NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN - THIÊN TẠI THỦY

Khi còn nhỏ, trước khi có máy MP3, trong nhà có một máy nghe nhạc, đó là của hồi môn của mẹ Tống Nhĩ Giai.

Mẹ nàng thích nghe nhạc. Mỗi khi bố về nhà, ông đều mang theo rất nhiều băng đĩa từ Hong Kong, Macao, Đài Loan và hải ngoại.

Lúc bấy giờ, có một ca sĩ tên là Châu Hoa Kiện nổi tiếng khắp cả nước. Mẹ nàng thích nghe nhạc của ông ấy nhất và rất hay nghe bài 《Những người bạn》.

Bằng hữu một đời, luôn bên nhau

Những ngày đó, không còn trở lại

Một câu nói, một đời người

Một tiếng lòng, một ly rượu.

Ấn tượng ban đầu của Tống Nhĩ Giai về bạn bè không phải từ bài hát mẫu giáo "Tìm là tìm là tìm bạn bè, tìm được một người bạn tốt", mà là từ 《Những người bạn》của Châu Hoa Kiện.

Khi còn học tiểu học, nàng cũng có rất nhiều bạn bè. Những người bạn học cùng bàn, những người bạn ngồi ở bàn trước và bàn sau. Sau khi tan học, nếu ai về nhà cùng nàng đều có thể trở thành bạn tốt của nàng.

Nhưng một khi đã ra trường thì sẽ không còn điểm giao thoa, dần dần xa cách nhau, khi gặp nhau chỉ còn lại những lời chào hỏi qua loa lấy lệ.

Sau đó, lúc học sơ trung, nàng gặp một nhóm chị em rủ rê trốn học. Họ đưa nàng đến quán cà phê Internet, quán bar, hay dẫn nàng đến quán trò chơi điện tử, tiếp xúc với rất nhiều điều mới lạ...

Nàng dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình cho họ.

Sau khi lên cao trung, nàng cũng không cắt đứt liên lạc với họ.

Nàng đã nghĩ họ sẽ là bạn của nhau suốt đời.

Ngày hôm sau, nhóm chị em chạy đến nhà nàng như không có chuyện gì xảy ra, rủ rê nàng chơi bời. Nàng đứng trên ban công tầng 2, sờ sờ miếng băng gạc trên đầu, nhìn xuống bọn họ rồi thốt lên:" Tôi muốn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, các cậu tự đi chơi đi!"

Mấy chị em ở phía dưới cười nói: "Tống Nhĩ Giai, mày trở thành học sinh giỏi từ khi nào vậy? Kỳ thi tuyển sinh đại học, mày có thể tùy tiện làm bài, nhưng nếu mày nghiêm túc thì sẽ rớt đấy!"

Họ là những người luôn chế giễu việc học chăm chỉ.

Tống Nhĩ Giai mỉm cười, ngừng nói chuyện với họ. Nàng đóng cửa sổ, quay trở lại phòng học và tiếp tục viết bài kiểm tra.

Nguyễn Trinh đang thực hành thiền thư pháp bên cạnh nàng. Sau khi viết xong một trang giấy thi, nàng nghiêng người để đọc chữ viết của Nguyễn Trinh——

Này những người đã bỏ rơi tôi, ngày hôm qua sẽ không trở lại...

*

"Chị giáo Nguyễn, mấy năm qua em đã kết thân với một vài người bạn mới đấy. Khi nào có thời gian em sẽ dẫn chị đi ăn với họ nhé."

Nguyễn Trinh vẫn đang xoa dầu thuốc cho nàng: "Em là người lớn rồi, việc kết bạn với ai không cần chị phải gác cổng giúp."

"Không phải gác cổng, chỉ là cùng nhau tụ tập vui chơi một chút thôi."

So với Tống Nhĩ Giai – người luôn có bạn bè khắp thế giới, Nguyễn Trinh là một người đơn độc và ít bạn bè. Tống Nhĩ Giai muốn kéo Nguyễn Trinh vào vòng xã hội của mình, muốn nói với bạn bè của mình rằng Nguyễn Trinh rất quan trọng với nàng.

Nguyễn Trinh thành thật nói:" Khoảng cách thế hệ ba tuổi, em và các bạn đấy chỉ ở độ tuổi ngoài 20, có lẽ không thể trò chuyện cùng nhau được. Nếu sau này em có bạn trai, em có thể mời chị kiểm tra giúp em."

Lại nói đến bạn trai...

Tống Nhĩ Giai lẩm bẩm: "Em sẽ không có bạn trai...Chị có khoảng cách thế hệ với em không?"

Nguyễn Trinh gật đầu: "Có chứ."

Khi cô bận rộn với cuộc sống bộn bề, đứa trẻ này vẫn còn đang suy nghĩ đến việc nên đi chơi ở nơi nào.

Tống Nhĩ Giai nằm trên sô pha, im lặng suy nghĩ một lúc rồi nhẹ nhàng nói:" Không sao, em cũng sắp bước chân ra xã hội rồi. Có thể sẽ có khoảng cách thế hệ giữa sinh viên và nhận thức xã hội, nhưng khi em bước ra đời, khoảnh cách thế hệ giữa chúng ta có thể trở nên nhỏ hơn. Nguyễn lão sư, chị chờ em."

Chờ đến một ngày, nàng cũng có thể trở thành chỗ dựa cho Nguyễn Trinh, không phải lúc nào cũng chỉ phụ thuộc vào Nguyễn Trinh.

Tống Nhĩ Giai đã không còn phủ nhận khoảng cách giữa nhau nữa.

Nguyễn Trinh lớn tuổi hơn nàng, cũng đã trải qua nhiều chuyện hơn nàng và cả hai cũng đang ở giữa những giai đoạn cuộc đời khác nhau. Khoảng cách do kinh nghiệm và tuổi tác mang lại là điều không thể phủ nhận được.

Nàng chỉ hy vọng rằng Nguyễn Trinh sẽ không nghĩ nàng ấu trĩ mà đẩy nàng ra xa.

"Xong rồi đấy, đứng dậy đi." Sau khi xoa một lúc lâu, Nguyễn Trinh đứng dậy: "Chị đi rửa tay, buổi tối nhớ cố gắng ngủ thẳng người."

Tống Nhĩ Giai vâng một tiếng. Khi đi ngủ, nàng ngoan ngoãn nằm thẳng, không dám nhúc nhích.

*

Ngày thứ hai, Nguyễn Trinh trực ngoại trú.

"Đưa thẻ y tế cho tôi. Đây là lần đầu tiên cô đến bệnh viện của chúng tôi đúng không?" Trong khi quan sát trạng thái của bệnh nhân, Nguyễn Trinh cầm thẻ y tế mà người nhà đưa cho.

Người nhà bệnh nhân là một người phụ nữ trạc tuổi 50, vẻ mặt dè dặt và tiều tuỵ:" Đúng vậy, trước đây, gia đình chúng tôi chưa có ai mắc bệnh này. Con gái tôi đột nhiên mắc căn bệnh lạ này, không thể nhận ra người và thường nói sảng. Chúng tôi đã điều trị ở quận C được vài ngày, bác sĩ ở đó nói chữa ở nơi này không tốt lắm và khuyên chúng tôi nên đến đây khám."

Nguyễn Trinh hỏi: "Cô có mang theo hồ sơ bệnh án và một số tài liệu khám bệnh từ bệnh viện mà cô từng khám trước đây đến không?"

Đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh, nên kiểm tra hồ sơ bệnh án của những lần khám trước để có được những thông tin cần thiết ở mức độ cao nhất.

"Có, có!" Người nhà lục lọi trong túi xách một lúc rồi lấy hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ra.

Nguyễn Trinh xem hồ sơ bệnh án và hỏi tình hình cụ thể của bệnh nhân.

Bệnh nhân họ Lý, 23 tuổi, làm công nhân cho xưởng sản xuất đồ gỗ ở quận C cách đây 2 tháng. Nửa tháng trước, cơ thể cô ấy xuất hiện các triệu chứng như tức ngực, hoa mắt, đau đầu, choáng váng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, tê bì các ngón tay. Vì công việc bận rộn nên cô ấy chưa bao giờ dành thời gian đến bệnh viện khám. Cách đây một tuần, cô ấy đột nhiên ngất xỉu tại nơi làm việc, khi tỉnh dậy thì giống như say rượu, mắt đờ đẫn, quơ chân khua tay, không nhận ra người, còn xuất hiện đủ loại ảo giác.

Đồng nghiệp đưa cô ấy về nhà, mẹ cô ấy liền đưa cô ấy đến bệnh viện ngay trong đêm. Vì không biết nhập viện khoa nào nên mẹ cô ấy bắt lấy người bác sĩ đang đi ngang qua và hỏi. Sau khi nghe bà nói, vị bác sĩ kia chỉ định khoa tâm thần, sau đó vội vã rời đi.

Bác sĩ tâm thần đã nhận chị Lý vào bệnh viện, nhưng sau nhiều ngày điều trị vẫn không cải thiện.

Nguyễn Trinh xem hồ sơ bệnh án của bệnh viện trước, chẩn đoán nhập viện được viết là "Rối loạn tâm thần cấp tính và nhất thời", "Rối loạn tâm thần hữu cơ chờ xử lý", xuất viện chẩn đoán là "Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời", thuốc điều trị được sử dụng là Seroquel, haloperidol, scopolamine,... Sau khi uống thuốc, tình hình không cải thiện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đờ đẫn, chảy nước miếng, mặt mày dại ra, càng ngày càng nặng hơn.

Sau đó, cô xem lại quy trình xét nghiệm máu trước đây. Sinh hóa máu và các phiếu xét nghiệm khác cho thấy số lượng bạch cầu và tiểu cầu thấp, đồng thời bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp đều tăng cao. Cô lật lại danh sách kiểm tra liên quan đến hình ảnh, phát hiện điện tâm đồ và X-quang phổi đều bình thường.

Nguyễn Trinh hỏi người nhà: " Đã được đo điện não đồ chưa?"

Cô không nhìn thấy điện não đồ.

Mẹ của chị Lý cho biết:" Không, đó là bệnh viện tư nhân tương đối nhỏ, không có những trang thiết bị đó. Ban đầu, bác sĩ muốn cho bọn tôi đến bệnh viện số một của quận để làm, nhưng sau đó lại nói rằng việc điều trị không dễ dàng rồi bảo chúng tôi hãy đến Tam viện ở tỉnh lỵ. đi."

Nguyễn Trinh yêu cầu bệnh nhân nằm trên ghế khám. Cô kiểm tra thể trạng rồi hỏi bệnh nhân:" Cô làm trong xưởng sản xuất đồ gỗ, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất gì trong xưởng?"

Đôi mắt chị Lý vẫn còn hơi đờ đẫn. Cô ấy hé môi, một lúc sau, cô ấy mới nói với Nguyễn Trinh rằng xưởng của họ sẽ sử dụng benzen để làm sơn.

Nguyễn Trinh đọc lại hồ sơ bệnh án và tài liệu kiểm tra của lần khám ở bệnh viện trước rồi hỏi người nhà bệnh nhân: " Hai người đến đây bằng tàu điện ngầm à?"

Từ nhà ga đến bệnh viện, có thể đi tuyến Metro số 1 và chuyển sang tuyến số 3.

Người nhà bệnh nhân gật đầu.

Nguyễn Trinh nhớ lại vị trí của Trung tâm Phòng chống Bệnh nghề nghiệp và Chất độc Hóa học ở tỉnh Hạ rồi lấy ra một tờ giấy trắng, viết một số tuyến đường từ Bệnh viện Phân Hải đến đó và giao cho người nhà bệnh nhân, lịch sự nói:" Có thể cô ấy không bị bệnh tâm thần. Nếu xét đến ngộ độc benzen, bác có thể đến trung tâm phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chất độc hóa học của tỉnh. Trung tâm này nằm ở quận Nam Thành, thành phố Giang Châu. Bác có thể đi tàu điện ngầm, sau đó chuyển sang xe buýt, hoặc taxi."

Người nhà bệnh nhân chết lặng: "Ngộ độc gì vậy? Con gái tôi bị ngộ độc à?"

Nguyễn Trinh gật đầu: "Có thể là ngộ độc benzen, hoặc ngộ độc hóa chất. Bác có thể đến đó và kiểm tra".

Người nhà hỏi: "Có phải bác sĩ ở bệnh viện kia đã chẩn đoán nhầm không?"

Lật ngược kết quả chẩn đoán của đồng nghiệp là một điều tương đối cấm kỵ trong ngành và dễ gây ra tranh chấp giữa bác sĩ và bệnh nhân. Vì thế, Nguyễn Trinh nói một cách thận trọng:" Vẫn chưa biết rõ có phải là ngộ độc benzen hay không. Bác nên đến trung tâm phòng chống bệnh nghề nghiệp trước, nếu kéo dài sẽ không tốt cho cô ấy."

Không có đủ bằng chứng xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán cho cô ấy nên sẽ không dễ dàng đưa ra kết luận khẳng định được.

Hai mẹ con dìu nhau ra khỏi phòng khám. Bệnh nhân bước vào tiếp theo là một gương mặt quen thuộc.

Bạn trung học của Tống Nhĩ Giai, Hứa Trường Phong.

"Bác sĩ Nguyễn, em đến đây để tái khám."

Sau khi cậu ta ngồi xuống, Nguyễn Trinh liền hỏi: "Thế nào rồi, chứng lo âu đã cải thiện hơn chưa?"

"Sau khi dùng thuốc, em cảm thấy tốt hơn rất nhiều."

Sau khi trao đổi ngắn gọn về tình trạng bệnh, Nguyễn Trinh đã kê đơn thuốc cho cậu ta.

Lần này cậu ta đến không sớm cũng không muộn, tình cờ là bệnh nhân cuối cùng.

Sau khi ca làm việc ngoại trú buổi sáng kết thúc, Nguyễn Trinh cởi áo blouse trắng ra, rửa tay rồi đến tìm Tống Nhĩ Giai để ăn cơm trưa.

Hứa Trường Phong cũng đi theo: "Bác sĩ Nguyễn, em muốn mời chị một bữa cơm, xem như cảm ơn chị."

Nguyễn Trinh nhìn cậu ta rồi từ chối nhẹ nhàng:" Cảm ơn, không cần đâu, khám bệnh là công việc của tôi."

"Chuyện này, thực ra... Em muốn hỏi, Nhĩ Giai cũng ở đây đúng không? Em vừa mới xem qua moments của cậu ấy trên mạng xã hội, có vẻ như cậu ấy cũng đang ở trong bệnh viện."

Nguyễn Trinh lấy điện thoại di động ra và nhìn thấy bức ảnh tự sướng đứng cạnh bức tranh tường của bệnh viện trong moments của Tống Nhĩ Giai, định vị được tag trong đấy là Bệnh viện Phân Hải – trực thuộc Giang Châu.

Cô bấm like bài đăng của Tống Nhĩ Giai và nói với Hứa Trường Phong:" Đúng vậy, em ấy cũng đang ở bệnh viện."

Công việc vẽ tranh tường sắp kết thúc. Buổi trưa, Tống Nhĩ Giai đến nhà ăn sớm để tránh đám đông cao điểm vào. Nàng mua sẵn hai suất ăn, chờ Nguyễn Trinh đến.

12 giờ 15 phút, Nguyễn Trinh xuất hiện ở cửa nhà ăn rất đúng giờ.

Tống Nhĩ Giai khẽ mỉm cười. Giây tiếp theo, nàng nhìn thấy người đàn ông phía sau Nguyễn Trinh, ý cười lập tức cứng đờ.

Bình luận

Truyện đang đọc