HỮU PHỈ

Người hét là thiếu niên Tiểu Hổ, lúc đó tỷ tỷ cậu là Xuân Cô thuận miệng căn dặn một câu, bảo cậu đi tìm Lý Thịnh, kết quả cậu vừa cúi đầu xoay đi là chạy lạc đường, đi bậy đi bạ không cẩn thận mở ra cửa ngầm, đúng lúc mắt to trừng mắt nhỏ với cái xác khô.

– Phiền tránh đường.

Ưng Hà Tòng tiến lên, cẩn thận kiểm tra xác khô kia, con rắn lúc nào cũng mang trong tay áo hắn tò mò từ từ ló đầu ngó nghiêng bên ngoài, kế đó như gặp phải thiên địch, con rắn nhỏ bỗng cứng đờ, sợ hãi rụt về trong tay áo Độc lang trung.

Trên thi thể đóng một lớp bụi nhưng lớp da mỏng manh bên ngoài lại không thối rữa, dán sát khung xương, phác họa rõ rệt hình dáng các khớp và xương.

– Là nam, từng luyện công phu tương tự Bát Quái chưởng, trông tuổi tác không nhỏ.

Ưng Hà Tòng lật mấy chỗ quan trọng khắp thi thể nhưng không tìm thấy vết thương rõ ràng, hơi nghi hoặc.

Lý Thịnh liền nói:

– Xem tay chân ông ấy có chỗ rách không.

– Ý ngươi là…

Ưng Hà Tòng lập tức hiểu ra gì đó, hơi mở to mắt, vội lật tay thi thể, thấy trên mu bàn tay có vết rách dài ba tấc, lớp da người khô quắt bết lên xương tay như cái túi bị chuột cắn, Ưng Hà Tòng lật thi thể lại, thấy sau gáy ông có một vết rách khác giống hệt:

– Niết Bàn cổ.

– Ừ, nghe nói sau khi thả Niết Bàn cổ, Ân Bái đã dùng độc vật này giết Xung Vân đạo trưởng nghe tin chạy tới.

Lý Thịnh khẽ nói, hắn ôm một cánh tay nửa quỳ xuống, lật mặt thi thể lại, cẩn thận phân biệt ngũ quan đã biến dạng của người ấy, hồi lâu cũng không nhìn ra được hình mẫu ban đầu, cuối cùng từ bỏ, chậm rãi lắc đầu:

– Biến dạng dữ quá, ta cũng không nhận ra được người này rốt cuộc có phải Xung Vân đạo trưởng hay không.

Ưng Hà Tòng cười lạnh:

– Nơi Cửu Châu mênh mông chúng ta đúng là sinh ra nhiều sói trong núi thật (1).

(1) Sói trong núi: chỉ kẻ vong ân phụ nghĩa, lấy oán báo ơn.

Lý Thịnh biết mồm miệng hắn chua ngoa nên không tranh luận với hắn, chỉ khoát tay nói:

– Bất kể là ai, nếu chúng ta đã gặp thì hãy để ông ấy yên nghỉ.

Dưới sự chỉ huy của Lý Thịnh, mọi người cẩn thận tránh các loại trận pháp trong cấm địa Tề môn, tìm chỗ đào một cái hố chôn thi thể xuống.

Chu Phỉ hành động bất tiện, tránh sang một bên. Xem người khác đào hố không có gì thú vị, nàng liền một tay chống gậy, tự cầm bó đuốc đi vào cửa ngầm có thi thể theo một đường nhỏ hẹp dài, phát hiện bên trong sâu hun hút không tưởng tượng nổi, có bảy cửa đá, cơ quan trên tường đã bị người khác phá hỏng, nhưng phần lộ ra khiến nàng hoa cả mắt.

Nếu không phải Ân Bái từng tới thì nơi này đúng là không dễ vào, Chu Phỉ không khỏi thả chậm bước chân, bắt đầu hơi phòng bị.

Sau bảy cánh cửa đá là một hang đá âm u, nàng giơ đuốc lên cao, mắt nheo lại không thoải mái.

Không biết có phải ảo giác của Chu Phỉ không, lúc vừa vào hang đá liền có một khí tức âm u lạnh lẽo nồng nặc phả vào mặt, hang đá vuông vức này vô cùng kỳ lạ, trên tường, trên nóc đều viết những chữ nhỏ chi chít, không biết là bùa chú gì, Chu Phỉ không nhận ra chữ nào cả, cảm giác những chữ đó như loài bò sát bám vào tảng đá, đang lạnh lùng nhìn chằm chằm người ngoài dám cả gan xông vào.

Cửa thạch thất có năm tượng đá cao hơn một người, trên đầu là mặt người nhưng từ cổ trở xuống chia ra gắn liền thân ngũ độc (2), đuôi rắn và bò cạp sinh động như thật, mặt người hoặc giận dữ hoặc vui vẻ đều toát ra cảm giác yêu dị khó tả.

(2) Ngũ độc: năm loài động vật mà theo người xưa là có mang độc tính cực mạnh, gồm: rắn, rết, thằn lằn, cóc, bò cạp.

Chu Phỉ và mấy bức tượng đá nhìn nhau, nhất thời không dám đi vào.

– Đây là “vu độc ngũ thánh”.

Ưng Hà Tòng không biết từ khi nào đã đi đến phía sau nàng, nói:

– Tà thần nơi quan ngoại, dân biên cương rất tin vào vu thuật, thờ phụng họ để cầu không bị độc trùng làm hại… nhưng về sau bị đám rác rưởi “Niết Bàn thần giáo” mượn dùng để giả thần giả quỷ.

Chu Phỉ bị hắn thình lình lên tiếng dọa giật mình.

Ưng Hà Tòng tiện tay rút bó đuốc khỏi tay nàng, bước vào trong thạch thất, chân hắn bước chả sao nhưng con rắn nhỏ trên người thì như phát điên, sợ đến mức phản chủ ngay tại chỗ, bò ra khỏi cổ áo nhanh như chớp, rớt phịch xuống đất, vặn vẹo mười tám vòng, liều mạng lao về phía cửa.

Chu Phỉ giơ tay dùng gậy đè chỗ bảy tấc của con rắn, cầm lên, con rắn nhỏ điên cuồng quẫy đuôi trong tay nàng, nếu nó là con người thì đại khái đã hét ầm lên “cứu mạng” rồi.

Chu Phỉ cau mày:

– Ta thấy ngươi nên ra trước đi. Con rắn nhỏ này ngay cả lửa với hùng hoàng cũng không sợ mà bây giờ lại bị dọa thành như vầy, trong thạch thất này chắc có gì đó kỳ quái.

– Không sao đâu.

Ưng Hà Tòng vòng quanh mấy bức tượng đá tà thần vài vòng, hờ hững nói:

– Nơi này chắc là mật thất từng để Niết Bàn cổ mẫu, lúc mẫu trùng còn sống, trên người có chất nhầy lưu lại, cổ này quá độc, đã rời đi nhiều năm mà côn trùng rắn rết bình thường vẫn không dám lại gần, trong thạch thất ngược lại còn sạch sẽ hơn cả bên ngoài.

Chu Phỉ cảm giác tay hơi nằng nặng, phát hiện con rắn hiếu động kia thế mà thõng đuôi bất động, nhất thời không rõ là chết hay ngất, nàng còn tự nhủ chắc lực tay mình quá mạnh, bèn vội buông ngón tay nói:

– Ê, rắn của ngươi…

Lời còn chưa dứt, con rắn nhỏ trượt khỏi tay nàng lao ra ngoài, bỏ chạy đầu không ngoảnh lại! Tiểu súc sinh đó giả chết rất chân thực!

– Không sao, lát nữa tự nó sẽ tới tìm ta.

Ưng Hà Tòng xắn tay áo, kê chân phủi phủi chữ khắc trên vách đá, lẩm bẩm:

– Đây hình như là… “chữ cổ vu độc”.

Chu Phỉ:

– Hả?

– Trước Niết Bàn thần giáo bẩn thỉu xấu xa kia, Niết Bàn cổ xuất hiện sớm nhất trong mộ cổ của “vu độc” nơi quan ngoại, nghe nói trong mộ huyệt cũng khắc đầy loại văn tự này, trên tường dùng máu gà trống vẽ những hình thù kỳ quái, nhưng thời gian đã quá lâu đời, chắc hẳn tộc nhân cũng chết hết rồi, mấy văn tự kiểu bò sát này không còn ai nhận ra được nữa, Lữ quốc sư mới gọi nó đơn giản là “chữ cổ vu độc”.

– Không ai nhận ra…

Chu Phỉ chỉ mặt tường:

– Vậy mấy thứ này là ma khắc à?

Ưng Hà Tòng không lên tiếng, đi vào giữa thạch thất, phát hiện nơi trong cùng nhất có một bệ hương án, bên trên thờ một hộp bát giác hình thù kỳ quái, Ưng Hà Tòng đưa tay ấn nắp hộp, thử vặn nhẹ. Nắp hộp thế mà hoạt động, vừa chạm vào liền mở ra.

Đồng thời, một luồng khói trắng từ lúc mở nắp hộp bắt đầu bay lên, Chu Phỉ nhanh tay nhanh mắt xem gậy trong tay thành trường đao, túm gáy Ưng Hà Tòng kéo lại:

– Sao cái gì ngươi cũng đụng lung tung thế hả?

Khói trắng trong hộp như oan hồn hấp hối, khí thế hùng hổ lao về phía đỉnh thạch thất, kế đó tản đi, trong hộp bát giác trống rỗng chỉ có một mảnh lụa, phía trên bị ép xuống hình dạng một con sâu.

Ưng Hà Tòng có lẽ cảm thấy mình bách độc bất xâm, lại định đưa tay thì bị Chu Phỉ gõ gạt ra.

Độc lang trung hơi tủi thân che mu bàn tay mình, lén lút nhìn Chu Phỉ nhưng không lên tiếng.

– Tránh ra.

Chu Phỉ cà nhắc tiến lên, nín thở, cẩn thận dùng đầu nhọn gậy khều mảnh lụa ra.

Mảnh lụa khoảng ba thước vuông, Chu Phỉ sau khi khều thì trải phẳng nó trên nền đất, nhìn những chữ khải nhỏ viết chi chít bên trên, nét chữ vô cùng ngay ngắn, thậm chí còn có vẻ thanh tú.

Ưng Hà Tòng giơ bó đuốc lên, đọc:

– “Ta thuở nhỏ mất đi bến dựa, nhận đại ân sư môn đặt tên là “Nhuận”, nuôi nấng thân ta, truyền đạo cho ta. Năm nhược quán xuất sư, tính tình tùy tiện đắc chí, tự cho mình có thành tựu, miệng lúc nào cũng “thiên hạ”, lời nói ra ắt có “vạn dân”…”

Mắt Ưng Hà Tòng chợt sáng lên, cẩn thận quỳ xuống đất, cả người gần như nằm nhoài lên mảnh lụa:

– Đây là bút tích của Lữ quốc sư!

Đoạn sau, Lữ Nhuận bỏ ra mấy trăm chữ lưu loát viết nên những cơ duyên gặp gỡ trong đời mình, ngữ khí rất bình thường, nét chữ ngay ngắn, bố cục đẹp, nhưng nội dung thì thần thần bí bí, cứ ba câu là không rời mấy thứ như “cầu tiên”, “siêu thoát”.

– Ông nói ông từng tìm địa điểm cũ của mộ vu độc và Niết Bàn thần giáo năm xưa, sau đó bỏ ra mấy năm ở Dược cốc, nghiên cứu chữ cổ vu độc, là để…

Ưng Hà Tòng ngừng lại, cau đôi mày dài, nói tiếp:

– …Tìm xem trên đời liệu có thuật khởi tử hồi sinh hay không.

Chu Phỉ:

– Mấy lời nhảm nhí đó lướt qua đi. Sau đó thì sao? Ổng nghiên cứu chữ cổ vu độc nhiều như vậy, nghiên cứu ra được gì? Niết Bàn cổ đó phải có gì hữu dụng chứ, bằng không tại sao Tề môn lại bảo quản nó nhiều năm như thế?

Ưng Hà Tòng nhỏ giọng đọc:

– “Ta sống hoài sống phí 60 năm, đến nay đời phù du tạm nghỉ, giật mình tỉnh mộng, mới biết mình dùng cái ngắn ngủi trong chớp mắt lo cái dài của muôn đời, dùng cái nhỏ bé của giun dế xót thiên địa mênh mang, nào có gì đáng nhắc, chỉ làm tăng thêm tiếng cười mà thôi. Độc trùng của dân biên cảnh nhỏ nhoi, chẳng qua là tà môn dùng để ký sinh truyền công, thế mà cũng có thể xua người tác oai tác quái, giả thần giả quỷ, nực cười, nực cười! Nhưng nọc độc của nó cũng có chút công dụng, có thể khiến bách độc tránh lui, nơi này tuy thanh tịnh nhưng côn trùng rất nhiều, chúng tiểu hữu ở đây lâu thường chịu nỗi khổ hai độc ẩm lạnh tới mức kinh mạch ngưng trệ, có thể lấy ít nọc độc, phối hợp với phương pháp âm dương nhị khí để loại trừ. Độc trùng bản tính nham hiểm, vạn mong thận trọng…”Ê ê, cô làm gì đó?

Chu Phỉ chưa đợi hắn đọc xong đã tóm lấy cổ tay hắn, nàng không biết lấy sức từ đâu ra, ban nãy còn khập khà khập khiễng mà giờ chỉ một tay đã xách Ưng Hà Tòng lên, ép hỏi:

– Có thể khiến bách độc tránh lui là ý gì?

Ưng Hà Tòng khó khăn hoạt động cổ:

– Ý trên mặt chữ… cô chưa nghe nói lấy độc trị độc bao giờ à? Mau thả ta ra!

Ngón tay Chu Phỉ túm càng chặt hơn, nhanh chóng hỏi:

– Hồi ở Vĩnh Châu trước đây ngươi cũng từng nói Thấu Cốt Thanh như vậy, ngươi nói nó đứng đầu trong bách độc, người bị trúng Thấu Cốt Thanh không cần lo gì nữa… cho nên Thấu Cốt Thanh gặp Niết Bàn cổ độc sẽ thế nào?

– Thấu Cốt Thanh?

Ưng Hà Tòng sững sờ:

– Người đó chưa chết à?

Chu Phỉ rít ba chữ từ kẽ răng:

– Nói tiếng người.

– Cái này… chưa thử bao giờ…

Ưng Hà Tòng:

– Khó… khụ… khó nói lắm.

Chu Phỉ trầm mặc chốc lát, đột nhiên ném hắn, quay đầu bước đi, ngay cả gậy cũng không quan tâm, nhanh như chớp dùng một chân nhảy ra khỏi bảy cửa, dựng dậy Lý Thịnh đang chỉ huy đào hố:

– Con Niết Bàn cổ mẫu mà huynh tùy tiện bọc lại đâu? Mau lên, đưa cho muội, còn nữa, nơi này chắc chắn còn có cửa ngầm khác, mau tìm ra hết, tìm xem trong cấm địa Tề môn có ghi chép gì về “âm dương nhị khí” hay không.

Ưng Hà Tòng đuổi tới nghe câu này, cả kinh nói:

– Cái gì, Niết Bàn cổ mẫu trên người cô? Không thể nào!

Lý Thịnh bị Chu Phỉ giục cuống quít tìm hồi lâu mới tìm ra được trong gói nhỏ mang bên mình có một con Niết Bàn cổ mẫu bị gói bằng y phục cũ, ba người cùng ngồi xổm dưới đất nhìn chằm chằm con mẫu trùng bị Chu Phỉ một đao bổ đôi kia.

Ưng Hà Tòng nheo mắt nhìn chằm chằm vết đao trên thân nó:

– Hèn gì rắn của ta không cảm giác được, hóa ra nó chết thế này. Chu đại hiệp, xem vết đao này… là cô giết à?

Chu Phỉ mới nhảy một hơi từ mật đạo ra khiến vết thương bên hông bị rách, lúc này máu và kim sang dược độc môn Ưng thị hòa vào nhau, vừa đau vừa ngứa, cảm giác ấy thực có thể khiến người ta trực tiếp thăng thiên, nàng kiềm chế vẻ mặt đau khổ khó diễn tả, nói:

– Đừng nói nữa, bây giờ ta muốn đền mạng cho nó đây nè.

Ưng Hà Tòng cau mày xách con mẫu trùng chết không toàn thây lên.

Chu Phỉ căng thẳng, lòng bàn tay toát mồ hôi, hỏi:

– Sao, nọc độc mà Lữ quốc sư nhắc trong di thư có còn không?

Ưng Hà Tòng lạnh lùng liếc nàng:

– Lời này cô cũng hỏi được, mẫu trùng chết khô quắt khô queo rồi, nọc độc ở đâu ra? Cô vào chỗ năm xưa chém giết cổ trùng cạo ra còn hơn.

Tâm Chu Phỉ bỗng chốc chùng xuống, ngực như bị cái chùy sắt lạnh lẽo gõ vào.

Ưng Hà Tòng xách xác Niết Bàn cổ mẫu, lải nhải một thôi một hồi gì đấy, Chu Phỉ đều không nghe thấy.

Thoáng chốc, Chu Phỉ bỗng nhớ tới một câu của Lữ Nhuận trong di thư ban nãy: “Vạn vật đều là rơm rác, duy có con người tưởng bở, tự cho rằng mình có trí khôn, ngờ đâu thực chỉ là súc sinh trong lục đạo (3)! Tạo hóa độc biết bao.”

(3) Lục đạo: tức “lục đạo luân hồi”, là từ trong Phật giáo chỉ sáu cõi mà chúng sinh sẽ đi vào sau khi chết, gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, cõi người và cõi trời.

Chu Phỉ xưa nay làm nhiều nghĩ ít, cũng thực chưa tới tuổi mê muội mệnh lý, nhưng bỗng dưng nàng chợt nhớ tới mấy trưởng bối trong trại bình thường hay treo câu “cát hung” bên mép.

Từ khi sinh ra đến nay, lần đầu tiên nàng chạm tới cái gọi là “trong cõi u minh tự có ý trời”.

Tại sao cứ là nàng tự tay chém Niết Bàn cổ?

Tại sao cứ là nàng sau khi giết Niết Bàn cổ mới vào cấm địa Tề môn, tìm được di thư của Lữ quốc sư?

Thế gian này liệu có chăng một tạo hóa không thể trái, luôn chạy không chút do dự về phía kết quả đã định sẵn, mặc cho phàm nhân vùng vẫy thế nào, cuối cùng đều phải bó tay hết cách?

Trong sơn cốc mấy vạn địch quân, Chu Phỉ không mảy may sợ hãi, thậm chí còn quả quyết với Lý Thịnh rằng mình chắc chắn không chết, nhưng bây giờ khi lánh vào nơi an toàn, ngược lại nàng không cách nào áp chế nỗi run rẩy tự nhiên sinh ra trong lòng. Trên người nàng vốn có hai luồng chân khí, tuy nàng bị nội thương nhưng sau khi tỉnh lại, nó không ngừng tuần hoàn tự chữa trị, trong lúc bất chợt, khí hải nàng như khô kiệt, nếu không phải kinh mạch bị thương suy yếu thì loáng thoáng có dấu hiệu tẩu hỏa nhập ma.

Lý Thịnh là người sớm nhất nhìn ra sắc mặt nàng không ổn, vội giơ tay ngắt lời Ưng Hà Tòng:

– Chờ chút nói sau… A Phỉ?

Chu Phỉ thẫn thờ cụp mắt nhìn hắn.

Lý Thịnh cẩn thận đánh giá sắc mặt nàng:

– Muội… không sao chứ?

Chu Phỉ không lên tiếng.

Lý Thịnh vội dùng y phục cũ của mình che xác sâu lại, cứng nhắc nói:

– Ừm… Tạ công tử ở hiền ắt gặp lành, chỉ là một con cổ trùng thôi, chưa chắc thật hữu dụng, dù sao bây giờ bên ngoài đều là Bắc quân, chúng ta cũng không ra được, đúng lúc tìm kiếm kỹ trong cấm địa này trước khi nhóm của cô phụ đến, nói không chừng…

Chu Phỉ:

– Ừ.

Nàng không nhìn Lý Thịnh nữa, tự mình lảo đảo đứng vững, bước thấp bước cao rời đi.

Mọi người trốn trong cấm địa Tề môn hơn nửa tháng, nơi đây không có ánh mặt trời, ở lâu sẽ khiến người ta sinh ảo giác không phân biệt được ngày đêm sáng tối, Lý Thịnh mỗi ngày đều mang người đi sục sạo các cửa ngầm mật đạo trong cấm địa, tìm được chỗ nào thì dùng thanh gỗ nhỏ đánh dấu lại, thỉnh thoảng tìm ra được gì đều nói với Chu Phỉ.

Nhưng Chu Phỉ luôn đạm nhạt không phản ứng, ngày ngày ngồi ngẩn người trước bức tường vẽ đầy “Đạo đức kinh” thiếu nét kia.

Bình luận

Truyện đang đọc