THANH CUNG MƯỜI BA TRIỀU



Chu lão bá đem Lan Nhi đi quyên tiền, các bạn đồng liêu của ông Huệ Trưng nghe nói hoàn cảnh ai chẳng động lòng thương cảm.

Họ nghĩ tới bản thân rồi đây trên bể hoạn mênh mang, biết đâu là bến là bờ, ai biết được tương lai sẽ ra sao.

Do đó, kẻ năm chục, người hai chục, của ít lòng nhiều, ai cũng bỏ tiền ra giúp đỡ.

Lại thêm các quan viên trong Kỳ tịch hết lòng lo liệu mà tang lễ có phần long trọng.
Lan Nhi nhan sắc tuyệt trần, mặt như hoa, mày như liễu, mang đồ hiếu phục vào, người ta càng thấy đẹp, nét đẹp bi thương, vượt hẳn lúc thường.

Nàng vốn tính thông minh, cho nên khi theo Chu lão bá tới các gia đình quyên giúp, cứ vừa khóc vừa nghẹn giọng thê thảm khiến không ai nỡ chối từ.
Bọn công tử con các gia đình quan lại này lại càng mê mẩn thần hồn đua nhau bỏ tiền ra để vừa giúp đỡ vừa lấy lòng.

Bởi thế số tiền quyên giúp sau khi tính lại, đạt tới con số hơn ba trăm lạng.
Bà Đông Giai bỏ ra hai trăm lạng vào việc tẩm liệm, tế lễ, còn hơn một trăm thì chi vào việc đưa linh cữu ông Huệ Trưng về Bắc Kinh.
Gia đình ông Huệ Trưng ngày thường ở cái đất An Khánh nghèo túng cùng kiệt chẳng ai thèm để ý đến.

Nay nghe nói đưa linh cữu về Bắc Kinh, bọn chủ nợ từ bốn phương tám hướng liền ồ tới vây quanh lấy bà Đông Giai, sấn sổ đòi nợ, kẻ năm chục, người ba chục, nào tiền muối, tiền mắm, nào tiền gạo, tiền củi, tổng cộng tới hai trăm lạng mới đủ.
Bà Đông Giai không còn biết cách nào, đành phải xem xét khoản nào quá cấp bách thì trả trước.

Ấy thế, mà cũng hết đến một trăm lượng.


Bà quýnh lên, nói với bọn chủ nợ là bà không về kinh nữa, xin cho khoan hạn vài hôm.
Bà Đông Giai chỉ có một trăm hai chục lạng, thế mà đã trả nợ hết một trăm rồi thì còn lại được bao nhiêu nữa để mà về kinh? Bởi thế bà đành hoãn cuộc khởi hành, ở lại An Khánh ít lâu rồi tính tiếp.
Sự việc này càng làm cho lòng bà bi thảm hơn.

Cỗ quan tài nơi đất khách còn nằm đó.

Cả nhà chịu cảnh côi cút goá bụa; ngày qua đêm lại, chỉ có nước mắt rửa mặt! Trông lại chỉ còn có chút ít tiền, việc độ nhật ngày càng eo hẹp khó khăn! Trước đây, bà còn lấy danh nghĩa là chồng lỡ chẳng may chết nơi đất khách quê người để đi nhờ vả giúp đỡ, chứ nay thì đâu còn danh nghĩa đó mà kêu hay gọi?
Bà Đông Giai trong lòng ngày đêm lo rầu khôn xiết, nhưng anh em Quế Tường đâu biết được nỗi lòng đó của mẹ.

Ba mẹ con Lan Nhi khi ông Huệ Trưng lâm chung, có may mỗi người một bộ tang phục, nhưng nay hết tiền, đành phải gởi vào tiệm cầm đồ Trường Sinh.
Trời đã sang thu, khí lạnh thấu xương, gió bấc thổi càng ngày càng mành, như đâm vào da, như cấu vào thịt.
Bà Đông Giai vì nghèo mà buồn lo, rồi đâm ra bệnh nằm liệt giường.

Quế Tường, Dung Nhi, không rõ việc đời bao nhiêu, duy chỉ có Lan Nhi ngày đêm hầu hạ bên cạnh.

Thấy mẹ khát, muốn uống trà, Lan Nhi bèn lục mãi đáy rương của mẹ lấy một ít tiền, bảo Quế Tường và Dung Nhi ở nhà săn sóc mẹ, còn mình thì chải qua cái đầu, sửa lại cái áo cho gọn gàng rồi ra đi.
Vừa ra khỏi nhà, nàng bị gió bấc thồi mạnh xuyên vào da thịt chi được che bởi một manh áo mỏng, khiến mặt mày nàng tải xám, so vai rụt cổ, bước trên đường phố.
May mà tiệm trà không xa nhà nàng lắm.

Nàng chỉ phải đi qua có hai phố, quanh một khúc rẽ là tới.

Tiệm trà này vốn quen vì nàng thường tới đây mua, nhưng lần này vừa bước vào cửa tiệm, nàng giật nảy mình khi thấy tên vô lại Người Du Sinh đang đứng cạnh quầy hàng.
Tên này rất háu gái.

Thấy gái là lắc la lắp lém, y như mèo thấy thịt mỡ.

Hắn thường đứng tại quầy hàng nhìn ra ngoài, hễ thấy cô gái nào đi ngang qua, là y như thò đầu ra, há hốc mồm, kiễng chân cao lên, trố đôi mắt ra nhìn như hai lỗ đáo.

Nhất là những khi có cô nào vào mua trà, hắn liền sấn sổ tới trước mặt, mắt liếc, mồm cười, hỏi hết câu này tới lời nọ, cố bắt chuyện, tán tỉnh cho bằng được.
Ngưu Dụ Sinh tuy sốt sắng như vậy, nhưng chẳng có cô gái nào thích hắn.

Cô nào cũng chán, cũng ghét hắn, gọi hắn là thằng dại gái.
Hằng ngày, hắn chỉ nhìn thấy những cô gái con nhà hạ tiện, những con a đầu hoặc những mụ nạ dòng tới mua hàng, thế mà hắn đã cho là tiên trên trời rồi.

Thử hỏi lần này thấy Lan Nhi, hỏi sao hắn chịu nổi?
Vừa thấy nàng, hắn đã mắt la mày lét, ngấm nguýt nàng như muốn nuốt trửng vào bụng.

Thấy thế, nàng đã ngán, chỉ muốn quay về, nhưng lại nhớ tới mẹ già muốn có một chén nước trà nóng, sợ rằng không mua, mẹ giận.


Bởi thế nàng đánh liều, bước vào.
Ngưu Dụ Sinh đưa tay ra lấy tiền, ném vào trong quầy, vừa nhặt gói trà, vừa nghiêm nét mặt như tỏ vẻ quan trọng lắm, cất tiếng than thở giùm cho thân thế của Lan Nhi.
- Thật đáng thương quá! Người đẹp như thế kia mà quần áo chẳng đủ, đến nỗi rét run câm cập, mũi đỏ hỏn lên.

Như vậy bảo sao không đau lòng?
Nói xong, hắn còn lắp bắp mãi những gì không biết nữa.
Lan Nhi đâu có thèm để ý, mặc kệ hắn.
Ngưu Dụ Sinh gói xong trà, đặt trên mặt quầy.

Lan Nhi giơ tay với lấy, không ngờ, hắn chộp lấy tay nàng, kéo mạnh nàng vào lòng.

Vì bất ngờ, nàng ngả người theo, thấy nàng đã đứng sát bên cạnh, bắn bèn vuốt vào má nàng, miệng nói nựng:
- Nàng tiên của anh ơi! Cái má trắng như phấn thế này mà lạnh toát như băng, bảo sao anh không thương em được!
Nói đoạn, hắn lùa bàn tay vừa đen đủi vừa dơ dáy xuống cổ nàng.

Nàng hoảng hồn bạt vía, nhưng thân gái yếu ót, biết làm sao được.

Nàng chỉ còn biết khóc lóc, kêu la.
Quả không may cho nàng là hôm ấy người trong tiệm đều đi vắng cả, khách qua đường cũng vắng vì trời lạnh.

Ấy cũng vì biết vậy nên tên Ngưu mới tự ý đùa cợt, sờ soạng bừa bãi.
Thấy chẳng có ai đến giải vây cho nàng, hắn liền luồn tay sau eo nàng để ghì vào lòng.

Giữa lúc nguy hiểm muôn phần đó tự bên ngoài xô vào một người lớn tiếng quát:
- Thằng khốn kiếp lớn mật thật! Giữa ban ngày ban mặt mà mi dám chọc ghẹo đàn bà con gái à?
Ngưu Dụ Sinh thấy có người nhảy vào, vội bỏ tay nàng ra, miệng lắp bắp:
- Đâu dám! Đâu dám!
Người khách qua đường nọ mặt hầm hầm tiến lên, chộp lấy Ngưu định đưa hắn tới Bảo giáp cuộc.

Tên ma cô lúc đó hoảng hồn bạt vía, vội quỳ xuống đất lạy van xin tha.
Lão chưởng quỹ lúc đó cũng đã về tới.

Y thấy chuyện rắc rối bèn mắng Ngưu tàn tệ.
Chung quanh hàng xóm nghe chuyện chạy tới kín cả cửa trước, cũng lấy làm tức.

Họ xúi bảo tống hắn đến Bảo giáp cuộc.
Duy chỉ Lan Nhi nghĩ khác.

Nàng sợ chuyện xảy ra to, khiến ai cũng biết mặt, biết tên mình, thực chẳng đẹp tí nào, nên khẽ bảo mọi người:
- Thôi tha cho hắn! Tôi về đây!
Ngưu Dụ Sinh thấy Lan Nhi nói vậy, vội chắp tay lạy.

Nàng chẳng thèm để ý tới hắn, cầm gói trà, quay mình bước ra khỏi tiệm.
Đi mới được mười bước, nàng bỗng thấy người đàn ông nọ chạy theo sát bên mình, khẽ hỏi:
- Cô là con gái nhà ai vậy? Tôi thấy cô mặt mày xinh đẹp quá quyết không phải con nhà tầm thường, mà sao lại nghèo khổ quá đến vậy?
Lan Nhi thấy người đàn ông hỏi có vẻ ân cần, quay đầu nhìn sang có ý dò xét.

Không ngờ người đàn ông nọ mày xanh mắt đẹp, đích thị là một vị công tử chứ chẳng phải tầm thường.
Nàng biết chàng có lòng thực tâm thương xót hoàn cảnh mình, nên đem hết gia cảnh ra nói cho chàng nghe: nào là cha chết, mẹ bệnh, nào là lưu lạc nơi quê người đất khách… Nàng còn nói thêm nàng vốn là người trong Kỳ tịch (trong dòng dõi nhà vua người Mãn Châu).
Chàng công tử nghe nàng nói, miệng luôn luôn than thở:
- Thật đáng thương! Thật đáng thương!
Chàng kể với Lan Nhi rằng, cha mình làm quan Binh bị đạo tên gọi Phúc Thành.

Khi tới cửa nhà nàng, Phúc Thành móc trong túi áo ra mấy chục đồng tiền đặt vào tay Lan Nhi bảo rằng:
- Nàng đem về tiêu trước đi.

Tôi chẳng có tài sản, quyền thế gì, nên chẳng thể giúp nàng được nhiều.

Tuy nhiên tôi sẽ cố nghĩ ra kế sách để giúp nàng về Bắc Kinh.
Lan Nhi thấy Phúc Thành đưa tiền, chẳng tiện lấy vội từ chối, Thành nhất định không chịu thu về.

Nàng lúc đó băn khoăn không biết làm sao, nhưng thấy cái cảnh một trai một gái đứng trước cửa đưa đi, đẩy lại, người ngoài trông thấy thật là bất tiện.

Nàng còn nhớ rằng trong nhà hiện đã hết nhẵn tiền, nay nhận của chàng số tiền này tuy ít nhưng cũng độ nhật được vài hôm.

Tâm trạng khó xử của nàng lúc này là thế! Thật đáng thương cho những kẻ nghèo, chỉ vì không tiền mà đành phải khuất chịu.
Quân tử và anh hùng mà nhiều khi cũng khoanh tay trước đồng tiền, thử hỏi Lan Nhi chỉ là một cô gái mới lớn lên lại đang trong cảnh túng quẫn.

Và nàng đành nhận.

Đôi má nàng ửng hồng, xấu hổ quá không ngẩng mặt lên nữa.
May thay, Phúc Thành vốn là một chàng công tử tuy còn thiếu niên nhưng đã nhiều kinh nghiệm ở đời.

Thấy thế chàng vội quay gót bước đi để giữ thể diện cho nàng..


Bình luận

Truyện đang đọc