TÌNH YÊU CỦA KẺ THỰC DỤNG

“Không liên quan đến anh ấy lắm ạ, con thích công việc ở đây.” Mục Tĩnh nghĩ, mẹ cô nhất định cho rằng cô không trở về quê hương là vì một người đàn ông. Cô nỗ lực làm việc, không chỉ để chứng minh giá trị bản thân, mà còn là để loại bỏ ý nghĩ này của mẹ mình. Nếu cô ở lại nơi đây chỉ vì Cù Hoa, không chỉ có mẹ cô coi thường cô mà ngay cả cô cũng sẽ coi thường chính mình.

“Lúc còn trẻ thử này thử kia một chút cũng không có gì không tốt, con không cần phải chắc chắn như vậy. Nếu như Cù Hoa muốn ở lại đây, con cũng có thể chuyển về trước. Nếu vì ở riêng mà tình cảm hai đứa bị ảnh hưởng thì cũng chỉ có thể chứng tỏ tình cảm đó quá yếu ớt mà thôi.”

“Có phải mẹ cho rằng con ở lại nơi này chỉ vì Cù Hoa không ạ? Nếu như công việc của con ở đây không thuận lợi, con nhất định sẽ chuyển về.”

Giáo sư Mục từng gặp Cù Hoa một lần, bà hiểu lý do tại sao Mục Tĩnh lại lựa chọn anh, người như vậy ở cảnh nguy nan thường có thể cho người khác một bờ vai để tựa vào, còn người dịu hiền khi gặp vấn đề khả năng cao là sẽ bộc lộ mặt thiếu kiên định của bản thân. Nhưng đồng thời bà cũng biết, Cù Hoa và Mục Tĩnh không hợp nhau. Tuy nhiên mẹ bà không quản được bà, bà cũng không quản được con gái của mình. Bà chỉ có thể dặn dò con gái đặt công việc lên hàng đầu trong bất cứ tình huống nào, và đảm bảo với con bé rằng trong nhà sẽ mãi mãi để lại một phòng cho nó.

Tài xế lại quay trở lại đón bọn họ, lần này đi cùng tài xế còn có mẹ của Cù Hoa, bà đặc biệt tới đây mới thông gia qua ăn cơm tối. Giáo sư Mục thấy con gái không chịu chuyển đi, sau này còn phải sống tiếp cùng người nhà họ Cù nên cũng nói chuyện rất lễ độ với bọn họ. Thông gia tới mời, bà liền gọi Phí Nghê đi cùng mình. Nếu không phải đã biết trước Phí Nghê là con dâu nhà thông gia thì bà Cù còn tưởng đối phương mang con gái đến.

Thiếu ông Cù và ông Phương, buổi gặp mặt của hai nhà hôm đó cũng xem như là êm ấm.

Khi chỉ còn một trạm nữa là đến nơi, hai mẹ con ngồi ở chỗ của Phương Mục Dương chuẩn bị xuống xe. Ban nãy bọn họ thấy Phương Mục Dương và Cù Hoa nói chuyện, cho rằng hai người quen biết nên hỏi Cù Hoa xem Phương Mục Dương ở đâu, muốn mời anh về ngồi. Cù Hoa nói là không biết, nếu nói Phương Mục Dương đang ở trên nóc chỉ sợ sẽ khiến bọn họ áy náy hơn, dù sao cũng chẳng có mấy người giống cậu em vợ này của anh, coi việc ngồi trên nóc của xe lửa là một loại hưởng thụ. Cô bé nọ gọi Cù Hoa là chú, nhờ chú đưa hai viên kẹo trong tay cô nhóc cho anh trai kia. Đối với cô bé mà nói, người hơi nghiêm túc là chú, còn người chẳng liên quan gì tới sự nghiêm túc thì chính là anh trai.

Khi chuyến xe lửa hướng về trạm cuối, Phương Mục Dương lại quay về toa xe. Cù Hoa đưa hai viên kẹo kia cho Phương Mục Dương, Phương Mục Dương lại hào phóng nhường hết kẹo cho Cù Hoa.

Phương Mục Dương cảm giác hơi khó tưởng tượng được ra dáng vẻ ăn kẹo của người trước mắt. Ông già vẫn đang nghỉ ngơi bên toa nằm, anh dĩ nhiên không tiện đi quấy rầy nên chỉ ngồi lại ở chỗ toa xe của mình.

Thấy Cù Hoa lật giở một quyển sách về thống kê, Phương Mục Dương thuận miệng nhắc tới người chị gái học chuyên ngành Toán, đồng thời cũng nói với Cù Hoa về mục đích của chuyến đi của mình, vừa nói vừa quan sát biểu cảm trên mặt đối phương. Cù Hoa có một khuôn mặt rất bình tĩnh, chỉ khi anh nói tới chuyện cha mẹ mình muốn đón chị gái về nhà, trong nhà vẫn chừa lại phòng cho chị ấy thì vẻ mặt kia mới thoáng dao động trong chớp mắt.

Phương Mục Dương hỏi Cù Hoa: “Anh nói xem, chị của tôi liệu có đồng ý trở về không?” Trên tay Phương Mục Dương cầm một cây bút, biểu cảm của Cù Hoa được chép vào tờ giấy vẽ của anh.

Cù Hoa đẩy vấn đề lại cho Phương Mục Dương, hỏi Phương Mục Dương nghĩ thế nào.

Phương Mục Dương nói chỉ cần chị gái thích cuộc sống hiện tại thì dù có ở nơi nào, về hay không về đều không sao hết. Nhưng cha mẹ anh không chắc chắn chị gái sống có tốt không, cần phải ở gần bên cạnh mới yên tâm. Nếu anh rể của anh không muốn để chị về nhà thì phải nghĩ cách chứng minh bản thân mình cũng đáng để tin cậy.

Lúc ông Phương từ bên toa nằm sang đó thì bức họa đã vẽ xong, Phương Mục Dương quyết định tặng lại bản vẽ này cho chị gái mình làm quà.

Ông Phương đến nơi thì liền giới thiệu con trai và con rể mình cho nhau biết, cả hai bên đều không tỏ ra bất ngờ trước thân phận của đối phương. Vì muốn trải đường cho con rể rời quê hương nên ban nãy khi nói chuyện riêng, ông đã khoe khoang con trai của mình một bận, nói nó từ nhỏ đã có chính kiến thế nào, sẽ không vì lời nói của người lớn mà thay đổi lập trường của mình ra sao.

Biểu hiện lúc này của Phương Mục Dương cũng chứng thực những gì ông Phương vừa kể.

Khi chỉ có hai người nói chuyện với nhau thì người nghe buộc phải đáp lời người nói, song giờ đã có ba người, nghĩa vụ đáp lời cũng nhẹ gánh hơn. Ông Phương vốn định để con trai và con rể nói chuyện với nhau, kết quả lại biến thành mình ông thao thao bất tuyệt. Con rể đọc sách, con trai vẽ tranh, nếu như so sánh thì con rể vẫn tôn trọng ông hơn một tí.

Lúc xe lửa gần tới ga, người nhà bệnh nhân ở bên khoang nằm tìm được Cù Hoa, hỏi anh có quen biết bác sĩ Cù Hoa hay không, nếu quen thì có thể giúp anh ta liên lạc với bác sĩ Cù được không, anh ta muốn nhờ bác sĩ Cù làm phẫu thuật cho cha mình. Có lẽ là ngại làm phiền một người lạ không quen biết nên anh ta còn lấy ra một món quà từ túi hành lý của mình. Cù Hoa bảo anh ta hôm nay trực tiếp đến bệnh viện, buổi chiều bác sĩ Cù sẽ ở trong phòng khám bệnh.

Ông Phương không ngờ con rể lại bận như vậy, mới vừa đi chi viện về, chẳng nghỉ ngơi lấy một ngày mà đã vội đi làm lại, quả nhiên là con rể của nhà họ Phương bọn họ, rất có nền nếp của người nhà họ Phương. Nhà họ Phương bọn họ, ngay cả thằng nghịch tử bất cần đời nhất khi lên xe lửa cũng không bỏ được việc vẽ tranh.

Xe lửa vừa tới ga, Phí Nghê chỉ cần thoáng nhìn một cái là đã trông thấy Phương Mục Dương, liên tục vẫy tay với anh. Thấy cha chồng và anh rể đứng bên cạnh, ý cười của cô cũng kiềm nén lại một chút. Cô bước nhanh tới trước mặt bọn họ, chào hỏi cha chồng và anh rể xong thì liền tự giác đứng bên cạnh Phương Mục Dương. Khi đi đường thỉnh thoảng Phí Nghê lại giơ tay phủi bớt bụi trên người anh, cô cũng không biết đám bụi này là từ đâu mà có nữa.

So sánh với bọn họ, chị hai và anh rể xa lạ tới mức chẳng giống vợ chồng tẹo nào.  Chỉ khi vừa mới gặp mặt là Mục Tĩnh và Cù Hoa có nhìn nhau mười mấy giây, từ đó trở đi Mục Tĩnh vẫn luôn đặt sự chú ý lên người cha và em trai, không hề nhìn Cù Hoa nữa.

Theo ý định ban đầu của ông Phương thì tuy họ đã tới đây, nhưng họ vẫn sẽ ở nhà khách chờ nhà thông gia đến thăm hỏi mình. Ông vốn định đến thẳng nhà khách để chờ, nhưng khi nghe nói bà xã đã ở bên nhà họ Cù thì cũng không kiên trì nữa.

Bởi vì bệnh viện còn việc đợi anh nên Cù Hoa không thể về nhà với Mục Tĩnh. Trước khi anh về đây bệnh viện đã gửi cho anh một điện báo khẩn cấp, bảo anh về đến nơi rồi thì lập tức tới bệnh viện, có một ca bệnh khó đang chờ anh, trước đó đã hội chẩn mấy lần mà chưa ra được kết quả. Buổi chiều anh cũng phải trực bên phòng khám bệnh, bởi trong hơn một năm anh đi chi viện, bệnh nhân đến khám không nhìn thấy anh thì lại thất vọng trở về.

Anh vốn dĩ định đợi giải quyết xong hết việc bên bệnh viện mới về nhà, cho nên cũng không báo với Mục Tĩnh mình sẽ về ngày hôm nay. Cha mẹ vợ của anh đều ở nhà anh, chuẩn bị dẫn vợ anh đi, còn anh thì lại không thể về nhà, anh vẫn phải đi làm việc.

Khi Cù Hoa nói mình phải đến viện ngay lập tức, Mục Tĩnh chỉ ngập ngừng vài giây rồi đáp công việc vẫn quan trọng hơn.

Cù Hoa vốn định trực tiếp bắt xe buýt đến bệnh viện, nhưng Phương Mục Dương lại bảo tài xế đưa Cù Hoa đến viện trước, tiện thể cho cha anh xem nơi anh rể đang công tác.

Chiếc xe này ngồi năm người có hơi chật, Phương Mục Dương chủ động nói mình sẽ ngồi xe buýt đến nhà họ Cù, thuận tiện nhìn ngắm đường phố. Phí Nghê đương nhiên muốn đi cùng anh. Bọn họ rời đi rất nhanh, nhưng lúc bước tới trạm xe buýt lại rất chậm. Phí Nghê nhìn những ngón tay dính bụi từ áo Phương Mục Dương của mình: “Sao anh ngồi trên xe lửa mà bẩn thế?”

Phương Mục Dương nắm lấy ngón tay Phí Nghê, Phí Nghê thấy những người xung quanh đều đang bận việc của mình, chẳng ai rảnh rỗi để mà bận tâm tới họ nên cũng mặc cho anh nắm.

Phương Mục Dương đưa bức tranh mình vẽ cho Phí Nghê xem.

Phí Nghê cầm tranh, lật qua nhìn: “Không phải là anh vẽ từ trên nóc xe lửa đấy chứ?”

Phương Mục Dương dùng ngón tay chọc chọc vào lòng bàn  tay Phí Nghê, Phí Nghê vội vàng rút tay mình khỏi tay anh: “Ở đây đông người, anh đừng có làm như vậy.”

“Anh mang theo giấy đăng ký kết hôn của chúng ta mà, nếu cần thì sẽ bày ra cho bọn họ xem một chút.”

Phí Nghê “xì” một tiếng: “Không phải là hôm qua anh ngủ cả đêm trên nóc xe đấy chứ? Rõ ràng là đã mua vé rồi mà.”

“Anh không thích ngồi trong toa xe mãi, thời gian di chuyển quá dài.” Phương Mục Dương không đề cập tới chuyện anh nhường chỗ ngồi cho người khác. “Lần tới bọn mình cùng đi xe lửa, em ở trong xe, anh ở ngoài kéo đàn cho em nghe nhé, em thấy thế nào?”

Phí Nghê mường tượng một chút cái cảnh tượng đó ở trong đầu mình, vậy mà lại cảm thấy cũng không tệ. “Thôi bỏ đi, nguy hiểm lắm. Đợi khi nào lấy nhuận bút về rồi em sẽ mời anh đi thử máy bay một lần.”

Phương Mục Dương không từ chối sự “bao nuôi” của Phí Nghê, anh sảng khoái đáp “được”, cũng bắt đầu tự hỏi lần tới bọn họ nên đi chỗ nào.

Hai người chậm rãi tản bộ đến trạm xe buýt. Trong lúc chờ xe, Phương Mục Dương đưa Phí Nghê xem món quà anh vừa chuẩn bị cho chị gái mình.

Phí Nghê nhìn người anh rể trong tranh, ban nãy cô mải chú ý tới Phương Mục Dương nên không có ấn tượng mấy về tình cảnh lúc gặp chị hai và anh rể, trong đầu chỉ nhớ được Phương Mục Dương nhìn cô cười. Đến giờ cô mới có thời gian để nghĩ tới những chuyện khác, liền hỏi Phương Mục Dương gặp mặt anh rể thế nào. Cho dù có đi chung một chuyến xe thì trùng hợp gặp được nhau cũng không phải chuyện dễ dàng.

Sau đó cô lại đột nhiên nói: “Anh để cha lại cho chị hai và anh rể, có phải là hơi thiếu tử tế không?”

Mục Tĩnh không ngờ Cù Hoa lại về chung một chuyến xe lửa với cha mình. Cả hai bọn họ đều là những người ngoài chuyên môn nghiệp vụ ra thì chẳng giỏi nói chuyện gì, cũng may có còn có ông Phương ở đây, bầu không khí trong xe không đến nỗi quá trầm lặng.

Mục Tĩnh ngồi cạnh Cù Hoa, lần gần đây nhất bọn họ ở gần nhau như vậy đã là chuyện từ tận năm trước rồi.

Ông Phương hết nói chuyện mới con gái một chốc lại đến nói chuyện cùng con rể một lát, đến tận khi Cù Hoa xuống xe trước cổng bệnh viện, Mục Tĩnh và Cù Hoa vẫn chưa nói được với nhau câu nào. Từ lúc đầu ngẫu nhiên nhìn nhau một cái ra, đến giờ vẫn chưa đối diện. Mục Tĩnh nhìn Cù Hoa xuống xe, cô còn chưa kịp thấy anh vào trong bệnh viện thì xe đã phóng đi mất.

Vì có cha ngồi ở đây, cô không quay đầu nhìn lại.

Đến tận giờ ăn cơm tối, Cù Hoa vẫn chưa trở về.

Lần trước Mục Tĩnh về nhà có mang theo quà biếu của cha mẹ chồng gửi cha mẹ cô, ông Phương tuy bất mãn với nhà thông gia nhưng lần này vẫn chuẩn bị quà đến, trong những món quà tặng ông thông gia có một cuốn sách ông mới xuất bản, phía trên còn có chữ ký của ông. Quyển sách này có ý nghĩa rất lớn với ông, bản thảo là con dâu giúp biên tập, hình minh họa là do con trai vẽ, đây là thành quả lao động của cả gia đình họ, trong phần tái bút ông còn cố ý cảm ơn bà xã của mình. Dưới sự chờ mong của ông Phương, ông Cù lật qua một lượt quyển sách, cuối cùng chỉ thốt ra được một câu hình minh họa vẽ không tệ. Mặt ông Phương căng hết cỡ, trong lòng thầm nghĩ quả nhiên là gỗ mục không thể khắc.

Ông Phương và ông Cù gặp mặt đều âm thầm trao đổi sự khinh bỉ với đối phương, từ trước khi gặp bọn họ đã nghe tên tuổi của nhau rồi. Ông Phương chê ông Cù thô lỗ không có văn hóa, ông Cù lại không chịu nổi ông Phương ngây thơ hết mức, chỉ biết có lý luận suông. Những ấn tượng tiêu cực đó càng trở nên sâu sắc hơn khi họ chính thức gặp người thật, đồng thời họ cũng cảm thấy con trai không giống cha là chuyện tốt. Ông Cù không chỉ cảm thấy con trai ông Phương không giống cha mà cả con gái cũng không giống cha, công việc của con dâu có thể tác động trực tiếp đến sản xuất xã hội, còn công việc của ông Phương hiện tại, trước mắt ông không thấy được hiệu quả và lợi ích gì thiết thực. Tuy nhiên vì sự tôn trọng với con đâu, ông Cù vẫn chưa mỉa mai đối phương một cách thẳng mặt.

Tuy rằng vẽ tranh cũng không tạo ra hiệu quả và lợi ích thực tế gì, nhưng ông Cù lại cho rằng Phương Mục Dương có giá trị hơn cha mình nhiều. Bản thân ông Cù không biết vẽ tranh, nhưng lại tự nhận mình có thể hành văn trôi chảy, thế nên vẫn luôn cho rằng viết văn dễ hơn là vẽ. Ông từng nhìn thấy bức tranh vẽ người lao động của Phương Mục Dương trong cuốn tuyển tập tranh do triển lãm mỹ thuật biên soạn, nhìn mầm là biết cây, ông chỉ cần liếc mắt một cái là đã biết khả năng quan sát của Phương Mục Dương rất tốt, hơn nữa chắc chắn còn có kinh nghiệm lao động. Ông Cù không cho rằng trở thành họa sĩ là lựa chọn tốt nhất của Phương Mục Dương, ông cảm thấy Phương Mục Dương bị cha đẻ mình cản đường, đáng nhẽ phải tiếp xúc với nhiều người khác hơn mới đúng, như ông chẳng hạn. Ông khuyên Phương Mục Dương nghỉ hè ở lại nơi này một thời gian, thử trải nghiệm cuộc sống kkhác một chút, chưa biết chừng sẽ phát hiện ra mình phù hợp với gì nhất.

Ông Phương có chút không vui khi thấy con trai mình và ông thông gia thân thiết. Nghịch tử sống chung với ông nhiều năm cho nên đã quá hiểu ông, vì quá hiểu nên chẳng còn gì hiếu kỳ nữa, đâm ra còn chẳng có nhiều chuyện để nói cùng như với người ngoài. Trong lòng ông thầm nghĩ, nếu nghịch tử là con trai của ông Cù thì chỉ chưa đầy ba ngày là chắc chắn sẽ bất hòa trong lời ăn tiếng nói, nói nửa câu cũng ngại nhiều, thậm chí có khi còn nói chuyện với ông nhiều hơn cũng nên. Ông cũng rất thân thiết với con rể, chỉ tiếc là con rể không ở đây. Ông Phương thấy rất nhớ con rể mình.

Trong bữa tối, ông Phương có nhắc một chút tới vấn đề để cho Mục Tĩnh và Cù Hoa chuyển việc, lời trong lời ngoài đều ám chỉ môi trường làm việc ở chỗ bọn họ tốt hơn. Ông Cù lần này lại không phản bác ông Phương, thậm chí còn nói theo những gì ông nói, bảo rằng nơi nào điều kiện càng gian khổ thì càng cần bọn trẻ chung tay xây dựng.

Câu này khiến cho ông Phương im như thóc, ông thậm chí còn suýt nói cái chỗ này của ông thì liên quan gì tới gian khổ hả.

Song ông Phương chỉ nói muốn con gái về gần bên mình một chút, cũng tiện bề chăm sóc. Ông Cù đáp rằng bọn họ cũng đối xử với Mục Tĩnh như con gái ruột, ông vẫn luôn muốn có coi gái, giờ đã coi như thỏa lòng mong mỏi, xong rồi lại hỏi ông Phương, nhà ông không đối xử với con dâu như con gái sao, cho dù Phí Nghê có không ngồi đây thì ông Phương cũng không nên nói những câu phân biệt đối xử như thế, huống hồ Phí Nghê còn ở chỗ này. Ông Cù nói với con dâu, nếu có gì không hài lòng thì cứ nói thẳng ra. Mục Tĩnh đáp là cô không có gì không hài lòng cả.

Mẹ của Cù Hoa cũng không hiểu nổi, sao hôm nay ông bạn già của bà nói chuyện lại kiềm chế như thế.

Ông Phương nhất thời không tìm ra lý do nào tốt hơn, hiếm khi yên lặng như vậy. Giáo sư Mục đương nhiên có thể tìm được lý do, nhưng bà biết con gái hiện tại không muốn chuyển về, nếu nói ra thì chỉ tổ khiến con gái thêm phiền muộn, vậy nên cũng giữ im lặng.

Bà thông gia chia thức ăn cho ông Phương. Đợi khi đồ đã nằm trong đ ĩa của ông rồi, Phương Mục Dương mới rất chu đáo nói với ông rằng thứ nằy cha bị dị ứng, chi bằng nhường cho con đi.

Ông Phương rốt cuộc cũng được một lần nở mày mở mặt, nghịch tử có thể tiếp chuyện cùng ông thật đấy, nhưng nó chỉ nhớ mỗi tôi dị ứng món gì thôi.

Ông đã quên mất năm xưa khi dẫn con trai đi ăn, vì muốn được ăn nhiều hơn nên Phương Mục Dương cố tình gọi toàn đồ ông không ăn được, cho nên ấn tượng mới có thể khắc sâu đến thế.

Ông Phương vẫn luôn đợi con gái bày tỏ quan điểm, thấy con gái không có ý định chuyển về thì đoán có lẽ người nhà họ Cù đối xử với nó cũng không tệ lắm. Tuy rằng ông vẫn bất mãn, nhưng nghĩ đến chuyện con gái rất có khă năng sẽ tiếp tục sống ở đây, ông lại đeo chiếc mặt nạ nho nhã lên, thân thiết cùng gia đình thông gia trò chuyện.

Hai người đều vì con cái của mình mà bất đắc dĩ chịu đựng đối phương, nhìn từ bên ngoài thì có vẻ vẫn rất thuận hòa.

Sau khi ăn xong, nhà họ Cù chuẩn bị một căn phòng khách cho thông gia, nhưng ông Phương lại kiên trì muốn đến nhà khách. Ông uyển chuyển ám chỉ với ông Cù ngày mai phải tới thăm ông, nói nếu mai ông Cù đến, ông sẽ mời lại bọn họ một bữa.

Phương Mục Dương và Phí Nghê cũng chuẩn bị quà cho từng người. Món quà Phương Mục Dương chuẩn bị cho Mục Tĩnh là một bức tranh, trước khi đi đến nhà khách anh mới giao tranh lại cho chị gái. Mục Tĩnh phát hiện biểu cảm của Cù Hoa trong tranh có hơi là lạ.

“Lúc vẽ bức tranh này, em đã nói với anh ấy, trong nhà sẽ mãi mãi giữ lại một chỗ cho chị.” Nói xong câu này, Phương Mục Dương lại nói tiếp: “Chị muốn về bất cứ lúc nào cũng được.” Hiện tại muốn về thì về, muốn không về thì không về.

Mục Tĩnh chỉ ra một lỗi sai nhỏ của Phương Mục Dương, cô nói đôi mắt Cù Hoa trông hơi khác lạ, có chút mâu thuẫn với toàn bộ khuôn mặt của anh. Loại sai lầm này em trai cô thường sẽ không mắc phải.

Phương Mục Dương và Phí Nghê nghe thế thì cùng liếc nhau một cái. Khuyết điểm ấy là anh cố ý tạo ra, song Phí Nghê hoàn toàn không thể phát hiện được vấn đề ở trong bức họa. Cũng không phải vì khả năng giám định và thưởng thức của Phí Nghê kém hơn Mục Tĩnh, mà là Mục Tĩnh để ý tới Cù Hoa hơn cô nhiều. Cô không thể nhìn ra được Cù Hoa trong tranh có gì khác với người thực.

Trở về phòng của mình rồi, Phí Nghê hỏi Phương Mục Dương: “Anh cảm thấy liệu chị hai có quay về không?”

“Anh cũng nghĩ giống như em.”

Buổi tối Cù Hoa không có lịch trực ca đêm. Anh vừa rửa tay ra ngoài, chủ nhiệm khoa Chỉnh hình đã cử người tới mời anh đi hội chẩn. Cậu bác sĩ trẻ được cử đi mời Cù Hoa lần đầu tiên thấy bác sĩ Cù cuồng công việc nói là mình không đi được, bảo cậu ta tìm người khác, bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt cậu ta tuôn ra đều chẳng có tác dụng gì. Lúc quay lại cậu ta chuyển lời Cù Hoa nói cho chủ nhiệm, song chủ nhiệm lại chẳng hề thông cảm mà cứ tiếp tục giục cậu ta đi tìm bác sĩ Cù. Cậu ta chỉ có thể căng da đầu lên đi tìm, và đó cũng là lần đầu tiên cậu ta thấy Cù Hoa lộ rõ buồn vui, biểu cảm trên mặt rõ ràng đang viết: Còn không chịu cút đi à! Song cậu ta không thể cút, chỉ có thể hèn mọn lặp lại những lời chủ nhiệm nói một lần nữa, cúi đầu chờ đợi Cù Hoa tiếp tục cự tuyệt. Nhưng mà lần này, không ngờ Cù Hoa đồng ý.

Vốn nên là cậu ta dẫn Cù Hoa đi, kết quả lại là cậu ta đi sau Cù Hoa, phải chạy bước nhỏ mới theo kịp bác sĩ Cù, ai bảo chân cậu ta ngắn hơn chân bác sĩ Cù nhiều chứ.

Ca phẫu thuật kéo dài đến một giờ sáng, Cù Hoa đã ngồi xe lửa suốt cả chặng đường không ngắn, trở về lại phải liên tục làm việc, khi mổ xong thì quần áo đều đã ướt rượt mồ hôi. Một bác sĩ khác ở trong phòng mổ trực tiếp ngã nhào xuống sàn, mà Cù Hoa, ánh sáng của tất cả các bác sĩ trẻ trong viện, sau thời gian dài công tác không ngừng nghỉ vẫn có thể bước thoăn thoắt ra khỏi phòng mổ, dù có gọi là bước như bay cũng chẳng ngoa.

Vào giờ này đã không còn xe buýt chạy nữa, Cù Hoa mượn xe đạp của người ta rồi trực tiếp đạp về nhà. Trên trời có rất nhiều sao, mà ngay cả một vì sao anh cũng chẳng kịp nhìn ngắm.

Anh đạp xe rất nhanh, nhưng bước chân tiến đến phòng ngủ thì lại rất chậm. Lúc đẩy của ra, anh thấy Mục Tĩnh đang ngồi bên bàn viết gì đó.

Ngoài lý tưởng của bản thân, cô còn phải chứng minh với mẹ mình rằng mình ở lại đây không phải là vì một người đàn ông, cho dù cô có ở đâu thì cũng làm nên thành tích.

Phải đến khi Cù Hoa bước tới sau lưng Mục Tĩnh, Mục Tĩnh mới nhận ra trong phòng vừa có người vào. Không cần quay đầu lại thì cô cũng biết là ai. Mục Tĩnh đứng lên rót nước cho anh, chưa nhìn anh lấy một lần.

Cù Hoa xoay mặt của Mục Tĩnh qua, ép cô đối diện với anh. Lần trước gặp mặt đã là chuyện của năm ngoái, Mục Tĩnh chỉ ăn bánh Trung thu với anh xong là rời đi, bởi còn phải lên xe lửa, khi đó anh thậm chí còn chưa kịp nhìn cô cho kỹ. Lần này họ có tương đối đủ thời gian, cặp kính của anh cách mặt cô ngày càng gần. Mục Tĩnh cũng quan sát anh, kiểu quan sát đó giống như một loại đánh giá, đánh giá xem anh có đáng để cô tiếp tục ở lại sống cùng hay không. Ánh mắt đánh giá kia vừa dò xét vừa khiêu khích. Cù Hoa hôn lên môi Mục Tĩnh, anh hôn thật sự mạnh mẽ, không hề chừa cho cô con đường nào để cự tuyệt.

Mà Mục Tĩnh dường như cũng không định cự tuyệt.

Bình luận

Truyện đang đọc