QUY KHÊ THẬP NHỊ LÝ - NGÕ NAM KHA

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trong vườn của Hồi Xuân thảo đường có một cây quế hoa[1]. Tiết Trùng Cửu[2] ngày đó, Trần Yên đi dưới tán cây, bả vai khẽ chạm lên chớm hoa vàng e ấp, khiến nó rung rinh se sẽ.

Có thương lái Nam Châu trong phố Quy Khê buôn bán hải sản. Hôm nay chàng để ra một quan tiền mua hai con cá vược đen[3] tươi ngon, lại trả thêm mười lăm văn tiền nhờ người bán lóc da đánh vảy, rồi mua thêm cả rau nhút, tương cá, tàu xì[4], vỏ quýt, rượu, hành lá các loại. Mua xong, mặt trời vẫn chưa lên đến đỉnh, chàng rời khỏi Thập Lý trở về ngõ Nam Kha Thập Nhị Lý.

Vừa bước vào y quán, không khí đã ngập tràn hương quế hoa.

Chàng bước thẳng đến đình viện, xa xa trông thấy khói bếp vấn vít dưới ô cửa sổ, cách tấm rèm, Tạ Hoàn Hồi đang dùng vải lụa rây bột, hai ống tay xắn lên đến khuỷu. Cửa để mở lưng chừng nhưng Trần Yên vẫn gõ nhẹ lên vách hai cái. Người bên trong uể oải ứng tiếng, chàng mới bước vào phòng, vừa đặt cá rau trong tay lên kệ bếp vừa đứng trông Tạ Hoàn Hồi làm việc.

Thấy hắn rây đều bột rồi trộn thêm nước và mật ong vào bát đồng, sau đó nhào bột, nhào xong thì chia thành từng miếng rồi rắc thêm các loại mứt quả như mứt đào, ô liu, táo sấy, hạch đào để bên cạnh lên bề mặt, phủ bột ngô vàng rượm lên, quét thêm một lớp dầu rồi cuốn vào lá trúc, đặt vào lồng hấp. Động tác của hắn khá là thành thục, ắt hẳn ngày thường làm điểm tâm đã có kinh nghiệm. Trần Yên khẽ cười, chàng cũng rửa hành rồi từ tốn thái, hoa hành nhỏ li ti như tuyết trắng. Sau đó, chàng vừa ướp cá với tương vừa hỏi Tạ Hoàn Hồi: “Hôm nay là lễ Trùng Cửu, đại phu sao không xuất thành đăng cao[5]?”

“Mấy năm rày đều đi với sư huynh và chị dâu”. Tạ Hoàn Hồi cúi đầu bỏ thêm củi: “Thực ra cũng chán rồi, nhưng vẫn tính chung vui với mọi người nên vẫn đi”.

Chàng hơi ngừng tay, khẽ hỏi: “Thế năm nay sao lại không đi nữa?”

“Đưa bát qua đây!”. Tạ Hoàn Hồi bất chợt cao giọng ra lệnh, đầu vẫn không ngẩng, hắn vươn tay đợi chàng bát đưa qua với một vẻ rất ư thiếu kiên nhẫn. Trần Yên thu lại tầm mắt, lòng cũng ấm áp hơn, chàng ngoan ngoãn chuyển bát qua cho hắn rồi không hỏi thêm nữa.

Hai người không ai nói gì. Có khi Tạ Hoàn Hồi bắt chàng giúp hắn này lấy nọ nhưng phần lớn thời gian chỉ có tiếng nồi niêu lạch cạch, tiếng hơi nước phập phùi. Ánh mặt trời dần ngả về tây, một làn hương hoa quế đáp xuống cửa sổ, vương vấn hồi lâu không mất, cũng khiến lòng người khoan khoái dễ chịu.

—-

Trong lúc Trần Yên hầm cá, Tạ Hoàn Hồi đi đến đình viện đào hai vò rượu hoa cúc năm ngoái chôn dưới gốc quế hoa lên, cạo lớp bùn trên vò, quét dọn sạch sẽ cánh hoa quế lác đác rơi trên bàn đá, sau đó bày bát đũa và hai chiếc chén men xanh. Chẳng bao lâu, món bánh Trùng Dương[6] nóng hôi hổi cũng đã xuất lò, trên bài bày vài món ăn, đợi Trần Yên dọn sạch nhà bếp đi ra, Tạ Hoàn Hồi đã rót rượu đầy chén, hai người liền bắt đầu nhập tọa.

Vừa ngồi xuống, Tạ Hoàn Hồi chợt vươn tay thảy qua, Trần Yên nghe một tiếng “bộp” trước ngực, giơ tay lên liền đón được một túi gấm màu xanh lá liễu nặng trịch. Tạ Hoàn Hồi nhàn nhạt nói: “Sớm nay xuất thành bẻ mấy mấy cành thù du, giữ lấy đi”.

Trần Yên nhẹ nhàng nói cảm tạ rồi cẩn thận cất kĩ chiếc túi.

Ánh trời thu chiếu rọi, lòng chàng cũng càng thêm ấm áp, chàng gắp một miếng thịt cá trắng tinh thơm ngon nhất từ đĩa cá bỏ vào bát của Tạ Hoàn Hồi rồi mỉm cười xấu hổ: “Ngài thử xem, vược đen Nam Châu đấy, ngày thường không dám mua thứ đắt đỏ như thế nhưng nay là Trùng Cửu, tôi thử hầm cá theo vị quê nhà. Không biết có ngon hay không, đại phu có gì mong bỏ quá cho”.

Tạ Hoàn Hồi không đáp, hắn nhấc đũa gắp miếng cá bỏ vào miệng, tức thì vị cá ngập tràn, tươi ngon ngọt bùi, đậm đà hương vị đất phương Nam.

“Ngon lắm”. Hắn như chưa thỏa mãn đủ mà lại mút mút chiếc đũa. Trần Yên thở phào, hoan hỉ nhìn hắn, khóe môi  bất giác nở nụ cười hạnh phúc. Nhưng Tạ Hoàn Hồi lại nhẹ nhàng gác đũa xuống bên bát, đặt tay xuống bàn, giọng điệu điềm nhiên thốt lên: “Cá miền Tứ Châu, cách làm cũng không khác là mấy nhỉ”.

Trần Yên cứng đờ, không thốt lên được lời nào.

Tạ Hoàn Hồi cũng chẳng thèm nhìn chàng. Thật là không cần thiết, vì vẻ mặt người nọ nhất định sẽ vừa kinh vừa hoảng.

Hắn đạm nhiên đẩy chén và vò rượu, là rượu hoa cúc ủ với gạo kê, tới trước mặt Trần yên rồi tự nâng chén sứ uống một hớp quá nửa, xong hắn mới chậm rãi nói: “Trần Yên, thực tế ngươi không những từng đi qua Tứ Châu mà còn tòng quân ở đấy. Quân dịch Tô Hợp, ngươi chắc cũng đã trải qua đúng không. Ngươi cho rằng ta thật sự ngu ngốc, thấy tình cảnh ngày đó còn không đoán nổi bảy tám phần?… Ta chỉ không nói trắng ra mà thôi”.

Trăm ngàn cách che giấu, chung quy chỉ mong manh như trang giấy trắng, không đỡ nổi một câu nói thẳng thắn của người kia mà đánh phá vào tim. Trần Yên há miệng nhưng rốt cuộc vẫn lặng im, chàng nâng tay uống cạn chén rượu bạc, đầu mày nhíu chặt.

“Chúng ta cũng không phải kẻ xa lạ. Với ta, ngươi không cần phải giấu diếm điều gì”. Tạ Hoàn Hồi bình tĩnh vén áo, nâng đũa gắp ít rau đặt vào bát Trần Yên, sau đó lại tự gắp cho mình. Vẻ mặt hắn bình lặng, đôi mắt sáng trong xao động, im lặng qua đi, giọng điệu cũng trầm xuống: “Chuyện cũ trước kia, nói nhiều rồi, lòng người tự khắc cũng lắng xuống, thực ra những chuyện đó ngoài bản thân thì có ai để ý đến. Giống như năm xưa sư phụ ta đột ngột lâm bệnh, sư huynh vừa mới vào cung không lâu, không bứt việc ra được, tối hôm sau người đã qua đời, hậu sự chỉ có mình ta lo liệu, lúc hạ táng ta đâu biết mình đã cắn nát môi, sư huynh bảo miệng ta đầy máu trông rất hãi, đến mấy ngày kế tiếp ta vẫn nằm ngủ trước mộ phần… những chuyện đó, ta không kể ra, có ai nhớ”.

Sắc mặt Trần Yên trắng nhợt, bàn tay nắm chặt chống lấy bàn đá, nhưng đó là nỗi do dự, đến mức không thể cầm nổi chiếc bát gần đó. Nhưng Tạ Hoàn Hồi lại mang một vẻ thản nhiên, hắn lặng lẽ ăn cơm một hồi rồi nói: “Mất mặt đúng không. Nếu là mấy năm về trước, ta có chết cũng sẽ không để cho kẻ khác biết, nhưng giờ tâm bình lặng rồi. Cũng không sợ bị ngươi cười nhạo”.

“Không, đại phu, tôi sẽ không, tôi sẽ không cười nhạo ngài”. Cổ họng Trần Yên có chút đau, giọng chàng khẽ run rẩy, hai lông mày cau lại mang theo một nỗi buồn khổ. Thật lâu sau, chàng mới hạ mắt lặng nhìn chén rượu trống rỗng thở dài: “Tôi… đúng vậy, tôi quả có đi tòng quân ở Tứ Châu. Cánh tay này cũng bị quân địch chém mất trong lúc chiến loạn”.

Tạ Hoàn Hồi ngưng mắt thật lâu trên khuôn mặt chàng.

Trần Yên lặng lẽ lắc đầu, rót đầy chén rượu rồi uống cạn, vẻ mặt chàng cũng ảm đạm đi: “…. Nhà tôi bao đời nay đều sinh sống trong thôn làng, đa phần mọi người đều không biết chữ, chỉ có cha tôi chuyển vào trong thành làm mộc, tích được chút của lại may mắn kết thân với một vị tiên sinh dạy trường tư, sau đó ông giao tôi cho tiên sinh, tôi mới có may mắn đọc sách học chữ. Sau này phu phen chưng binh, tôi lần lượt sung quân đến Tứ châu, Hàm Châu trấn thủ nhiều năm…. Rồi trong một trận kịch chiến, tay phải thành tàn tật, từ đó tôi lui khỏi quân tình, trở về quê hương, tính an ổn cày bừa làm ruộng. Nhưng anh em chú bác quê nhà và tôi trước giờ không mấy thân thuộc. Huống hồ người trong thôn kị dị kẻ tàn tật. Tuy họ không nói ra nhưng vẫn luôn bóng gió nhắc đến chuyện tay phải của tôi. Gia phụ vốn đã chuyển khỏi làng, giờ không còn nơi trú ngụ nên tôi chỉ có thể ăn nhờ ở đậu nhà người ta, ngày ngày nghe họ nói ra nói vào, phàm là những chuyện hỉ khánh tôi nhất định phải đóng cửa ở nhà, tránh cho người khác thêm xúi quẩy”. Rượu đã cạn, Trần Yên nở nụ cười nghiệt ngã: “Họ chỉ mong sao tôi đi khỏi, tôi cũng không muốn gây phiền toái nên đành bỏ quê, đến Duật Kinh phương Bắc mưu sinh”.

“Vốn cũng thấy tính cách ngươi thế này, không giống kẻ xuất thân làm ăn buôn bám. Bụng dạ thẳng đuột, miệng lưỡi lại không trơn tru. Trái lại có vài nét giống người trong quân ngũ”. Tạ Hoàn Hồi lắng nghe hết thảy, giữa lúc cũng đã uống một hai chén, tay  hắn cũng không ngừng rót rượu. Rượu hoa này nhẽ ra phải ngọt lành dễ chịu, hắn lại như đang phẩm thứ nước thuốc đắng ngắt, uống vào, đầu lông mày cũng cau có không thôi.

Trần Yên đã nói hết nửa những chuyện giấu kín trong lòng, tâm tình cũng thoải mái hơn. Quả thật đã dễ chịu rất nhiều. Chàng tự cười nhạo bản thân, cũng bồi hắn vài chén.

Hai người ăn ý không nói thêm nữa. Trên bàn ăn chỉ còn tiếng bát đũa va chạm, rượu trong chén vơi lại đầy, quá vài tuần rượu, bàn ăn đã rơi đầy nụ hoa quế tươi non nhạt vàng, quyện hương thơm ngát. Sau khi uống hết vò rượu, cổ họng Tạ Hoàn Hồi đã như có một ngọn lửa mỏng nhen nhóm bốc thẳng lên đầu,rồi tựa hồ không đủ nhiên liệu thành ra chỉ có bảy tám phần sức nóng, đầu mày khóe mắt dần tụ thành một thứ sắc thắm hoa đào.

Hắn nhìn Trần Yên đang cúi đầu uống rượu như một mình một cõi, thì bất mãn híp mắt. Nâng chén men xanh, hắn lạnh tanh cụng một cái vào chén Trần Yên, làm vang lên một tiếng “keng” rõ ràng, không chờ người nọ ngạc nhiên ngẩng đầu, Tạ Hoàn Hồi đã ngửa cổ uống cạn. Trần Yên thấy hắn hình như say rồi thì vội vàng đỡ lấy, nhưng Tạ Hoàn Hồi lại lật tay tóm lấy vai trái hắn, gằn giọng nói: “Trần Yên, ngươi nếu sớm kể rõ mọi chuyện, có phải sẽ thoải mái hơn nhiều không. Trước đây chuyện gì ngươi cũng giấu không nói, ta thấy mà bực mình. Từ nay trở đi, giữa ta và ngươi nếu có chuyện, cứ nói thẳng là được, đừng có vòng vo với ta”.

Trần Yên nghe hắn nói vậy, trái lại vẻ mặt chợt trở nên nghiêm túc, ngừng một khắc, chàng nhẹ nhàng ngồi thẳng, nhìn vào đôi mắt đen láy thấu triệt kia, trịnh trọng nói: “Tạ đại phu, ngài đã muốn tôi nói thẳng, vậy nhân ngày Trùng Cửu hôm nay, tôi sẽ nói hết toàn bộ những điều tôi muốn nói”.

“Nói đi”. Tạ Hoàn Hồi chẳng mảy may nhận ra sự cố chấp trong mắt chàng, hắn còn đang mải nâng chén uống rượu.

“… Tôi”. Trần Yên khẽ ngập ngừng, chàng cắn chặt lấy bờ môi rồi hạ giọng chậm rãi than thở: “Thực ra tôi đã sớm biết, đại phu ngài cho thêm thuốc vào điểm tâm hòng để tôi hết đau, giúp tôi điều trị nội thương. Cái gọi là “Siêu thuốc”, “Thử thuốc” đó cũng chẳng qua là cái cớ. Ngài không muốn nhận tiền trị bệnh của tôi, cũng tránh để tôi khó xử, mới viện lấy lí do đó, để giúp tôi… chữa ánh tay này, đúng không”.

Tay cầm chén rượu của Tạ Hoàn Hồi dừng lại. Rượu sóng sánh, loáng thoáng phù quang. Hắn trầm mặc trong chốc lát, cuối cùng vẫn nâng chén lên uống cạn.

Trần Yên thấy hắn không phủ nhận, chàng liền thở dài nói tiếp: “Tạ đại phu, nếu tôi nói với ngài mấy lời như “Tri ân báo đáp”, “Đền ơn trả nghĩa”, có lẽ ngài sẽ nghĩ tôi đây chỉ có công phu nói mồm, không có thành tâm thành ý. Thời gian dài như vậy được ngài chăm lo chiếu cố, tôi là thợ mộc cũng chẳng phải đầu gỗ, nào không biết ngài có lòng tương trợ, chẳng qua tôi đây vẫn một mực không nói ra thôi. Tôi dù là một kẻ cụt tay cũng vẫn có lòng cảm ân, cũng mong mỏi có thể báo đền ngài. Đã vậy, nay ngài nói rằng chúng ta có thể nói rõ ngọn ngành, tôi cũng nên nói ra sự thật… Đến nay tôi vẫn chưa làm được việc gì cho ngài, mong ngài nhất định phải cho tôi một cơ hội. Trần Yên nhất định sẽ cố gắng hết sức, tuyệt không thoái thác”.

Người nọ lặng yên không nói. Trần Yên chậm rãi nắm lấy tay Tạ Hoàn Hồi bằng đôi tay ấm áp mạnh mẽ của chàng. Bàn tay hắn vẫn lạnh buốt, ngón tay sạch sẽ, ìm lìm nằm trong tay chàng.

“Bất luận ngài muốn tôi làm gì”. Chàng tha thiết nói: “Xin nhất định phải nói cho tôi biết”.

Gió thu thổi tới. Một đôi mắt đen thẫm ngước lên nhìn chàng. Sắc hồng đào hoa nơi khóe mày nhạt dần, nhưng vẫn đầy vẻ thanh lãnh như chúc hoa vừa cắt[9], thoáng bừng lên một vệt sáng loáng. Hắn không vùng khỏi bàn tay Trần Yên mà chỉ khẽ nhướn mày, nhếch lên bờ môi: “Thật chứ?”

Trần Yên ngây ra một chút rồi theo bản năng gật đầu.

Tạ Hoàn Hồi khẽ nghiêng đầu, mặc kệ sợi tóc rơi xuống chân mày, gò má đỏ bừng như thơ như họa. Chỉ có đôi mắt vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chăm chú nhìn Trần Yên, tựa túy mà phi túy.

“Vậy thì”. Hắn đạm nhiên mở miệng: “Ta muốn xem ngươi mua kiếm…”.

—-

Chủ nhà có lời muốn nói:

Lại nói, có một tục ngữ của TQ là “Thuần Canh Lư Khoái”, nghĩa đen là canh rau nhút nấu với cá vược thái nhỏ để chỉ nỗi niềm nhớ quê của người tha hương. Cũng chính là nỗi lòng của Trần Yên với nơi mình không thể trở về nữa.

Hơn nữa, qua đoạn Trần Yên kể về cuộc sống khi ở quê nhà có thể thấy được anh đã khó khăn thế nào, bị khinh thường thế nào ngay trên chính quê hương mình. Đây hẳn là lí do hình thành nên tính cách tự ti hiện giờ của Trần Yên. Tội anh quá:((

Chú thích

[1] Cây quế hoa: thuộc họ hoa mộc, còn có tên khác như hoa Mộc, Đan quế, cửu lí hương…



[2] Trùng Cửu: Tết Trùng Cửu hay Trùng Dương, là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Đây là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc. Trong ngày này, mọi người cùng nhau đi leo núi (đăng cao), uống rượu hoa cúc và ngắm hoa cúc, cắm lá thù dù để trừ tà và ăn bánh cao.

Tìm hiểu thêm: http://lichvansu.wap.vn/phong-tuc-tap-quan/tet-trung-cuu-ngay-mong-9-thang-9-am-lich-28547.html

[3] Cá vược đen: là một chi cá nước ngọt trong họ cá Thái dương thuộc bộ Cá vược.



[4]



Rau nhút



Tương cá



Tàu xì

[5] Đăng cao: có nghĩa là đi lên chỗ cao. Một hoạt động trong tết Trùng Cửu, thường là đi lên núi.

[6] Bánh Trùng Dương: Hay còn gọi là bánh cao, bánh hoa cao… là món bánh truyền thống trong tết Trùng Cửu.



[7] Ngũ nội: hay chính là ngũ tạng, theo cách nói Trung y để chỉ tim, gan, lá lách, phổi và thận. (ND)

[8] Nguyên khí: ở đây chỉ sức khỏe, sức sống (ND).

[9] Chúc hoa mới cắt: Chúc hoa chính là nến. Thời cổ, người xưa dùng nến để chiếu sáng, khi nến cháy lâu sẽ lộ ra bấc đèn vừa dài vừa dễ bị tòe ra, ngọn lửa lúc này cũng quá lớn, dễ làm chảy nến dẫn đến lãng phí nên phải cắt bớt phần dư ra nhiều để duy trì độ sáng ổn định. Ngoài ra khi cảm giác quá chói cũng có thể cắt bớt bấc. (ND)

Bình luận

Truyện đang đọc