TIỆM ĐỒ CỔ Á XÁ

1

Năm 1371, ngoài chùa Hoàng Giác.

Chu Nguyên Chương giận dữ nhìn khoảnh rừng tối om, những ngự tiền thị vệ bên cạnh bị ông ta quát tháo một trận, bao nhiêu người thế này mà không canh nổi một tên hòa thượng.

"Mau tìm đi! Hắn chưa chạy xa đâu!" Chu Nguyên Chương tức tối, tên hòa thượng đó đã bị thương, mà trong đêm tối tăm, nếu có đuốc sáng là nhìn thấy ngay.

Đám thị vệ vội vàng dập hết đuốc, chú tâm vào trong cánh rừng tối tám để xem có chút ánh sáng nào không.

Chu Nguyên Chương nhìn về phía khu rừng yên tĩnh, nghe tiếng xào xạc của gió thổi qua cành lá, chầm chậm nhíu mày.

Ông ta mãi mãi không quên cảnh tượng mình nhìn lén được trong điện Già Lam thời còn trẻ.

Một làn khói nến lơ thơ bay lên từ cây nến thơm, tụ lại trên không trung thành hình dáng một người con gái dung nhan tuyệt mỹ, vì nghe lén được lời nói của nàng, mà ông ta mới có vinh quang ngày hôm nay, trở thành chủ tể của cả thiên hạ.

Ông ta đã trở thành người cao quý nhất trong thiên hạ, vì sao người con gái đó vẫn không chịu xuất hiện để gặp ông ta?

Tất cả đều là vì tên hòa thượng đó!

Chu Nguyên Chương hoàn toàn không biết, tên tiểu hòa thượng mà ông ta nói, tuy nhỏ tuổi hơn ông ta rất nhiều, nhưng xét về thứ bậc, thì là sư huynh của ông ta.

Hoặc là ông ta vẫn biết, nhưng không thèm để ý.

Bởi vì hiện giờ ông ta đã là hoàng đế, là thiên hạ chí tôn không còn là hòa thượng nữa. Ngay cả sư phụ ông ta ngày xưa, cũng tuyệt nhiên không dám nói chuyện thứ bậc với ông ta.

Trong lúc đang kích động, Chu Nguyên Chương bỗng nhác thấy một làn khói nến bay qua ở cách đó không xa, vội vàng định chỉ huy thị vệ đuổi theo. Nhưng khi ông ta vừa cất lời, thì phát hiện ra thị vệ quanh mình hình như đều muốn lấy công chuộc tội nên đã chạy hết cả vào rừng để lục lọi, không còn ai ở lại nữa.

Chu Nguyên Chương đang định nổi cơn thịnh nộ thì lại kìm nén cơn giận, chuyện của Chúc, càng ít người biết càng tốt. Còn tên tiểu hòa thượng đã thương tích đầy mình kia, chẳng lẽ một người đã trải trăm trận chiến như ông ta lại không đối phó nổi?

Nghĩ đến đó, Chu Nguyên Chương bèn nắm chặt thanh đao lá liễu trên tay, chạy đuổi về phía có ánh nến.

Trong khu rừng đường núi gập ghềnh, ánh nến lúc ẩn lúc hiện đằng sau tán cây rậm rạp, giống như một đám yêu tinh đang nhảy nhót. Chu Nguyên Chương càng đuổi theo càng thấy sợ, ánh nến vẫn giữ khoảng cách nhất định với ông ta, tốc độ của ông ta không hề chậm, chẳng lẽ một tên hòa thượng đang trọng thương sắp chết lại chạy nhanh được như thế?

Khi Chu Nguyên Chương bắt đầu nghĩ đó là lửa ma trơi, định dừng lại gọi đám thị vệ đến, thì ánh nến đó bất ngờ dừng lại.

Ánh nến vàng ấm áp lặng lẽ tỏa sáng trong khu rừng tám tối, nghĩ đến người con gái tuyệt sắc trong ký ức, trái tim Chu Nguyên Chương đập mạnh, ông ta như bị trúng tà, gạt cành lá ra, chầm chậm đi tới.

Nhưng đến càng gần, Chu Nguyên Chương càng kinh sợ, bởi vì lúc này ông ta đã nhìn rõ, bên cạnh cây nến thơm, là một con rồng đỏ đang bay lơ lửng trên không.

Trong đêm tối, cây nến thơm bị con rồng đỏ ngậm trong miệng, thân rồng không ngừng lay động.

Trong khoảnh khắc, Chu Nguyên Chương nghĩ tới vô số truyền thuyết thần thoại, chẳng lẽ ông ta đúng là chân long thiên tử?

Kìm nén sự hoảng sợ cũng như phấn khích trong lòng, Chu Nguyên Chương tiến thêm vài bước, mới nhìn rõ con rồng đỏ đó không phải là rồng thật, mà được thêu trên ống tay áo màu đen. Nền đen chỉ đỏ, bởi vì kỹ thuật thêu rất cao siêu, nên thoạt nhìn trông như thật vậy.

Con rồng đỏ sống động như thật, thân rồng cuốn quanh cánh tay phải của gã kia, đuôi rồng được thêu chạm đúng lên vai phải, còn đầu rồng thì thêu ở cửa tay áo phải, trông như thể nó có thể cưỡi mây bay đi bất cứ lúc nào. Khi gió đêm không ngừng thổi ống tay áo gã kia, nhìn từ xa thì thấy thân rồng không ngừng lay động.

Lập tức Chu Nguyên Chương vừa thất vọng vừa thở phào, tâm trạng phức tạp bỗng chốc biến thành cơn thịnh nộ, quát tháo với gã kia không hề khách khí: "Ngươi là kẻ nào? Sao dám tự tiện mặc long bào? Ngươi có biết đó là tội phải chém đầu không?" Chu Nguyên Chương rất tức giận, so với con rồng đỏ trên áo bào đen của gã kia, thì rồng trên long bào của ông chẳng qua trông như chó lợn, không thể so được với gã.

Đứng trước cơn giận ngút trời của thiên tử, gã kia đứng trong bóng tối chỉ khẽ cười một tiếng, hỏi lại: "Vậy ông là ai? Ai cho ông quyền lực, để được mặc long bào?"

Câu nói đó như một tiếng sét, đánh thẳng vào đầu Chu Nguyên Chương, khiến ông ta sững sờ.

Từ ngày làm hoàng đế đến nay, trong nơi sâu thẳm nhất của trái tim ông ta, chính là cảm giác tự ti không thể nào dập tắt nổi.

Ông ta từng làm ăn mày, rồi lại đi làm thầy tu, nhưng giờ đây ông ta đã trở thành hoàng đế của triều Đại Minh.

Đám quần thần trước mặt ông vẫn vâng vâng dạ dạ, ai biết trong lòng họ có đang ra sức cười nhạo ông hay không? Hoặc có đang bày mưu tính kế để thay vua khác hay không?

Vì thế ông ta mới cần cây nến thơm đó, cần mượn sức mạnh phi phàm, mới yên tâm được.

Chu Nguyên Chương hít một hơi sâu, rồi mới nhận ra, cái gã vốn không nên xuất hiện ở đây, cả gương mặt gã chìm trong bóng tối. Theo lý mà nói, nến đang trên tay gã, nhưng lại hoàn toàn không chiếu sáng được mặt gã, điều đó là hết sức vô lý. Nhìn cây nến dù trong gió đêm thổi mạnh vẫn cứ điềm nhiên cháy sáng, Chu Nguyên Chương đoán, có lẽ gã này mới là chủ nhân thực sự của cây nến thơm, chứ không phải tên tiểu hòa thượng ngốc nghếch kia.

Chính vì như vậy, gã mới thản nhiên mặc bộ áo có rồng đỏ kia.

Nhớ lại trước đây rất nhiều lần ông ta thử cầm cây nến trong tay, nhưng tự dưng đều bị nến đốt vào tay, Chu Nguyên Chương bỏ tay ra khỏi cán cây đao lá liễu đeo bên hông, chắp tay thành khẩn: "Trùng Bát không biết, mạo phạm đến tiên sinh. Nhưng cây nến thơm này Trùng Bát mong mỏi từ lâu, mong tiên sinh rộng lòng ban cho".

(Tên gọi dưới quê của Chu Nguyên Chương là Trùng Bát, sau mới đổi là Nguyên Chương)

Ánh nến nhảy nhót lên, nhưng chắc chắn không phải vì gió thổi.

"Cây nến này không có duyên với ông, chớ nên cưỡng cầu". Người khuất trong bóng tối kia chậm rãi nói. Chu Nguyên Chương lúc này mới phát hiện ra, giọng nói của người đó rất trẻ, chắc còn chưa qua tuổi đội mũ.

Chu Nguyên Chương tuyệt đối sẽ không bỏ qua cơ hội tốt thế này, ông ta không dám tự xưng là trẫm, từ kẽ răng rít ra từng chữ: "Tiên sinh nếu cần đem cây nến này đi, Trùng Bát đương nhiên sẽ không thể giữ lại, nhưng còn tiểu hòa thượng kia...". Ông ta cố tình kéo dài giọng, thấy hài lòng khi cây nến đang cháy bỗng nhiên run rẩy.

"Vậy ông muốn thế nào?" Trong lời nói của gã đó hơi có chút vô vọng.

"Đều do tiên sinh định đoạt". Chu Nguyên Chương trả lời rất thoải mái. Nhưng ý tứ trong lời nói thì quả là hơi vô lại, ý rằng chúng ta đều là người hiểu lý lẽ, mọi việc cũng phải công bằng mà! Đem cây nến đi cũng được, nhưng phải đem thứ gì đó tương đương ra đổi chứ!

Lời nói của Chu Nguyên Chương thì mạnh dạn chắc chắn, nhưng thực ra tim đang đập thình thịch. Trong bóng tối không nhìn thấy sắc mặt gã kia, càng khiến ông ta phải suy diễn, ánh nến run rẩy giống như sự bồn chồn bất an trong lòng ông ta. May mà thời gian giày vò ông ta không dài, một lát sau, gã kia bèn thở dài một tiếng, lấy từ trong người ra một vật nhỏ dài đưa ông ta.

Nhờ ánh nến, Chu Nguyên Chương nhìn thấy đó là một chiếc quạt giấy, nhưng nan quạt có màu trắng ngà rất khác thường. Ông ta tự nhiên đón lấy chiếc quạt, đặt vào tay cảm thấy nặng hơn tưởng tượng rất nhiều, nan quạt mịn màng mát lạnh, ai cầm vào cũng thích không nỡ rời tay.

"Đây là...".

"Ban đầu, quạt không phải là thứ để quạt gió cho mát, mà là thứ đồ tượng trưng cho quyền lực, làm bằng cây lau, là quạt nghi trượng để người bề trên thể hiện địa vị và đặc quyền của chính mình". Gã kia từ tốn kể, giọng nói trong trẻo trong gió đêm nghe thật mơ hồ, "Quạt Ngũ Minh, do vua Thuấn làm ra. Đã nhận ngôi truyền lại của Nghiêu, cần nghe nhiều nhìn rộng, cầu người hiền để phò tá mình, nên làm ra quạt Ngũ Minh".

"Này, tiên sinh, tuy Trùng Bát học thức không nhiều, nhưng cũng biết quạt Ngũ Minh phải là một chiếc quạt tròn rất lớn. Còn đây chỉ là một chiếc quạt giấy gấp!" Chu Nguyên Chương kìm nén sự bất mãn trong lòng, chậm rãi mở chiếc quạt trong tay ra. Nan quạt nặng nề, mặt quạt làm bằng lụa dát vàng, vô cùng cao sang. Khi quạt đã mở ra, một chữ "Minh" vuông vức xuất hiện trước mặt Chu Nguyên Chương.

Cả chiếc quạt to như vậy mà chỉ có một chữ Minh, đằng sau không có gì. Nhưng Chu Nguyên Chương vô cùng thích thú, bởi vì vương triều ông ta dựng lên lấy quốc hiệu là Minh.

"Ngũ Minh, nghĩa là năm phương đều sáng. Chiếc quạt Ngũ Minh này tất nhiên không phải chiếc quạt nguyên bản, chỉ là nan quạt được chế từ những nan quạt còn lại của quạt Ngũ Minh thôi. Người cầm chiếc quạt Ngũ Minh này có thể làm rõ lời người khác nói là thật hay giả, ta nghĩ, chiếc quạt Ngũ Minh này còn hợp ý ông hơn là cây nến Nhân Ngư". Gã đó điềm tĩnh nói.

"Thần kỳ vậy sao?" Tim Chu Nguyên Chương đập mạnh. Vẫn nói lòng người khó đoán, nay điều ông cần nhất, chính là cần biết liệu những người xung quanh mình có nói sao làm vậy hay không. Mắt vừa nhìn lên, Chu Nguyên Chương lập tức liền hỏi gã kia: "Cái này là thật hay giả? Tôi phải thử mới được. Tiên sinh, xin hỏi tiên sinh là ai?"

Trong bóng tối, gã kia cười bất lực: "Tại hạ chỉ là một nhà buôn đồ cổ".

Chu Nguyên Chương ngớ người ra một lúc, câu trả lời này không nằm trong phạm vi tưởng tượng của ông ta. Hơn nữa quạt Ngũ Minh trong tay không thấy gì lạ, chẳng có bất kỳ thay đổi nào. Hơi nhíu mày lại, Chu Nguyên Chương tiếp tục hỏi: "Vậy tiên sinh tới đây làm gì?"

Người đó khẽ thở dài: "Chỉ để lấy nến Nhân Ngư thôi..."

Chu Nguyên Chương vẫn chăm chú nhìn quạt Ngũ Minh, lần này thì ngạc nhiên vì nhận ra chữ Minh trên mặt quạt đang chầm chậm ẩn khỏi lớp lụa dát vàng!

Vậy tức là nếu nói thật thì quạt không có phản ứng gì, còn nếu nói dối thì chữ Minh sẽ biến mất ư?

Vậy thì ban nãy gã nói thật, còn bây giờ thì là nói dối?

Chu Nguyên Chương vội ngẩng đầu, thì thấy gã đã đi từ lâu, nhìn ra phía xa, ánh nến như bị con rồng đỏ cắp lấy, từ từ đi vào trong bóng tối.

"Bệ hạ! Bệ hạ! Đã bắt được tiểu hòa thượng đó rồi!" Đám ngự tiền thị vệ mướt mát mồ hôi chạy tới bẩm báo, trong lúc chúng không để ý thì đã để lạc mất cả hoàng đế, khiến chúng sợ tới hồn bay phách tán. May mà bệ hạ còn chưa đi xa.

Chu Nguyên Chương lại nhìn lại, thì đã thấy ánh nến ấy hoàn toàn lẩn vào trong khu rừng tăm tối, không còn thấy đâu nữa.

Sung sướng lúc lắc chiếc quạt trong tay, Chu Nguyên Chương rất vui vẻ xua tay: "Thôi, thả hắn về chùa Hoàng Giác, đối đãi cho tử tế!"

2

Năm 1390, hoàng cung ở phủ ứng Thiên.

Chu Doãn Văn chậm rãi bước ra khỏi đại bản đường, đi qua cửa trung tả, xuyên qua điện Hoa Cái. Đại điện này giống như một cái lương đình, tứ phía đều có mái chìa ra, mái tròn dát vàng, cậu đợi trong đó một lúc, cuối cùng là nhìn thấy cánh cửa lớn của điện Phụng Thiên mở ra, các vương công đại thần vừa bãi triều đổ ra bên ngoài.

Nhìn bọn họ kẻ thì hoảng sợ, kẻ thì khép nép, kẻ thì lo lắng, Chu Doãn Văn cảm thán trong lòng.

Hoàng tổ phụ gần đây đã xử lý Lý Thiện Trường với tội danh mưu phản. Dù Chu Doãn Văn mới mười bốn tuổi, nhưng cũng biết ông già bảy mươi bảy tuổi ấy sau khi giao lại vị trí thừa tướng về ở ẩn, chỉ ở nhà an tâm dưỡng già, tuyệt đối không có ý đồ mưu phản gì cả. Nhưng cách đây không lâu, Lý Thiện Trường bị người hầu tố giác mà bị giết, liên lụy đến mấy vị hầu tước quyền cao chức trọng, qua điều tra của cẩm y vệ, vụ này bới ra ngày một dài thêm, đến nay có tới hơn ba vạn quan viên dính dáng đến chuyện này rồi.

Nghe nói đao của đao phủ đã quăn cả lưỡi, máu tươi chảy trên pháp trường đã thấm xuống nền gạch, không thể gột sạch được, thậm chí trời mưa tuyết lớn cũng không che nổi thảm trạng này, tuyết rơi xuống đất đều bị nhuộm thành màu đỏ thẫm.

Khắp trên dưới triều đình của đế quốc Đại Minh đều im như ngậm tăm, đây không phải là lần đầu tiên, vụ án Hồ Duy Dung mười năm trước đã khiến hơn vạn rưỡi người bị giết. Còn giờ đây vụ Lý Thiện Trường còn liên quan đến nhiều người hơn, chẳng ai rõ cơn lôi đình của thiên tử sẽ còn kéo dài bao lâu, nghe nói các đại thần mỗi ngày lên triều đều dặn dò người nhà trước, có thể bước ra khỏi cửa là sẽ không về được nữa.

Chu Doãn Văn từ nhỏ đã được cha là Chu Tiêu dạy dỗ cẩn thận, mọi lời nói cử chỉ đều học theo cha, cậu tin rằng nhân đức mới là cách cai trị thiên hạ, việc làm này của hoàng tổ phụ, trong lòng cậu thực sự không thể đồng tình nổi.

Tất nhiên cha cậu cũng không thể đồng tình, cậu có nghe nói hôm qua vì vụ Lý Thiện Trường này mà cha cậu cãi lại hoàng tổ phụ trong ngự thư phòng. Cậu vốn không muốn dây dưa gì với chuyện lần này, nhưng hôm nay trên đại bản đường lại thiếu đi vài học trò, trong đó có bạn thân Trình Thông của cậu, khiến cậu không thể ngồi yên được nữa.

Đợi khi các đại thần bãi triều đã ai về nhà nấy, Chu Doãn Văn đã xác định được hôm nay trong buổi chầu sớm không có đại thần nào bị chém đầu, liền đoán chắc tâm trạng của hoàng tổ phụ hôm nay khá tốt. Yên tâm rồi, cậu quay đầu đi về phía ngự thư phòng. Các thái giám cung nữ dọc đường gặp đều nghiêng mình hành lễ với cậu, đến các thị vệ cũng không có ai dám ngăn cản cậu. Những người đi lại trong cung như bọn họ có vẻ càng hiểu rõ những biến động ở triều đình, đến cả những cao quan quý tộc đều không có gì đảm bảo, nữa là những người thấp kém bọn họ.

Chu Doãn Văn thuận lợi đi thẳng một mạch đến ngự thư phòng, canh ngoài cổng là thái giám Nhi Nhiếp mà hoàng tổ phụ tin tưởng nhất, Chu Doãn Văn nhỏ nhẹ chào hỏi, vị thái giám rất thích thái độ của cậu, nhẹ nhàng đưa cậu đi trước vào trong phòng đợi, rồi mới rảo bước chạy đi thông báo. Chu Doãn Văn đứng ngoài chiếc bình phong vải gấm đỏ gắn ngọc, lờ mờ nghe thấy tiếng hoàng tổ phụ trong thư phòng, không lâu sau Nhi Nhiếp liền chạy ra, gật đầu với cậu.

Chu Doãn Ván quan sát, cảm thấy Nhi Nhiếp rất bình thản, liền biết hôm nay tâm trạng của hoàng tổ phụ thực sự đang vui, lúc này mới thật yên tâm để đi vào thỉnh an hoàng tổ phụ.

Năm nay Chu Nguyên Chương đã sáu mươi ba tuổi, sắp đến tuổi "tri thiên mệnh" rồi, nhưng nhìn vẻ ngoài vẫn rất sáng suốt, mọi việc đều tự mình làm. Chu Doãn Văn thinh an xong ngẩng đầu nhìn, thì thấy cha mình quả nhiên cũng đang ở trong ngự thư phòng, còn hoàng tổ phụ ngồi sau án thư thì trong tay vẫn cầm chiếc quạt, mặc kệ hiện giờ đang là mùa đông lạnh giá, cũng không rời khỏi tay.

"Doãn Văn, cháu đến đúng lúc lắm". Chu Nguyên Chương chậm rãi phe phẩy chiếc quạt trong tay, gió quạt khiến chòm râu ông ta khẽ đung đưa, đôi mắt hơi lim dim, nhìn thật bình thản và hiền hòa. Nhưng những ai quen thuộc với ông ta đều biết, vị chủ nhân của đế quốc Đại Minh không hề vô hại như vẻ bề ngoài. Ông ta chậm rãi nói: "Năm nay cháu đã mười bốn tuổi, học ở đại bản đường lâu rồi, cũng nên biết chút ít những chuyện trên triều, cháu thấy vụ Lý Thiện Trường thế nào?"

Đây là câu hỏi cực khó trả lời, nhưng Chu Doãn Văn đã chủ động tới đây, thì đã chuẩn bị sẵn cho việc hoàng tổ phụ nhắc tới chuyện này. Nhìn thấy ánh mắt lo lắng của cha, Chu Doãn Văn vẫn bình tĩnh trả lời: "Việc làm của hoàng tổ phụ chắc là có lý của mình, chỉ có điều liên lụy đến quá nhiều người, sợ rằng trái đạo thiên hòa".

Bàn tay đang phe phẩy quạt của Chu Nguyên Chương hơi dừng lại, đôi mắt lim dim mở to dần, không biết là vui hay giận.

Lúc này Chu Doãn Văn đã nhìn thấy một thứ không nên xuất hiện đang ở trên ngự án.

Đây là cung điện xa hoa nhất của đế quốc Đại Minh, phía bên trên là đấu củng tinh xảo cùng thiên hoa tảo tỉnh nạm vàng, trên cột tròn và lớp mái đôi đều có rồng vàng quấn quanh, dưới chân là thảm lông dài của Ba Tư, trên bàn bày đầy những thứ đồ đạc giá trị ngất ngưởng như nghiên mực đất nung của Giáng Châu, bút Bành Thị của Hồ Châu, còn có ống bút sứ thanh hoa Hồng Vũ được nung từ thời Hồng Vũ..., nhưng ở nơi như thế này, mà lại có một nhánh cây gai đặt trên ngự án, hoàn toàn không hề ăn nhập với nhau chút nào.

(Đấu củng: kết cấu kèo đỡ mái của kiến trúc cổ. Thiên hoa: chỉ trần nhà. Tảo tỉnh: một dạng thức trang trí trần nhà, làm trần hõm ngược lên trên như cái giếng ngược, trang trí bên trong)

Tại sao vật này lại xuất hiện ở đây? Chắc chắn là hoàng tổ phụ sai người lấy về. Nhưng hoàng tổ phụ tại sao lại cho người đi tìm thứ này? Chắc hẳn là để muốn nói điều gì.

Chu Doãn Ván vốn là người rất thông minh, tất nhiên sẽ không cho rằng hoàng tổ phụ muốn bắt kẻ nào đó phải cõng gai thỉnh tội, nghĩ ngợi một lúc cũng ra đáp án.

Chu Nguyên Chương vẫn để ý nét mặt của Chu Doãn Văn, thấy vậy bèn hỏi: "Có nhìn ra thâm ý của thứ này không?"

Thái tử Chu Tiêu đứng bên cạnh cảm thấy căng thẳng, ông và phụ hoàng vừa mới bãi triều, còn chưa nói đến chuyện này. Tất nhiên là ông hiểu ý của phụ hoàng, nhưng con trai ông thì vẫn còn trẻ tuổi, ông sợ cậu trả lời sai.

Chu Doãn Văn cất tiếng trả lời rất nho nhã: "Nhánh cây gai mà tổ phụ hoàng chọn này, chắc là đại diện cho đế quốc Đại Minh. Hiện nay đất nước mới dựng, gốc rễ chưa vững, gai góc mọc khắp nơi. Ý của tổ phụ hoàng là, nên nhổ bỏ hết gai trên thân cây gai này, để phụ thân con dễ dàng cầm trên tay mà không bị thương". Tiếng nói còn chưa vỡ giọng của cậu thiếu niên nghe vẫn rất trẻ con, nhưng cũng khiến người nghe cảm thấy rất dễ chịu.

Thái tử Chu Tiêu đến giờ mới cất được quả tim trở lại lồng ngực, đứng dậy cung kính nói: "Phụ hoàng suy nghĩ thấu đáo, nhi thần thật cảm kích".

Chu Nguyên Chương không hề chú ý đến thái độ của Chu Tiêu, mà gấp quạt lại, chỉ chỉ vào Chu Doãn Văn đang đứng cách xa: "Doãn Văn, có phải cháu vẫn còn điều muốn nói?"

Doãn Văn cúi xuống, nắm chặt bàn tay, hòng dùng sự đau để đem lại sức mạnh cho mình. Cậu nghe thấy giọng nối run run của mình vang lên trong đại điện: "Hoàng tổ phụ, nhưng làm sao người biết cái người chặt đi là gai góc mà không phải là những nhánh cây, hoặc thậm chí cả cành cây lớn mà sau này có thể mọc lên?"

Thái tử Chu Tiêu quá đỗi kinh ngạc, sau đó thì tâm trạng trở nên lẫn lộn, ông vừa lo lắng lại vừa tự hào.

Dù sao những lời lẽ này, cũng chỉ có thể được nói ra từ một thiếu niên còn chưa biết sợ quyền uy.

Chu Nguyên Chương không hề nổi giận, ngược lại còn rất hài lòng nhìn đứa cháu đứng giữa điện đường, không trả lời câu hỏi của cậu, mà lại hỏi lại một câu khác: "Hôm nay cháu đến đây, là vì phụ thân của cháu? Hay là vì những quan viên kia? Hay vì mục đích gì khác?"

Cơ thể Chu Doãn Văn hơi cứng đờ lại, tất nhiên cậu có thể nói là lo sợ cha mình chọc giận hoàng tổ phụ, cũng có thể nói là không nhẫn tâm nhìn thấy hoàng tổ phụ giết nhiều người mà trái đạo thiên hòa, thậm chí còn có thể dùng đủ mọi đạo lý trong "Tứ thư", "Ngũ kinh" ra để phản đối ông ta. Nhưng cậu bỗng nhiên nhớ đến một câu mà cha cậu từng nói với cậu.

Đừng bao giờ nói dối trước mặt hoàng tổ phụ.

Vì thế, Chu Doãn Văn cúi đầu, thành thực thừa nhận: "Trình Thông, bạn đồng song của cháu hôm nay không đến đại bản đường để đi học...".

Chu Nguyên Chương chầm chậm mở quạt ra, có vẻ rất hài lòng với câu trả lời của cháu mình, hơi nhếch mép lên, gật đầu nói: "Trẫm biết rồi, ngày mai sẽ cho cậu ta quay lại lớp học". Nói đến đây, ông ta dừng lại một chút, rồi mới trịnh trọng nói tiếp: "Còn việc cháu hỏi làm thế nào phân biệt được gai góc và cành cây, rồi sẽ có ngày trẫm cho cháu biết".

Chu Doãn Văn nghe xong giật mình, lập tức hiểu rằng lời nói của hoàng tổ phụ vẫn còn có ý khác, ngơ ngác ngẩng đầu lên nhìn cha mình, hai cha con đều nhìn thấy ánh sáng giống nhau trong mắt nhau.

3

Năm 1398, ngự thư phòng.

Chu Doãn Văn ngồi sau ngự án, tâm trạng rối bời, anh biết sẽ có ngày mình ngồi ở vị trí này, nhưng không ngờ ngày ấy lại đến nhanh như vậy.

Chu Tiêu cha anh khao khát chiếc ghế này đã hai mươi lăm năm, nhưng sáu năm trước đã bị bệnh mà qua đời. Tổ phụ hoàng gạt hết mọi lời dị nghị, lập anh làm hoàng thái tôn. Sau khi ông băng hà cách đây không lâu, ngôi vua của đế quốc Đại Minh đã rơi lên đầu anh.

Chu Doãn Văn năm nay mới hai mươi mốt tuổi, cảm thấy đôi vai mình rất nặng nề, anh còn trẻ như vậy, làm sao có thể gánh vác cả một đế quốc như hoàng tổ phụ được?

Chu Doãn Văn nhìn chiếc quạt gấp đang nằm lặng lẽ trên ngự án, trước khi qua đời, hoàng tổ phụ đã đem hết lai lịch và sự thần bí của chiếc quạt này nói cho anh. Điều này cũng khiến anh hiểu vì sao hoàng tổ phụ chắc chắn những người ông ta giết lại là gai chứ không phải cành cây.

Chỉ có điều, anh không muốn dùng chiếc quạt Ngũ Minh này đến thế.

Từ nhỏ anh đã lớn lên trong cung, nhìn thấy quá nhiều sự lừa lọc đấu đá. Những người ở đây nói dối đã thành bản năng bởi vì có nhiều lúc, không nói dối thì không thể sống được. Hơn nữa, có những khi cho dù có nói thật, thì cũng bị người khác cho là nói dối.

Biết được người khác nói thật hay nói dối, biết được chân tướng của mọi việc, liệu đó là hạnh phúc hay là sự bất hạnh?

Chu Doãn Văn nhớ đến hoàng tổ phụ, cảm thấy cả đời ông sống không hề vui vẻ.

"Minh Triết, cậu có muốn biết những lời người khác nói là nói dối hay nói thật hay không?" Chu Doãn Văn ngẩng đầu, nhìn sang Trình Thông đang giúp anh phê duyệt tấu chương. Minh Triết là tên tự của anh ta, lấy ý trong sách "Trung Luận", "minh triết chi sĩ viết thông" (kẻ minh triết thì gọi là "thông").

Trình Thông tuổi tác cũng bằng Chu Doãn Văn, cha anh ta vốn là tham tri chính sự ở bộ Lại, có can hệ tới vụ án Lý Thiện Trường, nếu không nhờ lần đó Chu Doãn Văn lấy hết dũng khí đi xin cho, thì anh ta và người nhà e rằng đã sớm trở thành oan hồn. Hơn nữa sau khi Chu Doãn Văn lên ngôi, còn phong cho anh ta làm nội các thị độc, tuy chức quan không cao, nhưng có thể trực tiếp hầu hạ ở ngự thư phòng. Vinh dự đó không làm cho Trình Thông trở nên kém lễ độ, ngược lại anh ta càng thêm phần cẩn trọng. Anh ta trầm ngâm một lát, rồi bỏ bản tấu trong tay xuống, cung kính nói: "Bệ hạ, tạm chưa nói đến chuyện nước trong quá thì không có cá, thì làm sao để phán đoán được lời nói dối đây? Nếu vi thần biết vùng Hà Bắc đại hạn, mà báo lên là mọi chuyện đều tốt, đó là nói dối. Nhưng nếu vi thần không biết Hà Bắc đại hạn, nhưng quan lại dưới quyền cứ báo lên là mọi chuyện đều tốt, vi thần đem tấu chương đó trình lên cho bệ hạ, vậy tính là nói thật hay nói dối?"

Tuy Trình Thông nói hơi vòng vo, nhưng Chu Doãn Văn nghe xong cũng lặng người, bỗng như sực tỉnh.

Thảo nào hoàng tổ phụ giết nhiều người đến thế, thực tế cũng không thể có nhiều người dám khi quân đến vậy. Ngoài việc hoàng tổ phụ giết các công thần khai quốc khác họ để giết gà dọa khỉ ra, những người khác phần lớn đều chết oan, hơn nữa việc dối trên lừa dưới vốn là quy tắc ngầm trên quan trường rồi.

Chỉ có điều vì hoàng tổ phụ có thời gian khốn khó thời trẻ, căm hận đám tham quan ô lại đến tận xương tủy, luôn luôn có cảm giác không thể tin tưởng đám quan lại, điều này thì cho dù có làm hoàng đế rồi cũng không thể thay đổi được. Trong triều đình đế quốc Đại Minh, quan viên chính thất phẩm mà bổng lộc một tháng cũng chỉ được có bảy thạch năm đấu. Chu Doãn Văn cũng từng tò mò đi hỏi, thì một thạch gạo lộc cũng chỉ tương đương với năm tiền, thế tức là hai thạch gạo lộc mới bằng một lạng bạc, ít ỏi quá mức. Quan lại còn phải nuôi cả một gia đình, gồm cả người hầu người giúp việc, làm quan đã đến bước đường này, không làm liều thì không thể sống nổi.

Cho dù việc nghiêm trị tham quan của hoàng tổ phụ là chưa từng có xưa nay, trước các hình phạt tàn khốc như lột da nhồi cỏ, mà đám tham quan vẫn cứ như cỏ dại đốt hết lại mọc lên. Vì sao lại như vậy?

Chu Doãn Văn đang nghĩ ngợi mông lung, nhưng Trình Thông thì không đồng ý với chuyện mất tập trung trong khi làm việc của anh, mới chỉnh lại y phục, rồi cung kính tiến ngôn: "Bệ hạ, về chuyện của Yên vương điện hạ, cũng nên quyết định rồi".

Nở một nụ cười khó khăn, Chu Doãn Văn nghĩ bụng, khi hoàng tổ phụ vung đao chém giết các công thần khác họ, thì lại thoải mái phong đất cho các vương gia. Thời còn sống hoàng tổ phụ phong tới hai mươi lăm phiên vương, trong đó hai mươi tư người đều là chú của anh. Chính bởi vì công thần võ tướng đều bị giết hết, nên quân quyền rơi vào tay các phiên vương, gần như mỗi phiên vương đều có quân đội riêng của mình, quyền cao chức trọng, trở thành tông chủ của một tiểu đế quốc. Còn anh bây giờ giống như một con cừu non bị vây giữa bầy sói, cho dù tường bao quanh Minh Thành của phủ Ứng Thiên xây cao xây chắc đến cỡ nào cũng vô ích.

Chú tư là Yên vương Chu Lệ được phong phủ Thuận Thiên ở Yên Kinh, ba đứa con trai ông ta thì ở lại phủ Ứng Thiên trong đô thành, bề ngoài thì nói là ở đây để tới đại bản đường đi học, nhưng nói trắng ra thì là ở đây làm con tin. Mấy hôm trước Yên vương Chu Lệ dâng biểu tấu, nói mình lâm bệnh nặng, cầu xin Chu Doãn Văn thả ba đứa con mình về phiên địa, để trước lúc chết ông ta được gặp chúng lần cuối.

Có nên đồng ý với ý nguyện của Chu Lệ hay không, việc I này trong triều vẫn đang tranh luận, Thượng thư bộ Binh là Tề Thái luôn chủ trương giữ ba đứa con của Yên vương làm con tin, dùng để kiềm chế mọi hành động của Yên vương. Còn Thái thường tự khanh Hoàng Tử Trừng thì lại cho rằng giữ ba người ấy cũng như đã đưa cho Chu Lệ nắm đằng chuôi, có thể trở thành cái cớ để ông ta khởi binh. Lúc này Trình Thông đang nhắc nhở anh, đến lúc phải ra quyết định rồi, kéo dài càng lâu tình hình càng phức tạp.

Chu Doãn Văn nhìn Trình Thông đưa bản tấu tới trước mặt mình, tự cười bản thân.

Trước đây anh không biết vì sao hoàng tổ phụ lại chọn mình làm người kế thừa, bất luận xét về phương diện nào, chú tư Chu Lệ của cậu cũng giống hoàng tổ phụ hơn, dù là điều hành quân đội hay làm chính sự cũng đều rất quyết đoán. Hoàng tổ phụ lại trực tiếp truyền ngôi cho anh, cho dù chú hai chú ba có qua đời, thì theo lý mà nói cũng phải để chú tư lên ngôi mới đúng.

Sau này biết đến sự tồn tại của quạt Ngũ Minh, cậu mới hiểu sự lựa chọn của hoàng tổ phụ, chắc chắn hoàng tổ phụ đã biết chú tư không phải là người thành thật. Hơn nữa giờ nhớ lại, thì quả là trùng hợp, khi hoàng tổ phụ còn chưa qua đời, hai người chú lớn tuổi hơn chú tư vẫn đang tuổi tráng niên mà đã ra đi trước cả hoàng tổ phụ.

Chu Doãn Văn càng nghĩ càng buồn, hoàng tổ phụ có chiếc quạt Ngũ Minh này, có lẽ là như hổ mọc thêm cánh. Nhưng chiếc quạt Ngũ Minh trong tay anh, thì lại chẳng có ích gì. Bởi vì cho dù không dùng quạt Ngũ Minh, anh cũng biết chú tư nói dối là mình đang bệnh nặng, nhưng chẳng ai có thể nói cho anh biết là phải làm thế nào.

"Minh Triết, giúp trẫm thảo một chiếu thư, nói là trẫm cho phép ba anh em họ đi về hầu bệnh, sau đó phái Tả bố chính sứ Bắc Bình là Trương Văn cùng với Chỉ huy sứ Tạ Quý thay trẫm đi thăm bệnh". Trên mặt Chu Doãn Văn có chút vẻ đùa cợt, nghĩ bụng không ngờ chú tư là người trước nay nghiêm túc đến vậy mà cũng buộc phải giả bệnh, anh bất chợt cũng thấy mừng thầm. Nhưng rồi anh nhanh chóng thu lại nụ cười, anh cũng chỉ biết bày ra mấy trò cố tình trêu chọc đó thôi, chứ đứng trước cả một bầy sói đang chực ăn, anh chẳng có cách nào nữa cả.

Hoàng tổ phụ ơi! Một chiếc quạt biết phân biệt lời nói thật giả, coi như vẽ gấm thêm hoa, chứ đâu thể cứu người những lúc thế này...

4

Năm 1402, ngự thư phòng.

Chu Doãn Văn ngồi một mình sau ngự án, đôi mắt thất thần. Các cung nữ thái giám bên ngoài đang vội vã bỏ đi, thỉnh thoảng còn vọng tới tiếng khóc và tiếng cãi vã, trong cung điện mọi ngày vẫn yên ắng thì giờ đây trông thật thê thảm, đôi lúc vẫn còn nghe thấy tiếng chém giết và tiếng đao kiếm chạm nhau ở ngoài xa.

Xem ra mình thực sự không thích hợp để làm vua rồi, gương mặt tuấn tú của Chu Doãn Văn đang lộ ra nụ cười tự giễu cợt, anh đã ngồi trên ngai vàng bốn năm, xem tình hình này thì đến lúc phải thay người khác rồi.

Từ bốn năm trước, anh đã đấu tranh bằng mọi cách với chú tư Chu Lệ của mình, đến giờ này, anh không thể không khâm phục đối phương.

Đang suy nghĩ lại về cuộc đời hai mươi lăm năm nay của mình, thì Chu Doãn Văn nghe thấy tiếng bước chân gấp gáp bên ngoài, vừa ngẩng đầu lên thì nhìn thấy Trình Thông chạy tới với vẻ mặt lo lắng, còn chưa hành lễ, đã lập tức vội vàng bẩm báo: "Bệ hạ! Tào quốc công Lý Cảnh Long và Cốc vương Chu Huệ đã mở cửa Kim Xuyên, đón tên gian tặc Yên vương vào thành rồi!"

Chu Doãn Văn nghe xong nhưng nụ cười trên mặt không hề tắt, anh vẫn cười gật đầu: "Thảo nào trẫm nghe thấy tiếng chém giết bên ngoài đã ngừng, thì ra là vì nguyên nhân này".

Trinh Thông kinh ngạc khi thấy biểu hiện của anh, nhìn ra tứ phía, thấy thư phòng đã sạch trơn không còn món đồ cổ nào, ngạc nhiên nói: "Bệ hạ! Thế này... thế này..." Rồi lập tức hiểu ra, ở bên ngoài anh nhìn thấy đám thái giám cung nữ đang túi to túi nhỏ trốn ra khỏi cung, lập tức nổi giận: "Đám nô tì này! Thật là! Thật là!" Anh ta là người nho nhã, cho dù vừa ngạc nhiên vừa tức giận, cũng không thốt ra được một câu chửi mắng nào.

Chu Doãn Ván xua tay nói: "Trẫm bảo họ đem đồ đạc rời khỏi đây đấy, chú tư không khoan dung được với người khác, cần gì phải bắt họ cùng lên đường với trẫm".

Trình Thông giật mình, biết Chu Doãn Văn đã nghĩ đến cái chết trong đầu, anh tiến lên một bước nói: "Bệ hạ! Người cũng đi đi! Lúc này trong thành đang đại loạn, bệ hạ có thể trốn đến chỗ các phiên vương khác...".

Chu Doãn Văn mỉm cười đưa tay ngăn Trình Thông lại, bình thản nói: "Một con cừu, dù đi đến đâu cũng sẽ làm mồi cho sói. Thoát từ miệng con sói này để vào miệng con sói khác, thì có gì khác nhau đâu?" Anh không đợi Trình Thông khuyên nhủ tiếp, đã hỏi: "Minh Triết, cậu nói xem có phải ta không hợp để làm vua không?"

Trình Thông lặng người, bởi vì trong khi nói câu đó, Chu Doãn Văn còn bỏ luôn cả cách tự xưng là trẫm đi.

Nhìn vị hoàng đế trẻ tuổi ngồi sau ngự án, trong nụ cười có chút yếu đuối, Trình Thông lo lắng: "Bệ hạ!"

"Đừng có nói dối đấy! Ta có thể biết được cậu đang nói thật hay nói dối đấy nhé". Chu Doãn Văn cầm chiếc quạt trên ngự án lên, nửa cười nửa như không, trong ngự thư phòng này những gì có thể đem đi, cậu đều thưởng hết cho các thái giám cung nữ, chỉ để lại ở đây duy nhất một thứ, là chiếc quạt Ngũ Minh này.

Trình Thông nghiêm sắc mặt nói: "Bệ hạ, vi thần sẽ luôn nói thật với bệ hạ". Anh ta thấy Chu Doãn Văn không đuổi mình đi, lại còn nói chuyện với anh ta, sự sợ hãi trong lòng dần dần trở nên an định, anh ta trở lại vẻ bình tĩnh thường ngày. Anh ta chỉnh đốn bộ triều phục xộc xệch, lại cung kính tiến ngôn như những khi hỏi đáp hàng ngày: "Bệ hạ thi hành chế độ chính trị nhân từ, năm Kiến Văn thứ nhất số án tù bộ Hình báo lên đã giảm ba phần so với thời Thái Tổ, năm Kiến Văn thứ hai, xuống chiếu cho giảm thuế khóa ở các vùng Tô, Tùng, Gia, Hồ, mỗi mẫu nộp không quá một đấu, muôn dân đều ca tụng. Lại tổ chức lại sáu bộ...".

Trong thư phòng, giọng nói thanh thoát của Trình Thông cất lên êm ả, trong này như một thế giới hoàn toàn tách biệt với hoàng cung đang ồn ào hỗn loạn ngoài kia.

Chu Doãn Văn lặng lẽ nghe Trình Thông nói về thành tích chính trị của mình, sau khi ngự thư phòng trở lại yên ắng, anh bất giác thở dài nói: "Ngắn quá... Chỉ có bốn năm...".

"Phải, ngắn quá. Hơn nữa nguyên nhân chủ yếu nhất là, đức Thái Tổ đã để lại cho bệ hạ một nhành cây đã chặt hết gai, nhưng người không ngờ rằng, nhành cây không có gai góc bảo vệ, thì sẽ dễ dàng bị người khác cướp đi". Đứng trong ngự thư phòng trống trải, Trình Thông nói hết những lời trước kia không dám nói. Trước đây Chu Doãn Văn từng nói với Trình Thông về việc nhành cây gai, chuyện ấy mang lại cho anh ta rất nhiều cảm xúc.

Chu Doãn Văn lặng người nhìn quạt Ngũ Minh trong tay, anh không cần mở quạt cũng biết Trình Thông đang nói thật.

Trình Thông đã tự nói rõ như vậy, Chu Doãn Văn cũng chưa từng nghi ngờ những lời anh ta nói có nửa câu nào là dối trá. Cả những nho thần bên cạnh anh nữa, đều cương trực không a dua, lời lẽ ngay thẳng, trong bốn năm qua, Chu Doãn Văn chưa từng một lần mở quạt Ngũ Minh.

"Bệ hạ, vẫn còn thời gian, xin người hãy đi ngay...". Trình Thông thấy Chu Doãn Văn có vẻ hơi buông xuôi, liền lập tức khuyên nhủ, "Cho dù... không muốn làm con cừu, cũng có thể không làm mà...".

Chu Doãn Văn hiểu ý của anh ta, đôi mắt hơi lóe lên chút m ánh sáng, nhưng rồi nhanh chóng dập tắt.

Từ nhỏ anh đã được nuôi nấng trong cung, được cho là người kế vị từ lâu, hàng ngày đều học "Tứ thư" "Ngũ kinh" và cương yếu trị quốc, không biết nếu không làm hoàng đế thì mình sẽ làm gì.

Trình Thông thì lại tóm lấy tia sáng vừa nãy, tiếp tục khuyên nhủ: "Bệ hạ, vóc người của chúng ta đều na ná nhau, lát nữa người hãy mặc triều phục của thần, ở cửa góc phía Tây có người hầu của thần đang đợi".

"Vậy còn cậu?" Chu Doãn Văn không nhận lời, mà hỏi lại.

"Lát nữa thần sẽ đốt luôn cung điện này, tự khắc sẽ không ai nhận ra mặt của thần nữa". Trình Thông nói rất tự nhiên, coi như chuyện sống chết chẳng quan trọng gì. Sự thực là, anh ta cảm thấy có thể tận trung với vị hoàng đế bệ hạ trẻ tuổi này, đã là phúc phận tu mấy kiếp mới có.

Chu Doãn Văn khẽ cười, lắc đầu nói: "Không, tôi vẫn còn việc cần cậu làm. Cậu lại đây".

Nói đoạn, anh chậm rãi mở quạt Ngũ Minh trong tay ra.

Chu Lệ ngồi trên lưng ngựa, vẻ mặt đắc ý, cố tình ghìm chặt dây cương cho ngựa đi chậm lại, từ từ đi qua trước mặt những quan viên đang quỳ mọp dưới đất.

Cảm giác này thật là tuyệt vời!

Nhìn đô thành phủ Ứng Thiên không một chút phòng bị nào, mở toang cửa đón ông ta, nếu không phải vì vẫn còn chú ý đến hình tượng nghiêm trang lạnh lùng của mình, Chu Lệ chắc đã phải phá lên cười rồi hét lớn: "Cuối cùng ta cũng tới rồi!"

À, không, có lẽ bây giờ phải hô là: "Cuối cùng trẫm cũng tới rồi!"

Chu Lệ đang tự ăn mừng trong lòng, ánh mắt nhác thấy di ngay sau mình là con trai thứ Chu Cao Hú, chứ không phải con trai trưởng Chu Cao Xí.

Trong lần dẹp loạn này, người bỏ nhiều sức nhất chính là Chu Cao Hú, con trai thứ của ông ta. Vào thời khắc cuối cùng khi ông ta sắp sửa quyết định lấy Trường Giang chia lãnh thổ với Chu Doãn Văn, thì con trai thứ hai của ông đem quân tới, vượt sông đánh một trận. Công lao này cực lớn, vì vậy Chu Lệ lúc lâm trận cũng hứa với anh ta, nói rằng đại ca Chu Cao Xí nhiều bệnh tật, nếu có được thiên hạ, thì sẽ lập anh ta làm thái tử.

Chu Lệ đương nhiên biết câu nói đó chỉ để dỗ dành con trai, bất cứ triều đại nào, việc phế lập thái tử đều động đến gốc rễ của đất nước, nếu sau này con cả Chu Cao Xí không có sai lầm gì lớn, thì ngôi vua phải truyền cho anh ta.

Còn lời hứa kia, hẳn chỉ là nói dối.

Cả đời Chu Lệ đã nói dối vô số lần, mẫu phi của ông ta xuất thân thấp kém, ông ta liền nói với người ngoài rằng Mã hoàng hậu đẻ ra ông. Trước mặt phụ hoàng ông ta đều lựa lời phụ hoàng thích để nói, cũng rất hay hứa hẹn với thuộc hạ. Nói một câu nói dối với con trai mình, ông ta cũng không cảm thấy có gánh nặng tâm lý nào. Chu Lệ vừa lạnh lùng nghĩ vậy, vừa nhìn con thứ Chu Cao Hú đi liền ngay sau mình, vì phấn khích mà mặt mũi đỏ hồng, ông ta mỉm cười tỏ ý khen ngợi.

Chu Cao Hú nhìn thấy ánh mắt của cha, lại càng tưởng nhầm, nên càng kích động.

Chu Lệ đang định khen ngợi anh ta mấy câu, thì nghe thấy phía trước có âm thanh hỗn loạn, ông ta bực dọc quay lại, thì ngạc nhiên phát hiện ra ở phía xa có một cột khói đen bốc lên, đó là hướng của hoàng cung!

Lập tức vung roi xua ngựa, Chu Lệ phi thẳng đến đó, gọi người đến dập lửa. Không cần cho người điều tra, ông ta cũng biết đó chắc chắn là đứa cháu vô dụng Chu Doãn Văn của mình tự thiêu. Ông ta không muốn đứa cháu mình chết như vậy, ông còn muốn mình phải được thằng cháu nhường ngôi vua một cách đường đường chính chính, bắt nó thừa nhận sai lầm của bản thân, có thế thì cuộc dẹp loạn kéo dài bốn năm ròng rã mới được sử sách ghi là cuộc chiến chính nghĩa.

Nhưng nhìn ngọn lửa ngút trời đang bốc lên, Chu Lệ nghiến chặt răng. Hoàng cung đều làm bằng gỗ, chỉ cần đồt lửa là khó có thể dập nổi.

Tất cả mọi người đã bó tay, chỉ biết lặng nhìn hoàng cung hùng vĩ tráng lệ chìm trong biển lửa, không ai nói gì, nhưng đều cảm thấy ngọn lửa này đã đốt sạch đế quốc Đại Minh của thời đại cũ.

Chu Lệ sai người đi tìm tung tích Chu Doãn Văn, không tìm thấy gì, mọi câu trả lời đều cho thấy rất có thể Chu Doãn Văn đang ở trong cung điện bị thiêu rụi kia.

"Phụ vương! Có người nói là chuyển lời hộ Kiến Văn đế"". Ngọn lửa cháy hết cả ngày, khi lửa sắp tắt trong ánh chiều tà, Chu Cao Hú lôi một người đi tới. Bè phái của Yên vương từ lâu đã không còn gọi Chu Doãn Văn là bệ hạ nữa, mà chỉ gọi là Kiến Văn đế.

Chu Lệ nhìn người đó, nhận ra đó là một chàng trai trẻ tuổi mặc triều phục lục phẩm, nhớ lại một chút, ông ta liền nhớ ra người này chính là nội các thị độc rất thân cận với Chu Doãn Văn, có tên là Trình Thông. Lúc này anh trông thật thảm hại, triều phục xộc xệch, có lẽ là do trước khi dẫn anh vào, Chu Cao Hú đã lục soát trên người xem có đem theo vũ khí sắc nhọn gì không. Chu Lệ hơi nheo mắt, không giận nhưng có uy, nói: "Ồ? Cậu ta muốn gửi lời gì?"

"Yên vương điện hạ, xin hãy cho tả hữu lui ra, những lời tôi sắp nói đây tốt nhất là không nên truyền tới tai người khác". Trình Thông giằng tay khỏi gọng kìm của Chu Cao Hú, thần thái ung dung. Anh cúi đầu chỉnh đốn lại triều phục, cẩn thận và nghiêm trang.

Chu Lệ cũng chẳng sợ một văn nhân trói gà không chặt như anh có thể uy hiếp tới ông ta, cho thuộc hạ lui hết, Chu Cao Hú không muốn đi cũng bị đuổi, rồi mới nhìn chàng trai trẻ đứng một cách rất trấn tĩnh trước mặt mình, ánh mắt rơi xuống chiếc quạt anh ta cầm trên tay, bỗng nhiên cảm thấy rất quen thuộc, ông ta nhận ra đó là chiếc quạt mà phụ hoàng luôn đem theo người.

Chắc lại là một tên đến dâng báu vật để cầu an lành. Chu Lệ nghĩ tới đám vương hầu quan lại mở cổng thành đón mình mơ tưởng đến công lao đưa ông ta lên ngôi, ánh mắt không khỏi có phần khinh bỉ, tô ra không buồn để ý: "Nói đi"

Trình Thống không để ý đến vẻ mặt của ông ta, vẫn bình tĩnh đem toàn bộ lai lịch và khả năng thần kỳ phân biệt được lời nói thật giả của quạt Ngũ Minh kể hết một lượt.

Chu Lệ mấy lần biến sắc mặt, giờ ông ta mới biết vì sao phụ hoàng đến chết cũng không ưa ông ta, thì ra là vì chiếc quạt Ngũ Minh này! Thảo nào đại ca Chu Tiêu lại thành thật đến thế, không nói dối bao giờ, chắc chắn là vì biết bí mật của chiếc quạt Ngũ Minh, ông ta còn tưởng tính anh trai mình từ nhỏ đã vậy cơ!

Ông ta cũng là kẻ bề trên, tất nhiên phải hiểu chiếc quạt Ngũ Minh này có ý nghĩa to lớn thế nào. Lúc này, ông ta không còn kiềm chế được nỗi vui sướng trong lòng, cười ha hả: "Minh Triết có công lớn, khanh muốn gì nào? Đợi khi trẫm chính thức lên ngôi, sẽ trọng thưởng cho khanh!" Vừa nói ông ta vừa lấy chiếc quạt Ngũ Minh trên tay Trình Thông một cách không chút khách sáo, trong lòng đang nghĩ bí mật to lớn này, đương nhiên không thể để người thứ hai biết, ắt phải tìm cơ hội để khiến chàng trai trẻ trước mặt ông ta hoàn toàn im miệng.

Chỉ có người chết rồi, mới thực sự giữ được bí mật.

Lúc này, cung điện ở phía không xa đã cháy sắp hết, có thị vệ đến báo, trong đám cháy phát hiện ra một thi thể, không gần nhận ra nổi có phải là Kiến Văn đế hay không nữa.

Chu Lệ chậm rãi mở chiếc quạt trong tay ra, hỏi Trình Thông: "Minh Triết, khanh có biết thi thể đó là của cháu ta hay không?"

Trình Thông đứng thẳng người, cười nhạt có chút ngạo nghễ: "Yên vương điện hạ, người có biết bệ hạ biết rõ bí mật của quạt Ngũ Minh, nhưng vì sao trong bốn năm làm vua của mình, bệ hạ chưa từng một lần mở quạt Ngũ Minh ra không?"

Chu Lệ nhăn mày, không trả lời, trong lòng ông ta không cho là vậy, tuyệt nhiên không tin được Chu Doãn Văn có bảo bối này trong tay mà có thể nhẫn nhịn không dùng. Trình Thông nhìn sâu vào mắt ông ta, khóe miệng nhếch cười nhạt, hình như đang chế giễu sự tự tin của ông ta, cũng như đang nhạo báng sự ngu dốt của ông ta, chậm rãi nói: "Bởi vì chỉ có người thích nói dối, mới nghi ngờ người khác không biết họ nói thật hay nói dối".

Chu Lệ nghe xong sững sờ, lập tức sự xấu hổ và giận dữ tràn lên trong lòng như sắp nhấn chìm ông ta, không còn nghĩ đến hình tượng gì nữa, ông ta lớn tiếng nạt nộ: "Nói mau! Có phải Chu Doãn Văn đang trong cung hay không?" Ông ta nói xong bèn dán chặt mắt vào quạt Ngũ Minh, chuẩn bị kiểm tra xem Trình Thông nói thật hay nói dối.

Nhưng Trình Thông vốn không định trả lời câu hỏi đó, anh lao thẳng vào tường phía nam của cung điện.

Các thị vệ đứng bên đều không ngờ nổi anh ta có hành động đột ngột ấy, không ai kịp ngăn anh lại.

Chu Lệ lạnh lùng nhìn nội các thị độc trẻ tuổi gục xuống bên tường nam, từ kẽ răng rít ra một câu: "Lục soát!"

5

Năm 2013.

"À... Gã Chu Lệ này quên một điều, cho dù có quạt Ngũ Minh biết phân biệt thật giả, thì người khác vẫn có thể từ chối trả lời câu hỏi!" Con thỏ bông mà bác sĩ trú ngụ nay đã được khoác một chiếc áo bông đỏ dày, tuy anh bây giờ chỉ là đồ chơi, không thể cảm nhận được cái lạnh của mùa đông, nhưng bên ngoài trời đã đổ tuyết, cũng nên mặc cho hợp cảnh chứ! Nhưng nút áo hình như hơi chặt, vì mặc chiếc áo bông mà con thỏ vải đã tròn lẳn, bác sĩ khó khăn lắm mới bò được từ mặt quầy đến trước mặt chủ tiệm, ra hiệu cho gã giúp anh tháo cúc chiếc áo bông ra.

Tuy không hiểu làm sao con thỏ bông lại cảm thấy bí thở được, nhưng chủ tiệm cũng tạm bỏ chiếc quạt gã đang lau chùi trên tay xuống, giúp bác sĩ tháo cúc áo.

"Phù, giờ mới thấy hình như thoải mái hơn rồi". Bác sĩ lắc lắc đôi tai thỏ, tiếp tục bình luận câu chuyện vừa nghe được. "Chắc Minh Thành Tổ Chu Lệ sau này cũng đem theo chiếc quạt Ngũ Minh, không bao giờ rời khỏi người nhỉ? Thảo nào ông ta giống hệt Chu Nguyên Chương cha mình, đều là kẻ thích chém giết, đầu đời Minh cũng chỉ có bốn năm dưới thời Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn là quan lại còn sống yên ổn, những lúc khác thì đều là núi thây biển máu! Chu Lệ còn phát minh ra trò tru di mười họ, kinh hơn cả chu di chín họ! Đúng là ghê thật!"

Chủ tiệm không bình luận gì, gã không cho rằng mọi việc đó đều bắt đầu từ chiếc quạt Ngũ Minh mà gã đưa cho Chu Nguyên Chương. Cho dù không có quạt Ngũ Minh, thì việc chém giết vẫn xảy ra. Cũng như câu nói cuối đời của Trình Thông, chỉ có người thích nói dối, mới nghi ngờ không biết người khác đang nói thật hay nói dối. Những đồ vật khác nhau, trong tay những người khác nhau, thì sẽ có tác dụng khác nhau. Trong tay Chu Doãn Văn, chiếc quạt Ngũ Minh này chỉ là một chiếc quạt gấp bình thường.

Thấy chủ tiệm mãi không nói gì, bác sĩ không nhẫn nại được nữa, nói ra câu hỏi lớn nhất trong lòng: "Này chủ tiệm! Hán Huệ đế Lưu Doanh được anh bày cho cách giả chết để cứu ra, chuyện của quạt Ngũ Minh anh biết rồ như thế, vậy thì Minh Huệ đế Chu Doãn Văn có phải cũng được anh cứu rồi không? Ồ, hình như hai người này đều lấy chữ Huệ làm thụy hiệu, trùng hợp thật!"

Chủ tiệm vẫn không nói gì, lại cầm quạt Ngũ Minh trong hộp gấm lên lấy vải lụa lau tỉ mẩn.

"Chủ tiệm! Anh đừng làm cụt hứng người khác chứ! Chu Doãn Văn là một trong số ít những hoàng đế không có ghi chép về ngày mất, sau này Chu Lệ phái Tam bảo thái giám Trịnh Hòa ra biển, nghe nói là để tìm tung tích của Chu Doãn Văn. Vậy cuối cùng là ông ta có chết không?" Không có câu trả lời, bác sĩ cảm thấy rất ngứa ngáy.

Chủ tiệm lúc này mới chậm rãi mở chiếc quạt Ngũ Minh ra, trên lớp vải lụa dát vàng cao quý xa hoa, một chữ "Minh" vuông vức chầm chậm hiện ra.

"Ồ? Muốn biết câu trả lời à? Vậy cậu muốn nghe lời nói thật? Hay là lời nói dối?"

"..."

Bình luận

Truyện đang đọc