QUÝ THƯƠNG


Con người Quý Thương đúng là rất kỳ lạ.

Tiểu thuyết của anh có rất ít độc giả, người hâm mộ anh có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng hình như anh rất kiên trì với sự nghiệp sáng tác.

Kiên trì đến mức đảo lộn cả nếp sinh hoạt bình thường.
Ban đêm anh dốc hết ruột gan vào câu chữ, rồi ban ngày anh ngủ tới quá trưa.

Chẳng khác gì ma cà rồng ngủ ngày ăn đêm, bảo sao Tiểu Nê Ba chẳng nói ban ngày sếp cô không tiếp khách.
Hôm nay là thứ bảy, dưới lầu khá đông khách.

Những dây đèn sáng lấp lánh, trên nền bằng quanh hồ nước dựng mấy cái lều nhỏ, ngoài lều cũng treo đèn màu sặc sỡ.
Nhìn từ sân thượng xuống bên dưới giống như một miền đất bao la vãi đầy tinh tú, mặt nước lại soi bóng một vầng trăng.

Bầu trời đêm trên đầu hôm nay cúi đầu cũng được thấy.
Nhàn Tiêu có vẻ làm ăn rất được, Tiểu Nê Ba tất bật như con thoi, cô nàng sải bước qua lại dưới lầu mà chẳng kịp ngẩng lên chào sếp một câu.
Quý Thương nhìn theo bóng Tiểu Nê Ba chạy từ bãi cỏ lên sảnh trước rồi từ sảnh trước vào trong bếp anh mới quay đi.

Vốn anh đang cười nhưng như chợt nghĩ đến chuyện gì, một ký ức xa xôi nào đó khiến nụ cười tươi tắn trên môi anh lại thoáng đôi phần cảm thương, tiếc nuối.
Doãn Hạo hỏi: “Sao vậy?”
Quý Thương không nghĩ chút cảm xúc thoảng qua của mình cũng bị người ta nhận ra, anh đành giả ngu, chỉ chỉ máy tính trước mặt Doãn Hạo: “Tự dưng tôi có ý tưởng, cậu làm việc của cậu nhé, tôi đi viết đây.”
Doãn Hạo không hỏi thêm mà chỉ nói: “Đừng đóng cửa thì hơn.”
Quý Thương liền đẩy mở toang cái cửa mới đóng một nửa, ý là rất hợp tác: “Vâng ạ, thưa đàn em Doãn Hạo.”
Quý Thương ngồi mổ cò đến tận 12 giờ đêm.

Tốc độ “múa phím” của anh rõ ràng là chậm hơn suối câu từ lai láng trong đầu, anh cứ gõ được vài chữ thì ý tưởng mới nảy ra đã vội tan biến như giấc hòe (1).
Khách vãn dần, đêm yên tĩnh chỉ có tiếng ếch kêu và tiếng lật giấy thỉnh thoảng vang lên từ phòng khách.
Cơn buồn bực trong người Quý Thương dịu bớt, lắng nghe tiếng ếch kêu thành giai điệu nhịp nhàng bụng anh lại bắt đầu kêu rột rột.

Nhìn đồng hồ cũng sắp đến giờ ăn đêm.
Quả nhiên chỉ mấy phút sau có tiếng Tiểu Nê Ba gõ cửa.
Doãn Hạo đứng dậy ra mở.

Tiểu Nê Ba bưng một đĩa thức ăn và trái cây đặt xuống bàn, trông đầy đặn hơn mọi khi, hẳn là có cả phần của Doãn Hạo.
Quý Thương đi ra phòng khách, giả bộ hỏi: “Ủa sao em lên đây, Nghê Hiểu? Có việc gì à?”

Màn hình máy tính của Doãn Hạo chợt sáng lên, Quý Thương liếc nhìn đúng một giây rồi lẳng lặng đưa mắt qua hướng khác.

Thật tình không phải Quý Thương cố ý muốn xem trộm tin mật của cảnh sát mà là cái cành củi linh cảm khô héo của anh bây giờ đang rất rất cần hấp thu mọi chất dinh dưỡng có thể mót được từ bốn phương tám hướng.
Đó là một bức ảnh hiện trường án mạng, người chết ngồi, không nhìn rõ mặt nhưng tư thế thì rất sắc nét.
Nghê Hiểu chẳng buồn để tâm đến mặt mũi của sếp mình: “Tối nào anh chẳng ăn khuya giờ này? Sao hôm nay không muốn ăn ạ? Thế thôi em bưng xuống nhé?”
“Bê lên đến đây rồi… thôi để anh ăn mấy miếng.” Quý Thương làm bộ làm tịch xong lại nhớ đến hình ảnh Tiểu Nê Ba bận rộn hồi nãy, anh nghiêm mặt bảo: “Em phải bố trí người trực lễ tân thay em ca tối chứ, ngày nào cũng ôm hết việc thế à? Đi ngủ nhanh lên.”
Nghê Hiểu bảo: “Phải tự làm em mới yên tâm, mệt quá thì em chợp mắt một tí cũng được.

Ban ngày rảnh rỗi em ngủ bù, sếp không phải lo cho em đâu.”
“Ai lo cho em, thôi xuống đi.”
“Vâng ạ.” Tiểu Nê Ba hí hớn đóng cửa rút lui.

Hai giây sau cô nàng lại hé cửa thò cổ vào, ra vẻ hiểu biết dặn Doãn Hạo: “Cảnh sát Doãn… à nhầm, anh Doãn à, sếp em mà đi tắm đi cầu gì không tiện thì anh đỡ ảnh tí nha.

Mà nếu anh không ưng hộ ảnh thì gọi em nhá!”
Quý Thương suýt tức thở, đồng chí thương binh tàn nhưng quyết không phế gào lên: “Anh có liệt đâu, làm sao phải hộ! Nghĩ cái gì không biết.”
Tiểu Nê Ba đi rồi Quý Thương vội quay sang phân bua với Doãn Hạo: “Cậu đừng nghe nó nói linh tinh, tự tôi làm được hết.”
Và chỉ mấy giây sau câu nói này, Quý Thương miệng ngậm sandwich, tay trái cầm một quả quýt chìa ra trước mặt Doãn Hạo.
Doãn Hạo nhìn nhìn anh: “Tôi không ăn đâu, cảm ơn.”
Quý Thương đặt quả quýt xuống trước mặt Doãn Hạo rồi đưa tay cầm cái sandwich trên miệng: “Bóc làm đôi hộ tôi với, cảm ơn.”
Doãn Hạo ngẩng hẳn lên nhìn Quý Thương, anh cười cười giễu: “Anh có liệt đâu, sao không bóc được quả quýt à?”
Quý Thương chực hất mặt bỏ đi nhưng Doãn Hạo dù ngoài miệng nói vậy tay vẫn bóc quýt hộ.
“Nửa kia để cảm ơn cậu đấy.” Quý Thương chỉ bốc nửa quả rồi mím môi cười bỏ vào phòng làm việc.
Quýt của Tiểu Nê Ba Quý Thương luôn chỉ dùng để ăn cho tỉnh ngủ.

Mà ngồi trong phòng dỏng tai nghe ngóng hồi lâu vẫn không thấy bên ngoài có động tĩnh gì, anh lại đứng dậy lưỡn thưỡn đi ra lấy nước uống.

Bàn ăn trống trơn, vỏ quýt trong thùng rác, Doãn Hạo ăn hết rồi.
Không lẽ bữa nay Tiểu Nê Ba mua được quýt ngọt rồi? Quý Thương nếm thử một múi, ui chu choa nó vẫn chua vãi linh hồn.
Quý Thương thầm ghim trong lòng: “Cái người ngoài kia ăn chua gớm thật!”
….
Ngày xảy ra vụ án Vương Cảnh Bình, khi cảnh sát có mặt tại hiện trường ở đó ngoài người báo án còn một số người nữa đứng xem.

Ảnh chụp hiện trường vụ án nhanh chóng bị tung lên mạng, sau đó cảnh sát phải can thiệp xóa hết những bài đăng sai sự thực phục vụ quần chúng hiếu kỳ, dần dần vụ việc mới được kiểm soát.

Hiện nay dù hình ảnh và thông tin của nạn nhân không được công bố nhưng công tác điều tra loại trừ cảnh sát thực hiện vẫn khiến tin tức nhanh chóng bị lan truyền trong một phạm vi nhỏ.
Hầu hết học sinh của Vương Cảnh Bình đều đã biết tin anh ta bị hại.
Khi phát hiện cái tên Cam Lạc Lạc trong danh sách học sinh, Sài Lộ chỉ thiếu nước gọi ngay em này lên thẩm vấn.

Họ hỏi xong khoảng một phần tư học sinh mới đến lượt Cam Lạc Lạc.
Hôm nay trường không bắt buộc mặc đồng phục nên cô bé mặc một bộ váy cotton liền thân, đi đôi dép sandal hơi cũ, khoác túi chéo móc những món phụ kiện kim loại đã bạc màu.

Váy áo giản dị không hề ảnh hưởng đến vẻ xinh xắn tươi trẻ của cô.
Thời nay khác xưa nhiều, bây giờ học sinh tiểu học cũng có điện thoại thì lứa cấp hai càng khỏi phải bàn.

Bởi vậy dù trường đã khuyến cáo các em được hỏi xong nên về nhà ngay thì những đứa ngồi chờ đến lượt hầu như cũng đã biết chuyện hết.
Ý kiến của đám học sinh về Vương Cảnh Bình thống nhất với các giáo viên.

Nói đến Vương Cảnh Bình phần lớn các em đều tỏ ra thương tiếc, nhưng hiếm học sinh nào lại vừa kinh ngạc vừa đau khổ như Cam Lạc Lạc.

Phản ứng của cô bé giống như đến giờ này cô mới biết chuyện vậy.
Cam Lạc Lạc khóc sướt mướt, Sài Lộ phải ngồi bên cạnh an ủi rất lâu cô bé mới bình tĩnh lại để bắt đầu trả lời câu hỏi.
Cam Lạc Lạc không hề giấu giếm việc Vương Cảnh Bình gửi tiền cho mình hàng tháng.

Cha Cam Lạc Lạc bị bệnh qua đời, mẹ cô làm phục vụ trong một nhà hàng.

Còn cô thì thi được vào trường trung học Thần Tinh và được miễn học phí.

Bởi vậy tuy hai mẹ con sống khá vất vả nhưng trước kia họ vẫn xoay xở được qua ngày.
Mọi chuyện bắt đầu trượt dốc từ hơn một năm trước, khi đó mẹ Cam Lạc Lạc bị xe điện đâm bị thương chân.

Người gây tai nạn bỏ chạy, lại không phải tai nạn lao động nên cơ quan chỉ chi trả trợ cấp ở mức thấp nhất.

Cứ thế cứ thế không những họ không thể lo được tiền thuốc cho bà mẹ mà sinh hoạt phí của hai mẹ con cũng không biết trông cậy vào đâu.
Về sau tình cờ Cam Lạc Lạc biết được làm nhân viên tiếp rượu được trả hoa hồng rất cao, vậy là cô kiếm một tấm ** (2) để tối tối sau giờ học đến quán bar làm nhân viên tiếp rượu.
Vừa phải chăm mẹ vừa đi làm nên Cam Lạc Lạc rất hay xin nghỉ học, dần dần thành tích học tập của cô bé cũng tụt dốc.

Vương Cảnh Bình hỏi chuyện cô nhiều lần nhưng Cam Lạc Lạc cảm thấy hoàn cảnh nhà mình và cả công việc mình đang làm thật khó mà tâm sự với ai, thế là cô nhất định giấu không nói.

“Nhưng sau này thầy Vương vẫn biết.

Hè năm ngoái có mấy đứa con trai trong lớp em đến quán bar chơi gặp em ở đó.

Lúc đầu tụi nó cũng sợ bố mẹ thầy cô biết mình đi quán bar nên bọn em đã thỏa thuận cùng giữ bí mật cho nhau.

Sau này tụi nó hay đến mua rượu cho em, sau nữa tụi nó đòi em ngồi cùng uống rượu.

Nhiều hôm em nghỉ làm chúng nó cũng đòi em ra gặp mặt.

Em không thích thế, em bảo chúng nó đừng có làm vậy nữa nhưng bọn nó không nghe.

Có một lần em tức quá mới bảo em sẽ mách thầy chuyện các bạn đến quán bar, không ngờ chính chúng nó lại bịa thêm chuyện của em để đem kể khắp trường.”
Sài Lộ bắt đầu tin Cam Lạc Lạc không biết chuyện Vương Cảnh Bình bị hại thật.

Một cô bé mười bốn tuổi không giấu được việc mình làm thêm ở quán bar, lại còn bị đám bạn nam bịa đặt nói xấu thì khả năng rất cao là ở trường cô bé đã bị cô lập.

Sẽ không ai chịu làm bạn với cô bé, vậy tự nhiên cũng chẳng ai chia sẻ thông tin với cô cả.
Chẳng qua là Cam Lạc Lạc cũng không quá để tâm đến chuyện mình bị tẩy chay, cô còn phải dồn hết tâm trí vào mưu sinh.
“Sau đó thầy Vương bắt đầu giúp em, chân mẹ em cũng đỡ hơn nhiều nên em ngừng đi làm thêm để khỏi ảnh hưởng đến việc học.” nói đến đó Cam Lạc Lạc lại nghẹn ngào, “Nhưng bây giờ thầy Vương bị thế rồi… sau này… còn ai giúp em nữa.”
Doãn Hạo hỏi: “Em cho chúng tôi biết tên những bạn nam từng quấy rối em ở quán bar được không?”
Cam Lạc Lạc vặn vặn ngón tay, hai mắt láo liên như tránh né.
Sài Lộ nói: “Em yên tâm, họ sẽ không được biết nguồn tin là từ em đâu.

Mà trước khi gặp em chúng tôi đã biết mấy hôm trước lớp em có một số học sinh nam gây gổ đánh nhau ở quán bar, những em đó có phải cũng là nhóm bạn từng bắt nạt em không?”
Cam Lạc Lạc khẽ gật đầu: “Ba người ạ, cầm đầu là An Vĩ, còn lại là Tào Côn và Trương Vệ Đông.

Hôm nay Trương Vệ Đông không đến ạ.”
An Vĩ ngồi gác chân trên ghế salon, hai tay khoanh trước ngực cậu ta hất cái mặt chi chít mụn lên, cố làm ra vẻ ta đây là dân anh chị già đời.
Khi được hỏi về Vương Cảnh Bình, cậu ta không xúc động cho lắm: “Xời, cũng tiếc.

Thầy Vương nói lắm với hay lo hão thật nhưng ổng biết điều hơn các thầy khác nhiều.

Chậc, không biết kỳ sau đổi sang thầy nào làm chủ nhiệm, thế là hết vui rồi.”
Sài Lộ hỏi: “Hay lo hão là thế nào?”
An Vĩ nhếch mép cười cười: “Ô chị đẹp này, tóm lại là chị định hỏi gì? Làm gì mà lôi từng đứa vào rách việc thế, không lẽ thầy Vương chết lại liên quan đến học sinh à?”
Sài Lộ làm lơ luôn câu hỏi của An Vĩ, thằng bé mười bốn tuổi này còn khiến cô khó chịu hơn mấy ông trung niên làm bộ làm tịch.

An Vĩ lớn xêm xêm em trai cô ở nhà, cứ nghĩ thế là cô chỉ muốn chồm dậy vả cho thằng bé này mấy cái.
Xét thấy Sài Lộ là phụ nữ, dễ đối thoại với học sinh hơn nên Doãn Hạo chỉ ngồi bên lắng nghe, giao quyền chủ trì cho Sài Lộ.

Mà thái độ xấc láo của An Vĩ cũng làm anh bực mình thật, nói ngọt nói lý là không ăn thua với loại thiếu niên này.

Doãn Hạo đột nhiên lên tiếng: “Bỏ chân xuống rồi nói chuyện.”
An Vĩ liếc sang Doãn Hạo: “Chân tôi khó chịu, phải gác lên thế này mới được!”
“Được!” Doãn Hạo nói: “Vậy thì để chân thế.

Chúng ta nói chuyện từ 6 giờ chiều đến 11 giờ 30 tối ngày mùng hai tháng bảy em đã ở đâu?”
An Vĩ quay phắt lại tức tối cãi Doãn Hạo: “Sao tôi phải khai với anh? Thầy Vương chết chẳng liên quan gì đến tôi cả, anh là cái gì mà dám hỏi tôi kiểu đấy?”
“Sao nóng thế chú em? Hay là chột dạ?”
Doãn Hạo đứng dậy bước tới trước mặt An Vĩ, An Vĩ phải ngửa mặt lên nhìn anh.
“Thế này đi, mình thử ví dụ nhé.” Doãn Hạo đột nhiên cúi xuống chống tay vào thành ghế sau lưng An Vĩ, anh nhìn xuống An Vĩ một giây rồi đứng thẳng lại trong chớp mắt.
“Mẹ nó chứ mấy hôm trước đã đánh nhau thua lại còn bị thầy giáo dạy dỗ một trận.

Bình thường mình làm vương làm tướng ở trường làm gì có chuyện chịu thua mấy thằng lưu manh kia? Càng nghĩ mình càng tức, kiểu gì cũng phải phục thù.

Đợi mãi mới nghỉ hè, thầy giáo không chõ mũi vào được nữa rồi, phải đi thanh toán mấy thằng kia thôi.

Đ.m đen quá! Gặp đúng ông thầy thích lo chuyện bao đồng, nghỉ hè cũng không yên, ổng mò đến tận quán bar rình mình.

Không hiểu ông thầy bình thường yếu như sên sao hôm đấy cứ như ăn phải thuốc nổ vậy.

Làm thế nào đây, ổng cưỡi lên đầu mình mà mình chịu à?! Sẵn máu nóng trong người, mà tính ra mình vẫn còn vị thành niên, thù mới hận cũ, thế là đâm một nhát…”
Vậy là An Vĩ bỏ luôn chân xuống để nhảy dựng lên: “Anh… anh… anh là cảnh sát sao anh dám vu oan giá họa thế hả?! Tôi sẽ kiện anh.”
“Được, trước khi kiện thì nói cho tôi biết đêm hôm đó em làm gì.” Doãn Hạo ngồi xuống, dựa vào thành ghế, lạnh nhạt nói: “Em không nói cũng được, đoạn đường sông Tân Hà có vài quán bar thôi.

Tôi có thể điều tra từng quán một.

À nhưng để tránh nhận lầm người làm em bị oan, tôi đành phải mời bố mẹ em đi cùng để chứng kiến hình ảnh camera.

Không phải mỗi camera ngoài quán đâu, camera trong quán chúng tôi cũng sẽ xem hết.”
Sài Lộ cố lắm mới nín được cười.

An Vĩ xuôi xị dần, cuối cùng cậu ta cũng chịu ngồi cho đàng hoàng và bắt đầu lắp bắp kể lại những gì mình làm hôm đó.Chú thích:
(1) giấc hòe: giấc ngủ dưới gốc cây hòe mơ mình làm quan ở Nam Kha / giấc ngủ mơ thấy mình được giàu sang.
Cái này có điển tích, chị em tò mò có thể gg để tìm đọc ha.

Chị tác giả văn vở dễ thương hén, tự dưng lụm được chị gái viết đam lần đầu, iu chị:”3
(2) đoạn này cũng bị mã hóa trong bản gốc, mình đoán nó là thẻ căn cước giả..


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi