BÀ NHÓC GIÀ NHÀ TỬ THẦN

Bà cụ Hồ tiếp tục đi, không cảm nhận được tâm trạng của người bạn già. Bà vừa đi vừa nói: “Anh Thừa Khiếu, hình như con nhà mình không hay cười cho lắm.”

Ông cụ Hồ nhớ đến bộ dạng ủ ê của Hồ Đào, lòng cảm thấy ngậm ngùi. Ông nói: “Không phải nó không hay cười, chẳng qua là nó đang làm việc, lúc làm việc không được cười lung tung.”

Bà gật đầu, nói: “Thế à. Con nhà chúng ta cũng có việc làm rồi đấy, thật là giỏi.”

Ông đáp: “Bây giờ nó phải cố gắng làm việc mỗi ngày, chúng ta đừng đến quấy rầy nó được không?”

Bà gật đầu, nói: “Được! Không quấy rầy nó!”

Hai ông bà chậm rãi trở lại phòng học. Chiếc tivi trong phòng đang phát lại bộ phim truyền hình đề tài gia đình nhiều năm trước.

Một số ông bà lão đang xem tivi, một số khác thì gục lên bàn ngủ, số còn lại thì đang tán gẫu.

Trước đây các công bà có một chủ đề để trò chuyện, nhằm phối hợp với bà cụ Hồ, họ thường hay nói về ba mẹ. Sau này bà quen với việc thỉnh thoảng mọi người kể chuyện của bản thân nên từ đó không còn đề tài cố định nữa.

Bây giờ, chủ đề trò chuyện thường xoay quanh những chuyện hồi trẻ và chuyện con cái, tám xem con nhà ai đã ly hôn, cháu nhà nào đã đậu đại học.

Bà cụ Hồ về đến phòng học thì nghe thấy mọi người đang trò chuyện. Bà vừa được lên chức mẹ già của một người trưởng thành, chưa thể xen vào câu chuyện của mọi người nên bèn ngồi một bên, nghe họ nói chuyện.

“Ông Lý, con trai ông là giám đốc ngân hàng đúng không? Lương ngân hàng chắc cao lắm nhỉ?”

“Lương ngân hàng cũng bình thường, có điều thưởng nhiều.”

“Cháu gái tôi cũng định thi vào ngành ngân hàng, tại tôi nghe ông nói con trai ông là giám đốc ngân hàng đấy.”

Hai ông lão mỗi người một câu. Bà cụ Hồ chăm chú lắng nghe nhưng không hiểu cho lắm.

Sau đó, bà nghe một bạn học nói nhỏ: “Bây giờ người trẻ ngày càng khó tìm được việc làm nhỉ.”

Bà cụ Hồ ngồi bên cạnh, nghe thế thì hơi sốt sắng: “Thật thế à?”

“Gần đây tình hình kinh tế không tốt lắm, cháu gái tôi nói định thi vào một doanh nghiệp nhà nước, ai ngờ một chọi mấy chục người, trong đó có mấy thạc sĩ trường top đầu nữa, cạnh tranh không lại.”

Bà cụ Hồ chống cằm, nghiêm túc ngẫm nghĩ, sau đó thở dài một hơi, nói: “Tìm việc đúng là khó thật.”

“Đúng vậy.” Ông lão kia thở dài một hơi, nhìn bà bạn mặc áo len kim tuyến trước mặt, hâm mộ bà có một người cha sống thọ, hâm mộ bà từng tuổi này mà còn được cưng chiều như một đứa trẻ. Còn họ đến tuổi này trong lòng chỉ lo lắng sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu, lo lắng con cháu không nghe lời.

Bà cụ Hồ trò chuyện với mọi người một lát, cũng hiểu được đại khái. Miệng mỉm cười, bà tìm ông cụ Hồ, bảo: “Anh Thừa Khiếu, em phát hiện con nhà mình giỏi ghê đó, nó đã tìm được việc rồi. Bây giờ tìm việc không dễ gì đâu.”

Ông cụ Hồ: “Ừ, nó thật là giỏi.”

——

Lúc Kim Sân đến đón con gái, anh nghe được một tràng như sau:

“Ba ơi ba, hôm nay con nhìn thấy con trai con rồi, nó rất chăm chỉ.”

Kim Sân nhớ đến đứa cháu ngoại còn tạm đang gác lại chưa kịp xử lý của mình, nói: “Thế à?”

Bà cụ Hồ gật đầu, đáp: “Đúng vậy đó. Con nhìn thấy nó cầm cái gì đó xúc đất lên, thế là lũ gà con có thể ăn giun được.”

Kim Sân dắt tay con gái đi về nhà.

Bà nắm tay ba mình, đột nhiên quay đầu qua, nghiêm túc nói: “Ba ơi ba, bây giờ con đã có con rồi nên phải làm một người lớn.”

Kim Sân buồn cười, hỏi: “Làm một người lớn là sao?”

Bà cụ Hồ rất nghiêm túc suy nghĩ làm người lớn thì phải như thế nào. Sau đó bà giơ tay lên, đếm từng ngón một. “Rất là lợi hại này, không sợ kẻ xấu này, không được khóc này, không được nói nhiều này. Ừm, người lớn như ba hầu như không thích nói chuyện lắm. À không đúng, là người lớn chúng ta không thích nói chuyện, lúc đi đường thì phải thế này.”

Bà chắp tay sau lưng, ưỡn ngực đi về phía trước.

Kim Sân bước nhanh theo vì sợ con gái bị ngã. Sau khi mô tả xong, bà nhìn sang Kim Sân. “Ba ơi ba, con bắt chước có giống không?”

“Giống. Còn gì nữa không?”

“Ừm, gần như hết rồi. Con phải học được hai chuyện này trước đã. Con là một người lớn rồi.” Đột nhiên ý thức được điều này, bà vô cùng vui vẻ.

Bà cụ Hồ nói bắt chước người lớn là bắt chước ngay. Thế là bà nắm tay ba, trở nên im lặng.

Kim Sân cố tình trêu bà. “Bé cưng, người lớn thì có cần nghe kể chuyện trước khi đi ngủ không nhỉ?”

Bà cụ Hồ trợn tròn mắt, đột nhiên ý thức được nếu làm người lớn thì không được nghe ba kể chuyện trước khi ngủ nữa.

Bà ngẫm nghĩ rồi nhanh trí trả lời. “Con phải làm một người lớn không thích khóc, không sợ kẻ xấu. Nhưng con vẫn muốn nghe kể chuyện trước khi đi ngủ.”

——

Buổi chiều, bà cụ Hồ còn tuyên bố dõng dạc thế nhưng đến tối, Kim Sân liền nghe thấy tiếng khóc thét của con gái phát ra từ nhà vệ sinh. “Ba ơi! Anh Thừa Khiếu!”

Kim Sân quá hiểu con gái mình. Lúc nhỏ, chỉ cần sợ hãi hoặc bị thương thì sẽ khóc thét lên, bởi vì nó biết hễ khóc to cái là ba sẽ lập tức xuất hiện ngay.

Anh vội vàng đẩy cửa nhà vệ sinh ra, nhìn thấy con gái quay đầu lại, trên tay cầm một chiếc bàn chải đánh răng dính máu, miệng toàn là bọt kem đánh răng pha máu, mặt đầy nước mắt.

Kim Sân giật mình, vội rót một ly nước. “Bé cưng đừng sợ, súc miệng trước đã.”

Bà cụ Hồ vội vàng nhổ thứ trong miệng ra thì nghe thấy một tiếng leng keng. Là một cái răng.

Bà hớp một ngụm nước ấm rồi lại nhổ ra. Kim Sân đã nhìn thấy rõ, trên bồn là một cái răng bị rụng.

Thông qua tấm gương, bà cũng nhìn thấy cái răng rụng của mình nên mếu máo nói: “Răng bị rụng rồi…”

Răng cửa thiếu mất một cái, lúc nói chuyện gió lùa vào, khá lạnh.

Kim Sân cầm máu cho con gái, xoa đầu con rồi an ủi: “Không sao không sao, ba dẫn con đi khám bác sĩ, bác sĩ sẽ trồng cho cho con cái răng mới.”

Bà ngừng khóc, nói: “Ba ơi, chúng ta không đi bác sĩ được không, để nó tự mọc lại.”

Bà còn nhớ trước kia bị rụng răng, sau đó nó sẽ tự mọc lại.

Kim Sân do dự một chút rồi bảo: “Tự mọc thì lâu lắm, đi bác sĩ vẫn tốt hơn. Ba có một người bạn làm bác sĩ chuyên khám răng cho mọi người, để chú ấy trồng răng mới cho con được không?”

Bà cụ Hồ nghĩ ngợi, cuối cùng cũng gật đầu, trịnh trọng nói: “Vậy có thể để mốt hẵng đi không? Mốt sẽ được nghỉ học.”

Bây giờ bà không còn là trẻ con đi mẫu giáo nữa mà đã nhớ đến lúc học tiểu học. Trong mắt bà, việc học khá quan trọng.

Kim Sân thấy bà dễ dỗ như vậy bèn đáp: “Được chứ. Mai đi học đã, mốt được nghỉ rồi đi bệnh viện.”

“Vậy ba ơi, tối nay con có được nghe kể chuyện công chúa Kẹo Bông không ạ?”

Kim Sân nhìn con gái trống một cái răng cửa, vừa buồn cười vừa đau lòng. “Được chứ. Ba kể chuyện công chúa Kẹo Bông cho con nghe.”

Kim Sân lại kể chuyện công chúa Kẹo Bông đánh bại kẻ xấu như cũ, bà cụ Hồ vẫn chăm chú lắng nghe.

Nghe xong câu chuyện, bà ôm chú thỏ tỏa nhiệt, nhìn ba mình, hỏi: “Ba ơi ba, sáng mai con có nhớ thêm những chuyện khi lớn hơn không ạ?”

Sáng nay bà đã nhớ lại rất nhiều chuyện trước kia.

Kim Sân đáp: “Mai không được, nhanh quá sẽ bị đau đầu đấy.”

Bà cụ Hồ à một tiếng, nói: “Vậy sáng mai không nhớ lại nữa, con không muốn bị đau đầu, để sau này hãy nhớ.”

Bà ngồi dậy, hỏi nhỏ: “Ba ơi ba, có phải anh Thừa Khiếu rất thích con không?”

Kim Sân ngẩn ra, hỏi lại: “Sao tự nhiên lại hỏi chuyện này hả?”

Bà thẹn thùng vùi đầu vào con thỏ, đáp: “Con nghe Tùng Tùng nói kết hôn là hai người phải thật lòng yêu nhau. Con hỏi Tùng Tùng rồi, bạn ấy nói yêu chính là rất rất thích.”

Kim Sân nghĩ lại cuộc đời của con rể. Anh rất ít khi trò chuyện với Thừa Khiếu nhưng trong lòng vẫn khá hài lòng về đứa bé này, vì thế bèn nhẹ nhàng trả lời. “Anh Thừa Khiếu của con rất yêu con nên con phải tốt với nó nhé.”

Kim Sân vừa bước ra ngoài thì lập tức bị ông cụ Hồ ôm chầm lấy. “Ba!”

Ông vẫn tưởng Kim Sân không hài lòng về mình vì khi đó, Kim Sân từng nói rõ là hy vọng con gái mình sẽ ở bên một người bình thường.

Kim Sân ngượng ngùng chịu đựng cái ôm của con rể. “…”

Bình luận

Truyện đang đọc