CUỘC SỐNG CỦA HAI NGƯỜI Ở RỪNG RẬM

Chuyện một lần nữa gặp phải kẻ “đào vàng” đã khiến cho mùa xuân này tràn ngập sự lo ngại.

Chúng có vũ khí chuyên nghiệp và mục đích rõ ràng, điều đáng lo ngại nhất là chúng đến thám hiểm một cách có tổ chức và có kế hoạch.

Những kẻ này chắc chắn sẽ còn đến nữa.

Liệu khi những kẻ này xuất hiện trở lại, Hà Điền và Dịch Huyền có còn may mắn như hai lần trước nữa không?

Hà Điền không biết.

Điều mà cô có thể chắc chắn là, cô, Dịch Huyền, hai anh em nhà họ Phổ, những người miền núi khác, những người thợ săn, và những người dân trong các thôn làng quanh đây đều rất khó khăn khi phải đối đầu với một nhóm cướp được huấn luyện bài bản với vũ khí chuyên nghiệp.

Độ chính xác và hỏa lực của vũ khí của thợ săn không thể so sánh với vũ khí của kẻ cướp, và không ai được đào tạo để tấn công người, nhưng không phải là họ không có lợi thế. Rừng, đầm, hồ, sông chằng chịt chỉ là sân sau của riêng người miền núi, nhưng chúng có thể là cái bẫy chết người đối với những người không thông thạo địa hình.

Hơn nữa, bọn cướp đến thăm dò con đường khai thác vàng chỉ có thể đến vào mùa xuân và mùa hè, một khi thời tiết trở nên lạnh giá, cho dù được dẫn dắt bởi những thợ săn miền núi có kinh nghiệm thì xứ tuyết này cũng là một vùng đất đầy chết chóc.

Mà lúc này đây, những gì Hà Điền có thể làm là tranh thủ lúc mùa xuân vẫn còn tươi đẹp, làm tốt chuẩn bị, sẵn sàng cho một mùa đông lạnh giá tiếp theo.

Kể từ bây giờ, khi cô và Dịch Huyền ra ngoài, họ sẽ mang theo vũ khí mà họ đã thu giữ được từ bọn cướp. Để thích nghi với vũ khí mới, Hà Điền đã luyện tập nhiều lần trong khu rừng gần nhà. Dưới sự hướng dẫn của Dịch Huyền, rất nhanh cô đã học được cách sử dụng ống ngắm, nhanh chóng tháo rời và thay băng đạn, thích nghi với độ giật.

Một tuần trước ngày đã ước định, họ lại đến nhà Tam Tam.

Lúc họ đến nơi thì đã trưa, Tam Bảo vừa về đến nhà, hai người học việc của Tam Tam đã chuẩn bị bữa trưa và đang đi ra khỏi bếp. Tam Tam nói với một cô gái lớn tuổi hơn: “Em nấu thêm hai món và hấp một lồng bánh nữa đi.” Hà Điền vội xua tay: “Chúng tôi ăn trên đường rồi. Vì nghĩ anh Tam Bảo chắc sẽ về nhà để ăn trưa nên mới đến vào giờ này.”

Dịch Huyền hỏi Tam Bảo: “Anh Tam Bảo, lần này tôi muốn mua thêm vôi. Chuyện lần trước anh với Tát Sa nói thế nào rồi?”

Tam Bảo cầm một cái màn thầu trên tay, cắn một ngụm: “Nói rồi! Tát Sa đồng ý. Lát nữa hai người đến nhà cậu ấy để tính chuyện học phí đi. Cậu ấy cũng đang ở nhà đó, vừa rồi ở ngoài ruộng với tôi.”

Nói chuyện xong, Hà Điền và Dịch Huyền cũng không muốn quấy rầy nữa, cáo từ muốn đến nhà của Tát Sa. Tam Tam kêu người học việc xuống hầm lấy một ống tre đựng sữa cừu đưa cho họ, Hà Điền lúng túng: “Sao có thể lần nào đến nhà cô cũng đều lấy này lấy nọ được!”

Tam Tam cười nói: “Hai người đừng khách sáo. Cô cũng cho tôi thỏ đó thôi. Tôi chỉ có thể cho lại cô sữa cừu mà thôi. Còn phải cảm ơn cô vì công thức phô mai mà cô đã cho nữa. Tôi làm một ít, rất ngon, cho cô hai miếng về ăn thử.”

Hà Điền cũng không muốn dài dòng, cô nhận đồ, cảm ơn Tam Tam và Tam Bảo, hẹn gặp nhau vào ngày một tháng sáu rồi đến chỗ bán vôi nhà Tát Sa.

Đang lúc cày bừa vụ xuân, chỉ có buổi trưa ở trong làng mới có nhiều người, mọi người từ ngoài đồng về nhà ăn cơm, một số nhà có ít người lao động, ngay cả về nhà ăn uống, ngủ trưa cũng không luôn, họ sẽ chuẩn bị trước bữa ăn cùng với nước uống, đem luôn ra ngoài ruộng.

Tát Sa thấy Hà Điền và Dịch Huyền thì rất vui, sau khi nói chuyện thì mọi người quyết định: Tát Sa đến nhà họ phụ việc trong một tuần, phần thưởng là Hà Điền sẽ dạy anh ấy cách làm đồ gốm. Tuy nhiên, ba đống củi dùng trong lò phải do nhà của Tát Sa cung cấp. Chờ nhà họ mang đủ củi đến rồi thì Hà Điền sẽ bắt đầu dạy.

Xét về thời gian và sức lực cần thiết để đào đất sét và nung lò, gia đình Hà Điền chỉ có thể đốt lò mỗi năm một lần. Vì vậy, nếu năm nay không học được thì năm sau Tát Sa có thể học lại miễn phí, nhưng vẫn phải tự tay chuẩn bị củi và chuyển đến nhà Hà Điền.

Sau khi thương lượng xong cả rồi, Dịch Huyền mua hai bao vôi lớn, Tát Sa không giảm giá cho họ mà dùng xe đẩy giúp họ vận chuyển vôi đến bến thuyền nhỏ trong làng.

Con thuyền được trang bị một động cơ chạy băng băng như bay, chưa đầy hai tiếng đã về đến nhà.

Hai người đem vôi về nhà cất đi, lấy một ít về nhà gỗ.

Vôi mua lần này không chỉ dùng để làm vật liệu xây dựng.

Trong cuốn Từ điển bách khoa chăn nuôi gà có một chương đề cập đến cách bảo quản trứng, một trong những phương pháp là “Phương pháp nước vôi trong”, trộn vôi sống và nước theo tỷ lệ 1:50, sau đó khuấy tan rồi để lắng và đợi lấy nước vôi trong. Sau đó đổ vào thùng rồi nhẹ nhàng thả trứng vào, để mặt nước vượt quá mặt trứng khoảng 10 cm, vi khuẩn trong nước vôi không sống được nữa và thời hạn sử dụng của trứng có thể kéo dài thêm mười tháng.

Tuy nhiên, khi bảo quản trứng trong nước vôi, có một điều cần phải lưu ý là, nhất định phải sử dụng trứng chưa rửa.

Trên bề mặt quả trứng chưa rửa có một lớp màng dầu tự nhiên lấp đầy các lỗ nhỏ trên vỏ trứng, nếu rửa sạch, nước vôi trong sẽ thấm vào trứng từ các lỗ nhỏ đó. Tất nhiên là không thể ăn được nữa.

Sau khi chuồng vịt được xây dựng xong, Dịch Huyền đã đào một cái vũng nhỏ ở góc trống của chuồng vịt, dùng đá đào được lúc đào ao đặt vào, sau đó phủ sỏi và cát lên rồi đổ nước vào, vũng nước này ngay lập tức trở thành nơi yêu thích của lũ vịt. Hà Điền lại làm theo hướng dẫn trong sách chăn nuôi gà, chất đống cát và mùn cưa ở góc bãi trống, đặt một số gốc cây đã chặt. Những cư dân mới này vui vẻ hơn, như muốn báo đáp lại cho họ, cũng có thể là do thức ăn phong phú, mà bốn con gà mái non tích cực đẻ trứng, cộng với số trứng do đàn vịt đóng góp, mỗi ngày có hơn chục quả.

Nhưng đến giữa hè, có thể sẽ phải dùng cát lấp vũng nước nhỏ này lại. Vì mùa hè có một loại côn trùng nhỏ màu đen bay khắp nơi trong rừng cây, chúng thích cắn người và động vật, thích nhất là nước tù đọng.

Năm nay Hà Điền không có ý định đốt lại bếp lò cho chuồng vịt, nên sản lượng trứng vào mùa đông sẽ giảm rất nhiều, nếu mùa xuân hè có thể bảo quản được trứng, đến lúc đó họ vẫn có thể ăn trứng mỗi ngày.

Gà, vịt đều nuôi ở trong chuồng, năm nay họ không cần phải ra đầm lầy và bãi cỏ bên ao để nhặt trứng nữa, thời gian tiết kiệm được có thể dùng để thu gom địa y và rêu cần thiết để xây nhà, cỏ mà vật nuôi trong nhà cần trong mùa đông, và cả lá dâu để nuôi tằm.

Hà Điền chẻ một số dải tre mỏng hơn ngón tay một chút, rồi uốn cong làm thành “vỏ bọc” cho cánh quạt công xôn, sau khi bổ sung thêm lớp vỏ bọc này thì không cần lo cánh quạt bị rong trong nước quấn vào hay va vào đá ngầm ở đáy sông, mắc kẹt vào cành gỗ dưới lòng sông nữa.

Đã ba, bốn tuần kể từ khi lứa tằm đầu tiên nở ra, ngoại hình của các con tằm thay đổi rõ rệt, chúng lột da nhiều lần, mỗi lần lột da lại lớn hơn, màu sắc cũng càng ngày càng trắng, từ những con kiến tằm đen xấu xí khi mới nở đã biến thành những con tằm trắng như tuyết dài ba bốn centimet.

Khi nở lứa thứ hai và lứa thứ ba, thời tiết ấm hơn, không cần dùng nhiệt độ cơ thể người để ấp nữa, chỉ cần phơi nắng vài ngày là chúng sẽ phá vỏ mà ra.

Ngày càng có nhiều tằm con, nhu cầu về lá dâu cũng ngày càng nhiều.

Hà Điền và Dịch Huyền cũng đặc biệt chặt một số cây tre, chẻ chúng thành những dải tre mỏng và làm một số nia tre lớn có đường kính 1,5 mét, làm nhà mới cho các em bé tằm.

Khi các con tằm lớn lên từng ngày, có thể cần thêm nhiều nia tre để chúng không bị chật chội.

Nếu đông quá, tằm con có thể bị chết do tranh giành thức ăn. Mỗi con tằm đều là một báu vật quý giá, Hà Điền mong rằng chúng sẽ tạo ra những chiếc kén đẹp để có thể ươm thành những cuộn tơ sáng bóng, vậy thì Tam Tam mới có thể dệt những sợi tơ này thành lụa và bán lấy tiền.

Vì đặt những chiếc nia tre nuôi tằm, trong nhà càng thêm chật chội. Mặc dù họ đã làm một số giá tre có thể chứa bốn hoặc năm lớp nia tre, nhưng số lượng con tằm tăng lên, mỗi ngày khi ăn cơm đều phải dời tới dời lui.

Thời tiết ấm hơn, Hà Điền và Dịch Huyền dọn luôn bàn ăn ra ngoài hiên để ăn cơm.

Lúc này, họ mới thấy hối hận khi phá bỏ chuồng vịt và thỏ cũ, nếu không thì đã có chỗ đặt tằm rồi.

Khi những người giúp đỡ đến, trong nhà từ hai người tăng lên bảy người, để đun nước và nấu ăn cho nhiều người, Hà Điền và Dịch Huyền đã dựng một căn bếp tạm thời trên một bãi đất trống cạnh suối. “Bếp” là một cái chòi được dựng bằng cọc tre, bốn góc được đào bốn lỗ, cắm cọc tre, đổ xi măng, cố định khung, ba vách và mái thì lợp bằng chiếu sậy, bên trong dùng gạch tấm và bùn xây, làm hai cái bếp lò, có thể đốt cùng lúc hai bếp, giữa hai bếp đào hai lỗ tròn nhỏ, bên trong đặt một thùng sắt nhỏ để nấu nước sôi. Bên cạnh bếp treo một tấm gỗ, chính là thớt, kế bên là vại nước.

Ngoài bếp ăn tạm bợ, họ còn phải chuẩn bị chỗ ở tạm cho những người phụ giúp.

Anh em nhà họ Phổ đáng lẽ cũng có thể sống ở đây, nhưng ba Phổ vừa mới mất, bọn họ đành phải đi đi về về, nếu không thì không ai cho heo ăn.

Cho nên, họ chỉ cần chuẩn bị chỗ ở cho ba người.

Hà Điền suy nghĩ một hồi rồi dọn dẹp xưởng lông thú gần sông, thùng gỗ và giá gỗ bên trong được đem ra ngoài, dùng mành cỏ đậy lại, mở cửa xưởng ra để thông gió, trộn tro có thêm một ít vôi sống vào cát rồi rắc lên tường và sàn để thoát hơi ẩm và mùi hôi. Quét đất cát hết ra khỏi nhà, dùng tre và ván gỗ làm thành một cái giường lớn, đủ cho Tam Bảo và Tát Sa dùng. Nếu người đàn ông to con cũng đến thì vẫn có thể ở cùng.

Nơi này rất gần nhà của họ, nhưng cũng cách nhà gỗ nơi họ sống một khoảng, ở gần sông, đi tiểu vệ sinh này nọ hoặc ra sông tắm rửa rất thuận tiện.

Về việc người đàn ông to con có đến được không, hai người họ cũng không có nhiều hy vọng. Tát Sa muốn cầu cạnh họ, còn Tam Bảo thì thường xuyên qua lại với họ và  cũng đã thương lượng mức thù lao từ trước. Anh em nhà họ Phổ thì đã nhận được một khoản “đặt cọc” lúc mùa đông, cộng thêm cái chết của ba Phổ, họ mong muốn cải thiện mối quan hệ với Hà Điền và Dịch Huyền nên chắc chắn họ sẽ quay trở lại. Còn về anh to con, họ cũng chỉ gặp qua có hai lần, giao tình không mấy thân. Tất nhiên có thể đến thì tốt, nhưng nếu người ta không đến thì cũng có thể thông cảm được.

Tất cả đều đã được chuẩn bị kỹ càng, tiếp theo sẽ chuẩn bị đồ ăn.

Hà Điền và Dịch Huyền đã thảo luận rất lâu, họ muốn làm một danh sách món ăn, chọn ra vài món luân phiên nấu là được. Thức ăn trước hết phải bổ dưỡng, vì xây nhà, đặt móng đều là công việc khó khăn, nếu không có đủ thức ăn thì không được. Thứ hai, thức ăn phải dễ chế biến và có thể chuẩn bị nhanh. Tất nhiên, ngoài đáp ứng được hai điều kiện này, điều tiên quyết nhất là không được quá tốn kém. Cho sáu bảy người ăn cơm và mì trắng mỗi ngày thì không phải là không cam nổi, nhưng họ sẽ phải giật gấu vá vai, nghèo cháy túi. Với lại, Hà Điền và Dịch Huyền còn phải để dành một số tiền cho những trường hợp khẩn cấp. Đến mùa thu, nói không chừng họ cần phải mua thêm một số thứ gì đó, cửa sổ cũng chưa có làm, rồi đồ đạc dùng trong nhà mới nữa?

Sau khi kiểm tra đồ ăn ở nhà, cả hai cũng lên một danh sách, trong nhà kho thịt xông khói hiện có hơn bốn mươi con vịt và ngỗng hoang đã được muối, hơn một chục miếng cá, trong hầm vẫn còn một số cá hồi từ mùa thu năm ngoái. Ngoài ra còn có rất nhiều trứng, dưa chua, mì gạo và các loại ngũ cốc. Kể từ khi nhà kính được chuyển đổi thành “nhà kính vải dầu”, nhiệt độ trong nhà kính không đổi ở mức 22 ° C, rau và trái cây bên trong đã bước vào hình thức mùa hè. Tin chắc rằng vài tuần nữa sẽ có rau tươi trở lại.

Để đảm bảo nguồn thịt, Hà Điền quyết định mùa xuân năm nay sẽ đi bắt heo rừng.

Họ lại đặt bẫy và kiên nhẫn chờ đợi.

Hai ngày sau, cô bắt được một con heo rừng nặng trên trăm kg.

Lần này họ đã có chuẩn bị trước, mang theo mấy ống tre to và một chiếc xe đẩy nhỏ.

Sau khi con heo rừng bị bắn chết, nó bị treo ngược trong bẫy, cắt cổ và lấy máu cho vào hai ống tre lớn, nội tạng bên trong cũng không bỏ, tất cả đều được cho vào ống tre, sau đó lột da, cắt thịt chia thành nhiều phần, lần lượt đem về thuyền để Lúa Mì trông coi.

Sau khi vận chuyển heo rừng về nhà, đầu tiên nhấc hai ống tre to đựng máu heo ra ven suối, đặt vào trong nước một cái giỏ tre lớn, rồi đặt ống tre vào, để ngập khoảng hơn phân nửa ống, cho vào mỗi ống một muỗng muối, khuấy đều, đợi nửa tiếng. Máu heo trong ống tre dần đông lại, lúc này máu heo hơi đặc được đổ vào một cái chậu gỗ có lỗ,’ để nước lạnh trong suối rửa sạch một lúc.

Trong khoảng thời gian này, cho phần thịt heo mỡ nhất vào nồi, rang vàng, lọc lấy mỡ, cho vào niêu đất đậy nắp kín lại, về phần tép mỡ thì cắt nhỏ ra để dùng sau.

Sau khi huyết heo đông lại thành từng cục nhỏ, nhấc chậu gỗ lên khỏi khe suối, để ráo nước, rồi đổ huyết heo vào nồi lớn, khuấy đều, cho hạt yến mạch đã giã nhỏ và lúa hoang đã ngâm nở vào, thêm tép mỡ, gia vị, xào thành hỗn hợp sền sệt, khi nguội một nửa thì dùng phễu đổ vào ruột sấy, cột thành từng đoạn nhỏ dài chừng mười centimet như lạp xưởng, treo vào kho thịt xông khói.

Dịch Huyền để lại hai cái lạp xưởng huyết* cho vào chảo và chiên cùng với một miếng thịt mỡ, sau khi chiên đến khi lớp da vàng đều thì gắp chúng ra dĩa, đợi nguội bớt thì có thể cắt thành những lát dày cỡ ngón tay.

*Dồi.

Món lạp xưởng huyết của Dịch Huyền được  anh gọi là “Pudding đen”, ăn cùng với bánh mì làm từ tinh bột khoai tây và nấm chiên là một bữa sáng rất chắc bụng. Huyết heo rất giàu sắt và canxi. Ngoài ra còn có một nguyên tố vi lượng coban không có trong các loại thực phẩm khác, giá trị dinh dưỡng của nó khá cao.

Nhưng Hà Điền thì lại cảm thấy, trong lạp xưởng huyết có thêm bột yến mạch và lúa hoang ăn rất dai, cộng với các gia vị như đường, muối, nước tương và tóp mỡ rất thơm. Nếu không nói với cô rằng nó được làm từ huyết heo, cô sẽ chỉ nghĩ rằng đó là một loại bánh gạo tạp có mùi thơm đặc biệt, ăn khá ngon. Về hình thức, cô cho rằng màu nâu đen này không phải là không thể chấp nhận được. Có thể cho thêm bột than tre vào như lúc làm phô mai để có màu đậm hơn.

Vì vậy, món pudding đen đã xác lập được vị trí của mình trong công thức bữa sáng.

Bình luận

Truyện đang đọc