THÍNH HẠ

Hơn chín giờ tối, Thẩm Thính Hạ từ phòng đi ra, đi về phía nhà vệ sinh tắm rửa. Lý Yến Văn đang lau quạt, tivi mở một chương trình gì đó làm âm thanh nền.

Có lẽ là một chương trình về thẩm mỹ, MC đang bàn luận viển vông: “Nhiều cô gái vì không tự tin nên đã không quan sát kỹ đường nét khuôn mặt mình, không biết tỷ lệ khuôn mặt của mình, dẫn đến việc không biết phát huy tối đa ưu điểm và che đi khuyết điểm…”

Ban đầu cô không quan tâm mấy, chỉ khi cởi qu@n áo ra, tầm mắt cô nhìn lướt qua gương rồi lại nhìn một vòng.

Hình như cô cũng không biết phải hình dung tướng mạo của mình ra sao, theo như những gì mợ đã truyền bá từ lúc cô con bé đó là cô “không đẹp”.

Đôi mắt bình thường, mắt hai mí không sâu, nếu đêm trước mà khóc thì hôm sau mí mắt sẽ sưng chỉ còn lại một mí, khuôn mặt tầm thường, làn da phổ thông, nhìn tới nhìn lui hình như chỉ có phần mũi là tạm được.

Cô không nán lại lâu, mất hứng quay đầu, mở vòi hoa sen.

Tháng bảy qua đi, Giang Thành bước vào tháng tám.

Không ít trường học đã cho học sinh nghỉ hè nhưng nội quy trường trung học trực thuộc rất nghiêm khắc, phải đến giữa tháng tám mới được nghỉ.

Trong tiếng ve kêu râm ran, cô bị Tiền Khương kéo ra ngoài ăn lẩu.

Tiền Khương là bạn cùng bàn mới của cô, một cô gái mũm mĩm, thích ăn uống, tính cách khá tốt.

Nói ra thật xấu hổ, những trò giải trí trong cuộc đời cô quả thật rất ít ỏi và cũng không thú vị hệt như con người cô vậy. Đây là lần đầu tiên cô ra ngoài ăn lẩu.

Tiền Khương bảo nhà trường không cho nghỉ học, tâm trạng chán chường, chỉ có thể mượn việc này an ủi bản thân.

Cô hơi thụ động, thật ra không muốn đi ra ngoài lắm nhưng vì ngại nói lời từ chối nên đành miễn cưỡng đi cùng. Trong tiệm lẩu khói trắng lượn lờ, khoảnh khắc bước chân vào, cô như một chiếc radar thăm dò chuẩn xác, tìm được anh trong vô số những bóng lưng ở đây.

Giang Tố đang đứng cạnh quầy đồ ăn, vươn tay gắp rau.

Hôm nay anh không đi học nên mặc một chiếc áo phông màu lam nhạt, cô rất ngạc nhiên vì ngay cả điều này mà mình cũng nhận ra, đồng thời cũng thầm cảm ơn Tiền Khương.

— May mà cô chịu đi cùng cô bạn.

Tiền Khương hỏi cô muốn ngồi bàn nào, cô tỏ vẻ lơ đãng chỉ chỉ nhưng thật ra là cố ý chọn một vị trí cách anh một bàn.

Vị cay của nước lẩu sôi sùng sục tràn ngập trong cửa tiệm nhỏ không quá thông gió khiến cô bị sặc ho khan mấy cái liền. Tiền Khương hỏi cô muốn uống gì, cô cũng không biết nhiều, thấy trước mặt anh có một chai nước ngọt màu vàng, cô bèn chỉ đúng vào chai tương tự ở tủ lạnh: “Cái đó đi.”

Bà chủ nhìn qua, cười nói: “Bắc Băng Dương hả? Được rồi.”

Nước ngọt đựng trong một chai thủy tinh, giống y đúc chai cô ca vậy. Tiệm lẩu cũng từ từ đông hơn, ông chủ chỉ chỗ đồ khui nắp cho hai người để họ tự qua đó khui chai.

Cô khui nắp chai không được, Tiền Khương cũng bó tay, hết cách đành phải gọi ông chủ bà chủ tiệm đến giúp. Nhưng bên bà chủ mới nhận thêm đơn, khách hối thúc rất gấp gáp, giọng điệu có vẻ không tốt. Thế là bà ấy cao giọng đáp lại, sau đó thảy chai nước ngọt qua bàn bên cạnh.

“Bạn học, khui nắp chai giúp hai bạn nữ kia đi, cảm ơn nhé!”

Bốc Duệ Thành thoải mái nhận lấy chai nước ngọt.

Thẩm Thính Hạ rụt cổ lại, không dám nhưng kìm lòng chẳng đặng liếc nhìn anh, Giang Tố không hề bị ảnh hưởng gì, vẫn đang cúi đầu nhúng thịt.

Bốc Duệ Thành đi quanh bàn một vòng, thử đủ góc, nói đủ các câu, vẫn không phục bảo: “Trời ạ, sao mở mãi không ra thế này?!”

Giang Tố ngước mắt nhìn cậu bạn, không nói năng gì.

Bốc Duệ Thành không phục, mặt đỏ bừng: “Không thể nào, tớ không quen tay à? Hay đồ khui này bị hỏng?”

Kỳ lạ thay, rõ ràng xung quanh ồn ào như vậy, tiếng lẩu sôi ùng ục gần như lấp đầy hết khoang tai nhưng giữa muôn vàn âm thanh có cao có thấp ấy, cô vẫn nghe được giọng anh một cách rõ ràng, rất trầm ấm.

“Cậu không có bản lĩnh còn trách đồ khui à.”

Giây tiếp theo, Giang Tố cầm lấy chai nước ngọt trong tay Bốc Duệ Thành, đặt miệng chai đến góc bàn và nhẹ nhàng ấn xuống, cái nắp rơi xuống đất kèm theo một tiếng xì lớn, bọt ga vị quýt trào ra khỏi miệng chai, chảy xuống lòng bàn tay anh.

Bốc Duệ Thành cổ vũ: “Giang Tố, đỉnh nha!”

“…”

“Im miệng.”

Cô kìm lòng chẳng đặng cong nhẹ khóe môi, không biết vì đoạn trò chuyện đó hay là vì chai nước ngọt.

Tất cả mọi cử chỉ của anh luôn tác động đến tâm trạng cô một cách dễ dàng.

Cuối cùng Bốc Duệ Thành đưa chai nước ngọt cho bà chủ, bà chủ lại đưa lại cho hai cô.

Cô vẫn nhớ rõ bữa lẩu ngày hôm ấy, cô vốn ăn uống thanh đạm, không thể ăn cay, nhưng lẩu ở Giang Thành là dạng lẩu cay chính hiệu. Nước dùng ngày hôm ấy cay đến độ cô không ăn được quá nhiều, suốt quá trình luôn nhờ chai nước ngọt kia cứu cánh.

Khi gần về, cô còn mang theo chai rỗng.

Tiền Khương hỏi cô: “Cậu lấy cái này làm gì?”

Cô không biết phải trả lời thế nào, tìm đại một lý do đáp: “Cắm hoa.”

Tiền Khương thấy lạ, lúc chào tạm biệt nhau không quên hỏi: “Chai này… Dùng để cắm hoa được à?”

Dĩ nhiên là không được, cô nghĩ thế, chỉ là đối với cô, nó cực kỳ có ý nghĩa mà thôi.

Cô rửa chai rỗng kia thật sạch, đặt lên bệ cửa sổ trước bàn học của mình, thỉnh thoảng ngày cuối tuần đang giải đề cô lại ngẩng đầu lên, ánh mặt trời phản xạ tạo nên một cầu vồng nhỏ, được ấp ủ trong ly của cô.

Ở ngăn kéo trong cùng của bàn học, cô lén cất rất nhiều manga đã mua trong đó. Những lúc ngẩn ngơ, cô vô định phác họa bóng lưng anh lên giấy.

Cô cũng vẽ cả khuôn mặt anh, hàng lông mày và đôi mắt anh, chỉ là trông anh đẹp trai quá, cô phải bôi đi sửa lại, lúc nào cũng vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới cảm thấy hài lòng. Sau khi vẽ xong, cô lại âm thầm cảm thấy mất mát và vui vẻ, anh ở xa như thế, cô không thấy rõ, thành thử cũng không biết phải mô tả chi tiết khuôn mặt anh thế nào mới sinh động.

Cô biết mình chỉ là học sinh chuyển trường đến, không thích nghi được với môi trường, không giàu năng lượng, nhưng trong lòng lại khát khao và hy vọng sẽ trở thành một người tốt hơn, cô không mơ ước xa vời rằng anh sẽ thấy mình, được tiến đến gần hơn một chút là được rồi.

Có lẽ những lúc mê man, thứ người ta cần nhất là một điểm tựa tinh thần, như vậy mới có động lực trở nên tốt hơn. Cô thầm lên kế hoạch, tính toán, giải nhiều đề hơn, sau đó nhân lúc sáng sớm chưa có ai đi học, cô sẽ đứng ở tầng một và nhìn về nơi được xem là phong thủy trù phú kia.

Một tầng chỉ có ba lớp học, sắp xếp dựa vào thành tích, lớp A duy nhất là lớp 11-1.

Bắt đầu từ tầng hai là lớp 11-4 đến lớp 11-6.

Vào một trưa nọ, khi mọi người đang gục xuống bàn chợp mắt, cô cố gắng lên dây cót tinh thần, sau đó nói nhỏ với Tiền Khương: “Khương Khương, tớ muốn thi vào lớp ở tầng một.”

Bình luận

Truyện đang đọc