Màn đêm buông xuống, quân doanh cách đó không xa sáng lên ánh lửa. Đất trên đường đen xì, mấy Nô nhân kéo thân thể uể oải đi từ doanh trại ra, trong đó có Thường phụ.
Nô nhân cả người bẩn thỉu, từ xa đã có thể ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc trên người họ. Trên tay mỗi người đều cầm theo một bao đồ vật, đó là thịt cá được bọc trong lá cây.
Lao động cả một ngày dài từ khi trời chưa sáng đến lúc tối mịt, Thường phụ vừa mệt vừa đói, nhét bao đồ ăn đang cầm vào tay Việt Tiềm, lời muốn nói cũng chẳng thèm nói nữa, xoay người đi về phía bụi lau sậy bên cạnh bờ con nước nhỏ.
Việt Tiềm mở lá cây ra, bên trong đều là đuôi cá rất lớn. Tuy chỉ là đuôi cá, nhưng phía trên cũng dính không ít thịt.
Đây là đuôi cá còn thừa lại sau khi chế tác cá khô, binh sĩ không muốn, Thường phụ liền đem về nhà.
Thường phụ rửa ráy bên bờ sông, tiện tay cởi quần áo bẩn trên người ra, giặt luôn trong nước. Mặc dù vừa đói vừa uể oải, hắn vẫn không thể nào mặc kệ mùi hôi thối trên người được.
Không bao lâu sau, Thường phụ chui từ trong bụi lau sậy ra, mặc quần áo ướt sũng trên người, quay trở về nhà tranh, ngồi bên lò sưởi sưởi ấm. Hắn cực kỳ đói bụng, múc một bát canh cá, há to miệng uống ừng ực.
Việt Tiềm đang xử lý đuôi cá. Hắn dùng hòn đá nhỏ chặt đứt vây cá, lại lóc hết thịt còn sót lại, cắt thành từng miếng, chỉ hai cái đuôi cá đã cắt được một chậu đầy thịt.
Thường phụ không để ý còn nóng, mò vài miếng cá hỗn tạp trong canh loãng, dùng tay làm đũa, nhét đồ ăn vào miệng.
Hắn ăn một con cá lại uống hết một chén canh, đợi cơn đói cồn cào trong dạ dày cuối cùng cũng dịu lại mới ngẩng đầu cười với Việt Tiềm: “Không ít thịt nhỉ, ta chuyên môn chọn miếng tốt mà mang về, hôm nay hai ta phải ăn một bữa no nê!”
Advertisement
Lửa trong lò sưởi lại bùng lên, Thường phụ đút thêm củi khô, Việt Tiềm đảo nhẹ thịt cá bên trong bình gốm nóng hổi, đổ thêm nước, lại rắc một lượng lớn rau dại.
Trong chớp mắt, Thường phụ đã ăn no rồi. Ăn no, cảm giác thật tốt.
Thường phụ căng da bụng trùng da mắt, lưng dính lên chiếu liền ngủ, rất mau đã ngáy khò khè, cũng không phát hiện ra Việt Tiềm tối nay có gì không đúng, lời nói cực nhỏ, vô cùng trầm mặc.
Thường phụ coi Việt Tiềm như con đẻ, thế nhưng lại không dư thừa tinh lực để chú ý hắn có vui hay không, có khổ sở hay không.
Thân là Nô nhân, sống sót là quan trọng nhất, những điều còn lại, vốn chẳng có sức để lo lắng.
Củi khô trong lò sưởi đã cháy hết, ánh lửa le lói rồi tàn lụi. Việt Tiềm nằm trên giường đất, trợn tròn mắt, chỉ thấy một màu đen kịt. Không biết đã trải qua bao lâu, cơn buồn ngủ kéo tới, hắn tiến vào mộng đẹp.
Trong giấc mộng, Việt Tiềm hoá thân thành thanh xà, quấn trên đầu cành cây cao, quan sát con mồi trong rừng.
Thanh xà có đôi kim đồng cực kỳ nhạy cảm, dù vật còn sống giấu trong bóng tối có im lặng đến đâu, nó vẫn có thể nhận rõ bọn họ giữa những che chắn mù mịt.
Lúc này, dưới tàng cây có một con chuột hoang đang lén lén lút lút đi kiếm ăn; cách đó không xa, ở cái ao bên cạnh, mấy chục con ếch con đang dần tập hợp lại; trên đỉnh đầu thanh xà có một cái hốc cây, trong đó có năm con chim Uyên Ương non đang chen chúc.
Tối nay thanh xà không đói bụng, chẳng như những ngày ruột gan cồn cào đi săn xung quanh trong quá khứ. Nó lười biếng tắm mình dưới trăng bạc, quan sát bốn phía theo thói quen.
Trong tầm mắt thanh xà, rừng núi bao la nghiễm nhiên trở thành lãnh địa của nó. Nó không e ngại bất cứ sài lang hổ báo nào, cũng không e ngại bất cứ sinh linh nào trong núi hoang, tựa như là Vương ở nơi này.
Chim non trong hốc cây tựa như cảm nhận được nguy hiểm, từng con từng con cao giọng kêu to, hô hoán chim mẹ.
Thanh xà nghĩ: Ta cũng đâu có ăn các ngươi, làm như đang gặp phải đại địch vậy.
Bị làm cho thiếu kiên nhẫn, cuối cùng thanh xà cũng di chuyển thân thể, trườn trong không gian nhỏ bé chằng chịt cành lá, bò sang một thân cây khác. Cây cối trong rừng rậm rạp, dù không có bản lĩnh bay lên trời, thanh xà vẫn có thể di chuyển vô cùng thoải mái.
Thanh xà du đãng một phen, lần thứ hai quay trở lại làm tổ trên thân cây kia, chẳng qua đã đổi nhánh cây khác. Việt Tiềm yêu thích cái cây này, tầm nhìn bốn phía vô cùng rộng lớn, đầm nước ở lân cận, không khí cũng rất thư thái.
Cảm giác được thiên địch lại quay trở về, ổ Uyên Ương non kia tiếp tục phát ra tiếng kêu ồn ào không ngớt.
Gió núi thổi tung bờm trên đầu thanh xà, lưỡi rắn nếm trải hương vị của sương sớm. Nó biết, trời đã sắp sáng rồi.
Trong giấc mộng, Việt Tiềm vẫn không muốn tỉnh lại. Hắn muốn ở lại trong núi sâu, thật sự trở thành thanh xà, không bị thế gian vạn vật trói buộc, tự do tự tại; không giống như ban ngày, hắn là một Nô nhân bên trong Hữu uyển, luôn bị nô dịch, chẳng có tự do.
Chân trời hơi sáng lên. Chim Uyên Ương mẹ bay về tổ, phát hiện ra thanh xà to lớn đang nằm úp sấp trên tổ chim. Nó vô cùng lo lắng nhảy vào trong hốc cây, đuổi từng con chim non chưa cứng cáp ra ngoài.
Từng con chim nhỏ bị mẹ đuổi ra khỏi hốc cây. Vị trí của hốc cây rất cao, trước đây những con chim non này cũng chưa từng bay lượn, thế nhưng chúng nó đều đã đến tuổi rời tổ, tự mình tìm một phương trời sinh sống.
Quá trình nhảy từ hốc cây xuống mặt đất vô cùng mạo hiểm, chim non hoặc là thành cồn sải cánh trước khi chạm đất, hoặc là cứ vậy rơi thẳng xuống, tổn thương, tàn phế.
Đây là thử thách thiên nhiên dành cho chúng nó, mà chính cha mẹ chúng nó cũng từng trải qua thử thách như vậy.
Việt Tiềm bỗng nhiên nhớ lại, trước khi Vân Thuỷ thành bị Dung binh vây hãm, phụ vương đã dẫn binh đi phá vòng vây. Trước khi đi, người rút cây dao găm bằng đồng thau có chuôi tạc bằng ngà voi từ bên hông ra đưa cho hắn. Khi đó người đã nói với hắn: Một khi thành trì thất thủ, ai cũng không chăm lo được cho ai. Nếu ngươi muốn tiếp tục sống, chỉ có thể dựa vào chính mình.
***
“A Tiềm!”
Bên tai là tiếng quát tháo của Thường phụ, ngoài cửa truyền tới thanh âm mắng chửi của binh sĩ, giục giã Nô nhân rời giường.
Việt Tiềm lập tức tỉnh lại từ trong giấc mộng. Hắn vươn mình xuống giường, rời khỏi cửa cùng Thường phụ.
Trời còn chưa sáng, nô lệ phụ trách bắt cá đã tụ tập đông đủ bên bờ sông, chờ đợi binh sĩ phát thuyền nhỏ, mái chèo, còn có lưới đánh cá và công cụ sản xuất. Dưới sự giám sát của binh sĩ, nô lệ điều khiển thuyền nhỏ, đi tới điểm bắt cá.
Việt Tiềm ngồi trên thuyền nhỏ, một Nô nhân giữ mái chèo cạnh đó sinh bệnh, bệnh tật triền miên không có cách nào làm việc được. Binh lính theo thuyền vô cunhf bất mãn, lấy roi từ bên hông ra quất vào người bệnh nô cho hả giận.
Nô nhân bị đánh đến nằm rạp trên mặt thuyền, hai tay ôm lấy đầu xin tha, âm thanh bi thống tột cùng.
Mắt thấy binh sĩ nâng cao cánh tay, roi cũng sắp hạ xuống, Việt Tiềm đột nhiên đứng lên, che trước mặt binh sĩ kia.
Hành động lần này của hắn khiến Thường phụ kinh hoàng bạt vía.
Việt Tiềm ngẩng đầu, lớn tiếng nói: “Hắn bị nhiễm trùng, không có cách nào cầm mái chèo lên được, ta có thể thay hắn chèo!”
Binh sĩ đột nhiên bị quấy nhiễu, roi trong tay cứng lại giữa không trung, cũng chẳng rơi xuống. Gã hung tợn trừng mắt nhìn Việt Tiềm, đang muốn chửi ầm lên, Thường phụ ở một bên đã vội vàng nhét mái chèo gỗ vào tay Việt Tiềm, lại ôn hoà nói với gã: “Ta đã dạy hắn, để cho hắn thử đi.”
Chỉ sợ Việt Tiềm trẻ tuổi nóng tính, xung đột cùng với binh sĩ, lại phải chịu khổ.
So với những chiếc thuyền khác, thuyền nhỏ của bọn họ đã tụt hậu lại không ít. Nếu lại trễ nải nữa, ngay cả binh sĩ cũng sẽ bị thượng cấp trách tội. Gã căm tức trừng Việt Tiền, quát lên: “Còn không mau chèo thuyền!”
Việt Tiềm nắm mái chèo gỗ trong tay, ngồi ở vị trí bẻ lái. Hai cánh tay hắn nhanh chóng vung lên, mái chèo gỗ cũng theo đó hất tung bọt nước. Dưới sự phối hợp ăn ý của hai người cầm lái, thuyền nhỏ băng băng lao về phía trước.
Động tác chèo lái của Việt Tiềm vô cùng nhuần nhuyễn, phối hợp rất khá cùng Thường phụ đang bẻ lái.
Binh sĩ vẫn còn đang tức giận, đứng giám sát bên cạnh Việt Tiềm. Eo lưng Việt Tiềm thẳng tắp, ánh mắt nhìn thẳng, mặt mày bình tĩnh, thập phần kiên định.
Một vầng mặt trời bay từ trong nước lên, kim quang vạn trượng. Động tác chèo lái của Thường phụ thoáng chậm lại, ánh mắt rơi trên người Việt Tiềm, phát hiện trong lúc vô tình hắn đã lớn lên rất nhiều, tựa như có vài phần bóng dáng của đại nhân.
Mặc dù hắn áo rách quần manh, đầu tóc rối bù như cỏ dại; mặc dù hắn chỉ là đầy tớ, thân phận thấp hèn, mệnh như rơm rác; nhưng trong ánh mặt trời chiếu sáng hắt lên từ mặt nước của Quái thuỷ, từ trên người hắn, Thường phụ mơ hồ nhìn thấy thân ảnh quá cố của Quốc quân.
***
Cuối cùng, Cảnh Trọng Diên vẫn đi tới thành lầu ở cửa Tây đối diện núi Nam mà nhảy múa một hồi.
Khi ấy trời tối mịt, binh lính phòng thủ trên lâu thành đang muốn thay ca, vì vậy y bị một đám binh sĩ vây xem.
Không thể không nói, bất kể ở phương diện nào Cảnh đại phu cũng vô cùng có thiên phú. Y thân mặc vũ y, đầu đội mào, tay cầm nhánh ngô đồng, nhảy múa vô cùng ra dáng.
Cảnh Trọng Diên nhảy xong một vòng thì dừng lại nghỉ ngơi, không khỏi than thở, nghĩ không biết khi nào Linh công tử mới có thể tỉnh lại, chẳng lẽ phải nhảy đến tận hừng đông?
Đột nhiên, một vị tự nhân[1] trong cung chạy tới, lớn tiếng gọi y: “Cảnh đại phu không cần nhảy! Không cần nhảy nữa! Linh công tử tỉnh lại rồi!”
[1] Tự nhân: thái giám.
Cảnh Trọng Diên vứt nhánh ngô đồng trên tay xuống mặt đất, oán giận: “Ta sớm đã nói người có thể tỉnh lại, Quận chủ vẫn cứ không nghe, một mực muốn ta tới đây chiêu hồn!”
Tốt xấu gì y cũng là người trông coi lịch sử, chưởng quản bản đồ cương vực và sổ hộ tịch của toàn bộ quốc gia, đường đường là Sử quan lại bị ép đi nhảy đại thần[2], quả thực vô cùng mất mặt.
[2] Nhảy đại thần: một loại hình nghệ thuật dân gian của Trung Quốc, được xem như phương thức kết nối giữa người sống và người chết.
Lại nói, nếu vu sư thực sự có pháp lực nối liền trời đất, vậy bọn họ cần gì phải chưởng quản kinh thư, chăng đèn đọc sách, đỗ đạt làm quan tới phụ trợ Quốc quân thống trị xã tắc nữa?
Cảnh Trọng Diên đến vu bào cũng chẳng kịp cởi, vội vội vàng vàng chạy về thăm Chiêu Linh công tử.
Ai ngờ, đến cửa phòng Chiêu Linh công tử y cũng không vào được, đành đứng chờ ở ngoài cửa, nghe trong phòng hỗn loạn, không chỉ truyền ra tiếng khóc của Hứa Cơ phu nhân, còn có thanh âm giận giữ đang dạy bảo kẻ khác của Quốc quân.
Dược sư, đầu bếp, người hầu của Quốc quân, thị nữ của Hứa Cơ phu nhân ra ra vào vào, tiếng chân đi bình bịch, nện bước ngổn ngang.
Chờ trong phòng từ từ bình tĩnh lại, Quốc quân mới gọi Cảnh Trọng Diên đi vào.
Cảnh Trọng Diên đi vào. Trong phòng tràn ngập mùi thuốc đắng ngắt, còn có hương vị canh thịt. Hai mùi hương hỗn hợp quyện vào nhau, khiến y khó chịu, cánh mũi hơi nhăn lại.
Trên mộc án bày đầy món ngon, bát muỗng có vết tích đã sử dụng. Thị nữ đang thu dọn đồ ăn thừa, còn có một vị dược sư đang quỳ trên mặt đất xin tha, đầu đầy mồ hôi.
Rõ ràng Quốc quân đã bị Hứa Cơ phu nhân trách móc, kéo cánh tay Cảnh Trọng Diên tới, nói rằng: “Cảnh khanh đến rất đúng lúc. Ngươi hỏi nó xem chuyện gì đã xảy ra!”
Tay Quốc quân chỉ về phía Linh công tử.
Linh công tử dáng dấp tiều tuỵ, ánh mắt ngậm nước khóc đến đỏ bừng như mắt thỏ. Tim Hứa Cơ phu nhân như bị dao cắt, ôm Linh công tử vào trong lòng, vỗ lưng động viên. Trong ánh mắt Hứa Cơ phu nhân nhìn về phía Quốc quân, rõ ràng hàm chứa đầy oán giận. Hẳn là Quốc quân tính khí táo bạo, đã trách mắng Linh công tử hơi quá rồi.
Cảnh Trọng Diên bất đắc dĩ nói: “Linh công tử chỉ mới tỉnh lại, trước tiên Quân chủ đừng có gấp. Để thần đi thăm hỏi một chút đi.”
Bảo là muốn thăm hỏi, thế như Hứa Cơ phu nhân ôm chặt tiểu công tử không buông, mà tiểu công tử vẫn đang oan ức gào khóc, sợ là chẳng hỏi được rõ ràng nguyên cớ.
“Cảnh khanh, hài nhi của ta sau khi tỉnh lại, chẳng chịu nói bất cứ cái gì, hỏi đến thì khóc, vậy phải làm sao bây giờ?” Hứa Cơ phu nhân rơi lệ, trong lòng lo lắng tột cùng. Ai biết hài tử đã gặp phải điều gì trong lúc mê man một ngày một đêm kia?
Hứa Cơ phu nhân lau nước mắt, lại nói: “Lần trước linh hồn nhỏ bé của nó bay mất, mãi mới tìm về lại được, đã nói rất nhiều lời với Cảnh khanh. Lần này, còn phải làm phiền Cảnh khanh tới hỏi nó.”
Trong mộng biến thành chim chóc, còn hôn mê bất tỉnh. Dược sư không chuẩn được bệnh lý, Vu sư lại nói năng hù người, chỉ có Cảnh Trọng Diên là đáng tin cậy.
Cảnh Trọng Diên việc nghĩa chẳng từ nan, đi tới bên giường bệnh, ngồi xổm xuống. Y tỉ mỉ quan sát Linh công tử, thấy thân thể bé con gầy gò hẳn đi, tựa hồ còn vô cùng oan ức, giống như tiểu hài nhi xuất môn chơi đùa, lại bị đại hài bên hàng xóm bắt nạt không nương tay.
Cảnh Trọng Diên nói với Hứa Cơ phu nhân: “Nếu phu nhân không ngại, thần muốn trò chuyện với tiểu công tử một mình.”
Rất nhanh, trong phòng chỉ còn Cảnh Trọng Diên và Chiêu Linh, những người khác đã lui hết ra ngoài. Cảnh Trọng Diên ghé vào bên tai Chiêu Linh, nhẹ giọng hỏi: “Tiểu công tử, lại hoá thành chim chóc?’’
Chiêu Linh hổ thẹn gật gật đầu.
Y không dám kể hết sự tình cho cha mẹ. Phụ thân hung ác, thường ngày y cũng hơi sợ hắn, mà mẫu thân sau khi biết, chắc chắn sẽ lại khủng hoảng như lần trước.
Nếu huynh trưởng Chiêu Môi ở đây thì tốt rồi, chuyện gì y cũng có thể nói với huynh trưởng, thế nhưng hai ngày nay huynh trưởng lại thân mang công vụ, giám sát công sự ở Doãn thành.
“Sau khi biến thành chim chóc, tiểu công tử đã tới nơi nào? Có thể nói cho ta biết không?” Thanh âm của Cảnh Trọng Diên ôn hoà, thân thiết.
Trong nhà y có một nam hài cùng tuổi với Chiêu Linh, dỗ trẻ vô cùng lành nghề.
Chiêu Linh muốn nói lại thôi, vẫn không thốt thành câu được, nước mắt lại chảy xuống.
Cảnh Trọng Diên kiên trì động viên, cuối cùng Chiêu Linh cũng chịu nói sự thật cho y nghe.
Nghe Linh công tử đứt quãng thuật lại xong, Cảnh Trọng Diên cảm thấy rất ngạc nhiên, bởi vì sự tình y miêu tả đã vượt xa khỏi năng lực tưởng tượng của một đứa trẻ.
Lúc trước, đối với giấc mộng biến thành chim chóc, du lịch núi rừng của Linh công tử, Cảnh Trọng Diên vẫn cho là trí tưởng tượng của đứa nhỏ vô cùng phong phú, lúc này lại không khỏi nghĩ: Có lẽ giấc mộng của y có mấy phần chân thực.
Cảnh Trọng Diên thấp giọng: “Đứa bé trai kia nhốt ngài vào lồng chim, sau đó lại thả ngài bay trở về?”
“Ừm.”
Chiêu Linh đáp, mặt mày lộ ra biểu tình bối rối. Y lẩm bẩm: “Cảnh đại phu, tại sao hắn lại muốn nhốt ta lại, sau đó cứ thể thả ta đi?’’
Cảnh Trọng Diên bị làm khó, nam hài trong giấc mộng của Linh công tử hành vi thay đổi thất thường, y làm sao hiểu được tâm tư của nó? Có điều trong lòng Cảnh Trọng Diên hẳn là có đáp án, nhẹ giọng nói: “Mọi người đều yêu thích chim chóc, bởi vậy muốn nuôi ở trong lồng, ngày ngày bầu bạn.”
“Thế nhưng chim chóc không thể cứ mãi bị nhốt trong lồng. Chúng nó thuộc về rừng rậm, thuộc về núi cao. Nếu quả thật có lòng yêu thích, vậy nên thả nó ra ngoài, cho nó tự do bay lượn.”
Nghe câu trả lời như thế, nguyên bản Chiêu Linh còn đang rầu rĩ không vui, tựa như cuối cùng cũng được trấn an, trên mặt lộ ra nụ cười nho nhỏ.
Trải qua lần trò chuyện này với Cảnh Trọng Diên, Chiêu Linh đã thấm mệt rồi. Y ăn no buồn ngủ, đầu dựa vào gối, Cảnh Trọng Diên lại giúp y kéo chăn lên. Khi Cảnh Trọng Diên quay người rời đi, nghe thấy Linh công tử nói chuyện, âm thanh rất nhỏ, hệt như đang lầm bầm lầu bầu: “Chẳng trách, hắn nói ta đừng quay trở về…”
Hai ngày sau, Chiêu Linh khôi phục hoàn toàn, bị phụ thân mang tới Tông miếu.
Quốc quân vốn chẳng tin vào quỷ thần, lại phiền lòng vì tiểu nhi tử hết lần này tới lần khác hôn mê không tỉnh, cuối cùng vẫn phải cầu viện quỷ thần.
Tông miếu rộng lớn như mê cung, Vu sư đốt cháy vô số ngải thảo, mùi vị và sương khói tràn ngập trong mũi miệng.
Chiêu Linh bất an trợn mắt lên, nhìn Vu sư đi vòng quanh người y. Những người này đều chải búi tóc vô cùng kỳ quái, cầm lá ngô đồng trong tay, thân trên không mặc áo, chỉ vây bên hông một mảnh vải màu dài tới đầu gối, trang phục giống hệt như tiên dân của Dung Quốc trên bích hoạ khắc trong Tông miếu.
Không hiểu sao, đáy lòng Chiêu Linh có hơi khủng hoảng. Sương khói mịt mù, quanh thân là Vu sư kỳ kỳ quái quái, biểu tình mỗi người đều thần bí khó lường. Y rất muốn chạy trốn, thế nhưng lại không dám, phụ vương còn đang đứng bên cạnh nhìn chằm chằm vào y.
Quốc quân Dung Quốc đi tới bên cạnh Chiêu Linh, nằm lấy bàn tay nhi tử nói nhỏ: “Không cần sợ sệt, chỉ là một nghi thức, rất nhanh sẽ kết thúc.”
Chiêu Linh nhỏ giọng hỏi lại: “Phụ vương, đây là nghi thức gì?”
Quốc quân trả lời: “Nghi thức khiến ngươi sẽ không biến thành chim chóc nữa.”
Trong đại viện có rất nhiều Vu sư mặc vũ y điểm đầy lục lạc, vừa hát vừa nhảy, tay không ngừng vỗ lên cổ.
Ở chính đường của Tông miếu, một người đóng vai thi thể của đàm công (khi cúng tế tổ tiên, sẽ có người giả chết để tế bái) nằm nghiêng trên đầu giường phủ đầy khắc văn, đầu đội đường viền như mào Phượng, tay phải nắm kỵ kích, tay trái nắm cờ hiệu, trên lưng cột một đôi cánh được chế tác vô cùng sống động.
Hai mắt người nọ nhắm nghiền, hai chân hai tay khoanh lại, hệt như sắp sửa lột bỏ thân xác phàm trần, trở thành Thần Phượng.
Dáng dấp quái dị ấy, chính là hình tượng của đàm công của Quốc quân Dung Quốc trong truyền thuyết.
Trong truyền thuyết, đàm công vừa là chim, vừa là người, còn có thần tính, siêu phàm thoát tục.
Trước mặt thi thể giả bày đầy đồ cúng, Tông bá phụ trách nghi thức cúng bái, tế lễ trong Tông miếu cầm vò rượu ủ đã gây men, đổ nước rượu màu đỏ tươi vào hai cái chén nhỏ sơn màu.
Tông bá tay nâng hai chén rượu, trong miệng lẩm nhẩm gì đó.
Hai chén rượu đỏ, một chén để đút cho thi thể giả, một chén để đút cho người đang làm lễ.
Bầu không khí bốn phía âm u tới cực điểm, Chiêu Linh ho khan liên tục, đầu váng mắt hoa.
Âm thanh nhảy múa cuối cùng cũng ngừng lại, tiếng trống thưa dần, đám người thân quấn vải tay cầm lá ngô đồng xung quanh Chiêu Linh cũng dần tản đi. Tông bá tay cầm một chén rượu đỏ như máu, rót vào trong cổ họng Chiêu Linh.
Thực sự là rót, miệng Chiêu Linh bị ép mở ra, vị cay nồng cổ quái tràn ngập trong cổ họng. Y không nhịn được ho khan, nước mắt sinh lý bị ép tràn qua khoé mi.
Y nghĩ, y không bao giờ muốn biến thành chim chóc nữa.
Bởi vì trong mộng biến thành chim chóc, nên mới bị đối xử như thế này.
Nghi lễ kết thúc, Quốc quân Dung Quốc và Tông bá đứng một bên trò chuyện, Chiêu Linh nhanh chân chạy ra bên ngoài Tông miếu.
Chiêu Linh muốn phun chén rượu tế kia ra. Chất lỏng đỏ như màu máu khiến toàn thân y khó chịu, hơn nữa còn nồng nặc hương vị cỏ cây, làm cho y cảm thấy buồn nôn.
Cong thân cũng chẳng thể phun ra ngoài, chỉ có nôn khan.
Tông miếu phía sau khói hương lượn lờ, âm u trang nhã, mang đến cảm giác ngột ngạt trầm đục. Chiêu Linh đứng ở bên ngoài cửa miếu, ngẩng đầu nhìn lên giữa không trung. Chim chóc bay lượn, ríu ríu kiếm ăn.
Chúng nó sải cánh vút cao, gió nhẹ dập dìu, mềm mại lại bừa bãi.
Về sau ta sẽ không biến thành chim chóc nữa, y chán nản nghĩ.
Không biết là do tác dụng của nghi thức đêm qua, hay bởi vì nguyên nhân nào khác, mãi cho tới tận một năm sau, Chiêu Linh cũng không mơ thấy giấc mộng biến thành chim chóc nữa.
Một năm trôi đi, Chiêu Linh tựa như đã quên, y từng biến thành chim chóc ở trong mơ, theo gió múa ca, ngao du tứ phương.
Năm năm sau, Chiêu Linh đã mười lăm tuổi.