THIÊN ĐỊA NGHỊCH LỮ - XUÂN NHẬT PHỤ HUYÊN

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trận chiến công thành đã giằng co suốt ba ngày, mưa cũng liên tiếp hạ ba ngày không ngừng nghỉ, dù không phải mưa to thì cũng rất phiền người, dù là đêm hay ngày trời vẫn âm u xám xịt.

Công thành không dễ, thủ thành cũng rất gian nan. Ngụy Châu có tổng cộng bảy cổng thành, kỵ binh quân Địch linh hoạt xuất kích khắp nơi, binh lực trong thành chỉ có thể phân tán ra bảy vị trí. Tôn Diệp Đình đích thân lãnh một đội tinh binh làm chi viện, bôn ba khắp bảy cửa thành tựa như con báo mãi không đuổi kịp thỏ hoang, ai nấy mệt đến thở hồng hộc.

Không thể cứ như vậy mãi được, hắn ta thầm nghĩ.

Tôn Diệp Đình đang có ý định đi tìm Vương Am thương lượng đối sách thì ông ta đã mang sắc mặt sầm sì lao vào phòng, cho lui hết mọi người mới mở miệng: “Trịnh Khánh trốn rồi.”

Ba ngày trước bọn họ hạ lệnh giam giữ lão ta, Vương Am nghĩ dù gì đó cũng là cha chồng của cháu gái Vương Yên, tạm thời giữ mạng để Thánh nhân định tội sẽ không đến mức làm đôi vợ chồng son rạn nứt tình cảm, hoặc trước đó cũng có thể nghĩ cách để cháu gái và tôn nữ tế hòa ly, không còn sợ bị Trịnh gia liên lụy nữa.

Hiện giờ quân Địch công thành gắt gao, Trịnh Khánh lại biến mất không tung tích, thêm chuyện trước đó lão ta nghĩ đủ mọi cách rời thành thì rất khó để không nghi ngờ đối phương cấu kết với người Địch.

Tôn Diệp Đình lập tức nhận ra, vội hỏi: “Thủ tướng cổng thành có vị nào do Trịnh Khánh đề bạt, hoặc có giao tình tốt với lão không?”

Vương vội liệt kê: “Tuyên Vũ Môn, An Định Môn…”

Lời còn chưa dứt đã có lính liên lạc xông vào, hô to: “Đại nhân! Tuyên Vũ Môn bị chiếm đóng!”

Không còn thời gian suy nghĩ nữa, nếu quân Địch mở được lỗ hổng thì cả tòa thành chắc chắn sẽ bị chiếm đóng. Không cần Tôn Diệp Đình ra lệnh, Vương Am vội vã chạy ngay sang An Định Môn để ngừa thủ tướng An Định Môn phản bội, còn Tôn Diệp Đình trực tiếp đi thẳng qua Tuyên Vũ Môn.

Bên ngoài Tuyên Vũ Môn có ủng thành* hình vòng cung bảo vệ, độ cao ngang bằng cổng thành. Thời điểm Tôn Diệp Đình chạy tới, quân Địch đã dùng chùy phá hỏng cửa ủng thành và xâm nhập được vào trong. Lúc này mọi người vốn nên khóa chặt cửa Tuyên Vũ Môn lại, tập trung hỏa lực bên trên tường lâu ủng thành bắn tên xuống sẽ tấn công địch dễ dàng như bắt ba ba trong rọ, đây cũng là công dụng vốn có của ủng thành.

*Ủng thành – 瓮城 



Nhưng hiện tại thủ tướng Tuyên Vũ Môn chỉ huy bất lực, dám mở cửa thành xuất kích, không đánh lại thì thôi còn để một đội kỵ binh đuổi đánh vào tận trong thành. May mà Tôn Diệp Đình kịp mang người tới cứu viện, dốc toàn lực mới đánh đuổi được quân Địch ra khỏi thành đóng chặt cửa lại, vừa đánh vừa cố gắng tu sửa lại mấy chỗ bị tàn phá ngoài ủng thành để bảo vệ cánh cổng bên trong.

Thủ tướng bị trói, lần này Tôn Diệp Đình không do dự nữa mà vung đao chém đầu đối phương. Thế nhưng hắn ta vung đao không có lực, cổ chỉ đứt một nửa làm máu bắn khắp người, đầu rơi không xong tạo ra thảm trạng rất đáng sợ, mọi người có mặt đều kinh hãi.

“Thông đồng với địch, coi thường chiến trận, trảm.” Tôn Diệp Đình lạnh lùng nói.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi người Địch xông được vào Tuyên Vũ Môn, thủ binh ở mọi phố hẻm liều chết chống cự tử thương hết mấy trăm người. Nhà cửa bị nổi lửa thiêu đốt, may mà trời luôn mưa ẩm ướt nên lửa không lan rộng, chỉ là ——

“Lương thảo thế nào?!” Tôn Diệp Đình vội hỏi.

Quân tốt hồi báo: “Đại nhân yên tâm, tuy bị sập một mặt tường nhưng lương thảo chưa cháy, có lẽ bị ướt một ít nhưng không đáng ngại…”

Tôn Diệp Đình không quá yên tâm, hắn ta chạy tới thấy kho lương thảo đã đổ nát, quân sĩ vốn được sắp xếp trông coi nghiêm ngặt nơi này cũng bị quân địch tách ra. Kẻ sau mới tới không rõ chuyện lương thảo bị tráo liền kéo bao lương ướt nhẹp dịch ra ngoài, vừa nhấc lên tay liền biết trọng lượng không đúng, mấy bao tải bị rơi vãi dưới đất bị đất đá đè rách, lộ ra phần ruột nhét đầy cỏ khô.

Lời đe dọa trước khi công thành của quân Địch vốn khiến mọi người sinh lòng hoài nghi, hiện giờ lương thảo gặp vấn đề, vậy tin tức quân tiếp việc bị chặn giết cũng vô cùng có khả năng là sự thật. Lòng người bất an sao có thể thủ thành, cuối cùng Tôn Diệp Đình đã biết tại sao người Địch chọn Tuyên Vũ Môn này làm nơi tấn công, cổng thành rất gần kho lương thảo, mà Trịnh Khánh cũng tuyệt đối không phải mất tích, mà là chạy theo kẻ thù.

Bây giờ dù Tôn Diệp Đình có khua môi múa mép thế nào, nếu không thể đặt lương thảo thật ra trước mặt mọi người thì sẽ không còn ai tin lời hắn ta nữa. Đứng giữa nơi hoang tàn đổ nát, Tôn Diệp Đình càng thêm mờ mịt, mưa bụi như giăng tơ quấn đầy ngọn tóc góc áo.

Đã lâu rồi mới có lại cảm giác này.

Tống Tri Vọng giết cha thí huynh để leo lên ngôi vị. Hắn ta cõng bêu danh phản bội bạn bè, làm cận thần của hoàng đế, vậy mà khi đó hắn vẫn chưa từng mờ mịt. Trên đời không có đúng hoặc sai hoàn toàn, người chiến thắng đương nhiên là kẻ đúng. Tôn Diệp Đình muốn thể hiện tham vọng, không yên phận làm kẻ vô danh tiểu tốt đương nhiên phải trả cái giá đắt, nhưng hết thảy mọi thứ đều đáng giá.

Vào lúc Tống Tri Vọng ngồi trên ngai vàng kín đáo nhìn hắn ta và Tần Khâm đấu khẩu trên triều, Tôn Diệp Đình nhận ra mình lại rơi vào một trận lốc xoáy khác. Hắn ta vốn tưởng mình là người chiến thắng cuối cùng, ván tiếp theo có thể cầm cái được rồi, nhưng người cầm cái mãi mãi là người ngồi trên long ỷ, còn hắn ta chỉ là một quân cờ tiếp tục bị ném vào ván cờ phân tranh quyền lực tiếp theo.

Vì thế Tôn Diệp Đình quyết định bứt ra ở lại nơi này, hoặc tìm kiếm một vị trí nhỏ để xác định ý nghĩa tồn tại của bản thân, nhưng chung quy mọi thứ vẫn là công dã tràng.

Thời còn niên thiếu hắn ta từng đi học với mọi người. 

Phu tử mang theo rất nhiều thi thư điển tịch, đầu tiên là Nam tử chí ngàn năm, đời người lại có hạn, sau là Làm trai sao chẳng có Ngô câu, thu lại giang sơn mấy chục châu, rồi lại đến Người không mạnh mẽ thì không khôn ngoan, người nói lời không đáng tin thì không đạt được kết quả”. Bọn họ đọc rất nhiều, học rất nhiều, ngực tràn đầy nhiệt huyết, tưởng tượng mười mấy năm sau bản thân sẽ chỉ điểm giang sơn như thế nào, lưu danh sử sách ra sao. Nhưng hiện giờ hắn ta chỉ nhớ đến một câu —— Thời gian trôi qua như tên bắn, ai biết mệnh trời tựa cánh cung.

“Đại nhân… Đại nhân!”

Có tiếng người kêu làm Tôn Diệp Đình hồi thần lại, quay đầu nhìn chợt trông thấy một con ngựa đang phi về phía mình. Người ngồi trên ngựa rất quen mắt, chính là một trong số đám tinh binh mà hắn ta phái ra ngoài thành tiếp ứng lương thảo.

Người nọ chạy đến trước mặt hắn ta rồi nghiêng người xuống ngựa, khom lưng muốn bái. Tôn Diệp Đình vội đỡ lấy, hỏi: “Sao chỉ có một mình ngươi trở về?!”

“Ngày ấy chúng ta bị quân Địch chặn giết, lương thảo bị thiêu, người ngựa thiệt hại gần một nửa. Ta dự định về thành phục mệnh, không ngờ có một viên mãnh tướng đưa chúng ta đến bên bờ sông Vĩnh Định. Nơi đó có một đội binh mã đang chờ, nói là… nói là nhận mệnh lệnh của ngài…”

Tôn Diệp Đình nghe mà không hiểu gì, cũng không rõ đội binh mã kia từ nơi nào chui ra.

“Bọn họ còn đưa một phong thư, nhờ tiểu nhân chuyển đến…”

Tôn Diệp Đình vội vàng nhận thư mở ra xem, tờ giấy tràn đầy chữ nhưng chỉ là những chữ rời rạc không thành câu. Đương lúc Tôn Diệp Đình nhíu chặt mày, đột nhiên hắn ta nhận ra đây là một phong mật thư, mà nét chữ trên thư thì cực kỳ quen thuộc —— của Tạ Yến Hồng!

Đây là kiểu mật mã mà bọn họ đã cùng chơi qua thời đi học.

Đầu tiên định trước một bài thơ rồi căn cứ theo quy luật mật mã, chọn trong bài thơ hai từ nhất định trong hai câu nhất định, kết hợp với cách hiệp vần sẽ sinh ra chữ mới, vậy là mật thư hình thành.

Nhan Trừng không thích trò quanh co lòng vòng này, chỉ có hắn ta và Tạ Yến Hồng là thường xuyên chơi với nhau, phu tử ngồi phía trên giảng sách, hai người ngồi dưới cắm đầu viết rồi giải mật mã mà không chê phiền. Mặc dù có bị phu tử phát hiện tịch thu cũng không thể biết bọn họ đang viết gì trên giấy.

Nhưng mà lần này hai người không có ước định từ trước, thơ văn lại có ngàn vạn bài, biết bài nào mới là chìa khóa giải mã?

Tôn Diệp Đình siết chặt giấy viết thư, đột nhiên nhanh trí nhớ ra —— Ngày hắn ta chia tay Tạ Yến Hồng ở chùa Bảo Tướng có đọc một bài thơ, chính là bài đó.

“Phi bồng các tự viễn, thả tẫn thủ trung bôi…” Tôn Diệp Đình lẩm bẩm.

Tìm được chìa khóa thì mở khóa sẽ dễ như trở bàn tay, tuy chuyện đã xảy ra nhiều năm nhưng hồi đó Tôn Diệp Đình chơi rất quen tay, bây giờ vẫn giải được lưu loát, vì thế hắn ta nhanh chóng đọc ra được nội dung bức mật thư.

“Năm ngày sau, giờ Dần, viện binh đến.”

Tôn Diệp Đình lập tức tin Tạ Yến Hồng không chút chần chừ, giống như ngày còn nhỏ hắn ta trượt chân rơi vào hố bẫy trên núi, Tạ Yến Hồng vẫn luôn ngồi bên cạnh chờ cùng, mãi đến khi có người tới cứu mới thôi. Hiện giờ Tạ Yến Hồng nói giờ Dần năm ngày sau có viện binh, vậy nhất định là sẽ có.

Hiện tại, chuyện hắn ta phải làm chính là ổn định nhân tâm, cố thủ chờ năm ngày nữa.

Tôn Diệp Đình phân phó: “Truyền lệnh xuống, để khích lệ tinh thần sĩ tốt, mỗi người được dự chi nửa tháng lương, nếu bá tánh bị tổn hại nhà cửa vì chiến sự cũng có thể đến lãnh bạc.”

Bên bờ sông Vĩnh Định, sau khi truyền xong mật tin, lòng Tạ Yến Hồng kiên định hơn một ít, Lục Thiếu Vi lại tràn đầy nghi ngờ.

“Làm sao ngươi biết chắc hắn sẽ nghe theo ngươi?” Lục Thiếu Vi hỏi.

Tạ Yến Hồng quả quyết gật đầu, hỏi ngược lại: “Năm ngày sau nhất định có mưa to đúng không?”

Lúc này đến phiên Lục Thiếu Vi chắc chắn, nàng thoải mái đáp: “Nhất định có, nếu không tất cả chúng ta cùng xong đời.”

Ngày đó Trường Ninh đi do thám biết được tình hình quân Địch thiêu cháy lương thảo, đồng thời cũng đưa về một toán tinh binh. Đó là những người được Tôn Diệp Đình phái đi tiếp ứng lương thảo, bị quân Địch chặn đường nên quân số thiệt hại còn một nửa, những người sống sót đều là các kỵ binh xốc vác tìm được đường sống trong chỗ chết.

Bọn họ ra ngoài tiếp ứng lương thảo, bây giờ thất bại đương nhiên phải trở về thành phục mệnh, có điều quân Địch đã vây kín thành Ngụy Châu, đi vào sẽ không khác gì chui đầu vào lưới. Bọn họ vốn hiểu đạo lý, nhưng cũng không dễ dàng gì mà tin tưởng Tạ Yến Hồng không biết từ đâu chui ra. Tạ Yến Hồng liền viết một bức mật thư giao cho một người trong bọn liều chết đưa vào thành, chuyển tận tay cho Tôn Diệp Đình.

Trường Ninh đã dẫn theo những người dưới trướng Nhan Trừng đi tiếp ứng viện quân. Với sự thông thạo địa hình của hắn, lại có thêm hai người Nhan, Tần trợ giúp, chỉ cần thoát khỏi quân phục kích và không phát sinh sự cố gì ngoài ý muốn, thì hẳn có thể kịp chạy về trong vòng năm ngày tới.

Ngụy Châu tử thủ, quân đồn trú gấp rút tiếp viện, hơn nữa còn có lực lượng tự phát của bọn họ, ba bên hợp lực nhất định sẽ giải được khốn cục này.

Trường Ninh vốn không đồng ý dẫn mọi người đi, cũng không muốn để một mình Tạ Yến Hồng ở lại bờ sông Vĩnh Định.

Tạ Yến Hồng nói: “Ta đâu có ở một mình, còn có Lục Thiếu Vi và nhiều người nữa mà.”

Trường Ninh trầm mặc không nói, cuối cùng chỉ có thể gật đầu.

Tạ Yến Hồng nhắc nhở hắn: “Năm ngày.”

Trường Ninh đã ngồi trên lưng ngựa, trường đao khoác nghiêng sau lưng, ngoài ra còn có cung tiễn và một túi tên đầy tràn. Hắn quay đầu ngựa tránh ánh mắt mọi người, cúi xuống chạm mặt vào trán Tạ Yến Hồng, hạ giọng: “Chờ ta.”

Tạ Yến Hồng đứng yên nhìn theo bóng Trường Ninh giục ngựa đi xa.

Mấy ngày sau đó thế tiến công của quân Địch có hơi hòa hoãn lại, Tạ Yến Hồng và Tôn Diệp Đình lại truyền tin lần nữa, toàn bộ đều dùng mật mã vì e sợ rơi vào tay địch. Bốn ngày sau đó, gần một vạn kỵ binh từ phía đông chạy tới hội hợp với quân Địch đóng dưới thành. Bọn họ tổ chức lại đội ngũ, lắp máy bắn đá buộc thang công thành, chứng minh rằng lần tấn công kế tiếp sẽ cực kỳ ác liệt.

Nghe được tin này, Tạ Yến Hồng lập tức nói: “Nhóm người đó hẳn là đi chặn giết quân tiếp viện trở về, nếu bọn họ đã ở đây, nghĩa là đám người Trường Ninh đang trên đường gấp rút hành quân đấy. Sống hay chết sẽ quyết định hết vào ngày cuối cùng này.”

Miệng Lục Thiếu Vi như được niệm chú khai quang, qua một đêm đột nhiên mưa to như trút, cách năm bước khó lòng nhìn thấy vật gì, nước mưa quất vào người đau rát không mở mắt nổi. Nước sông Vĩnh Định dâng cao, mặt sông vẩn đục cuộn sóng khiến người nhìn mà sợ hãi. Lục Thiếu Vi mang theo vài người lên đê Bạch Hạc trên thượng du, những người còn lại được Tôn Diệp Đình phân phó nghe theo mệnh lệnh của Tạ Yến Hồng.

Tạ Yến Hồng mang theo mấy trăm kỵ binh đi vội dưới cơn mưa to tới gần thành Ngụy Châu rồi chờ ở nơi viện binh nhất định sẽ đi qua. Cách màn mưa có thể nhìn thấy bóng dáng mơ hồ của ngôi thành.

Mưa quá lớn gõ lên mũ giáp quân sĩ, tạo nên một trận tiếng vang trầm đục tựa chiến ca.

Tôn Diệp Đình đã ướt như chuột lột, lính gác liên tục đi thăm dò lại liên tục hồi báo, mang về từng tin tức rõ ràng: Quân Địch đã tập kết đội ngũ, quân Địch đã lắp máy bắn đá, quân tiền tiêu của người Địch đã ở cách thành mười dặm…

“Ở cửa nào?!” Tôn Diệp Đình hỏi.

“Tuyên Đức Môn!”

Nghe vậy, Tôn Diệp Đình xua tay ra hiệu cho quan quân, kèn lệnh thổi vang, tiếng kèn trầm thấp tựa như tiếng nức nở của đất trời truyền đi cực xa giữa màn mưa. Tôn Diệp Đình tự mình mặc giáp trụ ra trận, lãnh quân canh gác ngay bên ngoài Tuyên Đức Môn giằng co với quân Địch.

Bên trong thành cũng nghe được tiếng kèn lệnh này, bá tánh đều biết trận chiến đã bắt đầu rồi.

Vương Am tuổi đã cao, dầm mưa dài ngày khiến đùi đau rất khó chịu. Tôn Diệp Định phái ông ta ở trong thành tọa trấn điều hành phòng thủ, e sợ nội bộ sinh sự không hay. Không bao lâu sau chợt có người chạy giữa phố hẻm hô ta: “Phá thành! Phá thành! Chạy mau! Mọi rợ sắp tràn vào rồi!”

Vương Am hét to: “Người nào yêu ngôn hoặc chúng, trói lại!”

Ông ta dẫn tùy tùng đi ra ngoài, phát hiện ngoài phố hẻm đã là một mảnh hỗn loạn, thỉnh thoảng còn nghe được tiếng vang ầm ầm. Ban đầu ai cũng tưởng đó là tiếng sấm, nhưng sau mới nhận ra đó chính là tiếng đá tảng nện vào tường thành, mạnh đến mức mặt đất cũng rung chấn theo. Có đá vụn văng trúng nhà dân làm gạch ngói bay tứ tán, mọi người sống trên phố dắt díu nhau ôm đầu bỏ chạy.

Giữa cơn mưa, Vương Am gọi tùy tùng: “Đi lên thành lâu nhìn xem rốt cuộc tình hình thế nào rồi!”
Lời tác giả:

Sao còn chưa đánh xong nữa, tác giả mệt mỏi quá!

Gần đây bình luận cũng ít thấy thương, cầu mọi người bình luận nha! Moah moah!



Tựa đề chương này nguyên gốc là “Khởi tri thiên đạo khúc như cung”, lấy từ câu thứ 6 bài “Quan hà đạo trung” của nhà thơ Vi Trang thời Đường.

Bình luận

Truyện đang đọc