Năm nay Quốc Khánh và Trung Thu rất sát nhau, một số người không có áp lực công việc quyết định xin nghỉ liền luôn thành một đợt.
Ngay cả hội bán buôn trong khu chung cư cũ của xưởng máy móc cũng không ngoại lệ.
Họ hầu như đều đóng cửa hàng, hòa theo cái tính nhàn nhã đã ăn vào máu của dân Dung Thành, dìu già dắt trẻ ra ngoài du sơn ngoạn thủy, như thể chẳng phải vội vã kiếm tiền ngay.
Nhiếp Chấn Hoành vốn cũng định đưa Lâm Tri đi chơi đâu đấy, nhưng lời mẹ dặn trước đó vẫn còn để lại dấu vết trong lòng anh.
Là người già hơn trong cuộc tình này, tuy em người yêu thương mến chẳng bao giờ chê bai ghét bỏ anh, nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành cũng muốn trao những gì tốt nhất cho em người yêu, bất kể là tình cảm hay vật chất.
Trước kia anh chỉ có một mình, phủi tay sống chấm chớ cũng chẳng sao.
Nhưng chẳng rõ từ khi nào, suy nghĩ của Nhiếp Chấn Hoành về tương lai đã không còn là kiểu thờ ơ được chăng hay chớ nữa.
Vì có thêm một cậu trai đáng yêu ít nói bên cạnh, nên tự dưng anh lại không nỡ tiếp tục sống buông xuôi theo nếp cũ.
Dù đời anh nát tươm cỡ nào, anh vẫn muốn vận hết sức mình đong đầy nước vào đó, để bé con mãi mãi không bao giờ phải khát.
Suy nghĩ này còn mãnh liệt hơn thời anh lập nghiệp với mấy đứa bạn hồi xưa, gần như sắp khỏa lấp lối sống thỏa mãn với tất cả sự đời đổi thay bây giờ.
Nhiếp Chấn Hoành lại nảy sinh khát vọng rõ ràng với tương lai.
Lần này, anh không khát vọng cho mình, mà anh khát vọng cho người khác —— anh muốn dành những điều tốt nhất cho một cậu ngố tên là Lâm Tri.
Vì thế nhân kỳ nghỉ này, Nhiếp Chấn Hoành gọi mấy người bạn, sửa lại hết tiệm giày cũ kỹ.
Anh định để ra một góc còn buôn hàng mới.
Trương Hưng Toàn của tiệm kim khí kế bên, Vương Kim Bảo ở nhà trông quán, và cả Nhiệt Hợp Mạn nữa, đều bị Nhiếp Chấn Hoành gọi tới giúp chẳng khách khí tẹo nào.
Chỉ trong hơn mười ngày ngắn ngủi, mặt tường, trần nhà, rèm cửa, sân sau… gần như mọi món “bất động sản” trong tiệm sửa giày đều được thay áo mới, thoạt trông sáng sủa mới toanh.
Nhiếp Chấn Hoành vốn định để Lâm Tri ở trên lầu mấy hôm.
Cửa hàng sửa sang lại sẽ lộn xộn lắm, anh sợ bé con va đập vào đâu, mình lại đau lòng.
Nhưng Lâm Tri không chịu, cậu mở to đôi mắt đen láy sáng rực đòi giúp đỡ.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành véo đôi má càng ngày càng múp mềm của bé con, sắp xếp một nhiệm vụ cho cậu.
“Vẽ tranh ạ?”
“Ừ, vẽ ở đâu trên tường cũng được.”
“Vẽ gì ạ?”
“Tri Tri muốn vẽ gì thì vẽ nấy.”
“Vâng…”
“Nghĩ ra chưa?”
“Rồi ạ!”
“Vậy Tri Tri tính vẽ gì?”
“Em muốn vẽ… thế giới của anh Hoành!”
Nhiếp Chấn Hoành không biết “thế giới” của mình trông như thế nào, nhưng anh chẳng hề lo lắng, mà vung tay giao mấy bức tường trong cửa hàng cho Lâm Tri sáng tác luôn, không hỏi thêm câu gì.
Chỉ còn nỗi ngọt ngào ngập tràn sướng vui vương lại dưới đáy lòng anh, đợi bé con giải thích thắc mắc cho anh bằng những nét cọ.
Đến khi trang hoàng nội thất gần xong, Nhiếp Chấn Hoành bèn để không gian lại cho Lâm Tri trổ tài, anh thì kéo mấy miếng gỗ lớn ra sân sau, bắt đầu làm đồ gỗ.
Đến đây thì lại phải nói thêm, Nhiếp Chấn Hoành vốn định dùng luôn đồ cũ có sẵn làm kệ hàng trưng bày và bàn để dụng cụ.
Nhưng vì anh muốn dành một góc để bày đồ mới, nên không thể nhét bừa đống đồ đạc cũ vào được nữa.
Đúng lúc Nhiếp Chấn Hoành đang sầu não vò đầu bứt tai, thì anh lại gặp cô nàng Đỗ Tử Vân đến cửa hàng chơi với Lâm Tri.
Không ngờ ngành Đỗ Tử Vân đang theo học ở trường đại học lại là thiết kế nội thất.
Thấy có mảnh ruộng cho mình thí nghiệm ngay trước mắt, cô nàng rục rịch ngứa ngáy, chạy về nhà lấy máy tính vọc phần mềm CAD, rồi quy hoạch lại phương án sử dụng không gian cho tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành.
(CAD là dạng viết tắt của Computer aid design.
Đây là một phần mềm chuyên biệt hỗ trợ cho nhà thiết kế phác thảo, xây dựng các mô hình kỹ thuật, lắp ráp và xuất bản bản vẽ kỹ thuật cho các ngành nghề nhất định.)
“Đây ạ! Trước đây cháu thấy tiệm mình cứ chật chật, rõ ràng diện tích cũng chẳng bé, mà chú Nhiếp chủ tiệm cứ để mấy cái kệ hàng to choán hết cả chỗ.
“Cháu xem kệ hàng rồi, ngày trước cũng chẳng để nhiều đồ lắm, hoàn toàn có thể chuyển thành tủ hai mặt ở góc nhà.
Không chiếm chỗ, mà còn tận dụng không gian được tốt nhất!
“Thêm thanh ống lồng vào từng ngăn của tủ, tự động gập mở, không cần đứng lên ghế điều chỉnh độ cao nữa! Cũng tiện cho chú với Lâm Tri cất đồ ạ.
“Cái TV này… ừm, dù sao nó cũ rích rồi, cháu cũng chẳng thấy hai người dùng mấy, cứ treo quách lên tường đi.
Dạo này đang mốt cái kiểu, gọi là gì ấy nhỉ? Đúng rồi, style retro thập niên 80 ấy!
“Chú chủ quán Nhiếp tính làm gì với chỗ rộng nhất ở bên phải cửa hàng đấy ạ? Ồ, vậy ạ, thế thì mình có thể làm giá để giày hình thang, đóng chéo lên tường, tiện cho trưng bày luôn.
“Còn chỗ để Lâm Tri vẽ tranh thì…”
Đỗ Tử Vân vừa chỉ vào máy tính, vừa dùng tay phác họa trong không gian thật của cửa hàng, nước miếng bay tứ tung, nói rõ là hứng khởi say sưa, nhưng bỗng bị Nhiếp Chấn Hoành ngắt lời.
“Đừng đổi chỗ vẽ tranh của thằng bé.
Cứ để đấy đi, có sao đâu.”
“Nhưng mà…”
Đỗ Tử Vân vốn định bảo, chỉ cần dịch bảng vẽ của Lâm Tri đi mấy bước rồi quay qua hướng khác thôi là tiệm đã rộng hơn một tẹo rồi.
Nhưng khi lướt mắt qua gương mặt ông chủ cửa hàng và cậu thanh niên xinh trai bên cạnh, cô nàng lại nuốt câu định nói xuống.
Được rồi, cô nàng chẳng xen vào chuyện tình thú của đôi này đâu.
“Vậy cũng được ạ, đặt giá vẽ của Lâm Tri dưới TV đi, tận dụng khoảng trống ở gần cửa này.
Nhìn ra sân sau, cũng sáng sủa.
“Ẹc… vậy chú Nhiếp chủ quán ơi, chú thì sao?”
Đỗ Tử Vân lên kế hoạch xong, bỗng phát hiện hình như mình chưa xếp chỗ cho ông chủ nhà người ta, không khỏi lè lưỡi.
Nhiếp Chấn Hoành cười thoải mái, “Chú thì sao cũng được.
Ban ngày chú ngồi ra bên ngoài cũng chẳng sao.”
Đỗ Tử Vân quan sát khoảng bên ngoài cửa hàng, vỗ tay đánh chát, “Ý chà, cháu biết rồi! Có thể làm một cái bàn dụng cụ kéo đẩy được! Mỗi lần mở tiệm, chú Nhiếp chủ quán kéo chốt đẩy bàn dụng cụ ra ngoài là được, lúc nào đóng cửa thì kéo vào trong, không vướng lối, cũng chẳng cần di chuyển tới lui!”
“Ừ, được đấy.”
Nhiếp Chấn Hoành không ngờ vấn đề hóc búa ấy lại được giải quyết dễ dàng đến vậy, tự dưng lại có thiện cảm với Đỗ Tử Vân hơn.
Anh móc một quả cam ra từ túi hoa quả kế bồn rửa, đưa cho Đỗ Tử Vân, “Cảm ơn cháu.
Bao giờ sửa xong tiệm, chú sẽ gửi tiền.”
“Hầy! Tiền nong gì đâu ạ!” Đỗ Tử Vân vội vàng xua tay, “Việc nhỏ việc nhỏ thôi, vả lại cháu với Lâm Tri cũng là bạn bè mà, giúp bạn mình thì có to tát gì đâu!”
Nhiếp Chấn Hoành nghe Đỗ Tử Vân tự gộp anh với bé con nhà anh thành một khối thì lại càng hài lòng ra mặt, “Vậy…”
“Anh Hoành!”
Bỗng nhiên, Lâm Tri vốn đang ngồi xổm trong góc pha màu chợt gọi về phía này.
Nhiếp Chấn Hoành vội ngừng câu chuyện, đi đến ngồi xổm xuống cạnh em người yêu, “Sao thế?”
Cậu thanh niên thanh tú ngước đầu, môi hơi mím lại, mặt vẫn chẳng có biểu cảm gì, nhưng Nhiếp Chấn Hoành lại nhận ra hình như cậu hơi bực.
“Sao vậy em? Ngồi xổm mệt quá à?”
Lâm Tri lắc đầu.
“Thế thì em làm sao vậy?” Nhiếp Chấn Hoành tiếp tục hỏi dịu dàng.
Lâm Tri mím môi lại, rồi mới nói, “Muốn ăn cam.”
“Vậy à.”
Nhiếp Chấn Hoành yên lòng, cười xoa đầu bé con, “Chờ nhé, anh Hoành rửa tay rồi bóc cho em.”
“Dạ!”
Lâm Tri đưa mắt về phía Đỗ Tử Vân đứng cách mình không xa đang vật lộn bóc vỏ cam, liếc một lượt, rồi mới khoe đôi má lúm đồng tiền với người đàn ông, “Vâng ạ.”
Còn Đỗ Tử Vân đứng ngoài cửa, gắng mãi mới bóc xong quả cam xanh, đang cười hì hì tách một múi bỏ vào miệng, thì mặt bỗng nhăn tít lại như quả dưa muối.
“Ui ~ chua loét!”.