KỲ SỬ DƯƠNG HẬU

Lê Hoàn kiên trì đến 3 ngày, không ít người chạy tới khuyên can. Xác Dương quyến nữ khâm liệm đã 4 ngày, tôi chưa dám đem đi chôn vì anh ta vẫn còn quỳ đó. Lê Hoàn tự ngược, tôi cũng bị ngược theo. Chẳng ăn cái gì thấy ngon, đêm không tài nào chợp mắt. Ba ngày, tôi liền tiều tụy. Cứ chốc chốc lại giơ tay vén màn, nhìn bóng người đơn độc ngoài kia, tim rỉ ra thêm ít máu…

Tôi từng nghĩ con người đối với tình yêu giống như một hệ quả của đời sống tinh thần phong phú. Thú mẹ chăm sóc thú con, là vì bản năng buộc nó phải sinh sản và nuôi con để duy trì nồi giống. Có kẻ thù xâm nhập tổ, thú mẹ liều chết bảo vệ con, là xuất phát từ “tình cảm” hay vẫn là một loại bản năng? Con người lại cho ra câu trả lời chính xác: Nhân loại có tình yêu và thứ đó không bị bản năng chi phối. Tình yêu trai gái chính là ví dụ rõ ràng nhất. Hai người không có ràng buộc huyết thống, không ai nợ ai nhưng họ có thể vì nhau mà làm tất cả, họ khao khát sự gần gũi và thân mật. Nếu từ bản năng, người ta có thể chấp nhận bất kì một ả đàn bà hay một tên đàn ông, đâu nhất định phải là ai cụ thể.

Tôi đối với chuyện này thật ra rất mơ hồ. Có một cơn đau âm ĩ không diễn tả được nhưng tinh thần thì vẫn lạnh lùng và kiên định. Tôi là Dương Vân Nga, mang theo hồi ức của Dương Kiều Nga nên hay bị chuyện cũ quấy rầy. Tôi nhớ tới nụ hôn cuồng nhiệt giữa trời mưa, say mê trong bóng tối. Nhớ những lời ngọt ngào pha chút tinh nghịch mà anh chàng kia từng nói “Nàng tiền kiếp chính là Hằng Nga, ta tiền mệnh chính là Hậu Nghệ!

Tôi không biết kiếp trước của anh là gì nhưng kiếp trước của tôi không phải Hằng Nga. Tôi chẳng qua chỉ là một nữ sinh bình thường, sống trong gia đình bình thường, tại một thành phố xa xôi mà ngày nay chưa phải là lãnh thổ của Đại Cồ Việt. Có khi vùng đất đó còn chưa được hình thành. Qúa trình bồi tụ nghìn năm sẽ cho ra biết bao mảnh đất đai trù phú, miền nam của Việt Nam thời hiện đại bây giờ vẫn còn là bao la mặt biển trong thế kỉ 10.

Một chút xíu dấu tích về sự tồn tại của tôi sau này cũng chẳng có, tôi chỉ như một linh hồn vi vu không may vướn vào thân xác này. Anh yêu thể xác hay yêu linh hồn? Tình cảm đó là như thế nào mà anh có thể đau đớn đến vậy. Dương Kiều Nga chết rồi, xác của nàng cũng chẳng đẹp đẽ để cho anh thưởng thức, cớ gì vẫn ngoan cố như thế?

Tôi vẫn mặt lạnh mỗi khi nghe a hoàn thông báo “Nhiếp chính vương vẫn còn quỳ

Tôi không tin Lê Hoàn là kẻ lụy tình bỏ bê đại cuộc. Anh còn quá nhiều việc chưa làm xong, giặc ngoại xâm chưa đánh, thù lân bang chưa trả. Há sẽ vì một đứa con gái vô danh mà biến thành gã đàn ông si tình dại dột? Lê Hoàn không thể như vậy, nếu không anh cũng không phải là Lê Hoàn mà tôi biết!

Ngày thứ ba, cuối cùng mình đồng da sắt cũng khuất phục. Tôi có chút mừng, cũng có chút đau. Phen này kiệt sức mà ngã bệnh, chắc không bệnh tới chết chứ? Nếu vậy lịch sử sẽ lộn tùng phèo mất!

Tôi cho người khiêng tên lì lợm kia về nhà, cũng lập tức đưa quan tài đi an táng, xác chết không nên để lâu. Tôi chọn một ngọn đồi vô danh phía Đông hoàng thành. Nơi này ít người, cảnh đẹp và yên tĩnh. Tạm thời để chị ở đây, khi nào tôi chết sẽ vào thay chỗ, trả vị trí bên cạnh Đinh Tiên Hoàng cho chị. Ngày đó có lẽ còn dài, thiệt thòi cho chị phải cô đơn mấy chục năm sắp tới.

Một tuần sau nghe nói Lê Hoàn lại vào triều, bắt đầu ngồi đúng chỗ của mình là cái bàn nhỏ bên dưới ngai vàng. Thiết triều tôi không đến, hoàn toàn giao cho anh cùng với các quan thần. Nghe lời thuật lại thì hình như Lê Hoàn khác lắm, thâm trầm, lầm lì, ít nói… bộ dáng dữ dằn và nanh ác hơn xưa. Hoàng cung lại có lời đồn Nhiếp chính vương nằm quyền cao mà hóng hách, không coi ai ra gì. Thôi kệ, dẫu sao ngồi ở vị trí này, không bị lời ra tiếng vào mới là lạ!

Tháng chạp đang bước qua những ngày cuối cùng, năm Kỷ Mão đầy kiếp nạn thế là sắp hết.

Canh Thìn (980), niên hiệu Thái Bình đến tháng 11, về sau là Thiên Phúc năm thứ nhất của vua Lê Đại Hành, Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 5.

Tết này không có lấy 1 miligam niềm vui, ngay mùng 1 đã xảy ra chuyện lớn. Tôi thức dậy, vừa tính trang điểm, mặc váy mới, đã nghe Tiểu Phúc hớt hãi vào báo:

- Thái hậu nương nương, Thái hậu nương nương, to chuyện rồi!

- Nhỏ mồm một tí, mới ngày đầu năm nhà ai cháy hả???

- Bẩm Thái hậu, Bệ hạ gọi người đến điện Thiên Long, công chúa Phất Kim đang quỳ ở đó, hình như Nhiếp chính vương rất tức giận!

- Làm sao? Ai lại chọc giận họ Lê kia rồi???

Dạo này tôi cứ hay nghe cái câu “Nhiếp chính vương rất tức giận!”. Trời ạ, dạo này anh ta ăn phải lửa hay sao mà ngày nào cũng tức với chả giận. Sắp biến thành khủng long bạo chúa tới nơi rồi! Sáng sớm ngày mùng một mà vẫn không bỏ thói hung hăn, xem ai gia trị ngươi ra sao!

Tôi phất tay áo, thoa vội ít son cho tươi tỉnh rồi đi ra ngoài, tới chỗ của thằng con trai “iu vấu”. Toàn nhi được Lê Hoàn đào tạo rất khá, bắt đầu ra vẻ quân vương một tí rồi. Ít nhất là không vô tư ngủ trong lúc thiết triều nữa, tuy là thỉnh thoảng vẫn nói mấy câu “ngây thơ” đại loại như “Khanh chậm đã, đợi trẫm đi tè một cái rồi nói tiếp!” (khụ khụ =))

Tình củm giữa vua và nhiếp chính vương tốt quá mức cần thiết. Thằng bé bám lấy họ Lê kia còn hơn cả mẫu thân nó. Tối ngày ê ê a a hỏi đông hỏi tây, Lê Hoàn lại kiên nhẫn trả lời từ A tới Z. Có lần tôi tình cờ nghe thấy đoạn đối thoại thế này:

- Quốc khố là tiền từ tô thuế của dân?

- Tâu bệ hạ, đúng như thế!

- Vậy thì cứ thu thêm vào là Quốc khổ sẽ đầy!

- Bệ hạ nói không sai, nhưng dân chúng đều nghèo khó, tăng tô thuế sẽ làm lòng người bất mãn. Có gia đình cơm ăn còn thiếu nữa là sưu thuế…

- Ồ, tội quá, vậy thì ta mở Quốc khố phân phát cho dân nghèo!

- Bệ hạ thật có lòng, nhưng Quốc khố đem đi phát hết thì sẽ rỗng không, tiền đâu chi trả để nuôi binh?

- Ây da, sao Nhiếp chính vương hồ đồ vậy! Không có tiền thì thu thuế vào thôi.

- Chẳng phải thần vừa nói là dân chúng đều nghèo, không thể tùy tiện thu tài sản sao?

- Hả? Sao kì vậy? Chẳng phải ta vừa mới phát tiền trong Quốc khố ra sao? Tại sao họ lại nghèo nhanh thế?

- ???

Thầy giáo họ Lê phải dành mấy phút mặc niệm cho trình độ lý luận thiên tài của học trò. Sau đó anh lấy ra một túi bánh, bày vào đĩa, tìm một phương pháp truyền đạt khác:

- Thần có 10 cái bánh gạo. Xem như tiền trữ trong Quốc khố. Thần mở Quốc khố phát hết 10 cái cho dân… thế này đây…

Lê Hoàn lấy từng cái bánh ra, xếp hàng để lên bàn, rồi anh chỉ vào cái đĩa rỗng

- Như vậy kho bạc sẽ trống không. Nay lại tiếp tục thu vào… thế chẳng khác nào mất công đưa qua đưa lại, căn bản là không tăng thêm một cái bánh nào hết! Uả? Sao chỉ còn có 8 cái?

- À… 2 cái kia… trẫm vừa ăn rồi!

- …

Tôi đứng ngoài lén nhìn cũng phải thương thay cho Lê Hoàn, có một học trò “triển vọng” như Toàn nhi. Anh trầm mặc nhìn miệng hoàng đế còn dính bột gạo, sau đó đưa cả đĩa cho Đinh Toàn:

- Thôi, bệ hạ ăn hết luôn đi!

Chặc chặc, cái này cũng có một phần lỗi của Lê Hoàn. Lấy cái gì làm ví dụ không lấy, lại đem món khoái khẩu của thằng bé ra. Định lực của nó kém, lén chôm bỏ vào miệng làm sao trách được?

Một lần khác, tôi tình cờ nhìn thấy Lê Hoàn ôm Toàn nhi ngủ say trở về điện Thiên Long. Vụ này quá sức chịu đựng, tôi chạy ngay tới, yêu cầu anh giao hoàng thượng ra. Lê Hòan mỗi lần nhìn đến tôi đều mặt lạnh như tiền, làm như tôi giành bát cơm với hắn vậy!

Lê Hoàn đang bế bệ hạ, không hành lễ được, chỉ chào một tiếng “Thái hậu” rồi chuyền ông vua con qua tay tôi. Từ ngày tôi thành Dương Vân Nga hiếm có dịp hai người ở gần nhau như vậy. Anh rất cao, tôi mơ hồ cảm nhận được hơi thở âm ấm phà lên trán. Đinh Toàn mơ màng ngủ, bị vận chuyển từ người này qua người kia cũng không hay, haizzz… cái ông vua con này! Thằng bé được đưa qua tay tôi, nó lại gục đầu lên vai tôi, chép chép miệng nói mớ: “Mẫu hậu, không được… hoàng nhi chỉ thích phụ hoàng bế thoi…”

Ặc! Xét theo ngữ cảnh thì… tôi là “mẫu hậu”, nó là “hoàng nhi”, còn “phụ hoàng” là… Ôi con trai ơi, mẹ nuôi bắt đầu nghĩ bậy bạ rồi, ngủ thì ngủ đi, còn lảm nhảm nói bậy…

Tôi nhanh chóng ôm lấy thằng bé xoay người bỏ đi, dạo này nó nặng lên không ít, bế mỏi cả tay. Phía sau lưng, tôi thoáng thấy Lê Hoàn vẫn đứng đó, không biết suy tư điều gì…

Đó là mấy câu chuyện cũ, diễn ra trong hai tháng ngắn ngủi cuối cùng của năm Kỷ Mão. Bây giờ quay lại với ngày mùng 1 tết nặng nề.

Khi tôi bước vào điện Thiên Long, cảnh tượng có vẻ rất nghiêm trọng. Đinh Toàn mặc long bào ngồi trên long ỷ, nét mặt trẻ con khẽ chau lại, dường như không vui. Lê Hoàn đứng bên cạnh bàn, một tay bóp mi tâm, một tay chóng hong, cau có như bị ai quỵt nợ. Qùy ở giữa điện là Phất Kim công chúa, khóc đến bơ phờ. Di thái hậu Trần Nương từ ngày Đinh Tiên Hoàng mất cũng xuất gia tu hành. Giống như Phạm Kiều Oanh, bà có đến chào hỏi tôi và gửi gắm cô con gái bất hạnh này lại. Phất Kim công chúa không còn đẹp như trước. Có lẽ cuộc sống buồn chán và tuyệt vọng với phò mã đã khiến nàng mất hết sức trẻ của thời thanh xuân. Tôi nhẹ nhàng đi tới bên cạnh, Phất Kim đờ đẫn ngẩn đầu nhìn, nhỏ giọng nói:

- Thái… hậu nương nương…

Tôi xót xa đỡ nàng đứng dậy. Nhớ năm nào bốn người: tôi – Vân Nga – Phất Kim – Minh Châu còn mở hội trà vừa ca hát vừa tán gẫu, vui biết mấy. Vậy mà bây giờ Vân Nga không còn, Minh Châu vì buồn thương mà đỗ bệnh không dậy nổi. Còn Phất Kim… cô gái này giờ ra nông nổi thế, lại vì Ngô Nhật Khánh hay sao? Hình như tất cả công chúa đương triều đều không ai tránh khỏi hoạn nạn.

- Phất Kim, có gì từ từ nói, ai gia ở đây, nhất định sẽ đứng ra đòi lại công đạo cho công chúa!

Phất Kim gượng lại, không chịu đứng, nàng lại khóc và lắc đầu

- Thái hậu, Kim nhi không tới đòi công đạo, Kim nhi tới nhận tội với Thái hậu và bệ hạ!

- Tội? Công chúa làm gì sai, chỉ cần hối cải, ai gia đều có thể tha thứ!

Phất Kim không trả lời mà ôm chân tôi khóc lớn hơn. Tôi mù mờ nhìn Lê Hoàn. Anh đúng là đang tức giận, mà còn là giận to mới đáng lo

- Mật thám báo về, Chiêm Thành đã chuẩn bị gần nghìn thuyền chiến, biết tình hình trong nước bất ổn đang lên kế hoạch đánh Hoa Lư.

Sao nhanh như vậy? Chẳng qua chỉ mới 2 tháng từ lúc tiên đế băng hà, nhà họ thèm khát Đại Cồ Việt tới thế sao? Chiêm Thành không cường hãn như nhà Tống nhưng so với Đại Cồ Việt vẫn hơn một bậc.

- Nước Chiêm dám làm như vậy là vì phò mã Ngô Nhật Khánh đã phản quốc chạy qua cầu viện, tiết lộ hết tình hình trong nước, còn tự thân dẫn quân chỉ đường. Dự kiến nửa tháng nữa thuyền Chiêm Thành sẽ vào đến cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, ngay sát Hoa Lư!

Tôi thấy máu tuột hết xuống gót chân. Nửa tháng? Nửa tháng thì làm gì được bây giờ? Chiến tranh đâu phải chuyện đùa, còn phải lo thu gom lương thực, bàn chiến thuật, hành quân, đắp lũy, chưa kể vũ khí, chiến mã đâu phải lúc nào cũng đầy ắp mà sẵn sàng giao chiến… Tôi thấy đầu xoay mòng mòng, lập tức nhìn xuống công chúa

- Phất Kim, phò mã đi từ bao giờ?

Đinh Phất Kim mi ngập nước, run rẩy nói:

- Là… ngay sau khi phụ hoàng băng hà.

Lê Hoàn đột nhiên xen vào:

- Công chúa biết kế hoạch của Ngô Nhật Khánh?

- Ta biết…

Tôi hỏi ngay:

- Vậy sao công chúa không khai báo ngay?

Phất Kim buông tay khỏi váy của tôi, rũ người ngồi xuống đất

- Nếu triều đình biết, chàng nhất định bị đuổi giết… ta… không nỡ lòng…

Lê Hoàn không thèm để ý tới cấp bậc, rú lên như con sói gọi trăng

- HAY LẮM! Bây giờ thì tốt quá rồi. Chiêm Thành đã có hơn 2 tháng chuẩn bị, Đại Cồ Việt lại không mảy may hay biết. Còn nửa tháng, trong nửa tháng thành Tràng An làm được cái gì? Nếu không phải ta sớm có gián điệp ở Đồng Dương (kinh đô Chiêm) thì có lẽ chờ tới lúc giặc cầm đao tới cửa mới vỡ lẽ!

Giọng anh lớn quá, bệ hạ ngồi trên long ỷ giật mình, suýt tí nữa chui xuống gầm bàn trốn. Tôi nhìn Lê Hoàn đang điên không thuốc chữa, cũng đành nuốt khang. Anh nói đều đúng, đây là do công chúa Phất Kim hồ đồ. Lúc này Phất Kim mặt mày tái mét, vô lực ngồi trên đất, không còn hình tượng một cành vàng lá ngọc của hoàng thất. Tôi muốn trách cũng không nỡ nặng lời. Ngày trước Tiên Hoàng cấp phủ riêng, để công chúa ở bên cạnh chồng là muốn có một tai mắt giám sát Khánh. Nàng lẽ nào không hiểu, đàn ông không nặng tình như phụ nữ. Với họ, quyền lực, sự nghiệp, ân oán mới là lẽ sống. Tiên đế biết con gái khổ nhưng đành hy sinh là vì lo nghĩ cho nước nhà.

Thế là xong rồi, cuộc hôn nhân hơn chục năm dày vò nhau đã đi tới điểm kết. Không cần biết giữa họ có tình yêu hay không, hành động lần này của Ngô Nhật Khánh chính là phủi tay tất cả, không còn gì để cứu vãng. Yên phận chờ thời cơ bấy lâu nay, cuối cùng tên Khánh cũng có cơ hội trả thù họ Đinh rồi!

Thì ra tôi đã đoán đúng, Đinh Phất Kim – Ngô Nhật Khánh, hai người này sống trên đời là để giết nhau. Thế nào cũng có một ngày, cô công chúa đáng thương vì phò mã mà chết!

==========

Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép sự kiện Khánh b*n n**c với nhiều tình tiết khác:

“Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, […] Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: “Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta”. Nói xong bèn đi. Đến khi nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.”

Trong khi đó, một số tài liệu khác lại ghi chép: “Phất Kim là một trong các con gái của Đinh Tiên Hoàng. Bà được gả cho Ngô Nhật Khánh, một sứ quân đầu hàng thuộc dòng dõi quý tộc nhà Ngô. Thời gian sau đó Nhật Khánh tìm cách áp giải Phất Kim trốn khỏi kinh thành Hoa Lư. Thuyền đi đến cửa bể Nam Giới, Nhật Khánh biết không thể đưa vợ đi cùng đành giận giữ đoạn tuyệt rồi bỏ mặc vợ quay về còn mình thì chạy sang Chiêm Thành. Công chúa Phất Kim trở về Hoa Lư và đi tu tại một ngôi chùa ở phía bắc kinh thành. Trong lúc nỗi đau đớn tuyệt vọng lên đỉnh điểm thì vua cha và người anh bị nghịch thần là Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn cùng hoàng hậu Dương Vân Nga lên làm nhiếp chính. Ngô Nhật Khánhvà vua Chiêm Thành dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thuỷ quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại Ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt cũng bị bão dìm chết. Công chúa Phất Kim đau đớn, xót xa, tuyệt vọng. Bà nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn.”

Bình luận

Truyện đang đọc