THÀNH PHẦN CÁ BIỆT

Có một số người sinh ra trên đời này đã ở sẵn vạch đích. Bảo là một trong số đó.

Mẹ đã vẽ sẵn từng đường đi nước bước cho cậu. Chỉ cần chấp nhận đi trên con đường trải đầy gai nhọn, cậu không nghi ngờ sẽ trở nên thành công. Thế nhưng ở bên ngoài con đường bỗng nhiên xuất hiện một người mang tên Ái Lạp. Thứ ánh sáng hiu hắt tưởng chừng chỉ cần thổi phù một cái đã tắt kia vô tình soi cho Bảo thấy đôi hàng song sắt trải dài hai bên đường. Một cái vạch đích được đánh đổi bằng sự tự do, và tình người.

Bảo không hề phủ nhận, Trịnh Gia Ái Lạp là mẫu con gái rất dễ bị ghét. Ham chơi, lười học, nhưng vì có hậu thuẫn nên nó cứ nhởn nhơ làm tất cả mọi việc. Nếu không tiếp xúc lâu dài và thấy được những việc tốt nó làm, hiển nhiên sẽ không thể yêu nổi nó. Láo toét, sốc nổi, nông cạn, ẩu đoảng, tất cả những nét tính cách mà Ái Lạp đang có điều là biểu hiện của việc được gia đình chiều chuộng. Song, nó đã bước chân vào cuộc đời cậu dễ dàng như thế.

Khoảnh khắc nghe phong phanh bọn cùng phòng đồn Ái Lạp bị bắt phao, tim Bảo lập tức nhảy lên hai cái, linh tính cùng lo lắng thi nhau trồi lên làm Bảo sốt hết cả ruột, tự nhủ Trịnh Gia Ái Lạp lại ngu đần để bị gài rồi. Đứa con gái bé xíu xíu như cây kẹo, trông yếu xìu mà sao gây thù ở đâu lắm thế. Có thật là nó gây thù không, hay cái tội lớn nhất của nó là khiến cho người khác ghen tị?

Sống ở cái cuộc đời đầy rẫy bất công này, sẽ có những người tốt bị chà đạp đến không vực dậy nổi. Cũng sẽ có những người vì bị chà đạp mà tổn thương, lòng sinh thù oán, oán với những kẻ được ông trời nâng niu mà sống tốt hơn mình. Thế nên mới nói, có một số trường hợp, thà đầu thai làm con chó còn sướng hơn làm người.

Bảo cuống đến chân xoắn vào nhau, suýt nữa ngã úp mặt giữa lớp, khoanh vội khoanh vàng cho hết tờ Anh rồi nộp bài phi như bay lên phòng hiệu trưởng. Lúc đi tới nơi thì cả một tập đoàn đã tụ ở đấy. Trí với Quỳnh Giao thi nhau nghển cổ ngó vào trong, Cường hỏi An là có thể tìm gạch chọi vỡ cửa sổ không, lập tức bị An gõ cho cái. Bảo thở dài, hỏi:

- Làm xong bài chưa mà ra sớm thế?

- Rồi!

- Xong rồi.

- Xong hết rồi!

- Ngủ cả buổi nghe có biến thì chạy ra chứ có làm quái đâu...

Trí lầm bầm lầu bầu, đoạn anh cười, xỉa xói đối tượng vừa mới đến:

- Đại ca chắc là cũng khoanh vội rồi chạy ra chứ gì?

- Được không đó, khoanh bừa tụt điểm là bị tụt khỏi lớp A đấy!

Quỳnh Giao thảng thốt nói, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Có vẻ như trong mắt cô bé, Bảo và Ái Lạp bắt buộc phải đi liền như khúc ruột, song cái vị bị bắt phao kia chẳng biết có trụ nổi ở lớp A qua đợt này hay không. An vuốt ngực, tự nhủ may mà bố cho chị chuyển sang lớp E với Trí cho chất lượng, chứ với lực học của chị cạnh tranh với bọn bên A cũng khá áp lực. Cường nhìn cả lũ lúc nhúc đứng ngoài này, khó chịu nói:


- Bao nhiêu người thế này mà không làm gì được cái cửa?

- Vấn đề không phải cái cửa, mà là thầy cô không cho vào!

An tiếp tục ghì đầu Cường, giảng giải cho cậu ta phép tắc và ứng xử. Khổ nỗi thằng tóc vàng như nước tiểu kia chả hiểu nghe có lọt chữ không, đôi con ngươi xanh biếc cứ nhìn chằm chằm cái phòng chứa đồ để tính toán xem có gì dùng được. Bảo khó chịu nhăn mặt, giơ chân lên đá gãy cái tay nắm cửa rồi xông vào trước con mắt trợn tròn của Trí, An và Quỳnh Giao.

Ái Lạp ngồi trong phòng hiệu trưởng, chán nản dựa vào nệm ghế. Nó tháo giày ra ngồi khoanh chân nệm, miệng ngậm trà, nuốt ực cái rồi ngửa đầu dưỡng thần. Phía đối diện các thầy cô vẫn đang bàn bạc về chuyện này. Những luồng ý kiến được chia làm hai phe đối lập, một cho rằng Ái Lạp vì muốn cái phòng tự học nên đã không từ mọi thủ đoạn, một rất phản đối vì đã được chứng kiến quá trình ôn tập khủng bố của Ái Lạp. Thế nhưng dư âm của vụ nghi vấn Ái Lạp gian lận lần trước vẫn chưa tan, nó chính là cái cớ để người ta nghi ngờ, và vịn vào phán xét con bé.

- Tôi thật sự không thể hiểu nổi, rốt cuộc nhà con bé này giàu đến mức nào mà có thể mua hết đạo đức nghề nghiệp các thầy các cô vậy? Từ lần nó triệu tập cả trường đi tìm người cũng thế, triệu tập ngay sát thời gian thi của học sinh mà các thầy cô cũng để nó làm. Các vị không nghĩ cho những học sinh khác nắng nôi không được ở nhà ôn tập mà phải bò đến trường hả?

Cô hiệu trưởng âm thầm lấy khăn lau mưa xuân của một thầy giáo trẻ, hận không thể lập tức đứng dậy vỗ vai xui thầy ấy ngồi xuống. Chú em à, lúc biết được ông nó là ai thì không còn là vấn đề tiền bạc nữa đâu, mà là vấn đề của chân em còn đứng vững để cãi cọ được không đấy. Ông nó ú oà cái là cả trường từ đi trồng người thành đi trồng cây luôn, em nói xem đạo đức của em lúc đó còn ăn được hay không?

- Nhưng nếu không làm thế thì ai minh oan cho các em học sinh bị vu oan? Chả nhẽ là thầy chắc?

- Tôi... Thầy đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia! Có thể lúc đó học sinh này thật sự đã làm được chuyện tốt, nhưng bây giờ chứng cứ đã rõ rành rành, các vị lại trì hoãn việc kỉ luật làm gương? Còn học sinh kia, thái độ của em như thế là có ý gì?

Thầy giáo trẻ bất ngờ chĩa mũi nhọn về phía Ái Lạp đang cố vắt chân lên cổ như tập yoga. Con bé vẫn còn đang mải mê với bài tập, ngẩn ra khi bị gọi tên. Nó hứ một cái, mang phong thái rất bình tĩnh hạ chân xuống. Ái Lạp nhấp ngụm nước, bắt chước mấy bà cụ thưởng trà mà thở dài:

- Có vẻ Việt Nam đã thay bóng bằng bát cháo để đá rồi.

- Cô....!

Thầy giáo tức nghẹn, định bụng mắng câu gì nhưng cửa ra vào đột nhiên bị đạp đến uỳnh một cái. Cô hiệu trưởng trợn mắt nhìn tay nắm cửa rơi lạch cạch, Bảo hiên ngang bước vào, đôi mắt nhanh chóng càn quét một vòng quanh phòng rồi dừng lại ở chỗ Ái Lạp.

- Không có chuyện gì đâu, thầy nói tiếp đi.

Bảo ngồi xuống ghế, kéo Ái Lạp sát vào mình rồi bịt tai nó lại. Cảm nhận toàn bộ hơi thở của Ái Lạp phả đều trên ngực mình, Bảo chưa thích ứng được, song vẫn cố làm vẻ ngầu lòi mà hất mặt với thầy giáo. Trời nóng thế này, được bao trong một tầng hơi người chắc sẽ chết ngốt. May phòng hiệu trưởng xịn có điều hoà, Ái Lạp đành cười nhạt, thoải mái dụi trán vào vai Bảo rồi nhắm mắt làm theo lời cậu nói.


- Ai cho em vào đây?

- Ơ thầy hay nhỉ? Nó đá cửa xông vào chứ làm gì có ai cho?

Trí từ bên ngoài nhanh nhảu thò đầu vào hóng, tiện thể lia dọc lia ngang xem có nhân vật nào quen mặt. Ối chà, đông đủ phết nhể, có cả thầy dạy Sinh đầy nhiệt huyết mới về nữa. Thầy thì cũng chẳng có gì xấu, chỉ bị cái tật cứ động đến gian lận là thầy làm quá lên. Học kì II năm ngoái lớp Trí học thầy này, có đứa dùng phao trong giờ kiểm tra 15 phút mà bị thầy bắt được lôi lên làm ầm ĩ trên phòng hiệu trưởng. Rốt cuộc chỉ vì 2 phút lầm lỡ mà thanh niên  kia hạnh kiểm yếu cả tháng, mất luôn cái bằng học sinh giỏi.

- Tất cả các em mau đi ra ngoài! Ở đâu có kiểu vô kỉ luật thế này?

- Nhưng thầy ơi, thầy chưa tra kĩ đã phán xét Ái Lạp thì có công bằng không ạ?

Đến lượt Quỳnh Giao với đôi mắt long lanh ngó đầu vào. Giọng con bé ỉu xìu, thút thít đầy oan ức làm ai cũng thương. Khổ nỗi đụng phải thầy giáo khó tính kia, dăm ba giọt nước mắt đều không có tác dụng.

- Gian lận bị bắt ngay tại trận còn điều tra cái gì nữa? Tôi đề nghị nhà trường huỷ luôn kết quả thi của em này và cho ra khỏi lớp A đi! Bình thường các học sinh khác bị bắt là lập biên bản luôn, đâu có câu giờ như cô này?

- Thầy cứ bình tĩnh ngồi xuống uống miếng nước đã. Nãy giờ chỉ có thầy nói, em nó đã được phân giải câu nào?

Chủ nhiệm lớp Trí bằng mặt không bằng lòng, cười giải hoà đưa cho thầy Sinh cốc trà. Bằng cách nào đó, cô có cảm tình với Ái Lạp kinh khủng. Tuy cách hành xử của con bé có phần khác người, song cô vẫn tin nó là đứa trẻ ngoan. Bằng chứng rõ nhất là việc nó động viên cái hố đen Trí lớp cô leo lên hạng 1 lớp và khi cần thì quyết tâm học hành hơn bất cứ ai. Đi dạy nhiều năm, cô có thể nhận ra những học sinh có tố chất bẩm sinh. Dạng học sinh như Ái Lạp hay Trí chỉ cần cố gắng một chút, chúng có thể làm tất cả mọi thứ mà không cần gian lận.

- Tôi nói cho thầy nghe này, không phải thầy cứ mở miệng ra một câu là chúng tôi ăn tiền hai câu là chúng tôi sợ quyền đâu. Học sinh tôi dạy tôi hiểu rõ, còn thầy, không phải chuyện của mình tự nhiên thầy can vào làm gì? Chủ nhiệm không phải, cán bộ coi thi cũng không phải. Thầy rảnh quá ha? Rảnh thì đem bài về chấm đi?

Cô chủ nhiệm lớp Ái Lạp nãy giờ đã cố nhịn mà nhịn không nổi. Học sinh lớp cô không hiểu sinh ra mang cái số gì, đã năng lực đã được kiểm chứng mà giờ vẫn còn bị nghi ngờ. Chẳng lẽ không ai hiểu từ ngày Ái Lạp vào trường, bao nhiêu mặt trái tối tăm đều được nó dọn hết hay sao?

Giáo viên đến trường chỉ tập trung giảng dạy, làm sao biết được các em phải chịu đựng oan ức gì? Nói ngay cả vụ bắt phao trong suốt thôi, biết đâu các khoá trước cũng có rất nhiều em bị vu oan rồi, nhưng không ai dám đứng ra lên tiếng? Biết đâu trước đến giờ trong trường mình tồn tại rất nhiều các nhóm như Trấn Lột, nhưng thầy cô không hề hay?

- Chị nói thì hay lắm! Chị sợ thành tích của chị bị tụt giảm chứ gì?

- Vâng, mấy dòng thành tích bọ của tôi sao so được với thầy? Giáo viên dạy giỏi Sinh cấp thành phố, nên về đây dám chặn họng cả người lớn tuổi! Chắc là tri thức nhiều quá, nên nó đẩy luôn lễ nghĩa ra ngoài rồi!


- Chị...!

Phòng hiệu trưởng lại lần nữa nổ ra tranh cãi. Trong mắt thầy cô Bảo luôn là một đứa lầm lì, hôm nay thì cậu ta còn đặc biệt bướng. Dù một số thầy cô đã khuyên Bảo nên đi ra ngoài nhưng Bảo nhất quyết không ra. Cậu len lén siết chặt lấy tay Ái Lạp, nhẹ nhàng xoa đầu nó rồi thủ thỉ chỉ cho hai đứa nghe thấy:

- Đừng quan tâm bọn họ, chỉ cần tao tin mày là đủ rồi.

- Đội phó, ngọt ngào thế?

- Câm ngay mồm!

Ái Lạp buồn ngủ, dụi đầu hai cái vào vai Bảo. Thật ra ngay từ đầu Ái Lạp đã chẳng quan tâm lắm. Chuyện lần này không hề đơn giản, nó bị bắt ngay tại trận, có biện bạch cũng chỉ là lí do lí trấu. Ái Lạp đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị lập biên bản rồi chuyển lớp, việc điều tra có thể từ từ tính sau.

- Gọi bố mày đi.

Bảo xui thầm Ái Lạp. Con bé ngẩng đầu lên, không hiểu gì nhìn vào mắt Bảo, ngu ngơ hỏi:

- Gọi làm gì?

- Gọi bố mày đến dùng tiền đập chết mấy người này.

- ....

Ở phía ngoài phòng Cường và Trí đang họp bàn sai người đi tìm bằng chứng minh oan cho đội trưởng. Trí điều động người của Thống Trị Thế Giới đi đe doạ moi tin tức và âm thầm thu thập chứng cứ, An dặn thêm mọi thứ phải làm trong bí mật vì chị có linh cảm lần này người đứng sau không đơn giản, chắc chắn có liên quan đến vụ bùa yêu.

Trong lúc đó phụ huynh của Ái Lạp được mời đến trường để làm việc. Ông Sơn tất nhiên không tin con gái vàng bạc của mình làm ra chuyện như thế nên liền giở giọng cãi cùn:

- Vậy sao? Chỉ cần lôi được bằng chứng ra đây, tôi sẽ kí biên bản.

- Bằng chứng? Đội xung kích trường đã soát được tai nghe ngay trên cổ áo học sinh và bắt tại tr...

- Anh bị điên à? Tai nghe mà treo trên cổ áo thì nghe bằng c... à nhầm niềm tin à? Anh là thầy mà sao không biết nghĩ thế?


Giáo sư Toán học lập tức chặn ngang miệng giáo viên giỏi Sinh. Thầy Sinh á khẩu không nói nên lời, đôi mắt dưới gọng mính trợn trừng hằn tia máu. Giáo sư Sơn không muốn nói nhiều, chốt lại vẫn là muốn lòi bằng chứng xác thực ra thì mới kí. Nhìn cái điệu bộ hống hách kia, thầy Sinh khó chịu lầm bầm rằng chắc chắn Ái Lạp đã được nuông chiều đến hư. Bố Sơn nhếch mép cười, vô cùng đồng ý quẳng ra bàn một cái bút máy rồi nói:

- Hoặc là các vị cứ cầm bút mà kí hộ tôi luôn đi này, tôi không ngại đâu.

Ái Lạp ngồi ở một bên nghe xong tỏ ra kiểu: Giáo sư nói thế thì bố ai dám kí? Nó ngẩng lên nhìn biểu cảm của thầy dạy Sinh, phát hiện làn da thầy đã chuyển đỏ, cô hiệu trưởng thì chuyển xanh, biết chắc được kết cục việc này như thế nào. Rốt cuộc cô chủ nhiệm lớp Ái Lạp đứng lên nói không phải Ái Lạp giỏi nhất chuyện điều tra hay sao, lần này cô thuê em, hãy tự đi điều tra và minh oan cho chính mình.

Ái Lạp được xử án treo, ra về trong vòng tay ngập tràn nước mắt của lớp trưởng Quỳnh Giao. Con nhỏ ôm chặt lấy Ái Lạp, thút thít khóc đầy hờn dỗi:

- Tớ đã nói đến như thế rồi mà thầy ý còn quát tớ...

- Thôi, lớp trưởng so đo gì với người già.

Ái Lạp vỗ lưng Quỳnh Giao, ngay lập tức bị Trí trêu ghẹo:

- Thầy ấy mà già? Còn không phải do tỷ tạo nghiệp nhiều quá nên bị người ta ghét bất chấp à?

Quỳnh Giao nghe xong giật mình, sợ Ái Lạp buồn mới vội vàng nói:

- Anh hâm à, Ái Lạp làm gì mà tạo nghiệp? Làm việc tốt nhiều như thế, đức cao đến mấy tầng lầu rồi!

- Ồ, thế thì bé con này chắc chưa thấy cảnh bạn nó đánh người rồi. Em gái có muốn xem không, hôm nào chị dắt đi?

An bật cười, cho rằng Ái Lạp đang giả vờ hiền lành để được bạn cùng lớp yêu chiều, bắt đầu dụ dỗ Quỳnh Giao. Quỳnh Giao nhớ đến cảnh Ái Lạp đạp anh hội trưởng để bênh con bé 2 năm trước, cảm thấy chắc chắn sẽ ngầu lắm, rụt rè gật đầu.

- Sao đại tỷ hay bị hại thế nhỉ? Rõ ràng em, An với Bảo cùng đi tạo nghiệp cùng tỷ, thế mà lần nào tỷ cũng hứng hết.

Trí thắc mắc, nhận lại là cái hất tóc đầy kiêu ngạo của đội trưởng nhà mình. Ái Lạp híp mắt lại, hai tay chống hông, hai cái chân vừa đi vừa dậm bình bịch:

- Không phải tại tôi quá xinh và tính cute à? Hoa thơm trái ngọt thì hay bị người ta vùi dập mà?

Ái Lạp nói xong cả lũ liền phá lên cười, riêng Bảo thì vẫn đang nhìn ảnh cái tai nghe chụp lén trong phòng ban nãy.

***


Bình luận

Truyện đang đọc