TÌNH ĐẦU NGUYỆN GIẤU VÀO TIM

Ta theo Tố Thủy, nàng dạy ta những việc trong hậu viện. Chẳng hạn như may vá, pha trà, sắc thuốc và phơi sách. Một hôm giữa trời nắng đẹp của mùa hạ, bỗng dưng mưa xối xả đổ xuống. Chúng ta phơi sách khắp sân, mưa xuống khiến mọi người vội vàng thu dọn sách, ai ai cũng ướt như chuột lột.

Tố Thủy chẳng màng tới bản thân mình, liền đến giúp ta lau tóc trước. Đỗ Nhược lanh lợi bẹo má ta: “Tố Thủy nhỏ mọn thế mà nuôi được ngươi mập mạp tròn trịa thế này. Mau nói đi, Phúc Nguyên, ngươi đã bỏ bùa gì nàng ấy?”

Tố Thủy đẩy tay Đỗ Nhược ra, bĩu môi: “Ngươi có thể xem ai cũng là tri kỷ, còn ta không thể có một người bạn tâm giao sao?”

Ta từng hỏi, vì sao Tố Thủy lại đối xử với ta đặc biệt đến vậy. Những đêm đông giá lạnh, tay nàng vẫn thường lộ ra ngoài chăn, chỉ để có thể đắp lại chăn cho ta bất cứ lúc nào.

Trong viện của Phụ thiếu gia có một gian bếp nhỏ, mỗi lần được cho thức ăn ngon, nếu có hai phần, chắc chắn một phần là của ta; nếu chỉ có một phần, thì phần đó cũng để lại cho ta. Ta cầm miếng bánh mật ong trong tay, nhìn ánh mắt đầy mong đợi của nàng mà mũi cay cay. Nàng đối xử tốt với ta còn hơn cả mẹ ruột.

“Tố Thủy tỷ tỷ, tỷ đối với ta tốt như vậy, chẳng lẽ chỉ vì ta giống tiểu muội của tỷ vài phần thôi sao?”

Tố Thủy sững lại, như cánh hoa lê rụng trắng xoá cả mặt đất. “Ta cũng chẳng rõ…,” nàng bối rối vuốt lại lọn tóc bên tai, cười gượng mà đôi mắt đã hoe đỏ.

“Phúc Nguyên, mỗi lần nhìn muội, ta như thấy chính mình khi xưa, lúc vừa bị phụ thân bán vào đây.”

Khi ấy, nàng trong sáng thuần khiết như cánh hoa lê trắng muốt, không vướng chút bụi trần. Trước đây, nỗi khổ lớn nhất của nàng chỉ là không đủ ăn, không đủ mặc. Còn giờ đây, nàng chỉ còn lại những thứ như cơm ăn áo mặc. Những trận đòn roi, những lần nhục mạ đã trải qua, trong mắt chủ nhân đều có thể bù đắp bằng một bát canh hay một miếng bánh.

Nhưng với Tố Thủy thì sao? Con người đâu phải cây cỏ, sao có thể vô tri vô giác.

Hoa lê rơi rụng, vùi dập trong bùn lầy, chẳng còn chút tự do nào. Tố Thủy muốn bảo vệ ta, như muốn bảo vệ chính bản thân nàng thời chưa biết buồn lo. Vì vậy nàng cố ý không để ta xuất hiện quá nhiều trước mặt Phụ thiếu gia.

Ta ôm lấy nàng, nghe nàng hỏi: “Phúc Nguyên, bánh mật ong ngọt chứ?”

“Dạ, ngọt lắm, ngọt lắm tỷ ơi.”

Nhưng nào ngờ, lần sau khi ta gặp lại bánh mật ong, chính là khi ta bị triệu đến làm “Ngọc Thai Bàn” cho Phụ thiếu gia.

Đó là lần đầu ta nếm trải cảm giác này – hai đầu gối quỳ sát đất, hai tay nâng cao chiếc đĩa. Chiếc đĩa sứ tinh xảo được ta nâng niu trong lòng bàn tay, bên cạnh có bà quản sự canh chừng, nếu hơi chao động hay làm phật ý quyền quý, chắc chắn sẽ phải chịu đòn roi. Thì ra, quỳ gối để sinh tồn là cảm giác như vậy.

Tố Thủy từng nói, nàng đã quỳ từ năm mười bốn tuổi, quỳ để giúp chủ nhân mang giày, quỳ để sưởi ấm chân cho chủ nhân, quỳ để dâng trà rót nước. Nay nàng đã mười tám, quỳ đến mềm đầu gối, quỳ đến cong cả lưng.

Còn ta, chưa kịp quỳ lâu, đã có một bàn tay rắn rỏi, ngón tay rõ nét, nắm lấy tay áo ta. “Hà tất phải làm nhục nha hoàn thế này.”

Nghe giọng thanh thoát êm dịu ấy, ta mường tượng ra vị công tử trẻ tuổi, hẳn sở hữu đôi mắt và chân mày hiền hòa ôn nhu.

“Thị lang đại nhân quả thật biết thương hoa tiếc ngọc!” Phụ thiếu gia hào hứng tán thưởng. Thoáng trong tầm mắt, ta thấy hắn ra hiệu cho ta đứng lên. Nhưng lần đầu quỳ gối bưng đĩa, chân ta đã tê rần, lỡ đạp vào tà váy, không đứng vững, cả đĩa bánh đổ ập xuống áo vị đại nhân.

Trong khoảnh khắc ấy, m.á.u trong người ta như đông cứng lại, ta kinh hãi quỳ xuống, hai tay không ngừng run rẩy. Khi chạm vào ánh mắt của Tiết Khắc Kỷ, ta như thấy rõ con đường xuống hoàng tuyền trước mắt.

Đêm thu lành lạnh, ánh trăng tròn treo ngoài cửa sổ phía sau lưng hắn. Hắn không giận, chỉ nhè nhẹ phủi tàn vụn trên áo choàng, vẻ thản nhiên.

Phụ thiếu gia lập tức lao đến, giơ tay định đánh ta: “Con tiểu nha đầu đáng chec! Dám…”

“Không sao đâu.” Tiết Khắc Kỷ đứng dậy, vạt áo xanh biếc lướt qua mặt ta dịu dàng như gió xuân.

Như tùng như trúc, như trăng sáng suối trong.

Hắn bảo vệ ta, nhẹ nhàng ngăn bàn tay của Phụ thiếu gia. “Chúng ta là nam nhân, sao lại so đo với một tiểu nha hoàn chứ?”

Phụ thiếu gia miệng nói hài lòng, nhưng vẫn nắm lấy ta, kéo đứng dậy một cách thô bạo. Ta vóc người nhỏ bé, đứng bên cạnh vị Thị lang đại nhân này, đầu chỉ tới ngang cằm ngài. Ngửi thấy mùi rượu nồng nặc trên người Phụ thiếu gia, ta mới thấm thía nỗi khiếp sợ sâu xa của Tố Thủy.

Tiết Khắc Kỷ lại lên tiếng: “Mong Vương công tử nể mặt mà buông tay.” 

Bình luận

Truyện đang đọc