HỌA QUỐC - THỨC YẾN


Trong tứ quốc chỉ có công tử Anh của Cơ thị Bích quốc độc hưởng vinh quang, thụ phong Bạch Trạch.

Vì vậy, người đời mỗi khi nhìn thấy hình bạch trạch thì biết Cơ Anh đến rồi.
Nhắc đến Cơ Anh, đó là một người khiến thái phó khi còn sống cảm thấy rất đau đầu.
Một ngày lên lớp nọ, Chương Hoa mười lăm tuổi bỗng hỏi Phong Nhạc Thiên: "Thầy ơi, trong ba nước Bích Nghi Trình thầy cho rằng mai này ai sẽ là đối thủ của bổn cung?"
Phong Nhạc Thiên trầm ngâm giây lát, đáp: "Hai người rưỡi."
"Xin thầy hãy nói rõ."
"Một là Trình vương.

Người này tính tình ngang tàn hung bạo, không có đạo đức, trong vòng mười năm chắc chắn sẽ nổ ra một trận đại chiến, không phải với Nghi thì là với Bích."
"Tại sao không phải với Yên?"
Phong Nhạc Thiên cười: "Yên có điện hạ, bảo đảm mười năm cường thịnh."
Được khen ngợi như thế nhưng Chương Hoa không hề lấy làm vui mừng, người thầy này của chàng có gương mặt thân thiện tươi cười bẩm sinh, những lời ngon tiếng ngọt của ông ấy thốt ra sảng khoái như thể không cần đưa tiền vậy.

Nghe ông ấy khen từ nhỏ đến lớn nên chàng đã quen từ lâu.
"Vậy còn một người rưỡi nữa là ai?"
"Một người là thái tử Nghi quốc Hách Dịch."
Nét mặt Chương Hoa trở nên nghiêm túc.

Tuy từ khi ra đời chàng đã là thái tử nhưng phụ vương còn đương tuổi tráng niên nên quyền lực của chàng có hạn, hầu như chỉ nghe lệnh hành sự, không khác thần tử là mấy.

Song, Hách Dịch thì khác.

Sức khoẻ Nghi vương vốn không tốt, Hách Dịch bắt đầu nắm quyền từ năm mười tuổi, thúc đẩy phát triển thương nghiệp, thực hiện một loạt các chính sách thuế buôn bán.

Vốn dĩ là một quốc gia xếp chót trong bốn nước, Nghi quốc nhanh chóng vực dậy, đặc biệt trong mấy năm qua còn có xu hướng vượt mặt Bích quốc.
"Con người Hách Dịch tiến bộ, gần gũi thương dân, phong nhã hài hước, rất được lòng dân.

Nếu y trở thành Nghi vương, Nghi quốc ắt sẽ hưng thịnh.

Tuy nhiên y thông minh có thừa nhưng không đủ vững vàng chín chắn, người quá khôn khéo sẽ đạt được rất nhiều cơ hội nhưng cũng khó thành nghiệp lớn.

Thế nên với bản lĩnh của điện hạ không cần phải sợ y.


Trái lại, người một nửa kia..." Vẻ mặt tươi cười của Phong Nhạc Thiên biến mất, trông có chút gì đó nghiêm nghị hơn.
"Tại sao chỉ có một nửa? Là Hành Xu ư?"
"Hành Xu già rồi.

Một nửa còn lại mà thần nói là công tử Anh của Cơ gia Bích quốc."
"Thân phận của hắn còn chưa đủ để so sánh với bổn cung."
"Đúng vậy, y không thể xưng đế nên chỉ tính là một nửa.

Nhưng lúc lão thần đi sứ Bích quốc có dịp gặp y ba lần.

Một người phong thái tuyệt mỹ, hiếm gặp trên đời."
"Còn đẹp hơn cả Tiểu Nhã?"
Phong Nhạc Thiên bật cười: "Tiểu Nhã kín đáo như tuyết, Cơ Anh lỗi lạc như trăng.

Tuyết đông chết người, nhưng trăng có thể soi sáng màn đêm."
Chương Hoa cau mày.
"Nhưng mà, tình thế Bích quốc phức tạp, Cơ gia chưa chắc có thể cười đến cuối cùng.

Vậy nên điện hạ để ý là được, không cần quá lưu tâm."
Hai năm sau, Chương Hoa và Hách Dịch xưng đế, bước lên vũ đài lịch sử biến động bất ngờ.

Còn Bích quốc vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Hành Xu.

Tuy Cơ Anh có danh hiền tài nhưng không có thực quyền.

Do đó Chương Hoa chưa từng để tâm đến y, ngược lại sau khi gặp Hách Dịch chàng vô cùng tán thưởng hắn, còn nói với các học sĩ Hàn Lâm Viện: "Trong tứ quốc, Hành Xu như cổ thụ ngàn năm, phong thái già cỗi.

Minh Cung như chim ưng trên hoang mạc, khó lòng tán thưởng.

Chỉ có Hách Dịch, rực rỡ xán lạn, mai này có thể sánh cùng trẫm."
Lời này truyền đến tai Trình vương, ông ta coi thường nói: "Chẳng qua là hai thằng nhóc con thôi."
Bích vương lại cười nói: "Hách Dịch quả thật giống như mặt trời.

Điểm giống nhất của y đó là chỉ cần là nơi mặt trời có thể chiếu đến thì nơi đó chắc chắn có sản nghiệp của Nghi quốc."

Hách Dịch nghe xong lập tức viết thư cho Chương Hoa, bên trên chỉ có bốn chữ: "Nhật nguyệt cùng toả." Còn kèm theo một nút thắt đồng tâm.
Kể từ đó, trong những tin đồn truyền tai nhau ở Yên cung lại có thêm một "bằng chứng" Yên vương là đoạn tụ.

Đó thấy chưa, ngài ấy với Nghi vương tán tỉnh nhau kìa! Hai người tự cho là mặt trời mặt trăng, một đôi đó còn gì!
Sau đó, Hành Xu chết bất đắc kỳ tử, thái tử Vô Đạo cũng vô duyên với hoàng vị, hai nhà Tiết Cơ đẩy một vị hoàng tử trước nay chưa nghe tiếng tăm bao giờ là Chiêu Doãn lên ngôi xưng đế.

Sau khi đăng cơ, Chiêu Doãn cực kỳ trọng dụng Cơ Anh, dường như mọi thứ đều nghe theo lời y.

Đúng như những gì Phong Nhạc Thiên lo lắng trước đó, Cơ Anh một bước lên cao, đứng đầu đại thần, tài hoa bắt đầu nở rộ.
Nhưng sau khi quan sát, Chương Hoa nói với Cát Tường: "Chiêu Doãn rất cao ngạo, sẽ không cho phép những thế gia này cưỡi trên đầu hắn quá lâu đâu.

Mặc dù Cơ Anh ưu tú nhưng Cơ gia đã thối nát đến tận gốc rễ.

Cứ chờ mà xem, hai nhà Cơ Tiết rồi sẽ nối bước hai thế lực Bàng Nhạc của triều ta."
Một lời thành sấm truyền.
Bích vương trẻ tuổi thẳng tay diệt trừ Tiết gia vịn vào công lao mà tự kiêu, tiểu Tiết Thái từng được Chương Hoa ban danh Băng Ly công tử của Bích quốc cũng chịu vạ lây.

Nhưng mà, kỳ lạ thay Cơ Anh lại viết thư cho Chương Hoa xin chàng cầu tình cho Tiết Thái trước mặt Chiêu Doãn.
Phản ứng đầu tiên của Chương Hoa sau khi nhận được thư là nhướn mày, lấy làm lạ: "Cơ Anh dựa vào đâu mà cho rằng hắn xin là trẫm sẽ đồng ý chứ?"
Như Ý gật đầu nói: "Đúng thế đúng thế, chuyện nhà của Bích quốc thì có liên can gì tới Đại Yên chúng ta chứ?"
Ai dè câu tiếp theo của Chương Hoa là: "Nhưng không thể huỷ hoại Tiết Thái."
Như Ý cạn lời.
Chương Hoa thở dài nói: "Trẫm là người đa tình.

Đã đa tình thì sao có thể thấy chết không cứu, lãng phí ngọc Băng Ly của trẫm?"
Khi ấy Như Ý giậm chân rồi giận đùng đùng bỏ đi.
Đến giờ hắn vẫn còn để bụng chuyện này.

Cát Tường là cái đồ ăn cây táo rào cây sung, rõ ràng biết trong đoàn sứ thần của Bích quốc đến Yên có Tiết Thái vậy mà không nhắc chữ nào với hắn, để mặc hắn đi Tân Châu tặng thuyền cho Tạ Trường Yến, cứ thế lỡ mất cơ hội gặp Tiết Thái.

Quả nhiên trong khoảng thời gian hắn đi, Tiết Thái và bệ hạ viết nên một đoạn giai thoại rầm rộ, chứng minh cho chuyện bệ hạ mê trẻ con.
Bệ hạ cũng thật là, biết rõ dư đảng của Bàng Nhạc còn chưa chết tâm lan truyền tin đồn khắp nơi trong dân gian để bôi xấu chàng, thế mà chàng cũng không biết tém tém lại, cứ để lời đồn bậy bạ tung hoành, quyết không muốn lấy vợ nữa sao.
Trước kia không cưới cứ nghĩ bởi vì chàng còn quá nhiều trọng trách, bận đàn áp các thế gia, không có lòng dạ đâu quan tâm đến chuyện đó.


Sau này, cứ tưởng chàng đang đợi Tạ Trường Yến cập kê.

Sau này nữa, Tạ Trường Yến từ hôn, các thế gia cũng an phận nghe lời rồi, trên dưới triều chính trong sạch, chàng vẫn chưa đại hôn làm các thái phi đại thần rầu muốn chết...
Tóm lại, bởi vì Yên vương ra mặt cầu xin cho Tiết Thái, Chiêu Doãn không thể không nể mặt, thế là ban Tiết Thái cho Cơ Anh làm nô lệ.

Sau đó không còn nghe thấy tin tức gì của hắn nữa.

Chuyến này đi Trình, sứ thần của Bích quốc không phải người của hai nhà Cơ Khương mà là tân thần Phan Phương và Giang Vãn Y, có vẻ không mấy xem trọng thọ yến của Trình vương.
Nếu vậy tại sao danh thiếp của Cơ Anh lại xuất hiện trước mặt họ vào lúc này?
Như Ý nắm chặt roi ngựa, nghi ngờ nhìn hai người áo đen.
Hai người nọ rất mực cung kính, làm ra chuyện thất lễ nhưng trông rất có phép tắc: "Công tử nhà chúng ta cầu kiến Yên vương bệ hạ.

Mời bệ hạ di giá một chuyến."
Như Ý cười lạnh: "Cơ Anh muốn gặp bệ hạ thì tự đến đi.

Có lý nào bảo chúng ta phải đi gặp hắn?"
"Công tử đang có chuyện gấp không thể thoát thân, mong bệ hạ thứ tội."
"Vậy chờ hắn giải quyết xong chuyện gấp rồi hãy tới tìm chúng ta." Như Ý quất roi cho xe chạy.

Hai người áo đen nhìn nhau một cái, tiếp tục quỳ giữa đường không nhúc nhích.

Lúc xe ngựa sắp tông tới, Chương Hoa trong xe huýt sáo, ngựa đã được huấn luyện kỹ lưỡng lập tức dừng chân.
"Đi đi." Giọng Chương Hoa từ trong xe truyền ra.
Như Ý cuống lên: không phải họ phải ra bến cảng sao? Chẳng phải đã nói không đi bây giờ là không đi được nữa sao? Nhưng hắn không dám trái lệnh, chỉ đành cho xe ngựa quay đầu, đi theo người áo đen.
Bấy giờ trời đã tối, đường xá vắng tanh.

Xe ngựa càng đi càng xa, cuối cùng rẽ vào một con ngõ sâu hoang vắng.

Cuối ngõ có một cánh cửa màu đỏ.

Người áo đen bước lên gõ cửa, ba tiếng dài một tiếng ngắn, sau đó cửa mở.
Người áo đen quay lại hành lễ nói: "Mời Yên vương bệ hạ xuống xe."
Như Ý lườm nguýt họ một cái rồi mở cửa xe, đang định dìu Chương Hoa xuống thì bất ngờ thấy Cát Tường cũng ở trong xe.
Như Ý ngạc nhiên há hốc mồm.

Cát Tường nhảy xuống xe, dìu Chương Hoa đi vào trong.
Như Ý theo sau hai người, mù mờ nghĩ: Cát Tường lên xe lúc nào thế? Không phải bệ hạ đã phái đệ ấy ra ngoài làm việc rồi sao?
Chả trách bệ hạ dám đến gặp Cơ Anh, hẳn là Cát Tường đã sắp xếp mọi thứ chu đáo rồi.
Đoàn người rẽ trái rẽ phải đi một đoạn đường rất dài sau đó bước vào một căn phòng.


Giữa phòng đặt một chiếc bàn nhỏ, trên bàn đốt một ngọn đèn, ngoài ra còn có ba tấm bình phong xếp thành hình chữ phẩm (*).

Bình phong gấp lại một nửa, phía sau bày trường kỷ, có thể ngồi ba bốn người.

Mà bấy giờ trong phòng chẳng có ai khác.
(*) Chữ phẩm: 品
Chương Hoa thoáng nhíu mày: "Còn mời khách nào khác nữa ư?"
"Vâng ạ, còn có Nghi vương."
Như Ý tròn mắt ngạc nhiên: Hay cho tên Cơ Anh, mời bệ hạ nhà mình thôi chưa đủ, còn mời cả Hách Dịch? Hắn định làm gì đây?!
Chương Hoa không hỏi thêm, chàng bước ra sau tấm bình phong phía Bắc, ngồi xuống.
Rất nhanh sau đó Nghi vương cũng đến, đến một mình.

Hắn tươi cười mở cửa đi vào, quét mắt một vòng, cười nhìn tấm bình phong hướng Bắc: "Chà, đã có khách rồi đấy à?"
Chương Hoa đang định đáp thì nghe một loạt tiếng bước chân vang lên bên ngoài.
Hách Dịch cũng nghe thấy, nhướn mày nói: "Xem ra đêm nay người đến không ít nhỉ."
"Nghi vương bệ hạ mời ngồi." Người áo đen dẫn đường nói.
Hách Dịch ngẫm nghĩ rồi bước đến vị trí hướng Đông, ngồi xuống.
Như Ý không khỏi mím môi cười.
Cát Tường hỏi nhỏ: "Cười gì thế?"
Như Ý đáp: "Bắc vi tôn, chỗ của chúng ta mới là đế vị chính thống."
Cát Tường đỡ trán thở dài: "Huynh nói thế chẳng khác nào bên phải là tân sư(*), Nghi vương là thầy không bằng?"
(*) Người không giữ chức quan nhưng được quân vương tôn trọng.
Như Ý sững người.
Trong lúc đó, cửa mở ra, có hai người bước vào.

Một người dáng rất cao, mặc áo trắng.

Người thứ hai thấp hơn y hẳn một cái đầu, dáng người thon thả hình như là một cô nương.

Ánh đèn hơi mờ nên không nhìn rõ dung mạo của hai người họ.
Sau khi hai người đi vào, toàn bộ người mặc áo đen lui ra rồi khép cửa phòng lại.
Như Ý biết chính chủ đến rồi.
Người đến cuối cùng này hẳn là Bạch Trạch công tử Cơ Anh.
Không biết ai dập tắt đèn, cả căn phòng chìm trong bóng tối.

Như Ý bất giác túm lấy tay Cát Tường, Cát Tường vỗ vỗ tay hắn vài cái trấn an.
Trong không gian tĩnh lặng, Hách Dịch lên tiếng trước: "Hay là mình chơi bốc thăm đi?".


Bình luận

Truyện đang đọc