HÔM NAY VƯƠNG GIA LẠI ĐI BÁN ĐẬU PHỤ


Thiên lao…
Nhà lao được xây ngầm sâu xuống dưới lòng đất.

Tầng trên cùng là chỗ của cai ngục cùng quân lính, tiếp tục men theo cầu thang dẫn lỗi xuống gian hành hình đầy những dụng cụ tra tấn vừa liếc qua đã lạnh người.

Trên hành lang thi thoảng lại được kê một chậu than lớn đang nổ lách tách cung cấp chút độ ấm và ánh sáng khi vào sâu.
Tầng cuối cùng chính là hầm ngục tối tăm, trần buồng giam được xây cao, bao xung quanh là những thanh song sắt lớn bằng hai cổ tay.

Bên trong rải rơm cùng chiếu manh cho phạm nhân giữ ấm.
Bầu không khí ở đây lạnh lẽo đến thấu xương, thỉnh thoảng lại có vài tiếng lách cách của gông xình va chạm, vang vọng khắp không gian âm u thiếu sáng.
- Trần Trường Ân, có người đến thăm ngươi.
Quản ngục giơ cao bó đuốc trong tay, cẩn thận soi rõ tình trạng bên trong buồng giam của phế hoàng đế.
Trần Trường Ân nheo mắt nhìn lên, có lẽ vì quá lâu không tiếp xúc với ánh sáng khiến y phải nhập nhèm dụi mắt mấy lần để nhìn cho rõ ràng.

Trên người y mặc áo tù nhân, râu tóc bù xù, dáng vẻ hốc hác tiều tụy vì mất ăn mất ngủ.

Nào đâu còn bộ dạng cửu ngũ chí tôn vô cùng sang quý lụa là bóng mượt khi xưa?

Mấy ngày nay thật sự Trần Trường Ân không dám ngủ, y sợ mình bất ngờ bị người ta ám sát, đồ ăn đưa đến chỉ khi quá đói chịu không nổi mới lao đến và một chút cơm hẩm cà thiu vào bụng.

Tinh thần xuống dốc như vậy nên hai mắt y trũng sâu, chỉ mấy ngày đã gầy rộc đi trông thấy.
Mà người bên ngoài cũng cởi bỏ tấm khăn choàng xuống, chính là thái thượng hoàng, ông tự mình đến xem trưởng tử do chính mình và hoàng thái hậu sinh ra.
Thái hậu mấy ngày nay vì chuyện phế đế của con trai mà ngã bệnh, bản thân thượng hoàng cũng cảm thấy hổ thẹn.

Cả đời ông là một minh quân nhưng không phải một trượng phu, một người cha tốt.
Từ khi Trần Trường Ân sinh ra đã định sẵn là thái tử, nhưng ông không mấy khi ở bên con trai.

Mọi chuyện nuôi dạy đều giao cho hoàng hậu và thái phó, ngay cả việc thái tử làm chuyện gì không đúng mực ông cũng chỉ trách cứ lên hoàng hậu.

Chưa từng tự mình cho vời Trường Ân lên hỏi vì sao y lại làm như vậy?
Ông không hề biết hoàng hậu vì sợ bản thân mình phật lòng mà luôn luôn gây áp lực lên thái tử, không ngừng đem y đi so sánh.

Kết quả Trần Trường Ân lớn lên liền vặn vẹo, tính tị hiềm quá cao, bản thân chưa từng được khen còn luôn ám ảnh sợ hãi bị so sánh.
Mấy năm nay ông luôn thắp hương niệm Phật trong chùa, học được nhiều giáo lý.

Thêm việc chăm bẵm dạy dỗ tiểu hoàng tử bên cạnh, ông mới nhận ra trước đây ông chưa từng để ý tới Trường Ân.

Hiện tại có nói thêm gì cũng không thể vãn hồi lại.
Trần Trường Ân trông thấy thượng hoàng dường như nhen nhóm lên một hi vọng.

Y vốn định bò tới mà hô lớn “Phụ hoàng cứu nhi thần!”.

Lời ra lại nghẹn ở cuống họng, không thể nào thốt lên.
Phải rồi, ông ấy đã có người thừa tự khác, sao lại còn quan tâm đến y ra sao.

Bởi vậy vừa thảng thốt cúi gằm mặt không lâu y lại ngẩng lên cười tự giễu.
- Thượng hoàng tới đây để trách mắng ta sao? Hay là người đã thất vọng đến không còn gì để nói? Có phải người muốn ban chết cho ta?
Thái thượng hoàng lặng người nhìn nhi tử trước mắt.


Tuy rằng Trần Trường Ân đã làm nhiều chuyện bất nghĩa, không xứng với mong đợi của quan dân nhưng ông chưa từng nghĩ sẽ vì thế mà bức chết y.
- Ta sẽ không ban chết cho con, tội con gây ra chưa đến mức phải xử tử.
Có thể coi là Trần Trường Ân may mắn, vì những lần y làm xằng làm bậy chủ yếu là hèn hạ trút giận lên những người thấp cổ bé họng.

Việc bề trên giết hại cung tì, thái giám xưa nay trong luật pháp Trường Lạc thật sự không có ban bố chút quyền lợi nào cho bọn họ.

Huống hồ khi đó y còn đang tại vị làm hoàng đế, ngay cả việc tước đoạt mạng sống của cận thần cũng sẽ không có ai lật lại xử phạt y.
Thêm việc họ ngoại bên thái hậu liên tục dâng tấu xin thượng hoàng giảm nhẹ, cuối cùng hình phạt Trần Trường Ân nhận chỉ là phế truất ngôi vua.

Giáng làm Hoài Vương, sau khi phạt gậy ở trước cổng cung lại giải lên Minh Đức Tự phạt khổ sai, sám hối chuộc tội trong vòng mười năm không được rời khỏi chùa.
Minh Đức Tự là nơi chuyên nhận con em quý tộc bị phạt tội tới đây cạo đầu sám hối.

Ban ngày làm việc gánh nước, đốn củi, trồng rau cho nhà chùa, buổi tối phạt chép kinh thư, niệm kinh lạy Phật dưới sự giám sát của các tăng sĩ.
Hiển nhiên đây là ý tưởng của thượng hoàng, lúc nghe người nói như vậy ở trong lao.

Trần Trường Ân cũng sớm thở phào, ngẫm lại trước giờ bản thân chưa từng làm được việc gì ra hồn.

Y nguyện ý đi tu dành cả đời còn lại để ăn năn sám hối.
Bản thân từ khi sinh ra đã là người cao quý đứng trên vạn người, chỉ vì quá ngu muội mà sa cơ đến bước này, âu cũng chẳng thể hoàn toàn đổ lỗi cho ai.
Bước qua ngưỡng cửa Minh Đức Tự, cả một quãng đời trước của y trôi qua như một giấc mộng dài…


Trần Trường Ân lãnh phạt trong chùa được ba năm, thái hậu trong cung vì quá đau buồn mà sinh bệnh, mất trước khi gặp mặt con trai lần cuối.
Thái thượng hoàng bèn tha bổng cho y được vào cung tận hiếu chịu tang thái hậu trong bốn chín ngày rồi quay trở lại chùa.

Hết bốn chín ngày, trên đường giải về Minh Đức Tự, Trần Trường Ân bị một thư sinh bất ngờ ném đá vỡ đầu, chết ngay lập tức.
Sau này khi Hình bộ tra án mới biết, thư sinh kia vốn có vị hôn thê bị ép tiến cung.

Sau cùng lại bị Trần Trường Ân cho người thay thế mình nhục nhã, nàng ta phát hiện liền không chịu nổi thắt cổ chết trong cung.

Y lại lạnh lùng cho người ném xuống giếng sâu không cho thi thể được hồi hương.
Thư sinh vốn ôm hận trong lòng vì chuyện của hôn thê, ngày hôm đó uống rượu say nghe người ta nói phế đế đang được giải về chùa liền không nói không rằng chạy đến giữa đường núp sẵn.

Vừa thấy y liền vung đá ném, một phát đi tong.
Thái thượng hoàng biết chuyện chỉ đành sầu não lệnh người đem thi thể y chôn tại chùa đến hết án phạt.

Bảy năm sau mới được phát tang đem vào hoàng lăng mai táng theo đúng lệ.
Thư sinh kia vì phạm tội giết người, lại còn là ám sát vương gia, giam vào đại lao tử hình đúng tội..


Bình luận

Truyện đang đọc