TRỐN THOÁT KHỎI THƯ VIỆN

~ KẾT THÚC ~

Khi người xưa viết thơ, từ rất chú ý đến luật bằng trắc và gieo vần. Thông thường, chữ được gieo vần sẽ nằm ở cuối mỗi câu, hay còn được gọi là "vần chân", nguyên âm của những vần chân này sẽ gần giống hoặc giống nhau.

Việt Tinh Văn nhìn tổng quát bài thơ của Tô Tuân, chữ cuối cùng mỗi hàng của ông, như "gian" (jian), "hoàn" (huan), "thuyền" (chuan), "quan" (guan), đều có cùng nguyên âm là "an".

Nếu đã có nguyên âm cố định, phần còn trống cũng không khó đoán.

Giang Bình Sách nghe Việt Tinh Văn nói vậy cũng không ngạc nhiên, hắn biết Tinh Văn thích nghiên cứu thơ từ từ hồi trung học, còn viết không ít thơ tự do. Nếu Việt Tinh Văn đã có ý tưởng, hắn tin rằng chắc chắn Tinh Văn có thể tìm ra đáp án đúng.

Hai người nhìn nhau, Giang Bình Sách dịu dàng cổ vũ cậu, "Cậu cứ thử xem sao, nếu trả lời sai hãy dùng bút lông. Không biết sau này còn câu hỏi nào khó không, tiết kiệm được bút lông thì tiết kiệm."


Việt Tinh Văn gật đầu, "Tôi cũng nghĩ vậy."

Cậu quay lại nhìn những chỗ trống trên khung đáp án, bắt đầu suy nghĩ theo từng câu chữ.

"Thiểu niên hỉ kì tích, lạc thác an mã gian.

Túng mục thị thiên hạ, ái thử vũ trụ _.

Sơn xuyên khán bất _, hạo nhiên toại vong hoàn.

Nga mi tối tiên kiến, tình quang yếm tây _.

Viễn vọng vị cập thượng, đãn ái thanh nhược hoàn.

Đại tuyết đông một hĩnh, hạ thu đa xà (虵) _."

Đọc tới đây, Việt Tinh Văn nói: "Tôi có thể chắc chắn hàng thứ sáu, hẳn phải điền chữ 'ngoan', mùa thu nhiều rắn đất, 'xà' (虵) và 'xà' (蛇) đồng âm, 'ngoan' là một chữ nhiều cách đọc, khi đọc là 'wan' thì nó chỉ loài rắn độc, kết hợp với ngữ cảnh, ý nghĩa cũng hợp lý."

(蛇 là rắn, 虵 là một thể chữ khác của 蛇)

Kha Thiếu Bân đột nhiên "ngộ" ra, "Kết hợp lại thì ý đoạn thơ là mùa hè mùa thu có nhiều rắn độc, gieo vần cũng là 'an', đọc lên rất trơn tru, đúng là chữ này rồi!"


Giang Bình Sách bước lên, hắn cầm bút viết một chữ "ngoan" ngay ngắn vào ô trống. Ngay sau đó, một dấu tích vê màu xanh xuất hiện bên cạnh chữ này ý là đáp án chính xác.

Việt Tinh Văn bỗng tràn đầy niềm tin, cậu nhìn lên ô trống bên trên, nói: "Nga mi tối tiên kiến, tình quang yếm tây 'xuyên', chỗ này điền chữ 'xuyên' (sông) sẽ đúng với quy tắc núi cao đối sông bằng."

Cậu nhìn sang Giang Bình Sách, người sau lập tức điền chữ "Xuyên".

Việt Tinh Văn tiếp tục phân tích: "Ngưỡng diện chiếp vân hà, thùy thủ phủ bách 'sơn', tôi thấy rặng mây đối với trăm núi khá hợp lý; lâm phong lộng khâm 'tụ', phiêu nhược phong trung 'tiên', chỗ này điền hai chữ 'tụ' với 'tiên' sẽ khá hợp với ý cảnh tay áo bay trong gió, phất phơ như tiên."


......

Việt Tinh Văn phân tích, số chữ Giang Bình Sách điền lên khung đáp án ngày càng nhiều.

Đề thi lần này có 10 chỗ trống, chỉ dựa vào phân tích, Việt Tinh Văn đã đáp đúng tám từ!

Hai từ cuối cùng Việt Tinh Văn cũng không dám chắc, bèn dứt khoát dùng bút lông gợi ý. Dù sao cậu cũng không phải Tô Tuân, chưa đạt đến tài hoa của đại văn hào, cũng chưa tận mắt nhìn thấy phong cảnh khi Tô Tuân viết thơ. Có rất nhiều nơi, cậu không thể hoàn hoàn nắm được ý Tô Tuân muốn bày tỏ."

Dù vậy, cậu đã khiến các đồng đội vô cùng bội phục rồi.

Kha Thiếu Bân cười, nói với Việt Tinh Văn, "Tớ cứ tưởng cả mười từ đều cần bút lông gợi ý cơ, ai ngờ Tinh Văn đoán đúng được tám từ. Cậu mà sinh ra vào thời cổ đại, chắc chắn sẽ là nhà thơ lớn, kiểu gì cũng thi khoa cử đỗ trạng nguyên, được Hoàng thượng trọng dụng, hoặc là được công chúa để ý, làm phò mã cũng tốt."
Việt Tinh Văn ho một tiếng, nói: "Cậu bớt tưởng tượng đi, tớ không muốn về cổ đại đâu."

Mặc dù diễn đàn văn học cổ đại có rất nhiều danh nhân tài hoa hơn người, nhưng phần lớn trong số đó không thể thực hiện lý tưởng và hoài bão của mình, có tài mà chẳng gặp thời, cuối cùng vẫn buồn phiền. Đâu được như xã hội hiện đại cởi mở công bằng, ai cũng được đấu tranh cho cơ hội của mình?

Huống chi, chỉ khi ở thời đại văn minh tiến bộ này, cậu mới có thể ở bên người mình yêu. Với những danh nhân thời xưa, có lẽ tình yêu đều là bi kịch.

Việt Tinh Văn không nghĩ ngợi nữa, cười nói: "Mọi người tiếp tục đi."

Dù đề thi ở chỗ ba cha con Tô Thức, Tô Triệt, Tô Tuân hơi khó, may sao sau khi đi hết con đường trưởng thành của Tô Thức, tiến độ khám phá cũng tăng rất nhiều. Sau khi trả lời hết câu hỏi của ba cha con họ Tô, tiến độ khám phá đã biến thành 80%.
Nhưng mọi người chợt phát hiện, thư viện lại "troll" họ thêm lần nữa... Đằng trước không có đường, xung quanh cũng không có sương mù.

Nói cách khác – con đường này cũng không được.

Kha Thiếu Bân đi lòng vòng quanh sân một lát, bất lực nói: "Không tìm thấy lối đi ngầm trong căn nhà này, cũng không có cửa sau, cửa hông, chúng ta chỉ có thể quay lại thôi.

Vừa ra khỏi cổng nhà, khung cảnh xung quanh vẫn không thay đổi. Mọi người dừng trước cửa, nhìn con đường vừa đi qua, bỗng thấy mờ mịt.

Việt Tinh Văn phỏng đoán: "Có lẽ chúng ta đã bỏ sót lối rẽ ở đâu đó rồi."

Giang Bình Sách nhìn cậu, hỏi: "Ý cậu là bên Tống từ hẳn cũng có lối rẽ như nông thôn và biên cương vừa nãy, Tô Thức và Tân Khí Tật đại diện cho trường phái hào phóng, bên còn lại là trường phái uyển chuyển?"
Việt Tinh Văn gật đầu, "Tiến độ khám phá đã đạt 80% rồi, diện tích còn lại sẽ không lớn. Khi đó, hai lối rẽ biên cương và nông thôn xuất hiện ở chỗ Đỗ Phủ, hai lối này đều là những trường phái quan trọng trong thi ca. Lý ra thì bên Tống từ này cũng phải có lối rẽ đến trường phái hào phóng và uyển chuyển."

Kha Thiếu Bân nghiêm túc hỏi: "Chúng ta đi theo Tô Thức đến đây, trên đường hoàn toàn không có lỗi rẽ nào, đi hết đường cũng không có lối khác. Vậy lối rẽ ở đâu?" Cậu gãi đầu suy nghĩ một lát, chợt hai mắt sáng rỡ, "Có khi nào là hội đèn hoa không?"

Nhớ lại quãng đường đã đi trong mê cung, Việt Tinh Văn phát hiện mê cung có không ít 'lối đi ẩn', ban đầu họ lạc đường ở phong cảnh nông thôn, cuối cùng tìm thấy 'Nam Sơn' ở chỗ Đào Uyên Minh, sau đó mở khóa Lục Du qua câu thơ 'Núi trùm khe bọc ngờ không lối', mở trạm truyền tống."
Sau đó họ gặp Tân Khí Tật, Tân Khí Tật đưa họ đến lễ hội đèn hoa, rồi tình huống 'không có thông báo, không có NPC' như bug xuất hiện. Việt Tinh Văn đoán được vị trí của NPC tiếp theo qua câu 'Bỗng quay đầu lại, người ngay trước mắt, dưới lửa tàn đứng đó' của Tân Khí Thật, giúp họ tìm được Tô Thức.

Để tiết kiệm thời gian, khi đó họ đã chạy dọc cả hội đèn hoa, đi thẳng tới nơi có bóng râm để tìm người, hoàn toàn không cẩn thận quan sát có con đường hay NPC nào khác trong hội đèn không. Lúc này nhớ lại, trên đường đến đây, chỉ có hội đèn là nơi họ có thể bỏ lỡ "con đường ẩn"!

Nghe vậy, Việt Tinh Văn lập tức quyết định, "Về hội đèn."

Tần Lộ khởi động kỹ năng dịch chuyển, chỉ vài giây đã đưa mọi người quay lại hội đèn.
Tân Khí Tật và Tô Thức đã biến mất, hội đèn lại càng rộn ràng đông đúc hơn, nam thanh nữ tú nườm nượp qua lại trong hội đèn, lồng đèn treo kín hai bên đường, có người đang đoán câu đố đèn, thỉnh thoảng lại có tiếng cười vui vẻ vang lên xung quanh.

Việt Tinh Văn dẫn các thành viên đi khắp hội đèn, tìm lần lượt từng ngõ ngách.

Thời gian khám phá mê cung là tám tiếng, lúc này đã hơn sáu tiếng trôi qua, mọi người tìm tới tìm lui vẫn không thấy thông báo của thư viện xuất hiện.

Lưu Chiếu Thanh không khỏi kêu ca, "Chúng ta cũng không biết NPC này trông thế nào, tìm chẳng khác nào con bọ mất đầu thế này, phải tìm thế nào giữa biển người mênh mông đây?"

Việt Tinh Văn dừng bước, cẩn thận nghĩ lại.

Khi họ thấy Tô Thức đứng trong bóng râm, thông báo "mở khóa nhân vật mới" tự động xuất hiện trên đầu ông. Vậy tức là chỉ cần đứng cách NPC một khoảng nhất định, thư viện sẽ tự mở khóa. Đến lúc này họ vẫn chưa mở khóa NPC tiếp theo, không tìm thấy lối rẽ, chứng tỏ phương hướng hiện giờ của họ không đúng.
Nhân vật tiêu biểu cho trường phái uyển chuyển hàm súc có Lý Dục, Âu Dương Tu, Tần Quan, Lý Thanh Chiếu... Nếu trong những người này, cũng có người từng viết từ liên quan đến hội đèn Nguyên tiêu, có phải sẽ dễ đoán vị trí hơn không?

Nghĩ tới đây, một ý tưởng chợt lóe trong đầu Việt Tinh Văn, "Em biết rồi, hẳn là Âu Dương Tu, tìm xem gần đây có cây liễu nào không, kiểu trông đặc biệt dễ nhận ra xíu á."

Mọi người lập tức đi tìm. Một lát sau, Kha Thiếu Bân hô lên, "Có một cây liễu ở đằng trước, cũng có người đứng dưới cây luôn."

Việt Tinh Văn rảo bước về phía cậu, quả nhiên, cậu thấy một bóng người dứng dưới cây liễu, người nọ chắp tay đứng đó, vẻ mặt vô cùng đau thương.

Mở khóa nhân vật mới: Âu Dương Tu.

Tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông, nhà chính trị, văn học nổi tiếng Bắc Tống.
Vui lòng đi theo Âu Dương Tu, tiếp tục khám phá mê cung.

Việt Tinh Văn mỉm cười, "Quả nhiên là ông ấy!"

Ngước mắt nhìn, lúc này, vầng trăng tròn vành vạnh cũng đã lơ lửng đầu ngọn cây liễu, khung đáp án hiện lên trước mặt Âu Dương Tu, nội dung thi cũng chính là bài "Sinh tra tử – Đêm nguyên tiêu" của ông.

"Năm ngoái đêm nguyên tiêu, chợ hoa đèn sáng rực. Ngọn liễu mảnh trăng treo, hoàng hôn người hẹn ước.

Năm nay đêm nguyên tiêu, trăng với đèn như trước. Chẳng gặp người năm qua, tay áo đầm lệ ướt."

— Sinh tra tử – Đêm nguyên tiêu, Âu Dương Tu; Trích: Tống từ, NXB Văn học, 1999.

Việt Tinh Văn nhanh nhẹn trả lời.

Đến lúc này, cuối cùng cũng đã hiểu rõ chiêu trò của "mê cung thi từ" này.

Đến giờ, có ba kiểu mở khóa khu vực sương mù mới, thứ nhất là dạng "vòng bạn bè", như Lý Bạch và Đỗ Phủ tặng thơ cho nhau, Lý Bạch sẽ dẫn Đỗ Phủ tới; Đỗ Phủ dẫn họ gặp những người bạn thân Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham, Tô Thức dẫn bố mình Tô Tuân và em trai Tô Triệt ra...
Loại thứ hai là dựa trên ý cảnh thơ, từ, như câu "Liễu rậm hoa thưa lại có làng" giúp họ phát hiện điểm truyền tống, "Người ngay trước mắt, dưới lửa tàn đứng đó" của Tân Khí Tật dẫn họ đến gặp Tô Thức, một nhà thơ cũng theo trường phái hào phóng.

Kiểu thứ ba là dựa trên "hoàn cảnh". Ví dụ như Tân Khí Tật viết bài "Thanh ngọc án – Đêm nguyên tiêu" tại hội đèn hoa, Âu Dương Xuân cũng viết "Sinh tra tử – Đêm nguyên tiêu" trong tết nguyên tiêu, cùng một hoàn cảnh, ý muốn bày tỏ khác nhau. Khi đó nếu Việt Tinh Văn nghĩ đến Âu Dương Tu trước, cũng có thể họ sẽ mở khóa con đường phái uyển chuyển hàm súc của Âu Dương Tu, nhưng cậu lại nghĩ đến Tô Thức trước, hoàn thành câu hỏi ở chỗ Tô Thức.

Hiện giờ tìm ra Âu Dương Tu cũng không khác gì.

Mọi người tiếp tục đi theo Âu Dương Tu, khám phá mê cung, câu hỏi của Âu Dương Tu không hề khó. Không bao lâu sau, ông đưa mọi người đi qua một sân đình mưa bay bay, cành liễu rủ xuống, đề thi là "Điệp luyến hoa – Đình viện sâu, sâu mấy phần", ai ai cũng thuộc.
Trả lời xong Điệp luyến hoa của "Âu Dương Xuân", "Điệp luyến hoa – Đứng tựa lầu cao làn gió nhẹ" của Liễu Vĩnh xuất hiện... Đây là kiểu mở khóa thứ tư, cùng tiêu đề.

"Đứng tựa lầu cao làn gió nhẹ, trông xa viễn cực, mối ly sầu.

Buồn dâng tình tự chân trời thẳm, trong nắng tàn, sơn thảo sắc mầu.

Tấc dạ lan can ai hiểu thấu? Say sưa tuý luý, muốn cuồng ngông.

Rượu đầy ca hát đều vui gượng, tiều tuỵ vui chăng, một bóng hồng."

— Điệp luyến hoa – Đứng tựa lầu cao làn gió nhẹ, Liễu Vĩnh; Dịch: HHD.

Sau Liễu Vĩnh lại là bài "Điệp luyến hoa – Say biệt lầu tây nay quên hết" của Án Kỷ Đạo, cũng một nhà viết từ thuộc phái uyển chuyển hàm súc.

Kha Thiếu Bân không nhịn được, nói: "Thư viện va phải lưới tình của Điệp luyến hoa rồi à? Ba bài liền cùng tên là Điệp luyến hoa!"
Việt Tinh Văn nói: "Cùng một tựa đề lại liên hệ những người khác nhau lại với nhau, như vậy mới có thể nối tiếp từng NPC. Đây là cách thứ tư rồi."

Kha Thiêu Bân tò mò hỏi: "Ba kiểu còn lại là bạn bè, hoàn cảnh và ý cảnh sao?"

Việt Tinh Văn giơ ngón cái với cậu, "Đúng rồi."

Sau khi trả lời câu hỏi của Án Kỷ Đạo, tiến độ khám phá đã đạt tới 90%.

Sau đó, mọi người gặp được NPC nữ duy nhất trong mê cung tại một góc rẽ – Lý Thanh Chiếu.

Mấy nữ sinh kích động muốn chụp hình cùng Lý Thanh Chiếu, Kha Thiếu Bân lại sắm vai phóng viên, bảo Tiểu Đồ chụp ảnh cho họ. Nữ từ nhân (người viết từ) đầu tiên trong lịch sử Lý Thanh Chiếu gật đầu với họ rồi thong thả bước đi, mọi người lập tức theo sau.

Không khí sau mưa trong lành, hoa hải đường trong sân đua nhau khoe sắc, câu hỏi đầu tiên nhanh chóng xuất hiện trước mặt mọi người...
Như mộng lệnh – Đêm qua mưa thưa, gió dữ

"Đêm qua mưa thưa, gió dữ, hơi rượu thơm nồng giấc ngủ.

Hỏi thử cô cuốn rèm, thưa rằng: "Hải đường như cũ".

Đứng chứ? Đúng chứ? Phải là hồng phai lục mỡ."

— Như mộng lệnh – Đêm qua mưa thưa, gió dữ, Lý Thanh Chiếu; Trích: Tống từ, NXB Văn học, 1999

Câu hỏi này không có gì khó, là một trong các tác phẩm tiêu biểu của Lý Thanh Chiếu. Bà còn có một bài "Như mộng lệnh" nữa được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn cấp ba.

Việt Tinh Văn vừa nghĩ tới đây, Lý Thanh Chiếu đã dẫn họ đến bên một hồ nước, sau đó lên một con thuyền nhỏ. Khung đáp án lại xuất hiện...

Như mộng lệnh – Từng nhớ khê đình chập tối.

"Từng nhớ khê đình chập tối, say khướt trở về quên lối.

Hết hứng mải quay thuyền, lạc giữa đầm sen len lỏi.

Chèo vội, chèo vội, kinh động bầy cò bay rối."
— Như mộng lệnh – Từng nhớ khê đình chập tối, Lý Thanh Chiếu; Trích: Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996.

Khi Việt Tinh Văn điền đáp án cho bài từ này, con thuyền chở Lý Thanh Chiếu cũng chèo tới đầm sen, khiến chim chóc xung quanh giật mình bay lên. Tiếng chim hót lanh lảnh, bà chèo thuyền vào sâu trong đầm sen, sương mù xung quanh cũng dần dần tản sang hai hướng.

Sau đó mọi người nhìn thấy một bóng người quen thuộc.

Khi màn sương dày tản đi toàn bộ, con thuyền chở Lý Thanh Chiếu dừng tại nơi Lý Bạch chèo thuyền ban đầu. Hai nhà thơ từ nghìn xưa đều tự lái thuyền của mình, tới cùng một hồ nước.

[Tiến độ khám phá mê cung 100%]

[Mở khóa toàn bộ thi từ]

Thoáng chốc, thuyền của Lý Bạch và Lý Thanh Chiếu đã khuất bóng nơi chân trời, một dãy cầu thang xuất hiện giữa hồ, dẫn tới một cánh cửa lớn, đây là đường rời khỏi mê cung.
NPC thư viện tạo ra chỉ là những hình tượng hư cấu, rất nhiều người căn bản không thể gặp mặt trong lịch sử lại xâu chuỗi với nhau trong mê cung thi từ này.

Dường như thư viện đang dùng cách này để nói với họ...

Những câu chữ quý giá mà họ để lại xứng đáng được người sau tìm hiểu, lưu trữ, lưu truyền ngàn đời.

Bình luận

Truyện đang đọc