TƯỚNG CÔNG, CHÀNG CŨNG SỐNG LẠI SAO?


Chương 52
Edit: Huyên
 
Vầng thái dương rơi xuống trên Hàn Lâm Họa Viện, phác họa hình dáng đầu mái tuyết phủ như chim trắng bay lên. 
 

Nội đường, Gia Nguyên đế mặc đạo bào gấm nâu thêu rồng, ngồi ngay ngắn chính giữa ghế tử đàn, tỉ mỉ lật từng tờ tranh chữ mới viết trên bàn, mặt rồng không dừng được lộ ra nụ cười. 
 
Người đứng bên cạnh thân trường ngọc lập*, văn nhã thanh khiết, phụ trách Họa viện, Nguyễn Tư Ngạn. Hắn ăn mặc đơn giản mà trang nhã, bảo dưỡng rất tốt, không thể nào nhìn ra đã gần 50 tuổi, đoán chừng cũng chỉ tầm 40. 
 
(*) Thân mình cao, đẹp như ngọc thạch
 
Hắn cúi đầu bình họa tác cùng Gia Nguyên đế, thái độ cung kính khiêm tốn lại không mất đi phong phạm danh gia. 
 
Từ Hách đứng lẫn giữa một đám họa sĩ bên dưới, trộm liếc Nguyễn Tư Ngạn. 
 
Quả thật vào sáng sớm ngày Nguyễn Thời Ý “chết được bảy ngày”, hắn đã gặp được “tiểu sư đệ” trong sân giảng bài của Thư Họa Viện và khi đến Thúy Hồ ngắm hoa sen. Nhưng hắn không tài nào tưởng tượng được thiếu niên thật thà trong trí nhớ của mình làm thế nào trở thành danh sĩ tuấn lãng tiên tư* trước mắt?
 
(*) Dung nhan anh tuấn, đẹp như tiên
 
Hắn thậm chí còn nghĩ nếu mình vẽ tranh đến già sẽ có dung nhan và phong thái như vậy hay không, Nguyễn Nguyễn của hắn có thích hắn như vậy không. 

 
“Bệ hạ, bức họa này nét bút chuyển từ sườn núi có thay đổi, dùng nét suân* nhuộm sườn núi làm nổi bật mặt sông phẳng lặng, từ sít biến thưa, xa cách tú lệ, ý vị vô cùng phong phú… Đúng là họa sư trẻ tuổi tài cao vẽ ra.”
 
(*) Một lối vẽ của Trung Quốc, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt nam mặt bắc của núi, sau khi phác ra đường nét chung.
 
Nguyễn Tư Ngạn chỉ một bức sơn thủy, ánh mắt và giọng nói đều lộ ý khen ngợi. 
 
Gia Nguyên đế cười nói: “Đây là tân Từ Đãi Chiếu vẽ, trẫm càng thưởng thức ngòi bút đẫm mực phác họa gợn nước và cát mịn, phong cảnh linh động, rất có ý cảnh tuyệt diệu ‘đi theo nguồn nước đỏ, ngồi ngắm áng mây bay’.”
 
Nguyễn Tư Ngạn khẽ thở dài: “Phong cách bị ảnh hưởng bởi Tham Vi tiên sinh hơi nhiều, vừa là chuyện tốt, lại không phải chuyện tốt!”
 
“Ngược lại trẫm cảm thấy vẫn chưa thể phát huy phong cách của Tham Vi tiên sinh. Thịnh hội thi họa năm sau trẫm còn muốn ra một đề mục về Tham Vi tiên sinh cho mọi người. Việc vẽ hoa điểu hay là người thì giao cho ngươi và Phó Khanh gia quyết định.”
 
Hai người ngươi một lời ta một lời, nói từ tác phẩm mới của “Từ đãi chiếu” cho đến chuyện an bài năm sau. 
 
Hàn huyên vài câu chính sự, ánh mắt Nguyễn Tư Ngạn chăm chú quét về phía các họa sư yên lặng chờ dưới đài, cười hỏi: “Bệ hạ, hôm nay vị Từ đãi chiếu kia có ở đây không?”
 

Quan viên Họa viện có gần một phần ba là chức quan nhàn tản, hoặc giảng bài ở Thư Họa Viện, không phải mỗi ngày đều đến trình diện. 
 
Từ Hách không đợi hoàng đế lên tiếng, bước ra nửa bước, chắp lễ hướng về phía hai người bên trên: “Vi thần Từ Huyên Dịch, đợi nghe sai bảo.”
 
Nguyễn Tư Ngạn ngắm nghía hắn một lát, ánh mắt khó nén ngạc nhiên, “Từ đại nhân và Lẫm Dương Từ thị có họ hàng? Nhìn dáng dấp lại có vài phần giống Tham Vi tiên sinh.”
 
“A! Lời này là thật?” Gia Nguyên đế đột nhiên hưng phấn. 
 
Trên lưng Từ Hách mồ hôi chảy ướt nhẹp. 
 
Hắn nhậm chức ở Thư Họa Viện đã lâu nhưng mỗi lần đều trốn tránh Nguyễn Tư Ngạn, chờ ngày nuôi râu tốt rồi mới dám lộ diện. 
 
Sau đó Nguyễn Tư Ngạn rời kinh thành, hắn dùng thời gian mấy tháng, đầu tiên là nuôi râu đầy mặt, nghe được đối phương trở về lại vẽ to lông mày, dùng keo kéo khóe mắt ra, tự đánh giá đã thấy không rõ tướng mạo thật. 
 
Sư đệ hơn 30 năm không thấy hắn, theo lý thuyết có thể lừa gạt được. 
 
Hiện tại bị hỏi quan hệ với Lẫm Dương Từ thị, Từ Hách chỉ có thể thuật lại theo phiên bản trước đó. 
 
Nguyễn Tư Ngạn tựa hồ nổi lên hứng thú, yêu cầu xem mấy bức họa cũ của hắn. 
 
Từ Hách bất đắc dĩ, lấy ra mấy cuốn nửa mới nửa cũ, lại thoái thác nói năm xưa vì duy trì sinh kế nên phần lớn họa tác đã bán đi. 
 
Hỏi tới bản sao của 《 vạn sơn tình lam đồ 》 hắn vẽ, Gia Nguyên đế không nhịn được thúc giục: “Từ đãi chiếu lần này vẽ quá chậm! Trẫm cũng đợi không kịp!”
 
“Chưa vẽ xong, không dám làm nhục mắt thánh, khẩn cầu bệ hạ thứ tội.”
 
Ngoài miệng Từ Hách cung thuận, trong bụng thầm nghĩ – còn không phải bởi vì ngươi nhàn rỗi không có chuyện gì, viết một bài khen thơ của ta, lại bổ sung một bài tưởng nhớ thơ của ta! Ai muốn ngươi khen! Ai muốn ngươi hoài niệm! Ai quen thân gì với ngươi! Không đúng, lúc ta đi, tiểu hoàng đế nhà ngươi còn chưa ra đời đâu. 
 
Lập tức, Nguyễn Tư Ngạn không để cho Từ Hách độc chiếm ngôi đầu, lại lựa ra vài tác phẩm tâm huyết của các vị họa sư, nghiêm túc phê bình một phen. 
 
Thẳng đến khi sắc trời tối đen, hoàng đế khởi giá trở về cung, những người khác tản đi, Từ Hách mới thoáng thở phào nhẹ nhõm. 
 
****
 
Đêm giao thừa, giờ Tuất đã qua, tuyết lớn bao phủ kinh thành. 
 
Trong cung sênh ca không dứt, khắp nơi pháo hoa pháo trúc vang tận mây xanh, càng lộ ra góc tây bắc rất yên lặng. 
 
Từ Hách mặc áo khoác xám, dọc theo ánh đèn đá yếu ớt bên đường, đạp tuyết đọng trên đá xanh mà đi, một tay bung dù, một tay ôm túi đồ vật lớn, sải bước ra khỏi Hàn Lâm Họa Viện. 
 

“Từ đại nhân hôm nay về sớm hơn bình thường? Trở về đón giao thừa với người nhà?” Thủ vệ canh cửa đã quen việc hắn đêm đêm vẽ tranh bên trong, thấy hắn vội vã đi thì cười chào hỏi. 
 
“Đúng vậy! Cuối cùng cũng hoàn thành việc Thánh thượng giao phó, sớm về nhà nghỉ ngơi cũng tốt.”
 
Từ Hách chỉ cảm thấy bức họa cuộn tròn trong tay như nặng ngàn cân, khiến hai tay hắn khẽ run, trán đổ mồ hôi. 
 
Một tên thủ vệ khác cười hì hì nói: “Y như thông lệ, ngài hiểu mà.”
 
Từ Hách mở túi vải dầu đựng họa tác ra như lệ thường, tùy tay mở ra một bức, cười nhạt nói: “Không phải trở về ăn tết sao? Liền cầm thêm vài bức… Ai da! Trời tuyết này thật là không tiện!”
 
Đám thủ vệ nào có hiểu thi họa. Nhìn qua loa vài cái, thấy ấn giám của hắn liền cười cho đi. 
 
Từ Hách lấy chút bạc vụn nhét vào tay bọn họ, cười ha hả: “Trời giá rét, chư vị cực khổ rồi! Chút tâm ý nhỏ, mời tất cả mọi người sau ca trực mua ít rượu nóng, làm ấm người.”
 
Đám thủ vệ biết hắn xưa nay ra tay rộng rãi, đều luôn miệng dặn dò hắn chú ý an toàn. 
 
Nhưng chưa đi được mấy bước, ở chỗ khúc ngoặt tường cung một đội nhân mã nhỏ đi tới, kẻ cầm đầu quát hỏi: “Đêm trọng đại ai dám đi lung tung gần hoàng cung!”
 
Từ Hách vừa nghe giọng nói này, thầm hô không ổn – cái tên đầu than Tiểu Nghiễn Thai này không làm nhiệm vụ ở ngự tiền, chạy đến bên tường cung tuần tra? Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?
 
Hắn và Hồng Hiên vừa là tình địch lại có xích mích, hơn một tháng nay vô tình gặp nhau hai ba lượt đều làm bộ không quen biết.  
 
Nhỡ đối phương bắt lục soát, dùng việc công báo thù riêng, chẳng phải hắn sẽ gặp phiền phức lớn?
 
Đội tuần tra cầm theo đèn lồng soi, chỉ thấy Từ Hách đứng nghiêm tại chỗ, phối hợp thuận theo. 
 
“Các vị đại nhân cực khổ, tại hạ ở Hàn Lâm Họa Viện theo chiếu chỉ, tuân theo lệnh của Thánh thượng vẽ lại họa tác, chậm trễ một chút, khiến cho các vị phí công, cực kỳ áy náy.”
 
Hồng Hiên nhận ra là hắn, bờ mi dài rung lên: “Hóa ra là Từ đại nhân, xin hỏi trong tay đại nhân là vật gì?”
 
“Hồng Chỉ Huy Sứ, cái này… là chuyết tác* của tại hạ.”
 
(*) Tác phẩm kém cỏi, vụng về (lời nói khiêm tốn, gọi tác phẩm và những kiến giải của mình)
 
“Từ đại nhân quá khiêm nhường,” Hồng Hiên ngoài cười trong không cười, “Nghe danh đã lâu Từ đãi chiếu tài nghệ phi phàm, được Thánh thượng rất thưởng thức, tiếc rằng những người thô bỉ như chúng ta vô duyên thưởng thức. Mà nay vô tình gặp gỡ, có thể để các huynh đệ mãn nhãn một lần không?”
 
Hắn nói lời khách khí, không cần giải thích ý mở đồ kiểm tra. 
 

Đáy lòng Từ Hách sớm đã dẫm đạp hắn dưới đất một trăm lần. 
 
Nhưng đối phương là Phó Chỉ Huy Sứ nội vệ, chức quan cao hơn hắn mấy cấp, phạm vi phụ trách cung cấm và khu vực xung quanh. Nếu muốn kiểm tra, căn bản hắn không thể khước từ. 
 
Lúc đó gió mạnh tuyết rơi, Từ Hách gấp dù, dịch bước đến nơi tránh gió, tự tay mở ra mười mấy tấm tranh trong quyển tiểu họa, giơ lên dưới ánh đèn. 
 
Hồng Hiên tung người xuống ngựa, trên mặt mang nụ cười lạnh nhạt, hai tay nhận lấy họa tác, lật vài tờ tán thưởng hai câu, sau khi trả lại lại tỏ ý muốn hắn lấy ra những bức họa cuộn tròn khác để “thưởng thức”. 
 
Từ Hách không khỏi bứt rứt, lại lấy ra một quyển, rũ mắt nói: “Đây là bức họa sao lại, đã khiến Hồng Chỉ Huy Sứ chê cười rồi.”
 
Dưới ánh sáng yếu ớt, Hồng Hiên nhìn chăm chăm, bỗng nhiên sắc mặt khẽ biến. 
 
Từ Hách ánh mắt bén nhạy, phỏng chừng đối phương đã nhìn ra đầu mối, cái khó ló cái khôn, làm bộ trượt tay khi cuốn mấy bức họa vừa nãy, giấy bồi chưa đóng khung bị gió thổi tán loạn, bay khắp nơi.
 
“Ai ôi! Tranh của ta!” Hắn liên tục dậm chân, bày ra một bộ nhăn nhó đau lòng. 
 
“Sao lại thế này?”
 
Hai gã thủ vệ ở cửa Hàn Lâm Họa Viện đều biết các họa sư cực kỳ yêu quý tác phẩm của mình, rối rít xông tới giúp nhặt lên, phủi tuyết bên trên, lại trấn an Từ Hách một phen, còn khuyên Hồng Hiên vài câu. 
 
“Từ đại nhân vẽ đêm vẽ ngày, vẽ tranh tốn nhiều thời gian, hủy hoại chẳng phải đáng tiếc ư!”
 
“Hồng Chỉ Huy Sứ, nếu ngài muốn lãnh giáo Từ đại nhân thì không bẳng chọn lúc khác? Tối nay gió lớn lại có tuyết, tối tăm mù mịt… không nhìn rõ cái gì đâu!”
 
Nói như vậy, có vẻ như Hồng Hiên vô cớ chặn người, xem qua từng bức họa nhỏ là hết sức ngang ngược vô lý. 
 
Từ Hách nhân cơ hội đoạt lấy “bức họa sao chép” trên tay hắn ta, cả những bức thủ vệ vừa nhặt tới rồi vội vàng cuộn lại, nhét vào trong túi vải dầu. 
 
Môi mỏng mím chặt, trong mắt ủy khuất ngày càng đậm.
 
Hồng Hiên không có cách nào, chỉ đành mềm giọng tạ lỗi, thả hắn rời đi. 
 
Từ Hách cũng lười nói lời khách sáo quanh co với hắn, quấn chặt áo khoác, dung nhập vào trong đêm gió tuyết tối tăm. 
 
Dưới chân đạp tuyết như dẫm trên ngọc, từng bước đều có tiếng leng keng. 
 
*
 
Hồng gia từng giữ mảnh 《 vạn sơn tình lam đồ 》thứ năm mấy chục năm, Hồng Lãng Nhiên vô cùng hứng thú với hội họa, Hồng Hiên từ nhỏ đã thấy quen mắt. 
 
Mấy bức họa tác kết cấu kỳ lạ kia có nội dung rất giống Tình lam đồ, thủ pháp kỹ thuật, cảm nhận màu mực, thế mà lại là giả?
 
Hắn ta suýt nữa hoài nghi họa sư họ Từ kia đã trộm bức họa thật của hoàng để ra khỏi cung. 
 
Nhưng hủy hoại một bức kiệt tác rồi có thể ghép lại như trước không? Hành động này là vì sao?
 

Hắn ta không quên phụ thân từng giao phó kỳ lạ – nếu thấy người này thì làm như không biết, đừng làm khó dễ đối phương, có thể giúp thì giúp. 
 
Phụ thân luôn tự xưng là công cao, coi trời bằng vung lại nói với hắn ta lời không hợp tình hợp lý như vậy!
 
Hắn ta thật không dám tin tưởng lỗ tai mình. 
 
Có lời dặn của phụ thân cho nên vừa rồi tuy sinh nghi trong lòng nhưng hắn ta không công khai nói ra. 
 
Sau khi hồi thần, Hồng Hiên phóng người lên ngựa, dựa theo kế hoạch ban đầu dẫn đội tuần tra đi vòng tới cửa đông, mỗi bước đi về phía trước, nghi ngờ lại tăng thêm một bậc. 
 
Dù sao tên họ Từ kia cũng là họa sư, võ công lại rất cao, có lý nào họa tác quý giá cũng cầm không chắc?
 
Chẳng tiếc hi sinh tác phẩm tâm huyết của mình để dời đi sự chú ý, cũng nhanh chóng đoạt lại vật trong tay hắn ta?
 
Kế giương đông kích tây không khỏi quá rõ ràng. 
 
Hồng Hiên nhớ tới chuyện này, hạ lệnh cho thuộc hạ tiếp tục đi trước, mình thì cưỡi ngựa lao tới thành đông, chạy đến Lan Viên. 
 
Tiếng chiêng trống giao thừa đánh vang trời, đèn trong chợ đêm sáng như ban ngày, lại có tế cầu an, trăm người tế lạy, đánh trống, nhảy múa nghiêng ngả, xua đuổi ma quỷ. May mắn Lan Viên nằm ngoài khu náo nhiệt, đường phố thông suốt không có trở ngại. 
 
Núp trong ngõ nhỏ đánh nhau lần trước, hắn ta yên lặng chờ một lát. Đúng như dự đoán, chưa đến thời gian một chung trà, tiếng người đạp tuyết cực nhẹ nhanh nhẹn vang lên.
 
Hắn ta còn chưa kịp thò đầu ra thăm dò, bóng người xám tro đã vụt qua đầu tường. 
 
Chỉ nghe bên trong có người nhỏ giọng hỏi: “Là tiên sinh ư?... Mời theo ta đi.”
 
Loáng thoáng nghe được là tiếng của nha hoàn thân pháp nhẹ nhàng, dáng dấp cực kỳ quen mắt của Nguyễn cô nương. 
 
Nam nhân họ Từ đêm hôm đến thăm hương khuê lại thuần thục thế này! Còn có thiếp thân nha hoàn của giai nhân cùng phối hợp!
 
Chuyện đánh cắp tranh… là do Nguyễn cô nương bày mưu?
 
Hồng Hiên chán nản dùng đôi tay xoa khuôn mặt lạnh băng, buồn bã. 
 
Hắn ta đứng ngẩn ngơ hồi lâu, dắt ngựa ra khỏi hẻm, bước đi trong tiếng chúc mừng không thuộc về mình. 
 
Dấu chân tịch mịch giữa con hẻm dài song song với vệt móng ngựa, tuyết mới phủ xuống, chẳng lưu lại bất cứ dấu vết gì. 
 
Duy chỉ có nỗi lo sợ sâu xa hòa với thương cảm, theo gió phiêu tán trong đêm đông. 
 
Ngày mai sẽ là một năm mới. 
 
Tác giả có lời muốn nói:  Xích Xích: Chú ta ôm thím ngươi, tiểu tử quản được sao?
 
Tiểu nghiễn thai: (︶︿︶)
 


Bình luận

Truyện đang đọc