PHƯỢNG HỒNG VÔ TÂM - TIẾNG CHUÔNG GIÓ


Trên lớp dạo này có không khí Noel ra phết, đứa thì bàn mua cây thông trang trí lớp, đứa thì bảo hay lớp tổ chức chuyến dã ngoại cho vui, đứa thì ngán ngẩm kêu không đi đâu được vì bố mẹ không cho đi chơi về muộn,… Ngẫm mà sợ thật, còn năm nữa là thi ĐH rồi mà chúng nó cứ phởn phơ thế này, khéo tốt nghiệp cũng tạch chứ chẳng nó ĐH. Nhân giờ truy bài, tôi ngồi tán phét với thằng Minh:
- Này! Chú thấy tình hình lớp thế này có ổn không? Chơi dông dài mãi này, tao lo lớp trượt vỏ chuối hết mất.
Nó phẩy tay, chép miệng đáp:
- Dào ôi! Học hết sức, chơi hết mình, tao làm thử mấy cái đề ĐH rồi, dễ ẹc, làm như trêu ngươi thí sinh. Hôm nọ tao tự bấm 180 phút, ngồi rung đùi làm hết có 120 phút, ba hôm làm thì tổng điểm 26, bù trừ cho tâm lí đi thì cũng bét ra phải 21-22 điểm, tốt chán. Có thế thôi mà mấy bố 12 kêu như cháy đồi.
- Cái đm mày, ngu vãi cứt! Mày là quái vật mẹ nó rồi, đầu óc mày bẩm sinh học Tự nhiên tốt nên không nói làm gì. Mày nghĩ là lớp này đứa nào nó cũng biến dị giống mày hả?
- Rách việc, sống nuôi chết chôn, có gì mà xoắn cả quẩy. Thôi, bố đi ngủ đây, tối qua thức cày nốt con Thiếu Lâm, mãi gần sáng tao mới ngủ.
- Mẹ cha mày, nhắm mắt xong thì đừng mở nữa nhé, suốt ngày điện tử, rồi trắng mắt ra.
- Nói nhiều quá! Oáp….!
Thằng Minh giơ tay che mồm ngáp, nằm gục mặt xuống bàn, không quên dặn với lại:
- Này, tí nữa Thuấn đít bò vào thì gọi tao nhớ!
- Ờ! An giấc ngàn thu nhé!
Tôi thở dài ngao ngán, ngó thấy nó nằm chình ình ra ngủ như lợn mà phát bực. Đúng là ông trời có sở thích quái dị thật, toàn ấy thằng “não to” như thế này thông minh hơn người xong chêm thêm vào nó cái tính cách dị hợm chẳng giống ai.
Nhìn quanh lớp thấy những “học sinh ưu tú” đều đang tí tởn đánh bài, cờ caro, tán phét bay nóc nhà mà khiếp. Thôi, bể học vô biên, quay đầu là bờ vậy!
Mà nãy giờ không để ý, hình như con An nó đang nhóp nhép cái gì thì phải, nhìn từ đằng sau thấy hai má nó rung rung như con chuột cũng đủ biết rồi, lại được thêm cả Thy hạt mít với Hồng đỏng đảnh cũng túm túm lại ăn nữa. Tôi túm đuôi tóc nó kéo một phát, gọi:

- Ê Búp! Lại ăn cái gì đấy?
Nó đáp gọn lỏn:
- Ăn hạt điều!
- Á à ăn mảnh khó đẻ nhé!
- Lúc nãy tao mời mày có trả lời gì đâu, cứ mải tâm tình với dì Minh cơ.
Con Hồng túm áo con An, cười rúc rích:
- Anh ơi! Cho con nó một miếng!
Tôi sửng cồ lên:
- Láo toét! Tao bẻ răng cả lũ giờ!
Ba đứa chúng nó không thèm đoái hoài gì, ôm nhau cười rũ rượi.
Nhắc đến chuyện “con cháu” mà tôi lại tức anh ách. Bắt đầu phải là từ chuyện tôi, Búp Bông và Hồng chơi thân với nhau. Tôi với Hồng thân thì thân thật nhưng cũng may là mình xác định rõ chỉ là bạn, chứ thêm một Búp tồ suốt ngày vẩn vơ trong lòng tôi chắc tôi điên mà tự tử mất. Nhưng cái may bao giờ cũng đi kèm cái rủi, hai đứa An- Hồng hình như hai chị em sinh đôi thì phải, cái gì chúng nó cũng giống nhau, cả hai đứa đều háu ăn với thích làm đẹp cả ngày không chán. Dần dà, hai đứa nó đến trường là mặc đồ y hệt nhau, cặp sách y hệt nhau, kiểu tóc, kẹp tóc cũng thế. Ở nhà thì không sao chứ ở trường thì cứ vài hôm là con Hồng nó lại bắt cóc Búp Bông của mình đi đâu mất. Mà rắc rối nó không chỉ dừng ở đấy, đỉnh điểm phải là khi lớp tôi chơi trò gia đình, đứa này là vợ chồng, ông bà, cô dì loạn hết cả lên. Chẳng hiểu sắp xếp kiểu gì mà con An với con Hồng là vợ chồng, còn tôi lại là con chúng nó! Từ dạo ấy, suốt ngày con Hồng nó lải nhải: “Con ơi” “Con à”, “Thằng con bất hiếu, sao mày không làm bài ẹ?”,… Bao lần mình dọa mà chúng nó không biết sợ, lại được thêm cả Búp Bông tồ tồ bị nó dụ khị, hùa theo bắt nạt mình.
Chuyện về mấy trò tai quái của con Hồng với tôi thì nhiều lắm, thân thì thân thật mà suốt ngày nó bày đủ trò quái ác ra để trêu tôi. Tôi lúc nào cũng tỏ ra khó chịu với nó nhưng thực lòng lại thấy vui vui thế nào đó. Lâu dần thành quen, tôi quen luôn với việc dè chừng nó giở trò phá phách bất ngờ. Cứ quen quen mãi như vậy cho đến ngày nó mất, chẳng còn ai trêu tôi nữa.
-----------------------------------------------------------------------
Trên lớp cứ học, thời gian cứ trôi, những bài kiểm tra dồn dập khiến mọi người quên bẵng cả Noel, bao nhiêu kế hoạch chuẩn bị mà giờ bỏ cả. Ở sân võ dạo này cũng tập để thi lên đai căng lắm, tôi chạy ngược chạy xuôi như con thoi, lúc nào cũng thấy việc là việc, chẳng bù ấy lúc rảnh rỗi đi chơi lông bông.

Một hôm, đang ngồi chờ để chuẩn bị đấu giao hữu với sân võ khác thì có thằng lớp 8 năm nhất vào nháy tôi:
- Anh Hưng ơi! Tên đầy đủ anh là L.T Hưng à?
- Ừ!
- Thế thì có chị gì tìm anh ngoài kia đấy!
Tôi ngạc nhiên, vội xin phép thầy rồi ra chỗ Tam Quan xem ai đến tìm. Vừa ra thì thấy con An đang lấp ló đứng ngoài ngó vào, vẫy vẫy tôi lại. Tôi chạy ra, cằn nhằn:
- Mày hay nhỉ? Không ở nhà lại mò đến đây, làm sao mày biết chỗ này mà đến?
Nó cười hì hì;
- Ờ nhà mãi chán lắm, tao ra đây xem mày tập cho vui.
- Dở hơi, về đi không thầy thấy lại mắng giờ.
- Lè, thích đuổi hả, đã thế tao cứ ở đây phá mày đấy.
Đang nói chuyện thì thằng bé lúc nãy lại ra, nó bảo:
- Anh ơi! Cụ bảo anh vào nhanh. Cả chị gì kia nữa!
Hai đứa tôi ngạc nhiên không hiểu làm sao, nhưng cũng cứ vào theo thằng bé. Vào đến nơi, thấy có con bé xinh xắn lẵng nhẵng đi sau tôi thì cả sân ồ lên, xôn xao như chuyện lạ lắm. Cụ giáo gọi hai đứa lại, cười bảo:
- Đã đến rồi thì con ở lại xem, lát thằng Hưng nó lên đấu.

Con An cười toe, khoanh tay cảm ơn cụ rồi ngồi xuống cạnh tôi, hai đứa quan sát từng lượt đấu đối kháng giữa hai sân võ, sau mỗi lượt đấu là nó lại kín đáo rỉ tai tôi mấy lời bình phẩm về hai người vừa đấu. Cứ thế cả buổi chiều, cuối cùng cũng đến lượt mình. Tôi đứng lên, bước ra sân khởi động, dõi mắt nhìn xem đối thủ của mình là ai. Tiếng thầy trọng tài dõng dạc hô:
- Số 51 xanh- L.T Hưng đấu số 17 đỏ N.Q Duy. Kiểu đấu: Trường côn. Cả hai có 10 phút khởi động.
Hết thời gian khởi động, tôi cầm cây côn bước vào vòng tròn, con An ở ngoài nói vọng theo cổ vũ:
- Hưng ơi cố lên!
Tiếng hô “Đấu” vừa vang lên, đối thủ bên kia đã vung tít trường côn xoay quanh người một vòng rồi đập xuống đất đánh uỳnh một tiếng để thị uy. Tôi đưa về thế ra công, hất hàm khiêu chiến trước. Cả hai vờn vờn nhau quanh vòng tròn, lừ mắt chú ý từng điểm để tìm sơ hở. Nhận thấy thế thủ của Duy có chỗ trống ở đầu gối, tôi bất thần lao vào đánh dử một đòn bổ xuống vai rồi đột ngột điểm đầu côn vào đầu gối nó. Duy bình tĩnh lách người định né đòn giả rồi khua côn gạt đòn vào đầu gối, tiện tay vuốt mạnh một đường sượt qua cằm tôi. Thấy đòn hiểm, tôi vội vàng lạng người sang một bên, rạp hẳn xuống rồi vung côn đập liên hoàn vào hai bên hông đối thủ. Duy đỡ được gần hết, chỉ bị trúng 2 đòn, bù lại nó đánh trả trúng một đòn ngay vai tôi. Hai bên xông vào quần thảo, tiếng gậy gõ chan chát đinh tai, toàn đánh kiểu ăn miếng trả miếng. Càng về sau, tôi càng trúng đòn nhiều mà đánh lại thì ít, toàn vừa lùi quanh vừa thủ. Thấy được thế thắng, Duy lướt người đến điểm ngay vào khoeo chân tôi một côn. Nhưng không hiểu nó ra đòn kiểu gì mà đang đánh thì lệch hẳn đi, tôi chớp thời cơ vít côn nó xuống rồi xoáy sang hất đi, tước luôn vũ khí. Sau này tôi mới biết là trận đó tôi cực kì may vì thằng Duy có tật ra mồ hôi tay nhưng không chịu dùng bột, do vậy nên nó mới đánh hụt, bị tôi tước mất côn. Còn không cứ dây dưa thêm thì tôi thua chắc vì thực lực nó trội hơn hẳn tôi, lại lì đòn nữa. Có lẽ trận đấu đó cả đời tôi không bao giờ quên được vì chỉ đấu giao hữu thôi mà tôi suýt ăn một côn vào yết hầu, lại còn được kỉ niệm một vết sẹo ở bắp tay nữa.
Kết thúc trận đấu, con An chạy ngay ra chỗ tôi xem, nó lo lắng hỏi:
- Có sao không ? Tao ở ngoài sợ chết khiếp này!
Tôi mìm cười, kêu chẳng làm sao cả. Cuối giờ về, từng lượt môn sinh vào sau hậu đường để cụ giáo với thầy bóp thuốc, xem xét vết thương. Đến lượt tôi, cụ giáo vừa xoa thuốc vừa hỏi:
- Con bé kia, là bạn gái con đó hả Hưng?
Tôi bối rối đáp:
- Dạ không ạ, chỉ…chỉ là bạn bình thường thôi ạ!
Cụ cười hiền từ:
- Bạn hay không thì trời biết đất biết, còn biết chứ cụ sao biết. Nhưng mà con bé nó thương con lắm đấy!
Thấy tôi ngạc nhiên, cụ bảo:
- Hồi đầu hè nó cũng đến đây rồi, nhưng cụ thấy nó ăn mặc không hợp chốn linh thiêng nên không cho vào. Mấy lần sau, thi thoảng ngày con tập là nó lại nấp trên bờ tường nhìn, con chuẩn bị về thì nó cũng về. Cụ đi sát lại tường rồi nhìn lên chỗ nó nấp thì nó ra dấu giữ bí mật nói là chỉ xem con xong đi luôn, không phải trộm cắp gì sất nên cụ cũng thôi. Cụ bảo nó thích vào thì cứ vào nhưng nó lắc đầu, cứ ở ngoài ngó vào trong xem con tập. Mấy lần cụ cũng định bẩu con nhưng mà thôi, chuyện này thì để đôi trẻ nó tự lo.
Nói đoạn, cụ cười khà khà còn tôi thì đỏ bừng mặt. Rõ thật là, tồ đến thế là cùng, toàn tự làm t ình làm tội mình. Tôi hỏi cụ:
- Ơ nhưng sao hôm nay nó mới vào ạ?

Cụ lắc đầu;
- Đầu óc cánh đàn bà con gái, đố ai nói đàn bà sâu sắc cũng chỉ như cơi đựng giầu. Nhưng cụ bẩu này, con bé ý, nó tốt với con lắm đấy, đừng phụ nó con nhớ! Phải tội lắm.
Tôi im lặng gật đầu, lát sau chào cụ ra về. Ra cổng đã thấy nó đứng chờ sẵn rồi, nó cười hồn nhiên, gọi tôi:
- Ngố thắng nhé! Đấy là có tao làm thần may mắn của mày đấy.
Tôi cũng cười mà lòng mặn chát, đèo nó về tôi cứ nghĩ mãi: “Hôm nay còn có mình đèo về, vậy chứ mọi khi nó đến rồi về bằng cách nào? Chẳng lẽ đi bộ à!”. Tôi hỏi;
- Này! Thế mày đến đây kiểu gì đấy?
- Dốt thế, tao đi xe đạp đến rồi gửi xe ở nhà bác tao ngoài đầu đường xong tao đi bộ vào.
- Đi bộ vào cũng mất 1 cây đấy, mày không sợ mỏi chân à?
- Kệ, đi có mỗi một hôm!
Nghe câu đi có mỗi một hôm, tôi đau nhói tận tim. Dừng xe gần nhà nó mà tôi cứ dùng dằng mãi, nó thấy lạ, ngô nghê hỏi:
- Bi ngố! Làm gì mà như ngơ ngẩn thế?
Tôi kéo nó vào lòng, ôm chặt lấy, thấy nó bé nhỏ, mỏng mảnh thế mà cứ chịu khổ chỉ vì thằng như tôi, nào tôi có tốt đẹp gì cho cam chứ! Đúng là điên mà! Tự làm khổ mình có đáng đâu.
Nó thấy tôi ôm thì ngỡ ngàng, hai tai nóng bừng lên, ngượng nghịu vòng tay ôm ngang người, tựa đầu vào ngực tôi. Sờ phải vết băng trên lưng tôi, nó nói như van lơn;
- Lần sau…lần sau mày đừng đấu kiểu đấy nữa, nhỡ làm sao thì mày bỏ tao chơi một mình à! Tao sợ lắm…sợ lắm! Coi như tao xin mày đấy, đừng đấu nữa nhé!
Tôi gật đầu, nói “Ừ!” mà giọng nghẹn đắng, bất chợt giọt nước mắt tôi lăn dài trên má, nhỏ tách xuống vai nó. Lần đầu tiên, tôi thực lòng khóc vì thương ột người con gái!


Bình luận

Truyện đang đọc