MÙA XUÂN CỦA CÔNG TỬ BỘT

Đàm Duệ Khang lần đầu tiên đi máy bay, tuy mặt rất tỉnh nhưng hành vi lâu lâu lại chạy vào WC đã tiết lộ sự căng thẳng của anh.

Diêu Viễn nhìn thấy lấy làm buồn cười lắm, nó bảo, "Anh đi theo em nào."

Đàm Duệ Khang hỏi, "Lần đầu đi nên anh mù tịt, phải chuẩn bị những gì vậy em?"

Diêu Viễn xua tay, "Khỏi có chuẩn bị gì hết, đi nào."

Chị hướng dẫn viên du lịch đưa vé máy bay, dẫn bọn họ đi xếp hàng ở quầy check-in, Diêu Viễn đi gửi đồ ký gởi, dán ký hiệu lên hành lý để tránh bị cầm nhầm, hai người đi qua bộ phận kiểm tra an ninh.

Lúc xếp hàng Diêu Viễn phát hiện ra cách đấy không xa có người nhìn bọn họ, nó bèn khoác tay Đàm Duệ Khang, nói, "Anh nhìn cô bé nước ngoài kia kìa."

Đàm Duệ Khang nhìn theo ánh mắt Diêu Viễn, một cô bé tóc vàng mắt xanh theo ba mẹ đi chỗ kiểm tra, ngoái đầu lại nhìn bọn họ tươi cười.

"Ừm." Đàm Duệ Khang hỏi, "Em thích mấy cô thế này à?"

Diêu Viễn nhún vai, nó không đáp là thích, cũng không nói không thích, nó chỉ cảm thấy cô bé kia xinh đẹp. Đôi lúc con gái cũng như phong cảnh vậy, không cần biết là xấu hay đẹp, nhưng ở mỗi địa điểm, mỗi thời gian, mỗi trường hợp, đều mang theo một ý nghĩa khó diễn đạt bằng ngôn từ.

Cho dù là cô nhóc mang balo nhỏ sau lưng, hay cô bé ôm gấu bông, hay cô nàng đang vùi đầu nhắn tin trên điện thoại, mỗi một người con gái đều mang trong mình sự quyến rũ riêng biệt.

Nó trả lời như vậy với Đàm Duệ Khang, Đàm Duệ Khang nghe xong mỉm cười, ngón tay khẽ quẹt quẹt lên mặt Diêu Viễn, tán dương, "Em lúc nào cũng có những suy nghĩ hết sức mới mẻ, hệt như các thiếu gia trên phim truyền hình vậy."

Diêu Viễn hếch cằm về phía cô bé kia, bảo, "Như vậy anh không thích sao?"

Đàm Duệ Khang không nhìn thấy động tác của Diêu Viễn, cứ tưởng nó đang nói chính nó, gật đầu đáp, "Thích chứ, em thông minh hơn anh nhiều, anh rất thích tính cách của em."

Khóe miệng Diêu Viễn giật giật, vỗ lưng anh ta, không nói gì hơn.

Đàm Duệ Khang nói, "Em còn quá nhỏ, sau này hắng nghĩ đến chuyện yêu đương"

Diêu Viễn, "Xí, anh mười bảy rồi mà có thấy yêu iếc gì đâu. Anh thích con gái như thế nào?"

Đàm Duệ Khang nghĩ thật lâu lắc, rồi cũng chẳng nói được kiểu gì, cuối cùng bảo, "Đợi lên đại học đi, em kiếm cho anh một người nhé. Mắt nhìn của em tốt hơn anh."

Diêu Viễn nghe mà dở khóc dở cười, đành phải ngưng đề tài này lại. Đàm Duệ Khang lần đầu đi máy bay nên rất ngu ngơ, cái gì cũng thấy mới mẻ, cũng không dám nói năng lung tung, làm gì cũng cẩn trọng dè dặt, cứ như rất sợ làm mất mặt Diêu Viễn.

Diêu Viễn kiên nhẫn giải thích những vật dụng trên máy bay sử dụng như thế nào cho Đàm Duệ Khang, đồ ăn này không mất tiền trả đâu, cứ yên tâm mà ăn.

Sáng nay thức dậy sớm, tối qua còn thức đến hai giờ hơn cày game, Diêu Viễn ngáp sái quai hàm, máy bay vừa cất cánh là nó quấn chăn dựa vào người Đàm Duệ Khang ngủ.

Đàm Duệ Khang nhìn máy bay vượt trên biển mây, ánh mắt lộ ra vẻ hào hứng, nhìn mải miết không bỏ sót thứ gì.

Đến Bắc Kinh vào cuối tháng bảy đầu tháng tám với Diêu Viễn chẳng khác gì một cơn ác mộng, ngay cả Đàm Duệ Khang cũng cảm thấy đi chơi hè ở Bắc Kinh là một sự lựa chọn sai lầm. Cũng may là trước khi đi Triệu Quốc Cương đã dặn là phải đăng ký đoàn lớn, bằng không nội ngồi xe thôi cũng đủ hấp chín hai đứa nó rồi.

Phần lớn thời gian Diêu Viễn chỉ muốn ngồi lì trên xe không muốn xuống, nhưng không thể đến đây rồi mà không đi đâu. Tròn một ngày đi thăm Cố Cung, lúc hai đứa ăn cơm với đoàn, Diêu Viễn chẳng nuốt trôi cơm. Ban đầu nó cũng hào hứng ghê lắm, nghe hướng dẫn viên thuyết minh, xem viện bảo tàng Cố Cung, rồi chụp hình với Đàm Duệ Khang, còn mua cả mớ đồ lưu niệm, nhưng lúc sau thì chịu hết nổi.

"Hai bạn là anh em à?" Hướng dẫn viên tươi cười hỏi.

Diêu Viễn phơi nắng đến độ chóp mũi đỏ ửng, uể oải gật đầu.

Đàm Duệ Khang đi mua nước cho nó, dặn dò, "Em nhớ uống nhiều nước, coi chừng cảm nắng."

Diêu Viễn rũ rượi hớp miếng nước, đôi vợ chồng Hồng Kông đối diện bàn nói bằng tiếng phổ thông lởm khởm, "Anh săn sóc cho em kìa."

Mặt Diêu Viễn đỏ lựng, nó thấy quê ơi là quê.

Đàm Duệ Khang cứ lo Diêu Viễn bị cảm nắng làm nó muốn nổi khùng, nó căn bản không muốn uống nhiều nước như vậy, mắc công phải đi WC liên tục. Buổi tối về lần đầu tiên ngủ chung phòng chung giường với Đàm Duệ Khang, nó cứ sợ anh ta bị hôi chân hay có thói quen ngủ xấu nào đó, may mà Đàm Duệ Khang không đổ mồ hôi nhiều, vớ cũng thấm hút tốt, nói chung là mọi thứ diễn ra trong phạm vi bình thường cho phép.

Trái lại áo thun quần lót giày vớ của Diêu Viễn đều dính mồ hôi rít rịt, tắm rửa xong Đàm Duệ Khang giúp nó giặt quần lót với bít tất rồi máng ngay dưới chỗ điều hòa phả hơi lạnh cho mau khô.

Vốn Diêu Viễn định tự giặt, nhưng nó hết xí quách rồi, đành phải để Đàm Duệ Khang giặt giùm, bụng bảo dạ sau này đối xử tốt một chút, báo đáp lại anh ta là được rồi.

Đây là tour du lịch loại sang nên chẳng có học sinh đi theo, chỉ có mỗi Đàm Duệ Khang và Diêu Viễn là non choẹt, ngoài ra hầu như không có người cùng trang lứa. Đi Vạn Lý Trường Thành leo Bát Đạt Lĩnh chung với một toán ông già bà cả, đả kích hơn là Diêu Viễn còn phát hiện ra là mình leo Trường Thành cũng không bằng các cụ sáu mươi!

"Hộc... hộc..."

Diêu Viễn mệt quá rồi bảo, "Em kết không nổi đâu, anh đi theo đoàn đi, em ở dưới Trường Thành uống chén trà, lên xe nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi."

Đàm Duệ Khang kiên trì rủ, "Khó lắm mới đến được đây, sao lại không đi chứ?"

"Em đi không nổi mà!" Diêu Viễn kêu la thảm thiết.

Ai bảo nó ham mốt ham đẹp, thế là xỏ giầy mới đi, đi được hai ngày bị cà mắt cá chân phồng rộp lên một cục, Đàm Duệ Khang để nó ngồi chờ ở đó, mình thì chạy đôn chạy đáo kiếm hai miếng băng dán cá nhân về.

"Vậy khá hơn rồi đó." Đàm Duệ Khang cúi đầu nhìn.

Diêu Viễn thấy kế bên có một chị đi giày cao gót leo Trường Thành cũng đang rên như bọng, chồng bà ấy cũng dán băng cá nhân hình hồ lô cho bả, nó càng thấy xấu hổ muốn chết!

Bọn nó đội mũ lưỡi trai, chầm chậm hòa vào dòng du khách leo Trường Thành, Đàm Duệ Khang đề nghị, "Anh cõng em nhé."

"Không!!!!" Diêu Viễn sừng sộ xù lông nhím.

Đàm Duệ Khang cười nói được được, khoác vai nó chụp hình, thế là lại chịu đựng thêm một ngày dưới cái nắng hè chói chang rực lửa, Diêu Viễn ăn một ly đá bào ở một quầy hàng, Đàm Duệ Khang ngại mắc nên không ăn, Diêu Viễn bèn ăn một mình.

Kết quả là khi về Diêu Viễn bị Tào Tháo rượt một trận, hôm sau còn phải đi Di Hòa Viên, nói chung toàn bộ cuộc hành trình chỉ mang lại cho nó những ký ức thê thảm.

Hầu như lần nào nó đi ra ngoài chơi là lần đó lại sinh bệnh, mỗi lần đau bụng viêm răng sưng nướu là đau vật vã ôm bụng lăn lộn, mồ hôi đầm đìa, bao nhiêu sức lực đều cạn kiệt, vậy mà nó vẫn nhớ rất rõ cảnh trí dọc đường đi.

Cho đến tám ngày sau lên máy bay đi về, Diêu Viễn mới thấy thở phào nhẹ nhõm, song nghĩ đến chuyện phải về quê ít nhất nửa tháng, nó lại thấy phải bước qua Quỷ môn quan đợt nữa.

Đàm Duệ Khang ngồi trong phòng chờ máy bay đọc Liên Thành Quyết, sắn vỗ vỗ vai Diêu Viễn an ủi động viên, "Về tới nhà là ổn rồi, ở nhà ông bà thoải mái hơn, cơm nước cũng tốt hơn đi với đoàn."

Bọn họ đáp máy bay xuống TS, đổi sang xe ô tô dằn xóc đủ tám tiếng, hết ô tô lại chuyển qua xe máy, Diêu Viễn kẹp giữa, Đàm Duệ Khang ngồi chen chúc đằng sau, đống hành lý và đồ mua ở Bắc Kinh móc ở sau xe, cứ thế xình xịch vượt qua những con đường đất bụi mờ mịt.

Diêu Viễn bị chú xe ôm phía trước và Đàm Duệ Khang phía sau ép dẹp lép, nó thề với lòng là lần sau có về quê nhất định cũng phải là Triệu Quốc Cương lái BMWs chở, không đi cái kiểu khổ ải này nữa.

Đàm Duệ Khang còn chỉ trỏ giới thiệu, cho nó biết ngọn núi này thuộc địa phương nào, bên kia là nhánh sông gì, từ trong làng cho đến thôn kế bên, cả đằng sau quả núi ấy, hết thảy đều là địa bàn của anh.

"Đây là trường học của anh." Đàm Duệ Khang chỉ đằng xa.

Xe máy chạy ngang qua một ngôi trường cấp hai xập xệ, một đám thiếu niên mình mẩy lấm lem cát bụi chơi đá banh trên bãi đất trống, mỗi người trong số bọn họ đã từng là Đàm Duệ Khang, có đứa chạy ra ngoài mua một túi nước quê kệch năm tệ một bao nilon, toàn là phẩm màu và hương liệu.

Diêu Viễn nhìn cảnh ấy, tưởng tượng ra Đàm Duệ Khang thời cấp hai ra sao, cả buổi trời chẳng nói nổi tiếng nào.

Chú xe ôm cười cười nói nói bằng tiếng Hồ Nam, Đàm Duệ Khang dịch lại, "Chú ấy bảo bên nhà chúng mình có người ký hợp đồng thầu miếng đất đó, định mở vườn cây ăn quả này."

Diêu Viễn ừ một tiếng, xâm xẩm tối rốt cuộc cũng đến nơi, không khác gì mấy với ấn tượng hồi năm tuổi của nó.

Vẫn là căn nhà lớn cũ kỹ, mảnh sân khóa chặt cửa, có dán tranh thần giữ cửa.

Chân của Diêu Viễn tê đi không nổi, nó ngồi phịch xuống túi du lịch, Đàm Duệ Khang đi gõ cửa, đập thật lâu, đành phải trèo tường vô trong.

Bà cụ run rẩy chống gậy đi ra, Diêu Viễn lập tức ném điếu thuốc đi la lên, "Bà ngoại!"

"Tiểu Viễn đó hả con!" Bà ngoại Diêu Viễn gọi vang, nheo mắt nói, "Tiểu Viễn.."

Diêu Viễn khựng lại một chốc, đáy lòng cuộn trào đủ thứ cảm giác, muốn khóc lại khóc không được, chỉ một cái chớp mắt thôi mà đã mười năm trôi qua rồi.

"Đừng khóc." Đàm Duệ Khang vội ra dấu, ý bảo Diêu Viễn cười lên, đừng làm bà kích động.

Diêu Viễn gắng gượng cười cười, bà ngoại nắm tay nó kéo đi không muốn thả ra, tay lần sờ khuôn mặt nó, hàng mi của nó.

Bà ngoại nức nở, "Khổ cực thân con quá, hồi đó bà rất muốn đi tiễn mẹ con..."

Diêu Viễn vội vàng ôm bà, khe khẽ an ủi đôi ba câu, từ lúc mẹ nó phát bệnh đến lúc qua đời chỉ vỏn vẹn có tám tháng, người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, nỗi đau mất con hẳn còn lớn lao hơn mình năm ấy nhiều.

Bà ngoại ôm Diêu Viễn khóc nức nở không cầm được nước mắt, Đàm Duệ Khang đứng lẳng lặng một hồi, giúp Diêu Viễn an ủi bà, nó hỏi han, "Bà ngoại có khoẻ không? Sao chỉ ở có một mình, không ai chăm sóc hết vậy?"

"Không cần chăm sóc đâu!" Bà nói, "Bà khoẻ lắm mà..."

Bà vào trong phòng, Diêu Viễn ngó quanh quất một chút, thở một hơi thả lỏng, hồi còn bé thấy cái sân rộng thênh thang, giờ lớn rồi quay lại mới thấy chật đến nỗi muốn xoay người cũng khó.

Cái máy bơm nước bằng tay ở rìa sân ngày trước không phải lớn lắm sao? Hồi đó Diêu Viễn còn đu trên cần bơm cười khanh khách để Đàm Duệ Khang nâng lên hạ xuống, mọi thứ cứ tự nhiên hiện lên trong đầu. Ngoài sân có nuôi một đàn gà, bọn nó kêu chíp chíp tròn xoe mắt nhìn Diêu Viễn.

"Lúc trước em còn oánh bọn nó phải không." Diêu Viễn nói.

Đàm Duệ Khang cất hành lý ở nhà sau xong xuôi, đi ra cười bảo, "Mấy con gà bị em đánh không biết hồi đời nào nữa, còn lứa này là anh nuôi trước khi lên kia học."

Bà ngoại đi ra cầm một cái bao lì xì, nói: "Tiểu Viễn, lại đây con."

Diêu Viễn thấy vậy giật mình, làm sao nó có thể cầm tiền của bà? Nó vội nói: "Không cần đầu bà ơi, con không dám nhận."

Bà giải thích, "Mấy cái này là của ông con để lại cho con! Cầm lấy đi!"

Bà đưa cho Diêu Viễn một cái hộp và phong bao lì xì hai trăm tệ, nước mắt giàn giụa nhìn Diêu Viễn, Đàm Duệ Khang ra dấu nó cầm lấy, rồi đỡ bà cụ đi vào trong.

Vành mắt Diêu Viễn hoen đỏ, Đàm Duệ Khang lấy ghế trúc trong sân đem qua cho Diệu Viễn ngồi, nó nhìn vô trong hỏi, "Bà không sao chứ anh?"

Đàm Duệ Khang đáp, "Không sao đâu, khoan hãy nói chuyện với bà đã, người cao tuổi dễ kích động. Em ngồi xuống đi."

Diêu Viễn thở dài, nó biết mình quá giống người mẹ quá cố, bà vừa trông thấy nó là nhớ đến con gái mình, tốt nhất là để cho bà bình tĩnh lại đã.

Đàm Duệ Khang xắn tay áo lên, đổi dép rồi đi lấy nước cho Diêu Viễn rửa mặt rửa mày, không ngừng xẹt tới xẹt lui rồi vô phòng quét dọn, rất ra dáng chủ nhà.

Diêu Viễn ngồi trong sân mở hộp ra, bên trong là huân chương của ông ngoại - quân đoàn Đông Giang.

Ngoài ra còn có một chiếc vòng tay tổ truyền bằng bạch ngọc, Diêu Viễn cầm lên đưa về hướng nắng chiều ngắm nghía, óng a óng ánh, có lẽ là để dành cho vợ tương lai của nó.

"Tiểu Viễn." Đàm Duệ Khang gọi, "Lại đây em."

Diêu Viễn vô một gian buồng tối thui, Đàm Duệ Khang ngồi trên giường, lấy một bao thư trong túi áo ra, bảo, "Cái này là tiền ba em biếu cho bà, hôm qua anh mới rút ngân hàng xong, lát em đưa cho bà nhé."

Diêu Viễn sợ nhất mấy chuyện như vậy, bèn chối đây đẩy, "Anh đưa là được rồi, hầy."

Đàm Duệ Khang thuyết phục, "Em đưa đi."

Diêu Viễn bèn viện cớ, "Anh em mình phân biệt rõ ràng vậy làm chi chứ."

Nghe mấy lời vô tâm của Diêu Viễn, Đàm Duệ Khang thoạt tiên là ngẩn ra, sau đó cười cười nói, "Cũng phải, anh em mình không cần phân biệt rõ ràng như vậy."

Đàm Duệ Khang đi đưa tiền, Diêu Viễn lại ngồi đực mặt ngoài sân, căn nhà này trong ký ức của nó rất lớn và sạch sẽ, giờ nó chỉ thấy tối tăm chật chội, cảm giác rất lụp xụp. Khoảng thời gian ngắn ngủi lúc nhỏ tưởng chừng đã chìm trong quên lãng, nhưng giờ đây khi nhìn con đường dẫn tới cửa, đối diện với cánh đồng trước mắt, bao nhiêu ký ức chợt hiện lên rõ mồn một.

Ngỡ rằng rất lạ như hồi ức của một ai khác, rồi lại ngỡ rằng rất quen như đã khắc sâu vào trong đầu, không thể xóa nhòa được.

Đàm Duệ Khang dọn nhà xong, trở ra bảo, "Tiểu Viễn."

Diêu Viễn đang dừng ở ký ức mình mém chết đuối trong lạch nước nhỏ, bị Đàm Duệ Khang ngắt ngang bèn bực bội nói xắng, "Gì?"

Đàm Duệ Khang hỏi, "Tối nay em muốn ăn gì nào? Bà nói muốn nấu món ngon cho em."

Diêu Viễn trả lời cho qua, "Sao cũng được, em ăn không vô, đừng làm phiền bà, bà lớn tuổi rồi còn phải nấu nướng."

Đàm Duệ Khang cười xách xô nước ra cùng với ván giặt đồ, múc một chậu nước đầy ngồi ghế đẩu giặt màn. Anh xắn tay áo với ống quần, xỏ đôi dép lào, dường như trong một khoảnh khắc đặt chân lên mảnh đất quê, anh lại trở về làm một thanh niên nông thôn ngăm ngăm da trâu ngày nào.

Tối hôm đó Đàm Duệ Khang đi gõ cửa từng nhà mượn quả trứng mua thịt khô, từ lúc bọn nó về tới quê là hàng xóm láng giềng biết hết, nhất thời tạo ra một chấn động không nhỏ trong khu vực lân cận, chớp một cái đã quá trời người tới, chủ yếu đến để chiêm ngưỡng dung nhan Diêu Viễn.

Đàm Duệ Khang chỉ đi học một năm thôi mà các bạn cùng trang lứa với anh đã lên huyện làm công hoặc học nghề rồi, chỉ còn lũ nhóc choai choai bu lại xem thôi, Diêu Viễn mặc đồ rất một lại từ thành phố về, toả sáng ngời ngời, nhận được bao nhiêu là sự ngưỡng mộ của bà con. Các cô các bà chen lấn đầy sân líu ríu bắt chuyện với Diêu Viễn, khen không ngớt lời.

Diêu Viễn lần lượt chào từng người một, nó thấy mất tự nhiên lắm, nhưng không thể không cười với mọi người, nó không hiểu tiếng địa phương, vừa nghe vừa đoán mới hiểu được một ít, đồng thời cũng nghe được kha khá chuyện hồi đó không biết.

Mẹ nó từng là người cái thôn nằm trong núi này, mẹ học hành giỏi giang, ông ngoại là người hiểu biết, không muốn con cái bỏ lỡ việc học, ông tuyên bố hễ là con nhà này, có thể thi đậu thì đập nồi bán sắt cũng phải cố gắng cho bọn nhỏ học đại học.

Ba Đàm Duệ Khang lại không chí thú học hành, thi rớt nên đi lính, còn mẹ Diêu Viễn thì trúng tuyển.

Bà gặp Triệu Quốc Cương ở đại học, tốt nghiệp xong thì kết hôn, năm đó họ bị tách ra mỗi người công tác một nơi, trải qua bao bận gian nan họ mới sum họp. Sau đó Triệu Quốc Cương khởi nghiệp kinh doanh, bà mới theo chồng xuôi về nam.

Hàng xóm kéo qua cốt để gặp Diêu Viễn, nên nó không dám tỏ ra chút xíu gì vẻ không hài lòng tươi cười trò chuyện với mọi người, Đàm Duệ Khang thì kéo bàn ra sân, bà ngoại tính hôm nay làm một bữa chiêu đãi bà con lối xóm qua đây.

Đàm Duệ Khang nghiễm nhiên rất ra dáng chủ nhà, đưa chuyện với các bác các chú nhà bên, rót rượu rồi cạn ly. Có người mời rượu Diêu Viễn, Đàm Duệ Khang vội ngăn lại, "Tiểu Viễn không uống được đâu, để con uống thay cho."

Đến khi trăng đã treo đầu ngõ, khách khứa mới lục tục ra về, Đàm Duệ Khang đi múc nước nấu cho Diêu Viễn rửa chân, giặt giũ mớ đồ của bọn nó, đưa Diêu Viễn vào phòng ngủ, "Điều kiện nhà cửa không tốt, em chịu khó ngủ chật chội một chút nhé. Nóng thì bảo anh, anh trải nệm dưới đất nằm ngủ cũng được."

Diêu Viễn vội nói, "Không sao đâu, anh nhớ đừng ngủ dưới đất đó."

Thôn xóm chìm vào tĩnh mịch, lâu lâu văng vẳng tiếng chó sủa, bà nằm sát vách thở hơi dài sượt, đóng cửa đi ngủ.

Diêu Viễn rửa chân xong cảm thấy rất thoải mái, bao nhiêu ngày mệt nhừ rốt cuộc cũng có một đêm thư thái rồi, trong không gian yên tĩnh chỉ có tiếng côn

trùng ngoài kia kêu rả rích, tiếng ếch nhái ồm ộp.

Tất cả hòa trộn thành một bản hợp xướng chỉ có ở thôn quê, mới đầu Diêu Viễn còn thấy mới mẻ, nghe một hồi lâu lại thấy đau đầu.

Đàm Duệ Khang đi lại cười hỏi, "Ồn không?"

Diêu Viễn đập muỗi, thừa nhận, "Đúng là ồn quá sức."

Trong phòng không có màn cũng chẳng có quạt máy, Đàm Duệ Khang cầm quạt hương bồ quạt tới quạt lui, Diêu Viễn khó chịu muốn chết, "Nóng dễ sợ."

"Lúc anh mới lên thành phố ở cũng không thấy quen, cảm thấy xe cộ thật ồn ào, tối rồi mà đèn vẫn cứ sáng trưng như vậy. Em tĩnh tâm lại rồi sẽ không thấy nóng" Đàm Duệ Khang nói, "Hay là qua phòng bà mượn quạt máy?"

Diêu Viễn vội bảo không cần đâu, nhà có mỗi cái quạt, nó làm sao dám lấy quạt của bà dùng đành phải chấp nhận số phận.

Nó ngả lưng xuống chiếu ngủ, không đắp chăn, mặc mỗi cái áo thun ba lỗ và quần lót boxing, chỉ có tay với cổ phơi nắng là hơi đen sạm đi, còn lưng với đùi thì vẫn cứ trắng trẻo như thường.

"Ước gì anh được như em, dang nắng cũng không bị đen." Đàm Duệ Khang vừa nói vừa đi ra ngoài, không biết làm gì.

Diêu Viễn mơ mơ màng màng đáp, "Vì em là Poko mà."

Đàm Duệ Khang cười, Diêu Viễn chợp mắt được một lát thì nghe Đàm Duệ Khang nói bên tai, "Đừng nằm sấp ngủ em."

Diêu Viễn lật người lại, nó cảm giác được Đàm Duệ Khang cũng lên nằm rồi, hai anh em ngủ chung một giường, Đàm Duệ Khang mặc quần cộc rộng thùng thình, ở trần. Đêm hè khá oi bức, Diêu Viễn ngủ chập chờn hết xoa cổ lại xoa mặt, cả người ra mồ hôi ướt đẫm khó chịu muốn chết.

Hồi sau có một luồng gió mát phả qua, Viễn thoải mái thở ra một hơi khoan khoái. Cơn gió chẳng được bao lâu thì ngừng thổi, Diêu Viễn lại thấy nóng, bực dọc quay qua nhào vô người Đàm Duệ Khang, hai cơ thể cọ vào nhau, Đàm Duệ Khang uống một đống rượu người nóng rực, Diêu Viễn đụng một cái là tỉnh ngay, thế là lại có gió mát thổi qua.

Diêu Viễn, "?"

Nó dán mặt vào miếng ngọc bội lệch sang một bên trên cổ Đàm Duệ Khang, đùi cọ tới cọ lui, áp vai lên lồng ngực nóng hổi của anh.

Đàm Duệ Khang định thần lại, ngáp một cái rồi tiếp tục lơ mơ quạt cho Diêu Viễn. Diêu Viễn nghiêng đầu dòm, thấy Đàm Duệ Khang nửa mơ nửa tỉnh phe phẩy đuổi muỗi cho nó, bèn nói, "Để em."

"Anh quạt được rồi." Đàm Duệ Khang ngáp, "Em uống nước không?"

Diêu Viễn bò dậy hớp miếng nước, tỉnh táo lại, mở di động ra nhìn, mới ba giờ hơn.

Nó lấy cây quạt bắt chước Đàm Duệ Khang phe phẩy, chưa được chục lượt đã thấy tay tê mỏi.

Ông giời ơi, Diêu Viễn than trời như bọng, cả đàn muỗi bu xung quanh, làm sao mà sống nổi tới ngày mai đây. Đàm Duệ Khang ngủ một lát còn lẩm bẩm, "Qua mai là ổn rồi, mai có màn."

Diêu Viễn ngủ đến nửa đêm thì cả người toàn là vết muỗi đốt, đập tới đập lui, bên tai còn có tiếng vo ve không ngớt, nó sắp điên rồi. Nó la lên một tiếng, giường thì chẳng rộng gì, nghiêng người cái là đụng Đàm Duệ Khang, nó cũng chẳng buồn nhích ra nữa, bèn trở mình tựa nửa người lên Đàm Duệ Khang, khó chịu nhích tới nhích lui, cọ người với chiếu cho đỡ ngứa.

Đàm Duệ Khang, "..."

Đàm Duệ Khang bị nó cù đến mức cả người bứt rứt, bên dưới có phản ứng sinh lý, nuốt một ngụm nước bọt, cả hai đều tỉnh lại.

Đàm Duệ Khang tỏ ý bảo Diêu Viễn nằm ngay ngắn lại, nó ngủ chảy nước dãi, chép chép mấy cái rồi lại dụi vào vai Đàm Duệ Khang. Đàm Duệ Khang để Diêu Viễn gác đầu lên tay mình, tay kia vòng qua sau cổ nó, quạt nhè nhẹ.

Diêu Viễn đuối quá rồi, cuối cùng cũng thiêm thiếp ngủ.

Một đêm ngủ thôi cũng mệt trần ai, Diêu Viễn có thói quen ngủ không tốt, mùa đông quấn chăn kín mít, mùa hè bật máy lạnh nhiệt độ thấp ôm chăn ngủ, quen ngủ phải có chăn ôm, đến khi không có chăn thì lại mò mẫm cái thay thế, bèn quay qua ôm Đàm Duệ Khang.

Mỗi lần nó sực tỉnh là lại thấy mình đang quấn người Đàm Duệ Khang cứng ngắc, tuy xấu hổ nhưng không kiểm soát được hành vi đó, lại trở mình ngủ tiếp.

Đến khuya lơ khuya lắc trời mới mát mẻ hơn đôi chút, chân Diêu Viễn gác lên Đàm Duệ Khang, nó nằm nghiêng ôm đối phương, dụi tới dụi lui, ngoài kia sét đánh đùng đùng, cảm giác oi bức thoáng chốc bị quét đi sạch sẽ, trời mưa rồi.

Đàm Duệ Khang giật mình bật dậy chạy ra ngoài thu đồ chăn màn, lúc trở vào lấy cái chăn mỏng đắp cho cả hai đứa, Diêu Viễn bắt đầu thấy chớm lạnh, Đàm Duệ Khang bèn ôm nó lại gần, để Diêu Viễn gối đầu lên tay anh ngủ tiếp.

Lúc Diêu Viễn tỉnh giấc thì trời đã sáng, nghe loáng thoáng Đàm Duệ Khang nói chuyện với bà ngoài kia, cảm nhận anh ta tiến lại gần chỗ nó mắc màn, cơn ác mộng kết thúc rồi. Nó trở mình, nằm sấp mặt trên chiếu ngủ tiếp.

Ngoài kia trời vẫn còn tù mù, cơn mưa to đang đổ trên khắp mọi nẻo, buổi sớm như vậy ngủ rất thích, trong lúc lơ mơ ngủ dường như đụng phải Đàm Duệ Khang. Diêu Viễn ngáp dài một cái, tỉnh hẳn.

"Mấy giờ rồi?" Trên mặt Diêu Viễn toàn những vết lằn của chiếu và gối đầu, còn ưng ửng đỏ do vừa tỉnh giấc, nó rụt người vô chăn, quần còn hơi ươn ướt, nó nhận ra rằng tối qua mình đã mộng tinh!

"Hai giờ rồi." Đàm Duệ Khang buông quyển tiểu thuyết trên tay xuống, "Em muốn ăn gì? Anh nấu cho."

Mặt Diệu Viễn đỏ phừng, nó bị mộng tinh hồi nào thế? Hình như tối qua nó có mơ cái gì tầm bậy đâu, hình như nó chỉ mơ thấy một con chim ưng chiếm cái nóc nhà, sau đó con chim ấy bỗng nhiên nhào vô người nó...

Diêu Viễn lắp bắp, "Gì... gì cũng được."

Đàm Duệ Khang đứng dậy làm cơm, Diêu Viễn cũng nhanh chóng bò dậy thay quần lót. Nó nuốt nước bọt, ngồi bên thành giường, thấy trên bàn có nước, thế là mặc kệ là nước để súc miệng hay để uống, cứ tu hết đã, rồi đi ra ngoài múc nước giặt quần lót.

Tối qua nó thế mà lại mộng tinh, đã vậy còn là lúc ngủ chung với Đàm Duệ Khang.

Diêu Viễn càng nghĩ càng thấy mất mặt, nó nhớ mang máng đâu tối qua Đàm Duệ Khang còn nói gì đó với mình, nhưng nó nghe không rõ, nhưng mộng kiểu này chắc là ổng biết tuốt rồi, may mà không cười nhạo nó.

"Anh dọn xong rồi." Đàm Duệ Khang từ trong phòng đi ra, "Em ăn mỳ đi, anh có chần cho em hai quả trứng đó."

Diêu Viễn nói, "Em... tự nhiên nhớ là mình chưa giặt đồ."

Đàm Duệ Khang trêu, "Không cần phải giả bộ đâu, không sao đâu mà, anh hiểu mà, tối qua em nằm mơ thấy mình cưới vợ phải không, cứ ôm anh hun hít dụi dụi miết."

Diêu Viễn thoạt tiên là thộn mặt, rồi đỏ mặt đến tận mang tai, Đàm Duệ Khang bật cười ha hả, giục, "Đi vô đi, đi vô đi."

"Câm miệng!" Diêu Viễn bi phẫn rống lên, mặt như sắp khóc tới nơi.

Đàm Duệ Khang vỗ cuốn sách lên đùi bành bạch, trỏ mặt Diêu Viễn cười ha hả, cái vẻ khoái chí dòm y chang như con khỉ hồi xưa, nhìn như chẳng thay đổi xíu xiu nào, Diêu Viễn không khỏi nghĩ đến hình ảnh Đàm Duệ Khang đu trên bờ tường năm nào.

Diêu Viễn giặt quần lót qua loa, đổi bộ đồ sạch sẽ, áo sơ mi trắng quần tây dài, trông lại như thiếu gia, vô phòng khách ăn sáng, bà ngoại đeo kính lão ngồi đấy, có vẻ đã bình tĩnh hơn nhiều, bà đang đơm lại mấy cái áo cái quần bị quẹt rách trên đường đi du lịch của nó.

"Tiểu Viễn." Bà gọi.

"Dạ." Diêu Viễn sì sụp ăn mỳ, hôm qua ăn có nhiêu đâu, lại ngủ lâu nên giờ bụng đói meo, thấy món mỳ ngon lạ.

Bà cười hỏi, "Ăn ngon không con?"

Diêu Viễn gật đầu thưa, "Ăn ngon ạ, hương vị giông giống ba con nấu."

Bà bảo, "Mẹ con học nấu ăn từ ông ngoại, còn ba con thì học theo mẹ con mà."

Thảo nào, Diêu Viễn gật gù trong bụng, có hương vị gia đình. Từ bà đến mẹ, rồi lại từ mẹ đến ba.

"Diêu Viễn lớn rồi, lại đẹp trai thế này, có bạn gái chưa con?" Bà lại hỏi. Diêu Viễn suýt phun đống mỳ trong miệng ra, vội nói, "Không có ạ."

Bà còn bảo, "Chừng nào con lấy vợ, nhớ đưa cho vợ con cái vòng ngọc ông con cho đấy, phải dắt cháu dâu về cho bà gặp, còn phải cho bà bế chắt trai..."

Diêu Viễn thấy hơi xót xa, bà ngoại đã cao tuổi lắm rồi, còn hơi lẩn thẩn, hai ông bà ngày xưa không có cháu nội nên cưng chiều nó như cháu đích tôn, từ lúc học xong tốt nghiệp đại học đến lúc lấy vợ còn xa đằng đắng, không biết bà còn chờ được đến lúc đó hay không.

"Nhất định rồi ạ." Diêu Viễn hứa hẹn.

Bà cười nói, "Đừng tưởng bà già rồi, bà còn sống lâu lắm, nhất định có thể bế chắt, cưới vợ rồi phải dắt về cho bà coi, bà thẩm định cho cháu."

"Bà ơi." Đàm Duệ Khang bưng một cái ghế lẩu lại, "Tiểu Viễn còn nhỏ mà, phải lo học hành."

Bà gạt đi, "Hồi bà với ông làm đám cưới có mười sáu chứ mấy!"

Đàm Duệ Khang cười, ngồi ghế đẩu nhìn Diêu Viễn ăn, bà ngoại bắt đầu hồi tưởng lại mối tình ngày xưa của mình với ông ngoại, kể chuyện từ thuở xưa lơ xưa lắc nào, hồi cải cách ruộng đất, ông theo bộ đội xuống nông thôn, hai anh em cùng đi TS, bà là công nhân dệt may, bất chấp sự phản đối của gia đình đi theo ông ngoại.

"Bỏ nhà ra đi á." Diêu Viễn mắt tròn mắt dẹt, không ngờ hồi xưa bà ngoại nghĩ thoáng dữ vậy.

Gương mặt đầy nếp nhăn của bà thấp thoáng nụ cười lém lỉnh. Diêu Viễn hỏi, "Bà thích ông ở điểm nào?"

Bà trả lời, "Ông con đẹp trai." Diêu Viễn, "..."

Đàm Duệ Khang cười góp lời, "Tiểu Viễn phải thi đại học, không làm giống vậy được đâu."

"Học đại học là tốt." Bà gật đầu bảo, "Không gì tốt bằng học đại học, ba mẹ con đều là sinh viên, không giống ông cậu không chí tiến thủ của con. Ông bắt nó đi học, nó lại không chịu, khăng khăng đi nhập ngũ..."

Diêu Viễn ăn mỳ, nghe bà ngoại không ngừng khen ngợi ba mẹ nó, chẳng đả động gì đến Đàm Duệ Khang, y như coi anh ta là vật làm nền cho nó vậy.

Đàm Duệ Khang lại chỉ cười ha ha như không có gì, Diêu Viễn nhìn anh, Đàm Duệ Khang y như có thần giao cách cảm, chân mày khẽ giật giật, xua tay ý bảo không sao đâu, anh không cảm thấy gì hết.

Dường như bà ngoại không thích ba của Đàm Duệ Khang, rồi không thích lây luôn cả Đàm Duệ Khang. Từ bé bà với ông đã cưng nó như trứng mỏng, hứng như hứng hoa. Ăn cơm xong bà lấy socola nhân rượu cho Diêu Viễn ăn, nó không còn thích ăn cái này nữa, cắn một miếng rồi tiện tay đưa cho Đàm Duệ Khang luôn, Đàm Duệ Khang cầm lấy ăn, giống hệt như hai đứa lúc nhỏ.

"Tiểu Viễn nè, bà cho con cái này." Bà đưa cho hai gói thuốc lá hiệu Trung Hoa loại bao giấy, bảo, "Hút thuốc ít thôi con nhé."

Diêu Viễn Sực nhớ hôm qua lúc hút thuốc chờ mở cửa chắc bị bà thấy mất rồi, nó hốt hoảng vội nói, "Dạ thôi... bà ơi con không hút đâu."

Bà vẫn nằng nặc, "Cầm đi con, nè, đừng cho ba con biết."

Bà đi ngủ trưa, hai anh em ngồi sóng vai dưới mái hiên nhìn mưa rơi.

Diêu Viễn đưa một gói thuốc lá cho Đàm Duệ Khang, hỏi, "Chừng nào mình về?"

Đàm Duệ Khang đáp, "Ý em sao? Anh nghe theo em. Đợi mai mốt gì đó không mưa, anh đi viếng mộ ba anh rồi mình về."

Diêu Viễn nói, "Sao không đi loanh quanh nơi này nơi kia, hoặc đi chơi gì đó chứ."

Đàm Duệ Khang xắn tay áo ngắn lên cao thật cao, lộ ra toàn vẹn cánh tay rắn rỏi, rồi lại vén vạt áo thun lên lộ ra cơ bụng, cười bảo, "Em sống ở đây có quen không?"

Diêu Viễn đáp, "Đương nhiên có rồi, em rất thích không khí trong lành ở đây, thoải mái tự tại vô cùng."

Đàm Duệ Khang gật đầu, "Vậy hết mưa anh dẫn em đi chơi."

Đàm Duệ Khang cúi đầu đọc truyện, Diêu Viễn nhắn tin cho ba, ở vùng núi non sóng chập chờn lúc có lúc không, không thấy Triệu Quốc Cương nhắn lại.

Lúc Diêu Viễn chơi game trên điện thoại, đầu óc miên man suy nghĩ đủ chuyện, cũng có đủ loại cảm khái, nó có gì đáng để được tung hô khi quay về như vậy? Kỳ thực hết thảy là nhờ ba mẹ nó.

Nó tốt phước, sinh ra trong gia đình cha mẹ đều là sinh viên, Đàm Duệ Khang đã làm gì sai chứ? Anh ta biết chịu thương chịu khó, có chí cầu tiến, lại tốt tính, chẳng qua đầu thai nhầm chỗ, phải trải qua mười bảy năm hoang phí ở vùng thôn quê này, suýt nữa là không được học lên cấp ba. Nhớ lại thái độ của mình đối với anh ta ngày đầu đến nhà, Diêu Viễn thấy hối hận khôn nguôi.

Diêu Viễn gọi, "Anh hai."

Đàm Duệ Khang không ngẩng đầu lên, cười đáp, "Ừ."

Nếu như Đàm Duệ Khang nhớ không lầm, thì đây là lần đầu tiên Diêu Viễn mở miệng gọi anh là "anh hai".

Diêu Viễn bỗng muốn diễn đạt một điều gì đó, dùng một hành động giản dị để bộc lộ rằng nó cũng thương anh lắm, ví dụ như một cái ôm, hoặc một cái thụi tình cảm - nhằm biểu đạt sự thân thiết của hai anh em, nhưng nào giờ nó là con một, nó không biết phải dùng ngôn ngữ hình thể biểu đạt thế nào cho đúng đắn mà không mắc ói.

Giống như nó với Tề Huy Vũ, hai đứa lúc nào có thần giao cách cảm là lại cười phá lên, Tề Huy Vũ đè nó xuống hun chùn chụt, bảo, "Poko ơi tao thích mày quá, chúng mình làm bạn mãi mãi nhá."

Diêu Viễn dĩ nhiên không thể hun Đàm Duệ Khang, nó mà hun thiệt là chắc cú cả hai đều thấy như đớp phải ruồi cho xem.

Nó suy nghĩ thật lung, cuối cùng khoác tay lên vai Đàm Duệ Khang.

Đàm Duệ Khang đang vùi đầu trong sách ngẩng lên ngó nó, Diêu Viễn bảo, "Những lời bà ngoại nói, anh đừng để trong lòng."

"À." Đàm Duệ Khang tiếp tục đọc sách, cười nói, "Người già hay bất công như thế mà, nói miệng vậy thôi, bà thương em thì có khác gì thương anh chứ, không sao đâu."

Bình luận

Truyện đang đọc