CHỒNG SÓI


Sau khi rơi xuống sông băng, Thủy Thời hít phải làn nước lạnh cóng, cánh tay vùng vẫy lịm dần, cậu chìm vào hôn mê.
*
Tại thế giới sông băng mênh mang xanh ngát, một bóng người nhỏ thó đột ngột rơi xuống từ giữa đống vụn băng rồi chậm rãi chìm sâu hơn nữa.
Bất thình lình, bóng người được một cái chân thú có bộ vuốt sắc nhọn kéo ra khỏi biển nước rét lạnh.
Áo quần ướt sũng dán sát da thịt, để lộ dáng vóc gầy gò mà mềm mại của người này.

Dần dà, hiện ra ngoài mặt nước là một khuôn mặt nhỏ nhắn và trắng trẻo như đang tỏa sáng lấp lánh dưới ánh trăng.

Chỉ có điều người ấy rất tĩnh lặng, như thể đã ngủ say và chờ người đánh thức...
*
Nhóm ông Trịnh đợi từ sáng sớm đến tận buổi chiều vẫn chưa thấy Đông Sinh quay lại.

Trong khi đó theo lời kể của anh thì lẽ ra anh và Thủy ca nhi sẽ có mặt vào buổi trưa, nhưng giờ là chiều rồi mà còn không thấy bóng dáng họ.
Mọi người rơi vào trạng thái bồn chồn, không muốn bị động ngồi chờ thêm nữa.

May Đông Sinh đã để lại một chú chó trước khi đi, lúc này họ liền dẫn theo chó tiến vào núi tìm người trong thấp thỏm.
*
Thủy Thời tỉnh lại khi trời trở tối.
Cậu thấy người tuy hơi tê nhưng ấm áp vô cùng.

Có tiếng nói chuyện rầm rì luẩn quẩn bên tai.

Thủy Thời nhổm người dậy quan sát, thấy mình đang nằm gần một đống lửa, xung quanh đống lửa là mấy người đàn ông ăn bận giản đơn.

Đông Sinh cũng là một trong số đó, đầu anh quấn băng vải, bản thân anh thì vừa uống nước vừa xoa đầu chú chó săn của mình.
Thấy Thủy Thời ngồi dậy, một người đàn ông trung niên dáng vóc hơi ục ịch lập tức quay đầu và reo lên mừng rỡ: "Ấy, ca nhi tỉnh rồi!" Mọi người nghe thế cũng vội đặt đồ trên tay xuống rồi tiến lại cạnh Thủy Thời.
Bọn họ ai nấy đều xúc động, một bác trai chân què còn lau nước mắt.

Có điều không ai chìa tay ra, bởi dù là bậc cha chú thì họ vẫn là đàn ông, trong khi Thủy Thời là ca nhi đã đến tuổi gả chồng, họ cần tránh gây ra điều tiếng cho cậu.
"Thủy ca nhi tỉnh rồi hả cháu? Cháu còn nhớ ông Trịnh của cháu ngày xưa không!" Ông bác ngồi cạnh cậu đau lòng than thở: "Ôi, không nhớ cũng là chuyện thường tình.


Cha cháu đi đã nhiều năm, là do bọn bác không chăm sóc cháu cẩn thận."
Thủy Thời không nhận ra bọn họ.

Một là do ký ức của Thủy ca nhi không đủ rõ ràng, hai là vốn dĩ những kỷ niệm với họ đã là chuyện từ tấm bé, có nhớ cũng chỉ nhớ được mơ hồ.

Tuy nhiên nghĩ kỹ lại thì những người đàn ông này hẳn là bạn bè lâu năm của cha nguyên chủ.
Bấy giờ Thủy Thời vừa kính nể vừa cảm động, người ta thường bảo lòng người dễ đổi, nhưng những chú bác ở đây vẫn vì tình cảm anh em bè bạn năm xưa mà chẳng màng đến sự nguy hiểm cũng như lời tiên đoán về Đông Sơn, quyết tâm lên núi tìm kiếm đứa con không rõ sống chết của người bạn cũ.

Chỉ riêng hành động này đã đủ chứng minh tình nghĩa sâu nặng của bọn họ.
Thủy Thời muốn ngồi hẳn dậy nhưng hơi yếu, Đông Sinh thấy thế liền – dưới sự ra hiệu của ông Trịnh – quỳ một chân xuống đất và đỡ Thủy Thời dậy.
Lúc này cậu mới yếu ớt nói, "Cháu còn nhớ mang máng các chú các bác ở đây vẫn luôn bảo vệ cháu ngày xưa, nay mọi người lại mạo hiểm đến Đông Sơn cứu cháu ra.

Cháu rất biết ơn, chuyện hôm nay cháu xin ghi tạc trong lòng."
Mọi người nghe mà lòng bổi hổi, họ đều tin rằng chuyến này đi không uổng.

Thêm vào đó, khi thấy Thủy Thời ăn nói mạch lạc và còn loáng thoáng nhận ra mọi người, toán thợ săn mới hoàn toàn thở phào nhẹ nhõm.

Như vậy có thể xác nhận cậu bé không bị hành hạ trên núi, tinh thần vẫn ổn định.
Mà ông Trịnh thì lại vừa lòng hơn thế nữa.

Tuy nốt ruồi thai hơi nhạt nhưng tính nết mới là điều quan trọng, chưa kể nhà ông đông con trai nên ông chẳng ngại việc thằng ba không thể cháu đống con đàn, cùng lắm là cho nhận con thừa tự.
Lúc này Đông Sinh lại bón cho Thủy Thời ít nước ấm, Thủy Thời được đỡ mà không cảm thấy có vấn đề gì.

Về lý thuyết thì ca nhi thời đại này sẽ cần giữ ý tứ, nhưng cậu không biết nên cho đây là hành động bình thường, cũng không để vào lòng.
Đến lúc cậu chống hai tay xuống và ngồi được vững vàng rồi thì mới chợt nhận thấy một cảm giác quen thuộc truyền tới từ bàn tay.

Thủy Thời mượn ánh trăng nhìn kỹ vật dưới tay, đây chẳng phải chính là tấm da cừu đã được cậu thuộc mềm đấy hả!
Đáy lòng rung lên, cậu vội vàng hỏi Đông Sinh, "Sao lại có tấm da cừu này thế ạ?!"
Mà chưa đợi Đông Sinh trả lời thì một con ngựa con với bộ lông sáng bóng đã nhanh nhẹn ló mặt ra từ rừng rậm.


Thủy Thời kinh ngạc nhìn chú hắc mã xinh đẹp có bím đuôi sam.
"Sao nó lại ở đây thế?!"
Đông Sinh tỏ vẻ nghi hoặc, "Ơ, chẳng phải nó là do em dắt về à?"
Thủy Thời khựng lại, "Ơ...!em ngủ mê man quá, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?" Đông Sinh liền kể toàn bộ đầu đuôi câu chuyện cho Thủy Thời nghe.
Lúc ấy Đông Sinh bị một con dã thú không nhìn rõ hình thù vả bay, rồi bất tỉnh rất lâu dưới bóng cây.

Sau đó ông Trịnh phải mang theo chó săn đến thì mới tìm thấy bọn họ.
Sở dĩ nói là "bọn họ" vì bấy giờ ông cũng tìm thấy cả Thủy Thời, mỗi tội Thủy Thời đã được bọc trong lớp da thú thượng phẩm và nằm bất động giữa đống cỏ khô mềm mại.

Bên cạnh cậu còn có một chú ngựa đen cực kỳ đẹp mã, lưng ngựa thồ một cái sọt đựng rất nhiều đồ.
Chú ngựa nhỏ này không thân người, thấy người đến là nấp vội ra xa.

Có điều lúc toán thợ săn cõng Thủy Thời rời đi, thằng nhóc lại lóc cóc bám theo sau.

Mọi người đều tưởng nó chuyên chở vật dụng cá nhân của Thủy Thời nên không ai có ý kiến gì với nó.
Trái tim Thủy Thời đã nhảy loạn cào cào nhưng cậu vẫn tỏ ra bình tĩnh, "Lúc ấy cháu xếp đồ xong thì lại nghĩ cũng không cần mang theo, nào ngờ bé ngựa tự mình mang đến.

Thằng nhóc này từng được cháu giúp đỡ trên núi ấy ạ."
Đông Sinh tin sái cổ: "Ha ha, nó cũng hiểu em có ơn với nó đó."
Thủy Thời không có tâm trạng trả lời, các chú các bác đã tự giác quay lại bên đống lửa từ lúc thấy cậu trò chuyện với Đông Sinh.
Thủy Thời gượng đứng dậy và gọi Ngựa Con tới, Ngựa Con thấy Thủy Thời gọi mình thì không chần chừ nữa, nó vừa lúc lắc cái đuôi xinh đẹp vừa đến cạnh Thủy Thời, còn cọ đầu lên người cậu.
Thủy Thời vồn vã kiểm tra đồ trong hai chiếc sọt trúc cậu thường dùng nhất.

Bên trong đựng một loạt da thú khô ráo và mềm mại mà Thủy Thời mới đem ra thuộc bên bờ suối nóng.

Nằm gọn trong đống da mềm còn có hơn ba chục quả trứng xinh đẹp cậu cưng như báu vật.
Chiếc sọt còn lại đựng quả phỉ và mấy cụm linh chi khổng lồ cậu chưa ăn hết, dưới đáy nằm bẹp dúm một đống lông sói dày.


Mà, chiếc áo len cậu đan bằng lông sói cũng được cuộn tròn rồi đặt vào trong sọt.
Thủy Thời nhìn nó, sống mũi cay xè, hốc mắt nóng lên.

Hồi lâu, cậu thầm mắng người ta trong bụng.
"Ngốc chết! Cái này là đan cho anh."
Nhưng đã chẳng còn đường trở lại.

Chớp mắt, mọi người đã đến sông giáp ranh, rời khỏi lãnh địa của bầy sói Đông Sơn, đi đường tắt qua núi non trùng điệp và trở lại thôn Nhiệt Hà.
Nhìn từ lưng núi mới thấy thôn Nhiệt Hà khá rộng, chẳng qua địa hình không bằng phẳng, nhà đất bởi thế cũng được xây theo kiểu móc nối chằng chịt vào nhau, không theo hàng theo lối.

Họ về nhà đúng giờ làm cơm tối, đây đó là những cột hơi lượn lờ bay lên qua ống khói, cảm giác như con sông vắt ngang thôn cũng tản nhiệt một cách bừng bừng sức sống.
Thôn Nhiệt Hà chú trọng phương hướng.

Mùa đông, gió thổi hơi sương trên sông sang bờ đối diện, giúp cho thôn được sạch sẽ và ấm cúng.

Cũng vì thế mà rừng cây ở bờ bên ấy được phủ một lớp băng sương dày, nhìn từ xa nom cực kỳ ảo mộng.
Nhiệt độ vùng này ấm hơn vùng Tây Sơn, Thủy Thời cởi tấm da cáo choàng đầu rồi đặt vào chiếc sọt trên lưng ngựa.

Các bác trai đang rất phấn khởi, chuyến đi này hơi vất vả song chẳng phí công, quả là may mắn!
Ông Trịnh huýt gió rồi dẫn mọi người tiến về mạn đông thôn.
Trên đường họ đi qua rất nhiều nhà, nhà nào nhà nấy đều có mấy đứa trẻ con, chúng đã chả.y nước mũi ròng ròng mà vẫn túm tụm trên mặt sông chơi con quay.

Có phụ huynh ra gọi chúng về ăn cơm thì trông thấy đoàn ông Trịnh.
Một bác gái bưng bát khoai tây hầm hỏi: "Mấy hôm nay rét quá mà bác Trịnh vẫn lên núi đi săn hở?"
Ông Trịnh cười đáp: "Thím Bảy ăn cơm đấy à, chà chà, không phải đi săn mà là đi đón cháu nó, là ca nhi nhà anh Lâm ấy."
Thím Bảy sửng sốt.

Nhà gã Tôn đã sớm mồm mép tép nhảy chuyện toán thợ săn của thôn Nhiệt Hà sang bên Viễn Sơn làm loạn, mỗi tội Nhiệt Hà toàn tự cung tự cấp, người dân đoàn kết với nhau, tương đối bài ngoại; chưa kể bọn họ rất biết ơn cha Thủy ca nhi sống có tình người, từng nướng thịt thú rừng săn được để tiếp tế cho bà con những lúc mất mùa.

Trong số các gia đình được ông giúp đỡ có nhà thím Bảy, nhà thím còn mỗi thím với một ca nhi.
Lúc hay tin, thím Bảy và nhiều bà con khác cũng muốn đến Đông Sơn nhưng bị ông Trịnh phản đối.

Nay thấy Thủy ca nhi khỏe mạnh trở về, hốc mắt đỏ lên, thím vội vàng chạy lại.
"Ca nhi tội nghiệp của tôi, con còn nhớ mợ Bảy không con?" Thím chẳng nói được mấy câu đã bắt đầu rơm rớm nước mắt, mọi người an ủi mãi, sau phải bảo để dẫn Thủy ca nhi về nhà trước thì mới tách được thím ra.
Trước khi đi thím Bảy còn khăng khăng dúi bát khoai tây nóng hổi cho Thủy Thời, dặn cậu không ăn thì dùng ủ tay cũng được.

Thủy Thời lớn lên trong thời đại công nghiệp, với tình trạng của mình, cả ngày cậu chỉ có thể hoặc ở trong phòng hoặc đi bệnh viện hay siêu thị là cùng, do đó cậu chưa từng được người ngoài đối xử niềm nở thế.

Thủy Thời vừa xấu hổ vừa bối rối nhưng vẫn ngoan ngoãn cảm ơn, còn ăn một miếng khoai tây to trước mặt thím Bảy làm thím cười rạng rỡ.
Đoàn người tiếp tục đi.

Một nàng dâu trẻ mặt tròn đứng ngoài sân nhìn thấy họ, hai mắt sáng bừng lên, nàng vội chạy vào nhà gọi, "Mẹ ơi! Cha với cậu ba về rồi, hình như còn dẫn theo ca nhi nữa!"
Mấy tiếng bát lạch cạch vang lên trong nhà, ngay kế đó là một đám người ùa ra chào đón.
Và cứ vậy, Thủy Thời một tay dắt Bé Ngựa Đen, một tay bưng bát khoai tây được mọi người dẫn vào nhân gian đậm mùi cuộc sống.
*
Tại vùng Đông Sơn tĩnh lặng.
Đã qua ngày rằm, mặt trăng sáng mờ treo cao giữa bầu trời khuya khoắt.
Phù Ly nằm sấp tại một vị trí lưng chừng núi và đưa mắt nhìn theo toán người khuất bóng dần dần.

Tóc hắn bị gió thổi lòa xòa, để lộ ra khuôn mặt góc cạnh và cặp mắt vàng hắt sáng âm u trong đêm tối.
Tay hắn để trần, da thú dưới thân toàn vết máu.

Sau lưng hắn là một đoàn sói trắng lẳng lặng trông coi.

Nhưng chúng cũng đứng cách xa Phù Ly, không một con sói nào dám lại gần Phù Ly lúc này.
Ngoại trừ một bà sói lớn tuổi.

Bước chân đã chậm của bà không thể ngăn người ta nhìn ra trí khôn và sự hiền từ ở bà.
Phù Ly quay đầu một cách phòng bị, răng thú lộ ra, nhưng khi thấy là "mẹ", hắn lại cố gắng kiểm soát thú tính cồn cào trong cơ thể hắn.
Bà sói, bằng ánh mắt thương yêu và trìu mến, đã phớt lờ sự hung hãn của Phù Ly để cọ đầu lên mặt hắn.

Đoạn bà khuyên nhủ hắn bằng thứ tiếng sói đơn giản phát ra trong cổ họng.
"Đi theo, con, là người, giống vậy."
Nghe được câu nói này, nhịp thở của Phù Ly trở nên gấp gáp.

Nhưng đến khi ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng trên cao, lại cúi đầu nhìn máu đông trên cơ thể và hai bàn tay mọc ra móng tay nhọn hoắt, hắn bổ nào xuống núi, bóng dáng khuất dần giữa những tán cây to.
Bà sói nhìn theo bóng hắn, ánh mắt xót xa, bên tai còn quanh quẩn câu trả lời bình tĩnh của Phù Ly ban nãy.
Hắn nói rằng, "Không, ta là dã thú."
___________
Tác giả có lời: Không những vợ chạy, mà còn phải xếp hành lý cho vợ, thậm chí là tiễn vợ suốt chặng đường luôn! Hahahaha.


Bình luận

Truyện đang đọc