KỲ SỬ DƯƠNG HẬU

Vào một ngày nào đó khi chưa nhập cung, tôi đột nhiên nằm mộng, thấy mình đang đi xe buýt tới trường đại học. Thay vì rẽ vào khoa Tài chính – Ngân hàng, tôi lại đi thẳng tới một tòa nhà lạ hoắc, hình như trường mới xây thêm. Ở đó còn treo một cái băng-ron quảng cáo bắt mắt: “Hội thảo về khả năng sống sót của người xuyên không.”

Quái lạ, ở đâu ra cái kiểu hội thảo vớ vẩn này nhỉ? Tôi vừa buồn cười vừa đi tới hỏi thăm:

- Thưa giáo sư, thầy cho em hỏi…

Nghe tiếng gọi, vị giáo sư già quay mặt lại. Nhìn thấy bộ mặt khủng khiếp của ông ta, tôi không nói tiếp được. Ở đâu vừa có đoàn hát bội tới sao? Tại sao ông giáo sư này vẽ mặt y như người hát tuồng vậy? Giáo sư chớp chớp hàng mi được đánh mascara, õng ẹo hỏi:

- Tên?

Tôi trả lời theo phản xạ:

- Trần Thị Vân Nga ạ!

Giáo sư bắt đầu giở danh sách ra dò bảng chữ N. Sau khi đánh dấu check, ông đưa tôi một tấm card.

- Đây là vé chỗ ngồi, hàng 4 dãy 6. Nhanh lên, 5 phút nữa là hội thảo bắt đầu rồi!

Tôi nhận lấy vé, ngơ ngác đi về phía giáo sư chỉ. Mình có đăng ký tham dự hồi nào nhỉ? Hội trường bên trong khá là rộng, máy lạnh thổi phà phà vào mặt tôi. Tôi tìm đúng chỗ ngồi của mình. Ngồi cạnh tôi là một cô gái xinh đẹp, bị bó bột hai tay:

- Chào bạn, sao nhìn thê thảm vậy? Vừa bị tai nạn giao thông à?

Tôi biết chào hỏi như vậy khá vô duyên nhưng tính tôi nào giờ vẫn thích cười trên nổi đau của người khác. Cô gái mắt ươn ướt, thút thít bảo:

- Không, mình bị tai nạn lúc xuyên không.

- Hở?

- Mình rơi từ vực núi xuống. Xuyên qua mấy trăm năm, không ngờ “đáp” đúng một cái nốc nhà. Mình vốn sợ độ cao, nhìn thấy chới với nên ngã thêm lần nữa… Kết quả là…

Cô ấy mếu máo giơ hai cánh tay băng bó lên. Khóe miệng tôi giật giật, nuốt nước miếng rồi quay lại nhìn người ngồi bên trái. Đây là một anh chàng sắc mặt nhợt nhạt, tái xanh, quần áo ướt sũng:

- Hello! Hôm nay trời không mưa mà sao người bạn ướt thế?

Người đó từ từ quay lại nhìn tôi, da mặt trắng bệch như thây ma

- Không, tôi vừa bị chết đuối.

- Hở?

- Tôi vốn không biết bơi, xui xẻo lúc xuyên không lại rơi đúng ngay một cái ao cá.

- Trời, tội nghiệp! Vậy ai cứu bạn lên?

- Đâu có ai cứu đâu. Tui chìm xuống đáy ao, chết đuối mất rồi!

Tôi trợn mắt lùi xa xa ra một chút. Cái khỉ gió gì vậy nè??? Nhìn lại một vòng quanh hội trường, kẻ u đầu, người mẻ trán. Nói chung là hiếm ai lành lặng được như tôi, tự nhiên thấy biết ơn tổ tông mấy đời phù hộ. Khi chỗ ngồi đã chật kín thì trên sân khấu một người mặc áo vest, đeo cà vạt lịch sự bước ra. Anh ta cầm micro hồ hởi nói:

- Xin chào tất cả các bạn trẻ đã đến với Hội thảo về khả năng sống sót của người xuyên không!

Cả hội trường im phăng phắt không một tiếng vỗ tay. Nụ cười của anh ta sượng lại, làm bộ ho vài tiếng rồi nói tiếng:

- Tôi xin giới thiệu, tôi là chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp nhất về tất tần tật các vấn đề liên quan tới xuyên không. Nếu có bất kì thắc mắc cần giải đáp, các bạn có thể gọi điện thoại tới đường dây nóng của tôi là 1900xxxxxx. Tôi rất sẵn lòng lắng nghe và nhiệt tình giúp đỡ.

Có ai đó hỏi vọng lên:

- Thời cổ đại không có điện thoại thì sao?

- Chuyện này dễ thôi, các bạn chỉ việc chờ tới lúc quay về thời hiện đại rồi gọi, tôi vẫn sẽ vui vẻ giải đáp cho bạn!

Thật là huề vốn. Bên dưới bắt đầu hò hét, có người ném cả dép lê và chai nước suối lên sân khấu. Người chuyên viên kia có thân thủ không tồi, nghiêng qua nghiêng lại né được đòn tấn công của khán giả. Sau khi hội trường trật tự lại, anh ta bắt đầu bật máy chiếu và thuyết trình

- Đầu tiên, tôi xin giới thiệu về vấn đề tên gọi. Tất cả chúng ta đều biết qua lịch sử, vì lý do đó mà hầu hết các bạn sẽ gặp rắc rối vì gọi sai tên. Nhất là tên họ của vua chúa. Mỗi vị vua thường có tên húy, niên hiệu, thụy hiệu, tôn hiệu và miếu hiệu. Mời các bạn xem ví dụ trên màn hình… Chúng ta có thể hiểu nôm na thế này:

Tên húy là tên do cha mẹ vua đặt từ nhỏ, sau khi trưởng thành thường được gọi thay bằng tên khác và “kiêng” không nhắc đến và không ai được nhắc đến, khi sử dụng (nói-viết) phải làm sao chệch đi. Người có tên trùng tên húy phải đổi. Tên húy của vua Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn, vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh, vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Đảm, vua Đinh Tiên Hoàng là Đinh Bộ Lĩnh, vua Lê Đại Hành là Lê Hoàn… Những cái tên húy này các bạn tuyệt đối không thể gọi ra trong thời đại họ trị vì, nếu không sẽ bị xử phạt nặng!

Bên dưới có người ném cục đá bự không biết lấy ở đâu lên sân khấu.

- Sao ông không nói sớm??? Tui mà biết thì đã không bị đánh chết rồi! Khốn khiếp!!!

Haizz… xem ra có quá nhiều người bất mãn với “dịch vụ xuyên không” không hổ trợ bảo hiểm tai nạn này. Vị chuyên viên tư vấn kia vờ như không nghe, tiếp tục nói:

- Tôn hiệu là tên triều đại của một vị vua được công bố trong ngày lễ đăng quang để minh chứng với thần dân trong nước vua là chủ tể, có mọi quyền hành trên thần dân và đất nước. Trong suốt thời gian trị vị vua chỉ có một tôn hiệu. Tùy mỗi giai đoạn lịch sử Việt Nam, tôn hiệu có thể do vua (tự) xưng (thời kỳ tự chủ) hoặc đế hiệu do vua Trung Quốc phong cho (còn gọi là “tước hiệu”). Ví dụ, tôn hiệu của Triệu Đà là Triệu Vũ Đế, Quang Trung là An Nam Quốc Vương, Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.

Bên cạnh đó, tôn hiệu cũng có trường hợp là triều thần xưng tụng. Ví dụ vua Lê Đại Hành có tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế. Vua Lý Thái Tổ được cho là vị vua có tôn hiệu dài nhất Việt Nam: “Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”. Nhìn chung thì “tôn hiệu” là một cách gọi hoa mỹ, nhằm ca tụng công lao, đức hậu của các vua chúa. Tôn hiệu là tên gọi mà dân chúng và quan lại không bị phạt tội khi sử dụng. Tuy nhiên, người ta thường chỉ gọi là “hoàng đế”, “nhà vua” hoặc “quan gia” (đời nhà Trần) thôi. Bởi vì mỗi thời điểm lịch sử chỉ có một vua, dùng danh từ chung để gọi sẽ không bao giờ gây lầm lẫn, nếu nói về vua thời trước, người ta sẽ dùng thụy hiệu hoặc miếu hiệu.

Bên dưới lại có người than thở:

- Tía ơi (Tía: cha), tên dài như vậy mà bắt phải thuộc, giết chết con đi cho rồi!!!

Nhân viên tư vấn nở nụ cười marketing rồi tiếp tục nói:

- Tiếp theo là “niên hiệu”, cái này rất dễ hiểu, chính là tên gọi một giai đoạn thời gian mà nhà vua trị vì, thường đi kèm “năm thứ…”. Niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng là Thái Bình, như vậy ta có Thái Bình năm thứ nhất, Thái Bình năm thứ hai,… Niên hiệu nói lên lý tưởng, tôn chí, hay phương châm trị vì của một vị vua, ngài có thể thay đổi tôn hiệu khi nhận định đất nước sẽ bước vào thời kì mới. Trong trường hợp kể trên, vua Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là mong muốn đất nước thái bình…

Còn về “thụy hiệu”, “miếu hiệu”? Tên thụy dài hơn tên miếu, nó là cách gọi kèm thêm với tên miếu. Chẳng hạn, vua Gia Long có tên miếu là Thế Tổ, tên thụy là Thế Tổ Cao Hoàng đế. Vua Minh Mạng có tên miếu là Thánh Tổ, tên thụy là Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Tên thụy và tên miếu đều do vua đời sau đặt cho vua đời trước nhằm tôn vinh tiên vương. Tên miếu được khắc trên bia miếu và dùng trong văn tế. Tên thụy để gọi thông thường. Người Việt Nam ta cũng có tên thụy mà mình gọi dân gian là “tên cúng cơm”. Tên này là do con cháu và ông bà thống nhất với nhau trước khi ông bà qua đời. Vào ngày giỗ, họ thắp hương và gọi tên cúng cơm mời tổ tiên về ăn cơm. Tên này được giữ bí mật vì họ sợ ma quỷ lai vãng tới giành mất phần thức ăn của ông bà. Như vậy, khi nhà vua còn sống, các bạn không thể gọi tên thụy và tên miếu của họ ra. Chỉ khi vua băng hà thì vua kế nhiệm mới đặt những tên này cho cha. Những cái tên như Lý Chiêu Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Đinh Tiên Hoàng hay Lê Đại Hành đều là tên miếu, tên thụy(***). Khi họ còn sống vẫn chưa có tên này cho nên các bạn chớ có gọi bậy!

Tôi ngồi nghe chăm chú từ này giờ mới ngộ ra nhiều điều. Lớp tập huấn này thực là bổ ích, chỉ có điều nó được tổ chức không hợp lý về thời gian. Người ngồi ở đây hình như đều bị rủi ro trước khi được cung cấp kiến thức. Hội trường hiện giờ khá là náo loạn. Chuyên viên tư vấn càng nói, khán giả càng bất mãn vì tới giờ họ mới được biết, làm hại họ kẻ bị đánh, người bị lôi đi chém đầu… thật là thê thảm!

Đám đông nổi loạn là một tình trạng rất nguy hiểm. Người người bắt đầu đứng dậy, ném dép, ném ghế, lật bàn, tấn công người dẫn chương trình. Họ cùng và ngay hô to khẩu hiệu “Đả đảo xuyên không! Đả đảo, đả đảo! Hãy đưa chúng tôi trở về thời đại của mình! Đả đảo, đả đảo!”

Tôi rất hưng phấn ngồi xem cuộc biểu tình có 1 0 2 này ^^!

Bảo vệ ập vào hội trường, cố gắng kiềm chế đám đông. Trong lúc đó, một người đã nhào lên sân khấu, giật lấy cái micro của anh dẫn chương trình và ném đi. Cái micro đó bay theo đồ thị hình parabol mà điểm cực đại của nó dừng lại ngay cái đầu của tôi. Tôi ôm đầu choáng váng ngã xuống đất…

Cùng lúc đó tôi ở trên giường bật dậy. Hóa ra là một giấc mơ, đáng sợ thật! Híc híc…

Chú thích: (***) về tên “Lê Đại Hành”: tài liệu lịch sử cho thấy, “Đại Hành” là tên gọi tạm thời khi vua vừa mới mất. Lê Hoàn cho tới nay vẫn được sử sách biết tới với cái tên Lê Đại Hành, như vậy tức là con cháu của ông ta chả đặt tên thụy, tên miếu cho cha mình, cứ để ông ấy gọi là Lê Đại Hành.

P/S: Viết xong cái ngoại truyện vớ vẫn này Hoa Ban thấy mình rất bệnh >_<!!!!!

Thật ra chỉ muốn cung cấp cho bạn một chút kiến thức về các tục lệ, tên gọi trong thời phong kiến ngày xưa nhưng sợ viết giống bài thuyết trình thì thô và khó nuốt lên biến nó thành một thứ xàm xàm là lạ để dễ đọc hơn. Các bạn thấy mình nhảm quá thì cũng bỏ qua nhé! Thân!

Bình luận

Truyện đang đọc