TÁO CHUA

Tháng tư hoa hạnh nở, tháng năm đào thắm hồng, tháng sau lựu đỏ rực.

Anh tôi sinh ra vào tháng năm, em trai cùng mẹ khác cha của anh được sinh ra vào tháng sáu. Tôn Nguyệt Mi đặt tên cho nó là Tôn Yến Minh, họ Tôn chứ không phải Mạnh, bà ta nói Tôn Yến Minh không phải con trai Mạnh Quang Huy.

Lúc Tôn Nguyệt Mi mang thai không nói được anh tôi, sau khi sinh con xong càng không nói được. Lữ Tân Nghiêu không học cấp ba như ước nguyện của Tôn Nguyệt Mi, anh đi học nghề giống như những người đồng trang lứa khác trong thôn.

Mùa hè đó dài đằng đẵng, xưởng in ấn đóng cửa lâu ngày ở Bạch Tước bị dở bỏ, một sân trượt băng được xây lên từ đống đổ nát. Lữ Tân Nghiêu thường lảng vảng ở đây và quán bi-a, đến tối mới về nhà, anh chỉ dắt tôi theo một lần, sau đó thì cấm tiệt.

Ban ngày Tôn Nguyệt Mi gọi tôi vào phòng, tôi ngửi thấy mùi sữa nồng nặc, không biết là tanh hay thơm. Em trai tôi Tôn Yến Minh ngủ ch.ảy nước dãi trong mùi hương này.

Tôn Nguyệt Mi nói lần trước bà ta giận quá nên nói khích Lữ Tân Nghiêu. Chỉ có một lời nói thật là lúc bà ta nhỏ hơn tôi đã bắt đầu làm việc nhà, lớn hơn một chút là gả ra ngoài. Tôi không biết lời bà ta nói lúc bình tĩnh có phải thật hay không, nhưng cũng không quan trọng.

Tôn Nguyệt Mi hỏi tôi: “Trong nhà ai nhỏ nhất?”

Tôi đáp là Tôn Yến Minh, Tôn Nguyệt Mi gật đầu: “Đúng, là em trai.” Rồi bà ta nghiêm túc nói với tôi: “Mạnh Lê, con cũng không còn nhỏ nữa.”

Tôi nghi ngờ anh tôi không phải con ruột của Tôn Nguyệt Mi, Tôn Nguyệt Mi luôn miệng nói tôi không còn nhỏ nữa, nhưng anh tôi lai nói tôi mới bảy tuổi. Rõ ràng bọn họ có dòng máu vô cùng thân cận, nhưng lời nói ra lại trái ngược nhau.

Tôi tin anh tôi, nhưng Tôn Nguyệt Mi ngắt ngang, bà ta nói: “Nhà này không nuôi nổi hai đứa nhỏ.”

Tôi hoàn toàn không hiểu Tôn Nguyệt Mi có ý gì, nhưng biểu cảm và giọng điệu lạnh lùng của bà ta làm tôi liên tưởng đến một lưỡi dao, lưỡi dao đè lên lưng tôi. Tôi nghe bà ta ra lệnh: Mạnh Lê, con lớn rồi.

Trong những ngay anh tôi đi sớm về khuya, tôi lén anh lớn lên.

Thân thể bảy tuổi của tôi cũng không cao hơn bao nhiêu hồi lần đầu gặp anh lúc năm tuổi, đứng bên bếp phải nhón chân mới nhìn thấy đáy nồi, nhưng theo lệnh Tôn Nguyệt Mi, tôi bắt đầu học nấu ăn.

Món đầu tiên tôi biết làm là đậu que xào, món đầu tiên tôi nấu cho anh cũng chính là nó. Tôi nhớ đêm đó trời đột nhiên đổ mưa, tôi bung dù đến bên cầu thì nhìn thấy Lữ Tân Nghiêu.

Tôi chạy về phía anh, mặc kệ bùn đất bắn tung tóe, cứ chạy đến trước mặt anh. Anh đón cây dù trong tay tôi, túm cổ tôi kéo đến sát bên người. Tôi dựa vào anh, chóp mũi chôn vào trong góc áo, ngửi thấy mùi thuốc lá ẩm ướt. Khói thuốc trong quán bi-a nhuốm trên người anh, trở thành mùi hương của anh, tôi ghét mùi khói thuốc, nhưng không ghét mùi của anh.

Anh cầm dù, hỏi tôi chạy ra đây làm gì. Trước mặt anh, chẳng bao giờ tôi trầm ổn nổi, lập tức khoe khoang công trạng: “Em nấu cơm xong đợi anh về ăn chung.” Đợi lâu quá không thấy anh về, trời lại mưa, đáng ghét thật sự, em sợ anh đợi đến hết mưa mới về, lại sợ anh dầm mưa về luôn, nên em đến đón, nhưng vẫn để anh bị ướt.

“Em biết nấu cơm?” Anh nhướng mày, liếc qua đỉnh đầu tôi, có lẽ là đang áng chừng chiều cao của tôi với cái bếp, rồi anh lại nhìn tôi: “Nấu món gì thế?”

Tôi lắc đầu ra vẻ thần bí: “Không nói đâu.”

Anh cũng không đoán, hiếm khi trông anh có vẻ tâm trạng không tồi. Từ khi anh và Tôn Nguyệt Mi dọn vào nhà tôi, đã rất ít khi thấy anh vui vẻ, sau khi Mạnh Quang Huy chết thì gần như không có. Tính tình anh rất xứng với khuôn mặt của anh, cứ như hoa hồng thì nhất định phải có gai, tính xấu của anh nhất định phải phối hợp với nét đẹp của anh.

Một lúc sau, anh hỏi: “Muốn ăn kem không?”

Trước khi trả lời, tôi nhìn anh, không nhịn được nuốt nước miếng, chắc chắn là anh đã nhìn thấy.

Lần này không vào tiệm của Bành Da Đen, từ đợt đồng tiền giả, tôi không bao giờ bước chân vào tiệm của nhà ông ta nữa. Anh mua cho tôi một que kem nhân mứt táo, cắn một miếng mứt táo sẽ chảy ra, ngòn ngọt lành lạnh. Tôi muốn cho anh ăn thử, bèn đưa đến bên miệng anh. Sau đó mới nhớ ra là tôi cắn một góc rồi, có lẽ anh sẽ không ăn nữa.

Nhưng anh cụp mắt, cúi đầu cắn một miếng. Tôi thấy một miếng kem nhỏ tan trên tay mình, vừa dính vừa lạnh.

Về tới nhà thì đậu que cũng đã nguội, anh nói hâm nóng lên phiền phức, bèn đổ đậu vào bát cơm còn âm ấm, cứ thế ăn hết. Tự dưng tôi không muốn xào đậu que cho anh nữa, cũng không nấu cơm trắng, tôi muốn nấu cho anh thứ ngon hơn.

Lúc anh tôi ăn cơm, chúng tôi nói chuyện một chút. Tôi kể cho anh nghe, hôm nay bà Ân đến nhà.

Anh tôi khựng lại hỏi bà ta đến đây làm gì.

Đây không phải lần đầu tôi gặp bà Ân, lúc trưa tôi đang bưng bát cơm ngồi trong viện ăn thì thường thấy bà xách túi thêu hoa đi ngang qua cửa nhà. Bà Ân hơn năm mươi tuổi, không chồng không con, người trong thôn nói lúc trước bà ta bị đàn ông lừa gạt, sau đó không chịu lấy chồng nữa. Người trong thôn Bạch Tước thường thấy bà Ân xách túi thêu hoa, đầu quấn khăn xanh. Có người nói bà ta không phải là bà Ân mà là bà sơ.

Lúc bà Ân vào nhà thì cứ nhìn tôi cười, tóc dưới lớp khăn được chải gọn, bên tai là chiếc khuyên vàng tròn treo lủng lẳng.

Bà ta mỉm cười nói với tôi mấy câu thì Tôn Nguyệt Mi bước ra, bà ta mỉm cười mời bà Ân vào nhà. Tôi nhìn thấy một cuộn len màu lam trong giỏ hoa, màu lam giống chiếc khăn trùm đầu, và mấy cây kim đan len.

Thế là tôi nói với anh: “Đan len, đan tất cho Tôn Yến Minh.” Tôi còn kể chuyện bà Ân cho tôi một cái áo len, nhưng tôi không muốn nhận nên lắc đầu từ chối.

Anh tôi ăn xong thì đặt đũa xuống, như là tiện miệng hỏi: “Tại sao?”

Tại sao bà Ân đan áo cho tôi? Hay tại sao tôi không muốn nhận? Anh không nói rõ nên tôi tưởng là câu thứ hai, thế nên tôi đáp: “Bởi vì anh không có… anh, anh có muốn không?”

Hình như anh tôi có mỉm cười, lại giống như là không có, nói chung là đến khi anh nói chuyện thì không cười nữa: “Anh không cần.”

Tôi lập tức nói theo: “Em cũng không cần.”

Lúc này anh mới cười, tôi cũng cười với anh, nếu như anh em trai cái gì cũng giống nhau, cái gì cũng làm cùng nhau, tôi tình nguyện làm cái đuôi theo sau anh, tôi biết anh không ghét cái đuôi là tôi.

Bởi vì phải đan tất len cho Tôn Yến Minh, bà Ân thường xuyên ra vào nhà tôi, gần như là trưa nào tôi cũng thấy bóng dáng nhẹ nhàng của bà ta, phất phơ tựa như chiếc khăn đội đầu màu lam. Có khi Tôn Nguyệt Mi bảo tôi ngồi bên cạnh nói chuyện với bà Ân, bà ta lúc nào cũng im lặng đan len, có khi lại đột nhiên ngẩng đầu, mỉm cười quan sát tôi.

“Mạnh Lê, mắt con rất đẹp, giống con gái.” Lúc ra về, bà Ân nói với tôi như thế.

Hôm đó, bà ta để lại túi thêu hoa và tất len ở nhà tôi, Tôn Nguyệt Mi ‘ai da’ lấy một cái áo len màu xanh lam hệt như khăn đội đầu của bà Ân ra.

Tôn Nguyệt Mi giơ nó trước mặt tôi, nhìn một hồi rồi tự dưng nói: “Bà Ân rất đáng thương, neo đơn một mình, bây giờ lớn tuổi rồi, vẫn luôn muốn có một người con gái ở bên cạnh.”

Bà ta lại nói tiếp: “Mạnh Lê, bà Ân rất thích con.”

Tôn Nguyệt Mi vừa nói vừa nhìn tôi chằm chằm, nụ cười vẫn treo trên mặt, nhưng biểu cảm của bà ta làm tôi sợ hãi. Tôi nghĩ thầm, tôi không phải con gái, tại sao bà Ân lại thích tôi.

Rất lâu sau đó, tôi xem Bá Vương Biệt Cơ, nghe Tiểu Đậu Tử sững sờ lập lại câu ‘Ta vốn thân nam nhi, chẳng phải phận nữ kiều’, đến khi bị bàn chải khuấy cho cả miệng đầy máu. Mạnh Lê lúc bảy tuổi nhát gan vẫn chiếm cứ thân xác tôi, tôi muốn vùi vào lòng anh khóc, nhưng anh không còn bên cạnh.

Ngày Tôn Yến Minh đầy tháng, Tôn Nguyệt Mi ẵm nó đưa tôi tới nhà bà Ân.

Nhà bà Ân nằm sát bờ đông, trong viện có một giàn nho rợp bóng. Bà Ân đã đợi sẵn ở cửa, bà ta đứng dưới một chùm nho, mỉm cười nhìn tôi: “Đến rồi đấy à.”

Tôn Nguyệt Mi đẩy tôi đến trước mặt bà Ân rồi nói: “Mạnh Lê, bà Ân đan cho con một cái áo len, con phải cảm ơn bà.”

Tôi không cần cái áo len xanh đó, nhưng Tôn Nguyệt Mi lại nhận thay.

Dưới ánh mắt của Tôn Nguyệt Mi, tôi do dự nói với bà Ân: “Cảm ơn…”

Bà nội nói lời từ trong tim là lời thật lòng, lời từ não là nói dối. Tôi đang nói dối, khẽ như tiếng muỗi kêu.

Tôn Nguyệt Mi nói chuyện với bà Ân một lúc thì Tôn Yến Minh trong lòng bà ta thức giấc, khóc oa oa. Tôi nghe Tôn Nguyệt Mi vừa dỗ dành nó vừa nói với bà Ân: “Người đã đưa tới rồi, tôi về trước đây.”

Tôn Nguyệt Mi lại gọi tôi, bà ta xoa đầu tôi dặn dò: “Mạnh Lê, con phải ngoan, ở lại đây chơi với bà Ân. Em đang khóc, dì đưa em về nhà trước.”

Nguy cơ ập tới, tôi vội túm lấy góc áo Tôn Nguyệt Mi, hoảng loạn gọi một tiếng ‘dì Mi’.

Tôn Nguyệt Mi quay đầu nhìn tôi, lại nói: “Bà Ân rất thích con.”

Nói xong, bà ta rứt áo khỏi tay tôi, ẵm Tôn Yến Minh đi thẳng. Tôi nhìn theo bóng lưng họ, bàng hoàng nhận ra: Tôn Nguyệt Mi bán tôi đi rồi, bà ta bán tôi cho bà Ân.

Bà Ân vẫn mỉm cười như cũ, chỉ giàn nho trong viện, thân thiết nói: “Mạnh Lê, qua đây ngồi với bà, lát nữa bà hái nho cho con ăn.”

Trương Bất Du nói bà Ân rất hung dữ, không cho con nít đến gần giàn nho nhà mình, ai dám ăn trộm, bà ta sẽ lấy roi trúc đánh. Bà Ân hung dữ đưa tôi đến bên giàn nho, cầm bát sứ lớn đựng đầy nho đưa cho tôi.

Tôi lắc đầu nói với bà ta: “Con không ăn nho, con muốn về nhà, con muốn anh.”

Bát nho trong mắt tôi trở nên ướt át, bà Ân đưa trái nho lên môi tôi, nhưng nước mắt lại chảy xuống trước, vị mặn lan trên lưỡi.

Bà Ân đặt cái bát sứ xuống, giơ khăn tay lau mặt cho tôi: “Bé đáng thương của bà ơi, con mất mẹ rồi lại mất cha, nhà ở đâu ra? Từ hôm nay, nhà bà chính là nhà con, đừng khóc nữa, bà thương con. Trời lạnh sẽ đan áo cho con, ngày nào cũng nấu đồ ngon cho con ăn, tốt hơn cả anh con nữa.”

“Anh trai tốt nhất… con chỉ cần anh.” Tôi phát hiện là mỗi khi nhắc đến anh, nước mắt tôi lại nóng hổi, cứ như thể chảy ra từ huyết quản.

“Anh con còn phải đi học, nó sắp lên cấp ba rồi, không lo cho con được, nó còn một đứa em nhỏ nữa… Nhà bà Ân không có trẻ con, con ở với bà, bà chỉ thương con thôi.” Bà Ân gấp khăn lại, vừa đi vào nhà vừa nói: “Bé ngoan, đừng khóc nữa, khóc sưng mắt sẽ đau, ăn nho trước đi, bà đi nấu cơm cho con.”

Cái khăn trùm đầu màu lam biến mất trong căn phòng tối đen, tôi giơ tay gạt nước mắt. Gió thổi giàn nho xào xạt, gió ẩm nồng, nóng rát, gió chẳng mang chút sự sống. Tôi nghe thấy giọng bà Ân truyền ra: “Gió nổi rồi, xem ra sắp có bão.”

Tôi vẫn luôn nhớ rõ tiết trời ngày hôm đó, mây xám mịt mù, đất cũng xám, chỉ có sấm chớp giữa trời là màu trắng, ẩn hiện giữa tầng mây. Lúc tiếng sấm ì đùng đầu tiên vang lên, dũng khí trước nay chưa từng có lấp đầy lồng ng.ực tôi.

Tôi chạy ra khỏi nhà bà Ân.

Lúc tôi vừa chạy ra khỏi cổng, chạy đến bờ ruộng, dũng khí đó lại giống như quả bóng xì hơi, nhanh chóng tan biến. Tôi nhớ tới ánh mắt Tôn Nguyệt Mi, cả giọng điệu của bà ta.

Mạnh Lê, con lớn rồi. Mạnh Lê, con phải ngoan. Mạnh Lê, bà Ân rất thích con. Mạnh Lê… Mạnh Lê…

Tôi muốn về nhà, nhưng tôi lại sợ hãi.

Lúc đó, tôi mới muộn màng nhận ra, đó không phải là nhà tôi, đó là nhà Tôn Nguyệt Mi, là nhà Tôn Yến Minh, là nhà Lữ Tân Nghiêu, bọn họ mới là người nhà máu mủ ruột rà, còn tôi không phải. Bà Ân không dọa dẫm tôi, tôi thật sự không có nhà để về.

Tôi chưa chạy được bao xa thì bão trong lời bà Ân đã tới. Hạt mưa to bằng hạt đậu rơi xuống mịt mù. Mưa đáp trên ruộng, tôi thấy mình như một gốc lúa, giữa bão giông chẳng còn nơi nương tựa.

Lúa… tôi nhìn ruộng lúa, lại nhớ đến anh tôi. Bây giờ anh không phải là anh tôi nữa, anh trở lại làm Lữ Tân Nghiêu, Lữ Tân Nghiêu lúc tôi ngồi trước cửa nhà anh bắt chước tiếng chó sủa. Tôi ghét cái tên Lữ Tân Nghiêu này, nó cứ làm cho tôi khóc. Bây giờ tôi lại muốn khóc.

Tôi thầm cầu may trong lòng, chút hi vọng này làm tôi nhịn xuống nước mắt. Tôi tưởng tượng cảnh Lữ Tân Nghiêu về nhà, biết chuyện Tôn Nguyệt Mi đã làm sẽ nổi giận đùng đùng đến đón tôi về nhà. Thế thì mưa lớn một chút nữa cũng không sao, nhìn tôi sẽ đáng thương hơn nữa.

Nhưng mãi mà anh không đến.

Người đến trước là bà Ân, dù của bà ta che trên đỉnh đầu tôi, bàn tay khô ấm của bà ta kéo tôi dậy, luôn miệng nói ‘về nhà với bà’, tôi chỉ nghe thấy tiếng mình òa khóc.

Đó không phải nhà tôi.

Bà Ân kéo tôi về phía giàn nho nhà mình, tôi ngồi lỳ trên đất không chịu đi, bà ta cứ như một con trâu kéo xe dùng hết sức kéo tôi. Một lúc sau, bà Ân hết kiên nhẫn, ôm đứa trẻ bảy tuổi là tôi lên, lúc hai chân tôi rời khỏi mặt đất, nước mắt vẫn không ngừng rơi, hòa cùng nước mưa, bắn tung tóe trên đất.

Lúc đó tôi buồn bã nhớ đến bà nội, nhớ đến quan âm.

Lần đầu tiên giữa trời giữa đất, tôi thành khẩn hét lớn danh hào của quan âm, cầu xin anh đến cứu tôi.

Trong quá khứ, tôi chỉ trốn trong chăn lén lút gọi anh, sợ anh nghe thấy. Bây giờ tôi hét rất lớn, nhưng tiếng mưa cũng lớn, tôi sợ anh không nghe thấy.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi