ÔN LẠI CHUYỆN NGÀY XƯA

Đấy là một tòa nhà cũ nằm cuối con dốc lên đồi.

Một tay tôi cầm một bộ chăn ga gối đệm, tay kia ôm ngang chậu hoa, mồ hôi chảy ròng ròng, phải dừng chân nghỉ mấy lần, cởi áo khoác buộc ngang hông.

Nghỉ ngơi lấy sức, tự quạt cho mình, thêm hương hoa lài thoang thoảng nên tâm trạng rất tốt. Đứng từ đây có thể thấy được ban công phòng Lý Miễn – đang phơi hai bộ quần áo trơ trọi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, hùng hục leo lên.

Tầng năm, thở hổn hển như chết, cuối cùng đã đến phòng anh.



Cửa sắt bên ngoài không khóa, bên trong là cửa gỗ đã tróc sơn. Tôi gõ cửa, một chàng trai đầu tổ quạ đi ra.

“… À, tìm Chu Miễn hả.” Anh ta đưa tay cào tóc, nhanh nhẹn bưng đồ phụ tôi, đồng thời ngoái đầu gọi, “Chu Miễn, bạn gái ông đến kìa!”

Tôi lúng túng xấu hổ, hình như chưa có con gái đến ký túc xá này bao giờ. Đứng ngoài cửa cởi giày, lại nghe thấy cậu ta nói: “Không cần cởi không cần cởi, cũng không cần thay dép, cứ vào đi.”

Nhà có hai gian, vừa vặn hai người ở, không có phòng khách. Anh ta ôm chậu cây không biết đặt ở đâu, dùng chân đá cửa phòng, chỉ sợ dùng lực mạnh thêm tí nữa sẽ bay cả cửa mất, “Nhanh lên, bạn gái ông đến kìa!”

Một lúc sau có tiếng động. Trong lúc đứng chờ, hai chúng tôi đâm lúng túng, anh ta cúi đầu giải thích, “Hình như Chu Miễn đang ngủ, cửa chỗ bọn tôi hỏng lâu rồi, không khóa được, hay cô cứ vào đi.”

“Không sao.”

Tôi nhìn chậu hoa trên tay anh ta, khách sáo nói: “Chậu này cũng nặng lắm, hay anh cứ để trên bệ cửa đi, hoa lài ưa nắng, để đó cũng thích hợp… Tôi cũng chẳng đem gì tới.”

“Ấy khách khí quá, cám ơn nha.” Anh ta vui vẻ đặt xuống, điều chỉnh xoay hoa hướng về phía ánh nắng, “Thơm lắm.”

Thật ra tôi định đặt ở ban công phòng Lý Miễn, nên mới mất công ôm từ chợ hoa tới đây. Im lặng thở dài, đúng lúc này cửa phòng mở ra.

Lý Miễn cởi nút tay áo sơ mi, ngái ngủ bước ra: “Sao đến mà không báo, đường núi khó đi lắm, nói trước để anh đi đón em.”

“Không rảnh tay.” Tôi kéo bộ chăn ga gối đệm tới khoe, “Của mẹ em mua, nói thay cho anh.”

“Ừ.” Anh nhận lấy, có lẽ đã nghe được cuộc đối thoại vừa rồi nên mới nhìn ra bệ cửa, “Hoa em đem tới à?”

“Ừ, trưng ít thực vật cũng hay, em mua từ chợ hoa…”

Chưa nói xong thì Lý Miễn đã đi tới, hình như định chuyển chậu hoa đi nơi khác, bạn cùng nhà la lên: “Ơ, là cây ưa nắng mà, ông chuyển đi đâu thế?”

“Chuyển vào ban công phòng tôi.”

“Mẹ kiếp, đồ nhỏ mọn.”

“Bảo bạn gái ông đi mà tặng.”

“Bạn gái tôi đâu ra?” Bạn cùng nhà lườm anh, nhưng vẫn khách khí nói với tôi, “Có uống gì không?”

“Không cần không cần,” Tôi bật cười bất đắc dĩ, lúng túng hóa giải, “Lần sau tôi sẽ đem tới chậu khác, rẻ lắm.”

Lý Miễn bày hoa ngoài ban công, vừa vào vừa phủi đất trên tay giới thiệu: “Khương Lộc, bạn gái tôi, bạn cùng nhà với anh, em cứ gọi cậu ta là Tiểu Lý.”

Lần này mới xem như chính thức quen biết, tôi buột miệng nói: “Cùng họ với anh à.”

Tiểu Lý khó hiểu: “Không phải cậu ta họ Chu hả?”

Lý Miễn cười cười, nghĩ ngợi rồi vỗ vai cậu: “Theo họ nội thì tôi họ Lý.”



Hai chúng tôi thay ga giường, đứng đối diện nhấc tay lên, màu xanh da trời sạch tinh tươm bay lên. Lý Miễn bỗng buông tay lại gần hôn tôi, ga trải giường rơi xuống đầu, loạng choạng lùi về sau, dựa lưng vào tủ quần áo.

Mất trọng tâm, ngã vào trong tủ quần áo, may có anh ôm eo đỡ. Ga trải giường đã được giặt sạch phơi nắng, mùi bột giặt lẫn vị nắng mặt trời, mùi rất thơm, nhưng cũng khiến người ta khó thở.

Một tay Lý Miễn đỡ sau gáy tôi, càng hôn sâu thêm, một tay kéo ga trải giường quấn trên người, không biết đụng phải gì mà rớt cái *rầm”.

Ngoài phòng cũng có tiếng động, Tiểu Lý hắng giọng. Tôi đỏ bừng mặt, một lúc sau mới kéo ga trải giường xuống, đầu tóc rối bù, liếc về phía cửa.

Cửa không khóa nên luôn để hở, không có cách âm.

Lý Miễn ném ga trải giường sang một bên, dịch ghế tới cửa chặn lại, lúc này nghe thấy Tiểu Lý nói: “Cái đó, nếu hai người có nhu cầu thì tôi có thể ra ngoài hút thuốc.”

“Không nhanh vậy đâu.” Anh buột miệng đáp.

Đầu nóng lên, lúng túng đến ngơ ngác, Tiểu Lý cũng im lặng, một lát sau mới nghe thấy cậu ta nói: “Mẹ kiếp, hai người chèn ép người ta vừa thôi, tôi tới phòng thí nghiệm đây.”

Lý Miễn đuổi theo gọi lại. Cách bức tường, tôi nghe rõ mồn một cuộc nói chuyện.

“Ông định làm gì?”

“Sét đánh trực tiếp.”

“Làm khó đấy, đợi mai tôi đi làm với ông.”

“Không cần, ở đâu cũng bị đánh thôi.”

Hai chàng trai cười mắng, sau đó là tiếng đóng cửa. Tôi lắng nghe tiếng bước chân của Lý Miễn, thấy anh xuất hiện ở cửa bèn trêu: “Bây giờ anh mặt dày ghê.”

“Bình thường thôi.” Anh đi tới, nhướn mày nói, “Mấy ngày nay đơn vị đều đồn anh được báo chí phỏng vấn, bọn họ nói tới viện trưởng còn chưa được phỏng vấn.”

“Ha ha ha ha.” Tôi cười to ngã xuống giường, nói, “Em không quen viện trưởng của các anh, không dám phỏng vấn.”

“Chậc, Khương Lộc, em học cái này là để làm anh nổi tiếng đúng không?”

Lý Miễn cúi người, túm tay tôi đè xuống giường, nghiêm túc nói: “Hồi trước ở phòng phát thanh thì cho anh nổi tiếng toàn trường, giờ thực tập ở tòa soạn anh lại nổi tiếng tiếp, anh rất nghi ngờ động cơ em học báo chí đấy.”

Lý luận kiều gì thế này, tôi cười phá lên, lại bị đẩy ngã xuống.



Về sau cứ nhớ tới những lời này của Lý Miễn là không kìm được bật cười, theo hồi ức, lại nhắc tới chuyện cạnh tranh hồi tiểu học.

“Ước mơ của tôi là trở thành một phóng viên xuất sắc.”

Nhưng vì một câu nói của anh mà đổi thành “trở thành ủy viên liên đội”.

Mọi người hay bảo ba tuổi đã lớn, bảy tuổi đã già. Gần đây tôi thường cảm thấy có rất nhiều chuyện thực chất đã có manh mối từ lâu, tôi ngồi trên xe buýt cảm thán, suýt đã lỡ trạm.

Đến tòa soạn, thấy một cô gái đứng bên cạnh bàn làm việc của Tiêu Kính, da trắng người gầy, buộc tóc đuôi ngựa. Nhân sự giới thiệu, đây là thực tập sinh mới đến.

“Tôi đã dẫn một người rồi.” Anh ta từ chối thẳng, mắt nhìn đăm đăm màn hình vi tính.

Nhân sự khuyên mãi nhưng Tiêu Kính vẫn không nghe. Tôi đứng bên khó xử gõ tay lên vách ngăn, hỏi cô gái nọ: “Em năm mấy?”

“Năm hai ạ.”

“Mới năm hai mà đã thực tập?”

“Vâng, em là phóng viên ở câu lạc bộ trường.”

“Bản tin xã hội không dễ làm đâu,” Tôi bất giác bắt chước Tiêu Kính, “Khó kiên trì lắm.”

“Em muốn làm mảng xã hội ạ.” Cô ấy nói, hai mắt sáng lấp lánh.

Tôi không biết nói gì thêm ngoài gật đầu, nhìn người bên kia vẫn tảng lờ. Một lúc sau, Tiêu Kính thỏa hiệp: “Thực tập sinh mới tới, em theo Khương Lộc đi.”

“Hả?” Tôi bối rối.

“Em đã là nghiên cứu sinh năm hai, phụ trách sinh viên năm hai có vấn đề gì không? Các cô chọn chủ đề trước đi.” Tiêu Kính ngước mắt, “Em tên gì?”

“Trần Nhiên ạ.”



Hai chúng tôi nghiên cứu rất lâu, nhưng đề tài chọn được đều bị Tiêu Kính gạch bỏ, càng lúc càng ủ rũ. Nhạy cảm không cho động, sau lưng nhìn lai lịch, trước mặt không ra gì – buổi trưa ở nhà ăn, chúng tôi vừa ăn vừa mắng Tiêu Kính.

Cô ấy bực bội, cảm thấy thực tế khác với những gì viết trong sách vở, nói liên miên về giá trị tin tức và tính chuyên nghiệp, muốn đi tìm Tiêu Kính tranh luận nhưng bị tôi ngăn cản.

Kết quả là tới nửa đêm, con bé này như được tiêm doping mà gọi điện cho tôi bảo: “Em thấy tòa nhà đơn vị này bật đèn sáng trưng, cột đèn ở khắp mọi nơi, sáng như ban ngày. Bây giờ đang chủ trương tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, như bọn họ đây quá lãng phí tài nguyên, còn gây ô nhiễm ánh sáng.”

“Đơn vị nào?”

“Đơn vị cơ quan.” Cô nàng kích động, “Bọn họ càng phải là đầu tàu mới đúng, chị nói xem chọn chủ đề này có được không?”

Tôi do dự ngồi dậy, nén giọng hỏi: “Bây giờ em đang ở đâu?”

“Ở trước cổng chỗ này, chờ lâu lắm rồi, em muốn xem có phải bọn họ sẽ bật đèn cả đêm không.” Cô ấy hít mũi, hình như đứng trong gió.

“Em… Em về trường đi, nguy hiểm lắm.”

“Không sao, đối diện chỗ này có McDonald’s 24/24.”

Cúp máy, nhưng trằn trọc mãi không ngủ nổi. Tôi bò xuống giường, nhẹ nhàng kéo rèm cửa sổ, nhìn ký túc xá tối đen như mực ở đối diện, lại ngẩng đầu lên, những vì sao khi tỏ khi mờ.

Thành phố sáng như ban ngày, khiến bầu trời đầy sao không còn rõ ràng.

Tôi vỗ đùi, mặc đại áo khoác, cầm máy ảnh rồi ra khỏi phòng.



Hai chúng tôi lén lút ngồi xổm đối diện đơn vị người ta, cầm máy ảnh chụp ảnh.

“Chị nói xem đề tài này có được duyệt không?” Cô ấy đút tay vào túi hỏi tôi.

“Không chắc, chụp lại đi đã rồi tính.”

“Em đã đọc báo cáo của thầy Tiêu rồi, anh ấy bảo vệ trẻ nhỏ, giúp người lao động nhập cư đòi tiền lương, nhưng vì sao lại hạn chế tụi mình như vậy?”

“Sợ chúng ta không đối phó được.”

Trần Nhiên im lặng gật đầu, có lẽ vì ngồi xổm quá lâu nên đứng dậy hoạt động hai chân. Chúng tôi quay về McDonald’s, uống cà phê tỉnh táo, bị ánh đèn đối diện làm chói mắt khó nhắm, chống cằm tán gẫu từ thuyết Thiết lập chương trình nghị sự cho tới môi trường ngụy tạo*, hàn huyên đến rạng sáng.

(*Thiết lập chương trình nghị sự cho rằng các cơ quan báo chí truyền thông “lựa chọn” vấn đề hoặc nội dung mà họ coi là quan trọng để cung cấp cho công chúng, chứ không phải cung cấp những thông tin khách quan mà công chúng cần, đó cũng gọi là môi trường ngụy tạo trong truyền thông.)

Cuối cùng đề tài ấy đã được phê duyệt, nhưng phải chụp ảnh lại, trở thành một trong những bức ảnh nhóm, thông tin liên quan được giấu kín, sau đó không đào sâu nữa. Rồi về sau có lãnh đạo đi tìm Tiêu Kính, chi tiết cuộc nói chuyện thế nào thì chúng tôi không rõ.

Nhưng ngày thứ hai sau khi tin tức được lên báo, đèn đã tắt. Màn đêm buông, tôi và Trần Nhiên ngồi trong McDonald’s, cụng ly Coca.

Bình luận

Truyện đang đọc