XUYÊN ĐẾN NỮ TÔN QUỐC


Hiểu Linh khẽ cười rồi đứng thẳng dậy quay sang nhìn ra bên ngoài, không chú tâm đến thầy trò Chu Thanh An nữa.

Qua mấy lời của Bán Hạ cùng thái độ của Chu thầy đồ và người học trò kia, Hiểu Linh lờ mờ đoán được phần nào tính cách của bà.

Những người như Chu Thanh An quan trọng khí tiết, ghét thói xu nịnh.

Cô càng muốn làm thân sợ rằng càng phản tác dụng mà thôi.
Chu Thanh An theo sát từng hành động, cử chỉ của Phạm Hiểu Linh mà tâm như bị cào ngứa.

Nữ nhân này giải thích một câu như vậy liền thôi? Không biết đường xin lỗi bà mấy câu sao? Hay thật sự quên hết.

Bà không tin.
Nguyễn Gia cũng không khác sư phụ mình là bao, cô hứng thú nhìn Hiểu Linh bình thản quan sát xung quanh nhưng trong đáy mắt không giấu được sự tò mò.

Người này… rất lạ.

Chuyện họp làng ở đình quá đỗi bình thường, với độ tuổi của nàng ta ít nhất cũng phải tham gia vài lần rồi, không thể nào có vẻ mới lạ như vậy được.

Trước đây Nguyễn Gia không có cơ hội giao lưu với cô nương này nên cũng không rõ ràng lắm.

Khi cô theo học với thầy Chu, người này còn chưa xuất hiện.

Sau này, cô theo thư giới thiệu của thầy đi thư viện đọc sách nên trường kỳ không về.


Lần này tình cờ đúng dịp thư viện được nghỉ, làng lại có việc nên Nguyễn Gia mới ra đình, không ngờ lại gặp được chuyện này.
Trần Bạch Trật nhìn không khí có chút không đúng nên cũng muốn giải vây cho Hiểu Linh.

Con bé đến bản thân mình là ai còn quên thì làm sao có thể nhớ những chuyện lầm lỡ trước kia.

Bà cười cười tiến đến vị trí gần Chu thầy đồ ngồi xuống.

Đây chính là vị trí của bà mỗi khi họp làng.

Thầy đồ, thầy thuốc đều luôn được trọng vọng như thế.

Trần Bạch Trật tự nhiên rót xuống cho Chu Thanh An và bản thân hai cốc nước vối rồi nhặt lựa một miếng trầu cau đưa sang:
- Chu tỷ thông cảm.

Con bé Hiểu Linh thật sự quên hết mọi thứ.

Ta là người khám cho nó từ đầu tới cuối.

Đến bản thân, thân nhân nó còn chẳng nhớ gì, ngơ ngơ ngác ngác mất một khoảng thời gian, giờ mới ổn định hơn một chút.

Nhưng được cái có lẽ nhân họa đắc phúc, sau cái tai nạn đó, con bé cũng thay đổi tốt lên nhiều lắm, không còn giao du với đám bạn xấu kia lại trí thú làm ăn, đối xử tử tế với phu lang cùng mấy tiểu đệ.

Ta cũng thay Phạm Vân an lòng.
Chu Thanh An nhìn sang Trần Bạch Trật trầm ngâm một chút rồi đáp:
- Ta thấy… rất lạ.

Một con người mất trí nhớ có thể thay đổi nhiều như vậy sao? Giống như trở thành một người khác?
Trần Bạch Trật trước kia cũng từng thắc mắc như vậy.

Nhưng bản thân bà là người tin vào quỷ thần, nên tuy rằng thấy như vậy cũng không nói gì mà dành thời gian nhiều lần quan sát đứa nhỏ Hiểu Linh kể từ ngày đó.

Chỉ khi thấy mọi thứ đều dần tốt hơn với Phạm gia và cả với Hiểu Linh bà mới yên tâm buông bỏ.

Có lẽ tạo hóa muốn tái sinh Hiểu Linh một lần nữa.

Bà cười cười, nhổ đi phần nước cốt trầu đầu tiên.

Đôi môi vì ăn trầu mà trở nên đỏ thắm.

Trần Bạch Trật đủng đỉnh nói:
- Trước kia khi Phạm Vân còn sống, ta thấy đứa nhỏ này tư chất không tệ.

Sau này bị bạn bè lôi kéo mới dần sa ngã.


Giờ đột nhiên quên hết, lại trải qua thập tử nhất sinh nên tính cách có phần thay đổi cũng không có gì là lạ.

Có lẽ ông trời muốn đứa nhỏ này thêm một phần cơ hội chăng.
Chu Thanh An nhìn Trần đại phu một chút rồi lại chăm chăm quan sát Hiểu Linh.

Mọi hành động của đứa nhỏ này rất tự nhiên, ung dung lại toát ra phần khí chất của người phú quý.

Một người chưa từng tiếp xúc lễ nghi không thể nào có hành động như vậy được.

Càng nhìn, bà càng nhíu mày khó hiểu.

Chu Thanh An với cốc nước vối uống một ngụm.

Phạm Hiểu Linh… tốt, bà phải quan sát người này nhiều hơn một chút.
Trần Bạch Trật thấy Chu Thanh An cũng không ý kiến nữa thì hắng giọng gọi Hiểu Linh:
- Hiểu Linh, còn không qua đây nhận lỗi với Chu thầy đồ.

Con trước đây là nhiều lỗi lầm lắm đấy, tuy nói là con mất trí nhớ nên quên không nhớ gì nhưng không có nghĩa là không nhận lỗi.
Hiểu Linh thấy Trần bá mẫu bỏ cả thể diện để cấp cho cô một bậc thang xin lỗi Chu thầy đồ, làm hòa giữa hai bên thì không thể phụ lòng bà được.

Cô xoay người đối diện với hai người, chắp tay thành khẩn cúi người thật sâu nói:
- Trước đây học trò không nên người, phạm phải nhiều lỗi lầm khiến thầy Chu phiền lòng.

Qua lần bệnh kia, học trò đã hoàn toàn tỉnh ngộ, muốn triệt để thay đổi để một lần nữa làm lại.

Mong thầy Chu hãy nhìn vào những chuyển biến của học trò mà bỏ qua những lỗi lầm trước kia ạ.
Mấy lời nói của Hiểu Linh vừa vặn không lấy đạo đức tới ép buộc Chu Thanh An phải tha thứ cho cô khiến bà khá hài lòng.

Tại sao người ta xin lỗi lại cứ nói: Ngài đại nhân đại lượng bỏ qua cho ta đi..

Vậy ý rằng nếu không bỏ qua chính là tiểu nhân hẹp hòi sao? Nghe được mấy câu như vậy, dù trong tâm vốn không muốn chấp nhặt nữa nhưng cũng không tránh khỏi vài phần khó chịu.


Nếu nàng ta đã thành tâm như vậy, thì Chu Thanh An cũng sẵn sàng bỏ qua:
- Nếu Phạm cô nương đã thành tâm như vậy thì lão bà ta cũng để đó xem chuyển biến của ngươi như thế nào.

Nếu sức khỏe đã ổn rồi thì bao giờ định đi học lại? Ngươi bỏ bê bao lâu nay rồi, chắc chắn không thể theo kịp đồng môn nữa nên phải học với mấy đứa nhỏ hơn.
Hiểu Linh ngây người..

cái này cũng phát triển quá nhanh đi.

Cô bây giờ làm sao có thể theo học Nho giáo được đây khi mà nói không ngoa bảo một chữ bẻ đôi cô cũng không biết.

Hiểu Linh cười ngượng gãi đầu:
- Bẩm thầy Chu… Con giờ chữ nghĩa quên hết.

Nếu có học lại thì phải bắt đầu từ lớp vỡ lòng.

Trước kia con phá quá nên giờ hoàn cảnh nhà con rất khó khăn lại toàn nam nhân chân yếu tay mềm, con không yên tâm bỏ mặc họ vật lộn nuôi sống gia đình mà đi học được.

Nên con xin phép thầy Chu qua một thời gian nữa, gia đình ổn định lại, việc mùa màng cũng đỡ bận rộn, con lại đến phiền thầy dạy cho con cái chữ.
Ân..

như vậy lý do có tình có lý lại vẫn thể hiện tính ham học của cô hẳn là Chu Thanh An không thể bắt bẻ gì được, còn khi nào cô đi học lại đó là do cô rồi.

Bên Lý tú tài kia học xong cái chữ, cô cũng muốn tìm hiểu xem nếu đi học đạo Nho gia ngày xưa thì sẽ như thế nào..


Bình luận

Truyện đang đọc