CUỘC SỐNG CỦA HAI NGƯỜI Ở RỪNG RẬM


Công việc của mùa hè dường như không bao giờ kết thúc.
Thật ra, Hà Điền cũng hy vọng nó sẽ không bao giờ kết thúc, có nghĩa là mùa hè vẫn còn.

Bởi vì một khi mùa hè kết thúc, có rất nhiều việc muốn làm nhưng không thể nào làm được.
Từ mùa thu năm ngoái đến giờ, da thú tích cóp cả năm trời cũng đã đến lúc đem ra thuộc da nhân lúc ánh nắng dồi dào.
Thu đông năm ngoái Hà Điền đã bắt được ba con hoẵng, một con chó lửng và một con gấu mèo, vài con thỏ và sóc.

Cô cũng để lại một vài mảnh lông chồn, tất cả đều bị hư tổn.

Những người thu mua lông chồn kia sẽ ra giá rất thấp, tốt hơn hết là giữ lại cho mình dùng.
Hơn nữa với số lông chồn tích lũy được trong những năm này, cô muốn làm một chiếc áo ngoài cộc tay cho Dịch Huyền.

Những bộ quần áo anh mặc vào mùa đông năm ngoái đều được sửa lại từ quần áo cũ.

Năm nay dù sao cũng phải làm một số quần áo mới chứ nhỉ?
Áo cộc tay lông chồn khoác ngoài áo đơn, sau đó khoác thêm lớp áo khoác bông, rất ấm.

Lúc ra ngoài thì khoác thêm áo lông hươu, tuy trông béo như một con gấu nhưng lại vô cùng ấm áp.

Áo cộc tay không có tay áo, có thể bảo vệ nhiệt độ của cơ thể mà không làm cho cánh tay khó cong hơn.

Điều này đặc biệt quan trọng khi hoạt động ở bên ngoài.
Thuộc da cũng có một xưởng chuyên dụng.
Xưởng này đơn giản hơn xưởng gốm rất nhiều, được xây dựng cách vườn rau đi hơn mười phút, nằm cạnh rừng cây ven sông.
Dịch Huyền sẽ sớm hiểu tại sao xưởng đồ da lại được xây dựng ở đây.
Trong tự nhiên, sau khi bắt được con mồi thì phải nhanh chóng lột sạch da, loại bỏ máu và nội tạng càng sớm càng tốt, nếu không thịt có thể bị bở và có mùi vị không ngon.

Nếu gần đó có những động vật săn mồi lớn, mùi máu của con vật bị săn bắt có khả năng sẽ thu hút chúng, đến lúc đó có thể người thợ săn sẽ trở thành con mồi và bị săn đuổi.
Cho nên cần phải xử lý con mồi càng sớm càng tốt, giấu thịt và cuộn da lại với lớp da hướng ra ngoài rồi mang về nhà.
Da sau khi bóc ra thường vẫn còn nhiều mỡ và thịt dư, sau khi đem phơi ngoài trời cho khô, có thể thấy được chúng đã chuyển thành một lớp màng màu vàng nhạt.
Trước khi thuộc da, lớp da này khô cứng như vỏ cây vậy.

Phải đem chúng đi ngâm cho mềm rồi mới thực hiện bước tiếp theo.
Ngay khi mở xưởng, đầu tiên họ lăn mấy thùng gỗ lớn ra, lấy nước sông đổ vào, sau đó cho da cứng vào, dùng đá to đè lên, để cho ngập hẳn trong nước rồi mới đậy tấm che bằng tre bên trên.
Sau hai hoặc ba ngày ngâm nước, Hà Điền và Dịch Huyền quay trở lại, từ xa họ đã có thể ngửi thấy một mùi rất gay mũi.

Ruồi vo ve quanh thùng, bu trên tấm che bằng tre không chịu rời đi.
Hà Điền lấy hai miếng gạc thật mỏng, đội nón rồi trùm nó lên đầu, cột chặt quanh cổ, sau đó nhét vào cổ áo.
"Làm vậy thì lũ ruồi không bay đến mặt anh được." Cô cười hì hì, cầm miếng gạc thắt nút dưới cổ Dịch Huyền.
Ngăn cách bởi hai lớp sợi lưới, cô cũng có thể nhìn thấy sự khó chịu của anh.
Cô thậm chí còn cố tình trêu anh: "Tất cả những đồ lông thú anh mặc đều được làm như thế này đấy!"
"Tôi biết chứ!"
"Vậy thì mau đi làm!"

Như Hà Điền nói, ngay sau khi tấm che bằng tre được nhấc lên, một bầy ruồi bay điên cuồng và liên tục va vào lưới trước mặt anh.
Đầu tiên cả hai chuyển một chiếc thùng gỗ đến trước cửa xưởng, nghiêng thùng xuống, đổ nước hôi bên trong rồi cho da vào một cái giỏ, đem ra sông rửa sạch.
Trên đường đi, nước hôi trong giỏ nhỏ xuống, ruồi nhặng bám theo, sau khi nhúng giỏ xuống nước chúng cũng không muốn rời, bay vo ve trên mặt nước.
Sau khi rửa lại, mùi da nhẹ đi rất nhiều, nhiều mỡ và thịt thối cũng trôi theo sông trong quá trình rửa.

Sau đó cho da vào giỏ và mang về xưởng.
Tiếp theo sẽ cạo da.

Mặc dù bây giờ da trông sạch sẽ hơn nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều mỡ, mô và thịt dư trên đó, tất cả đều bị ngâm nước đến mềm nát.
Nơi cạo là một chiếc cọc gỗ lớn được đóng vào giá gỗ chắc chắn, nghiêng bốn mươi lăm độ.

Đặt miếng da ướt lên, mặt da hướng lên trên, mặt lông hướng xuống, các góc thì được cố định trên giá.
Hà Điền đưa cho Dịch Huyền một cái đồ cạo bằng xương: "Cái này làm bằng xương chân tuần lộc.

Rất dễ cạo."
Bản thân cô cũng dùng một cái dao tre trông giống như vầng trăng khuyết.
Lần đầu tiên cô làm mẫu cho Dịch Huyền xem, hai tay cầm hai bên dao cạo, ấn vào da, dùng lực cạo từ trên xuống dưới, lưỡi dao tre ngay lập tức đẩy ra một lớp mỡ dầy, nơi mà dao tre lướt qua trông khác hẳn với những chỗ chưa được cạo.
Di chuyển da, cạo toàn bộ rồi đem xuống sông rửa sạch, sau đó lại cạo lại.
Đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều thể lực, Hà Điền cạo xong một miếng da hoẵng, sau đó mang tấm da ra sông, lúc này đã bắt đầu thở hổn hển.
Còn Dịch Huyền thì khác, anh chỉ cần cạo vài cái là xong, sức của anh rất mạnh, lực tay lại đều, cạo rất sạch.
Không biết có phải là do sử dụng dao điêu luyện hay không nữa? Hà Điền nói thầm trong lòng.
Kể từ khi Dịch Huyền đến nhà Hà Điền, ​​chỉ cần là công việc thủ công, như là bện giày rơm, lột da chồn, làm đồ gốm, thậm chí đốt lửa nấu ăn, anh không thể nào làm được một cách nhuần nhuyễn, khiến anh cả ngày nghi ngờ có phải là tay chân mình vụng về hay không? Hoặc là do mình không khéo tay? Hôm nay là lần đầu tiên! Đây là lần đầu tiên anh học làm thủ công vừa học đã biết, thậm chí còn giỏi hơn Hà Điền! Đúng thật là trò giỏi hơn thầy mà!
Anh còn chưa kịp đắc ý thì đã nghe thấy Hà Điền hỏi: "Anh vẫn thường mang theo hai con dao bên mình sao?"
Anh cười khẽ: "Đâu có!" Anh duỗi tay đến trước mặt Hà Điền: "Cô tự nhìn xem!"
Dưới tay áo mỏng, thật sự không nhìn thấy bất kỳ con dao nào cả.
"Anh giấu dao ở đâu vậy?" Hà Điền rất tò mò về điều này.
Nhà của họ nói lớn cũng không lớn, chỉ là một căn nhà gỗ rộng mười mét vuông, hầu như đồ đạc, vật dụng đều được sử dụng hàng ngày, không có không gian dư thừa để giấu đồ.

Mà nói nhỏ thì kỳ thật cũng không nhỏ.

Bên ngoài nhà gỗ có vài cái kho.

Chứa cỏ khô, dụng cụ, bình gốm...!Còn cả một cánh rừng rộng lớn, nếu muốn giấu hai con dao nhỏ, ở đâu mà chẳng được.
Dịch Huyền cười đắc chí: "Cô đoán đi."
Hà Điền đoán vài chỗ, nhưng anh vẫn lắc đầu, cười càng lúc càng vui vẻ.
Hà Điền thầm nghĩ, như vậy cũng tốt, chọc cho anh vui vẻ, không cần phải suốt ngày cau mày khó chịu nữa.
"Nói cho cô biết, tôi không chỉ có hai con dao kia thôi đâu!"
"Hả? Không thể nào! Lúc tôi cõng anh về..." Hà Điền nhớ lại: "Tôi lật người anh một lượt...!hình như không có."
Dịch Huyền quay đầu lại nhìn cô, đột nhiên nói với một giọng điệu kỳ lạ: "Chắc là cô mò không đúng chỗ rồi."
Hà Điền sửng sốt trong chốc lát, đột nhiên cười đến kỳ quái: "Hahahaha, hahaha!"
Dịch Huyền khó hiểu: "Cô cười gì?" Tại sao lại có phản ứng này? Kỳ lạ.
Hà Điền nín cười, như tên trộm tiến lại gần Dịch Huyền, thì thầm: "Đại hiệp à, ngài đã nghe qua câu chuyện về Ngư trường kiếm* chưa?"
* 鱼肠剑: Kiếm ngư trường, một thanh kiếm nổi tiếng thời cổ đại, có thể gọi là dao găm thì đúng hơn, bởi vì nó ngắn, được Chuyên Chư giấu ở trong bụng cá để ám sát vua nước Ngô.


Trong câu này của Hà Điền chắc còn mang một hàm ý nào đó?!
Dịch Huyền giật mình, lúc này mới hiểu Hà Điền đang ám chỉ cái gì, anh bị giỡn ngược lại rồi!
Anh bực mình buông đồ cạo trong tay xuống, túm lấy Hà Điền, cô cũng đã đoán được chuyện chẳng lành từ lâu nên đã quăng dao tre bỏ chạy.
Cả hai cười đùa chạy vào lùm cây, ngồi trên một tảng đá, nhìn nhau cười khúc khích.
Dịch Huyền đột nhiên cười to, chỉ vào đầu mình: "Cô biết không, hai chúng ta bây giờ đó hả, trông không khác gì một chum sốt tương lên men vậy."
"Hả, nhà mình không có tương lên men.

Khoan? Chờ đã, anh cũng biết tương lên men nữa sao? Vậy mà anh còn nói với tôi là nước sốt đậu cay được làm bằng đậu nành? Người ta làm bằng đậu tằm đó!"
Nói đến đây, Dịch Huyền cũng hơi ngượng ngùng nhưng không nhắc đến tương đậu nữa: "Thành phố nơi tôi sống có bãi cát ven sông.

Hàng năm trồng rất nhiều dưa hấu.

Đến hè, mọi người thường hay trộn đậu nành hấp rồi ủ trong chậu cho lên men, sau đó cho dưa hấu vào, làm ra sốt tương có màu đỏ, dùng để xào thịt ăn rất ngon.

Nhưng mà mùi của sốt tương khi lên men cũng không thua kém gì thùng gỗ ngâm da, thu hút rất nhiều ruồi, nên phải dùng gạc quấn chum lại." Anh lại chỉ vào chiếc nón phủ đầy vải gạc của họ.
Hà Điền tưởng tượng ra cảnh tượng đó, cười cười cởi nón trên đầu xuống, nắm lấy trong tay quạt nhẹ: "Đợi dưa hấu chín, chúng ta cũng sẽ làm sốt tương.

Này, anh chắc chắn là loại tương này làm từ đậu nành đúng không?"
"Chắc chắn! Cô đừng nghĩ tôi chỉ biết ăn thôi có được không vậy? Tôi biết ba cách làm bánh trứng đường lận đó!"
"Lý thuyết, anh chỉ biết lý thuyết suông thôi."
"Đợi nhặt trứng xong, tôi sẽ làm cho cô xem!"
"Ừ đợi thì đợi!"
Trong rừng có gió nhẹ, cả hai nói chuyện một lúc, nghỉ ngơi một hồi rồi lại đội nón lên quay lại cạo da.
Hà Điền nhìn thấy kỹ năng cạo da của Dịch Huyền, lại nghĩ đến chủ đề vừa rồi, không nhịn được đánh giá Dịch Huyền một lượt.
Anh đang mặc quần áo mùa hè do cô may.

Đó là một chiếc áo dài tay và một chiếc quần dài bằng vải lanh mua của nhà Tam Tam.

Để tiết kiệm vải, mặt trước của áo khoác, từ đường ngực đến đường viền cổ được làm bằng hai tấm vải hình thang.

Dưới đường ngực là toàn bộ mảnh vải được may thành hình trụ, kiểu cắt này thường được người miền núi sử dụng, nam nữ đều mặc được, nhưng có lẽ nó chỉ hợp với những người có vai rộng và eo thon như anh.
Quần áo rất mỏng, khi Dịch Huyền cạo da, vải kéo lên những nếp gấp nông, cô có thể lờ mờ nhìn thấy cử động của cánh tay, cơ ngực và lưng.

Nếu con dao được giấu trong quần áo như vậy thì không thể nào không có dấu vết gì được.
Cô lại nhìn vào thắt lưng của anh.
Để mang theo các loại dụng cụ, thắt lưng mà Hà Điền làm cho mình và Dịch Huyền đều rộng 15 cm, mùa thu đông thì làm bằng da, mùa hè thì dùng hai lớp vải, đục lỗ rồi khâu làm thắt lưng.

Họ có thể treo một con dao, kéo tre, một ống trúc nhỏ đựng diêm vào thắt lưng, hoặc thậm chí là một số rìu nhỏ (chỉ có Hà Điền làm vậy).

Nếu đi ra ngoài, còn có thể treo túi rơm đựng xà phòng, hoặc túi chứa dược liệu xua đuổi côn trùng.


Lúc Đoan ngọ thì đeo chuỗi dây gói nhỏ làm từ lá hương bồ.
Vòng eo của Dịch Huyền rất gầy, đặc biệt là khi nó được kết hợp bởi bờ vai rộng, trông càng gầy hơn.

Rõ ràng là trên thắt lưng cũng không có.
Vậy thì...
Đột nhiên cô lại nghĩ đến bộ dạng không mặc áo của anh.
Ừm......
Có lẽ anh đã giấu con dao ở nơi có đuôi rồng rồi.
Cô nghĩ như vậy, không tự chủ được cười khẽ một tiếng.
Dịch Huyền quay đầu nhìn cô một cách khó hiểu.
Lúc đầu Hà Điền cũng có chút chột dạ, nhưng khi nhìn thấy bộ dạng trùm vải gạc giống "chum tương" của anh, cô liền cảm thấy an tâm, mạnh dạn nhìn lại anh.
Dù sao thì cách hai lớp vải gạc, anh cũng không thể nhìn thấy tôi đang nhìn gì!
"Cô đang nhìn gì vậy?" Dịch Huyền hỏi.
Hà Điền cười: "Ha ha, tôi không nhìn gì cả."
Cô quay mặt đi, cúi đầu nén cười rồi tiếp tục cạo da.
"Nếu chỉ muốn da thì bây giờ có thể cạo hết lông ở trên da đi.

Còn muốn có lông thì chúng ta cũng bớt việc được một chút."
"Vậy thì lấy lông!" Dịch Huyền cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi.
"Ừ.

Nhưng da thỏ và da sóc này thì phải cạo đi.

Tôi muốn dùng chúng để làm bao tay và giày."
Sau khi cạo da xong bước đầu tiên.

Tiếp theo sẽ đến phần kinh tởm nhất.
Thuộc da.
Bôi đều thuốc dùng để nitrat hóa lên da, sau đó dùng đinh tre đục một lỗ nhỏ trên mép da rồi cố định trên tấm ván bạch dương mỏng, hoặc dùng dây thừng xuyên qua lỗ và căng da quanh một vòng tre tròn.
Miếng da cố định được treo ngoài không khí, sau khi khô thì bôi một lớp thuốc, sau đó lau khô, rồi lặp lại vài lần.
Thuốc có mùi rất hắc, nếu phải cùng lúc thuộc nhiều tấm da, mắt cũng sẽ bị làm cho cay đến chảy nước mắt.
Nitrat, muối, phèn,...!đều có thể tạo thành dung dịch nitrat hóa, nếu thật sự không có những thứ này thì ngâm da vào trong nước cỏ cây thối rữa cũng được.

Còn nếu không có gì cả, có một trong những phương pháp kinh tởm nhất, đó là dùng óc động vật, thêm nước, nghiền nát, trộn thành hỗn hợp sền sệt rồi đắp lên da.
Phương pháp nitrat hóa này rất khó chịu.

Nhưng da sau khi thuộc xong lại mềm nhất.
Sau khi nitrat hóa xong thì xoa da, để da phục hồi độ đàn hồi.
Đối với những miếng da lớn như da hoẵng, da hươu, da sói, hai người mỗi người cầm một bên rồi đặt miếng da lên giá gỗ đã cạo, với mặt da hướng xuống và mặt lông hướng lên trên, kéo căng cứng rồi kéo qua kéo lại.

Lúc kéo thì dùng sức căng da ra, da sẽ trở nên mềm và mịn hơn.
Đối với da nhỏ hơn, chẳng hạn như da thỏ, thì chỉ có thể tự làm.

Tìm một cái cây có độ to thích hợp, sau đó quấn da quanh thân cây rồi kéo qua kéo lại.

Còn đối với loại da lông mịn như lông chồn thì cần phải dùng đầu gối kéo.
Bước này là công đoạn tốn nhiều công sức và thời gian nhất.
Đối với những loại lông thú cao cấp như chồn hương thì mọi công đoạn phải cẩn thận hơn và mất nhiều thời gian hơn.
Sau khi da chồn được thuộc da xong, mỗi tối trước khi đi ngủ, Hà Điền sẽ mang về cất trong nhà, một là cô sợ bị con vật nào đó cắn, mặt khác cô sẽ nhân lúc thời gian rảnh mà lấy da chồn ra đặt trên đầu gối mình để kéo căng.

Sau khi kéo da, vẫn còn một quá trình khác, đó là xông khói lạnh.
Cạnh xưởng có một cái kho nhỏ, tương tự như cái kho thịt xông khói, nhưng nhỏ hơn nhiều.

Trên xà nhà có treo sẵn dây thừng cột một tấm lưới tre đan rất thưa, tấm da vốn đã mềm được cố định bên dưới tấm lưới tre đó.

Giữa xưởng nhỏ có một đống đá chất thành một hố lửa, đi hái vài cành bạch dương tươi hoặc cành dương đỏ trên rừng về, bỏ cỏ khô vào rồi đốt lửa lên, cành cây nhiều nước sẽ không cháy, mà chỉ từ từ nhả khói.
Nhiệt độ của khói không cao và sẽ không gây hại cho da.

Tùy theo độ lớn của da, sau khi xông khói một hoặc hai ngày, lấy ra, lông có mùi khói thoang thoảng và da hơi ngả sang màu vàng.
Tại thời điểm này, toàn bộ quá trình nitrat hóa đã hoàn tất.
Bước xông khói lạnh này cũng không cần thiết, nhiều người sẽ bỏ qua bước này.

Nhưng da lông sau khi xông khói sẽ không bị ẩm mốc hoặc bị côn trùng cắn.
Da lông thành phẩm mềm, dày, đàn hồi tốt, bề mặt da mịn như lụa, có thể dùng để may các loại quần áo.
Bị kích thích bởi câu nói "anh chỉ biết ăn, chỉ biết lý thuyết suông" của Hà Điền, vào ngày hoàn tất công việc thuộc da, Dịch Huyền đã chủ động đề nghị sẽ nấu bữa tối.
Vì vậy, khi Hà Điền đang bận cắt đồ da ở nhà, anh nấu một nồi cơm rồi cầm rổ đi ra ngoài.
Khoảng hơn chục con tôm mà họ bắt được lần trước đã nhả hết bùn cát, giờ đã có thể ăn được.
Dịch Huyền nhấc chúng lên bờ suối, bỏ đầu, dùng dao rạch lưng, lột sạch vỏ rồi cạo hết đường cát trên lưng đi, rửa sạch, sau đó để ráo.
Đồ da xông khói lạnh đã truyền cảm hứng cho Dịch Huyền và nhắc anh nhớ đến một món ăn mà trước kia anh đã từng ăn.
Anh dùng mấy hòn đá dựng một đống lửa bên bờ suối, nổi lửa lên, anh lại bẻ nhiều cành liễu trong rừng cây bên sông về, một nữa đan thành tấm vỉ lưới hình tròn, một nửa thì cho vào lửa.

Chẳng mấy chốc, lá trên cành liễu cuộn tròn rồi chuyển sang màu vàng, ngọn lửa cũng phụt tắt, khói bốc lên.
Dịch Huyền chặt hai nhánh cây, cắt thành hình chữ Y rồi cắm vào hai bên của đống lửa, gác tấm vỉ tròn bằng cành dương liễu lên, rồi cẩn thận đặt những con tôm đã lột vỏ lên trên.
Sau đó, anh xách rổ ra vườn hái dưa leo và củ cải đỏ rồi rửa sạch bên khe suối, lúc này tôm trên cành dương liễu cũng đã được xông khói xong rồi.
Tôm sau khi bỏ đầu và bỏ vỏ ban đầu có màu trắng như tuyết, nhưng giờ đã teo lại một chút, uốn cong và trở thành màu trắng sữa pha chút vàng xanh.

Anh cho một con tôm vào miệng, nhai vài cái rồi mỉm cười hài lòng.
Dịch Huyền mang lưới và rổ về nhà, cơm cũng đã chín.
Thủ pháp của anh luôn không thể chê vào đâu được, củ cải và dưa leo được anh cắt thành những lát tròn có độ dày bằng nhau, sau đó được xếp thành hình xoắn ốc trên một chiếc dĩa sứ, rồi đặt tôm lên.
Bới hai chén cơm xong, anh tự hào thông báo: "Hà Điền, ​​đến giờ ăn tối rồi."
Hà Điền vừa nhìn vào dĩa liền phải thốt lên lời thán phục.

Những lát dưa leo xanh và củ cải tím hồng rực rỡ trên các cạnh được sắp xếp phức tạp, hiệu ứng hình ảnh thật tuyệt vời.

Những con tôm trông có màu trắng hồng nhưng lại có mùi thơm hơi nhạt của cây cỏ.
Dịch Huyền gắp một con tôm lên đút cho cô.
Hà Điền nếm kỹ thì thấy tôm bóc vỏ vẫn giữ được độ đàn hồi, mọng nước và dày thịt, chỉ cần nêm chút muối, nhưng lại có mùi thơm nhẹ làm nổi bật vị ngọt của tôm: "Làm thế nào vậy?"
Dịch Huyền đắc ý cười: "Hừ, đây là món tôm xông khói lạnh lá liễu.

Thế nào, không tệ đúng không?!"
Hà Điền nở nụ cười: "Thật sự là ngon hơn mì anh nấu nhiều!"
Sau khi ăn xong Dịch Huyền mới nói với Hà Điền món ăn này nấu như thế nào.
"Dùng những lá trà ngon cho vào nồi khô rang trên lửa nhỏ, đặt vỉ sắt lên trên và xông khói cho đến khi tôm uốn cong thì dọn ra đĩa.

Ở đây không có trà nên tôi nghĩ đến việc dùng lá liễu."
Hà Điền nuốt nước miếng: "Tôi thật sự chưa nghĩ tới cách ăn này.

Lá liễu có thể xào ăn hay phơi khô để pha trà được không?"
"Cô có thể thử!" Dịch Huyền tích cực hưởng ứng, trong lòng thầm nói, ha ha, Hà Điền, ​​thời gian để tôi thống lĩnh nhà bếp sắp đến rồi!.


Bình luận

Truyện đang đọc