LẤY VỢ LẤY PHẢI THÁI THƯỢNG HOÀNG

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thấy Lan Mân có vẻ thất vọng, Bùi Thanh Hoằng lên tiếng trấn an đối phương, ban đầu định lấy món quà ra sớm một chút, nhưng sau khi suy nghĩ một hồi vẫn là thôi.

Dù Lan Mân có nguyện ý hay không, sinh nhật của Thái thượng hoàng và y là cùng một ngày vẫn là sự thật không thể thay đổi. Bùi Thanh Hoằng chỉ có thể báo trước cho đối phương để y chuẩn bị tâm lý, sau đó tận lực trở về sớm một chút, nói không chừng vẫn có thể cho người ấy niềm vui bất ngờ.

Về lễ vật sinh nhật của hai người, dĩ nhiên hắn quyết định để lại ngọc bội mang về từ chỗ Vương sư phó làm quà sinh nhật đầu tiên cho Lan Mân. Thọ lễ dâng cho Thái thượng hoàng được hắn đổi thành một món đồ hiếm lạ đắt tiền được mua ở nước ngoài, đó là một chiếc kính viễn vọng có thể nhìn ra xa rất rõ.

Đối với Bùi Thanh Hoằng có hai đời ký ức thì kính viễn vọng cũng không phải đồ vật gì quá hiếm có, nhưng với bách tính Lam quốc, thậm chí là đối với Thái thượng hoàng, đây hoàn toàn có thể coi là một bảo vật.

Ở thời đại này bất kể là Đại Lam giàu có hay ngoại quốc, thậm chí những nơi vượt ngoài đại dương, thủ công nghệ chế tạo thủy tinh và đánh bóng thấu kính đều vô cùng lạc hậu.

Mà những kiến thức đời trước của Bùi Thanh Hoằng lại không đủ để hắn làm ra máy bay đại pháo ở Lam quốc, cũng không thể cải tiến các ngành thủ công nghiệp này quá nhiều.

Bất kể là tiền tài hay điều kiện của Lam quốc cũng đều không cho phép, hơn nữa đời trước đây cũng không phải lĩnh vực chuyên môn của hắn. Dù hắn nhớ được rất nhiều biện pháp hiện đại chế tạo đồ mỹ nghệ, nhưng không có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật phát triển như kiếp trước thì căn bản không thể làm ra thành phẩm.

Nói tóm lại, khi mua món đồ này Bùi Thanh Hoằng đã bỏ ra không ít, trong thời đại này nó quả thực là bảo vật hiếm có. Càng quan trọng hơn chính là giá trị quân sự cực cao đằng sau kính viễn vọng này, chắc chắn nó sẽ là món đồ khiến Thái thượng hoàng xem trọng cùng yêu thích.

Phụ thân Tả tướng của hắn muốn dâng tặng Thái thượng hoàng một pho tượng Phật Di Lặc do đích thân Diệp thị chọn. Pho tượng này từng được một vị trụ trì đã đắc đạo khai quang, được điêu khắc từ một khối bạch ngọc hoàn chỉnh. Phỏng đoán, đây là một trong những thọ lễ đáng giá nhất Thái thượng hoàng nhận được.

Sau khi từ cung trở về, Bùi Thanh Dật làm tổ ở trong thư phòng vẽ bách phúc đồ làm lễ vật sinh thần, ngay cả Bùi Thanh Lân không phải triều thần cũng tràn đầy phấn khởi muốn gửi thọ lễ cho vị trong cung kia.

"Ta muốn trở thành Phiêu Kỵ đại tướng quân (tên chức vụ), vì Đại Lam mà mở rộng lãnh thổ!" Sau khi dùng bữa trưa, lúc đề cập đến quà tặng cho Thái thượng hoàng Bùi Thanh Lân liền thốt lên một câu như vậy.

Diệp thị ngồi bên cạnh chỉ cười lắc lắc đầu, Diệp Uyển Oánh cũng ra sức cười nhạo cậu không thiết thực.

Diệp Uyển Oánh thân hình nhỏ hắn, dung mạo ngọt ngào, hàm răng trắng đều tăm tắp, nhưng một khi cái miệng anh đào nhỏ nhắn đã hé ra chê cười Bùi Thanh Lân thì đặc biệt không nể mặt mũi: "Thôi đi, tay chân gầy guộc bé xíu này của ngươi đi tắm cho ngựa của Phiêu Kỵ đại tướng quân hay làm lính bếp núc thì tạm được. Ngay cả ca ca ta ngươi còn đánh không lại, cả ngày mơ mộng đến thứ đâu đâu."

Quan phục của huynh trưởng Diệp Uyển Oánh màu đỏ nhạt, đai lưng vàng, là quan ngũ phẩm bình ổn phương xa. Người đó lớn hơn Bùi Thanh Lân mười lăm tuổi, cũng từng xuất chinh vài lần, đương nhiên bỏ xa cậu về cả võ nghệ và kinh nghiệm. Diệp Uyển Oánh đi theo vị huynh trưởng này, cũng có chút quyền cước công phu, khi nhỏ từng đánh Bùi Thanh Lân đến phát khóc, liền đắc ý mang cái này ra chế nhạo cậu suốt ngày.

Bùi Thanh Lân quay đầu đi, mặt cau mày có không thèm để ý tới nàng: "Nữ nhân chính là loại tóc dài não ngắn, nam tử hán đại trượng phu đây không tính toán với loại tiểu nữ như ngươi."

"Ngươi có ý gì?! Tóc của di mẫu còn dài hơn ta, so với ta tóc ngươi cũng chẳng ngắn hơn bao nhiêu, ngươi nói ai là tiểu nữ tử?!" Diệp Uyển Oánh lập tức xù lông giơ chân lên.

"Nương là mẫu thân ta, ngươi bằng được một phần của người sao? Ngươi còn chẳng sánh nổi một nửa của đại tẩu nữa kìa." Bùi Thanh Lân hiển nhiên không phải người thương hoa tiếc ngọc, nói năng cũng không chịu nhường nhịn Diệp Uyển Oánh nửa phần, hừ lạnh hai tiếng rồi đứng lên, nói với Diệp thị và Bùi Diên "buổi trưa an lành" rồi cầm tên đi luyện bắn cung. Diệp Uyển Oánh liền phụng phịu tố khổ với Diệp thị: "Di mẫu người xem Tam biểu ca kìa, hắn lại dám đối xử với ta như vậy!"

Diệp thị lại không an ủi nàng như trong tưởng tượng, ngược lại tương đối lạnh nhạt nhắc nàng nên tuân thủ quy củ, đứng lên bỏ lại nàng.

Diệp Uyển Oánh quay mặt muốn tìm Vinh Hân biểu tẩu, đáng tiếc hôm qua đối phương bị tức chết rồi, hôm nay không có tới đây. Nàng càng không mong chờ gì ở đại biểu ca, liền tha thiết nhìn Bùi Thanh Hoằng mong được an ủi vài câu.

Nam tử diện mạo ôn hòa, tính khí cũng dịu dàng nhất phủ chỉ cười cười với nàng rồi cùng nam thê của mình rời đi.

Đến khi đã cách xa Diệp Uyển Oánh, Lan Mân mới lên chức biểu tẩu của nàng mới thấp giọng hỏi chuyện: "Biểu muội cùng Tam đệ là thế nào vậy?" Y không quen biết Diệp Uyển Oánh, đương nhiên không gọi khuê danh của nàng một cách thân mật.

"Chuyện đó ngươi không cần để tâm, tính tình của biểu muội Uyển Oánh hơi thất thường, không thích hợp với Tam đệ. Nếu nàng quấn lấy ngươi, có một cách để tách ra. Nàng ghét nhất là bị người khác dạy bảo."

Tính tình Diệp Uyển Oánh quả thực trẻ con quá mức, có sở thích yêu ngươi liền muốn bắt nạt ngươi, nhưng không phải ai cũng thích loại quan tâm đặc biệt này, chí ít là Bùi Thanh Lân không có chút hảo cảm nào với nàng.

Bùi Thanh Hoằng đương nhiên biết tâm tư của vị biểu muội này, có ý định tình chàng ý thiếp cũng cũng không phải là không thể. Chỉ là Bùi Thanh Lân thật sự không thích Diệp Uyển Oánh, bởi vậy hắn tuyệt đối sẽ không cưỡng ép tác hợp hai người. Huống chi theo ký ức của hắn, tốt nhất là anh em họ hàng không nên ở bên nhau, nếu không rất dễ sinh ra hài tử không bình thường.

Lan Mân gật gật đầu: "Nam nữ thụ thụ bất thân, ta sẽ chú ý. Chỉ là hôm nay thấy hai người bọn họ, đột nhiên nhớ ra Tam đệ cũng đã đến tuổi kết hôn, hơi bùi ngùi một chút mà thôi. Không biết phụ mẫu định để Tam đệ lấy vợ khi nào?"

"Tam đệ nhỏ hơn ta sáu tuổi, nói chuyện cưới vợ vẫn còn quá sớm. Phụ mẫu ta cũng không đồng ý chuyện này, hơn nữa mẫu thân muốn cho Tiểu Kỳ cưới một vị quý nữ. Nói chung ở trước mặt phụ mẫu, tốt nhất ngươi đừng đề cập đến chuyện kết hôn của Kỳ Diên."

Bùi Diên từng ngầm biểu thị bất mãn với Diệp Uyển Oánh, ngay cả Diệp thị luôn thương yêu cháu gái ngoài mặt cũng có thái độ phản đối ngoài dự liệu của hắn. Khi hắn hỏi liền lắc đầu: "Đại ca ngươi cưới phải một Vinh Hân như thế, ngươi lại đi cưới một nam nhân. Kỳ Diên nhất định phải tìm được nữ nhân mình thương yêu, gia thế cũng phải tương đương mới được. Uyển Oánh còn quá nhỏ, ở cùng Kỳ Diên không có kết quả."

"Ta hiểu, chỉ là còn một điều. Tam đệ muốn làm tướng quân, võ nghệ cũng không tồi. Nhưng dường như phụ mẫu không bằng lòng để đệ ấy tập võ?" Phu thê Tả tướng có kỳ vọng rất lớn với con cái, cũng không phải người cổ hủ, điểm này có thể thấy được từ chuyện Bùi Thanh Hoằng cưới nam thê.

Nhưng chính vì phụ mẫu sáng suốt như vậy, có thể thấy thái độ đối xử với con trai thứ ba có chút kỳ lạ, coi như sủng ái con út đi, nhưng hình như vẫn có gì đó không đúng. Lan Mân rất tin tưởng vào trực giác của mình, nhưng nhất thời cũng không nói được không đúng chỗ nào.

"Có lẽ là phụ mẫu quá quan tâm tới Tiểu Kỳ. Ngươi đừng thấy thân thể đệ ấy cường tráng như vậy, thực ra khi mới ra đời Tiểu Kỳ vô cùng yếu. Đệ ấy yếu ớt như con mèo nhỏ vậy, có thể nuôi sống đã là cực kỳ may mắn. Có lẽ chính vì chuyện năm đó nên phụ mẫu vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tam đệ. Nếu đồng ý để Tam đệ đi làm võ tướng, chắc chắn đệ ấy sẽ chạy đến chỗ nguy hiểm. Ta không thể kéo dài hương khói Bùi gia, hiện nay đại ca cũng chưa có hài tử, phụ mẫu không muốn cho Tam đệ ra chiến trường cũng là chuyện đương nhiên."

Lời giải thích này của Bùi Thanh Hoằng có thể nói là vô cùng hợp lý. Lan Mân cảm thấy mình có thể hiểu được, liền không nhắc lại chuyện Bùi Thanh Lân nữa. Hai người vừa đi vừa nghỉ, suốt một đường nói từ cầm kỳ thi họa tới thi từ ca phú, từ thi từ ca phú lại tới đề tài triết học nhân sinh, cuối cùng lại quay sang chính Lan Mân.

"Nếu ta nhớ không lầm, lúc trước Tử Giác vốn dạy tập viết vẽ tranh ở trường tư phải không?" Trước khi gả vào Bùi gia, Lan Mân không phải ngày nào cũng ru rú trong tiểu viện, y cũng có một công việc nghiêm túc. Tuy lương bổng không cao, nhưng danh tiếng êm tai, những học sinh kia thấy y đều gọi một câu Lan phu tử. (thầy, sư phụ)

Đề cập đến chuyện này, đầu tiên ánh mắt Lan Mân sáng lên, sau đó lại ảm đạm ngay lập tức: "Mộc Chi nhớ không lầm, trước kia ta đúng là phu tử trong trường tư, nhưng hiện tại thì không." Tuy quản sự trường tư cũng có lòng muốn giữ người, nhưng cha mẹ học sinh lại không muốn con mình bị giáo dục bởi một nam nhân gả cho nam nhân khác. Trong đó có vài học sinh gia thế không tồi, bọn họ một mực gây áp lực, Lan Mân có muốn cũng không thể ở lại.

Là một thư sinh yếu ớt ân oán phân minh, Lan Mân đương nhiên không làm khó dễ quản sự, bảo đối phương mình muốn rời khỏi trước, coi như toàn vẹn bộ mặt của cả hai người.

Hai người cùng nhau tới cầu cửu đoạn [1]. Ban đầu Bùi Thanh Hoằng muốn trực tiếp qua cầu, nhưng khi đề cập đến chuyện của Lan Mân hắn lại dừng bước, xoay người bước lên bậc thang, đứng bên ven đình hình trụ: "Vậy không biết Tử Giác có muốn tới học viện Hành Sơn nhậm chức hay không? Nơi đó có người tên Sơn Trường, so với danh tiếng thì quan tâm tới tài hoa hơn nhiều. Quan trọng nhất là, hắn rất tán thưởng tác phẩm của ngươi."

"Đương nhiên, Tử Giác cũng không cần lo lắng bị Sơn Trường làm khó dễ. Hắn là đệ tử của phụ thân, lại có công danh, chỉ cần Tử Giác không làm chuyện gì vượt khuôn phép, có thể yên tâm ở lại nơi đó."

Học viện Hành Sơn cùng cái trường tư nho nhỏ kia của Lan Mân quả là một trên trời cao một dưới nền đất, dù có tới đó làm đầu bếp cũng khiến người ta kính trọng ước ao. Nếu như có thể vào đó làm phu tử, chắc chắn là hơn trăm lần dạy trẻ con ở trường tư.

Lan Mân lại không lộ vẻ mặt mừng rỡ như hắn tưởng tượng, ngược lại có phần do dự: "Làm thế nào mà vị Sơn Trường kia lại từng thấy tác phẩm của ta?"

Khóe miệng Bùi Thanh Hoằng cong cong: "Không phải lúc trước Tử Giác từng vẽ tranh sông núi Trương Sơn sao, nhưng ngươi lại vứt vào sọt rác. Khi ấy ta làm mất bản vẽ rất quan trọng, lúc giở ra lại tình cờ thấy tác phẩm hội họa này. Phong cảnh trên đó thực khiến ta choáng ngợp vô cùng, liền tìm người cùng thưởng tranh. Không ngờ tác phẩm này lại chạm tới Sơn Trường."

Nhưng Lan Mân vẫn từ chối lời đề nghị của hắn: "Đến học viện Hành Sơn quả thực rất động lòng người, ta cũng vô cùng cảm kích Mộc Chi đã để tâm. Chỉ là ta đã bàn bạc với thư cục (nhà in) Hoài Viễn rồi, hai ba ngày nữa sẽ làm thư tượng (thợ ghi chép thủ công) ở đó, có thể đọc những cuốn sách mới nhất, lại có thời gian làm chuyện mình thích. Học viện Hành Sơn rất tốt, chỉ là so với cái kia, ta vẫn cảm thấy công việc nhàn rỗi ở thư cục thích hợp với mình hơn."

Bùi Thanh Hoằng cũng biết đối phương đã liên hệ với thư cục Hoài Viễn, có điều hắn vẫn bỏ tâm tư chỉ là muốn vì y làm chuyện gì đó, Lan Mân không muốn hắn cũng không tức giận: "Vậy trước hết ta chúc mừng ngươi. Đi thư uyển (vườn hội tụ văn học) cũng được, ở thư cục cũng được, chỉ cần ngươi cảm thấy vui vẻ. Nếu ngày nào đó bỗng nhiên động tâm với Hành Sơn, đừng ngại mà cứ nói với vi phu."

"Nếu có ngày đó, tất nhiên ta sẽ nói với Mộc Chi." Người dạy ở trường tư khi trước chính là ảnh vệ, ảnh vệ của y có thể dạy dỗ trẻ con, nhưng nếu đi Hành Sơn nhất định sẽ bại lộ. Còn thư cục Hoài Viễn kia vốn là cửa hàng trên danh nghĩa của y, nếu đến đó làm việc, khi chuyển đổi thân phận sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Bùi Thanh Hoằng lại trở về trạng thái im lặng, đặt tay lên hàng rào ngắm cảnh đẹp giữa hồ. Quanh cây cầu cửu đoạn của Bùi gia tứ bề đều bao phủ bởi hoa sen đại đóa. Hiện tại vừa vặn trùng khớp thời điểm sen bắt đầu nở rộ, non nửa mặt hồ ngập tràn mát mẻ lá sen xanh biếc. Lẩn giữa tầng lá cao thấp ước chừng cũng phải hơn trăm đóa sen đủ trạng thái, từ vừa chạm mãn khai rực rỡ đến vẫn còn dạng nụ ẩn tàng. Màu sen bông hồng bông trắng, đôi khi lại điểm xuyết một vài bông mang sắc đỏ đặc biệt diễm lệ. Hình hoa hòa cùng dáng lá, mềm mại thanh tao, hoàn toàn tương ứng với cổ ngữ "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Đúng lúc ấy thức ăn cho cá chép được nha hoàn mang đến. Từ trong đình nhìn ra có thể lập tức bắt gặp cảnh cá chép cả đàn đủ màu sặc sỡ ào ào nhao lên khỏi mặt nước, tranh nhau đớp lấy đồ ăn trong nháy mắt vừa rắc xuống. Cảnh sắc vốn tuyệt mỹ không ngôn từ nào tả xiết ấy vừa hay được cộng thêm một tầng sinh động.

Trong đình cảnh lúc nào cũng đẹp là thế mà ngày thường Bùi Thanh Hoằng cũng hiếm khi bước ra đây. Nếu hôm nay không phải là cùng Lan Mân đi dạo, chắc chắn hắn đã bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng tuyệt mỹ phong cảnh này, cũng sẽ hoàn toàn không nhìn ra hiện tại đã sang mùa sen nở.

Cảnh đẹp vừa thu vào tầm mắt, Bùi Thanh Hoằng chợt nảy ra một ý: "Được rồi, chuyện này ta tạm không bàn tới nữa. Nhắc tới chân dung, Tử Giác hình như chưa bao giờ vẽ ta? Sáng mai ta lại phải vào cung phụ trách việc tu sửa, dự kiến sẽ mất khá lâu. Mà vừa hay hôm nay mây trời thoáng đãng, hay là ngay tại đây Tử Giác họa một bức chân dung tặng ta đi, coi như đáp lại ta đã vì ngươi mà ngược xuôi mấy bận. Ý ngươi thế nào?"

Lan Man bật cười: "Ý của Mộc Chi, đương nhiên là rất hay."

Hai người liền lệnh nha hoàn mang dụng cụ vẽ tranh ra. Bùi Thanh Hoằng dựa vào cột đá, chăm chú hướng về phía Lan Mân. Thư đồng Thập Cửu cũng chạy tới, vừa mài mực cho lang quân vừa đứng một bên lén nhìn y vẽ tranh.

Mãi đến khi Bùi Thanh Hoằng hai chân tê rần, toàn thân buồn ngủ, còn Lan Mân sau khi đã tỉ mỉ tô vẽ suốt hai canh giờ, bức vẽ mới xem như đã hoàn thành. Thanh niên ôn thuận ngưng tay, hạ bút, gác lên nghiên mực. Thập Cửu ngồi một bên hưng phấn reo lên: "Chủ nhân, lang quân vẽ xong rồi! Một bức họa cực kì đẹp a!"

Bùi Thanh Hoằng mí trên mí dưới đang thiếu điều muốn dính vào làm một, chân cẳng tê dại suýt mất cảm giác, đột ngột nghe tiếng reo hào hứng, hắn giật mình bất ngờ suýt chút nữa trượt chân đập lưng xuống nước hồ lạnh cóng. May cho hắn thân vẫn dựa cột, vừa trong chốc lát kịp định thần lại liền sải chân ba bước tới ngay bàn đá bên đình xem bức chân dung Lan Mân tự tay họa hắn.

Một nam nhân diện mạo anh tuấn, thân tựa lên cột đình đỏ sẫm, sau lưng là mái đình điêu khắc tinh xảo. Mây trời xanh lơ in bóng lên mặt hồ trong vắt, đất trời giao hòa làm một. Sóng nước gợn nhẹ, lá sen khẽ lay, ngắm kĩ còn thấy cả cá chép đỏ tươi vọt lên từ mặt nước.

Xanh mướt tầng lá, hồng phớt lớp hoa. Sẫm đỏ cột đình, đỏ tươi cá chép.

Nơi tầng cao trên cùng, bao phủ lên tất thảy là một lớp chiều tà đỏ rực.

Một bức họa một lần thoáng nhìn sẽ lập tức rung động.

Mà, ấy là còn chưa bàn đến thần sắc từ đáy mắt nam nhân kia, qua góc nhìn của Lan Mân, họa lên mặt giấy ý cười vô cùng dịu dàng.

Bùi Thanh Hoằng không vội phát biểu cảm nghĩ. Hắn chỉ là, trầm tĩnh đứng đó, ngắm qua rồi ngắm lại, lặng yên cùng thưởng thức. Thập Cửu lại lần nữa lên tiếng cảm thán: "Lang quân vẽ thiếu gia thật quá là đẹp, thần thái quá là sắc sảo a!".

Khóe miệng Lan Mân nở ra nụ cười ôn hòa, khiêm nhường đáp: "Ai họa cũng đẹp như nhau thôi, đều là do dung mạo Mộc Chi trời sinh tuấn tú, người ngoài dễ còn vẽ đẹp hơn ta."

"Tử Giác quá khiêm tốn rồi, chí ít là có ta đây hoàn toàn không có năng lực ấy". Dứt lời, hắn liền cầm cọ quẹt vài đường lên giấy, vừa ngẩng lên nhìn Lan Mân một chút, lại xoạt xoạt xoạt thêm ba nhát, vẽ ra ba khúc thành dáng người nho nhỏ.

Ngọc quan cùng tóc vấn mỗi thứ một nơi, y phục của Lan Mân thì được họa nhanh bằng vài nét cơ bản, nhưng đại khái vẫn sẽ nhận ra được người trong tranh là ai.

"Phải đó phải đó, lang quân ngài đừng quá khiêm tốn như vậy. Thiếu gia nhà ta thông thạo nhất chẳng qua chỉ là tài vẽ hình thù người đầu to thân nhỏ thôi. Ta còn nhớ, năm đó thiếu gia họa ra một bức phu tử dạy vẽ cầm roi đánh người, khiến phu tử đó giận đến ngất xỉu."

Hồi tưởng lại cảnh tượng hỗn loạn ngày nào vẫn khiến Thập Cửu hãi hùng như cũ. Phải biết rằng vị phu tử kia dù có giận đến bốc hỏa nhưng cũng nào có gan động đến thiếu gia. Thế nên người ăn đòn cuối cùng, còn không phải thư đồng bọn hắn hay sao.

Thấy Lan Mân mím chặt môi cố nín cười, hắn lại phải vội vã đính chính bảo toàn hình tượng sáng chói của thiếu gia nhà mình: "Kì thực không phải thiếu gia chỉ biết vẽ mỗi mấy thứ thế này đâu. Ngài ấy thực ra có tài ký họa siêu tốc, hơn nữa còn ký họa y hệt cảnh thật, phải nói là vô cùng lợi hại."

Là một kiến trúc sư cùng kỹ sư xuất chúng, Bùi Thanh Hoằng có kỹ năng rất tốt trong khoản vẽ bản vẽ kỹ thuật, đồng thời ký họa cũng là sở trường của hắn. Có điều hắn chỉ có thể vẽ ra đồ vật rập khuôn giống nhau y đúc chứ vô lực họa ra cái thần của con người và phong cảnh.

Có thể đại khái ví như, tác phẩm của Bùi Thanh Hoằng giống tấm ảnh của một kẻ ngốc cầm máy chụp bừa trong khi nghệ thuật yêu cầu sự tính toán ánh sáng cùng góc độ hoàn hảo để tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Từ quan điểm của văn nhân chân chính ở Đại Lam mà nói, bức họa Lan Mân này của hắn cùng lắm xếp vào hàng kỳ dâm xảo kỹ [2], đại khái là cực kì tầm thường. Bùi Thanh Hoằng biết rõ điểm này, nên cũng chưa từng trực tiếp đưa ra nhận xét tiêu cực trước mặt người khác.

"Được rồi, Tử Giác đừng nghe Thập Cửu nói loạn nữa. Tranh này vẽ ta thì cứ trực tiếp tặng ta là được rồi." Nam nhân anh tuấn lấy tay quạt quạt để nét mực mau khô, suy nghĩ thế nào lại kí tên lên bức họa nhỏ khi nãy: "Còn bức này, tuy có hơi quê mùa nhưng cũng là ta có lòng vẽ ra, coi như quà đáp lễ lại Tử Giác đi."

Lan Mân không hề có cảm giác mình bị người ta tranh mất lời, vui vẻ đáp: "Không cần đáp lễ, bức tranh kia cũng là ta ban đầu đã nói họa xong sẽ tặng ngươi, mà thấy ngươi thích như vậy ta cũng rất mừng."

Y lại cầm lên bức họa nhỏ một người ba khúc kia, cân nhắc một hồi rồi mới tiếp lời: "Hình người của Mộc Chi tuy đơn giản nhưng lại mới mẻ thú vị, hai ba nét bút đã họa ra nét đặc trưng của nhân vật rồi, cũng là hiếm thấy."

Thập Cửu đứng một bên thấy tình cảm đôi phu phu có tiến triển liền vô cùng khoái chí. Hai vị ấy, cứ lần lượt người này kẻ kia tán dương qua lại, ngữ khí lại ngọt ngào như mật. Tốt nhất là hắn nên nhanh chóng thu dọn dụng cụ rồi im ắng lui đi.

Ngày hôm sau, Bùi Thanh Hoằng ăn sáng cùng Lan Mân, khi ra cửa hai người liền tách ra đi đường của mình. Đại Lam có thể xem là quốc thuận danh an, ngày mừng thọ của Thái thượng hoàng còn có phần quan trọng hơn so với Thái hậu. Việc tu sửa tẩm cung của Thái thượng hoàng đã bắt đầu trước đại hôn của Bùi Thanh Hoằng, nay đã hoàn thành, đến giai đoạn Thượng thư nghiệm thu.

Đầu tiên là quan viên bộ Công kiểm tra, tiếp theo là thị lang và Thượng thư bộ Công kiểm định, cuối cùng là Thái thượng hoàng tự mình xem xét. Để tu sửa cung điện của Thái thượng hoàng, bộ Hộ phát bạc xuống rất dư dả, không ai dám tham ô, vật liệu đều dùng đá và gỗ tốt nhất. Nếu xảy ra chuyện gì, thợ thủ công, thợ đá cùng các quan viên lớn nhỏ đều phải chịu trách nhiệm.

Bùi Thanh Hoằng là người lãnh đạo trực tiếp nhưng lại không kiếm chác gì, Thượng thư mới nhậm chức này còn đặc biệt coi trọng việc tu sửa tẩm cung của Thái thượng hoàng, đương nhiên người phía dưới cũng không dám ăn tiền bất chính. Trước ngày sinh nhật thứ hai mươi sáu của Thái thượng hoàng, tất cả các cuộc kiểm tra đều được thông qua. Do mở yến tiệc chiêu đãi bá quan văn võ cùng quý tộc hoàng thân, các đài cao đều được dựng lên, khắp nơi trong cung đều giăng đèn kết hoa, hỷ khí bức người.

Vậy mà trong tẩm cung của tiểu Hoàng đế, chẳng có mấy người mang sắc mặt vui mừng. Trong Càn Nguyên điện của đế vương, một thiếu niên thanh tú ngồi trên đệm vàng mềm mại, mặc long bào ngũ trảo, nằm nhoài trên bàn với vẻ mặt mệt mỏi. Trên đầu cậu vấn tử kim quan [3] chỉ Hoàng đế có thể dùng, hiển nhiên đây là vị vua mới mười một tuổi của Lam quốc – Thái Thúc Việt.

Nữ tử ngồi bên cạnh cậu mang khuôn mặt năm phần tương tự, do được chăm sóc kĩ càng nên nhìn qua như mới hai mươi, dung mạo tinh tế duyên dáng, mang theo uy nghi của hoàng thất, ánh mắt thông tuệ tinh khôn, bờ môi đỏ thắm, da thịt như sương như tuyết, chính là Thái hậu Chương thị người đời rỉ tai có mối quan hệ bất chính với Thái thượng hoàng.

Hầu hết cung nhân hầu hạ Hoàng đế và Thái hậu đã bị cho lui, tất cả đều canh giữ ngoài cung chờ chủ tử cho gọi. Thấy thái độ này của tiểu Hoàng đế, Thái hậu không ngồi nổi nữa, đứng lên lại gần cậu, khuôn mặt đau xót bi thương tức giận không thiếu gì: "Ngươi bày ra bộ dạng này cho ai xem? Lúc trước ngươi hứa với mẫu hậu, hứa với phụ hoàng thế nào! Dáng vẻ bây giờ của ngươi, dù y có đồng ý để ngươi tự chấp chính cũng làm không nổi, chỉ khiến người trong thiên hạ cười nhạo mà thôi!"

Thái Thúc Việt cười "xì" một tiếng, hiển nhiên không để ý đến Chương thái hậu: "Cười nhạo thì cười nhạo thôi. Trẫm còn nhỏ tuổi, nếu làm tốt, đại thần văn võ sẽ quy hết công lao lên đầu Thái thượng hoàng. Làm không nổi, là do trẫm kiêu căng khó bảo, không chịu nghe hoàng thúc khuyên bảo."

Trong lịch sử, không phải không có chuyện nhiếp chính vương hay triều thần nắm quyền kiểm soát triều chính, còn Hoàng đế phải làm con rối rỗng tuếch. So với những người đó, cậu có một lợi thế đó là, người nắm triều chính là hoàng thúc của cậu, mà dường như y là một tên đoạn tụ.

Chương thái hậu rõ ràng không vừa ý với lời giải thích của cậu: "Nếu ngươi cũng biết Thái thượng hoàng nhiếp chính, thì càng phải chăm chỉ đọc sách, cố gắng tranh quyền đoạt thế mới phải. Quyền lực phụ hoàng ngươi để lại cùng những triều thần bất mãn với Thái thượng hoàng có thể trợ lực cho chúng ta. Ngoại tổ phụ cùng cữu cữu ngươi, toàn bộ Chương gia đều đứng về phía chúng ta. Ngươi đừng có quên, trên đời này ngươi mới là Hoàng đế danh chính ngôn thuận, là thiên tử chân chân chính chính của Đại Lam!"

"Ngoại trừ Chương gia, trên đời có mấy người còn nhớ trẫm mới là Hoàng đế!" Thái Thúc Việt ngồi dậy rồi lại tựa người lên ghế, khuôn mặt có chút non nớt tràn đầy ủ rũ. Cậu năm tuổi mất cha, bảy tuổi lên ngôi, từ một đứa bé cái gì cũng không biết cho tới Hoàng đế bù nhìn hiện tại, hầu như mỗi ngày đều bị Chương thái hậu tiêm nhiễm đủ điều vặn vẹo về Thái thượng hoàng.

Nhưng từ khi phát hiện hạ nhân hầu hạ trong cung đều nghe theo lệnh Thái thượng hoàng, triều thần cũng không coi trọng cậu như mẫu hậu nói, cậu từ tức giận không thôi dần trở thành vô cảm như hiện tại. Cậu mới có mười một mà thôi, Thái Thúc Lan lại nắm quyền đã nhiều năm. Quyền hành quân đội, chính phủ đều nằm trong tay vị hoàng thúc này, cậu có thể bình an sống đến bây giờ đã không đơn giản, cái gì mà đoạt lạt thực quyền, quả là mơ hão.

Chương thái hậu hừ lạnh một tiếng: "Ngươi không muốn làm, mẫu hậu liền làm thay ngươi. Y là hoàng thúc, là Thái thượng hoàng cái gì cơ chứ, cũng chỉ là một tên loạn thần tặc tử giết cha giết anh mà thôi. Y không giống Minh Chính đế tiền triều nhỏ tuổi đã thắng trận được ca ngợi là đại thần dũng sĩ số một, Thái Thúc Lan là loạn thần tặc tử người người đều muốn diệt trừ. Chỉ cần có tâm, thực quyền đương nhiên sẽ về tay ngươi."

"Mẫu hậu muốn làm thế nào, ám sát Thái thượng hoàng? Người lo mạng chúng ta quá dài sao? Trẫm mới mười một tuổi, không muốn chết dưới lửa giận của hoàng thúc." Tuy mới mười một, nhưng trong môi trường này, tâm trí Thái Thúc Việt còn trưởng thành thận trọng hơn cả thanh niên hai mươi tuổi.

Những năm gần đây, cả ngày cậu đều lo sợ cho cái mạng nhỏ của mình. Cậu có thể sống lâu như vậy là do biết thân biết phận, nói không chừng có thể đợi đến lúc hoàng thúc chết đi, hoàng quyền thuận lợi trở về tay. Thái Thúc Việt đương nhiên không hy vọng Chương thái hậu làm ra loại chuyện ngu xuẩn không chỉ khiến mình mất mạng mà còn khiến cậu vạ lây.

Chương thái hậu không nhiều lời về vấn đề này nữa, thay vào đó nhắc đến chuyện đón dâu cho Hoàng đế: "Mẫu tử chúng ta đồng lòng, con trai ta giờ đã mười một, ai gia cảm thấy tôn nữ nhà Trương thái phó [4] rất tốt, nếu có thể cưới làm Hoàng hậu coi như được trợ lực không ít."

Ngoại trừ một số trường hợp, trên phương diện nào đó người hoàng cung đều phát triển sớm hơn người thường một chút. Ở Đại Lam, con cháu hoàng thất các đời đều có hài tử khi còn trẻ tuổi. Trượng phu nàng mười bốn đã có công chúa, còn nàng hạ sinh hoàng tự đầu tiên lúc mười lăm tuổi, hiện chính là tiểu Hoàng đế Thái Thúc Việt.

Trương thái phó mà Chương thái hậu vừa nhắc tới là thái phó khi phụ hoàng cậu còn là Thái tử, bây giờ dĩ nhiên đã ngoài sáu mươi, tôn nữ hay con thứ cũng lớn hơn cậu ba tuổi. Quan hệ thông gia giữa Trương gia và Chương gia, chẳng khác nào dùng dây cột châu chấu. Trương thái phó kia là một con cáo già, thấy Hoàng đế vốn được ủng hộ nay lại suy tàn, liền bắt đầu dao động không ngừng.

Chương thái hậu muốn mượn hôn nhân ràng buộc hai nhà càng chặt, nếu cháu gái Trương thái phó được gả cho Hoàng đế làm Hoàng hậu, Trương gia kia chạy đâu cho thoát.

Thái Thúc Việt đương nhiên biết mẫu hậu mình tính toán điều gì, nhưng càng chống cự với mối hôn sự này: "Nếu mẫu hậu thích gia nữ kia có thể tự mình cưới, trẫm không cưới. Nếu mẫu thân bắt trẫm cưới nàng, trẫm tuyệt không lâm hạnh Hoàng hậu, quân vô hí ngôn."

Không chạm vào Hoàng hậu sẽ làm xấu mặt người nhà họ Trương, phải biết danh phận Hoàng hậu này cũng không thể thực sự trói chặt bọn họ. Chỉ hoàng tự có khả năng trở thành Hoàng đế tương lai mới khiến người ta tự nguyện đứng vào hàng ngũ then chốt. Ngữ khí Chương thái hậu mềm đi mấy phần, dùng lời hay ý đẹp thương lượng với Thái Thúc Việt.

"Nếu gia nữ kia không lọt mắt hoàng nhi, nhà Lý tướng quân cũng không tồi..." Chương thái hậu đương nhiên không thể chọn mỗi cháu gái Trương thái phó, chỉ là dưới con mắt của nàng thì đó là người thích hợp nhất để làm Hoàng hậu.

Thái Thúc Việt từ chối phi thường kiên quyết: "Nhi thần còn nhỏ, còn chưa thể tự mình chấp chính, mẫu hậu đừng vội nhắc tới hôn sự lần nữa. Nếu nhi thần thực sự có người trong lòng, đương nhiên sẽ báo cho mẫu hậu ngay lập tức, sắc phong làm Hoàng hậu. Nếu mẫu hậu có thời gian, không bằng ngẫm lại chuyện ngày mai. Nếu hoàng thúc không vui chỗ nào, khiến phượng thể mẫu hậu bị bệnh không dậy nổi thì không ổn đâu."

Nói xong lời này cậu liền gọi cung nhân vào mời Chương thái hậu ra ngoài. Tâm tư hai người bọn họ khác nhau, chia tay không mấy vui vẻ. Đến lúc đi ngủ Thái Thúc Việt cho cung nữ và thái giám lui hết, chỉ để lại người bạn Tiết Thành của cậu.

Thiếu niên mi thanh mục tú duỗi tay, làm nũng với thanh niên mang khuôn mặt trung hậu mềm mại: "Bằng hữu, hôm nay mẫu hậu lại muốn cưới vợ cho trẫm."

Sau khi trưởng thành thanh niên kia mới bị cắt cái đó, âm thanh không lanh lảnh như thái giám, ngược lại có cảm giác trầm thấp khàn khàn. Y trở tay ôm lấy tiểu Hoàng đế, dùng bàn tay to lớn được dưỡng trong cung nhưng không hề thô ráp mà nhẹ nhàng xoa xoa bờ lưng tinh tế của thiếu niên: "Thái hậu muốn điện hạ được trợ lực tốt hơn, đây là chuyện tốt."

Từ khi tiểu Hoàng đế mới sinh ra y đã bắt đầu hầu hạ đối phương, sau khi Thái Thúc Việt lên ngôi vẫn không thay đổi xưng hô, cho thấy y không hề giống với cung nhân bình thường, có quan hệ thân thiết khác thường với tiểu Hoàng đế.

Giọng mũi của Thái Thúc Việt có chút mềm mại, cậu không thể làm nũng với Chương thái hậu, nhưng với người bạn thân mật không kẽ hở của mình thì không hề ngần ngại: "Ta thấy mẫu hậu muốn đẩy ta xuống hoàng tuyền sớm chút mới phải. Người luôn nói là suy nghĩ vì ta, nhưng cũng chỉ vì Chương gia đằng sau gây sức ép mà thôi. Cho dù không còn Thái thượng hoàng, trên đầu ta cũng có Chương gia đè ép, để nhà ngoại chuyên quyền còn không bằng để hoàng thúc. Tốt xấu gì hiện tại giang sơn vẫn là của Thái Thúc gia."

Không đợi Tiết Thành trả lời, Thái Thúc Việt nói tiếp: "Lại nói, nếu trẫm thực sự kết nhân duyên với cái gì mà tôn nữ Trương thái phó, thứ nữ Lý tướng quân, sủng hạnh các nàng sinh ra hoàng tự, chưa biết chừng ngày hôm sau cái mạng này của trẫm liền không còn nữa. Có lúc ta cảm thấy, hẳn là mẫu hậu thực sự có quan hệ cùng Thái thượng hoàng, nếu không tại sao hoàng thúc lại rời khỏi ngôi vị hoàng đế mà không mảy may động đến mẫu tử chúng ta chứ? Hẳn là cũng có lúc mẫu hậu ước gì ta chết đi cho rồi."

Tình tính Thái Thúc Việt đa nghi hệt như cha mình, tuy Chương thị là mẹ ruột cậu, nhưng thái độ của nàng thực sự khiến cậu có chút bất mãn. Huống chi từ nhỏ cậu đã phải học hành vì con đường làm vua, không còn là đứa bé hồ đồ không biết gì khi trước, sớm đã có năng lực phán đoán đặc biệt của riêng mình.

"Phi phi phi!" Thanh niên khuôn mặt trung hậu vội vã ói ra ba ngụm nước miếng, lấy tay che miệng Hoàng đế: "Điện hạ tuyệt đối đừng nói những lời không may mắn này, nô tài nghe vậy lòng đau vô cùng. Thái hậu nương nương suy nghĩ vì ngài, chỉ là đôi lúc hơi nóng ruột, lại có Chương gia thúc ép phía sau, nương nương không nghĩ nhiều tới vậy. Nói chung bất kể thế nào, nô tài đều đứng về phía ngài."

Tiểu Hoàng đế trút bầu tâm sự xong liền muốn đi nghỉ. Đến lúc Thái Thúc Việt nặng nề ngủ thiếp đi, Tiết Thành mới vén màn xuống nhìn cậu. Đôi mắt trầm tĩnh đen láy như hắc diện thạch vốn vô cùng ôn nhu, lúc này lại tối tăm không rõ, ánh nến chập chờn chiếu lên gương mặt miễn cưỡng có thể gọi là anh tuấn, để lộ sắc mặt tự dưng âm u hơn mấy phần.

Bất kể Thái Thúc Việt và Chương thái hậu có tâm tư thế nào, khi thái dương thoáng lộ mặt nơi chân trời, mọi nơi trong cung lập tức trở nên bận rộn. Phải kiểm tra trên dưới kĩ càng, những người từ gánh hát được phái tới hát hí cũng bị cung nữ hoặc hoạn quan soát người, các món nguội hay điểm tâm ngự thiện phòng đưa tới cũng phải để cung nhân có chuyên môn thử độc trước, cẩn trọng kiểm tra biện pháp an toàn khắp mọi nơi.

Mặt mỗi người đều căng thẳng vô cùng, chỉ cần có một điểm sơ suất mà thôi, long nhan giận dữ, người chịu xui xẻo chắc chắn sẽ là cung nhân hầu hạ bọn họ. Khi hoàng hôn buông xuống, các quan chức cùng vương công quý tộc đều đã an tọa.

Khi tà dương rơi xuống sườn núi, Thái thượng hoàng bước vào, bá quan văn võ lập tức đứng lên đồng loạt bái y chúc mừng. Lúc Bùi Thanh Hoằng và tất cả mọi người ngẩng đầu nhìn Thái thượng hoàng, đối phương vẫn mang mặt nạ bạch ngọc che khuất hơn nửa khuôn mặt, dáng dấp thần thần bí bí, uy nghiêm mười phần. Nhận ra tầm mắt của đối phương đang hướng sang bên này, hắn cúi đầu thật nhanh, diễn bộ dáng thanh niên ôn hòa lương thiện cung kính cần kiệm tốt đẹp.

Không biết có phải hắn bị ảo giác hay không, hình như vị Thường Tú công công thường hầu hạ bên cạnh Thái thường luôn dùng ánh mắt kỳ quái nhìn hắn. Khi hắn liếc qua, đối phương lại mang dáng vẻ bình thản, không nhận ra nửa điểm dị thường.

Âm thanh lanh lảnh của công công kéo dài đến vô tận, đọc tên từng quan chức, hoàng thân quốc thích cùng trân bảo được dâng tặng Thái thượng hoàng.

Phân đoạn này không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, còn lại là mọi người nói vài câu chúc phúc đơn giản với Thái thượng hoàng, khi đưa lễ vật còn phải giới thiệu vài câu. Quan chức gia cảnh tương đối kém thường dùng lễ vật tự làm, dùng lời hay ý đẹp để chúc phúc, như vậy sẽ không bị coi là mạo phạm quân thượng.

Ở phương diện thi ca Bùi Thanh Hoằng không thể sánh với những văn nhân tài hoa hơn người, chúc mừng theo những người khác, giới thiệu kính viễn vọng quân dụng kia vài câu, sau đó an phận ngồi xuống chờ sân khấu diễn kịch.

Dưới sự nuôi dạy của Diệp thị, đời này hắn miễn cưỡng học hỏi một ít về những thứ này, nhưng trước sau vẫn không có chút hứng thú nào. Không ít thân vương quý tộc bên cạnh hắn đều thích thú vô cùng xem đến say sưa, hắn lại chỉ có thể cố gắng hết sức không để mí mắt trên dưới dính lại làm một.

Hí khúc ê ê a a xướng được một nửa, chung quanh Bùi Thanh Hoằng đột nhiên tĩnh lặng, hắn liền nhanh chóng tỉnh lại từ trạng thái buồn ngủ. Nghe được dăm ba câu rì rầm liền biết, vị Thái hậu nghe đồn có quan hệ với Thái thượng hoàng, thừa dịp ngày vui mừng đột nhiên làm khó dễ Thái thượng hoàng!

_______

[1] Cầu cửu đoạn:



[2] Kỳ dâm xảo kỹ (hay kỳ kỹ dâm xảo): kỹ năng mới mẻ, tác phẩm tinh xảo, khéo léo nhưng vô dụng.

[3] Tử kim quan:



[4] Thái phó: chức quan giúp đỡ vua nhỏ hoặc khi chưa ai lên làm vua thì có thể thay thế quản lý quốc gia (theo Baidu), chức quan thuộc hàng tam công, dưới thái sư và trên thái bảo (theo LacViet).

_______

Chương này dài bằng 3 chương bình thường mng ạ T_T

Bình luận

Truyện đang đọc