ĐẠI BẢO BỐI

Chúc Chu nỡ lòng nào đưa bé con đang làm nũng với anh này về phòng ngủ chứ?

Tuy đã thỏa hiệp về mặt tâm lý, nhưng Chúc Chu vẫn nghiêm mặt nói: “Được rồi, nhưng chỉ đêm nay thôi, các bạn nhỏ lên mẫu giáo là đã có thể ngủ một mình rồi, không thể ngủ cùng người lớn nữa.” Làm cha mẹ, không thể để lộ ranh giới cuối cùng của mình cho con biết, bởi vì một khi trẻ con biết giới hạn của bạn ở đâu, sẽ không ngừng khiêu chiến và thăm dò nó, đến khi bé biết bạn nhẹ dạ, lúc đó nhất định sẽ phải đau đầu. 

Quan Quan thu mình thành một cục, rúc trong ngực baba, nghe vậy bi bô đáp: “Quan Quan biết rồi.” Chỉ là Quan Quan vẫn không kiềm được mong muốn được ngủ cùng baba.

Riêng ngày hôm nay, rất rất nhớ baba, muốn ở bên baba nhiều hơn chút.

Loại cảm xúc phức tạp này Quan Quan không có cách nào diễn đạt thành lời, tuy Chúc Chu có thể cảm giác được hôm nay Quan Quan ỷ lại vào anh một cách bất thường, nhưng cũng không nghĩ nhiều, có lẽ chỉ là bỗng nhiên muốn ngủ cùng anh thôi. 

Cảm xúc của mấy bạn nhỏ vốn khó lường, nghĩ gì nói nấy.

Chúc Chu đặt gối của bé bên cạnh gối của mình, vỗ vỗ, làm gối bông mềm hơn, quay ra vỗ vai con: “Nào, bé con ngủ ngoan.”

Quan Quan vẫn nắm góc áo Chúc Chu, hai mắt mở thật to trong bóng tối, con ngươi đen nhánh như phát sáng, bé nói: “Baba, đừng đem con về lại giường của con, có được không?” Trong giọng nói còn mang theo chút buồn bã.

Chúc Chu nghe ra bé đang lo lắng, cất tiếng đảm bảo: “Những việc baba đã đồng ý với bảo bối đều sẽ làm được, ngày mai con mở mắt thức dậy, sẽ thấy baba ngay. Baba đã bao giờ lừa con chưa?”

Quan Quan dạ một tiếng nhắm mắt lại nói: “Chưa từng, baba, Quan Quan yêu ba.”

Chúc Chu không nhịn được nở cười nói: “Ba cũng yêu Quan Quan, cực kỳ yêu con.”

Quan Quan cao giọng hơn: “Con cũng cực kỳ yêu ba, con yêu ba nhất.”

Nằm bên cạnh baba, Quan Quan rất nhanh đã ngủ, ngủ rất sâu, không lăn qua lộn lại giống trước đó, thế nào cũng không ngủ được.

Chúc Chu đắp chăn cho Quan Quan, bỏ tay con vào trong chăn, nằm nghiêng ngủ.

Vì để Quan Quan vừa mở mắt là có thể nhìn thấy anh, sau khi anh tỉnh dậy, đi rửa mặt, xem thời gian rồi nằm lại lên giường.

Quan Quan mở mắt ra, quả nhiên thấy Chúc Chu nằm cạnh bé, cười thật tươi lăn vào vòng tay của baba, ôm cổ ba nói: “Baba ——” Giọng nói lộ rõ vẻ không muốn xa rời, còn có chút vui mừng. 

Chúc Chu ôm lấy Quan Quan: “Có phải baba nói được làm được không?”

Quan Quan vội vã gật đầu, sán lại hôn lên trán Chúc Chu một cái.

Chúc Chu ôm Quan Quan rời giường, nhìn bé đi dép vào, nói với bé: “Sáng nay mình ăn hoành thánh nhé? Thêm rong biển nori, cải xanh và tôm khô, không ăn sáng ở vườn trẻ nữa.”

Quan Quan nhí nha nhí nhảnh giơ tay lên, giơ ngón cái “ok”, bóng người nho nhỏ còn rất hài hước.

Chúc Chu không nhịn được cười, vuốt vuốt mái tóc của bé con: “Vậy con tự đi đánh răng rửa mặt đi, ba vào bếp làm bữa sáng.” 

Quan Quan ừm một tiếng, đi vào phòng tắm rửa mặt, đứng trên ghế nhỏ phía dưới bồn rửa mặt, cầm bàn chải điện, bấm một cái trên dụng cụ bắt kem đánh răng, kem đánh răng liền xuất hiện trên bàn chải, Quan Quan hứng cốc nước, bắt đầu đánh răng.

Đánh răng xong thì rửa mặt, lấy cái khăn bên cạnh, thấm ướt sau đó lau bên này một chút, cọ bên kia một tý, tuy không linh hoạt lắm, còn hơi ngốc, nhưng mọi hành động làm ra đều rất đáng yêu.

Chúc Chu bắc nồi nước, bật bếp, thả nguyên liệu nấu ăn vào, đậy nắp, đi đến phòng tắm, Quan Quan đang dùng khăn lau mặt.

Anh đi qua làm những công tác cuối cùng, vắt khô khăn mặt, lau mặt Quan Quan sạch bong, nhìn xem bé con đã lau sạch gỉ mắt hay chưa, ừ, được đấy, có tiến bộ, giỏi hơn nửa năm trước nhiều, coi như sạch sẽ.

Chu Chu lại giúp bé súc miệng, sợ con súc miệng không sạch.

Sau khi đã chuẩn bị xong, hoành thánh cũng sắp chín rồi.

Ngoài hoành thánh ra, Chúc Chu còn hấp bốn cái bánh bao. Bánh bao là anh tự gói, làm xong thì cất tủ đá, khi ăn thì đem ra hấp chín là ăn được.

Chúc Chu đặt Quan Quan lên ghế ăn cho trẻ. Bởi vì hoành thánh còn nóng, Chúc Chu lấy cho Quan Quan một cái bánh bao vào đĩa, cho bé ăn bánh bao trước, ăn xong bánh bao, hoành thánh đã nguội bớt tương đối nên có thể đặt trước mặt bé.

Buổi sáng ngày hôm nay với Quan Quan là một buổi sáng đặc biệt hạnh phúc mãn nguyện, nhưng đến vườn trẻ, tiếng khóc của nhóm bạn trong lớp ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến tâm tình của Quan Quan. 

Cảm giác lo lắng khi xa gia đình là cảm xúc mà mỗi bạn nhỏ đến vườn trẻ đều phải trải qua, Quan Quan cũng không ngoại lệ.

Lúc bé vừa lên mẫu giáo, khóc liền một tháng, tuần đầu tiên là khóc từ lúc tới vườn trẻ đến lúc về nhà, ba tuần sau là bật khóc khi Chúc Chu thả bé ở vườn trẻ xong rồi về. Chúc Chu đi rồi, bé bắt đầu tham gia vào hoạt động của lớp, từ từ tiếng khóc mới dừng lại, bắt đầu chơi, việc chơi đùa và đồ ăn có thể khiến mấy nhóc con tạm thời quên đi buồn lo. 

Thật ra đã lên lớp chồi rồi, đợi mấy bé con nhận ra rằng có gào khóc cũng không ngăn được bước chân rời đi của cha mẹ, các bé sẽ ngừng  khóc thôi. Lớp mầm phải một hai tháng mới ổn định được, còn các anh chị lớp nhỡ không đến một tuần là có thể ổn định rồi. 

Quan Quan nói tạm biệt với Chúc Chu rồi đi vào phòng sinh hoạt. 

Bé không khóc nhè, vì lúc nhỏ bé đã hiểu, có lúc gào khóc cũng không có tác dụng, ví dụ như baba phải đi làm, bé phải học, khóc cũng phải đi, không ai ngăn cản được. 

Tuy bé không biết tại sao mình phải đi học, sao baba phải đi làm, sao không thế giống như trước đây, ngày ngày baba ở nhà với bé, đưa bé đi dạo khắp nơi, từ sáng đến tối đều ở bên bé. 

Bé còn chưa biết tiền từ đâu tới, tiền có ý nghĩa như thế nào, chỉ biết bé thiếu cái gì, muốn cái gì, baba sẽ chuẩn bị hết cho bé, cho nên không hiểu tại sao hai ba con phải tách nhau ra. 

Chúc Chu chưa giải thích vấn đề này cho bé hiểu. 

Bởi vậy, hai ngày nay, trong tiếng gào khóc của bạn cùng lớp, Quan Quan bé nhỏ có cảm giác, baba bị một thế lực thần bí điều khiển, buộc phải tách ra vào ban ngày, tối mới được gặp nhau. 

Bé con quá thảm.

Sau khi đưa Quan Quan đến vườn trẻ, Chúc Chu sang nhà Diệp Hàng. 

Hôm nay Diệp Hàng rảnh, hẹn Chúc Chu đến dạy y nấu ăn. 

Từ chỗ Chúc Chu biết được món ăn và loại canh Thời Đường yêu thích, y cố ý chuẩn bị trước các nguyên liệu nấu ăn. 

Chúc Chu đến nơi,  Diệp Hàng mặc đồ ở nhà, nhiệt tình kéo anh vào bếp, cho Chúc Chu xem đồ đặt trên bàn bếp, nói: “Đồ tôi chuẩn bị xong hết rồi, chúng ta làm gì trước tiên?”

Chúc Chu mặc tạp dề vào, rửa tay, rồi nói với Diệp Hàng: “Thời tiên sinh thích ăn canh rong biển, thật ra canh rong biển rất đơn giản, chúng ta bắt đầu từ canh rong biển đi.”

Diệp Hàng cười nói: “Được, vậy thì bắt đầu từ canh rong biển.” Y cũng rửa tay, lấy giấy lau khô tay, đến chỗ cất rong biển.

Chúc Chu bày các loại nguyên liệu cần dùng để nấu canh lên thớt, giới thiệu từng loại cho Diệp Hàng.

“Nói thật, lúc nấu canh tôi cũng không có lưu ý đặc biệt nào. Làm theo công thức, sơ chế nguyên liệu thật kỹ, sau đó áng chừng thời gian, cho từng loại nguyên liệu vào, hầm chín là xong. Rong biển cho vào cuối cùng, sẽ không dễ bị nấu quá nhừ. Nhưng nếu tôi tự nấu cho mình ăn thì sẽ cho tất cả vào hầm từ đầu luôn, không cần cho rong biển vào cuối như trong công thức.”

“Vậy Thời Đường thì sao?”

“Khi nấu cho Thời tiên sinh, tôi sẽ lưu ý dựa theo công thức mà làm, nhưng theo quan sát của tôi, Thời tiên sinh không để tâm độ mềm của rong biển, hắn để tâm nhất đến sắc hương vị của món canh. Hắn thích canh có vị nhạt một chút, nêm nếm không được quá đậm, thích nếm vị nước dùng hòa cùng rong biển hơn, khá ngon. Canh phải nhẹ nhàng một chút, nếu ninh thành súp đặc, hắn sẽ uống ít đi.”

Diệp Hàng ghi nhớ từng lời Chúc Chu nói vào lòng, sau đó dựa theo lời Chúc Chu, cắt gừng thành từng miếng, rửa sạch rong biển cùng đậu tương.

“Cuối cùng là miếng xương quạt này (1), trước hết phải luộc sơ, vớt hết bọt máu.”

“Cái này tôi biết.”

“Tốt, luộc xong thì cũng cho vào trong nồi đất, thêm nước và đường phèn.” 

Diệp Hàng thêm nguyên liệu theo lời Chúc Chu.

“Thường sẽ phải ninh trong hai giờ, 20 phút cuối có thể cho rong biển đã thái vào, nêm thêm muối, vậy là xong.”

“Hóa ra món canh anh ấy thích lại đơn giản như vậy sao? Lần trước tôi bảo dì giúp việc hầm canh, bỏ rất nhiều nguyên liệu, từ nhỏ tôi đã quen ăn như vậy, thấy rất ngon, nhưng anh ấy lại không thích.”

“Vậy lần sau cậu có thể thử làm món canh rong biển này xem, có thể hắn không thích canh kiểu Quảng.” 

“Đúng vậy, có lẽ, khẩu vị của anh ấy thiên nhạt.”

“Vâng, mấy món ăn và canh tinh vi phức tạp có khi lại không đưa miệng bằng, loại cơm nhà này hắn còn thấy ổn, cơ bản có thể ăn hết.” 

Sau khi biết khẩu vị của Thời Đường, cuối cùng Diệp Hàng mới biết tại sao lần trước hắn không thích thức ăn y làm.

Thời Đường yêu thích hương vị gia đình, món hắn làm quá cao cấp quá phức tạp, ngược lại còn khiến người ta mất khẩu vị.

Canh đã cho lên bếp đun, Chúc Chu bắt đầu dạy Diệp Hàng cách nấu đồ ăn.

Hôm nay dạy hai món, một là rau diếp thơm xào chay (2), trong quá trình xào, ngoại trừ dầu ăn nóng cho vào lúc đầu, lúc sau thêm một chút nước tương, còn lại không bỏ thêm gì, thậm chí còn không thêm gừng tỏi.

“Đơn giản vậy thôi???” Diệp Hàng khó mà tin nổi.

“Tôi nấu ăn rất ít cho gia vị, tỷ như món canh vừa nấu, trừ gừng ra, khi tôi tự nấu tự ăn chỉ cho thêm xíu muối, đường phèn cũng không cho vào.”

“Đúng, anh ấy không thích thức ăn nhanh ngoài hàng, chính vì thấy gia vị quá nặng, không ăn ngon miệng được, nhưng tôi cũng xào y như vậy, nhưng vị lại không ngon lắm?”

“Cậu nếm thử xem? Tôi thấy xào rau trước rồi thêm chút nước tương vào, ăn rất ngon.” Nói đoạn, Chúc Chu để y xúc rau ra đĩa.

Diệp Hàng lấy đũa, gắp một miếng ăn thử, ồ một tiếng.

“Được phết nhỉ?”

Chúc Chu lấy một đôi đũa khác cũng nếm một miếng, sau đó nhíu mày nói: “Nước tương không đúng, đây là nước tương hải sản, quá ngọt, xào cải xanh phải dùng một loại tương khác.” Chúc Chu nói tên nước tương cho Diệp Hàng biết.

“Vậy ra nước tương cũng có nhiều lưu ý như vậy.”

Chúc Chu gật đầu nói: “Xào cải xanh thì dùng loại tương tôi vừa nói cho cậu.”

Diệp Hàng để đũa xuống nói: “Loại xào thịt thì sao?”

“Còn phải xem là loại thịt gì, gà vịt cá cũng phải dùng các loại khác nhau, vị sẽ ngon hơn.”

“Cá?” 

Chúc Chu nở nụ cười nói: “Tôi rất ít khi dùng nước tương cho cá, toàn hấp, khi ăn thì chấm nước chấm.” 

Diệp Hàng cũng không nhịn được cười, hỏi: “Vậy thịt bò?”

Chúc Chu biết gì nói nấy, kể hết bí quyết nấu ăn cho Diệp Hàng.

“Xem ra nước tương cũng có công dụng tuyệt vời.”

“Thực sự thì với một vài món ăn, thêm muối là được, không phải món ăn nào cũng cần dùng đến nước tương.”

“Được được, rõ rồi.” Diệp Hàng dứt lời, mở app giao hàng, chọn lựa các loại nước tương.

Bình luận

Truyện đang đọc