báo cáo lại vô cùng cẩn thận: “Nạn nhân là nam, khoảng 50 tuổi, khỏa thân, cao 1m73, nặng khoảng 75kg.

Da tay mịn màng, có thể đoán nạn nhân khi còn sống không phải một người lao động thể lực.

Phần da như da gà, cơ dựng lông co lại, lỗ chân lông phình to, có chất lỏng ngấm vào da, khiến da bị phồng rộp, hóa trắng, nhăn nheo.


Dựa vào những đặc trưng này, có thể phán đoán nạn nhân bị hại dưới mưa, trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối qua đến 4 giờ sáng nay.”
Trần Quảng trầm ngâm, không để lộ biểu cảm, tôi không thể biết được thầy ấy có hài lòng hay không, chỉ biết nói tiếp: “Thủ đoạn của hung thủ vô cùng tàn nhẫn, tứ chi của nạn nhân đều bị đánh gãy, cổ họng bị cứa đứt, trên mặt và trên người có rất nhiều vết thương, phần thịt bị lọc gồm 120 miếng, do vết cắt không sâu nên đều không phải vết thương chí mạng, ngoài ra chưa phát hiện thêm vết thương nào khác.

Bước đầu phán đoán, nạn nhân trước khi chế.t đã phải chịu sự làm nhục và hành hạ suốt 3 – 4 tiếng, dẫn đến chế.t vì mất quá nhiều má.u.”
Trần Quảng lẩm bẩm một câu không rõ: “Nhìn chung là thế.” Rồi lại nói: “Hung thủ ra tay tàn nhẫn vậy, động cơ gây án đã rõ ràng.”
Tôi nghe ra sự khảo nghiệm trong câu nói của thầy ấy, liền tiếp lời: “Về cơ bản có thể xác định đây là một cuộc trả thù.

Nạn nhân bị tùng xẻo cho đến chế.t, là một trong những hình phạt cổ đại tàn nhẫn nhất.” Tôi liếc mắt nhìn sang Thẩm Thư cũng đang đứng bên cạnh chăm chú lắng nghe, liền cất cao giọng, trong ngữ khí có chút sự khiêu khích và trêu đùa: “Đánh gãy tứ chi của nạn nhân là để ngăn không cho nạn nhân chống cự, cứa đứt cổ họng của nạn nhân là để ngăn không cho nạn nhân kêu cứu, còn dùng 120 nhát dao để giế.t sống nạn nhân là để phù hợp với quy định về số dao trong hình phạt tùng xẻo.

Hung thủ nhất định phải rất căm hận nạn nhân.”
Trần Quảng tỏ ra không hài lòng khi thấy tôi đột nhiên cất cao giọng, xua tay bảo: “Vậy đã, em cùng các cảnh sát hình sự khác tìm kiếm xung quanh hiện trường một lượt, có thể còn dấu vết mà hung thủ để lại.”
Hơn mười nhân viên cảnh sát, tìm kiếm gần 3 tiếng đồng hồ trong phạm vi mấy trăm mét xung quanh hiện trường, nhưng tốn công vô ích.

Trận mưa lớn đêm qua đã gột rửa sạch sẽ mọi dấu vết gây án.

“Gió thổi bay nửa, mưa rửa hết sạch”, trong quá trình khám xét hiện trường ngoài trời, pháp y chúng tôi sợ nhất gặp phải thời tiết mưa gió.

Đây có lẽ là mưu tính của thủ phạm, ngoài tàn nhẫn, hắn còn gian xảo qua mắt được thiên hạ, hẳn là một tên sát thủ khó nhằn..


Bình luận

Truyện đang đọc