GIÁO Y, CHÁU LẠI TỚI!

Bình nước, đã mua.


Túi ngủ giữ ấm, đã mua.


Đèn pin, đã mua.


Ổ điện dự phòng, đã mua.


Chu Cát Sa vừa nhìn tờ giấy trên tay mình, đi qua vài kệ hàng lại bỏ thêm đồ vào rổ. Cô nâng chiếc giỏ nặng trịch lên chỗ thanh toán, suy nghĩ vài điều.


Cô thu ngân chăm chú quẹt từng món đồ, đột nhiên bên trên vang lên giọng nói nhẹ nhàng :"Tôi ra lấy thêm đồ, chị chờ tôi được không ?"


Cô thu ngân có chút buồn ngủ mệt mỏi gật đầu, không quên đáp :"Quý khách xem hàng thoải mái."


Vài phút sau, tiếng leng keng phát ra từ một chiếc giỏ đựng đầy đồ thu hút sự chú ý của nhân viên. Chu Cát Sa đặt lên bên cạnh món đồ của mình, nói :"Thanh toán cho tôi cái này nữa."


Cô nhân viên khá ngạc nhiên vì đồ vật đựng trong chiếc giỏ kia, tuy nhiên cô không dám lắm chuyện mà chỉ biết tiếp tục nhập mã.


"Của quý khách tổng cộng là một triệu chín trăm chín mươi ba nghìn."


Chu Cát Sa rút từ trong ví bốn tờ màu xanh, đưa cho nhân viên. Cô thu ngân vội vàng nhận lấy, thối một số tiền lẻ.


Chu Cát Sa hai tay hai túi bước ra khỏi cửa hàng, không khí nóng ẩm ngay lập tức đập vào mặt.


Cô đặt hai chiếc túi xuống, lấy điện thoại đặt xe về kí túc xá. Bỗng dưng ánh mắt cô đụng vào một bóng hình màu đen nằm cuộn tròn cuối góc phố.


Ở đó, có một người ăn mày ngồi bệt trên đường, trước mặt là chiếc bát trống không, dường như sáng nay ông ta không kiếm được chút gì. Điều đó dù sao cũng có thể hiểu được, trời nóng nực như thế này, ai ai ngoài đường cũng chỉ mau mau chóng chóng để có thể về nhà, làm sao có thời gian để tiếc thương đồng cảm cho một tên ăn mày ngang đường ?


Chu Cát Sa thở dài, quyết định quay lại cửa hàng tiện lời vừa nãy, moi hết số tiền lẻ còn lại mua một chai nước mát cùng gói bánh quy.


Cô băng qua đường, dừng lại trước tên ăn mày.


"Ông ơi, mùa hè trời nóng, ông ăn uống tạm cái này đi, cháu vừa mới mua ở cửa hàng kia kìa." Chu Cát Sa không ngại ngùng ngồi xổm xuống, đối mắt người đàn ông.


Khuôn mặt của ông ăn mày bẩn thỉu lem luốc không nỡ nhìn, ánh mắt lờ đờ uể oải, bộ quần áo đen xám chùm lên người. Hai cánh tay rũ xuống, nhìn không ra tia sức sống nào. Đặc biệt là từ phía chân đổ xuống, một bên lồi lên rõ rệt, một bên lại chỉ là một mảnh vải.


Chu Cát Sa nhìn thấy vậy, trái tim càng quặn thắt. Cô vặn chai nước ra, đưa tận tay cho người đàn ông.


"Ông ơi, uống đi cho mát."


Ông ăn mày ngước đầu lên, dò xét nhìn cô một vòng. Cuối cùng cũng tiếp nhận chai nước, đưa lên mồm tu một hơi dài, bộ dạng như chưa bao giờ được uống.


Hai người im lặng không nói gì, tưởng trừng như cuộc đối thoại sẽ kết thúc trong tình trạng như vậy thì cô nghe thấy một giọng khàn khàn the thé.


"Cháu gái, cháu đi đâu vậy ?"


Chu Cát Sa nhìn thấy ánh mắt ông già hướng về túi đồ của mình, lòng liền sáng tỏ.


"Cháu đi lên núi ạ, núi Trúc Sơn."


Ông già đột nhiên cười đau khổ để lộ hàm răng vàng khè :"Ai... Núi non hiểm trở, cháu phải cẩn thận."


"Vâng." Chu Cát Sa ngoan ngoãn gật đầu.


Ông ăn mày nghiêng đầu sang bên tường, ánh mắt xa xăm như quay trở về trong ký ức :"Cái chân của ông già là bị mất trong rừng đấy."


Chu Cát Sa nhướn mày ngạc nhiên.


Ông già mở chai nước, uống thêm một hớp.


"Để ông kể cho cháu nghe, dù sao cũng đang rảnh..."


"Thời đó, ông cùng nhóm bạn vào trong rừng chơi, không may bị lạc. Tối đêm cả nhóm đang ngủ trong rừng thì tỉnh dậy bởi tiếng hét của một thành viên."


Nhắc đến chuyện đó, ông ăn mày bất giác nghiến răng.


"Nhóm ông bị tấn công bởi... một đàn rắn. Phải đến chục con, liên tục hướng về phía bọn ông mà bò. Lúc đó bọn ông sợ quá, chỉ biết chạy, lại không nghĩ rằng càng chạy bọn nó lại càng hứng lên. Cuối cùng một thằng bị bọn rắn bu lại cắn rồi thiệt mạng, một thằng bị rắn độc cắn ở chân."


Chu Cát Sa mím môi, đầu óc đã hiểu sơ sơ tình hình.


"Thành viên bị rắn cắn liền buộc mảnh vải quần áo quanh chân, được mọi người giúp vác đi. Chạy bậy chạy bạ vậy mà lại ra được đường cái. Nhưng khi đến cơ sở Y tế, bác sĩ bảo... quá muộn, phải cắt bỏ." Mắt ông già ảm đạm rõ rệt.


Chu Cát Sa cũng không vội vàng an ủi. Cô biết, với loại người đã làm quen với cơ thể dị tật suốt mấy năm nay, an ủi chỉ khiến cho họ tự ái, thậm chí còn gây phản cảm. Tốt nhất là nên im lặng lắng nghe, để cho ký ức dần dần trở lại ký ức.


Đúng lúc này, điện thoại cô sáng lên, tin nhắn báo hiệu xe cô gọi đã đến.


"Cảm ơn ông đã dặn dò, cháu sẽ chú ý cẩn thận. Bây giờ cháu phải về, ông cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé." Chu Cát Sa quan tâm nói.


Ông già mỉm cười, không còn là hình bóng một tên ăn mày lem luốc, chỉ đơn giản là một người ông, một người bề trên đáng kính.


"Bảo trọng, cô gái !"


———


"Cô ăn sáng chưa ?" Lão Húc nhìn thời gian trên màn hình điện thoại chỉ sáu giờ sáng, hỏi.


"Em ăn rồi, tiền bối." Chu Cát Sa nhe răng cười.


Lão Húc quan sát nhiệt huyết cùng hứng khí tưng bừng trên khuôn mặt cô gái trẻ, sau đó quay sang nhìn vẻ mặt mệt mỏi vẫn còn ngái ngủ của anh quay phim hơn ba mươi tuổi, thầm thở dài.


Chỉ mong thực tập sinh này sau này vẫn có thể giữ một phần nhiệt huyết như bây giờ.


"Xe đến rồi !" Chu Cát Sa phấn khích chỉ bóng hình từ xa đang tiến lại gần.


Đài truyền hình ít ra còn có chút lương tâm, chiếc xe mang họ đi là một trong những chiếc xe tương đối mới, tuy không tiện nghi cao cấp nhưng rất đầy đủ, thậm chí phía sau còn được lắp những chiếc ghế dài, nếu mệt mỏi có thể nằm ngủ.


Anh quay phim cùng lão Húc rất có chí khí, tự giác bê đồ hộ cả nhóm. Từng kiện hàng cùng thiết bị lần lượt được cho vào cốp xe.


Anh quay phim bê chiếc túi to bằng nửa người anh ta, tò mò hỏi cô gái đang ghi chép :"Cát Sa, em mua cái gì mà phát ra tiếng kêu vậy ?"


Chu Cát Sa ngẩng đầu lên, ra vẻ bí hiểm nói :"Khi nào đến đó, em sẽ nói cho mọi người..."


Hành trình diễn ra rất thuận lợi. Chiếc xe đi vòng vèo, băng qua những con đường bùn đất, cuối cùng sau ba tiếng liền dừng lại trước một thị trấn nho nhỏ.


Chu Cát Sa bước xuống đầu tiên. Cô ngó nghiêng xung quanh, thầm nghĩ thôn này trông có vẻ nghèo hơn trong ảnh nhiều.


Chục hộ nằm rải rác hai bên đường, xung quanh là rừng cây um tùm. Đa số được xây bằng gỗ, chỉ có hai, ba căn nhà là được dựng bằng bê tông xi măng. Ngôi nhà cuối thôn có lớp ngói đỏ nâu kia có lẽ chính là nhà của thôn trưởng.


Chu Cát Sa một cái liếc mắt liền có thể bao quát toàn cảnh. Cô còn phát hiện ra bên phải cạnh gian hàng b*n n**c, có tầm khoảng năm đứa trẻ đủ các lứa tuổi đang giương ánh mắt chăm chú về phía bọn cô. Đứa lớn nhất chắc đã hơn mười lăm tuổi, đứa nhỏ nhất lại mới tập tễnh biết đi, tất cả đều mặc những bộ quần áo cộc dính đầy bùn đất.


"Xin chào, xin chào, rất vui được gặp các vị. Tôi họ Tôn, là thôn trưởng ở đây." Tôn thôn trưởng vóc dáng cao lớn, cơ thể rắn chắc, niềm nở đưa tay ra bắt.


Lão Húc cũng bắt tay lại, tự giới thiệu :"Chúng tôi là nhân viên đài truyền hình, tôi là lão Húc, kia là anh quay phim, còn cô gái đang đứng bên cạnh quán nước là thực tập sinh, tên Chu Cát Sa."


"Mọi người chắc đã vất vả để lên tận đây. Phòng đã được chuẩn bị sẵn sàng, mọi người có muốn nghỉ ngơi cất đồ không ?" Tôn thôn trưởng đề nghị.


Lão Húc gật đầu, nói :"Được."


Hai anh chàng thanh niên của thôn nhận công việc bê đồ, còn thôn trưởng thì dẫn lão Húc cùng anh quay phim vào phòng của họ.


Chu Cát Sa vẫn đứng bên ngoài, quan sát đám trẻ. Cô luồn tay vào túi áo mình, đếm một lúc.


Bốn, năm, sáu... Vừa đủ.


"Chị chào các em, chị là Chu Cát Sa, nhân viên đài truyền hình." Chu Cát Sa cười tươi, tiến lại gần đám trẻ.


Bọn trẻ có vẻ rụt rè, co người lại gần nhau, không ái dám nói gì.


"Chị có chút kẹo, mọi người có muốn ăn không ?" Chu Cát Sa lôi từ túi áo mình vài cái kẹo đầy đủ màu sắc, giơ lên trước mặt bọn trẻ.


Người ta bảo, con đường ngắn nhất đến tim là qua dạ dày. Cô không biết theo sinh học thì nó có đúng không, nhưng trong cuộc sống thì nó rất hợp lí.


Bằng chứng là cậu bé lớn tuổi nhất nhóm sau một hồi đắn đo liền bước về phía cô, hai tay nhận lấy một viên kẹo. Cứ như thế mà bắt chước nhau, thoáng chốc đám trẻ đứa nào cũng có một viên kẹo trong mồm.


"Chúng em cảm ơn chị ạ !" Bọn trẻ ngoan ngoãn nói.


"Bình thường hàng ngày các em làm gì ?" Chu Cát Sa thấy bầu không khí dễ chịu hơn liền mỉm cười hỏi.


"Bọn em đi... hái măng, bẻ ngô hoặc xuống suối bắt cá mò cua. Cuối tuần thì cả đám rủ nhau đi ra chợ làng." Một cậu bé thành thật kể.


"Chợ làng ? Chợ làng có xa đây không ?" Chu Cát Sa không quên ghi lại trên cuốn sổ của mình.


"Xa, xa chứ, cách hai tiếng đi bộ. Nhưng chợ làng vui lắm, có nhiều người, có nhiều quần áo đẹp, có cả những món ăn mà bọn em chưa bao giờ được thấy ở trong thôn." Một cô bé sáu tuổi mắt lấp lánh khi nhắc đến khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong tuần.


"Thế các em... không đến trường à ?" Chu Cát Sa nhăn mày.


Bọn trẻ nghe thấy vậy liền cười khúc khích, nói :"Không đâu, ở trường chán lắm. Bố mẹ bảo học cũng chẳng có ích gì, thà vào rừng kiếm đồ ăn mang đi bán còn được nhiều tiền hơn. Lúc đầu Tôn thúc cũng mở lớp dạy, nhưng ít người đi, cuối cùng chẳng ai đến, thế là phải giải tán."


Chu Cát Sa nhìn ánh mắt thơ ngây trong veo của đám trẻ, không biết nên cười hay nên khóc. Cuối cùng cô đành ngậm ngùi vỗ vai một đứa, dặn dò :"Cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng không phải là không chịu đựng được. Ai thấy mình khỏe mạnh thích vào rừng kiếm đồ giúp gia đình thì cũng tốt, nhưng đừng coi thường việc học. Các em cố gắng học tốt, được ra ngoài xã hội tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới, làm rạng danh gia đình, là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Chắc chắn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc."


Bọn trẻ tò te hết nhìn cô rồi đến nhìn nhau, tuy không hiểu hết nhưng cũng đã mường tượng được một chút.


Chu Cát Sa cũng không giận. Cô xoa đầu bọn nhóc, nói :"Được rồi, chị đi cất đồ đây. Lát nữa sẽ có quà cho mọi người."


Chu Cát Sa được phân cùng phòng với một cô gái trẻ tên Lý Nguyệt. Lý Nguyệt mới mười sáu tuổi nhưng trong thôn đã là phụ nữ đủ tuổi kết hôn. Cô gái sống cùng bà ngoại, bà ở tầng trên, cháu gái ở tầng dưới.


Bố mẹ đều ra thành phố làm ăn, cuối cùng không còn giữ liên lạc. Cả kinh tế gia đình đều dồn vào bờ vai nhỏ nhắn của Lý Nguyệt.


Sáng sớm em cùng mọi người trong thôn vào rừng kiếm củi, hái hoa quả cùng rau. Buổi chiều thì ra sông bắt cá, bắt tôm. Nếu thừa thì nuôi vào trong chậu, cuối tuần ra chợ làng đem đi bán.


Lý Nguyệt là một cô gái rất ngoan ngoãn lễ phép, hay ngượng ngùng. Cô gái biết mình sắp được đón tiếp người ở xuôi liền chuẩn bị sạch sẽ chiếc giường bằng tre của mình, trải trên đó chiếc ga quý giá mà chỉ dám sử dụng vào mùa đông.


Chu Cát Sa làm quen với cô gái một hồi liền có chút mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật rồi thiếp đi luôn.


Cô tỉnh dạy sau đó năm tiếng, bỏ luôn bữa trưa. Đang còn ngái ngủ, cô thấy vẻ mặt trắng bệch kinh hoàng của Lý Nguyệt.


Một cảm giác sợ hãi dâng lên trong lòng.


Quả nhiên thấy Chu Cát Sa tỉnh, cô gái liền run run nói :"Chị Cát Sa, cái vị khách quý... vị ứng cử viên đó... mất tích trong rừng rồi !"

Bình luận

Truyện đang đọc