Việc mà Chu Kiến Quốc lo lắng nhất đã xảy ra.
Bởi vì thời gian trì hoãn quá lâu, cộng thêm điều kiện trang thiết bị y tế của trạm y tế xã Cửu Kiều quá kém, người nông dân bị thương nặng đó cuối cùng không thể qua khỏi. Mặc dù những bác sĩ mà trạm y tế xã Cửu Kiều và bệnh viện nhân dân huyện cử đi cứu trợ đã dốc hết sức lực, người bị thương vẫn chết trên đường chuyển đến bệnh viện nhân dân huyện.
Tin tức lan truyền, Chu Kiến Quốc buồn bực rất lâu không lên tiếng.
Nếu không xảy ra chết người, vụ án các dòng tộc dùng binh khí đánh nhau cũng dễ giải quyết. Xét thấy sự dũng mãnh của người dân huyện Lâm Khánh, thế lực dòng tộc ở đấy khá hùng hậu, thường xảy ra những cuộc ẩu đả với quy mô khá lớn, điều này cũng thông cảm được.
Địa khu hẻo lánh lạc hậu này, tình hình " các dòng tộc căm thù nhau" đã có lịch sử hình thành, cũng không thể hoàn toàn trách người đương quyền được.
Chỉ cần không chết người, bình thường đều không quá truy cứu.
Nhưng người đã chết, tình hình đương nhiên là không giống.
Chu Kiến Quốc sầu não nhất bây giờ chính là làm thế nào để báo cáo với cấp trên. Ông ta lo lắng phải xử lý việc này thế nào. Ở núi Hoa Sơn, ông ta đã nói sẽ "không nhắc việc cũ", một mực bảo đảm với người dân, ông ta sẽ không bắt người. Nhưng đấy là kế tạm thời. Lúc đó không nói như vậy thì không thể làm yên lòng dân, không thể khống chế được tình thế. Bây giờ đánh chết người, nếu không giải quyết được gì thì sao làm dân chúng phục?
Trước tiên không nói đến sự tôn nghiêm của pháp luật, thế lực dòng tộc ở huyện Lâm Khánh vượt xa xã Cửu Kiều, những dòng tộc càng lớn ở các địa phương khác thì người càng nhiều. Bây giờ xã Cửu Kiều đánh chết người không xử lý, các thế lực dòng tộc khác chẳng phải càng thêm trắng trợn sao? Một khi xảy ra tranh chấp giữa hai dòng tộc lớn thì sẽ có thêm nhiều người bị đánh chết, chức Bí thư huyện ủy của Chu Kiến Quốc thực sự không cần làm nữa.
Làm không tốt thì muốn về làm Cục trưởng cục nông nghiệp cũng không có khả năng.
Nhưng nếu thật sự phải xử lý nghiêm minh, bắt mấy tên cầm đầu của hai bên dùng binh khí đánh nhau để xử phạt, Chu Kiến Quốc lại lo rằng sẽ thêm phần kích động dòng tộc họ Mã và họ Trương, nói không chừng còn có thể dẫn đến xung đột giữa các dòng họ với cơ quan quyền lực nhà nước.
Điều này cũng không phải là chưa từng xảy ra.
Hơn nữa, Chu Kiến Quốc là người coi trọng sĩ diện, nếu đã ở trước mặt dân chúng nói rằng không truy cứu, sau lưng lại đi bắt người, có vẻ có chút không ổn. Đường đường là Bí thư huyện, làm vậy chẳng phải là thành kẻ tiểu nhân thay đổi thất thường sao?
- Làm sao bây giờ?
Xin Lục Đại Dũng chỉ bảo, rõ ràng là không thực tế.
Chuyện như thế này, thân làm Bí thư huyện lại không có chủ kiến gì, còn phải nhờ bí thư Địa ủy hao công tốn sức giúp ông ta nghĩ cách, Lục Đại Dũng nhất định hối hận vì trước đây đã nhìn lầm người.
Chu Kiến Quốc gọi điện thoại, gọi Lưu Vĩ Hồng vào phòng làm việc.
Cũng không thể nói Chu Kiến Quốc ỷ lại vào Lưu Vĩ Hồng. Thực ra Chu Kiến Quốc cũng cảm thấy bàn bạc chuyện này với Lưu Vĩ Hồng cũng không có kết quả gì. Xét cho cùng Lưu Vĩ Hồng tuổi còn trẻ, có thể có con mắt chính trị tinh tường, nhưng luận về kinh nghiệm giải quyết bất hòa địa phương thì còn thiếu nhiều. Chỉ là gặp vấn đề hóc búa thì bàn bạc với Lưu Vĩ Hồng đã trở thành lối tư duy của Chu Kiến Quốc. Hơn nữa ông ta vừa mới đến nhận chức chưa lâu, vẫn còn trong giai đoạn hòa nhập với bộ máy Huyện ủy, ngoài Lưu Vĩ Hồng ra, tạm thời không có người thân tín nào có thể giãi bày nỗi lòng.
Lúc lo lắng bất an, tìm người thân tín đến nói chuyện cũng là một phương pháp hữu hiệu để giảm bớt căng thẳng.
Thực ra Lưu Vĩ Hồng cũng luôn nghĩ đến việc giải quyết tốt hậu quả của việc này.
Kiên trì làm chức vụ nhỏ, không chỉ vì lấy kinh nghiệm, mà học tập mánh khóe cai quản địa phương cũng là nguyên nhân quan trọng.
- Vĩ Hồng à, việc này, thật đúng là rắc rối…
Chu Kiến Quốc ngồi trên đi văng, châm thuốc lá từ tay Lưu Vĩ Hồng, đầu dựa vào ghế, khẽ thở dài, có phần bất đắc dĩ nói.
Trước mặt Lưu Vĩ Hồng, Chu Kiến Quốc căn bản không còn giấu diếm cảm giác thực của mình.
Lưu Vĩ Hồng cũng hút thuốc, trầm ngâm nói:
- Ý kiến của riêng tôi thì vẫn nên xử lý nghiêm khắc. Việc này không thể buông lỏng. Một khi buông lỏng sẽ gây ra sự cố. Cổ nhân đã nói, trị loạn thế dụng trọng điển, hổ quan chi lại, huyết lưu tứ thập lý, sau rồi làng xã bình yên. Huyện Lâm Khánh chúng ta lạc hậu hẻo lánh, các thế lực dòng họ phức tạp rắc rối, hơi tí là dùng binh khí đánh nhau, trị an làm không tốt, cứ thế mãi nói gì đến việc xây dựng phát triển kinh tế? Tôi thấy, phải giết một người làm gương cho trăm họ.
Chu Kiến Quốc chậm rãi gật đầu, nói:
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng lại lo đi bắt người sẽ làm kích động những người dân đó, nếu lại gây ra một trận xung đột thì thật sự không phải là một kết cục tốt.
Mối lo này của Chu Kiến Quốc, Lưu Vĩ Hồng cũng đã suy nghĩ kỹ lưỡng, ngay sau đó nói:
- Việc này nên để Tưởng Đại Chính nghĩ cách. Ông ta là Trưởng phòng công an, phải lo chuyện này. Làm thế nào để bắt người mà không làm người dân làm phản là việc thuộc bổn phận của ông ta.
- Y? Hừm, tôi thấy không có hi vọng!
Chu Kiến Quốc hầm hừ nói.
Biểu hiện hai ngày trước của Tưởng Đại Chính thực sự làm Chu Kiến Quốc không hài lòng. Mặc dù biết thể lực không tốt cũng không phải là lỗi của Tưởng Đại Chính. Rất nhiều người đàn ông trung niên đều có tình trạng này. Nhưng thân là Trưởng phòng công an, không ngờ đến đi đường cũng không bằng bí thư huyện ủy, cũng hơi kém. Trong suy nghĩ của Chu Kiến Quốc, Trưởng phòng công an phải là một người đàn ông lực lưỡng, sát phạt quyết đoán, mạnh mẽ vang dội, không phải như thế này, sao có thể trị an được?
Lưu Vĩ Hồng cười nói:
- Khách quan mà nói, Tưởng Đại Chính ngoài trừ thể lực kém ra thì năng lực tổ chức và năng lực lãnh đạo cũng được. Trước kia ông ta không phải xuất thân từ công an, có thể có biểu hiện như vậy coi như là không tồi rồi.
Lưu Vĩ Hồng nói những lời thật lòng.
Quan điểm của hắn không giống Chu Kiến Quốc lắm, không hề cảm thấy Trưởng phòng công an phải là " con người lỗ mãng". So sánh mà nói, Lưu Vĩ Hồng càng hi vọng Trưởng phòng công an là một nhân vật mưu trí.
Xét cho cùng thì sự bình yên của một vùng không thể dựa vào sự "hung hãn" của Trưởng đồn công an là có thể làm tốt.
Đó là một công trình mang tính hệ thống.
- Vả lại, người mà không hay hoạt động chân tay nhưng ý tưởng nhiều, dùng đầu óc hơn dùng chân tay mà.
Lưu Vĩ Hồng lại nói thêm, có vẻ như ấn tượng với Tưởng Đại Chính cũng được.
Chu Kiến Quốc hơi hơi xoa cằm, cũng không biết là có thật sự tán thành với phán đoán của Lưu Vĩ Hồng không. Đầu ngửa vào ghế sô pha, trầm tư một lát, nói:
- Việc này nên thảo luận trong hội nghị thường vụ. Một người nghĩ không bằng nhiều người cùng nghĩ.
Lưu Vĩ Hồng cười gật gật đầu.
Kinh nghiệm cai quản địa phương của Chu Kiến Quốc vẫn còn khá thiếu sót, mở nhiều hội nghị thường vụ, nghe những ý kiến của người "lão luyện", rất hữu ích.
Lưu Vĩ Hồng làm phó Chánh văn phòng Huyện ủy, người phụ trách trực tiếp của tổ thư kí, cũng có tư cách tham gia hội nghị thường vụ huyện. Đương nhiên, phó chánh văn phòng Lưu có trách nhiệm ghi chép lại hội nghị. Chỉ nghe và ghi chép, không được lên tiếng.
Mỗi lần hội nghị thường vụ Huyện ủy, Lưu Vĩ Hồng đều không bỏ qua.
Chu Kiến Quốc thông qua hội nghị thường vụ Huyện ủy để lấy kinh nghiệm, Lưu Vĩ Hồng còn không phải vậy sao?
Đa số những ý kiến của những ủy viên thường vụ đều nhất trí với ý kiến của Lưu Vĩ Hồng.
Mọi người đều cho rằng nên chỉnh đốn tốt tác phong không đúng đắn này. Nhiều năm gần đây, những cuộc đánh nhau dùng binh khí giữa các dòng tộc trong huyện Lâm Khánh không ngừng xảy ra, cứ không bao lâu lại xảy ra một vụ. Chỉ là quy mô lớn nhỏ khác nhau mà thôi. Mỗi lần như vậy đều khiến ban lãnh đạo trong huyện phải nhức đầu dài dài, đau đầu nhức óc để xử lý cho yên mọi chuyện.
Bây giờ cũng nên bắt mấy tên cầm đầu, phán quyết vài năm ở tù, làm tấm gương xem còn ai dám làm vậy nữa.
Chủ tịch huyện Đặng Trọng Hòa lên tiếng, khiến Lưu Vĩ Hồng khá hứng thú.
Đặng Trọng Hòa cũng tán thành ý kiến của đa số các ủy viên, cho rằng nên xử lý nghiêm khắc. Nhưng ngoài "giết một người làm gương cho trăm họ", Đặng Trọng Hòa còn nói vấn đề ở một phương diện khác.
Đặng Trọng Hòa cho rằng, các dòng tộc dùng binh khí đánh nhau là một loại tàn dư của phong kiến, có liên quan đến tốc độ phát triển kinh tế. Càng là những địa khu hẻo lánh lạc hậu thì càng dễ xảy ra tranh chấp dòng tộc kiểu này. Sao không thấy những huyện thành xảy ra tranh chấp này?
Vì vậy xử lí nghiêm khắc kẻ cầm đầu, làm gương cho những kẻ khác chỉ có thể diệt phần ngọn mà không trị được tận gốc. Muốn tiêu diệt triệt để hiện tượng tàn dư phong kiến này, biện pháp duy nhất là phải tăng tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế làm tốt rồi thì nông thôn sung túc, tầm nhìn được mở rộng, suy nghĩ mọi người cũng linh hoạt, ai mà có hứng thú kéo bè kéo lũ đánh nhau nữa?
Đều bận rộn kiếm tiền mà!
Lưu Vĩ Hồng vô cùng tán thành với ý kiến này của Đặng Trọng Hòa.
Thấu đáo, biết lễ nghi.
Phải nói, Lưu Vĩ Hồng có ấn tượng bình thường với Đặng Trọng Hòa, điều này chủ yếu là do quy hoạch phát triển kinh tế ba năm đó. Cho đến bây giờ, việc này vẫn chưa được thực hiện. Nhưng Đặng Trọng Hòa ba mươi mấy tuổi có thể làm chủ tịch huyện, tất có chỗ hơn người. Ấn tượng không tốt không làm trở ngại việc Lưu Vĩ Hồng học hỏi kinh nghiệm từ y.
Ít nhất con mắt của Đặng Trọng Hòa khá tinh tế, luôn chú trọng xây dựng phát triển kinh tế, cũng coi như là tận chức tận trách.
Nếu đa số các ủy viên đã tán thành xử lý nghiêm khắc, ý kiến của hội nghị thường vụ cũng khá thống nhất, Chu Kiến Quốc cuối cùng vỗ bàn, quyết định "giết một người làm gương cho trăm họ". Còn về việc thực hiện cụ thể ra sao thì đương nhiên sẽ do Đồn công an xử lý.
Sau khi thảo luận xong biện pháp xử lý chuyện này, Chu Kiến Quốc đưa ra vấn đề thứ hai cần thảo luận: cải tổ ban lãnh đạo Khu Giáp Sơn.
Sự thực cho thấy, Hoàng Khắc Kiệm quả thực không thích hợp với chức vụ Bí thư Khu ủy Giáp Sơn nữa. Sự nhiệt tình với công việc của người này đã sớm tiêu tan, chỉ chờ ngày về hưu, cứ giữ tiếp chức vụ quan trọng như vậy, hoàn toàn không thể đảm nhiệm được.
Các ủy viên thường vụ không hề ngạc nhiên với vấn đề mà Chu Kiến Quốc đưa ra.
Đây là việc đã ở trong dự đoán.
Một là, Hoàng Khắc Kiệm tuổi đã cao, làm việc không tích cực, đã đến lúc rời chức. Hai là, Chu Kiến Quốc đã nhận chức được 3 tháng, cũng nên lập uy. Lần tranh chấp dùng binh khí đánh nhau giữa các dòng tộc này chính là cơ hội tốt, cởi bỏ chức bí thư Khu ủy, có thể lấy được uy phong. Cán bộ cấp huyện, Chu Kiến Quốc làm không được, bí thư Khu ủy đã là chức vụ cao nhất trong cán bộ cấp Trưởng phòng rồi.
Chu Kiến Quốc nếu đến cơ hội này cũng không nắm bắt được thì chức Bí thư huyện ủy coi như lãng phí.
Đề án này được thông qua một cách thuận lợi.
Hoàng Khắc Kiệm không xét về mặt tham gia công tác nhiều năm, vì quanh năm giữ chức vụ ở vùng quê hẻo lánh Giáp Sơn, không qua lại nhiều với những lãnh đạo huyện, thời khắc then chốt đương nhiên sẽ không có ai đứng ra nói giúp vài câu. Chu Kiến Quốc rõ ràng muốn hạ ông ta để lập uy, lúc này ra mặt nói giúp Hoàng Khắc Kiệm chính là cố ý cản trở Chu Kiến Quốc. Ai mà muốn làm kẻ dẫn đầu chứ?
Hội nghị thường vụ nhất trí thông qua, miễn chức vụ bí thư Khu ủy Khu Giáp Sơn của Hoàng Khắc Kiệm, đồng thời sắp xếp công tác khác. Công việc của khu Giáp Sơn tạm thời do phó bí thư Khu ủy, Chủ tịch Khu Hùng Quang Vinh giữ.