5.
Một năm sau — xã Thanh Thủy
“A Tư, lại đây giúp một tay.”
Tấm rèm của y quán bị vén lên, sư phụ đỡ một bệnh nhân bước vào trong phòng.
Ta vội buông cối nghiền thuốc, cùng sư phụ dìu người kia đến ngồi xuống ghế.
“Ta đi sắc thuốc, A Tư, con lo băng bó cho hắn.”
Sư phụ dứt lời liền đi thẳng vào trong lấy thuốc, ta chỉ đành gật đầu, mang nước sạch đến rửa vết thương và băng lại.
Người bị thương mặc y phục của thị vệ, vải vóc cao cấp, khí chất bất phàm.
Bên hông có một vết c.h.é.m dài, m.á.u vẫn đang chảy không ngừng. Hỏi ra mới biết, bọn họ bị cướp tấn công trên đường núi, hắn vì bảo vệ chủ nhân mà bị thương.
Vết thương trông đáng sợ, nhưng không chí mạng. Sau khi băng bó xong, sư phụ cũng đã sắc thuốc xong mang ra.
Chuyện sau đó giao lại cho sư phụ xử lý, còn ta thì lén thay đồ, chuẩn bị chuồn về nhà bằng cửa sau.
Không về sớm, e là phụ thân lại bắt chép sách phạt.
Một năm trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hệ thống, hồn ta nhập vào một cô gái ngốc ở thôn Thanh Thủy.
Cô gái đó là con gái độc nhất của huyện lệnh — tên là Lý Tư. Nhưng nàng trời sinh ngây ngốc, chỉ biết ăn ngủ, không nói, không cười, như một con búp bê biết đi.
Khi ta nhập hồn vào, Lý Tư vừa rơi xuống ao mà c.h.ế.t do người hầu sơ ý trông nom. Thấy vợ chồng huyện lệnh khóc đến ngất lên ngất xuống, đám người hầu thì bị đánh đến sống dở c.h.ế.t dở, ta bèn lựa chọn sống tiếp dưới thân phận Lý Tư.
Ta chưa từng được ai thương nhớ, làm con gái nhà họ Lý, ít nhất còn có cha mẹ yêu thương che chở.
Suốt một năm qua, thấy con gái ngốc nghếch dần biết nói, biết cười, biết suy nghĩ, Phu thê họ Lý lại càng yêu thương ta hơn.
Ta đến y quán học nghề, thật ra là vì mẫu thân. Mẹ sinh Lý Tư xong thì thân thể yếu đuối, bệnh vặt không dứt, nhưng bệnh của phụ nữ lại khó mà nói rõ với đại phu. Ta nghĩ, nếu ta học được chút y thuật, ít ra cũng có thể giảm bớt nỗi khổ cho bà. Xem như tận hiếu với cha mẹ Lý gia, cũng là đền ơn Lý Tư đã cho ta mượn thân xác mà sống.
Chỉ là ta vẫn nghĩ đơn giản quá. Học y đâu phải chuyện dễ, một chứng bệnh nhỏ cũng kéo theo vô số hệ lụy. Những điều ta cần học còn rất nhiều.
Tạm biệt sư phụ, ông móc ra từ trong tay áo một quả đào chín mọng:
“Là Trương bá cho, cầm lấy đi.”
Hôm trước Trương bá lên núi hái thuốc, bị trẹo chân, ta giúp ông chữa khỏi.
Ta vui vẻ đón lấy, ôm quả đào mà hí hửng bước ra khỏi y quán.
Sau y quán là một cánh đồng lúa chín vàng, xen lẫn những vườn rau nhỏ của dân làng đi chưa được mấy bước, bên rặng trúc xanh là một hồ nước trong vắt.
Ta cúi xuống mặt nước, chỉnh lại mái tóc xem có rối không. Không ngờ bỗng nghe “tõm” một tiếng — có người ném đá xuống nước, làm gợn lên từng vòng sóng.
Ngẩng đầu nhìn — một thiếu niên mặc áo vải xanh đang ngồi xổm bên hồ, mỉm cười với ta, ánh mắt như trăng sáng phản chiếu trong nước.
6.
“Triệu Hành Giản!” Ta giậm chân, tức tối, “Y phục của ta ướt hết rồi đó!”
“Hứ, ai bảo ngươi nói không giữ lời? Rõ ràng hứa sẽ cùng ta lên núi hái thuốc, cuối cùng lại chẳng thấy bóng dáng đâu.”
Triệu Hành Giản vừa nói, vừa bước đến bên cạnh ta.
Thiếu niên đang vào độ tuổi lớn, bóng dáng in dưới mặt nước vừa cao vừa gầy. Hắn là con trai độc nhất của sư phụ, thừa hưởng nét đẹp của cả sư phụ lẫn sư nương. Tướng mạo thanh tú, môi đỏ răng trắng, chỉ tiếc tính tình hiếu động, nghịch ngợm không ai bằng.
Lời hắn nói khiến ta có chút chột dạ. Hôm nay được nghỉ, ta ngủ say quá, quên cả giờ hẹn.
Khi chạy đến y quán thì Triệu Hành Giản đã đi mất rồi. Núi rừng mênh m.ô.n.g thế kia, biết tìm hắn ở đâu?
“Đây này, quả đào này cho huynh, xem như ta tạ lỗi đó.”
Tiếc thật, quả đào thơm lừng ấy, chỉ cần cắn một miếng, nhất định sẽ ngọt lịm!
Triệu Hành Giản làm bộ muốn lấy, nhưng đến phút chót vẫn đẩy trái đào về phía ta.
“Ta chẳng ham đâu, trong núi đầy dã quả mà!”
Vừa nói, hắn như trò ảo thuật, lôi từ giỏ thuốc ra một nắm quả dâu rừng đỏ mọng,
“Đều là của ngươi đấy. Còn nữa ——”
Một bó hoa được nhét vào tay ta. Hoa dại muôn màu rực rỡ, xinh đẹp vô cùng.
Ta bỏ tất cả vào chiếc túi đeo tay tự may, riêng bó hoa thì không nỡ buông.
Ta đưa lên ngửi, mùi hương thật dịu:
“Đẹp thật đấy, ta sẽ cắm vào bình, giữ cho tươi lâu. Cảm ơn sư huynh!”
Chỉ trong những khoảnh khắc như thế này, ta mới dịu dàng gọi hắn một tiếng “sư huynh”.
Triệu Hành Giản hếch cằm, vẻ mặt thản nhiên: “Khách sáo gì chứ!”
Tiểu tử này, được gọi một tiếng sư huynh mà ra dáng lắm!
Ta bật cười, không kiềm được.
Đúng lúc đó, đôi bướm phấn bay lượn đến, một con đậu trên bó hoa trong tay ta, con còn lại bám sát không rời. Được lắm, lại đến ân ân ái ái trước mặt ta. Ta nhanh tay bắt lấy con bướm đang đậu trên hoa, vung tay áo đuổi con còn lại.
Giữ chặt đôi cánh mỏng như sương: “Bị ta tóm rồi nhé!”
Ta vui vẻ reo lên, gương mặt rạng rỡ.
Đúng lúc ấy , sau lưng vang lên tiếng động khe khẽ từ rừng trúc. Ta ngoảnh đầu lại. Giữa rặng trúc xanh mướt, ánh hoàng hôn dịu dàng phủ lên thân ảnh người nọ, tà áo trắng tinh khôi, ánh mắt trầm lặng mang theo vẻ bi thương khôn tả, chàng đứng đó, lặng lẽ nhìn ta.
Giống như một năm trước, khi ta đứng bên vách núi, nhìn chàng trong nỗi đau im lặng không lời.
Tạ Thính Trúc!
Sao ... sao chàng lại có mặt ở đây?