TIỆM ĐỒ CỔ Á XÁ

1

Năm 190, thành Lạc Dương.

Cậu bé chín tuổi Lưu Hiệp kiễng chân trèo lên cánh cửa gỗ đã được bịt kín bằng các thanh gỗ, từ lỗ thủng to bằng nắm tay, cậu nhìn cảnh tượng hỗn loạn bên ngoài, không biểu cảm gì.

Cung điện đẹp đẽ ngày trước đã biến thành địa ngục trần gian, chỉ vì Đổng tướng quốc kiên quyết đòi dời đô khỏi Trường An.

Lưu Hiệp không hiểu tại sao Đổng tướng quốc lại bắt cậu vứt bỏ nơicậu lớn lên từ bé, nhưng cậu nhớ sự điên cuồng khát máu trong đôi mắt kẻ đó, cùng với vài vị sĩ đại phu muốn cản trở đã phải nằm dưới chân cậu, và máu tươi chảy từ thanh trường kiếm xuống.

Tuy mới chín tuổi, nhưng cậu cũng biết Đổng Trác không nhất thiết phải cần có cậu, cũng như hoàng huynh nửa năm trước bị đầu độc chết trước mặt cậu. Nếu không nghe lời, Đổng tướng quốc có thể giết cậu mà không cần chớp mắt, rồi chọn ra trong đám tông thất một người biết nghe lời để làm hoàng đế.

Thuận theo thì sống, chống lại thì chết.

Cho dù chưa có ai nói với Lưu Hiệp câu đó, nhưng cậu hiểu ra rất nhanh, sau đó trở nên càng lúc càng trầm lặng và nghe lời.

Cậu chỉ muốn được sống.

Lưu Hiệp lặng lẽ nhìn khói đen bốc lên phía xa, chỉ nhìn phương hướng cũng biết đó là điện Đức Dương, chính điện của Nam Cung. Trong điện đó rộng đến mức chứa được cả vạn người, xung quanh có hào nước, có bệ ngọc cột châu, cậu vẫn nhớ hồi nhỏ thích được lén chạy ra đó để ngắm hình tiên nữ được đục trên cột trụ vàng. Điện Đức Dương cao lớn hùng vĩ, theo lời ba hoa của đám thị vệ, thì đứng tận thành Yêm Sư cách Lạc Dương hơn bốn mươi dặm vẫn có thể nhìn thấy điện Đức Dương và cổng Chu Tước cao vút tầng mây. Hồi đó cậu nghĩ chắc đám thị vệ muốn cậu vui lòng mà thôi, nhưng giờ đây thì không nhịn được, cậu phải tưởng tượng trong lòng. Không cần biết những lời đó là thật hay giả, nếu để những đám quân đóng gần Lạc Dương, lên tiếng đòi đánh Đổng Trác nhưng lòng dạ khó lường như Viên Thiệu, Tôn Kiên... nhìn thấy khói đen từ cung điện bị đốt, không biết họ sẽ có tâm trạng gì.

Lưu Hiệp bị nhốt trong vườn Nam Uyển ngoài thành Lạc Dương, đây là nơi vui chơi yêu thích nhất của phụ hoàng Hán Linh đế, cũng là khu vườn lớn nhất xa hoa nhất, những khu Hiển Dương Uyển, Hiển Minh Uyển, Linh Côn Uyển xung quanh đều không bằng. Lưu Hiệp nhìn bậc thềm phủ đầy rêu xanh mà cậu từng rất thích, nhưng máu đỏ đã chảy tràn trên rêu xanh, dần dần phủ kín hết màu sắc cũ, cuối cùng do nhiều người giẫm lên mà biến thành màu đen xám kinh tởm.

Dòng kênh nước bao quanh những khu tắm trần giữa cung đình lầu gác, dòng nước xanh năm xưa, giờ đây nổi dập dềnh trên đó không phải là những mỹ nữ yến tiệc thâu đêm nói cười vui vẻ đang chèo thuyền nữa, mà là những thi thể chết không nhắm mắt, cảnh tượng thảm khốc đó khiến Lưu Hiệp thậm chí không đủ sức để rời mắt đi.

(Khu tắm trần thời Hán Linh đế, hay gọi là "lõa vịnh quán", là nơi Hán Linh đế ăn chơi thác loạn cùng các cung nữ)

Cậu chợt nghĩ, lỡ mình một ngày nào đó trở thành một trong số kia, nghĩ đến đó cậu cảm thấy lạnh buốt sống lưng.

Không, cậu chỉ muốn được sống.

Cậu biết thời cuộc bây giờ không ra gì, cho dù cậu là thiên tử, thì trong mắt kẻ kia cũng chẳng khác gì một con chó, có thể tùy ý giam trong cung điện, đến cả quân lính canh phòng cũng đang đi cướp giật vàng bạc châu báu, chẳng còn ai nhớ đến cậu. Nhìn mặt trời chiều đỏ như máu phía chân trời, Lưu Hiệp mới nhớ ra, gần một ngày rồi mà chưa có ai cho mình ăn.

"Bệ hạ...", tiểu thái giám hầu hạ bên cạnh nghe thấy tiếng chém giết bên ngoài, lắp bắp định khuyên tiểu hoàng đế của mình đừng xem nữa, nhưng bị Lưu Hiệp lườm một cái, bèn thôi không nói gì.

Phải, họ bị giam ở đây mấy hôm rồi, đám quân lính chẳng thèm coi Lưu Hiệp là vua, không cho họ ăn uống gì, còn đòi họ đổi vàng bạc châu báu lấy đồ ăn, giờ thì đồ đạc trên người họ bị lấy đi sạch rồi. Đám quân lính thấy không còn gì moi được nữa, bèn lấy gỗ đóng kín cửa lại, dù sao thì biết chắc họ không ra ngoài được rồi, tự mình thì đi cướp bóc. Tiểu thái giám tự thấy mình không có gan để nhìn cảnh tượng bên ngoài, nhưng mà cũng cần phải có người nhòm ra, để biết đâu có ai nhìn thấy họ...

Lưu Hiệp rời mắt đi, cậu không hề muốn nhìn cảnh tượng đó nhưng cậu vẫn phải ép mình nhìn, và còn ép mình phải nhớ hết mọi thứ nữa. Nếu không thì cậu sợ mình sẽ đi phản kháng, đi đấu tranh mất.

Cảm giác đói bụng rất khó chịu, Lưu Hiệp lấy tay xoa xoa cái bụng lép kẹp, đã hoàn toàn không còn nghe thấy tiếng bụng sôi réo nữa, cậu cũng không biết Đổng Trác vứt cậu ở đây là do sợ cậu bị kẻ khác cướp đi, hay là muốn có một lý do chính đáng để trừ bỏ cậu.

Khi cậu hít một hơi sâu, rồi kiễng chân lên nhìn ra ngoài một lần nữa, bỗng nhiên thấy ngoài cửa điện có một người đang đứng không rõ từ bao giờ. Gã đó mặc một chiếc áo thâm vạt quấn bó, ống tay rộng, chiếc xiêm đen rủ xuống chân trông rất thanh nhã, từ góc nhìn của Lưu Hiệp, không thể thấy được gương mặt gã đó, chỉ có điều cảm thấy hơi kỳ quái, trong thời kỳ binh lửa này, vẫn còn có người áo không dính chút bụi, thật là hiếm có.

Lưu Hiệp cũng không nghĩ nhiều được nữa, cậu bị giam nơi hẻo lánh, ít người qua lại, khó khăn lắm mới gặp được một người còn sống, bèn vội vã cất tiếng gọi: "Tiên sinh! Tiên sinh!"

Quả nhiên người đó không bỏ đi, nhưng cũng không nói gì.

Lưu Hiệp liếm đôi môi khô khốc, cậu đói muốn chết, thấy người kia không nói gì, lại vội vã gọi: "Tiên sinh, có thức ăn không? Ta có vật có thể đổi được...". Cậu ngại không muốn xưng là trẫm, bởi cái danh thiên tử của cậu vốn là một trò cười rồi.

Bên ngoài vẫn không có động tĩnh gì, Lưu Hiệp chán nản nhún vai, trong thời loạn này, đồ ăn còn quý trọng hơn cả vàng bạc châu báu, làm sao người kia có thể tùy tiện cho cậu được? Lưu Hiệp thò tay vào trong áo, định mò lấy ra chiếc túi nhỏ mà cậu chưa từng bỏ ra khỏi người, nhưng rồi chẳng mò được gì, cậu thấy hoang mang. Chiếc túi vốn là đựng ngọc tỉ truyền quốc làm bằng ngọc bích Hòa Thị, là đồ mà hoàng huynh trước khi chết đã trân trọng gửi cậu, cậu vẫn luôn cẩn thận cất kỹ trong người, kể cả khi Đổng Trác đòi, cậu cũng giả vờ ngây ngô để che giấu đi. Nhưng vào hôm qua, sau khi bị đám binh lính cướp bóc, cậu đã chẳng còn gì nữa.

Thứ võ lực mạnh mẽ dã man ấy, thứ đao kiếm dính đầy máu ấy... Lưu Hiệp không hiểu lắm, chẳng phải binh lính nên bảo vệ cho cậu hay sao?

Thế nào là thiên tử? Lưu Hiệp vẫn nhớ, trong thiên "Quý công", sách "Lã Thị Xuân Thu" mà thái phó cho cậu xem có một chương viết: "Thiên hạ phi nhất nhân chi thiên hạ dã, thiên hạ chi thiên hạ dã" (Thiên hạ không phải là thiên hạ của một người, thiên hạ là của thiên hạ).

Lưu Hiệp mím môi lại, không nói nữa, vấn đề thiên hạ là của ai, giờ đây rõ ràng không quan trọng bằng vấn đề của cái bụng cậu, nhưng cậu đã không còn vật gì để trao đổi nữa rồi.

Đúng lúc ấy, cậu bỗng nhiên ngửi thấy một mùi thơm hấp dẫn. Nghiêng đầu nhìn, Lưu Hiệp ngạc nhiên nhìn cánh tay rất đẹp thò qua khe hở trên cửa, mà khiến cậu ngạc nhiên hơn, là chiếc bánh nướng trong bàn tay đó.

Như thể sợ người kia thay đổi ý định, Lưu Hiệp chẳng còn lo cho thể diện hoàng gia nữa, cũng chẳng nghĩ xem trên chiếc bánh đó cổ độc hay không, vội vã giật lấy cho vào mồm, ăn như hổ đói. Tiểu thái giám hầu hạ bên cạnh cũng chạy tới, đưa cho cậu một cốc nước. Tuy họ bị nhốt trong điện, không có đồ ăn, nhưng nước thì không thiếu.

Gã áo đen đó không chỉ cho họ chiếc bánh, mà còn tiếp tục đưa rất nhiều đồ ăn vào qua lỗ hở trên cửa, có cả bánh bao và thịt muối. Lưu Hiệp và mấy tiểu thái giám chia nhau ăn, bụng không còn đói khát nữa. Lưu Hiệp nhìn ít bánh bao và thịt muối còn lại, hơi tiếc nuối nói: "Ta no rồi, tiên sinh có cần những cái này không?"

Một tiếng thở dài vang ra từ bên ngoài, một giọng nói nhẹ nhàng cất lên: "Không cần, cậu giữ lấy đi".

Lưu Hiệp vui mừng, từng này thức ăn đủ để cậu trụ được vài hôm rồi, nhưng ngay lập tức cậu nhớ ra, liền cung kính nói, có chút ngượng ngùng: "Ơn cho bữa cơm của tiên sinh, Bá Hòa xin ghi tạc trong lòng, xin hỏi họ tên tiên sinh, không biết có thể cho biết không?"

Tuy Lưu Hiệp mới chín tuổi, nhưng cũng đã thấy đủ nhân tình thế thái. Năm xưa Hàn Tín nhận một bữa cơm, sau đó còn báo đáp bà cụ giặt vải ngàn lượng vàng, Lưu Hiệp cho rằng cho dù hôm nay không thể báo đáp người ta, cũng nên để sau này đền đáp. Nghe giọng mà đoán, thì gã kia là một nam nhân trẻ tuổi. Lưu Hiệp lục lọi trong trí nhớ, đoán là mình chưa từng nghe thấy giọng người này trước đây.

"Không cần đâu, cậu chịu khổ rồi". Không rõ có phải cậu nói vừa ý người kia không, chỉ thấy cánh tay thanh tú lại thò vào trong, hiền từ xoa đầu cậu.

Mấy ngày này Lưu Hiệp sợ hãi đủ đường, giờ mới là lần đầu tiên cảm nhận được sự quan tâm từ người lớn, dù sao cậu cũng là một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, vừa cảm thấy sự ấm áp trên đầu, liền xúc động rơi lệ, nước mắt lặng lẽ chảy giàn giụa.

Cánh tay đó xoa đầu an ủi cậu một lát, rồi lại đưa vào một chiếc túi gấm nhìn rất quen mắt. Lưu Hiệp đỡ lấy túi, há hốc mồm, vừa khóc vừa mở túi ra, thì thấy trong túi chính là ngọc tỉ truyền quốc - ngọc bích Hòa Thị mà cậu bị lấy mất. Cậu vội vã lau nước mắt, lật đi lật lại ngọc tỉ một cách đầy kinh ngạc. Đây là ngọc bích Hòa Thị của cậu? Hình như hơi lạ? Cảm giác chất ngọc không được sáng bóng như hồi xưa.

Lưu Hiệp nén sự nghi hoặc lại trong lòng, là thật hay giả cũng không quan trọng, ngọc bích Hòa Thị trong tay cậu vốn là vô dụng, chẳng bao lâu sau rồi cũng bị người khác cướp mất.

Gã đàn ông ngoài cửa không thấy cậu nói gì, lại thở dài một tiếng, nói: "Thôi, ta tặng cậu vật khác vậy". Nói đoạn, lại đưa một món đồ qua khe cửa, lần này thì bên ngoài không bọc gì cả.

Lưu Hiệp đón lấy món đồ, thì phát hiện ra đó là một chiếc móc câu đai bằng ngọc.

Câu đai, là đồ móc bên đai lưng của quý tộc và văn nhân võ sĩ thời cổ, thời xưa còn gọi là "tê tỉ". Chất liệu, hình dạng, kích cỡ và hoa văn của câu đai, có thể đại diện cho chính người đeo. Chiếc câu đai bằng ngọc của Lưu Hiệp đã bị người khác lấy mất rồi, giờ đây cậu chỉ buộc một nút thắt đơn giản bằng đai áo, trông thật thảm thương. Lưu Hiệp cầm chiếc câu đai ngọc trong tay, phát hiện ra chiếc câu đai này có hình một con rồng, đầu và đuôi rồng đều uốn hình móc câu, điêu khắc cổ điển mà nhã nhặn, trên chất ngọc trắng có mấy vạch màu đỏ tía như máu, cảm giác không chỉ gây ngạc nhiên, mà như hút hồn người nhìn. Lưu Hiệp nhìn mấy vệt đỏ trên ngọc, nghĩ bụng chắc chiếc câu đai này cũng phải lâu năm rồi.

"Chủ nhân đầu tiên của câu đai ngọc này, tương truyền là Tây Bá Hầu Cơ Xương, cũng chính là Chu Văn Vương sau này".

Giọng nói của người đó trầm trầm vang lên từ ngoài cửa. Tiếng chém giết phía xa đã không còn nghe rõ, tâm hồn của Lưu Hiệp đã bị chiếc câu đai ngọc thu hút không dứt được.

"Này cậu bé, cậu muốn nhất là thứ gì?" Gã kia bình thản hỏi.

Lưu Hiệp còn chẳng hề nghĩ ngợi gì, lập tức trả lời dứt khoát: "Muốn sống".

"Tương truyền rằng chiếc câu đai ngọc này có thể khơi dậy dã tâm lớn nhất của con người". Gã đó khẽ thở dài, chậm rãi nói: "Hãy sống cho tốt...".

Lưu Hiệp hơi thất thần một lát, đến lúc định thần lại, thì không còn thấy bóng dáng người mặc áo đen bên ngoài cửa nữa, mà có một nhóm binh lính kéo tới, đang cậy cánh cửa điện bị đóng kín.

"Bệ hạ, thần cứu giá chậm trễ, để bệ hạ chịu khổ rồi" Trong đám binh lính quỳ ngoài cửa điện, Lưu Hiệp nhận ra vài người rất quen, đều là đệ tử thế gia nhà Hán, bất đắc dĩ mới phải phục vụ Đổng Trác chuyên quyền, nhưng trong lòng thì vẫn trung thành với cậu, chỉ cần không động tới giới hạn của họ thôi. Ví như họ chỉ có thể đảm bảo an toàn cho cậu, không thể trực tiếp đối đầu với Đổng Trác, dù sao đằng sau họ vẫn còn có rất nhiều tông thất nhà Hán.

Lưu Hiệp nắm chặt chiếc câu đai ngọc trong tay, có lẽ vì mấy ngày nay khó khăn lắm mới được bữa ăn no, cậu tỉnh táo lạ thường. Cậu chọn ra một người cậu thấy quen mặt nhất, đi tới bên người đó, đưa ngọc bích Hòa Thị trên tay ra. Người đó hai tay đỡ lấy, mở ra xem, bỗng nhiên thất sắc, ngẩng đầu nhìn Lưu Hiệp không biết phải làm gì.

Lưu Hiệp tuy không cao, nhưng kẻ kia đang quỳ bên cạnh, cậu cũng vừa đủ với tới tai của người đó. Cậu nói rất nhỏ, từng chữ một: "Đem thứ này vứt cho đám được gọi là trung thần đang ở ngoài cửa kia, Viên Thiệu, Tôn Kiên, Hàn Phức, tùy ngươi chọn".

Người đó lơ ngơ nhìn cậu, vẫn chưa hiểu vì sao lại thế.

Lưu Hiệp bóp chặt vai anh ta, nhếch mép nói: "Nhị đào sát tam sĩ...".

Năm xưa Án Tử dùng hai trái đào mà giết ba dũng sĩ, nay cậu dùng một khối ngọc Hòa Thị chẳng ai biết là thật hay giả, chẳng lẽ lại không mượn đao giết người được hay sao?

Hãy sống cho tốt... Lưu Hiệp nắm chặt lấy câu đai ngọc trong tay.

2

Năm 199.

"Rầm!"

Tào Phi vừa đến bên ngoài thư phòng liền nghe thấy một tiếng động lớn, hình như tiếng một thứ gì đó bị ném xuống sàn. Cậu ta chần chừ, cánh tay định đẩy cửa phòng liền dừng lại, cậu biết dạo này tâm trạng của phụ thân không tốt lắm.

Đại ca lớn hơn cậu mười tuổi, hai năm trước bất ngờ chết ở trận chiến Uyển Thành, sau chuyện đó phụ thân thỉnh thoảng hay nổi cáu. Lại cộng thêm gần đây liên tục xảy ra chuyện, mấy hôm trước thì bỗng nhiên có vụ "y đới chiếu", càng khiến lửa giận của phụ thân bị đẩy lên cao điểm.

(Chiếu thư được giấu trong đai áo. Lưu Hiệp (Hán Hiến Đế) mâu thuẫn với Tào Tháo sau khi bị ép dời đô về Hứa Huyện, liền gửi mật chiếu trong đai áo cho Đổng Thừa. Đổng Thừa bàn mưa cùng một số đại thần khác (trong đó có Lưu Bị) để giết Tào Tháo, nhưng sự việc bại lộ)

Thằng nhóc con Lưu Hiệp mà dám chơi trò này? Dám hạ "y đới chiếu" âm mưu giết hại phụ thân cậu?

Tào Phi lạnh Lùng nhếch mép cười, tuy năm nay cậu mới mười hai tuổi, nhưng sinh ra thời loạn, huynh trưởng thì mất sớm, cậu buộc phải ép mình dùng tư duy của người lớn để suy nghĩ.

Người trong thiên hạ đều nói phụ thân cậu ép thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, đó là vì họ đố kỵ. Lưu Hiệp trong tay ai cũng vậy mà thôi, trước là Đổng Trác, sau là Tào Tháo. Hơn nữa Tào Phi tự thấy, Lưu Hiệp trong tay họ, có ăn có mặc, có thể diện, ở cuối thời Đông Hán này, anh hùng đuổi hươu này một con hươu hấp dẫn như vậy mà được họ phụng dưỡng tử tế, không giết hại đã là rất nhân từ rồi.

(Lấy ý trong "Sử ký": Tần mất con hươu, thiên hạ cùng đuổi (Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi), ở đây "hươu" ý chỉ ngôi vị thiên tử)

Có lẽ vì nuôi tốt quá, nên con hươu này quên mất là ai đang nuôi nó.

Tào Phi cười bất cần, chỉnh trang lại y phục, khẽ gõ cửa, đợi phụ thân trong phòng trả lời, mới cung kính đẩy cửa vào.

Nhân lúc cúi đầu hành lễ, Tào Phi nhìn quanh một vòng, phát hiện ra thư phòng không lộn xộn như cậu tưởng tượng, chỉ có một chiếc chặn giấy hình kỳ lân bằng ngọc xanh nằm một gốc, bị vỡ mất một miếng, nằm nghiêng nghiêng trong xó nhà đến tội nghiệp.

Tào Phi thấy hơi xót của, vì cậu nhớ chiếc chặn giấy hình kỳ lân bằng ngọc xanh này là thứ mà ngày xưa anh trai cậu thích nhất, nhưng không dám lấy món đồ yêu thích của phụ thân, nên chỉ có thể tìm cơ hội cầm nghịch một lát.

"Phi Nhi, con có biết chuyện mấy ngày nay không?" Một giọng nói rất uy nghiêm cất lên, Tào Phi ngẩng đầu lên thì nhìn thấy trên án thư đang trải bức chiếu thư viết trên đai áo của Lưu Hiệp, không rõ là dùng máu của tên thái giám nào để viết, máu tươi ngấm thành màu đỏ thẫm, có cảm giác hơi đáng sợ.

"Trẫm nghe cái lớn của nhân luân, thì cha con là trước hết; sự khác biệt của tôn ti, thì vua tôi là nặng nhất. Gần đây quyền thần là giặc Tháo, xuất thân quan lại, tham lấy chức quan phò tá, thực là có tội lừa vua...".

Tào Phi lẩm nhẩm đọc, nhìn thấy hai chữ "giặc Tháo", mí mắt giật lên, rồi vội cắn răng ép mình đọc tiếp. Một dải đai áo, vừa hẹp vừa chỉ dài có từng ấy, chẳng viết nổi bao nhiêu chữ. Cái "y đới chiếu" này nhiều lắm cũng chỉ khoảng trăm chữ, Tào Phi đọc một loáng là hết.

Cậu sắp xếp ngôn từ một chút, rồi hắng giọng một tiếng, nói: "Tên Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa có chết cũng chưa hết tội". Người được huyền cho y đới chiếu là Đổng Thừa, cũng là đương kim quốc cữu, con gái Đổng Thừa là Đổng phi, người được Lưu Hiệp sủng ái nhất. Sau khi xảy ra vụ "y đới chiếu", Tào Tháo trong cơn cả giận đã giết cả nhà Đổng Thừa, sau đó vẫn chưa nguôi giận, còn cầm kiếm xông vào trong cung, giết chết Đổng phi đang mang thai năm tháng ngay trước mặt Lưu Hiệp.

"Ồ? Vậy Đổng phi...". Tào Tháo nheo mắt lại, có ý hướng dẫn cho Tào Phi suy nghĩ, ông bắt đầu đào tạo Tào Phi thành người kế nhiệm mình. Con cả của ông là Tào Ngang vốn rất xuất sắc, văn võ song toàn, thông minh mẫn tiệp, lại lớn hơn đám Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực tới hơn chục tuổi, tránh được khỏi việc tranh chấp quyền kế thừa. Nhưng Tào Ngang đã chết thảm, ông buộc phải đào tạo người kế nhiệm lại từ đầu.

"Giết gà doạ khỉ. Nhổ cỏ tận gốc. Tốt." Tào Phi nhận xét ngắn gọn, trong ánh mắt nhìn phụ thân, cậu không hề che giấu sự sùng kính, "Còn tâm trạng của thánh thượng thì sợ rằng không thể nguôi ngoai trong sớm chiều được, nếu con mà có chị gái thì tốt."

Trong ánh mắt sắc như hổ của Tào Tháo, có chút suy tư.

Tào Phi cúi đầu không nói, cậu thầm trách mình nhất thời đắc ý mà lỡ lời. Cậu tuy không có chị gái nhưng có em gái. Chắc phụ thân không định đợi em gái lớn hơn một chút là đưa vào trong cung chứ? Tào Thi lén nhìn lên, phát hiện ra phụ thân đang lấy tay gõ vào chữ " giặc" trong "y đới chiếu", bất giác thấy kinh sợ. Cậu biết phụ thân là người vui giận khó đoán, nhưng dù là ai, bị người khác chỉ thẳng mặt mà mắng là "giặc" cũng đều không thể cười trừ mà cho qua được.

Tào Phi là người nhanh trí, liếc qua thấy bị tịch thu cùng với " y đới chiếu" là một chiếc câu dai ngọc hình dáng cổ kính, vội vàng nói: "Trang Tử nói, ăn cắp cái móc câu thì chết, ăn cắp cả nước thì làm chư hầu, ở môn hộ của chư hầu ta thấy có điều nhân nghĩa."

Tào Tháo sững người, rồi liền vỗ tay cười lớn: "Trộm câu thì phải chết, trộm nước thì phong hầu. Hay! Hay!"

Tào Phi biết câu nói của cậu đã nói trúng trọng tâm, cũng rất đắc ý, gương mặt trẻ con chẳng thể giấu nổi tâm trạng, cái miệng nhỏ nhoẻn cười sung sướng.

Tào Thào càng nhìn đứa con mình càng thấy thích, tiện tay chỉ vào chiếc câu đai ngọc nói: "Thưởng cho con đấy, kẻo sau này con lại trộm từ chỗ lão phu mất."

Tào Phi lặng người, rồi liền sung sướng, biết rằng tuy đây chỉ là một món quà nhỏ, nhưng liên hệ với câu nói ban nãy, thì thật ra là rất có thâm ý. Hai tay cậu đưa ra cung kính đỡ lấy câu đai ngọc, trịnh trọng cúi đầu nói: "Vâng".

Chiếc câu đai ngọc lạnh ngắt đặt vào tay, Tào Phi cẩn thận co bàn tay đang run lên vì vui sướng vào trong ống tay áo. Bỗng nhiên tận đáy lòng cậu dâng lên một sự tự tin khó diễn tả, dường như mình đang có một mục tiêu và dã tâm to lớn. Khi cậu nhìn lại chiếc chặn giấy hình kỳ lân ngọc xanh vỡ nứt dưới chân, không còn chút cảm giác nuối tiếc nào nữa.

Lúc này bỗng cậu chợt nghĩ, may mà anh trai đã không còn...

3

Năm 204, Nghiệp Thành.

Chân Mật nhìn gương đồng, sửa lại phần tóc mai lòa xòa, muốn chải chuốt lại một chút, nhưng nhìn dung nhan tiều tụy trong gương, chẳng thấy lên nổi chút tinh thần nào.

Người ngựa của quân Tào Tháo đã vây kín tòa nhà của họ Viên, dù ông ta đã hạ lệnh không được phép vô lễ với người trong nhà họ Viên, nhưng Chân Mật hiểu rất rõ số phận nào đang đợi nàng.

Tào Tháo và bố chồng nàng là Viên Thiệu năm xưa từng rất thân thiết, nhưng bởi vì quần hùng đuổi hươu, chinh chiến quanh năm mà trở thành kẻ tử thù, những gia quyến như nàng, thực ra đâu có khác gì đám gia súc, người ta giết lúc nào thì giết.

Từ hơn một tháng trước, phu quân nàng là Viên Hi cùng với em trai Viên Thượng trốn khỏi Nghiệp Thành, lòng nàng cũng đã nguội lạnh. Trong thời loạn, phận người con gái như cây bèo nổi, chỉ biết xuôi theo dòng nước, chẳng thể nào làm chủ số mệnh của mình được.

Nàng cũng không hận Viên Hi chồng mình, một gã đàn ông có thể vứt bỏ cả mẹ mình, chẳng lẽ còn trông mong hắn lo được cho vợ hay sao?

Chân Mật cười khổ, lý trí nàng biết quyết định của Viên Hi đã là lựa chọn tốt nhất rồi. Gia quyến là phụ nữ ở lại trong thành thì không nguy hiểm đến tính mạng. Tào Tháo xưa nay vẫn tử tế với đàn bà con gái, nhưng tuyệt đối không cho phép con ruột của Viên Thiệu được sống trên đời này. Vậy nên Viên Hi và em trai buộc phải bỏ trốn, mà trong thời loạn này, đàn ông còn khó lòng sống sót, làm sao đem theo nàng được.

Chắc là, đời này không có ngày gặp lại rồi.

Chân Mật ngơ ngẩn nhìn bóng mình trong gương, có người vào trong phòng mà cũng không biết, cho đến khi người đó chạm lên mái tóc nàng, nàng mới nhìn vào đôi mắt người đó trong gương, không biết phải biểu cảm ra sao.

"Con bé ngốc, đừng nghĩ ngợi nữa". Lưu phu nhân cầm chiếc lược bí bằng vàng trên bàn trang điểm lên, chải tóc cho Chân Mật từng chút một, bà biết con dâu mình đang nghĩ gì, nhưng bà không thể để nàng tiếp tục nghĩ ngợi được. Chỗ dựa của người phụ nữ chính là chồng, mà chồng bà là Viên Thiệu thì đã chết, các con trai thì đang trên đường chạy trốn, nên người duy nhất Lưu phu nhân còn có thể dựa dẫm được, chỉ còn có đứa con dâu trước mặt bà thôi.

Giang Nam thì có nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật yêu kiều kém đâu!

(Chỉ hai mỹ nhân Tiểu Kiều và Đại Kiều ở Đông Ngô)

Câu nói được lưu truyền rộng rãi này không hề nói quá. Lưu phu nhân chưa gặp Đại Kiều và Tiểu Kiều, nhưng cho dù bà sớm tối đều gặp Chân Mật, cũng vẫn bị sắc đẹp của nàng thu hút, không thể rời mắt được. Hơn nữa Chân Mật đang trong độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ, giờ đây nàng thần sắc tiều tụy, màu da càng nhợt nhạt, đôi mắt đẹp mơ màng như tranh thủy mặc, trong lúc bối rối nàng lại có một vẻ yếu đuối khó nói nên lời, khiến người ta thương, người ta muốn bảo vệ, người ta chỉ hận không được ôm nàng trong lòng, không để nàng phải chịu thêm tổn thương nào nữa.

Lưu phu nhân vốn dĩ muốn Chân Mật chải đầu trang điểm cẩn thận, nhưng giờ đây bà cảm thấy bộ dạng này của nàng càng có sức hút hơn, nên lại lưỡng lự.

Đàn bà dựa vào đàn ông, cũng như dây leo bám vào cây, cây này đổ rồi thì bám sang cây khác, có gì không được? Lưu phu nhân cũng tự biết mình tuổi già kém sắc, nếu không thì bà tự mình ra trận chắc là không hề do dự.

Dù sao, sống sót mới là mục đích cuối cùng. Để sống sót được mà phải trả giá một chút, thì Lưu phu nhân cũng coi đó là những điều đương nhiên.

Bây giờ trở ngại duy nhất chính là tình cảm của Chân Mật dành cho Viên Hi.

Lưu phu nhân múa mép kêu gọi Chân Mật, nhưng nàng vừa nghĩ đến chuyện người mình phải khom lưng hầu hạ là Tào Tháo, người xấp xỉ tuổi bố chồng nàng, là đã không thể chấp nhận được. Lưu phu nhân bỗng nhiên bỏ chiếc lược vàng trong tay xuống, không khuyên nhủ gì nữa, căn phòng trở nên im ắng, bên ngoài văng vẳng tiếng cướp bóc chém giết, tiếng kêu khóc, khiến sắc mặt Chân Mật lại trắng bệch thêm.

Nàng lập tức nhận ra rằng, nếu không phải vì mình được gả vào nhà họ Viên, nếu không được bảo vệ cẩn trọng tới tận bây giờ, thì nàng có lẽ cũng như những người phụ nữ ngoài kia, tan cửa nát nhà, chết không toàn thây.

Chân Mật len lén đưa tay đặt lên bụng, thực ra chết không đáng sợ, nhưng nàng hơi cảm thấy có vẻ cơ thể mình khang khác lúc trước. Nhưng Viên Hi mới bỏ đi được một tháng, nàng chưa thể biết mình có mang đứa con của anh ta hay không.

Lưu phu nhân thì không hề chú ý đến hành động nhỏ của Chân Mật, bà ghé vào tai Chân Mật, thấp giọng nói: "Ta nghe nói người đem quân đến đây là Tào Phi, con thứ của Tào Tháo...".

Sau đó bà không nói rõ nữa, bà tin rằng Chân Mật hiểu mình nói gì. So với Tào Tháo đã đến tuổi trung niên, Lưu phu nhân tin rằng Chân Mật chắc chắn sẽ chọn Tào Phi mới vừa mười tám tuổi. Hơn nữa Tào Phi chưa có vợ con gì, hiện giờ đang là người kế nhiệm được Tào Tháo tin tưởng nhất, thực sự thì như thái tử họ Tào rồi.

Chân Mật ấn lên bụng mình, chầm chậm nhìn chính mình trong gương đang gật đầu. Nàng thấy Lưu phu nhân đang vui vẻ định trang điểm cho mình, bèn lắc đầu ngăn lại: "Thế này là được rồi". Trong tiềm thức, nàng không muốn mình trang điểm quá nhiều. Giờ không phải là ngày ra ngoài, lần trang điểm đầy đủ duy nhất của nàng đã dành cho phu quân nàng rồi.

Lưu phu nhân hiểu sai ý của nàng, trong lòng thầm khen ngợi nàng dù chỉ trang điểm chút ít cũng đã đẹp đến rung động lòng người rồi. Bà cho hộ vệ tìm Tào Phi qua phủ nói chuyện, là vợ của Viên Thiệu, chút thể diện này bà vẫn còn đòi được. Bà đưa Chân Mật tới đại đường để chờ, không lâu sau, bèn nhìn thấy một chàng trai trẻ anh tuấn, trên người mặc khôi giáp, đang rảo bước qua cánh cửa đã vỡ nát. Lưu phu nhân vỗ vai Chân Mật đang quỳ dưới chân bà, ý rằng nàng không cần phải quá sợ hãi.

Chân Mật không dám ngẩng đầu lên, nàng chỉ nhìn thanh trường kiếm vẫn còn rỏ máu trên tay Tào Phi, lòng nghĩ nếu phu quân mình mà chưa rời đi, liệu máu trên thanh trường kiếm có phải của chàng không.

Lưu phu nhân và Tào Phi nói gì đó, Chân Mật không nghe lọt, nàng như một con rối gỗ, bị Lưu phu nhân nâng cằm lên, rồi bỗng nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên và ái mộ của Tào Phi.

À... cái bộ dạng này, nàng nhìn thấy nhiều lắm rồi, gần như mọi người đàn ông nhìn thấy nàng đều có điệu bộ đó, cả phu quân nàng cũng không ngoại lệ.

Chân Mật ngây người ra nghĩ, rồi cảm thấy chẳng có gì hay ho. Cuộc sống như thế này, có thực là cuộc sống nàng mong muốn?

Tào Phi hình như đang luống cuống tìm thứ gì đó trên người, Chân Mật đoán chắc anh ta đang tìm một món tín vật có thể đại diện cho thân phận bản thân, hiện giờ trong Nghiệp Thành đang rất hỗn loạn, anh ta không thể ở đây được lâu, nên đành phải để lại một món tín vật chỗ nàng, nếu như ai đó định vô lễ với nàng, thì ắt sẽ nhìn thấy mà phải thôi.

Đang nghĩ ngợi mông lung, thì một chiếc câu đai ngọc hình rồng được đưa tới trước mặt nàng, khi nàng biết vật này là thứ anh ta luôn mang theo người, hai má nàng đỏ ửng lên vì tức giận. Tuy nàng đã chấp nhận số phận, nhưng một tín hiệu quá trần trụi thế này, nàng thực sự là... thực sự là...

Tào Phi đúng là không có ý gì khác, trên người anh ta không còn thứ gì làm tín vật được nữa. Nói thực lòng, ẩn ý của Lưu phu nhân, anh ta hiểu, ở Nghiệp Thành này không có ai dám cướp người từ tay anh ta, nhưng người duy nhất cần đề phòng chính là phụ thân Tào Tháo. Vậy nên để tránh cho sự việc này xảy ra, anh ta liền nhớ tới chiếc câu đai ngọc. Đó là đồ vật nhiều năm trước phụ thân cho anh, chắc là nếu phụ thân nhìn thấy thì cũng hiểu ý.

Tào Phi nhìn thấy đôi tai Chân Mật đỏ lừ, lại càng muốn được nâng gương mặt nàng lên ngắm nhìn, nhưng dù sao ở đây cũng còn người khác. Tào Phi khẽ ho một tiếng, dúi câu đai ngọc vào tay Chân Mật, sau đó dặn dò quân lính canh gác không được làm phiền tới họ, rồi lưu luyến mãi mới rời đi. Nghiệp Thành còn cần phải trấn áp vài hôm, Tào Phi dù muốn trốn việc cũng không được.

Chân Mật cầm chiếc câu đai ngọc vẫn còn ấm hơi người, bỗng nhiên dâng lên một khao khát. Nàng phải sống sót, không chỉ sống sót, mà còn phải sinh đứa con của Viên Hi một cách danh chính ngôn thuận.

Nàng sẽ cho gã đàn ông coi nàng như đồ chơi kia phải hối hận.

4

Năm 221, Lạc Dương.

Hai tay Tư Mã Ý khoanh vào trong ống tay áo, đứng cúi gằm mặt ở một góc thư phòng. Y không biết Tào Phi cho gọi là có dụng ý gì, năm ngoái Tào Phi vừa mới cướp ngôi nhà Hán tự lên làm vua, rất nhiều việc của triều nhà Ngụy cần phải làm, là Thượng thư hữu bộc xạ, y rất bận rộn, không có thời gian để lãng phí.

Nếu Tào Phi đã vẫn im lặng không nói gì, Tư Mã Ý bèn bắt đầu lẩm nhẩm lại các việc trong đầu, để dò đoán ý vua. Đại lễ thụ thiện để nhà Ngụy lên thay nhà Hán đã diễn ra thành công, khách khứa như tam công cửu khanh, hầu tước quý tộc tướng lĩnh quân đội cho đến Thiền Vu Hung Nô đến mừng cũng tới vài vạn người. Đến nay Tư Mã Ý vẫn nhớ, bộ dạng bất lực đáng thương của Lưu Hiệp khi bị bắt phải quỳ xuống, dâng ngọc tỉ truyền quốc và cả vạn dặm non sông cho Tào Phi.

("Thiện" là nhường ngôi, lễ thụ thiện là lễ nhận nhường ngôi vua)

Nghe nói đến thụy hiệu dành cho Lưu Hiệp, Tào Phi cũng đã chuẩn bị xong, lấy chữ "Hiến", Hán Hiến đế, thật quá hợp.

Khóe miệng Tư Mã Ý cong lên đầy ẩn ý, thực ra chuyện Tào Phi cướp ngôi Hán, không phải là một chiêu cao minh gì cho lắm. Thậm chí Tư Mã Ý còn có thể tưởng tượng rằng, chiêu trò nhường ngôi này, sau này sẽ trở thành một trò chơi chính trị, người ta sẽ không ngừng học theo, làm mạnh hơn, rồi dần dà trở thành hình mẫu cố định. Chỉ cần vua yếu bề tôi mạnh, thì trò nhường ngôi này sẽ liên tục diễn ra. Mà cái gốc họa này là do Tào Phi tự tay tạo ra.

Trái tim của Tư Mã Ý đập mạnh, không thể ngăn nổi, y biết nếu Tào Tháo lên ngôi trước khi chết, thì sẽ không có kết quả đó, dù sao thiên hạ của họ Tào là do một tay Tào Tháo giành được, nó giống như Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước và Hán Cao Tổ đánh thắng trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, đều dùng vũ lực để nói mọi chuyện. Chỉ tiếc rằng, Tào Tháo cả đời giữ lễ vua tôi, không ngờ sau khi chết thì con trai là Tào Phi không đợi nổi tới một năm, đã bóc nốt tấm vải che chắn cuối cùng đi rồi.

Một vương triều yếu đuối như thế, y thực sự có ý muốn tự mình xô đổ nó...

Đôi tay trong ống tay áo của Tư Mã Ý hơi run lên, y khác với người thường, góc quay của cổ lớn hơn người khác nhiều, nên có thể thấy mọi thứ phía sau, đó là tướng "sói trực", là biểu hiện của dã tâm to lớn.

Tào Tháo tin thuật xem tướng, nên cả đời không trọng dụng Tư Mã Ý, nhưng y lại bắt quan hệ rất tốt rất kịp thời với Tào Phi, trở thành bề tôi thân cận nhất của Tào Phi, cũng trở thành kỳ tích thăng quan nhanh nhất trong triều đại Tào Ngụy.

Thực ra cũng không có gì kỳ lạ, Tư Mã Ý tự nhận mình học rộng hiểu nhiều, không hề kém Ngọa Long Phượng Sồ, Tào Phi cũng rất dựa dẫm vào y. Trong chốc lát, Tư Mã Ý điểm lại hết một lượt những chuyện gần đây xảy ra trong triều, rồi lại liếc thấy Tào Phi đang cầm chơi một chiếc câu đai ngọc có hình dáng cổ kính, bỗng nhiên y hiểu ra mọi chuyện.

(Ngọa Long chỉ Gia Cát Lượng, Phượng sồ chỉ Bàng Thống, hai quân sư hàng đầu của Lưu Bị)

Chiếc câu đai ngọc này, là di vật của Chân hậu.

(Trên thực tế, Chân Mật khi còn sống chưa được phong hậu mà chỉ được phong làm Chân phu nhân, chỉ khi Tào Duệ lên ngôi mới truy phong là Chân hậu)

Chuyện Chân hậu bị Tào Phi ban cho cái chết, tuy có sự uẩn khúc, nhưng cũng chưa có đại thần nào không biết điều dám đứng ra chất vấn cả. Dù gì, Quách hoàng hậu hiện là người quản lý hậu cung, đang được sủng ái, còn Chân hậu

Hơn nữa, Tư Mã Ý nghe nói, Chân hậu sau khi được ban cái chết, thì phải lấy tóc che mặt, lấy cám gạo nhét vào mồm, để sau khi chết không ai thấy mặt, thậm chí không cho cơ hội được mở mồm tố khổ với Diêm Vương nữa. Tào Phi đã cạn tình nghĩa đến mức đó, Tư Mã Ý đoán rằng nguyên nhân ắt không phải do hậu.cung tranh sủng đấu đá lẫn nhau, e rằng vẫn còn có chuyện khuất tất khác.

Chẳng lẽ lại như lời đồn đang lan truyền trong cung, Tào Thực và Chân hậu có mối tình chị dâu em chồng?

Việc đó chẳng phải việc gì kỳ lạ, Chân hậu được ban cho cái chết thì hết chuyện, còn Tào Thực tranh giành ngôi vị kế nhiệm thì cũng đã thất thế, chẳng gây ra được sóng to gió lớn gì nữa, cũng chẳng đáng để Tào Phi phải bực dọc thế kia.

Chẳng lẽ hối hận vì đã ban cho Chân hậu cái chết? Nên mới cầm di vật của Chân hậu để nhớ nhung?

Tư Mã Ý lập tức phủ nhận luôn nghi ngờ đó, nếu nhớ nhung Chân hậu thì gọi y đến làm gì? Tư Mã Ý tiếp tục nghĩ đến những chi tiết khác, thì bỗng nhiên run người, nhớ ra thái độ của Tào Phi với Tào Duệ mấy ngày nay...

Tào Duệ là con của Chân hậu, là con cả của Tào Phi, lớn hơn những đứa khác vài tuổi, đã chắc chắn là người kế thừa vương triều Tào Ngụy rồi. Nhưng Tào Phi vẫn chưa lập cậu ta làm thái tử, sau khi Chân hậu chết, hoàn cảnh của Tào Duệ I lại càng đặc biệt. Tư Mã Ý vốn dĩ cho rằng cho dù Chân hậu không chung thủy, thì cũng không lay chuyển được vị trí của Tào Duệ, nhưng y chợt nhớ ra, năm mà Tào Phi nhận Chân hậu, thì Tào Duệ ra đời, mà Chân hậu vốn là con dâu của Viên Thiệu, chẳng lẽ...

"Trọng Đạt quả là thông minh". Tào Phi dù vẫn đang cầm chơi chiếc câu đai ngọc trong tay, nhưng không hề bỏ qua hành động của người còn lại trong phòng. Khi anh ta cảm thấy hơi thở của Tư Mã Ý có phần nặng nề hơn, liền đoán ra ngay y đã đoán được nội tình. Không thể trách anh ta không nói thẳng, bởi chuyện nghi ngờ con mình không phải con đẻ là chuyện quá khó để nói ra.

(Tên tự của Tư Mã Ý, thời xưa gọi tên tự là tỏ ý kính trọng)

Tào Phi thực tình không trách Chân Mật mang đứa con người khác, phụ thân Tào Tháo của anh ta thích vợ người khác, thậm chí còn đem con người khác về làm con nuôi, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Tào Phi. Tào Tháo sủng ái một trong những đứa con nuôi là Hà Yến, khiến Tào Phi phải ghen tị, thời còn trẻ đã không ít lần nhạo báng Hà Yến là "con giả". Nhưng Hà Yến chỉ là trường hợp đặc biệt, Tào Phi khá thân thiết với hai người anh em nuôi khác là Tần Lãng và Tào Chân, nên nếu ngay từ đầu Chân Mật nói rõ với anh ta, thì Tào Phi cũng hoàn toàn thoải mái coi Tào Duệ như con ruột của mình, nhưng cũng nhất quyết không đào tạo cậu ta thành người thừa kế.

Tư Mã Ý nhìn vẻ mặt khó ở của Tào Phi, ngẫm nghĩ một lát là nắm được vấn đề mấu chốt. Nếu Tào Phi biết chắc Tào Duệ không phải là con ruột của anh ta, thì còn có gì mà phải suy nghĩ? Cứ điều cậu ta ra khỏi đô thành, mặc kệ sống chết ra sao là xong. Nhưng khó là ở chỗ, không ai biết cậu ta có phải là con của Tào Phi hay không, sinh con thiếu tháng cũng là chuyện thường gặp, e rằng đến cả Chân hậu cũng không thể xác định được cậu ta là con ai.

Tư Mã Ý nhớ lại dung mạo của Tào Duệ, cậu ta mi thanh mục tú, giống hệt Chân hậu, nhìn bề ngoài không thể biết là con ai được.

Việc này quả thực rất hóc búa. Nếu Tào Phi vẫn còn một đứa con khác tầm tầm tuổi đó, thì chẳng thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, để đứa khác lên làm người thừa kế. Nhưng giờ đây ngoài Tào Duệ ra, những đứa con khác còn quá nhỏ tuổi, sau này có thành người được không vẫn còn chưa rõ.

Nên điểm mấu chốt là, phải chứng thực được Tào Duệ có phải con đẻ của Tào Phi hay không? Ngược lại thì sao? Có thể chứng thực Viên Hi có phải cha ruột của Tào Duệ hay không?

Tư Mã Ý trầm ngâm một lúc rồi nói: "Bệ hạ, có thể trích cốt nhận thân".

Cụm từ "trích cốt nhận thân" cách đây không lâu đã từng lưu hành mạnh mẽ. Cuốn "Cối Kê tiên hiền truyện" của Tạ Thừa, em của Tạ phu nhân nhà Tôn Quyền viết, từng ghi chép chuyện lấy máu của em trai nhỏ lên hài cốt anh trai để nhận diện.

"Trích cốt nhận thân" là để chỉ việc lấy máu người sống nhỏ lên hài cốt người chết rồi quan sát xem máu có thấm vào không. Nếu thấm vào xương thì tức là có quan hệ huyết thống như cha mẹ, con cái, anh em; còn nếu không thì không có.

Hơn chục năm trước, Viên Hi và em là Viên Thượng bị giết chết ở Liêu Đông, nơi chôn hài cốt không khó tìm.

Tào Phi đã dùng cách này từ xưa rồi, vừa nghe bèn thở dài nói: "Đừng nhắc tới cách này, Viên Hi, Viên Thượng cùng vài tùy tùng khác được chôn cùng một chỗ, không phân biệt nổi nữa". Tào Phi nói mơ hồ, thực ra là không muốn nói với vị cận thần mình tin tưởng nhất kia, rằng anh ta đã từng đem máu của Tào Duệ nhỏ lên hài cốt của mấy người kia rồi, kết quả là đều thấm hết.

Quá là hoang đường, chẳng lẽ mấy người đó đều là bố của Tào Duệ? Đều có quan hệ họ hàng? Sau đó anh ta làm vài thí nghiệm nữa, chứng minh rằng chuyện của Tạ Thừa viết chỉ là chuyện bịa đặt. Chỉ tiếc là anh ta không thể tự kể chuyện xấu trong nhà ra được, nếu không thì đã phải phản bác ngay tên Tạ lang trung kia rồi.

Tư Mã Ý vốn định nói là hài cốt lẫn lộn cũng không sao, chỉ cần thấm vào xương của một người, là có thể nhận ra quan hệ cha con. Nhưng nhìn sắc mặt tối sầm của Tào Phi, y liền biết rằng cách này đã dùng rồi, và chắc chắn là không có đáp án chính xác.

Thân làm bề tôi, cần phải chia sẻ nỗi lo với thiên tử. Tư Mã Ý nhanh chóng phân tích chuyện lợi hại, cũng biết chuyện hôm nay chỉ là vì Tào Phi muốn kể lể mà thôi, chứ không muốn y nói nhiều. Hơn nữa các vị công tử vẫn còn nhỏ tuổi Tào Phi đương tuổi tráng niên, chuyện chọn thái tử không cần gấp gáp.

Tư Mã Ý khuyên nhủ một hồi, lời lẽ rất hợp tình hợp lý, sắc mặt của Tào Phi cũng đỡ hơn nhiều. Tào Phi cũng chỉ muốn nói chuyện với Tư Mã Ý mà thôi, chứ trong lòng cũng đã quyết quan sát thêm vài năm nữa. Tư Mã Ý nói một hồi, rồi bất chợt ánh mắt hướng về chiếc câu đai ngọc mà Tào Phi đang cầm trên tay, chiếc câu đai ngọc có chất ngọc sáng mịn, dưới ánh nến nhảy nhót, nó tỏa ra thứ ánh sáng khiến người nhìn không thể rời mắt.

Trộm câu thì chịu chết, trộm nước thì phong hầu.

Tư Mã Ý là người đọc thuộc Thi Thư, rất mau chóng liên hệ tới hai câu này, một việc có động cơ rất xấu, nếu được phóng đại đến mức vô hạn, thì có thể biến thành chính nghĩa, mà chính nghĩa thì mãi mãi là do kẻ thắng viết ra. Vì thế mới xảy ra những kết quả hoàn toàn khác nhau như "trộm câu thì chịu chết, trộm nước thì phong hầu".

Trước buổi đêm nay, Tư Mã Ý tuy có ý bất trung, nhưng cũng biết thời cơ chưa chín muồi, nên nén lòng lại. Nhưng đêm nay y lại nghe được một bí mật của hoàng gia, trong lòng liền xao động. Chưa có ngôi thái tử, đây là chỗ rất dễ để ra tay.

Tư Mã Ý cố thể hoàn toàn hình dung ra, nếu như những đứa con nhỏ của Tào Phi bị chết trẻ, chỉ còn một mình Tào Duệ, thì cho dù Tào Phi có nghi ngờ huyết thống con mình thế nào, cũng không thể nói ra bên ngoài được, chỉ đành phải chấp nhận cho Tào Duệ kế vị. Phải, đối với Tào Phi mà nói thì đây là hành động miễn cưỡng, để không làm loạn huyết thống dòng họ Tào, trước lúc chết chắc Tào Phi sẽ dặn dò người thân tín, không để cho Tào Duệ sinh ra người kế vị, cuối cùng là ép Tào Duệ phải chọn người kế thừa ngôi lớn trong số con cháu của anh em...

Tư Mã Ý cụp mắt xuống, cẩn trọng giấu đi ánh nhìn sắc sảo.

5

Năm 2012.

"Tư Mã Ý độc địa thật... Mấy đứa con nhỏ của Tào Phi đều chết trẻ không rõ nguyên nhân. Con trai của Tào Duệ không đứa nào lớn được, sau đó thì đúng như theo kế hoạch của ông ta, chọn ra Tào Phương trong tông thất làm người kế vị."

Bác sĩ vẫn "cosplay" con thỏ đồ chơi, anh cũng đã quen với đôi tai dài rủ xuống, chỉ có điều là thỉnh thoảng nó hơi vướng tầm nhìn. Bây giờ anh đang cùng chủ tiệm chọn ra món đồ cổ đế vương đủ đẳng cấp, thực ra cũng chỉ để nghe chủ tiệm kể chuyện mà thôi. "Nói như vậy thì chiếc câu đai ngọc sau này rơi vào tay Tư Mã Ý?"

Chủ tiệm lấy chiếc câu đai ngọc từ trong hộp gấm ra, vừa Hùng vải mềm cẩn thận lau chùi, vừa chậm rãi nói: "Tư Mã Ý thực sự không hề lấy được chiếc câu đai này". Mấy vạch đỏ trên câu đai ngọc, nhìn như vệt máu thật, đẹp đến bàng hoàng.

"Hả? Mà cũng đúng, con trai ông ta mới gọi là "trâu bò"! Người ta có câu "dã tâm của Tư Mã Chiêu, người đi đường đều biết" cơ mà". Xem ra chiếc câu đai ngọc này đúng là đồ cổ của đế vương rồi, nghe chuyện anh kể, nó cũng qua tay bao nhiêu hoàng đế rồi còn gì! Hán Hiến đế Lưu Hiệp, Ngụy Văn đế Tào Phi, còn Chân Mật sau khi có chiếc câu đai ngọc, con trai là Ngụy Minh đế Tào Duệ chắc chắn cũng đã sờ vào... Chậc chậc, tiếc thật, nếu như Tào Tháo được sờ vào thì tốt, cho tới lúc chết mà ông ta cũng chưa được thử làm hoàng đế lần nào!"

"Trong bài "Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh", Tào Tháo nói, nếu quốc gia không có ta, thì không biết bao kẻ xưng vương bao người xưng đế. Ông ta nói mình chinh chiến cả đời để ngăn cho người khác xưng vương xưng đế, thì sao lại tự xưng đế được?" Chủ tiệm tỉ mẩn lau sạch câu đai ngọc, cất trở lại trong hộp gấm, mỉm cười nói: "Ông ta là gian hùng hay là anh hùng, mỗi người đều có đánh giá của riêng mình. Nhưng trong tình hình ấy mà ông ta vẫn có thể không xưng đế, tôi nghĩ thế là đủ để thể hiện thái độ của ông ta rồi".

Bác sĩ cũng phải gật gù đồng ý, dù gì thì hai người còn lại cùng thời kỳ đó là Lưu Bị và Tôn Quyền đều lần lượt xưng đế, có thể nếu Tào Tháo sống lâu hơn một chút thì cũng không tránh khỏi việc xưng đế, nhưng lịch sử rất kỳ diệu, không để lại bất cứ không gian tưởng tượng nào ở kết quả của nó cả, nên cái gọi là đóng nắp quan tài rồi mới đánh giá chính là như vậy.

Nhưng nói đến chuyện đóng nắp quan tài rồi mới đánh giá, bác sĩ lập tức đã nghĩ tới vụ "trích cốt nhận thân" trong câu chuyện. Đây là chuyên ngành của anh, nên lập tức nổi hứng lên, bắt đầu thao thao bất tuyệt, phổ cập kiến thức y học.

"Tào Duệ cũng may mắn, may mà Viên Hi được chôn cùng với vài người nữa, nếu không thì xui xẻo rồi. Hồi xưa tôi có từng nói chuyện vài lần với một cậu pháp y, cậu ta nói thi thể con người sau một thời gian dài sẽ mục rữa, cuối cùng là chỉ còn lại xương cốt, trên bề mặt cũng mục hết rồi, đừng nói là máu, ngay cả giọt nước cũng thấm vào được. Còn cái trò nhỏ máu nhận người thân mà phim ảnh hay có, thì càng vớ vẩn. Thực tế là máu của những người xa lạ cứ nhỏ vào cùng một bát thì không bao lâu sau đều hòa làm một hết, nhỏ máu nhận người thân hoàn toàn không có cơ sở khoa học".

Bác sĩ đang nói hăng hái, rồi cũng phải liếc sang nhìn chủ tiệm. Anh vẫn chưa từ bỏ ý định lấy mấy ống máu của chủ tiệm đi làm thí nghiệm. Nhưng anh cúi đầu nhìn hình dáng đồ chơi buồn cười của mình hiện tại, lại thở dài bất lực.

Nhưng bác sĩ cũng nghĩ thoáng, lập tức quên luôn chút phiền muộn vừa rồi, rồi liền nhớ ngay ra một chuyện: "Chết rồi, chủ tiệm, có phải chiếc câu đai ngọc này không được tùy tiện sờ vào không? Sao tôi thấy anh ban nãy hình như cầm nó lên?"

Chủ tiệm đóng nắp hộp lại, chậm rãi nói: "Đã là người thì đều có dã tâm, chiếc câu đai ngọc này chỉ là một bước ngoặt, để khơi gợi dã tâm lớn nhất của con người. Nhưng nếu khống chế được, thì chẳng có gì đặc biệt nữa. Năm xưa tôi đã đánh tráo khối ngọc Hòa Thị của Lưu Hiệp, trong lòng cảm thấy có lỗi, mới tặng cho hắn chiếc câu đai ngọc này. Dã tâm hồi đó của hắn chỉ là muốn sống sót, tuy sau này hắn từng làm việc mạo hiểm, nhưng cuối cùng cũng được chết tử tế, cũng coi như là toại nguyện".

Gã chủ tiệm từ từ nhớ lại, rồi có chút hoang mang, gã cũng không rõ năm xưa mình làm thế là đúng hay sai nữa. "Vì thế không thể cho kẻ dã tâm có thế lực, không thể cho kẻ ngu muội có binh khí sắc", câu nói này rất có lý.

(Trích thiên "Chủ thuật huấn, sách Hoài Nam Tử")

"Chủ tiệm, chủ tiệm, dã tâm của anh là gì?"

Tiếng hỏi dồn của bác sĩ cắt đứt mạch hồi tưởng của chủ tiệm, chủ tiệm cầm lấy đôi tai mềm mại của chú thỏ bông, rồi bỏ chú thỏ vào trong túi hành lý, mỉm cười nói: "Không còn sớm nữa, chúng ta đi phong tỏa mắt trận thôi".

"Phạm quy rồi! Phạm quy nhé! Không muốn trả lời câu hỏi thì cũng không thể dùng cách này được!"

Bình luận

Truyện đang đọc