CUỘC SỐNG CỦA HAI NGƯỜI Ở RỪNG RẬM


Chuyến đến chợ lần này vô cùng xuôi chèo mát mái.
Trên đường đi hai người đều cười nói vui vẻ với nhau, đã không còn cảm giác đau buồn khi phải chia xa, hơn nữa còn có anh chàng Lúa Mì dễ thương ở bên trợ hứng, dù Hà Điền có hơi áy náy nhưng không khí trên thuyền vẫn sôi động và vui vẻ.
Khi đến bến thuyền, họ lại xếp hàng dài để lấy thẻ và đăng ký, vì lần này không có lông chồn để bán, họ bị người trông giữ hờ hững phất tay đuổi sang một bên, sau khi lên bờ thì càng không ai ngó ngàng đến, họ cứ vậy mà theo dòng người đi mua đồ.
Dịch Huyền im lặng quan sát, cũng không phát hiện những người lính tuần tra căng thẳng hơn trước kia, ngược lại vì chuẩn bị rời đi nên trông họ có chút lười biếng.
Anh đoán, việc có người xấu đánh ngất lính canh và lấy trộm động cơ đã được lái buôn và người phụ trách giải quyết riêng.
Rất rõ ràng, những người lái buôn này đến đây là vì tiền, nếu những người phụ trách binh lính tăng cường cảnh giác, thậm chí tiến hành khám xét, tra hỏi gắt gao thì rất có thể người dân miền núi sẽ bị kinh động và họ sẽ chỉ mua muối, sắt và những thứ cần thiết khác rồi nhanh chóng rời đi.

Còn ai sẽ mua rượu và các dịch vụ giải trí nữa?
Người buôn bán chịu trách nhiệm bồi thường, người phụ trách thì nhân cơ hội này kiếm được chút ít, tất cả mọi người đều vui vẻ.
Hà Điền vẫn còn hơi bất an, Dịch Huyền nói cho cô biết sự thật, lúc này cô mới hoàn toàn thả lỏng tinh thần, bắt đầu thoải mái mua sắm.
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, mong muốn mua sắm của phụ nữ vẫn luôn mãnh liệt.

Không quá lời khi nói rằng họ là những người đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học.
Tiền bạc của phụ nữ cũng rất dễ kiếm.
Hà Điền nhanh chóng tìm thấy một số gian hàng chuyên bán đồ phụ nữ, từ quần áo may sẵn đến vải vóc, dầu gội đầu cho đến phấn phủ mỹ phẩm, hoa tai làm bằng hạt thủy tinh màu và dây cột tóc bằng sa tanh.

Ngoài ra còn có các loại băng vệ sinh siêu thấm có thể tái sử dụng.
Trong mắt Dịch Huyền, loại băng vệ sinh này trông giống như một chiếc yên ngựa nhỏ, ở hai bên có các nút cài và ở giữa là một miếng vải bông hình chữ nhật có thể tháo rời.
Anh suy nghĩ một lúc mới hiểu được thứ này dùng như thế nào, lập tức mặt đỏ tới mang tai, quay đầu giả vờ nhìn những món đồ trang sức vòng cổ trên tường.
Hà Điền rất thích thú với phát minh này, cô hỏi kỹ chủ gian hàng về cách sử dụng nó, sau đó lấy mẫu và sờ thử, chất liệu vải bông rất mềm mại.
Chủ gian hàng là một phụ nữ tuổi trạc ba mươi, thấy có nhiều cô gái trẻ tụ tập lại nhìn, nên lấy một ly nước ra làm thí nghiệm: "Mọi người nhìn xem, miếng vải này hút nước mạnh đến cỡ nào!"
Miếng vải hình chữ nhật kia bị nhúng vào trong ly nước, chẳng mấy chốc đã hút hết nửa số nước trong ly.
"Vào những ngày ra nhiều thì cứ hai tiếng lại thay một lần, còn ra ít thì năm tiếng!" Người bán hàng đã sử dụng "băng vệ sinh" thông thường chứa đầy bông gòn và tro thực vật để so sánh: "Chất liệu truyền thống hút nước kém và có thể chảy ngược, dính dớp, rất khó chịu đúng không?! Mỗi lần thay cũng thật phiền phức.

Đặc biệt là vào mùa đông thì càng khó chịu hơn! Nhìn sản phẩm mới này của chúng tôi đi, chỉ cần thay miếng bông này là được rồi! Rất dễ giặt sạch!"
"Một miếng đi kèm với ba miếng bông, mua hai miếng là đã đủ dùng rồi!"
"Các cô gái thành phố bây giờ cũng sử dụng cái này đấy!"
Chủ cửa hàng không ngừng giới thiệu, đã dụ dỗ được không ít các cô gái bỏ tiền ra mua.
Hà Điền hỏi Dịch Huyền: "Cô...!có cần không?"
Dịch Huyền chỉ muốn che mặt trốn tránh, lắc đầu: "Tôi đợi cô ở bên ngoài."
Mùa đông năm ngoái Hà Điền có hỏi Dịch Huyền rằng cô ấy có cần dùng nó không.

Bà của cô đã mãn kinh rồi.

Cô là người duy nhất trong nhà sử dụng những đồ dùng vệ sinh này.

Cô cũng không thể để Dịch Huyền sử dụng những đồ mà cô đã dùng qua này được.

Cô có thể làm cái mới cho cô ấy.

Lúc đó Dịch Huyền cũng phản ứng như thế này.
Nhưng lúc đó, trời băng tuyết, không thể chạy ra ngoài được, Dịch Huyền chỉ có thể cúi đầu, lắc đầu rồi nói nhỏ: "Tôi...!tôi chưa có."
Hà Điền nghe xong sững sờ, vội vàng an ủi: "Không sao, không sao đâu! Tôi đọc trong sách thấy có người hai mươi mấy tuổi mới có kinh lần đầu.

Có người cả đời cũng không có, hoặc là có nhưng cũng chỉ có một ít, cái này gọi là "trễ kinh"...!Đừng lo lắng...!À, mà không có có khi cũng tốt, đỡ phiền phức hơn rất nhiều."
Cô vội vàng nói một tràng, khi nhìn thấy đầu của Dịch Huyền gần như rũ xuống ngực, cô liền im bặt.
Lúc trước khi vừa mới gặp Dịch Huyền, Hà Điền đã vô cùng kinh ngạc, cô sợ người đẹp nũng nịu này không dễ hầu hạ, sau đó thì lại thay đổi suy nghĩ, dần dần cô cảm thấy đứa nhỏ này thực sự có chút thiếu tự tin.

Có lẽ là bởi vì mặc dù cô ấy trông đẹp, vóc dáng cũng cao, nhưng bộ ngực thì lại phẳng lì, thậm chí còn chưa có kinh, giống như một cô gái nhỏ chưa lớn.
Hà Điền suy nghĩ một lúc thì mua bốn cái.

Biết đâu một ngày nào đó Dịch Huyền sẽ có kinh, bây giờ mua nhiều thêm một bộ, sau này làm quà tặng!
Sau khi mua những thứ này xong, Hà Điền đi mua bột mì, gạo, muối và đường.
Dịch Huyền đề nghị: "Không bằng mua nhiều hơn một chút."
"Tại sao?" Muối và đường thì không sao cả, dễ bảo quản và ít khi hỏng, nhưng bột và gạo sẽ hỏng nếu để lâu.
Dịch Huyền nói: "Ai biết được năm sau sẽ như thế nào? Có thay đổi chủ thành nữa hay không? Cho dù không, vậy năm sau chủ thành có dùng binh lính để đánh nhau không? Hay là sẽ tăng thuế? Muối và đường cũng không dễ hư hỏng, nên cô cứ mua thêm tích trữ đi."
Hà Điền nghĩ lại cũng thấy có lý.

Vì vậy, Dịch Huyền đã dùng tiền của mình để mua rất nhiều muối.
Trên chợ còn có bán men rượu, con men và nhiều loại nước sốt.

Dịch Huyền thấy nên cũng đã mua không ít, chẳng mấy chốc chiếc giỏ ở sau lưng đã bị nhét tràn đầy.
Ngoài ra còn có các loại thuốc pha chế sẵn mua không cần đơn, anh không hề tiếc tiền mua một đống lớn về, Hà Điền thấy mà không khỏi đau lòng cho túi tiền.
Đi hết chợ chính thức, họ đến chợ buôn bán của người dân miền núi ở bãi sông, ở đây đồ đạc bày bừa ngổn ngang, còn trông lộn xộn hơn gấp bội.
Rất nhiều người bán hoặc trao đổi sản phẩm độc đáo của gia đình họ.
Dịch Huyền nhìn thấy có một sạp hàng bán đồ vải, dựa theo hiểu biết ​​của anh thì chất lượng vải này rất tốt, không khỏi có chút kinh ngạc, vội vàng kéo Hà Điền đến sạp hàng xem.
Sau khi đến gần, anh phát hiện sạp hàng này còn bán vải lanh có màu trắng, sợi vải khít và bền chặc, sờ vào mát lạnh.
Có rất nhiều người vây xem, người bán vải là một thanh niên trạc 20 tuổi, vải đều được cho vào sọt tre rồi đặt trên một chiếc xe kéo hàng, anh ta cười chất phác, nói: "Vải này rất thích hợp làm quần áo mùa hè, mọi người xem một chút đi."
Mỗi mảnh vải có chiều rộng dưới 40 cm, phần lớn là vải chưa được nhuộm màu, có màu trắng ngà, trắng sữa, có một ít quầng vàng, một số ít được nhuộm màu thiên thanh và xanh nhạt, còn có màu đỏ tím và xanh đậm, rồi cả màu tương*.
*Màu nước tương, nước sốt.
Hà Điền hỏi giá tiền, nhìn vào tấm vải đang mở, ước tính một tấm vải như vậy có thể may một chiếc váy dài tay, hoặc là một chiếc áo cộc tay và quần dài, còn về phần Dịch Huyền thì có lẽ phải mất một tấm rưỡi thì mới có thể làm một bộ quần áo mùa hè được.
Một tấm vải tương đương với giá của một bộ lông chồn đen đắt tiền.
Giá thực tế đắt hơn nhiều so với vải cotton mỏng bán ngoài thị trường chính thức, nên có một số người nói với họ về chuyện giá cả: "Những tấm vải cotton đó còn in, hơn nữa hoa văn và màu sắc tốt hơn vải của nhà cậu nhiều, chúng mỏng, thoáng khí, cũng không phai màu.

Sao của nhà cậu lại mắt như vậy?"
Người đàn ông đứng trước sạp hàng hơi vụng về, chỉ biết cười làm lành: "Vải của chúng tôi cũng rất tốt." Nhưng anh ta không thể nói nó tốt như thế nào và nó có ưu điểm gì so với vải bông.
Có một cô gái trẻ ngồi sau quầy hàng, trông như em gái của người đàn ông, miệng còn khéo léo hơn anh trai mình: "Cô ơi, nếu cô mua cho con gái và con dâu mới cưới thì đương nhiên phải mua vải hoa của người khác, nhưng nếu cô tự mặc thì không phải con thổi phồng chứ vải lanh bền hơn nhiều so với vải cotton, cũng mát và thoáng khí hơn ạ.

Cô không tin thì sờ thử xem? Ở đây con có một miếng vải cotton nhỏ, cô kéo thử rồi so sánh với vải lanh của nhà con xem con nói có đúng không.


Nếu cô ở nhà làm việc, muốn mặc bền, mặc mát mẻ thì vải lanh là lựa chọn tốt nhất.

Tuy màu sắc và hoa văn không được đa dạng nhưng không sao đâu cô ạ.

Cô mua một tấm màu xanh lam về may cho chồng, cho con trai ở nhà, mua cho mình một tấm màu tím, ở nhà có người già hoặc những người không thích màu tối thì màu xanh thẫm hay xanh nhạt cũng rất đẹp.

Hoặc nếu cô khéo tay thì kết hợp nhiều màu lại với nhau...!" Cô ấy chỉ vào chiếc áo khoác lông thỏ đang mặc trên người: "Trông cũng không tệ đâu ạ."
Áo khoác của cô ấy được may bằng ba màu vải lanh, màu xanh lam đậm, tím và xanh thẫm.

Trông thật sự rất đẹp.
Chiếc áo khoác mà anh trai cô ấy mặc cũng may vải chắp vá, một bên là vải màu xanh lam đậm và màu tương được cắt thành dải hình chữ nhật, khâu không đúng màu, mặc còn lại là màu xanh đậm, cũng rất đẹp.
Dịch Huyền bị thu hút bởi quần áo trên người hai anh em này nên mới muốn đến xem thử, nó khá khác biệt so với những người khác.
Người mua là người phải biết nhìn hàng.
Tất nhiên là bà cô này biết nhìn hàng, sau khi nghe cô gái nói vậy thì đã rục rịch rồi, bà ấy sờ thử quần áo may sẵn của anh em họ, tính toán giá cả, rồi trả tiền.
Anh trai của cô gái kia tuy ăn nói vụng về, nhưng tính toán thì lại làm rất nhanh, tất cả đều tính nhẩm, vừa chuẩn vừa nhanh.

Có người mua bằng tiền mặt, cũng có người đổi bằng lông chồn.
Bán vải rồi, cô gái còn đưa cho người mua một túi hạt lanh: "Loại cây này rất dễ trồng, chỉ cần bốn tháng là có thể thu hoạch được.

Gia đình con sống ở một ngôi làng gần đây.

Cô hỏi "nhà Tam Tam dệt vải" thì ai cũng biết.

Cầm cây lanh thu hoạch được đến mua vải con sẽ giảm giá cho cô! Nhà con cũng thu mua cây gai dầu, nhưng với điều kiện là...!nó phải khô ạ."
Lập tức có rất nhiều người hỏi cách trồng cây lanh, rồi đến nhà cô ấy đi như thế nào, giá cả ra sao.
Còn có người hỏi cô ấy có nhận người học việc hay không.

Những người khác thì hỏi liệu họ có thể mua vải và may chúng theo phong cách quần áo của anh em nhà cô ấy không.
Hà Điền nói nhỏ với Dịch Huyền: "Cô gái này thông minh thật.

Cô ấy đã dụ người ta trồng cây lanh, rồi còn mua vải của cô ấy, thậm chí nói sẽ giảm giá.

Nhà bọn họ chắc là nhiều quá không ai chăm sóc hết được nên mới ủng hộ người khác trồng."
Dịch Huyền chỉ cảm thấy Hà Điền kề ở bên tai mình không ngừng thì thầm làm lỗ tai anh như muốn mềm nhũn cả ra, bất kể cô nói gì cũng gật đầu.
Chờ những người phía trước giải tán xong, Hà Điền lại siết chặt tay anh, lúc này anh mới nhận ra cô gái gọi là Tam Tam kia bị cà thọt.
Sau khi xảy ra thiên tai, vì thiếu thốn vắc xin mà rất nhiều căn bệnh vốn đã biến mất nay lại xuất hiện trở lại.


Bệnh bại liệt chính là một trong số đó.
Không chỉ ở những khu rừng xa xôi mà ngay cả ở các thành phố, trẻ em nghèo không đủ tiền mua vắc xin cũng mắc căn bệnh này.
Thợ săn bị thọt hoạt động rất bất tiện, họ chỉ có thể dựa vào bẫy để săn, và thu hoạch cũng ít hơn rất nhiều.
Để mưu sinh trên núi, đốn củi lấy nước, phá băng và đánh cá, ngay cả người bình thường làm việc cũng phải tốn không ít sức, huống chi là người tàn tật.
Nhưng người thợ dệt vải lanh Tam Tam này rất thông minh, cô ấy đã đem công việc trồng trọt này đẩy ra ngoài.

Đây là công việc đòi hỏi thể chất phải thật khỏe.

Cây lanh ưa môi trường ẩm nên phải trồng ở nơi nhiều nước, sau khi thu hoạch thì phải phơi khô, đập dập, rồi cột thành bó...!công đoạn nào cũng đều cần đến thể lực.
Nhưng đối với cái khung dệt ở nhà, Hà Điền cũng có giỏi mấy đâu, cái nghề quay tơ, dệt vải này thọt hay không thọt đâu có liên quan gì, chủ yếu là dựa vào kỹ thuật giỏi.
Nghề của Tam Tam là công việc dựa vào kỹ thuật, việc tốn thể lực thì có thể thuê người khác làm.

Cô ấy đã đi một lối tắt, tìm cho mình một con đường kiếm tiền.
Cuối cùng cũng đã đến lượt Hà Điền và Dịch Huyền, Hà Điền hỏi sở thích của Dịch Huyền, cô mua ba tấm vải màu thiên thanh và ba tấm màu nguyên bản, còn mua hai tấm màu trắng, rồi giao tiếp với Tam Tam một lúc.
Kết quả của cuộc trao đổi là Tam Tam đưa cho Hà Điền hai gói hạt lanh, còn vuốt ve đầu của Lúa Mì, lấy một chiếc khăn nhỏ hình vuông cùng màu với bộ lông, buộc quanh cổ cho nó.
Lần này thật đúng là thắng lợi trở về.
Mạn thuyền lúc này chỉ cao hơn mặt nước khoảng 20 đến 30 cm.
Tâm trạng trên đường về lại càng khác với tâm trạng lúc trước, hai người vừa chèo thuyền vừa cười vừa nói, chỉ kém hát lên nữa mà thôi.
Khi gần về đến nhà, Hà Điền chỉ huy, chèo thuyền vào ngã rẽ.
Đây là đầu một nhánh sông, con sông nhỏ chỉ rộng sáu bảy mét, sâu hai ba mét, Hà Điền nhảy lên bờ, Dịch Huyền cấm sào trúc xuống bùn bên cạnh bờ, cột thuyền xong thì cũng nhảy lên theo.

Lúa Mì nhìn thấy hai người đều đi, sủa mấy lần mà cũng không ai thèm ôm nó xuống, nó đành phải ghé vào mạn thuyền, hai chân sau nhỏ xíu hết ngồi xuống rồi lại đứng lên, lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, nó gấp đến độ sủa lên, chợt lấy trớn, nhảy lên bờ, đuổi theo hai người chủ không có lương tâm kia.
Chờ nó đuổi kịp, Hà Điền ngồi xổm xuống sờ sờ cái đầu nhỏ của nó, rồi đút cho nó một miếng đồ ăn ngon, là gan vịt nấu chín.
Hà Điền chặt một ít nhánh cây, tất cả đều chặt thành từng đoạn dài hơn một mét và bó lại thành bó với đường kính 30 cm, cô và Dịch Huyền mỗi người kéo theo một bó ném xuống sông gần bờ nơi có dòng nước chảy nhẹ, rồi lại vuốt nhọn một nhánh cây khác cấm xuống đáy sông để cố định bó nhánh cây đó lại, bên trên thì dùng dây thừng buộc lại, vậy là đã hoàn thành.
Bó nhánh cây này chìm dưới đáy sông, sẽ có rất nhiều tôm sông, chạch, cá nhỏ, và cua coi nó là nhà, sau khi vớt lên đưa lên thuyền, lắc vài cái thì chúng sẽ rơi ra, rất nhiều.
Từ bờ sông đi bộ thêm vào, chẳng mấy chốc nơi đây đã trở thành một vùng đầm lầy thông nhau bằng những ao lớn nhỏ, trên bãi cỏ có đầy những chiếc ổ được làm bằng lông vũ và lá cỏ.

Vô số vịt trời nổi lềnh bềnh trên mặt ao, lẫn lộn với nhiều loài chim nước.
Hà Điền ném cho Dịch Huyền một chiếc giỏ được bện từ rơm, cả hai lần lượt nhặt trứng trong ổ.
Lúa Mì nhìn thấy trên mặt đất có rất nhiều trứng, vốn mừng rỡ muốn phát điên, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt của cô chủ nhà mình, nó nhanh chóng kiềm chế lại, rụt rè đi theo sau Hà Điền.
Về đến nhà, Hà Điền nấu cháo kê đã được ngâm cả một ngày, đập vỡ sáu quả trứng rồi để Dịch Huyền khuấy trứng lên.
Cô rửa sạch ba củ khoai tây lớn, gọt vỏ, cắt thành từng lát dày từ hai đến ba mm, rồi lại cắt một củ hành tây, thịt thỏ xông khói cũng cắt thành từng lát mỏng.
Sau khi chuẩn bị xong những thứ này, cháo kê cũng đã được nấu trong nửa giờ.
Hà Điền nhắt cháo kê xuống, đặt chảo lên, đầu tiên, cô phi củ hành với mỡ ngỗng cho đến khi vàng, sau đó trải một lớp khoai tây lên mặt phẳng, sau đó nữa thì trải một lớp thịt xông khói, và cuối cùng lại là một lớp khoai tây.

Lúc này, cho một chút muối vào hỗn hợp trứng, đổ vào chảo, lắc nhẹ.
Một lúc sau, mùi thơm của trứng, thịt, khoai tây tràn ngập khắp nhà, làm cho Lúa Mì cũng nuốt nước miếng.
Sau khi chiên xong trứng, Hà Điền úp ngược một chiếc dĩa sứ lớn lên chảo, một tay giữ tay cầm chảo và dùng tay kia ấn vào dĩa, lật ngược lại, trứng chiên đã rơi xuống dĩa.
Khi ăn thì dùng dao cắt thành từng phần như cắt bánh ngọt, nhìn từ bên cạnh sẽ thấy trứng vàng, khoai tây, thịt hồng xếp so le nhau thành từng lớp, trông như hoa văn cẩm thạch.
Khi nếm thử, khoai tây ở giữa mềm và dẻo, phần dưới hơi cháy, thịt xông khói mặn và dai, trứng ngọt và bùi, kết cấu và hương vị rất đậm đà, lại kết hợp với cháo kê, bữa ăn này ăn vô cùng thỏa mãn.
Lúc này, mặt trời ngoài cửa sổ bắt đầu lặn, ánh vàng cam nhuộm vàng cành lá trong rừng cây, dưới bệ cửa sổ, nhiều miếng khoai lang trong cốc gốm bắt đầu mọc lên những chồi non xanh biếc.
Trong nhà đầy ấp tiếng cười, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng chó sủa, ngoài trời, các loại cây trồng trên mảnh đất trồng đang lặng lẽ phát triển, cố gắng hấp thụ ánh nắng quý giá nhất của mùa xuân.
Tác giả:
Có bạn cmt cho tôi: "Đồ nhựa trải qua hàng trăm năm cũng sẽ không bị phân hủy." và "Không có lò điện thì không thể nung loại gốm có chất lượng cao như thế này được." Tôi đã trả lời tin nhắn nhưng dường như không có hồi âm.

Ừm.


Để giải thích lại một chút, bối cảnh của truyện này là...!một trăm năm sau khi thảm họa xảy ra và bước vào thời kỳ giá lạnh toàn cầu.
"Nhựa sẽ không phân hủy trong hàng trăm năm" - không chính xác.

Đúng là có nhiều loại nhựa không bị phân hủy hoặc biến chất trong hàng trăm năm.

Tuy nhiên, nhiệt độ cao và độ lạnh khắc nghiệt sẽ làm giảm tuổi thọ của các sản phẩm nhựa.

Ví dụ, một chai nhựa có thể bị vỡ dưới nhiệt độ cao hoặc cái lạnh khắc nghiệt.

Các mảnh vỡ có thể vẫn còn, sau hàng trăm năm nữa mới có thể bị xuống cấp, nhưng nó không thể sử dụng được nữa.

Có đúng không?
Các bạn ở khu vực Đông Bắc hoặc Bắc Mỹ có thể sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong trường hợp này.

Có một lần tôi mua một chiếc lược massage trên mạng, khi mở ra thì thấy nó đã bể nát rồi.

Nhiệt độ ngoài trời nơi tôi sống là âm 30 độ.

Cùng một chiếc lược, sau này ở Singapore tôi đã mua một chiếc khác, nó mềm đến mức có thể cuộn lại.
Bạn thử nghĩ lại xem, sau thảm họa tuyết rơi 8 năm, tại sao Quý Châu lại mất điện một thời gian dài? Vì các dây cáp đều bị đứt.

Mưa đóng băng tạo thành băng trên dây cáp và làm đứt cáp.
Mất điện, xăng dầu trở thành nguồn năng lượng chính, việc sửa chữa trở nên rất khó khăn.

Nếu thời tiết khắc nghiệt như vậy kéo dài hàng chục, hàng trăm năm thì sao?
Còn nói về việc dùng gốm sứ như một vật liệu cách nhiệt.
Nếu muốn thống nhất các tiêu chuẩn, có độ chính xác và sản xuất hàng loạt, thì điều khiển điện tử là thực sự cần thiết, nhưng nếu các tiêu chuẩn được nới lỏng thì sao? Cũng như độ tỉ mỉ cao cũng không còn mấy quan trọng nữa? Vậy nên có thể dùng ống gốm mà đúng không?
Người La Mã cổ đại đã làm điều đó.

Họ sử dụng ống gốm để vận chuyển nước, và họ cũng dùng nó làm ống thoát nước ở trong nhà vệ sinh công cộng và phòng tắm.

Tuy nhiên, về sau các đường ống dẫn nước đã được đổi thành ống chì, một số học giả cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của La Mã.
Tôi nói vậy là để cho mọi người hiểu thêm hơn về bối cảnh thế giới của truyện này.
Trước đây có người hỏi, một thảm họa có thể khiến cho loài người chỉ còn lại một phần nghìn dân số?
Nếu quan tâm, mọi người có thể tìm kiếm "Thảm họa Toba" (Toba catastrophe theory).

Có bằng chứng địa chất cho điều này, và bây giờ nó cũng được chứng minh từ quan điểm di truyền rằng chỉ một bộ phận người dân ở Châu Phi sống sót sau thảm họa này.
Hơn một nghìn người này là tổ tiên của loài người bây giờ.

Mọi người nghĩ xem, vào thời điểm đó, toàn bộ con người trên khắp thế giới cũng không thể lấp đầy một rạp chiếu phim hoặc một trung tâm mua sắm lớn.
Những thảm họa lớn sẽ gây ra nhiều hậu quả liên hoàn, cũng như không có nghĩa, khi mực nước biển dâng cao thì chỉ những khu vực gần biển mới bị ngập lụt.
Nếu thực sự không thể tưởng tượng được, mọi người có thể xem bộ phim thảm họa "The day after tomorrow" (Ngày mốt).
Cuối cùng, xin chúc mọi người ăn được, ngủ ngon, an yên vui vẻ..


Bình luận

Truyện đang đọc