XUYÊN LÀM MẸ HAI CON: THỦ TRƯỞNG, VỢ ANH DẮT CON ĐẾN TÌM RỒI!

Tào Thúy vừa ăn hạt dưa vừa ngắm nghía căn nhà, “Dọn dẹp gọn gàng lắm, vừa nhìn là biết Chiêu Đệ là một người vợ siêng năng.”

“Đúng thế, sạch sẽ ngăn nắp, chẳng có chút bừa bộn nào. Nhà tôi thì không được như thế, con cái nhiều, có dọn gọn đến mấy thì một lúc là chúng nó lại làm bừa ra. Lão Dương nhà tôi còn bảo tôi nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên hơn. Tôi nhất quyết không làm, không phải ông ấy chẳng dọn dẹp gì, có phải ông ấy vất vả đâu. Tôi mỗi ngày hầu hạ cả nhà lớn nhỏ, mệt đến c.h.ế.t mất.” Người vừa nói là vợ của tham mưu Dương, tầm tuổi Tào Thúy, tên là Lưu Quế Lan.

“Ai bảo nhà chị sinh nhiều con thế. Bụng chị lại đang có một đứa nữa rồi phải không?” Người nói là vợ của phó đoàn trưởng Trần của đoàn hai, tên Thường Thu Hạ.

“Lão Dương nhà tôi lợi hại mà! Tôi có thể sinh, thì sinh nhiều thôi. Con cái đông mới có phúc, lúc nào mà tôi sinh được sinh đôi thì tốt quá!” Lưu Quế Lan vỗ bụng, Tô Chiêu Chiêu lúc đó mới để ý thấy cô ấy đang mang thai, có vẻ đã bốn tháng rồi.

Lưu Quế Lan trông cũng phải hơn bốn mươi tuổi, thuộc diện sản phụ cao tuổi.

Cô ấy và Tào Thúy trông cũng cỡ tuổi nhau, nhưng rõ ràng tinh thần không được tốt như Tào Thúy.

Thấy Tô Chiêu Chiêu nhìn chằm chằm vào bụng Lưu Quế Lan, Tào Thúy nói, “Nhà cô ấy có bảy đứa con, thêm đứa này nữa là tám! Nếu không phải chiến tranh chia cắt mấy năm, chắc còn sinh nhiều hơn nữa.”

Tô Chiêu Chiêu trố mắt ngạc nhiên.

Tào Thúy cười, “Cô và Đoàn trưởng Cố cũng nên tranh thủ sinh thêm vài đứa khi còn trẻ. Hai người cũng bị lỡ mất mấy năm, nếu không thất lạc thì con cái cũng chẳng kém gì nhà họ. Cô còn có thể sinh đôi mà! Một lần hai đứa, ai mà so được!”

Tô Chiêu Chiêu cười gượng, “Chuyện sinh con này là tùy duyên thôi.”

“Tôi nghe nói sinh đôi là do di truyền phải không?” Triệu Tố Phân hỏi.

“Hình như là thế,” Thường Thu Hạ đáp, “Nhà tôi có một họ hàng xa, mỗi đời đều có người sinh đôi.” Khi đến đây, cô ấy mang theo một giỏ đan bằng cỏ, bên trong đựng len. Trong lúc nói chuyện, cô ấy đã bắt đầu đan áo len.

Triệu Tố Phân hỏi Tô Chiêu Chiêu, “Nhà chị có di truyền hay là nhà Đoàn trưởng Cố có?”

Tô Chiêu Chiêu không rõ lắm, trong sách không đề cập, và ký ức của nguyên chủ cũng không có.

Cô lắc đầu, “Hình như cả hai nhà đều không có. Có thể mấy đời trước có, chỉ là chúng tôi chưa nghe nói thôi.”

“Cũng có thể lắm.”

“Mọi người đang nói gì thế?”

Đang trò chuyện thì Vương Xuân Hoa bước vào, họ đang chờ chị nên cổng nhà không khóa.

Vương Xuân Hoa tay cầm nửa bát đậu rang, tay kia cầm một chiếc đế giày, đặt bát đậu lên bàn rồi bắt đầu khâu giày.

“Lại làm giày à? Năm nay chị chắc đã làm cả chục đôi giày rồi nhỉ?”

“Không làm không được.” Vương Xuân Hoa cầm cây kim to như xương cá cào vào đầu vài cái, “Bố mẹ chồng ở quê, còn em chồng chưa lập gia đình, năm nào cũng phải gửi quần áo, giày dép về quê. Tôi mà không làm thì phải bỏ tiền ra mua, tôi lấy đâu ra nhiều tiền như vậy.”

Thường Thu Hạ nói, “Chị làm ba năm đôi giày gửi về chẳng bằng mua đôi giày giải phóng cho họ còn sướng hơn.”

Tay cô ấy đan áo len thoăn thoắt, Tô Chiêu Chiêu vừa nghe họ nói chuyện, vừa nhìn cô ấy đan len.

“Tôi trước đây cũng đan áo len gửi về cho mẹ chồng, người ta viết thư nói muốn giày giải phóng, còn muốn thêm áo khoác Lenin. Kích cỡ không phải của bà hay ông chồng tôi, nghĩ một chút là biết chắc là xin cho con trai và con gái bà rồi, coi chúng tôi là mỏ vàng à.”

Nói đến mẹ chồng là Thường Thu Hạ có vẻ bức xúc, “Mỗi tháng đều gửi tiền về quê, mỗi lần về thăm là phải mang bao nhiêu đồ, thế mà chẳng biết đủ. Chúng tôi nuôi hai ông bà là chuyện nên làm, nhưng sao còn phải nuôi cả mấy đứa con sau của họ nữa?”

Vừa nói ra, ai nấy đều kể khổ.

Người này thì nói mẹ chồng thế nào.

Người kia thì kể em dâu, chị chồng ra sao.

Lời qua tiếng lại, ai cũng có nỗi niềm.

Nhà nào cũng có chuyện khó nói.

“Cô thì tốt rồi.” Câu chuyện bỗng nhiên chuyển sang Tô Chiêu Chiêu.

“Trên không có mẹ chồng, dưới cũng không có em dâu hay chị chồng, thật đáng ghen tị.”

“Đúng thế.”

Tô Chiêu Chiêu bỗng chốc trở thành đối tượng được mọi người ghen tị.

“... Mấy chị ghen tị với tôi, tôi lại ghen tị với mấy chị. Nếu ngày đó mà có người thân ở bên cạnh, chúng tôi đâu có lạc mất nhau mười năm.”

Mọi người nghe xong thì thấy cũng có lý.

Tô Chiêu Chiêu chuyển chủ đề, hỏi Thường Thu Hạ, “Chị đang đan áo len hay áo gile đấy?”

“Áo gile.”

Cô ấy đan từ trên xuống, mới đó mà đã đan xong cả phần cổ áo.

“Đan đẹp thật.”

Thường Thu Hạ cười, “Có gì đâu, áo len ở cửa hàng mới đẹp, họ đan bằng máy, có hoa văn họa tiết, đẹp lắm, chỉ là đắt thôi.”

Tô Chiêu Chiêu thấy hứng thú, muốn học thử làm đồ thủ công.

“Đan áo len có khó không?”

Thường Thu Hạ đáp, “Không khó, tôi cũng là theo quân sau đó học từ người khác. Trước ở quê, nhà nào cũng nghèo, thị trấn còn chẳng mua nổi len, đến đây rồi thấy người ta đan, tôi nhìn hai lần là biết cách. Cô nhìn đây…”

Vừa nói, Thường Thu Hạ vừa bắt đầu dạy Tô Chiêu Chiêu, rất tận tình.

Tào Thúy đứng dậy đi vệ sinh, trở về liền nói xây cái nhà vệ sinh trong sân thì tốt quá.

“Về tôi cũng tìm người xây một cái, khỏi phải mỗi lần đều phải chạy ra nhà vệ sinh công cộng, tối đái vào bô, sáng lại phải đi đổ.”

Vương Xuân Hoa nói, “Tôi cũng đang nghĩ không biết có nên xây không, nhưng xây thì đất trồng rau của nhà tôi sẽ mất đi một mảnh.”

“Xây đi, nhà chị trồng nhiều rau thế ăn có hết không? Có cái nhà vệ sinh tiện biết bao nhiêu.”

Hai người lại bắt đầu bàn bạc xem nên mua gạch ở đâu.

Triệu Tố Phân cũng đi vệ sinh, khi quay lại liền để ý thấy bên phòng phía đông hình như có treo rèm. Cô ấy bước tới gần xem rồi cười, “Nhà chị treo cái gì thế này? Còn làm khéo thế.”

“Là rèm cỏ đan từ lau sậy, dùng làm vách ngăn.”

Từng người một đứng lên xem, ai cũng tấm tắc khen, “Sao tôi không nghĩ đến chuyện dùng rèm cỏ để che nhỉ? Treo lên cửa sổ cũng tốt lắm đấy,” Lưu Quế Lan nói.

“Chị không treo rèm cửa sổ à?” Thường Thu Hạ hỏi.

“Không, có miếng vải thừa tôi thà làm thêm một bộ quần áo cho đám tiểu quỷ trong nhà còn hơn.”

Điều kiện nhà Lưu Quế Lan là tệ nhất trong số các cô vợ quân nhân ở đây, lý do là vì nhà cô ấy đông con. Lương của tham mưu Dương không thấp, nhưng nuôi một gia đình đông người thì chẳng thấm vào đâu.

Tào Thúy đùa, “Chị không sợ lúc làm việc thì bị người ta nhìn trộm à.”

“Giữa đêm ai dám? Có người rình, xem tôi có chặt chân người đó đi không!”

Mọi người cùng cười đùa vài câu.

Lưu Quế Lan thật sự thấy ý tưởng này hay, “Về nhà tôi sẽ bảo bọn nhỏ đi cắt lau sậy cho tôi.”

Vương Xuân Hoa cười, “Thế là lau sậy ở quanh đây sắp bị tàn phá hết rồi.”

Câu chuyện cứ thế tiếp tục, cho đến khi gần tới giờ nấu cơm trưa, mọi người mới ra về, ai về nhà nấy.

Bình luận

Truyện đang đọc