HÔN ƯỚC KẸO NGỌT

Mười giờ sáng, Hứa Gia Ngôn hoàn thành công việc khôi phục đầu nai, ngủ thẳng tới năm giờ chiều, định gọi cho ông Triệu hẹn ngày mai giao thành phẩm nhưng ông nôn nóng muốn xem ngay nên bọn họ hẹn tối nay tại Vân Sơn Cư.

Lúc Thẩm Thanh Dứu đưa Hứa Gia Ngôn tới nơi thì cả ông Triệu và ông Tô đã đến trước rồi.

Bọn họ không quen Thẩm Thanh Dứu nhưng biết là con cháu nhà họ Thẩm cũng như bạn của Hoắc Bạch Từ nên để anh ngồi bên cạnh.

Hứa Gia Ngôn cất đầu nai vào hộp rồi đưa cho ông Triệu.

Ông Triệu cẩn thận nhận lấy, đang định mở ra thì nghe tiếng gọi tục tằng từ bên ngoài: “Lão Triệu! Lão Triệu? Có phải lão Triệu ở đây không?”

Ông Triệu ngẩng đầu đáp một tiếng, đóng khóa cài hộp lại rồi mở cửa phòng, thấy rõ người bên ngoài thì kinh ngạc: “Lão Hồ? Sao ông tới đây?”

Người được gọi là lão Hồ thoạt nhìn trạc tuổi ông Triệu, có lẽ lớn hơn ông Triệu vài tuổi, ông mang dáng vẻ bụng phệ, khuôn mặt tròn với trán và miệng rộng cùng đôi tai to.

Hẳn là ông Triệu không ngờ ông sẽ tới, sửng sốt mấy giây mới mời ông vào phòng rồi hỏi lại: “Sao ông tới đây?”

Ông Hồ trả lời: “Tôi tới nhà mà không thấy ông, con trai ông bảo ông ở đây.”

Ông Triệu cau mày, có vẻ không hoan nghênh ông Hồ lắm, nhưng hiện tại đã tới cửa, đuổi ra thì không phải phép nên đành mời vào, dẫn tới trước mặt ông Tô: “Ông Tô, đây là Hồ Khải Thắng – anh rể của tôi.”

Hình như ông Tô từng nghe danh người này rồi, ngồi trên sô pha không đứng dậy, chỉ mỉm cười khách sáo.

Hồ Khải Thắng đến làm thay đổi bầu không khí, ông Triệu giữ hộp gỗ của Hứa Gia Ngôn, muốn nhìn nhưng muốn mở ra trước mặt Hồ Khải Thắng.

Hồ Khải Thắng liếc ông Triệu rồi quay sang Hứa Gia Ngôn và Thẩm Thanh Dứu, tùy ý tìm chỗ ngồi rồi rót cho mình chén trà: “Hai thanh niên này là thợ mộc ông tìm được đó hả?”

Ông Triệu thấy ông ngồi nên đành ngồi xuống, trả lời: “Không phải thợ mộc mà là nhà điêu khắc.”

Hồ Khải Thắng nhấp một ngụm trà, dường như coi thường ngữ điệu văn nhã của ông Triệu: “Nhà điêu khắc gì chứ, với người làm công trình như chúng tôi thì là thợ mộc mà thôi, lúc ấy tôi đã bảo với ông rồi, tôi quen biết rộng, để tôi tìm người cho nhưng ông lại không cần, mất nửa năm rồi đúng không? Đã có thành quả gì chưa?”


Vợ ông Triệu và vợ Hồ Khải Thắng là chị em ruột, hai người họ tuy là anh em cọc chèo nhưng quan hệ với nhau không được hài hòa.

Ông Triệu văn nhã, xuất thân trong gia đình có truyền thống thơ ca và hội họa, nói chuyện làm việc hay giơ tay nhấc chân đều lịch thiệp tao nhã.

Còn Hồ Khải Thắng thuộc tầng lớp công nhân, bản thân không được học hành nhưng dám nghĩ dám làm, chớp thời cơ theo ngành sản xuất thuyền, hiện tại có một dây chuyền sản xuất ở thành phố A, xem như hưởng một cuộc sống sung túc.

Nếu tách ra thì không có vấn đề gì nhưng mỗi dịp tết đến bọn họ lại ngồi chung bàn. Mấy năm trước, điều kiện của Hồ Khải Thắng không tốt lắm, phương diện nào cũng kém ông Triệu một chút, tuy ông Triệu không cố tình nhằm vào nhưng họ hàng đông, khó tránh việc đặt bọn họ lên bàn cân so sánh.

Dần dần Hồ Khải Thắng cảm thấy bản thân không bằng ông Triệu, sau khi phát đạt, cảm giác tự ti khôn cùng ấy biến thành tự phụ quá đáng. Suốt ngày ông lên mặt, chê nhà họ Triệu thế này thế kia, viết chữ vẽ tranh làm gì có đường ra? Dù nổi tiếng với thư pháp nhưng tranh chữ chỉ bán được mấy trăm đồng, còn không bằng tới công ty ông làm kế toán.

Lời qua tiếng lại hơn hai mươi lăm, ông Triệu và Hồ Khải Thắng không hợp nhau, tránh mặt được thì tránh.

Nhưng càng nhân nhượng thì Hồ Khải Thắng càng lấn tới, ông luôn muốn khoe khoang mình giỏi hơn người.

Không rõ ông biết chuyện đầu nai ở từ đường từ ai, dăm ba bữa lại tới hỏi thăm, biết ông Triệu mãi không sửa được nên luôn miệng chê quan hệ của ông Triệu không rộng, vẫn nên nhờ vả ông thì hơn.

Ông Triệu giao cho Hồ Khải Thắng kiểu gì bây giờ, nước sông không phạm nước giếng mà ông đã leo lên đầu lên cổ ông Triệu rồi, đằng này lại nhờ vả thì chẳng phải bị dẫm dưới đất luôn hay sao?

Haiz, chuyện trong nhà không nên rùm beng bên ngoài.

Ông Triệu định tìm cách dỗ Hồ Khải Thắng về nhưng không ngờ ông vẫn rót trà tiếp và quay sang đánh giá Hứa Gia Ngôn và Thẩm Thanh Dứu: “Tôi nghĩ chuyện này ông không làm được đâu, ông xem ông tìm được ai kìa, đây là thợ mộc hả? Cả hai trông như ngôi sao thế này có thể cầm dao không?”

Ông Triệu nhíu mày, nhấn mạnh lại: “Người ta là nhà điêu khắc.”

“Ừ ừ ừ, thì là nhà điêu khắc.” Hồ Khải Thắng nói, “Nếu ông cứ nhất quyết đòi nhà điêu khắc thì tôi cũng tìm được cho ông. Tôi bảo này, nhà điêu khắc này khá lắm, mới về nước không lâu, tuổi trẻ đầy hứa hẹn, tay nghề lại cao, nghe nói năm ngoái vừa nhận giải thưởng quốc tế về điêu khắc gì đó. Lần trước tôi lấy bản vẽ dầm chìa nhà ông đưa cho cậu ta, hôm nay người ta hoàn thành rồi. Sao nào? Muốn xem thử không?”

Ông Triệu vốn không muốn xem nhưng loáng thoáng thấy hai bóng người đứng bên ngoài, do dự một lát rồi hỏi Hứa Gia Ngôn: “Tiểu Hứa, cháu thấy sao?”


Từ nãy tới giờ Hứa Gia Ngôn vẫn ngồi im hóng chuyện, cứ cảm thấy ông Triệu và Hồ Khải Thắng nói tiếp sẽ ầm ĩ, lúc này nghe ông Triệu điểm danh thì đáp ngay: “Bác xem thử cũng được ạ, biết đâu bác không phải muộn phiền về chuyện này nữa.”

Thật ra Hứa Gia Ngôn tin tưởng vào sản phẩm của mình nhưng núi cao còn có núi cao hơn, nhà điêu khắc Hồ Khải Thắng tìm được đúng là hơn cậu một bậc, cậu cũng có thể học hỏi người ta.

Chỉ là nhà điêu khắc mới về nước?

Hứa Gia Ngôn nghĩ tới Cù Đạt Tây bận bù đầu cả tuần trước, giây trước vừa mới nghĩ người Hồ Khải Thắng tìm được chẳng lẽ là Cù Đạt Tây thì giây tiếp theo đã thấy Cù Đạt Tây cùng trợ lý của cậu ta bước vào.



Đúng là cậu ta?!

Hứa Gia Ngôn chớp mắt, không ngờ trên đời có chuyện trùng hợp như thế.

Sau khi tiến vào, Cù Đạt Tây cũng chú ý tới Hứa Gia Ngôn, nhưng không để cậu vào mắt mà bước về phía ông Tô lễ phép chào: “Ngài Tô, không ngờ ông cũng ở đây.”

Ông Tô nhìn thấy cậu ta thì vui mừng, đặt chén trà xuống rồi nói: “Ông bảo mà, nhà điêu khắc trẻ tuổi đầy hứa hẹn nào mới về nước cơ chứ, thì ra là cháu, thế thì dễ hiểu rồi.”

Sau khi gặp ông Tô, Cù Đạt Tây như thay đổi thành người khác: “Cháu không ngờ có thể gặp ông ở đây, đúng là quá bất ngờ.”

Ông Tô: “Đúng thế, đúng thế, ông còn định ghé thăm triển lãm vào năm sau của cháu đấy, hiện tại chuẩn bị đến đâu rồi?”

Nhắc đến triển lãm, Cù Đạt Tây liếc qua Hứa Gia Ngôn: “Bọn cháu vẫn đang trong quá trình thiết kế khu triển lãm ạ.”

Ông Tô: “Thế thì phải đẩy nhanh tốc độ lên, sắp đến tết rồi.”

Cù Đạt Tây: “Vâng ạ, chậm trễ là không được.”


Hai người hàn huyên thêm vài câu rồi chuyển sang chủ đề chính.

Ông Tô mở hộp gỗ đựng dầm chìa trên bàn, lộ ra nai con cần được sửa chữa.

Đầu nai vẫn trong trạng thái hư hại, bọn họ cần xác nhận mặt nai sau khi phục hồi hoàn toàn phù hợp với nguyên dạng thì mới hủy vị trí hư hại rồi ghép mặt nai mới vào phần đầu cổ.

Ông Tô đeo kính vào, nhìn kĩ lại phần hư hại rồi nói với Cù Đạt Tây: “Cho ông xem sản phẩm của cháu.”

Cù Đạt Tây lấy hộp gỗ trong tay trợ lý đưa cho ông Tô.

Ông Tô mở hộp, lấy miếng gỗ khắc mặt nai bên trong.

Mặt nai này không lớn, tính cả hai sừng mới bằng một bàn tay.

Những đồ vật tinh xảo thì càng nhỏ càng có nhiều khó khăn.

Tính tình Cù Đạt Tây không tốt nhưng thủ pháp đúng là rất sâu, mặt nai góc cạnh rõ ràng, đường nét đầy đặn, hai chiếc sừng như vương miện rực rỡ nhất giữa cánh rừng.

Ông Tô nhìn mặt nai không nói gì, rồi bảo ông Triệu mở hộp gỗ của Hứa Gia Ngôn.

Ông Triệu mở hộp, mới nhìn thoáng qua đã lộ ra vẻ vui sướng, vội vàng mang tới cho ông Tô xem.

Ông Tô đặt mặt nai lên lòng bàn tay, cẩn thận quan sát một lúc lâu mới phát ra tiếng tán thưởng hiếm có.

Cù Đạt Tây không ngờ ngoài mình ra còn có người khác chạm khắc đồ vật này, không khỏi tiến lên một bước, muốn nhìn sản phẩm người nọ có dáng vẻ ra sao.

Không ngờ vừa liếc qua đã không rời mắt được.

Nếu nói sản phẩm của cậu ta là tác phẩm nghệ thuật thì đầu nai còn lại là một con nai sống động như thật.

Cù Đạt Tây đứng tại chỗ nuốt nước miếng, hơi khó tin hỏi: “Đây là ai khắc ạ?”


Ông Tô cũng không ngờ Hứa Gia Ngôn có bản lĩnh như thế, mừng rỡ ngẩng đầu nhìn Hứa Gia Ngôn: “Tiểu Hứa.”

“Ai cơ ạ?” Giọng điệu Cù Đạt Tây thay đổi, khó tin nhìn Hứa Gia Ngôn: “Không phải anh bảo mình là người ngoài nghề à?”

Hứa Gia Ngôn vô tội chớp mắt, đứng dậy trả lời: “Tôi chưa từng nói mình là người ngoài nghề. Là cậu nói mới đúng.”

Hả? Hình như đúng là cậu ta nói?

Cù Đạt Tây không đề cập lại chuyện này nữa mà chất vấn tiếp: “Thế thì anh bảo anh chỉ hiểu một chút về điêu khắc đúng không?”

Hứa Gia Ngôn: “Đúng là tôi không biết nhiều, dù sao thế giới rộng lớn như thế, trường phái thì phong phú, những thứ tôi học về điêu khắc chỉ xem như hạt cát giữa sa mạc.”

Cậu trả lời rất bình thường nhưng đã khiến Cù Đạt Tây không nói lên lời.

Từ sáng sớm Hoắc Bạch Từ đã biết Hứa Gia Ngôn và Thẩm Thanh Dứu sẽ đến, lúc này xong việc mới chạy tới, mở cửa phòng, rón rén tiến vào hóng chuyện.

Kết quả chưa hóng được gì nhưng đã thấy Thẩm Thanh Dứu đứng bên cạnh nhìn Hứa Gia Ngôn với vẻ tự hào.

Hoắc Bạch Từ bước tới vỗ vai anh, hỏi nhỏ: “Sao thế? Bầu không khí sao lại thế này?”

Thẩm Thanh Dứu không trả lời câu hỏi mà vẫn nhìn Hứa Gia Ngôn, hỏi lại với giọng điệu khoe khoang: “Thấy chưa?”

“Thấy gì?”

“Hứa Gia Ngôn.”

“Hả?”

“Bạn trai tôi.”

“À.”

~Hết chương 50~


Bình luận

Truyện đang đọc