Vừa về đến nhà, tôi đụng ngay bố tôi ở cổng, ông nhìn định hỏi tôi sao về muộn, nhưng khi mắt vừa đưa xuống thấy cái kẹo sặc sỡ cắm trên ghi-đông xe thì bố tôi lại cười ha hả, xoa đầu tôi khen:
- Thế mà làm bố lo mãi, thằng này khá thật, mới đầu năm học đã có quà rồi. Thôi vào ăn cơm đi, mẹ đang chờ, tý nữa bữa cơm bố con ta nói chuyện tiếp.
Tôi lên phòng thay đồ rồi xuống ăn cơm mà trong lòng như ngồi trên chảo rang. Bố tôi kẻ với mẹ về cái kẹo m út kia, rồi sau đó thì lại bảo tôi hơn cả bố, năm lớp 10 đã có đối tượng rồi, con hơn cha là nhà có phúc. Nhưng sau đó, chủ yếu toàn là bố kể về quá trình cưa đổ mẹ trong suốt 3 năm ròng rã.
Buổi chiều, còng lưng làm hết chỗ soạn Văn và tụng xong đống công thức Toán, tôi tự thưởng ình bằng một vòng đạp xe dạo quanh, hôm nay thử đi vào mấy ngõ nhỏ nhỏ xem có thông sang đường khác được không. Tôi có sở thích đi dò đường ở Hà Nội, nhiều lúc đi cả buổi cũng chỉ dò thêm một ngõ mới, một đường tắt mới. Cái cảm giác thích thú khi được luồn lách trong những con ngõ nhỏ, hơi ẩm lạnh tỏa ra từ những bức tường rêu phong, khi đi vào trong một cái ngõ, tôi như tách rời hẳn với một Hà Nội ồn ã, xô bồ, có thể từ từ đạp xe nhẹ nhàng, sống chậm lại và suy tư một chút.
Bữa trước, lúc tránh tắc đường tôi có đi qua một cái ngõ bé tí nhưng lại thông vào một khu dân cư rất rộng, có cả một công viên nho nhỏ cho người già và trẻ con trong khu ra chơi nữa. Hôm nay tôi nhất quyết phải vào trong đó khám phá thêm nhưng ngã rẽ khác.
Thả hồn vào trong những suy ngẫm về cuộc sống xung quanh, tôi đi chầm chậm hết cả chiều dài của con ngõ sâu hun hút, đến tận khu dân cư bên trong. Lặng yên ngắm nhìn những ngôi nhà cổ kính với dàn hoa trước hiên, với những chậu cây xi măng trồng lay lắt bên bờ tường, cảm thấy thật hạnh phúc khi nhìn hai bà cháu nhà nọ đang tập đi xe đạp. Đi tiếp vào thì tới công viên nhỏ, trong công viên này thì lại khác hẳn với những công viên tôi thường thấy. Không có hàng quán, không có thanh niên tản bộ hay sinh viên ngồi học bài, cả khu công viên nhỏ chỉ có vài cái xích đu, một ô nhà cầu trượt trong góc và hai mái nhìn như đình vọng phong. Tôi từ từ dựng xe, hít một hơi thật sâu và đi sục sạo những ngõ ngách trong cái công viên này. Bất chợt, lọt vào mắt tôi là hình ảnh một đứa con gái tóc ngắn, mặc áo phông quần ngố đang nằm vắt vẻo trên mái của cái nhà cầu trượt, nhìn thẳng lên tán lá xanh rì. Là con An đanh đá hay gây khó dễ cho tôi mà. Nhưng sao lúc này nhìn trông nó hiền quá, hệt như một chsu mèo con lười nhác nằm đó. Khe khẽ nhón chân định leo lên trên nóc, chợt tiếng cát, vụn vang lên lạo xạo dưới đế giày tôi, con An thò đầu nhìn xuống, trông thấy tôi đang cố leo lên, nó xì dài một tiếng, ngán ngẩm:
- Chỗ này mà cũng mò vào được à? Mà có biết leo không đấy, chới với lại lộn cổ ra đấy thì không ai đền đâu nhớ!
Xong nó nằm trên đó, chống cằm xem tôi leo lên. Nghe giọng điệu con An có chua ngoa nhưng xem ra nó không có vẻ gì là khó chịu khi thấy tôi ở đây cả, lúc tôi bật người leo nốt rìa mái để lên nóc, còn đang cào cào chân tìm chỗ bám thì tự nhiên con An chìa tay ra cho tôi nắm lấy, rồi kéo tôi lên mái. Bàn tay con gái nhỏ bé và mát thật, nhìn bán tay thuôn nhỏ nằm gọn trong bàn tay dài chữ Mộc của tôi, cố kéo tôi lên, tự nhiên mọi ác cảm trước đây của tôi về con An bỗng tan biến hết cả.
Ở trên mái, tôi nằm dài ra bên cạnh nó, còn nó thì như không quan tâm đến sự hiện diện của tôi, vẫn lặng im nhìn lên tán lá. Tôi cũng nhìn theo, thỉnh thoảng lại ngó sang nhìn lén con An. Khuôn mặt cau có, ngạo nghễ trên lớp giờ chỉ còn là một khuôn mặt đang nheo nheo mắt nhìn lên tán lá, phảng phất một cái gì đó yếu mềm, trốn tránh ẩn sau mái tóc cắt ngắn, bộ mặt thản nhiên trước mọi chuyện kia. Lúc này, trông con An hiền lắm, chẳng biết do khung cảnh tĩnh lặng xung quanh tạo nên hay là do cái ngang bướng của nó đã phủi mất hoàn toàn trong nơi bí mật này?
Phá vỡ sự im lặng giữa hai đứa, tôi cất tiếng hỏi:
- An này!
Nó đáp bâng quơ:
- Gì thế?
- Cho mình xin lỗi chuyện hồi sáng nhé. Mình nặng lời quá.
- Tưởng cái gì. Đã qua thì cho qua luôn đi. Đàn ông con trai gì mà nhớ lâu thế!
Tôi thở phào nhẹ nhõm, dè dặt hỏi nó:
- Nghe nói hồi trước An rất nổi ở trường cấp 2 phải không? Sao tự nhiên lên cấp 3 lại khác thế?
Chợt con An ứa nước mắt, nó quay mặt đi chỗ khác, lau vội giọt nước mắt bất chợt kia, giọng nghẹn lại mà cố bình thản, đáp:
- Chẳng sao cả. Từ nhiên thích thế thôi! Mà đừng xưng hô mình tớ thế nữa, gọi mày tao đi cho dễ nghe!
Tôi ngồi bật dậy, nhìn thằng vào mắt nó, hỏi:
- Có chuyện gì khó nói cứ trút hết ra đi. Còn hơn là giữ mãi trong lòng. Mình…Tao với mày là bạn bè mà, chia sẻ bớt đi chút nào hay chút đó.
Nó ngồi dậy, ngạc nhiên hỏi tôi:
- Là bạn hả? Bạn kiếm dễ vậy hả?
Tôi đáp:
- Nếu mày muốn!
Con An bặm môi, rồi giọng nhỏ xíu, kể ngắt quãng:
- Năm lớp 9, bố mẹ tao có xích mích. Hai ông bà chuẩn bị ly dị nhau, đơn kí hết cả rồi, chỉ còn chờ ngày ra tòa nữa thôi. Tao chẳng biết gì về chuyện đó, chỉ đột nhiên một bữa cơm tối nge mẹ tao hỏi: "Bố mẹ không ở được với nhau nữa. Con định theo ai?" Tao không tin vào tai mình, hỏi đi hỏi lại mấy lần mới biết tao không nghe nhầm, bố mẹ tao sẽ ly dị thật!
Nước mắt nó lại lăn dài trên má, nó lấy cổ tay cố chùi đi nước mắt. Cúi gằm mặt xuống, nghịch nghịch mấy viên sỏi, giọng nghẹn đắng kể tiếp:
- Tao bị sốc nặng. Học hành sa sút hẳn, giữa kì 2 thì mất chức cán bộ lớp, điểm số cũng tụt dốc nhanh chóng. Những đứa trước hay đi cùng tao, giờ thấy tao không nổi tiếng trong trường nữa, không còn xe đưa xe đón, bố mẹ cung phụng cho nhiều tiền nữa thì bỏ tao sang xun xoe với con khác. Nhìn xung quanh mình tao nhận ra chẳng có ai là bạn hết, chỉ toàn lũ cơ hội. Chán chường, tao uống thuốc ngủ tự tử nhưng bố tao phát hiện kịp, đưa đi bệnh viên rửa ruột nên cứu được. Hai ông bà sau cái đợt chăm tao nằm trong viện, nhận ra là còn yêu nhau lắm nên không xé đơn, lại ở bên nhau. Coi như tao uống thuốc không uổng.
Sau vụ đó, tao ra viện, cố lấy lại điểm sô, lại được cung phụng như trước, lúc đó bọn xun xoe kia lại quay lại đi bên cạnh tao. Nhưng tao chẳng còn tin ai nữa, chửi thẳng mặt chúng nó rồi hôm sau tao cắt tóc ngắn, đem mớ tóc đã cắt đên lớp quẳng vào mặt một con, bảo: " Tao với chúng mày chắc cũng chẳng hơn mớ tóc này đâu. Thích thì cắt, thích thì để, nhưng tóc cắt rồi thì đừng có nối lại!" Rồi tao cạch mặt luôn chúng nó còn chúng nó đi khắp khối bêu xấu tao. Lên cấp 3, tao vẫn để tóc tomboy như nhắc nhở bản thân rằng đừng tin ai cả, không có bạn bè thế đâu.
Nói xong, hai mắt con An đã đỏ hoe, nó im lặng không nói gì nữa, tôi cũng im lặng. Một lúc, tôi bảo nó:
- Thử tin ai đó một lần nữa đi. Có tao này, tao làm bạn mày! Dù có chuyện gì thì mày cứ biết rằng sau lưng mày luôn có thằng Hưng này.
Nó nhìn tôi hồi lâu, cắn chặt môi, rồi thở dài đáp:
- Được. Từ giờ tao và mày là bạn nhé. Ngoéo tay thế nào!
Nói đoạn, nó đưa bàn tay bé nhỏ ra, chìa ngón út ra, tôi móc ngón út mình vào ngón út nó, cười bảo:
- Thề nhé. Làm bạn tốt suốt đời!
Con An đột nhiên cười rạng rỡ, lần đầu tiên tôi thấy nó cười. Một nụ cười thật đẹp, nụ cười của lòng tin và hi vọng vào tình bạn mới.