Anh hôn hai bên má cô, dẫn cô vào trong phòng, trở tay khóa cửa lại, rồi đột nhiên hỏi cô: “Rửa mặt chưa?”
“Rửa rồi.” Yến Thanh Đường sực phản ứng lại được, tức giận nói, “Sao nào, hôn người ta, rồi lại ghét bỏ?”
“Không có mà.” Túc Chinh thấp giọng khẽ cười cô, “Anh thấy em cứ mơ mơ màng màng, còn tưởng là em vừa mới rời khỏi giường thôi.”
“Thế còn nghe được….” Yến Thanh Đường lại nằm về giường tiếp, “Thật ra em đã dậy một lần rồi, rửa mặt xong, lại buồn ngủ tiếp.”
“Vậy em cứ ngủ tiếp đi, dù sao hẵng còn sớm, đến giữa trưa mới trả phòng. Còn không thì anh đi nới thời gian thuê thêm cũng được.” Túc Chinh nói.
Anh đã nghĩ chu toàn các phương án cho cô lựa chọn, nhưng cô lại trở người, đổi sang nằm nghiêng, còn vẫy vẫy tay về phía anh.
Túc Chinh không biết cụ thể cô muốn làm gì, nhưng anh đã tiến lên trước một bước theo tiếng nói từ con tim, đến gần với cô hơn, ngồi xuống bên giường cô.
“Ngủ thêm mười phút nữa.” Yến Thanh Đường sờ vào điện thoại bên cạnh, thiết lập đồng hồ báo thức xong thì dần nhắm mắt lại.
Cô lại ngủ tiếp, gối đầu lên đùi Túc Chinh, còn Túc Chinh thì nhẹ nhàng cầm tay phải của cô, buông mi nhìn cô.
Mười phút qua rất nhanh, khi đồng hồ báo thức hiển thị đếm ngược trên màn hình còn hai giây nữa, Túc Chinh sợ tiếng chuông reo lên sẽ khiến cho Yến Thanh Đường không thoải mái, nhanh tay bấm dừng lại.
Sau đó anh lại cúi người xuống kề sát bên tai cô, khẽ nói: “Thanh Đường.”
“Buồn ngủ… đừng ồn.” Yến Thanh Đường theo bản năng vươn tay lên muốn che tai lại.
Có đôi khi cô cũng suy nghĩ sao con người ta lại buồn ngủ mãnh liệt đến vậy, cô ngủ bao lâu cũng thấy không đủ.
Túc Chinh có hơi bất đắc dĩ, nhưng biết thời biết thế nói một câu: “Vậy tối nay chúng ta sẽ đi huyện Bì Sơn.”
Yến Thanh Đường còn đang buồn ngủ, đầu óc bắt được từ mấu chốt, cô bỗng nhiên tỉnh táo ngay, không còn chút buồn ngủ nào còn sót lại, mở to mắt ngồi dậy: “Vậy thì không được!”
Cô chỉ muốn ngay lập tức mang Túc Chinh đến huyện Bì Sơn, tuyệt đối không cho anh lấy cái cớ nào.
Túc Chinh còn đang kinh ngạc về phản ứng quá kích của cô, cô thì không có ý định chần chờ lần lữa thêm nữa, vội vã xuống giường rút dây sạc đầu giường ra.
Trước sau không quá vài phút, Yến Thanh Đường đã nhao nhao muốn xuất phát. Bữa sáng không dùng tại khách sạn, hai người ăn bánh mì đơn giản, rồi cứ thế lên đường.
Qua ba năm ròng, Túc Chinh lại đi vào huyện Bì Sơn.
Mọi thứ thuộc về nơi này đều đáng giá để cho anh hoài niệm, hai hàng bạch dương to khỏe lần đầu tiên chào đón sự trở về của anh.
Dọc hai bên đường đi, họ nhìn thấy những cây mơ hạnh đã nở rộ, nhưng hàng liễu mọc thành đường thẳng xanh biếc.
Màu xanh biếc ấy trở thành sắc màu bắt mắt nhất ngay tại mảnh đất Nam Tân Cương rộng lớn này.
Yến Thanh Đường rất tò mò về việc làm thế nào mà cây liễu, một loại vốn sống ở vùng nước phía Nam nhưng lại sinh trưởng rất tươi tốt ở vùng khô hạn Nam Tân Cương này. Cô biết về những cây liễu khô sống ở Đông Bắc, hay phía Bắc Trung Quốc, các cây liễu sẽ thích ứng với từng loại khí hậu khác nhau của từng khu vực, nó có khả năng chịu hạn, nên đoán rằng những cây liễu ở đây cũng vậy.
Mà Túc Chinh bổ sung thêm, cây liễu Tân Cương vẫn có điểm khác biệt, nó được gọi là ‘liễu Tả Công’.
Năm đó Tả Tông Đường dẫn quân Hồ Nam đi thu phục Tân Cương, ông đã dẫn dắt các tướng sĩ trồng cây liễu dọc đường, một là để phủ xanh, hai là vì nhớ nhà.
Nói rồi, anh còn đọc thuộc lòng một bài thơ do Dương Xương Tuấn, một trong những đệ tử của Tả Tông Đường viết:
“Đại tướng trù biên chưa hồi,
Con cháu Hồ Tương đầy trời Thiên Sơn.
Trồng mới ba ngàn dặm liễu xanh,
Hút gió xuân ngang qua Ngọc Quan.”
Trên xe Yến Thanh Đường liên tục khen ngợi: “Không ngờ anh còn có thể làm thơ.”
“Anh thì làm được thơ gì.” Túc Chinh nghiêng đầu, buông đôi mi, “Trước kia anh thường hay nghe anh trai mình đọc bài thơ này, nghe dần dần rồi lại thuộc.”
Yến Thanh Đường nghe anh nhắc về anh trai, thật ra cô khá nghi hoặc, trên tư liệu thể hiện anh là con một, không có anh chị rm ruột nào, nhưng cô không thể hiện ra rằng mình đã biết hết, đang phải tò mò hỏi han: “Anh trai anh?”
“Không phải anh ruột, nhưng trong lòng anh anh ấy không khác gì anh ruột cả. Anh ấy là con trai của bạn ba anh.” Túc Chinh giải thích, “Lớn hơn anh sáu tuổi.”
Yến Thanh Đường đoán rằng, đây hẳn là con trai của người chiến hữu của ba Túc Chinh.
Sau đó Túc Chinh lại thấp giọng bổ sung: “Anh ấy là trung đội trưởng của anh, tên là Lương Trung.”
Yến Thanh Đường cả kinh, muốn nói gì đó nhưng Túc Chinh đã dừng xe ở một tiệm cơm nhỏ, mở cửa xuống xe.
Cô cũng xuống xe theo đi vào trong tiệm cơm nhỏ, trong lòng còn đang suy tư, có phải là cô nên nghĩ ra từ sớm rồi không?
Người trung đội trưởng mà Túc Chinh đã nói, được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ Vân Nam, vậy ắt là quê hương anh ấy cũng ở Vân Nam, cũng là người Vân Nam.
Họ là đồng hương, quan hệ lại tốt như vậy, dường như ngoài tình chiến hữu ra còn có thêm một tầng quan hệ nào khác nữa.
Trên bàn cơm, Túc Chinh không nói thêm gì, nhưng Yến Thanh Đường lại rất muốn cạy mở lỗ hổng này, muốn nghe thêm càng nhiều chuyện có liên quan đến Túc Chinh.
“Vì anh ấy, nên anh mới đến Tân Cương tham gia quân đội sao?” Yến Thanh Đường hỏi.
Túc Chinh gật đầu, rồi lại lắc đầu, trước mặt cô, dường như anh đã không còn ăn nói thận trọng như ban đầu nữa, từ khi bước vào huyện Bì Sơn, d*c vọng muốn biểu bày cũng cao hơn không ít.
Vì để tiện cho Yến Thanh Đường nghe hiểu, anh đã chuyển tất cả phương ngữ của vùng bản địa Vân Nam sang tiếng phổ thông.
“Vì anh ấy, và cũng là vì ba anh.” Anh trả lời, “Từ nhỏ anh đã rất khâm phục ba mình, một thân quân phục, dũng cảm và kiên nghị. Ba anh và bác Lương quen nhau trong lúc tham gia quân ngũ ở Tân Cương, họ là chiến hữu vào sinh ra tử cùng nhau. Bảo vệ đất nước, canh giữ biên giới là hoài bão lớn nhất cả cuộc đời của họ. Bác Lương xuất ngũ sớm, còn ba anh sau khi bị thương thì cũng xuất ngũ, quay về lại Vân Nam tìm bác.”
“Sau này…ba mẹ anh xảy ra chuyện ngoài ý muốn và qua đời.” Túc Chinh chỉ dùng một câu vội vã để qua chuyện, nhưng trong lời nói lại ẩn chứa nỗi niềm bi thương vô tận, “Anh không còn người thân nào khác, cả nhà bác Lương đã nhận nuôi anh, cả gia đình họ đối xử với anh tốt lắm.”
“Năm ấy anh mười tuổi, anh trai anh mười sáu, thật ra thì bác trai bác gái lớn hơn ba mẹ anh rất nhiều, thân thể lại không được khỏe mạnh lắm, nên bình thường đều là anh trai anh chăm sóc cho anh.”
“Sau khi ba mẹ anh qua đời, đêm nào anh cũng gặp ác mộng, là anh trai đã vỗ về anh.”
“Anh trai anh rất sùng bái Tả Tông Đường, nên luôn đọc các bài thơ của Tả Tông Đường, và cả những bài thơ mà người khác tán tụng Tả Tông Đường. Sau khi thi tuyển sinh đại học xong anh ấy đã quyết định đến Tân Cương để tham gia nhập ngũ trước, nhưng khi ấy anh còn quá nhỏ, anh trai không an tâm về anh nên ở lại Vân Nam để học đại học, thường xuyên chạy qua chạy lại giữa nhà và trường, rất quan tâm đ ến chuyện học hành của anh, sau khi tốt nghiệp thì lại chạy đi nhập ngũ. Bác trai rất ủng hộ anh ấy, nói anh ấy đang kế thừa chức nghiệp của ba mình.”
“Năm đó anh mười sáu, anh ấy hai mươi. Lúc này không những không thể buông bỏ được anh, mà anh ấy còn không thể buông bỏ được người bạn gái mà anh ấy đã quen lúc còn học đại học, cũng chính là chị dâu anh sau này.” Túc Chinh nâng mi nhìn Yến Thanh Đường, “Em còn nhớ anh từng hát bài <<Mùa xuân trên Pamir>> chứ?”
“Nhớ.” Yến Thanh Đường nghe anh nói lâu thật lâu, đã đắm chìm trong những lời mà anh kể, nghe anh hỏi, cô vội vàng đáp, “Anh nói rằng trung đội trưởng của anh đã thường xuyên thổi ca khúc này trước khi đến Tân Cương.”
“Đúng vậy.” Túc Chinh gật đầu, “Chị dâu anh thổi sáo rất hay, trong trường có một dàn nhạc, chị ấy chính là thành viên của dàn nhạc đó. Lúc anh trai anh học đại học đã tình ngờ nhìn thấy chị thổi sáo, cũng chính từ bài <<Mùa xuân trên Pamir>> mà anh quen chị.”
Tiếng sáo là tiếng tim rung nhịp cho lần đầu gặp gỡ, cũng chính là nỗi nhớ xa xăm. Yến Thanh Đường sực nhận ra.
“Sau khi anh ấy đến Tân Cương tham gia quân ngũ, vẫn thường xuyên gửi thư về nhà, lần nào cũng do anh đọc cho bác trai bác gái nghe. Anh trai anh thật sự rất lạc quan, lạc quan hơn anh nhiều lắm, có thể biến cuộc sống buồn tẻ ở tiền đồn quân sự trở nên thú vị đến mức ấy. Càng ngày anh càng muốn cùng anh ấy tham gia quân đội, khi còn đi học, anh cứ nằm mơ thấy mình đến Tân Cương tham gia quân ngũ, nhìn thấy cảnh núi tuyết bất tận bát ngát. Sau này khi anh thật sự đến tiền đồn, thì anh ấy cũng đã trở thành trung đội trưởng của anh, anh thành một tên tân binh làm lính của anh ấy.”
“Anh ấy cũng viết thư cho chị dâu anh. Đến năm thứ tư sau khi nhập ngũ, anh ấy mới có cơ hội về nhà thăm người thân, chị dâu anh luôn luôn chờ anh ấy, họ vội vàng tổ chức hôn lễ, tân hôn chưa được bao ngày, anh trai anh đã phải vội vã về lại tiền đồn. Năm ấy, họ thật sự chung đụng thì ít mà xa cách thì nhiều.”
“Vài năm sau, thật sự đã xảy ra rất nhiều chuyện. Bác trai bác gái bạo bệnh lần lượt qua đời, trong nhà cũng đìu hiu vắng lặng. Tháng 1 năm 2020, chị dâu anh sinh con gái, một mình chị dâu nuôi con rất vất vả, anh trai anh tính bụng qua hai năm nữa sẽ xuất ngũ, nào ngờ còn chưa đến một năm sau…đã xảy ra chuyện.”
Túc Chinh nhắm mắt lai, dường như đang nhớ về câu chuyện đã xảy ra vào năm 2020.
“Anh ấy mới ba mươi hai tuổi… anh ấy vốn sẽ không phải hy sinh.”
Anh không nói quá rõ ràng, song Yến Thanh Đường lại cảm nhận được sự hối hận và áy náy vô ngần qua từng câu từ của anh.
Người đã qua đời ấy rất quan trọng với Túc Chinh. Yến Thanh Đường mở hé miệng nhưng cuối cùng vẫn không thể nói được câu an ủi nào cả.
Có một số nỗi đau rất khó nguôi ngoai nhỉ? Không phải chỉ đôi ba câu an ủi là có thể tốt hơn.
Đồ ăn đã bưng lên từ lâu, nhưng bữa cơm này với Túc Chinh và Yến Thanh Đường mà nói thì nhạt như nước ốc.
Hai người cơm nước xong, đang muốn đứng lên rời đi thì bắt gặp một người đàn ông chừng trên dưới năm mươi tuổi, đầu đội mũ đen, tay cầm tiền mặt đang nói chuyện với chủ quán cơm.
Chủ tiệm cơm là người dân tộc Uyghur, vốn đã nghe không hiểu tiếng Hán rồi, ông lại toàn dùng ngôn ngữ địa phương Hà Nam, đôi bên không thể nào trò chuyện được.
Người đàn ông sốt ruột, Túc Chinh đã đi đến dịch giúp ông vài câu, ông chủ nghe hiểu được rồi thì cũng nhận lấy tiền mặt, sau đó đi ra sau nhà bếp bận bịu.
Người đàn ông cầm tay Túc Chinh, liên tục nói lời ‘cảm ơn’ với anh.
Túc Chinh nhìn thấy ông đi một mình, dường như có phản ứng cao nguyên nên nói cho ông biết tiệm thuốc gần đây nhất, nhắc nhở ông chú ý an toàn.
Đây vốn chỉ là một chuyện nhỏ, trên đường đi họ sẽ luôn gặp phải những người xa lạ, tuy rằng bèo nước gặp nhau, nhưng nếu có thể giúp đỡ được thì cũng sẽ tiện tay hỗ trợ.
Do muốn đi nhìn thấy cây liễu cổ thụ càng sớm càng tốt, nên hai người không đi dạo trong trấn, Túc Chinh lái xe trên con đường huyện 650, đi thẳng về thị trấn Bashilangan.
Dọc theo đường đi có thể nhìn thấy núi tuyết và sa mạc, cũng như sa mạc Gobi nối liền giữa những ngọn núi phủ tuyết trắng và sa mạc.
Xe việt dã dừng lại trước một vùng của sa mạc Gobi.
Sau khi Yến Thanh Đường xuống xe quan sát địa chất quanh khu vực lân cận, đất ở đây rất tinh mịn, xen lẫn những viên đá sỏi lớn nhỏ nhẵn bóng. Vì khí hậu khô hạn, quanh năm thiếu nước nên thực vật có thể sinh trưởng ở nơi này cũng có hạn, ví dụ như cỏ lau, liễu đỏ, cây muối, còn có cả hồ dương.
Liễu đỏ, hay còn gọi là thánh liễu, sinh sống nhiều ở vùng sa mạc và bán sa mạc Tây Bắc Trung Quốc, vậy nên có mặt ở Tân Cương là vô cùng bình thường.
Nó đâm chồi vào mùa xuân, thay đổi liên tục theo mùa, màu sắc cũng sẽ thay đổi từ đỏ tươi sang xanh lục, rồi lại biến đổi thành màu vàng kim. Vào cuối tháng Tư, lá cây của nó sẽ thiên sắc đỏ, rất bắt mắt trong vùng sa mạc hoang mạc thế này.
Yến Thanh Đường lại nhìn hình dáng cực cao của cây muối, vỏ cây màu trắng xám, những cành cây già màu nâu xám và những cành cây chỉ mới sinh trưởng vào năm nay, tất cả đều được bao phủ bởi lá xanh.
Túc Chinh cũng khá có hiểu biết về cây muối, kể về những gì mà anh biết được từ người địa phương truyền miệng lại, cây muối thực sự chứa rất nhiều báu vật bên trong thân nó, lá non vừa mọc có thể làm thức ăn cho gia súc. Củi từ cây muối khi đốt lên sẽ cháy mạnh và ít tạo khói, những năm đầu nó là loại củi tốt nhất được người bản địa dùng thường xuyên, có tên là ‘than sống sa mạc’.
Cả liễu đỏ và cây muối đều có sức sống mạnh mẽ và cứng cỏi. Chịu khô hạn, chịu giá lạnh, chịu nhiệt cao, chịu muối kiềm, chịu khô cằn, bộ rễ phát triển tốt và có khả năng hình thành mạng lưới rễ khổng lồ bên dưới lòng đất nhằm chống xói mòn đất màu bị trôi, nó là vệ sĩ bảo vệ sự kiên cố gió và nước, phòng tránh đất bị hoang mạc hóa, còn có thể cải thiện được việc bị nhiễm phèn sinh thái.
Huyện Bì Sơn có các công nhân thường xuyên thực hiện kiểm soát sa mạc hóa và quản lý trồng trọt cây thánh liễu. Các loại thảm thực vật như cây muối và cây thánh liễu đều có công nhân thực hiện cấy nhân tạo với ‘nhân sâm sa mạc’ chổi cỏ, không những có tác dụng chắn gió chắn cát, mà còn tạo nên giá trị kinh tế.
“Chổi cỏ dại được liệt vào danh sách loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cấp hai.” Yến Thanh Đường cảm khái, “Nhưng trong ba mươi năm qua, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, diện tích chổi cỏ mà công nhân gieo trồng được đã đạt đến 300 vạn mẫu, sản lượng hằng năm đạt hơn 8500 tấn dược liệu, đây cũng được xem là một cách thức khác để tiếp tục phát triển loại thực vật này đi.”
Thế giới náo nhiệt, vì lợi mà đến; thế giới nhốn nháo, nhờ lợi mà đi.
Mấy năm rồi chổi cỏ dại bị khai thác quá mức và thu hoạch bất hợp pháp, chính là vì nguồn giá trị khổng lồ mà nó mang lại.
Mà hiện tại, việc nghiêm khắc thực thi pháp luật cũng như là trồng trọt nhân tạo đã bổ sung dược phẩm từ chổi cỏ vào trong thị trường dược, chỉ mong rằng chổi cỏ dại có thể dần dần lấy lại được khả năng sinh trưởng như ngày trước.
Yến Thanh Đường trò chuyện cùng Túc Chinh, phát hiện ra đề tài của mình đã chệch đường ray.
Dù là liễu đỏ, cây muối, hay là chổi cỏ đi nữa, cũng không phải là mục tiêu mà lần này Yến Thanh Đường muốn khảo sát.
Có điều nó cũng không phải là vô dụng, mà lại như thu hoạch ngoài ý muốn hơn. Cô chụp được rất nhiều ảnh thực vật hoang dã, ghi chép lại hoàn cảnh sinh trưởng của chúng nó. Loại thông tin này, sẽ trở thành nguồn tích lũy tốt nhất trên con đường phát triển học thuật sau này của Yến Thanh Đường.
Túc Chinh kéo Yến Thanh Đường đang ngồi xổm quan sát đất lên, Yến Thanh Đường chỉ vỗ vỗ qua loa bàn tay dính đất của mình, rồi lại lôi kéo Túc Chinh tiếp tục đi lên đằng trước.
Họ lại tìm kiếm các vùng gần đó một hồi, Túc Chinh dù quen thuộc với huyện Bì Sơn và đã gặp qua liễu chín đầu rồi, nhưng cũng không quá thuận lợi khi tìm kiếm nó.
Nhưng Yến Thanh Đường lại tìm kiếm miệt mài, hơn một tiếng sau, rốt cuộc họ cũng đã tìm ra.
Thân cây to lớn của cây liễu chín đầu nằm rạp xuống mặt đất, cành lá đan chen khó gỡ, sinh trưởng kéo dài ra tứ phía, có cành thẳng tắp, có cành khúc khuỷu, căn bản không thể lần mò ra được rễ của nó đang nằm ở nơi nào.
Yến Thanh Đường đang đếm chín tán cây của cây liễu chín đầu, chỉ riêng cái thân cây thôi mà họ phải đi một vòng mới có thể nhìn rõ được hết.
Yến Thanh Đường cầm máy ảnh lên muốn chụp lại, nhưng không thể chụp được toàn cảnh, cây liễu cổ thụ này quả thật rất lớn.
Cũng khó trách, tuổi của cây này đã ngót nghét một ngàn năm trăm năm, tán cây của nó bao phủ khoảng ba trăm mét vuông vùng đất này.
“Ngay cả những vùng đất thích hợp nhất để cho cây liễu sinh trưởng, cũng không thể tìm được cây lớn thế này đúng không?” Yến Thanh Đường vươn tay vuốt v e lớp vỏ cây thô ráp và cứng cáp, “Rốt cuộc nó đã lớn lên như thế nào vậy? Dựa vào hồ nước nhỏ gần đó ư?”
Cô thấy thì Túc Chinh cũng thấy, ở bên cạnh cây liễu cổ thụ này có một hồ nước nhỏ, nước từ con suối không ngừng chảy xuống.
“Có một nguồn nước chảy liên tục ở khu vực sa mạc khô cằn này, đã vô cùng quý báu rồi.” Túc Chinh nói, “Hơn nữa cách đó không xa còn có một hồ nước lớn hơn, đồng nghĩa với việc đang hình thành một hệ sinh thái đầm lầy mini rồi.”
Nghe vậy, Yến Thanh Đường lại gần hơn chút, với tay thử độ ấm của nước suối, mùa này có hơi lạnh, nhưng dựa theo khảo sát của các chuyên gia thăm dò địa chất, dù có đến mùa đông thì nguồn nước suối vẫn sẽ duy trì được nhiệt độ trên mười độ và vào đông sẽ trên không độ, không bị đóng băng.
Con suối này là cấu trúc khe nứt của một mạch nước, nước tan chảy từ sông băng trên dãy Côn Lôn, nó chảy dưới dạng dòng chảy bề mặt và nước ngầm, tạo thành một vòng tuần hoàn nước trong cấu trúc đứt gãy, nó chảy đến vùng lân cận của cây liễu cổ thụ này, sau đó trào ra quanh bề mặt gần đấy hình thành nên hồ nước, cũng để cung cấp nước cho cây liễu cổ thụ.
“Vậy cây cổ thụ này từ đâu mà có vậy?” Yến Thanh Đường lại hỏi, “Sao lại mọc cạnh nguồn suối nước một cách trùng hợp đến vậy.”
“Có lẽ là dân làng khi ấy phát hiện thấy có nguồn nước suối trước nên đã trồng cây.” Túc Chinh suy đoán.
Yến Thanh Đường nghĩ ngợi, rồi lại hỏi tiếp: “Cây liễu có lợi ích gì cho người dân ở đây? Tại sao lại không trồng loại cây khác?”
Thấy Túc Chinh đứng ngây ra đó không đáp được, cô cười nói: “Không đùa anh đâu, thật ra em cũng không đoán ra được nguyên nhân.”
Thiên nhiên đều có sự sắp đặt riêng của nó.
Nước từ sông băng quý hiếm đã khiến cho liễu chín đầu sinh trưởng cả ngàn năm, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nước cho thôn làng quanh đó.
“Túc Chinh, em từng nghe một truyền thuyết về liễu chín đầu.” Yến Thanh Đường đột nhiên nói.
Vì để phát triển du lịch mà hàng rào gỗ và cầu thang gỗ được xây dựng quanh liễu chín đầu, nghiễm nhiên biến nơi đây thành một thắng cảnh khá yên tĩnh.
Giờ phút này không có ai khác, hai người ngồi trên một bậc thang, Yến Thanh Đường tựa vào đầu vao Túc Chinh.
Nói về Tân Cương, hiếm có lúc Yến Thanh Đường biết được câu chuyện nào đó mà Túc Chinh lại không biết. Có điều cũng không mấy ngạc nhiên, Yến Thanh Đường bình thường rất ham mê đọc sách, đương nhiên là khác với Túc Chinh rồi.
“Vào năm Trinh Quan thứ ba Thời Đường, pháp sư Huyền Trang trên đường đi về phía Tây thỉnh kinh, khi đó ơi này còn được gọi là vương quốc cổ Bì Sơn, là một trong ba mươi sáu nước Tây Vực. Ông vừa đói vừa khát, từ xa xa nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, đến gần thì phát hiện ra là nước suối, uống vào còn vô cùng ngọt lành mát lạnh, vậy là dừng lại nghỉ ngơi một lát, còn tiện tay dựng pháp trượng ở nơi này.
“Sau khi ông đi, nơi mà pháp trượng đứng đã mọc lên một gốc cây liễu cổ thụ, cũng chính là liễu chín đầu mà chúng ta đang nhìn.”
“Người trong thôn đặt tên cho cây liễu cổ thụ này là thần cây, nước ở đây mùa đông không đóng băng, mùa hạ không thối rữa, cho rằng nó có thể xua tan được bệnh tật, kéo dài được tuổi thọ, nên gọi nó là ‘nước trường thọ’.
Yến Thanh Đường kể về chuyện xưa đúng là sinh động như thật, khiến cho Túc Chinh đắm chìm trong đó, như thể anh thật sự đã trông thấy cảnh tượng pháp sư Huyền Trang hơn ngàn năm trước đang nghỉ ngơi chớp nhoáng tại nơi này.
Là sự giao thoa tinh tế giữa lịch sử và hiện tại.
Anh đang suy nghĩ, Yến Thanh Đường đột nhiên dùng khuỷu tay nhẹ nhàng huých vào vùng eo của anh: “Túc Chinh này, anh có mang chai theo không?”
“Làm gì vậy?” Túc Chinh nghi hoặc.
“Uống nước này vào có khi nào sẽ thật sự sống lâu trăm tuổi không?” Yến Thanh Đường đùa vui, “Em muốn uống thử.”
Túc Chinh kiên định lắc đầu với cô, vẻ mặt nghiêm túc: “Nước ở vùng hoang dã, không nên uống bậy.”
“Nhưng em khát mà.” Yến Thanh Đường ra chiều vô tội.