EM THỪA NHẬN ANH LÀ ĐÀN ÔNG!


Tình yêu tuổi học trò có đẹp đến mấy, rung động đến đâu nhưng chỉ có một người cố gắng, không sớm thì muộn cũng sẽ tan.
Tôi đã đấu tranh hết mình cho tình yêu này, còn cậu ấy...!lại muốn bỏ nó đi.
Cả hai cùng nắm tay nhau vào giảng đường đại học, lúc đó chúng tôi là một đôi đẹp nhất, được ngưỡng mộ nhất và cũng không ít người ghen tị.
Chúng tôi không học cùng ngành nên giờ giấc trái ngược nhau, chỉ gặp nhau vào những lúc nghỉ trưa, buổi tối hoặc cuối tuần.
Tôi học ngành kinh tế, còn cậu ấy học quản trị kinh doanh.

Trước giờ tôi không có ước mơ cho tương của mình, tôi nghĩ cuộc đời đưa đẩy mình đi đâu thì mình đi đó, cái kiểu mà người ta hay nói “tới đâu tính tới đó” ấy.
Nhưng chỉ vì một câu nói muốn tôi trở thành thư ký riêng cho cậu ấy mà tôi đã biến nó thành một mục tiêu để mình cố gắng phấn đấu.

Tình yêu của tôi và Duy Nhất rất yên bình và vui vẻ.

Cậu ấy lúc nào cũng là người pha trò khiến cho tôi cười, chưa từng làm tôi buồn vì bất cứ điều gì.

Cậu ấy quan tâm tôi từng li từng tí, hệt như một người anh trai chăm sóc cô em gái bé nhỏ.

Chỉ cần tôi có triệu chứng muốn cảm, cậu ấy liền mua nào là thuốc, nào là miếng dán hạ sốt, đủ thứ để không cho cơn bệnh của tôi kéo đến.
Chỉ cần tôi kêu đói, dù là trời nắng hay mưa, cậu ấy cũng đều sẽ đạp xe đi mua.

Hành động của Duy Nhất điển hình như câu: Chỉ cần đúng người, bạn không cần phải trưởng thành nữa.
Tôi còn nhớ dáng vẻ của cậu ấy khi chìa ra một bịch bún kèm theo một ly trà sữa, khoe hàm răng đều tăm tắp ra nói với tôi: “Chào tiểu thư, tại hạ đã mua đồ ăn về cho tiểu thư rồi đây ạ.”
Tôi bật cười, giơ ly trà sữa lên hỏi: “Nhưng tôi đâu có nhờ cậu mua cái này.”
Duy Nhất vẫn giữ nụ cười, đáp: “Đó là quà tặng kèm ạ.


Nếu tiểu thư không chê, tại hạ muốn tặng luôn cả tấm thân này cho...”
Không để cậu ấy nói hết câu, tôi đã đưa bàn tay ra trước mặt cậu ấy, thốt lên một câu: “Chê!”
Khiến mặt cậu ấy trở nên bí xị.

Tôi không nhịn được cười, giơ tay véo má cậu ấy một cái.

Sao cậu ấy có thể đáng yêu đến như vậy?
Ở bên cạnh cậu ấy tôi chưa bao giờ buồn, dù là điều nhỏ nhặt nhất.
***
Thấm thoát chúng tôi đã bước sang năm thứ hai và năm nay là năm đáng nhớ nhất của tôi.
Vào một ngày nọ, tôi nhận được một cuộc gọi lạ, người đó bảo có chuyện cần nói với tôi nên hẹn ba giờ chiều ngày thứ bảy ở quán cà phê đối điện trường tôi đang học.
Tôi vào quán, nhìn thấy một người phụ nữ tầm bốn mươi trông rất quý phái đang giơ tay ra hiệu.

Tôi tiến tới, ngờ ngợ hỏi: “Bác là người đã gọi cho cháu?”
Người phụ nữ ấy gật đầu: “Phải, tôi là mẹ của Duy Nhất.”
“Dạ cháu chào bác.”
Tôi kéo ghế ngồi xuống đối diện bà ấy, bà ấy quan sát tôi và tôi cũng vậy.
Mẹ Duy Nhất thực sự là một người rất đẹp, tuy nhiên tôi lại có cảm giác người phụ nữ này rất khó gần.
“Cháu có biết lý do mà tôi hẹn cháu ra đây không?”
“Dạ, cháu nghĩ vì Duy Nhất ạ.”
Tôi nghĩ ngoài chuyện này ra thì chẳng còn lý do nào thích hợp hơn.

“Đúng vậy, tôi về đây là để đưa Duy Nhất qua Mỹ định cư.

Tôi biết nó đang quen cháu, nhưng cháu biết đó, nhà chúng tôi rất giàu có, người có thể kết hôn được với Duy Nhất phải là người môn đăng hộ đối nhưng nhìn cháu...”
Bà ấy quét mắt nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới như muốn ám chỉ điều gì đó, tôi hiểu.
Không chờ bà ấy nói tiếp, tôi lên tiếng: “Cháu biết cháu không xứng với cậu ấy nhưng bọn cháu yêu nhau là thật lòng, tình yêu thật lòng là không màng đến vật chất.”
Bà ấy như nghe được một câu chuyện cười, lắc đầu cười mỉa mai: “Không màng đến vật chất sao? Cháu nghĩ tiền Duy Nhất có là ở đâu ra? Nếu tôi cắt hết các khoản chi tiêu của nó, nó sẽ lấy gì để sống và yêu cháu?”
“Tại sao bao năm qua bác không quan tâm cậu ấy? Tại sao bây giờ cậu ấy đang yên ổn bác lại về đưa cậu ấy đi?”
Tôi gào lên, mặc kệ những ánh mắt xung quanh mình, sức chịu đựng của tôi có giới hạn.
Một người phụ nữ xinh đẹp, đang dùng lời nói quyền lực của mình để ra lệnh cho tôi ư?
Cho dù bà ấy có là ai, cũng không buộc tôi phải từ bỏ tình yêu này được.
Bà ấy là một người nho nhã nên trước sự giận dữ, ngang bướng của tôi bà ấy vẫn nhẹ giọng: “Tôi biết cháu rất tốt với Duy Nhất, điều đó tôi rất biết ơn cháu.

Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị một con đường sự nghiệp cho nó qua bên đó học.

Sẽ tốt hơn nếu...”
“Cháu không cần biết lý do! Nếu bác muốn cháu rời xa cậu ấy, trừ khi là cậu ấy không cần cháu nữa.

Bằng không, cháu sẽ bằng mọi cách để giữ cậu ấy lại.

Cháu nói xong rồi, cháu chào bác!”

Nói xong tôi đứng dậy đi ngay, tuy bà ấy là mẹ Duy Nhất nhưng nếu bà ấy muốn chia cắt tình yêu của tôi thì tôi không cần phải khách khí làm gì.
Bà ấy biến tôi thành một kẻ kệch cỡm, thô lỗ trước mắt mọi người nhưng tôi vốn không quan tâm.
Tôi ra khỏi quán, đứng ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh, trời đẹp như thế nhưng trong lòng tôi đã nổi đầy bão giông rồi.
Tôi đã cố gắng đấu tranh vì tình yêu này, thậm chí còn dám nói chuyện thẳng thắn với mẹ cậu ấy.

Tôi không phải kẻ hèn nhát, trừ khi...!Duy Nhất cũng muốn rời xa tôi.
Tôi bước từng bước nặng nề đến chỗ làm thêm, hôm nay tôi không có tâm trạng để làm nên suốt buổi tay chân cứ vụng về, bị quản lý nhắc nhở nhiều lần, còn bị doạ sẽ đuổi việc.
Tan làm, tôi thấy Duy Nhất dựa người lên xe đạp đợi tôi.

Cậu ấy thấy tôi liền chạy tới, lấy tay lau mồ hôi trên trán tôi, ân cần hỏi: “Nay cậu làm có mệt không?”
“Không mệt.”
Tôi cố gượng cười.
Cậu ấy dắt tay tôi đến xe, ngồi lên yên rồi chủ động kéo tay tôi vòng qua eo cậu ấy.

Đây là hành động quen thuộc mỗi khi cậu ấy chở tôi.
“Hôm nay muốn ăn gì nào? Mình bao.”
Chiếc xe đạp lăn bánh trên đường, tôi ôm chặt cậu ấy, áp mặt mình vào tấm lưng ấy, nước mắt không tự chủ liền rơi.
Tôi nhớ quãng thời gian đẹp đẽ hồi cấp ba, cậu ấy cũng chở tôi như vậy.

Ước gì chúng tôi có thể trở lại quãng thời gian vui vẻ, vô lo vô nghĩ ấy thì tốt biết mấy.
“Mình muốn ăn lẩu chua cay.” Tôi cố điều chỉnh lại tâm trạng để cậu ấy không biết.
“Được, hôm nay mình sẽ đãi cậu một chầu hoành tráng.”
Chúng tôi đến quán lẩu Chiang Mai ở cách trường tầm một cây số, chỗ này bán đồ ăn rất ngon, nhất là món lẩu thái chua cay ăn một lần là nhớ mãi.
Quán này không gian khá rộng, mỗi bàn đều cách nhau một khoảng nhất định nên cảm giác rất thoáng, không gò bó.
Vừa bước vào quán tôi đã ngửi được mùi lẩu thơm phức, bên trong cũng có vài cặp đang ngồi ăn.


Tôi và Duy Nhất chọn một góc gần cửa sổ, bên khung cửa sổ kia là một dòng sông rất trong, có thể vừa ăn vừa ngắm cảnh, sẽ khiến tâm trạng thoải mái hơn.
Tôi gọi một phần lẩu chua cay với thịt bò nhúng, còn cậu ấy thì ăn cùng món với tôi.
“Hôm nay nhìn cậu có vẻ lạ! Sao vậy? Cậu không khoẻ ở đâu sao?”
Duy Nhất sờ trán tôi, vẻ mặt lo lắng.
“Mình không sao! Chắc do đói thôi.”
Tôi gạt nhẹ tay cậu ấy xuống, mỉm cười trấn an, bắt chuyện khác: “Cả ngày nay cậu làm gì thế?”
“Mình chơi net chờ đến giờ đón cậu về.”
Cậu ấy cười hì hì.
Duy Nhất vốn là cậu ấm, đâu phải lo cơm áo gạo tiền như tôi.

Tôi tự hỏi, nếu như gia đình cậu ấy cắt khoản chi tiêu của cậu ấy thì cậu ấy sẽ ra sao?
Tôi tự cười chua chát, lúc chiều còn mạnh miệng bảo với mẹ cậu ấy là tình yêu không màng vật chất.

Bây giờ ngẫm lại, tôi tự thấy mình ấu trĩ biết bao nhiêu.
Thời buổi này làm gì có chuyện “một túp lều tranh, hai quả tim vàng”.
Mãi suy nghĩ nên người ta mang đồ ăn lên lúc nào tôi cũng không hay, đến khi mùi thơm cay nồng xộc thẳng vào mũi tôi mới giật mình.
Món lẩu này cay khiến tôi chảy nước mắt không ngừng.

Duy Nhất vừa lấy khăn giấy lau nước mắt cho tôi vừa ghẹo: “Sao nay cậu ăn cay dở thế? Ăn có xíu đã cay đến chảy nước mắt rồi.”
Tôi cười trong nước mắt, hôm nay tôi vốn nhiều tâm trạng nên mới chọn loại lẩu chua cay này, như thế mới có thể viện cớ mà khóc được.
Có như thế...!cậu ấy mới không biết.
“Chắc do hôm nay lẩu cay quá!”
“Mình thấy như mọi hôm mà.”
Duy Nhất phản bác lại lời tôi, tôi chỉ biết cười trừ, lấy khăn giấy lau nước mắt rồi cố ăn nốt phần còn lại.


Bình luận

Truyện đang đọc