XA GẦN CAO THẤP

Đánh chết bố rồi

......

Trong khi những gia đình khác vui vẻ hoà thuận đón 30 Tết, Viên Huệ Phương và con gái chuẩn bị bữa tối đêm giao thừa trong gian phòng bếp lạnh lẽo. Viên Liễu cúi đầu giúp mẹ rửa rau, đôi bàn tay nhỏ bé tê cóng vì lạnh. Viên Huệ Phương nấu hơn chục món trong một hơi, đến giờ ăn, cô bảo Viên Liễu đi gọi Lưu Mậu Tùng đang chơi mạt chược trong phòng bài. Đôi chân ngắn tũn của Viên Liễu chạy tới chạy lui năm lần bảy lượt: "Bố nói một lát nữa", "Bố nói thêm một ván nữa."

Lần chạy đi cuối cùng, đứa trẻ ôm mặt trở về, thấy dáng vẻ không vui của Viên Huệ Phương cũng không dám nói là bị Lưu Mậu Tùng đánh: "Bố nói đang về đây".

Nhà Mao Tín Hà cách vách đã đóng cửa chuẩn bị ăn tối, cha dượng của Túc Hải đưa cô bé lên tầng bảy đốt pháo hoa, từng tiếng pháo nổ vang sáng rực cả một khoảng trời làng thành. Còn ở đây, Viên Liễu mím môi, mặt vẫn tê rần vì đau.

"Sao thế?" Khi cho món rau cuối cùng vào nồi, Viên Huệ Phương phát hiện trên mặt đứa trẻ in dấu tay, cô chợt hiểu ra: "Hắn muốn chết à, sắp năm mới đến nơi." Kéo đứa trẻ lại, cô lấy chiếc khăn ướt lau mặt Viên Liễu, hỏi: "Có nghe thấy không?"

Viên Liễu nói có, Viên Huệ Phương lại lau mặt cho cô bé lần nữa: "Được rồi, qua lát nữa sẽ hết."

Nước mắt Viên Liễu không dám rơi xuống, cái gật đầu của cô bé khiến nỗi hổ thẹn dâng lên trong lòng Viên Huệ Phương: "Mẹ để vài thứ đồ tốt trong tủ phòng con, định bụng mùng một sẽ đưa cho con. Bây giờ con đi xem đi."

Đứa trẻ chuyển từ buồn sang vui, trèo cầu thang lên phòng mình ở tầng trên. Căn phòng nhỏ của cô bé là phòng dành cho hai người sau khi đã chia lại, giường vẫn là giường tầng, trong đó không có bàn học mà chỉ có một chiếc tủ đứng nhỏ dạng ngăn kéo. Chỉ cần kéo cửa tủ ra là biết Viên Huệ Phương đã đặt những gì bên trong.

Viên Liễu nhón chân mở ngăn kéo, thò đầu vào, đôi mắt to lấp lánh kinh ngạc khi nhìn thấy một hộp bút chì mới toanh.

Ngoài ra, Viên Huệ Phương còn đan cho cô bé một chiếc áo len lớn, nền màu hồng, trước ngực có hình lá phong màu vàng vịt con. Viên Huệ Phương rất giỏi học hỏi, Mao Tín Hà phối màu cho con mình thế nào cô làm theo thế ấy. Viên Liễu ướm chiếc áo lên người, bây giờ chưa mặc được vì áo dài đến sát đầu gối.

Nhưng đây là lần đầu tiên cô nhận được "quà" từ Viên Huệ Phương, đến trường thật tốt, đến trường mang lại cho cô cảm giác được người lớn tôn trọng. Viên Liễu cất quà đi rồi lại "bịch bịch bịch" xuống lầu. Lưu Mậu Tùng vẫn chưa về, Viên Huệ Phương thì đang ngồi trước quầy chờ ăn cơm tối, sắc mặt khó chịu: "Dùng đồ nhớ tiết kiệm, làm hỏng là mẹ không mua lại cho con lãng phí đâu đấy, biết chưa?"


Niềm vui tràn ngập đến cổ họng Viên Liễu bị những lời này dập tắt một nửa. Cô bé gật đầu, Viên Huệ Phương chỉ vào chỗ ngồi: "Lại đây, không đợi bố con nữa, chúng ta ăn trước."

Trước khi kết hôn, Viên Huệ Phương từng nghe mẹ cô nói: "Trong nhà phải có đàn ông, nên mẹ bắt buộc phải tuyển một người cho con."

Vốn dĩ muốn tìm một trụ cột gia đình, sau khi c ởi đồ mới biết hoá là một thằng ôn dịch ăn bám lười làm, cứ ba bữa lại đánh đập cô một lần. Mẹ của Viên Huệ Phương trước khi chết còn nói, dù cho đó là thằng ôn dịch cũng phải giữ lại trong nhà, cậu ta ở nhà gây sự với con, ra ngoài có thể gây hoạ với người khác. Để đuổi những người khác đi vì vài tấc đất móng nhà, đồng thời để doạ sợ những người họ hàng nhìn ngó nhà mình với ý đồ xấu, Viên Huệ Phương chỉ đành nhẫn nhịn Lưu Mậu Tùng

Ngoài ra, Lưu Mậu Tùng còn giúp Viên Huệ Phương nhận định thân phận là một người phụ nữ. Cô không đẹp, từ nhỏ đã bị hàng xóm láng giềng nói xấu sau lưng rằng sẽ rất khó lấy chồng. Viên Huệ Phương có cảm giác hư vinh to lớn vì Lưu Mậu Tùng hồi niên thiếu khá đẹp mã, đối với phụ nữ mà nói, tìm được một người đàn ông có ngoại hình đẹp hơn mình đích thị là bản lĩnh. Viên Huệ Phương từng muốn cố gắng trở thành một người phụ nữ thành đạt hơn, muốn có một đứa con của riêng mình, nhưng uống thuốc suốt mấy năm, đi mấy chục bệnh viện, thậm chí còn hỏi và xin những ông thầy bói lang băm ở bản làng, nhưng bụng vẫn cứ không đẻ được.

Đặc biệt, có nữ bác sĩ khoa sản phụ trong Bệnh viện Trung ương Thành phố nhanh miệng nói: "Đây là bệnh giảm sản buồng trứng bẩm sinh, uống thuốc nào cũng không chữa được".

Vậy là dù cha mẹ cô có mong chờ đến chết cũng không gặp được đời thứ ba, chính vì thế, Lưu Mậu Tùng càng trâng tráo hơn: "Tôi đây không muốn ly hôn với bà là do thương hại một người phụ nữ như bà". Do đó hắn ta càng trắng trợn trêu hoa ghẹo nguyệt, thể diện của Viên Huệ Phương rơi rụng theo mỗi lần hắn tụt quần xuống, rồi lại nghiến răng lấy lại nhiều lần dựa trên chính sức mình.

Không sai, cô lanh lợi hơn Lưu Mậu Tùng rất nhiều trong khoản kiếm tiền. Những năm đầu khi Đại học Công nghệ Bách Châu chưa xây cửa sau, Viên Huệ Phương có thể kiếm hàng chục vạn tệ mỗi năm bằng cách kinh doanh nhà nghỉ và cho thuê cửa hàng, cao gấp mấy lần thu nhập của một gia đình có hai vợ chồng đều là công nhân viên lúc bấy giờ.

Bây giờ việc kinh doanh không khá bằng nhưng cũng có thể giảm 50%. Ngôi nhà hai tầng của Viên Huệ Phương biến thành bốn tầng, bốn tầng rồi định xây thành năm tầng, từng viên gạch, từng ống ngói đều là của cô.

Mỗi khi xảy ra tranh cãi, vốn chờ mong Lưu Mậu Tùng sẽ "gây hoạ" với người khác, ai ngờ người đàn ông này chỉ giỏi diễu võ dương oai ở nhà, ra ngoài thì như con rùa rụt cổ, chỉ biết ba hoa khoác lác, hút thuốc, chơi bài và thua tiền mỗi khi gặp người ngoài. Tóc hắn chải chuốt bóng dầu, quần áo nổi bật khoe mẽ, người ta chửi hắn một câu "Lưu Mậu Tùng gió chiều nào theo chiều nấy" mà hắn vẫn cười vui vẻ chấp nhận. Hắn hết lời ngon ngọt với những người phụ nữ khác mà không giấu giếm tình trạng đã kết hôn, chê bai Viên Huệ Phương là đồ bỏ đi.

Viên Huệ Phương xấu xí, quê mùa, Viên Huệ Phương răng hô, Viên Huệ Phương mặt vừa vàng vừa rỗ, Viên Huệ Phương nói chuyện cộc cằn thô lỗ... Nhưng Viên Huệ Phương vừa làm việc nhà vừa quản lý gia đình, tranh giành từng mét vuông đất với nhân viên đo diện tích vì cái nhà này, cẩn thận và khôn ngoan nghĩ cách tiết kiệm tiền, đã hai năm chưa mua thêm bộ quần áo mới nào.

Viên Huệ Phương càng ngày càng cảm thấy Lưu Mậu Tùng đến đây chỉ để gây hoạ với cô, giờ đây cộng thêm khuôn mặt in năm dấu ngón tay của Viên Liễu, Viên Huệ Phương từng thống nhất với Lưu Mậu Tùng rằng đánh con quá lắm chỉ được đánh vào mông, đặc biệt là không được tát đứa trẻ này, chị ruột của con bé chính vì bị tát điếc nên mới qua đời.

Trong bữa tối đêm giao thừa, Viên Huệ Phương đặc biệt mua một chai rượu Ngũ Lương, loại mà thường ngày Lưu Mậu Tùng cũng không nỡ uống, đưa cho Viên Liễu một gói bánh Vượng Vượng được tặng kèm từ chủ siêu thị nhỏ. Viên Liễu hạ hai tay xuống gầm bàn, nhìn mẹ, biết mình phải đợi Lưu Mậu Tùng về nhà ngồi xuống mới được động đũa.


Ván cờ của Lưu Mậu Tùng bắt đầu với lý do lấy tiền mua quần áo mới, đòi Viên Huệ Phương 2.000 tệ. Không có quần áo mới nào ở đây cả, hắn xông lên bàn cờ với bộ quần áo hàng hiệu cũ, chơi hết mình với một lũ lêu lổng không cần biết nhà cửa ra làm sao. Lưu Mậu Tùng đang mát tay, hiếm lắm mới trúng được 1.000 tệ, đương cơn nghiện, chẳng cần biết hôm nay là 30 hay mùng một Tết.

Đợi thêm nửa tiếng nữa, những tiếng TV ngoài kia truyền đến thông báo về tiết mục đêm hội mừng xuân. Viên Huệ Phương cắm ống hút hộp sữa cho Viên Liễu, khui rượu cho mình: "Không chờ nữa, chúng ta ăn trước."

Bài kiểm tra cuối học kỳ của Viên Liễu lại có thêm hai điểm 100, nhận xét của giáo viên là: Thành tích học tập xuất sắc, yêu trường yêu lớp, giỏi tư duy và hay chủ động giúp đỡ người khác. Con là một đứa trẻ tuyệt vời.

Viên Huệ Phương đọc nhẩm lời khen trên tờ thông báo ba lần, niềm tự hào trong lòng ào ào tuôn ra ngoài, không quên dạy: "Đừng lúc nào cũng giúp đỡ người khác, nghe chưa? Họ đã quen được giúp đỡ, nếu một ngày nào đó con làm không tốt, họ sẽ trách con."

Lúc đó, cô nâng chén rượu lên, nói với Viên Liễu: "Nào, chúc mẹ một chén."

Viên Liễu ôm sữa suy nghĩ một lúc rồi nói: "Con chúc mẹ vui vẻ, hạnh phúc, không còn mệt mỏi nữa."

Viên Huệ Phương cười, đảo mắt: "Cũng biết mẹ mệt cơ à?" Đứa trẻ có lòng tốt, Viên Huệ Phương gắp cho Viên Liễu một miếng đùi gà, còn mình ăn cánh gà, thử một miếng, thấy đã nguội, cô đặt đũa xuống, bưng đ ĩa trở vào bếp: "Mẹ kiếp, đợi ăn muốn chết cũng phải mất nửa ngày, mẹ, ăn nguội chết đi được."

Sau khi bật lửa hâm nóng thức ăn, Viên Liễu lại đợi một lúc nữa mới được bữa tối nóng hổi đêm giao thừa. Cô nghĩ chắc hẳn những gia đình khác đang nhộn nhịp lắm, nhà mình lại lạnh lẽo đơn sơ. Thấy mẹ uống hai chén rượu liên tiếp mà không ăn gì, Viên Liễu gắp thức ăn cho Viên Huệ Phương: "Mẹ, mẹ ăn đi."

Viên Huệ Phương đột nhiên nghĩ, chỉ cần Lưu Mậu Tùng học một chút từ đứa trẻ 6-7 tuổi này thôi, có lẽ tháng ngày của cô sẽ không đến nỗi vất vả như vậy. Cô lại gắp cho Viên Liễu một viên thịt tứ hỷ: "Thích ăn cái này không?"

Đứa trẻ nói "thích ăn", khóe miệng dính đầy nước tương, chắc là đói quá. Viên Huệ Phương nói con ăn từ từ, mẹ không để con chết đói, thích ăn thì lần sau mẹ làm nhiều hơn là được.

Nói xong, thấy Viên Liễu càng ăn càng hăng hái, càng ăn càng cắn miếng lớn, vào đêm Tết 30, cô mới thực sự được cười vui vẻ: "Khôn thế, chẳng biết giống ai."


"Con giống mẹ." Viên Liễu cười, đôi mắt to lấp lánh đáng yêu.

Hai mẹ con vừa ăn vừa uống vừa xem TV, khi Viên Huệ Phương uống hết nửa chai rượu Ngũ Lương, Viên Liễu đã ăn tới mức da bụng căng tròn. Lúc này, Túc Hải đã ăn xong bữa tối giao thừa từ lâu, háo hức lẻn tới trước cửa nhà cô: "Viên Liễu, đi đốt pháo hoa đi."

Túc Hải cuối cùng cũng được Mao Tín Hà đồng ý uốn tóc mái giống của Shirley Temple, cô bé gắn hàng mi giả khổng lồ, tay cầm vài que pháo bông, gọi Viên Liễu ra ngoài chơi.

Viên Huệ Phương cho phép đứa trẻ ra ngoài, nói chú ý cẩn thận.

Túc Hải liếc nhìn Viên Liễu: "Này, 30 Tết cậu không mặc quần áo mới à?" Dạo này mắt thẩm mỹ của cô bé đã thay đổi, không còn thích màu hồng và màu vàng nữa, chuyển sang yêu màu xanh lam và trắng của đồng phục trường Số 8, nhưng tìm khắp nơi vẫn không thấy kiểu quần áo có phối màu như thế dành cho bé gái.

Mao Tín Hà trên đường đi ngang qua cửa hàng vật dụng nhỏ chợt nảy ra một ý tưởng, cô mua chiếc áo bóng đá Chelsea hàng giả màu xanh trắng lồ ng ngoài chiếc áo phao đỏ của cô bé, cô bé vui mừng khôn xiết, cảm thấy cách phối đồ của mình đã đột phá trình độ trước đây, người mẹ thầm vui mừng: Chỉ mất 18 tệ, coi là yếm chắn bụi cũng được.

"Mẹ đan áo mới cho mình." Viên Liễu tự hào ngước khuôn mặt quả táo lên, đôi má nhỏ nhắn của hai đứa trẻ cũng đỏ bừng vì lạnh cóng. Bông hoa bá vương ở làng thành mặc áo bóng đá lồ ng áo khoác đỏ dài như váy, kéo Viên Liễu - trong bộ quần áo cũ lớn hơn một cỡ được họ hàng tặng - đi đốt pháo hoa.

"Viên Liễu, khi nào tóc cậu dài ra, mình cũng bảo mẹ mình uốn tóc mái cho cậu nhé?" Bàn tay nhỏ bé của Túc Hải xoay tròn que pháo bông.

"Không cần đâu, mình muốn cắt giống chị Du Nhậm." Viên Liễu cũng muốn chơi, cô bé lấy một que pháo bông khác từ trong tay Túc Hải rồi châm lửa, hai đứa trẻ bắt đầu quay mặt vào nhau, khua que pháo bông vẽ vòng tròn.

"Đây là tên của chị Du Nhậm." Viên Liễu vẽ hai chữ Du Nhậm.

"Đây là chị tóc xoăn." Túc Hải vẽ cặp kính của Hoài Phong Niên. Thực ra chị Tóc Xoăn cũng không tệ, bị Túc Hải cắn mà vẫn lấy hai tệ trong túi ra mua cho cô bé một gói que cay không đảm bảo vệ sinh.

"Mình nhìn thấy bố cậu vừa dẫn cậu lên tầng thượng bắn pháo hoa mà." Viên Liễu nói.

"Mình không thích bắn pháo hoa, mẹ mình thích." Cha dượng của Túc Hải thực sự rất thương yêu Mao Tín Hà, có vài vị khách trong tiệm đùa với cha dượng những câu như "Anh đúng là được thoả lòng mong ước", "Hồi cấp hai không tán được, ai ngờ hơn 30 tuổi lại thành đôi", Tô Hải biết cha dượng đã quen mẹ mình từ rất lâu, hai người là bạn cùng lớp.

Hai đứa trẻ ríu rít trò chuyện với nhau, xoay que pháo bông đi quanh con đường trong làng thành, đến khi toàn bộ que pháo đã cháy hết, Túc Hải bị gia đình gọi về ăn bánh trôi, Viên Liễu đành luyến tiếc nói lời tạm biệt với bạn, hai đứa hẹn sáng mai tiếp tục đến công viên chơi.


Viên Liễu đi vòng qua con chó vàng to tướng của nhà Vương Hiếu Lễ để về cửa nhà mình, bỗng bên tai không ngừng vọng lại những tiếng "bôm bốp" và "đùng đoàng" từ bên trong. Có người hàng xóm thò đầu ra khỏi ban công trên tầng hai của nhà họ: "Huệ Phương à, ông Lưu, đang năm mới mà, dừng tay đi." Đồng thời ra hiệu cho Viên Liễu: "Mau đi khuyên cha mẹ cháu đi, đánh nhau mãi chưa thấy dừng đấy." Sau đó đóng cửa kính lại, kèm theo một câu: "Mẹ kiếp, không để cho người ta đón Tết."

Viên Liễu co cẳng chạy vào nhà, quả nhiên nhìn thấy cha mẹ ồn ào hơn cả đêm hội mùa xuân, Viên Huệ Phương uống đến mức mặt đỏ bừng, bị Lưu Mậu Tùng đ è xuống đất tát trái tát phải.

Mất hết tiền vốn, Lưu Mậu Tùng về nhà không được ai chào đón, nói chuyện chưa được vài câu với Viên Huệ Phương đã nhắc tới vấn đề tát con. Hắn lập tức ném bát đi: "Tôi còn chưa đồng ý bà mang đứa trẻ về! Nó ăn đồ của ông đây, ông đây không đánh được à?"

Viên Huệ Phương say rượu, lật bàn bữa giao thừa: "Là thức ăn nhà tôi! Ông chẳng là cái thá gì, chỉ là thằng ôn dịch!"

Giữa pháo lửa chiến tranh, Viên Huệ Phương lại bị Lưu Mậu Tùng áp chế, ép hai tay xuống đất rồi đánh, dường như hắn muốn trút bỏ mọi điều trắc trở trong cuộc sống vào những cái tát điếng người: "Ngày xưa tao học cấp 3 rất khá, học lại thì có làm sao? Tao chỉ cần học lại một năm nữa là có thể lên đại học!" Nói xong, lại là một cái tát.

"Mày giết ba đứa con của tao, ba đứa! Tao tuyệt giống là tại ai?" Lại một cái tát nữa.

Cơ thể Viên Huệ Phương tuyệt vọng giãy giụa, đôi chân đá mạnh vào Lưu Mậu Tùng. Lưu Mậu Tùng đè chân lên đầu gối cô bằng cả hai chân, lại tát tiếp: "Mày nghĩ tao muốn lấy mày à? Nếu tao là con cả hay con út trong nhà, liệu bố mẹ có ép tao đến bước đường này không?"

Viên Huệ Phương gắng sức đến mức gân cổ nổi lên, cô cắn vào cánh tay của Lưu Mậu Tùng, Lưu Mậu Tùng - người lần này quyết định đánh cô một trận cho ra trò - tuy thấy đau, nhưng vẫn tiếp tục trừng mắt giận dữ: "Cho mày cắn đấy!" Khoé miệng trái và phải của Viên Huệ Phương chảy ra máu. Khi quay đầu lại, Viên Huệ Phương nhìn thấy Viên Liễu sợ hãi đứng trước cửa, ánh mắt ra hiệu cho Viên Liễu cút đi, đang định mở miệng nói thì bị Lưu Mậu Tùng túm tóc đập đầu.

Từng tiếng đập đầu xuống sàn bê tông giống như tiếng quỷ gõ cửa, Viên Liễu sợ hãi, đầu óc trống rỗng, nhưng cô không thể cút đi vì mẹ cô đang bị đánh.

Nước mắt Viên Liễu ứa ra, bỗng liếc thấy chai rượu Ngũ Lương địa phương, Viên Liễu cầm chai lên đập thẳng vào đầu Lưu Mậu Tùng, không sai một li, ngay sau đó Lưu Mậu Tùng phát ra một tiếng kêu r3n nghèn nghẹt, màu đỏ đậm chảy ra từ da đầu bị nứt của hắn, chai rượu cũng lăn ra đất, không hổ là rượu nổi tiếng, vỏ rất chắc chắn.

Khi Viên Huệ Phương cuối cùng cũng đứng dậy được, cô sững sờ, đột nhiên tóm lấy cổ áo Lưu Mậu Tùng, tát hắn mấy cái nữa như bị điên: "Mày là thằng khốn nạn!"

Sau đó nhìn chằm chằm Viên Liễu: "Đi gọi 120!"

Viên Liễu nghe nhầm, cô bé gọi 110: "Alo, cô cảnh sát," Viên Liễu oà khóc sau khi nghe thấy giọng nói của người trực tổng đài: "Bố cháu đánh mẹ cháu, cháu đánh chết bố cháu mất rồi!"

......


Bình luận

Truyện đang đọc