CHEERS

Mùa mưa (2)

Sau khi từ Berlin về Khương Mặc chỉ muốn ở trong nhà.

Khi tham dự liên hoan phim kia anh luôn cảm thấy tinh thần của mình bị tiêu hao nghiêm trọng. Phỏng vấn liên tục, tuyên truyền liên tục, đàm phán với bên bản quyền. Thật ra Khương Mặc không thích tham dự vào những công việc này, anh thích ở trường quay, thích làm việc ở sau máy quay. Không làm những chuyện kia được không? Đương nhiên không được, tham dự phân phối, tuyên truyền, vận hành cũng là nội dung công việc của đạo diễn, dù có thích hay không cũng phải làm. Anh phải học cách xử lý những việc bên ngoài trường quay, phải làm quen thị trường, hiểu rõ hướng đi của cả ngành nghề.

Sau khi liên hoan phim xong, Khương Mặc chỉ cảm thấy tinh thần và thể xác đều kiệt quệ. 

Sự hưng phấn đã hoàn toàn lắng xuống sau khi anh về, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng. Cảm giác rất mâu thuẫn, cố gắng và đạt được một thành quả khá tốt vốn phải cảm thấy viên mãn, nhưng sau khi phim nổi lên, danh lợi đua nhau tới lại làm anh chợt có cảm giác chênh vênh giữa biển.

Như thể anh bước vào một vùng đất hoang dã rộng lớn, và anh không thể tìm thấy sự tồn tại của mình.

Sau khi biết thế giới rộng lớn hơn, anh cũng hoài nghi bản thân nhiều hơn. Vượt qua một ngọn núi không phải là đến đích, mà ở phía trước còn có một ngọn núi cao hơn, khó khăn hơn đang chào đón bạn.

Sau khi về nhà loại cảm giác chênh vênh đó mới giảm đi một ít.

Không làm gì cả, chỉ ở trong nhà cả ngày ngủ nướng, xem phim, đọc sách, nấu cơm cho Thẩm Triều Văn, cãi nhau với Thẩm Triều Văn, hẹn đánh mấy ván cờ với ông chú dưới nhà…… Anh sống như vậy nhàn nhàn qua mấy tháng, tâm trạng vốn dĩ tan nát cứ thế được cuộc sống bình thường vá lại.

Nhắc tới cũng buồn cười, cuộc sống trôi dạt cãi nhau hằng ngày với Thẩm Triều Văn lại có thể làm cho Khương Mặc cảm thấy cuộc sống là thực, sống động và ấm áp.

Khi cuộc sống bị bao trùm bởi cảm giác trống rỗng khổng lồ, cảm giác chân thực đó lại là thứ kéo anh lại.

Chiều thứ bảy, Khương Mặc ra cửa tham dự hôn lễ.

Anh bắt taxi, ban đầu còn ổn, nhưng khi sắp đến nơi thì bắt đầu vào giờ cao điểm, đoạn đường mấy trăm mét bị kẹt cả buổi trời. Khương Mặc thấy sắp đến nơi nên nói với tài xế một tiếng rồi bung dù bước xuống, anh chậm rãi đi dọc theo sông Tô Châu. Đã lâu anh không đến đây nên luôn cảm thấy cảnh vật dọc đường có chút xa lạ, không phân biệt được. Thành phố phát triển quá nhanh, có đôi khi con người ta không theo kịp sự thay đổi này.

Khương Mặc băng qua đường và thấy một cửa hàng nhỏ bán trái cây. Anh vốn chỉ đi ngang qua không định mua nhưng có một cô bé nho nhỏ ở cửa hấp dẫn ánh mắt anh, bé mặc váy trắng mộc mạc đang chơi với chiếc cối xay gió nhỏ, mặt mày rất nhợt nhạt, rất mơ hồ. Trước mặt bé là một giỏ thanh mai xanh, thanh mai xanh váy trắng rất mát mẻ, rất mùa hè, nhẹ nhàng thoải mái. Có vẻ bé con cảm giác được có người đang nhìn mình nên cô bé chầm chậm quay đầu sang — pha quay chậm, sườn mặt trở thành chính diện, Khương Mặc phát hiện trên mắt phải của cô bé có một vết bớt, màu đỏ, giống như một chiếc lá.

Một khoảnh khắc kỳ diệu.

Khương Mặc cầm ô dừng chân nhìn bé, dùng tâm trạng như đang xem tranh, nghiêm túc nhìn.

Nhìn một lát, không biết là nhìn đến làm bé con sợ hay là mắc cỡ, cô bé cầm cối xay gió đi vào trong tiệm, váy trắng tung bay trốn ra sau cửa, che đi nửa khuôn mặt có vết bớt. Trốn được một lát lại lặng lẽ thò đầu ra nhìn anh. Ánh mắt ngây thơ trong sáng. 

Chừng mắc cỡ, tựa cửa ngoái đầu, lại ngửi thanh mai ngó*, trong đầu Khương Mặc hiện ra câu này, quả thật quá phù hợp. Khương Mặc đến gần cầm thanh mai lên, học theo dáng vẻ của cô bé nghiêng đầu cười hỏi, bao nhiêu tiền một cân? Bé con phớt lờ anh hét vào trong nhà, nói, bố ơi, có người mua đồ. Một lúc sau một người đàn ông trung niên thân thiện đi tới, hỏi anh muốn mua gì. (Điểm giáng thần, xúc bãi thu thiên – Lý Thanh Chiếu)

Khương Mặc chỉ rỗ thanh mai xanh nói muốn mua một ít. Khi ông chủ lấy bao anh dùng giọng Thượng Hải trò chuyện tùy ý vài câu, nói chuyện kẹt xe, nói chuyện thời tiết, nói chuyện về nơi trồng thanh mai. Lúc trả tiền cuối cùng Khương Mặc vẫn không nhịn được lấy hết can đảm hỏi đối phương, có muốn để cô bé nhà mình đi đóng phim không? Tôi có một nhân vật rất hợp với bé. Anh hỏi rất đột ngột. Người đàn ông kia dò xét anh bày vẻ ngạc nhiên, quay cái gì, điện ảnh?

Khương Mặc gật đầu nói đúng rồi, tôi là đạo diễn, trông con gái của anh rất có thần, vừa hay tôi có một kịch bản đang thảo luận thấy bé rất hợp với một vai diễn. Người đàn ông nghe xong có chút phòng bị, dò xét anh từ trên xuống dưới.

Bầu không khí cứng đờ. Trong một lúc Khương Mặc không dám nói gì, hồi lâu sau mới nói sau này sẽ tới tìm anh trò chuyện, hẹn gặp lại. Khi đối phương còn đang kinh ngạc anh đã khẽ khom người chào rồi giơ dù cầm túi thanh mai rời đi.

Sau khi đi qua một cây cầu trong đầu anh chợt hiện lên một loạt hình ảnh. Hai cô bé, mùa hè ẩm ướt, mưa, mơ mộng, tuổi thơ, thanh xuân, một màu thanh mai xanh, một mùi hương hoa, phương nam.

Nghĩ ngợi một hồi nghĩ đến mức ngơ ngẩn chỉ có thể dừng bước sắp xếp lại những thứ trong đầu. Anh không bước đi nổi nữa, anh bị linh cảm trong ý thức bao phủ, giống như chợt rơi vào một giấc mộng thê lương làm anh không thể không dừng bước, anh đứng đó ngây người hơn mười phút, cố gắng nhớ lại những mảnh vỡ đang quay cuồng trong tâm trí.

Vì khúc nhạc đệm này nên anh trì hoãn trên đường một khoảng thời gian dài, khi anh đến nơi hôn lễ cũng đã bắt đầu. Đưa tiền mừng rồi đi vào, chỉ riêng đoàn phim “Quả ô liu” đã ngồi hết ba bàn. Khương Mặc cầm túi nilon lẳng lặng bước vào, nghĩ rằng đến trễ thì nên giảm độ tồn tại xuống bớt, kết quả lại hết người này đến người khác đứng lên vẫy tay gọi, đạo diễn Khương, anh tới rồi. Đạo diễn, đến trễ thế. Một lúc sau chú rể Dương Ngao thấy anh cũng vội vàng chạy tới, cười dẫn anh ngồi vào bàn. Khương Mặc kín đáo đưa túi thanh mai xanh cho anh ta nói chúc mừng tân hôn, trăm năm hảo hợp. Dương Ngao mở túi ra xem, thấy thanh mai xanh thì lấy làm lạ hỏi đưa cái này làm gì. Khương Mặc nói, nghe nói anh với cô dâu là thanh mai trúc mã, đây là món quà nhỏ đơn giản của tôi. Dương Ngao cầm túi cười to, nói đồng âm hả đạo diễn Khương. Khương Mặc cười, không phải đồng âm mà là định mệnh của anh. Dương Ngao gật đầu rồi lại hỏi Khương Mặc, sao luật sư Thẩm không đến? Lại đi công tác à? Khương Mặc nói không, em ấy tan làm sẽ tới.

Sau khi vào chỗ, Đường Lý đưa một ly đến trước mặt anh: “Đại hỉ nha, cuối cùng Triều Văn cũng thả ông ra rồi? Ông không cảm ơn tôi là không được đâu, hôm đó tôi gọi điện cho em Triều Văn khuyên hết nửa ngày để thả ông ra đấy.”

Khương Mặc ừ gật đầu: “Ừ, cảm ơn ngài.”

Đường Lý: “Tôi nói chứ, sao ông càng ngày càng sợ vợ vậy?”

Sợ?? Khương Mặc liếc nhìn anh chàng: “Ông thì biết gì, tôi muốn ra ngoài thì ai ngăn được tôi? Chiêu này của tôi gọi là rút củi dưới đáy nồi, nói không chừng vài hôm nữa Triều Văn thấy tôi trong nhà suốt thấy phiền sẽ đá tôi ra khỏi cửa đấy.”

“… Ngày nào ông sống cũng phải dùng binh pháp hết hả?”

Khương Mặc siết tay: “Bản thân cuộc sống đã là cuộc chiến không khói lửa!”

Đường Lý: “Nhưng ông cũng đừng có đẩy hết mọi chuyện, có vài việc phiền ông hãy xem như công việc đi, đừng có suốt ngày cái này không nghĩ cái kia không hỏi rồi đẩy đi hết.”

Khương Mặc nhìn anh chàng: “Vì thế nên tôi mới không muốn ra ngoài đó, bạn ít có tìm mấy cái phương tiện truyền thông hay hoạt động tào lao gì đến phiền tôi được khơm? Sau này ngoài thông nào phim ra thì tôi sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động nào khác.”

Đường Lý: “Nói ngây thơ gì vậy, đạo lý đối nhân xử thế ông còn biết nói một nói hai, giờ lại muốn như thần tiên lão gia không dính khói lửa trần gian.”

Khương Mặc cười giễu: “Vâng vâng vâng, nghệ thuật mà, chỉ là thứ để nói trên bàn ăn, điện ảnh mà, vốn liếng chỉ là đồ bỏ. Làm điện ảnh như chúng ta thì nên thức thời đừng làm dáng làm vẻ, nên hùa thì hùa nên thỏa hiệp thì thỏa hiệp, đúng không? Thôi được rồi, nếu theo như ông nói thì kim chủ nhà tôi là lớn nhất, vậy chẳng phải tôi cần phục vụ em ấy đầu tiên sao? Không thể không trên không dưới được.”

Nói về chuyện này là bắt đầu gây gổ. Đường Lý vội vàng nói sang chuyện khác, đưa một ly đã rót rượu cho anh: “Con người ai cũng là cát bụi, có rất nhiều chuyện thân bất do kỷ, nói chuyện này để làm gì.”

Chạm ly, uống hơn non nửa Đường Lý mới thấy ly rượu của Khương Mặc vẫn không có gì thay đổi, giống như chỉ nhấp môi. Lấy làm lạ: “Rượu không ngon à? Không thích uống?”

Khương Mặc lắc đầu, giọng điệu rất nghiêm túc: “Gần đây tôi đang thử cai rượu… Hôm nay chỉ uống ba ly thôi, tôi uống từ từ.”

Người này bị Thẩm Triều Văn nhốt tới sảng luôn rồi hả? Đường Lý mắng anh một câu: “Úng não hả cha nội? Ông có uống không, không uống thì đi qua bàn con nít ngồi.”

Khương Mặc cười, đầu ngón tay nhịp nhịp lên mép ly: “Ngày nào Triều Văn cũng nhắc tôi uống nhiều sợ tôi uống đến ngủm luôn, tôi nghe cũng phiền nên cược với em ấy, bất kể mỗi ngày uống gì cũng chỉ uống ba ly. Ừm, đây là chiến thuật cai rượu, ông hiểu không, chiến thuật.”

Đường Lý: “… Xin hỏi mỗi ngày uống ba ly thì có thể gọi là cai rượu à??”

“Không gọi vậy được hả? Nhưng với tôi thì đó là cai rượu.”

“…”

Đá đểu nhau xong Đường Lý lại kéo anh nói chuyện công việc.

Bộ phim tiếp theo của Khương Mặc đã đàm phán xong, Trung và Pháp đồng sản xuất, cơ cấu tài chính cũng thay đổi, cuối cùng anh cũng có một đoàn đội chế tác có tiền, thật đáng mừng. Có tiền, đoàn đội cũng có, nhưng kịch bản vẫn chưa quyết định xong, bọn họ có sẵn hai cái Khương Mặc đều đã xem qua, cảm thấy cũng ổn nhưng không được xem là quá đặc biệt, nên anh vẫn xoắn xuýt chưa quay.

Sau đó anh đọc được một quyển tiểu thuyết tên là “Số ít”, câu chuyện kể về hai cô gái có số phận hoàn toàn khác nhau, nói về những khúc mắc và cuộc đời đầy vướng mắc của họ. Có lẽ bởi vì câu chuyện diễn ra ở Thượng Hải, là nơi anh sinh ra và lớn lên nên khi Khương Mặc xem quyển tiểu thuyết kia cảm thấy cực kỳ thân thiết, tiểu thuyết còn là thể loại anh thích, anh muốn quay nó. Sau khi trao đổi với bên Pháp, bên đó cũng rất quan tâm hứng thú đến kịch bản này, có hy vọng. Chuyện cần phải làm bây giờ là chờ Khương Mặc gặp mặt vị tác giả tính tình lập dị kia một lần, cố gắng mua bản quyền và chắc chắn phải mua được.

Vì vừa tình cờ gặp được cô bé có vết bớt ở khóe mắt nên Khương Mặc cảm thấy nhất định phải quay bằng được bộ phim này một cách khó giải thích, có lẽ chính ông trời đã sắp xếp cho anh gặp được cô bé kia.

“Tháng sau tôi sẽ đích thân đến An Huy tìm tác giả thương lượng.” Khương Mặc nói, “Sau đó tôi sẽ ra ngoài một chuyến khoảng mấy tháng. Nếu như có thể thương lượng được quyển tiểu thuyết kia thì trong mấy tháng đi tôi sẽ sửa kịch bản thô xong.”

Đường Lý biết anh thích đi du ngoạn một mình khám phá phong cảnh, một năm đi mấy lần. Anh chàng gật đầu nói biết rồi, nói xong như nhớ ra gì đó: “Đi luôn không được à sao nhất định phải chờ tháng sau?”

Khương Mặc nhai thức ăn trong miệng xong mới nói từ tốn: “Tôi phải chờ hết mùa mưa rồi mới đi, Triều Văn không thích về phương Nam trong mùa mưa dầm, tối cũng ngủ không được ngon.”

Chả trách. Đường Lý cười: “Ừ, biết rồi.”

Vừa ăn vừa tâm sự, Khương Mặc uống xong ba ly giới hạn của mình thì không cho người khác rót rượu nữa, anh cầm ấm trà nhỏ châm trà cho mình, nói được thì làm được. Mọi người cùng bàn nhìn thấy phải sợ hãi thán phục, có người cười trêu ghẹo, nói đạo diễn Khương, anh không uống rượu làm bọn tôi không quen gì hết, lúc trước thấy anh uống rượu còn cảm thấy sợ, máu trong huyết quản anh không phải là máu mà là rượu.

Đường Lý tiếp lời: “Cho nên thằng cha này không lái xe nhiều, suốt ngày say sưa chẳng khi nào tỉnh táo. Không phải nói phét chứ, kiểu như tên này mà có thể bỏ rượu ngày mai tôi cởi truồng chạy ngoài đường liền.”

Khương Mặc: “Sự hiểu biết của mấy người với tôi nông cạn quá, tôi thích uống nhưng không có nghĩa là không kìm chế được bản thân.”

Có người khuyên: “Kiêng cai được thì tốt, đừng đụng nữa.”

Khương Mặc lắc ly cười: “Không rượu thì vẫn thể sống, nhưng không còn vui nữa.”, “Giống như… nếu thế giới không còn điện ảnh thì thế giới vẫn là thế giới, chư vị vẫn có thể sống rất tốt, nhưng vì có điện ảnh nên nhân sinh có hạn của chúng ta mới được kéo dài, đó là tiến bộ về mặt tinh thần. Với tôi mà nói, phim và rượu là sự tồn tại tuyệt vời không thể diễn tả được.”

Đường Lý nâng ly lên: “Được rồi, hy vọng đạo diễn Khương vẫn có thể chiến đấu vì sự nghiệp điện ảnh ở tuổi 80, hy vọng đạo diễn Khương ở tuổi 80 vẫn có thể uống rượu bia ướp lạnh! Cạn ly!!”

Mọi người cười cùng nâng ly. Khương Mặc gật đầu, cầm tách trà cạn ly cùng bọn họ, nói, cạn ly, vì sự tuyệt vời.

Khi Thẩm Triều Văn xong việc đến đón Khương Mặc thì có một chuyện nhỏ xảy ra. Y cầm một chai Nutrition Express đi vào, đi ngang qua một sảnh đang có ban nhạc biểu diễn, chỗ đó chen lấn đầy người rất sôi động. Y không tham gia vào mấy chuyện này vì dù sao y cũng không biết. Khi y đang ngước lên tìm người thì bỗng trước mắt có một thứ gì đó… bụp, y bị một bó hoa đập chính xác vào đầu, mắt kính cũng lệch qua một bên.

Cô dâu ném hoa xong phấn khích quay lại thì thấy mình dùng sức mạnh quá, bó hoa đã văng xa khỏi mục tiêu dự định và nện vào một anh đẹp trai có vẻ là đi ngang qua.

Thẩm Triều Văn sửa kính lại, nhặt bó hoa dưới đất lên, nhìn xung quanh rồi đi đến cô gái gần mình nhất định gửi hoa lại, nhưng đối phương thấy y tới gần thì đỏ mặt liên tục lui ra sau xua tay: “Anh bắt hoa được thì là của anh! Nào có chuyện trả hoa!”

Thẩm Triều Văn: “Tôi chỉ tình cờ đi ngang qua, tôi không nên nhận nó, mọi người ném lại lần nữa là được.”

Đối phương không nhận, Thẩm Triều Văn cũng không biết làm sao, thầm nhủ trong lòng không phải đều là “bắt” hoa cưới hả? Sao không ai lên bắt hết mà chỉ đứng đó ngơ ra nhìn y? Trông muốn đến bắt lắm nhưng lại không dám.

Cô dâu chỉ có thể chạy lại nói: “Trúng ai thì là của người đó, công bằng mà! Cầm đi.”

… Khi Thẩm Triều Văn cầm bó hoa cưới này đi tìm Khương Mặc thì bị đối phương cười nhạo.

“Luật sư Thẩm à luật sư Thẩm, em thế mà còn đi bắt hoa cưới ha?” Giọng điệu Khương Mặc chọc ghẹo, “Em, Thẩm Triều Văn, bắt hoa cưới? Ha ha ha!”

Đường Lý thấy y tới thì tự giác ngồi qua bên cạnh nhường chỗ cho Thẩm Triều Văn. Thẩm Triều Văn ngồi xuống rồi nhét bó hoa và chai Nutrition Express vào trong tay Khương Mặc: “Chỉ trúng em thôi, em đưa cho người khác nhưng không ai lấy, cũng không ai đến giật của em.”

“Cái vẻ người sống chớ đến gần thì ai dám đến giật của em.” Khương Mặc đưa chén đũa cho y, “Sao tới trễ vậy?”

Thẩm Triều Văn: “Em về nhà mở cửa cho thợ sửa tủ lạnh.”

Khương Mặc khựng lại, nhíu mày: “Em mời thợ đến sửa làm gì, không phải hôm qua anh đã nói để anh sửa sao?”

Thẩm Triều Văn nói đầy chân thành: “Em mong anh có thể buông tha cho tủ lạnh nhà mình.”

Khương Mặc đau lòng đau mề: “Em không tin là anh biết sửa!”

Thẩm Triều Văn: “Chuyện chuyên môn giao cho người chuyên nghiệp làm không tốt hơn à? Anh tốn thời gian làm gì? Thợ người ta sửa có 15 phút là xong, còn anh thì sao”

Khương Mặc cạn lời: “Em cướp đi niềm vui thú học tập một kỹ năng mới của anh, em thật tàn nhẫn.”

Thẩm Triều Văn cười lạnh: “Anh không tàn nhẫn à? Anh vì thú vui của mình ép một người OCD như em chịu đựng tủ lạnh nhiễu nước mấy ngày liền.”

“Dù sao cũng là em không tin tưởng anh! Đến phục luôn.”

“Khương Mặc anh có thể nói chuyện lý lẽ chút được không, tại sao anh lại xây dựng niềm vui của mình trên sự đau khổ của người khác, anh…” 

Đường Lý thấy hai người vừa gặp lại bắt đầu cãi nhau thì thở dài: “Tới nữa rồi.”

Camera man nói nhỏ: “Thật là sợ hai người họ cãi cãi cãi tới hôn luôn.”

Đường Lý gật đầu: “Tôi may mắn được diện kiến.”

“Ỏ? Mãnh liệt không?”

“Rất mãnh liệt, rất kích thích.”

….

Sau đó, bữa tiệc gần như đã gần tan hết, phần lớn mọi người đã rời đi chỉ còn lại đoàn phim bọn họ ngồi ở bàn uống rượu nói chuyện, nhớ lại những chuyện thú vị khi họ quay phim ở Vũ Băng lúc trước, vì quay bộ phim thăng trầm này cả năm trời nên mọi người trong đoàn đã trở thành tình cách mạng hữu nghị, hòa thuận như người thân, có mối quan hệ cực kỳ tốt.

Trò chuyện được một lúc, chú rể Dương Ngao chợt đứng lên nói muốn hát một bài góp vui cho mọi người, thế là chạy đến mượn cây đàn guitar của ban nhạc rồi vừa say vừa hát “Châm ngôn của tình yêu” của La Đại Hữu.

Say sưa, giọng mơ hồ, ca hát không có gì quá điêu luyện, nghe không hay lắm nhưng thắng ở chỗ tình cảm chân thành tha thiết, mọi người nghe ai cũng xúc động.

Khương Mặc dựa vào vai Thẩm Triều Văn nghe một lúc, càng nghe lòng càng yên lặng.

Nhưng tay lại không chịu yên. Một lúc anh khều khều sợi dây đỏ trên cổ tay của Thẩm Triều Văn, một lúc lại chạm vào tai Thẩm Triều Văn… động tác rất tùy ý nhưng lại rất thân mật.

Ngồi yên một lúc Khương Mặc hỏi y: “Luật sư Thẩm làm nhiều án kiện cáo ly hôn rồi vậy em còn tin vào tình yêu không?” Hỏi xong đã tự mình cười trước. Ừm, truyện cười, truyện cổ tích, thần thoại, tình yêu.

Thẩm Triều Văn nắm lấy tay anh, nghiêng mặt, thả một cái hôn như gần như xa lên tai Khương Mặc.

Y nói: “Vì anh, nên em vẫn luôn tin vào tình yêu.”

Khi cãi nhau thì rất cứng miệng, lúc hôn người khác lại mềm mại như thế. Khương Mặc nhắm mắt lại cười, nhỏ giọng đáp, ò.

Thẩm Triều Văn ôm anh nhỏ giọng hỏi, về chưa?

Khương Mặc nói, chờ anh nghe hết bài này.

“Tình yêu là thứ không ai có thể hiểu được

Tình yêu là giai điệu vĩnh hằng.

Tình yêu là hành trình của nụ cười và nước mắt,

Tình yêu đã từng là của anh và của em.”

Khương Mặc xòe lòng tay của Thẩm Triều Văn ra, bắt đầu viết chữ lên đó.

Từng nét từng nét, rất chậm, quét trong lòng bàn tay, ngứa.

“Anh trao ngày xuân cho em

Giữ lại ngày đông cho mình.”

“Anh giữ bóng hình của em lại

Và trao bản thân mình cho em.”

Có những bài nhạc cũ giống như rượu lâu năm, càng xưa càng thấm đẫm.

Bài hát kết thúc, mọi thứ cũng yên lặng. Lời ca có thừa sự ấm áp nhưng bầu không khí lại có chút ưu thương khó tả.

Mọi người cũng không để không khí lạnh nhạt quá lâu, một lúc sau mọi người đã chạy đến chỗ cô dâu chú rể ồn ào đòi hai người song ca.

Chỉ có bọn họ là vẫn ngồi đó, lẳng lặng nhìn mọi thứ trước mắt.

Thẩm Triều Văn xoa lòng bàn tay mình.

“Anh vừa viết gì?”

Khương Mặc đáp từng chữ một: “Em, là, heo.”

Thẩm Triều Văn bật cười: “Bắt đầu rồi đúng không?”

“Thật sự là heo.”

“Nói đàng hoàng.”

“Heo.”

Bên ngoài trời đang mưa, bên trong là bữa tiệc cưới vừa tan. Sau khi bọn họ tranh luận đến cùng có phải là heo hay không thì không ai nói thêm gì nữa, mỗi người ngồi ngây ra. Xung quanh ồn ào náo nhiệt, nhưng con tim của họ lại rất yên bình, họ cứ thế nắm tay nhau, nhìn nhau bằng ánh mắt đầy trìu mến.

Phải đi rồi. Họ không chào tạm biệt mọi người mà chỉ lặng lẽ nắm tay nhau bước đi. Bó hoa cưới được họ để lại trên bàn không mang theo.

Cô dâu chú rể bị mọi người nhốn nháo bắt đầu song ca “Cuồn cuộn hồng trần”. Ban đầu còn là song ca của hai người họ, cuối cùng không biết tại sao lại thành hợp xướng của mấy con ma men, tiếng hát lẫn vào trong gió, là kiểu hát táo bạo say sưa, giọng của cả đám người bừa bãi nhưng lại chợt có loại cảm giác tự do tùy ý, nghe rất hay.

Đêm nay gió rất nhẹ. Bọn họ lắng nghe cuồn cuộn hồng trần rời khỏi bữa tiệc, bước chân thoải mái, tiếng cười nói, nhỏ giọng chuyện trò, tay nắm tay đi ra ngoài, bước vào làn mưa phùn bay bay.

Mùa mưa liên miên, cuồn cuộn hồng trần, dẫu cho ấm lạnh họ luôn bước cùng nhau.

- END-

Bình luận

Truyện đang đọc