Edit: Sa
“Hành tinh Băng Lam Sắc được cấu tạo bởi 80% là nước hoặc băng, mỗi sáu mươi năm mới sáng lên một lần, thời gian còn lại, nó chìm trong bóng tối tĩnh lặng, chỉ có các sinh vật biển thức tỉnh.
Nó cách rất xa dải ngân hà. Nhưng một ngày nọ, có loài người tự xưng là Pháp sư xuất hiện, ánh mắt hắn trong trẻo và đẹp đẽ, hệt dáng hình của hoa đào đầu xuân.
Sinh vật trên hành tinh không biết hoa đào là như thế nào nhưng họ vẫn nhiệt tình tiếp đãi hắn, cũng gả con gái mà Quốc vương yêu thương nhất cho hắn.
Cuộc hôn nhân giữa Người Cá và Con Người.”
Cho nên loài người mới có thể hít thở trong nước.
“Thi Âm, sao còn chưa tới phòng thi nữa? Ba phút nữa là chuông reo rồi đó.”
Ngay sau khi Thi Âm gấp giấy viết thư lại, ngoài cửa phòng học vang lên giọng nói quen thuộc.
Cô ngẩng đầu, nhìn bí thư của lớp 11A4 Quách Mạn Trân ôm hộp bút đi đến trước mặt mình. Khi ánh mắt rơi xuống tờ giấy mà cô đã gấp xong, cô ấy chớp mắt tỏ vẻ ngạc nhiên.
Hôm nay là buổi học đầu tiên của khối 11, không cần trực nhật, không cần nộp bài tập hè, không cần làm gì cả, nhiệm vụ duy nhất là thi, vừa là thi khảo sát đầu năm vừa là thi phân ban tự nhiên và ban xã hội, cũng là thi chia lớp, có được vào lớp chọn hay không đều phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này. Vì vậy, ai cũng lo lắng, tiếng chuông báo giờ tự học buổi sáng vừa vang lên liền vội vã ôm sách vở đi tới phòng thi của mình.
Bất kể là ban tự nhiên hay xã hội, môn thi đầu tiên buổi sáng đều là Ngữ văn.
Trong phòng học, trên hành lang, thậm chí là lúc xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh, khắp nơi ngập tràn những tiếng nghêu ngao học thuộc lòng thơ cổ “HS bắc chiến xuyên kim giáp, bất phá lâu lan chung bất hoàn”(1), chỉ có Thi Âm vẫn ngồi yên ở chỗ của mình, không học thơ cũng chẳng học từ(2) mà lại thư thả viết viết vẽ vẽ.
(1) Câu trong bài thơ Tòng quân hành của nhà thơ Vương Xương Lương (? – khoảng 756), tạm dịch nghĩa: Đánh hàng trăm trận trên chiến trường đến mòn cả áo giáp, chưa đánh tan giặc chưa về nhà.
(2) Từ: một thể loại văn học
Trong mắt Quách Mạn Trân, hành động của Thi Âm rất giả tạo, làm màu, cố tình tỏ ra nhàn nhã trông vô cùng phản cảm.
Thi Âm làm như không nhận ra sự ác cảm của Quách Mạn Trân, cô kẹp tờ giấy vào quyển sách, sau đó chỉ ra cửa phòng, giọng nói rất dịu dàng: “Tớ đang ngồi trong phòng thi của mình mà, hơn nữa còn là ngồi đúng chỗ thi.”
“Hở, trùng hợp thế cơ á?”
“Ừ.”
“Nhưng mà nghe nói chỗ thi mà trúng chỗ ngồi bình thường thì sẽ xui xẻo lắm. Thi Âm, cậu phải cẩn thận đấy, nếu bị rớt khỏi lớp chọn thì tiêu tùng, tớ rất muốn được học chung lớp với cậu.”
Nữ sinh cười ngây thơ, hai chiếc răng nanh toát lên vẻ hiền hòa ân cần nhưng lời nói lại giống như nguyền rủa hơn là nhắc nhở.
Vì thế, Thi Âm chỉ nhìn cô bạn chứ không nói gì, cô cười thản nhiên, thái độ tựa như đối xử với một đứa trẻ con đang cáu kỉnh, sau đó tiếp tục cúi đầu dọn bàn học.
Quách Mạn Trân đứng thêm vài giây, không được đáp lại thì cảm thấy mình cứ như đánh vào túi bông gòn, tẻ ngắt.
Tuy lúng túng nhưng cô nàng giả vờ bình thản, như có như không hứ một tiếng rồi cầm hộp bút, giẫm đôi giày da xinh xắn bỏ đi, lưng ưỡn thẳng như đang chứng tỏ sự kiêu ngạo và không thèm chấp nhặt của mình.
Quách Mạn Trân không thích Thi Âm, có rất nhiều nguyên nhân.
Chẳng hạn như họ cùng tham gia một dàn nhạc, đều chơi violon nhưng Thi Âm là đội trưởng dàn nhạc, còn cô luôn bị dưới quyền.
Chẳng hạn như họ đều là bí thư lớp nhưng cô Bí thư Đoàn trường lại thích Thi Âm hơn cô, mỗi lần trường có sự kiện gì, cô luôn bị giao nhiệm vụ làm trợ thủ cho Thi Âm.
Hoặc chẳng hạn như họ đều làm việc ở đài phát thanh trường, có năm phát thanh viên chịu trách nhiệm đọc thông báo vào mỗi buổi chiều, chỉ có Thi Âm được đọc hai ngày, những người còn lại chỉ được phân cho một ngày.
Thậm chí là thành tích, ngoại hình, số lần được các bạn nam tỏ tình, vân vân.
Tất cả những thứ này đều trở thành lý do cô ghét Thi Âm, giống như Chu Du và Gia Cát Lượng, số trời đã định họ là đối thủ của nhau, một sống một chết.
Còn Thi Âm lại không thèm để ý tới thái độ thù địch của Quách Mạn Trân, nguyên nhân chỉ có một: Cô không muốn lãng phí thời gian với kẻ không cùng đẳng cấp với mình.
Sự việc trên chỉ là một đoạn nhạc đệm nho nhỏ trước cuộc thi. Trong khi Quách Mạn Trân tức muốn chết thì Thi Âm lại xem như không có gì xảy ra, sau khi chuông thông báo bắt đầu thi vang lên, suy nghĩ của cô đã hướng về một việc khác, bởi vì cô phát hiện chắc chắn mình không phải là người nhàn nhã nhất trường.
Trước khi hồi chuông kết thúc chỉ một giây, một nam sinh mới bước chân vào phòng. Chắc là nam sinh đó cao lắm vì Thi Âm căn bản không kịp ngước đầu nhìn mặt cậu ta. Ánh mắt cô chỉ vừa lướt tới ống tay áo được xắn cao của cậu ta, nhìn thấy cậu ta cầm hai cây bút gồm một cây bút chì và một cây bút mực phe phẩy qua lại. Sau đó, dưới ánh mắt tiếc hận của giáo viên coi thi, cậu ta kéo cái ghế ở bàn sau cô.
Có lẽ là giáo viên coi thi biết cậu ta, thầy trừng mắt về phía Thi Âm: “Cà lơ phất phơ không ra thể thống gì, hôm nay nhớ thi đàng hoàng cho tôi đấy, có nghe thấy không?”
Đằng sau vang lên tiếng cười khe khẽ của nam sinh, giọng nói rõ ràng và truyền cảm: “Dạ biết thưa thầy.”
Có lẽ vì quá gần nên nương theo tiếng cười, tựa như có làn gió nhẹ lướt qua tai cô, ma sát tạo nhiệt khiến vành tai ửng hồng.
Thi Âm vuốt lọn tóc bên tai, cực kỳ tự nhiên che giấu đôi tai đỏ lựng của mình.
Chậc, xảy ra chuyện gì thế này, mình có phải là người cuồng giọng nói đâu.
Là cán sự lớp và hoạt động trong hội học sinh, năng lực giao tiếp của cô rất mạnh, bình thường cũng tiếp xúc rất nhiều với các bạn học nam. Song, trong khoảnh khắc ban nãy, tai cô lại không nghe theo lời cô, biểu hiện chẳng khác nào các nhân vật nữ dễ xấu hổ trong truyện tranh, vừa buồn cười vừa lố lăng. Nếu là phim thần tượng có máy quay cận cảnh, Thi Âm nghĩ chắc chắn ban nãy mình diễn rất tốt cảnh mê trai.
Cũng may ngay sau đó, tiếng chuông vang lên cắt đứt mạch tưởng tượng của cô.
Thầy giám thị coi thi phát đề, giữa tiếng lật giấy loạt xoạt, Thi Âm đọc đề văn: Những thứ không thể xóa trong quá khứ của cuộc đời.
Thật ra đề văn rất dài, nhưng đại ý là như vậy.
Đề này không dễ, cũng không khó. Nếu là bình thường, tiểu công chúa Ngữ văn Thi Âm sẽ ngay lập tức viết ra một dàn bài hoàn hảo nhưng hôm nay hơi đặc biệt. Sau khi đọc đề văn xong, suy nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu của tiểu công chúa Ngữ văn Thi Âm lại là: Í, hình như người ngồi bàn sau không mang theo cục tẩy, vậy nhỡ cậu ta viết sai rồi muốn xóa thì phải làm sao? Cậu ta lấy gì để xóa?
Cậu ta không xóa.
Không chỉ có môn Ngữ văn mà ngay cả Khoa học tự nhiên(3) thi trắc nghiệm vào buổi chiều, cậu ta cũng không xóa.
(3) Khoa học tự nhiên: tổ hợp gồm ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, ba môn này được gộp chung vào một đề thi, tổng điểm là 300.
Vị bạn học này y như Thần Gió, mỗi môn thi đều là người đến trễ nhất và về sớm nhất, cây bút chì và cây bút mực là hai dụng cụ thi duy nhất của cậu ta, giống như cậu ta không cần phải xóa bất kỳ “quá khứ” nào.
Thi môn Toán buổi tối, vị cao nhân ấy vẫn chờ tới khi tiếng chuông vang lên mới xuất hiện, trong tay vẫn chỉ có hai cây bút, ngay cả một cây thước kẻ cũng không có, cứ thế mà sải cặp giò cao khều thong thả đi tới chỗ ngồi.
Lần này, rốt cuộc Thi Âm cũng nhìn rõ mặt cậu. Là một nam sinh vô cùng điển trai. Khuôn mặt góc cạnh, mũi cao, mắt sâu, ngay cả khóe môi khẽ nhướn cũng đẹp phát khiếp.
“Hệt như bước ra từ truyện tranh.”
“Còn đẹp trai hơn cả diễn viên.”
“Hoàn toàn có thể dùng mặt kiếm cơm.”
…
Ngay cả người có gu thẩm mỹ cao như Thi Âm cũng không ngần ngại dùng những câu đó để đánh giá nhan sắc của thiếu niên xa lạ này.
Thảo nào hồi sáng thi xong, bỗng nhiên có một đám con gái chạy tới đứng trước cửa phòng thi, Thi Âm còn tưởng họ tìm mình để đối chiếu đáp án, hóa ra là cô tưởng bở, mục tiêu của người ta hoàn toàn không phải là cô.
Cô còn đang mải suy nghĩ lung tung, giám thị coi thi đã phát đề.
Đợt thi này sắp xếp rất lạ, nhẽ ra môn Toán phải thi vào buổi chiều thì bỗng dưng lại bị đẩy xuống buổi tối khiến ai nấy đều bất an.
Quả nhiên, đề Toán rất khó. Ngay cả Thi Âm cũng thấy đề khó thì với người bình thường, đề siêu khó, ít nhất là chưa tới hai mươi phút đầu giờ thi, hơn phân nửa phòng thi đều vò đầu bứt tai ráng làm cho đủ điểm trung bình, huống chi nhà trường xếp phòng thi dựa theo thành tích, Thi Âm được chia vào phòng thi số 1, nghĩa là những học sinh trong phòng thi này là những người có thành tích tốt nhất toàn khối.
Thi Âm xếp thứ mười sáu.
Cô nhớ lúc xem bảng xếp hạng, đứng sau tên cô là Vương Hổ.
… Uầy, coi bộ người và tên không khớp nhau lắm.
Đề Toán thực sự rất khó, Thi Âm cực kỳ đau đầu về câu cuối cùng, nhìn đồng hồ, thời gian chỉ còn lại bốn mươi phút.
Cô thở dài, quyết định từ bỏ câu đó, phải làm chắc những bài dễ rồi tính sau.
Kết quả là cô còn chưa kịp lật lại giấy thi thì phía sau chợt vang lên tiếng “cạch” nho nhỏ, là tiếng đậy nắp bút. Sau đó, chiếc bàn đằng sau hơi lung lay, tiếng ghế ma sát với sàn nhà vang lên, mặt bàn cô phản chiếu cái bóng đen, bài thi của cô bị khuất ánh đèn.
Vương Hổ đứng lên, hình như là chuẩn bị nộp bài.
Lối đi rất hẹp, lúc nam sinh đi ngang qua Thi Âm, chiếc áo khoác đồng phục không khóa kéo quệt vào cánh tay Thi Âm, bài thi trong tay cậu cũng sượt qua tai cô.
Cùng một vị trí, vành tai lại nóng lên.
Thi Âm bất giác nghiêng đầu, đúng lúc nhìn thấy bài thi của cậu. Ồ, viết kín giấy. Chỗ ô ghi đáp án dành cho câu cuối cũng được lấp kín, cô nhìn lướt qua, đáp án rất khó hiểu: Căn bậc hai của 17 hoặc -cos(19).
Hình như cậu ấy tính ra kết quả rồi.
Cậu bạn này giỏi thế sao? Chưa tới một tiếng mà đã giải xong đề thi.
Không chỉ có Thi Âm, tất cả học sinh trong phòng thi đều chú ý tới bạn học Vương Hổ, ánh mắt mang theo sự khiếp đảm.
Đùa à? Họ còn chưa nghĩ ra cách giải đấy!
Trên bục giảng, giám thị coi thi không chịu thu bài, nghiêm khắc nói: “Em về chỗ kiểm tra lại bài, hôm nay không cho nộp bài sớm.”
“Thầy ơi, em có việc, phải đi ngay bây giờ ạ.”
“Vậy cũng không được, nộp bài sớm sẽ bị trừ hai mươi điểm.”
“Thế cứ trừ đi ạ.”
Nam sinh không hề do dự, cứ như là đã dự liệu trước mọi chuyện. Cậu đặt bài thi lên bàn giáo viên, sảng khoái nhấc chân ra ngoài.
“Em quay lại cho tôi! Em quay lại đây, có nghe thấy không hả? Em có tin là em mà bước ra khỏi phòng là tôi trừ hết điểm của em không hả?”
Trả lời thầy là bóng dáng cao ráo của nam sinh. Cậu ta đi rất dứt khoát, không hề chần chừ.
…
Thi Âm ngồi gần bàn giáo viên, thấy mặt thầy giám thị biến từ đen thành xanh, từ xanh hóa đỏ, ngón tay chỉ về phía cửa hồi lâu, cuối cùng bất lực hạ xuống, sau đó hung tợn quay đầu nhìn phòng thi:
“Nhìn cái gì mà nhìn? Các cô cậu cũng muốn nộp bài sớm đúng không? Không muốn thì lo mà làm bài đi, chỉ còn bốn mươi phút thôi đó, làm câu nào chắc câu đó cho tôi!”
… Á, chỉ còn bốn mươi phút thôi.
Kiểm tra lại, trừ câu cuối ra, những câu khác không khó lắm, có thể giải được.
Câu cuối… câu cuối cứ phó mặc cho số mệnh vậy.
Thi Âm nhìn vào ô viết lời giải cho câu cuối cùng, sau khi phân vân nửa giây, cô viết lưu loát đáp án:
Căn bậc hai của 17 hoặc –cos(19)
Thôi, xóa –cos(19) đi.
Căn bậc hai của 17
Sai thì sai thôi, còn nếu đúng thì được nửa số điểm của câu cũng tốt, phó mặc cho số phận vậy. Có điều cô có dự cảm, một dự cảm như vô số lần trước đây, là lần này cô cũng sẽ may mắn.