TIỆM CƠM NHỎ THÀNH TRƯỜNG AN

Gió thu phơ phất, chính là thời điểm thích hợp để ăn cá.

Bậc trí thức tao nhã xem trọng “thuần lư chi tư*”, Thẩm Thiều Quang lại xách về hai con cá nheo dài hơn hai thước.

*Trương Hàn (nhà văn đời Tây Tấn) thấy gió thu nổi lên, chợt nhớ rau cô, canh rau nhút (thuần), nem cá lư (lư) ở quê Ngô Trung, bèn nói: “Đời người quý ở chỗ được thỏa ý, sao có thể làm quan tha hương mấy ngàn dặm để cầu danh tước!”

Cá nheo cũng không phải thứ đắt đỏ gì, không thể so được với mấy loại đắt hàng được giá như cá mè, cá chép, cá rô, cá lư, có câu thơ tả nó rằng “ngu bướng bậc nhất*”, rất là thiếu vẻ lịch sự tao nhã. Nhưng bà chủ một tiệm ăn nhỏ đầu đường như Thẩm Thiều Quang thì để ý mấy chuyện lịch sự tao nhã làm gì?

* Trích “Bài ca xem thả cá” của Lư Đồng. [tác giả]

Loài cá nheo này có sức sống rất mãnh liệt, ra khỏi nước một hồi mà vẫn còn quẫy đuôi bình bịch, nếu không đề phòng bị đuôi cá đập vào chân thì thật sự rất đau – cái khác chưa nói, tính cách này thật đúng là “ngu bướng”.

Thẩm Thiều Quang hơi phiền lòng, không biết lát nữa phải làm thịt nó thế nào, lại không khỏi nhớ tới kiếp trước chả phải lo mấy chuyện làm thịt cá thế này, đến cả cắt thành khúc cũng không phải lo, cứ đưa ra cửa hàng thủy sản là xong hết.

Lý nương tử ở cửa hàng vải vóc bên cạnh thấy Thẩm Thiều Quang xách cá thì hơi ngạc nhiên: “Loài cá nheo này béo thật! Chỉ là sợ nấu lên vẫn tanh mùi bùn!” Sau đó lại cười: “Thẩm cô nương khéo tay, đương nhiên nấu ra được mùi vị khác.”

Thẩm Thiều Quang chỉ cho nàng ta: “Lúc nấu thì cho thêm chút rượu chút gừng để khử tanh.”

Lý nương tử có thể xem là một người hâm mộ của Thẩm Thiều Quang, nghe được lời của Thẩm Thiều Quang thì như nhặt được của báu, vội hỏi: “Cho rượu gì? Cho bao nhiêu?”

Thẩm Thiều Quang dừng chân lại, đổi cá sang tay khác, hai con cá này cũng nặng lắm chứ chẳng đùa, xách một lát đã in hằn trên tay, sau đó nàng tiết lộ bí quyết nấu cá cho Lý nương tử: “Màng đen bên trong bụng cá phải xé cho sạch”, “Cả gừng và rượu đều cần”, “Cho thêm chút giấm chua nữa, khử tanh, cũng mau chín hơn”…

Lý nương tử gật đầu không ngừng, tiếc là không biết chữ, nếu không thì chắc chắn đã lấy sổ ra ghi chép lại rồi.

Cuối cùng cũng truyền thụ xong xuôi cho Lý nương tử, Thẩm Thiều Quang xách hai con cá tới cái hẻm nhỏ sau tiệm.

Biết Thẩm Thiều Quang không biết làm thịt cá, A Viên cầm một cái gậy gỗ: “Để ta!”

Thẩm Thiều Quang vội vàng tránh ra, nhường lại vị trí của mình cho nữ anh hùng.

A Viên tóm con cá, cầm gậy gỗ đập lên đầu nó.

Nhìn dáng vẻ như Võ Tòng đánh hổ, lại nhớ tới cảnh nàng ta một tay túm hai gã đàn ông say rượu, Thẩm Thiều Quang vội vàng kêu: “Đừng đánh nát!”

A Viên vội vàng thu lại sức lực trên tay, nào ngờ con cá kia lại tinh ranh như vậy, vận hết sức lực cuối cùng quẫy mạnh một cái, nhảy vọt qua đầu A Viên, khiến cả Thẩm Thiều Quang lẫn A Viên đều giật nảy mình.

Hai người bị dọa xong thì đều bật cười thành tiếng.

Thẩm Thiều Quang nói: “Thôi bỏ đi, cứ vứt bọn nó ở đây, ta không tin là ra khỏi nước rồi mà bọn nó vẫn không chết!”

A Viên không sợ như Thẩm Thiều Quang, bây giờ đã tìm được bí quyết, đặt con cá kia trên bàn đá xanh cạnh ang nước, cầm gậy gỗ đập hai cái, cá hoàn toàn không còn nhúc nhích nữa.

Thẩm Thiều Quang dựng ngón tay cái lên khen A Viên, A Viên cười đắc ý, cũng xử lý nốt con cá còn lại.

“Hai cái đầu cá hôm nay đều thuộc về ngươi!” Thẩm Thiều Quang cười nói. Hai người đều thích ăn đầu cá.

Cá nheo nhiều mỡ, thịt tinh mịn nhưng lại không đủ tươi ngọt, có lẫn mùi bùn đất, thích hợp để kho.

Thẩm Thiều Quang lấy một phần số cá mà A Viên đã xử lý xong xuôi lăn với bột súng rồi chiên giòn, một nồi khác thì cho dầu, đường, nước màu, sau đó cho cá, hành, gừng, hoa tiêu, hạt đậu khấu, lá thì là vào, lại cho thêm rượu, nước tương, giấm chua… làm món cá kho đơn giản mà phổ biến.

Nàng lại cắt cà thành từng khối to, chờ tới lúc sắp cạn nước thì cho vào cá – cái này do một anh hàng xóm người Đông Bắc chỉ cho: “Cá nheo hầm cà, ông già ăn chết no.”

Anh hàng xóm kia là một người rất sành ăn, thích nhất là mùa hè lái xe vào trong rừng bắt ve sầu về nhà rán ăn…

Cá nheo hầm cà có thể làm cho mấy ông già thời Đường chết vì no không thì chưa biết, nhưng quả thực là hương vị quá nồng đậm, lại thu hút một vị khách không mời: “Mùi này là cá hầm sao? Ta vừa vào cửa đã đoán ra rồi.”

Thẩm Thiều Quang cười: “Nghe mùi xuống ngựa, biết vị dừng xe.” Tam nương cũng coi như một người như vậy.

Thực ra cho dù là không nghe mùi không biết vị thì Lô tam nương vẫn thỉnh thoảng ghé qua, châm chọc Thẩm Thiều Quang vài câu, lại bị chọc ngược lại, lặp đi lặp lại không biết chán. Thẩm Thiều Quang cảm thấy bà chị này rất có tố chất thích bị ngược.

Nghe mùi mà tới không chỉ có Lô tam nương mà còn có hai vị khách quen đi ngang qua tiệm, đương nhiên cũng đặc biệt vào hỏi: “Hôm nay có bán cá sao?”

Thẩm Thiều Quang chỉ mua cả thảy hai con cá, lấy đâu ra nữa mà bán? Trong phường không có cửa hàng nào chuyên bán cá, hôm nay chỉ vừa khéo gặp được, chắc hẳn là người bán kia tự thả lưới hoặc tự câu được, nàng không thể đảm bảo được nguồn nguyên liệu thì đương nhiên không thể nào phát triển thành món ăn mới được.

“Cũng không phải món ăn mới. Nếu khách nhân cảm thấy tốt thì buổi chiều tới uống rượu ta mời một bát là được.” Thẩm Thiều Quang nói mấy câu khách sáo rất xuôi tai.

Người khách kia nghe vậy thì hiểu ra đây là người ta chỉ nấu cho nhà mình ăn, vội vàng từ chối: “Sao có thể thế được? Là bọn ta đường đột rồi!” Sau đó lại thật lòng kiến nghị: “Cô nương nên thêm món cá.”

Thẩm Thiều Quang cảm ơn hắn, người khách kia lại hỏi buổi chiều có phải vẫn còn thịt mã não không, xem ra là muốn đến uống vài chén.

Chờ khách đi rồi, Lô tam nương chậc chậc hai tiếng: “Cô nương nói chuyện vẫn rất khéo!”

Thẩm Thiều Quang lắc đầu thở dài: “Cái này cũng đâu phải là ta muốn đâu, trời sinh thông minh lanh lợi cũng đành chịu thôi.”

“…” Giữa thời đại này Lô tam nương không tài nào tiếp thu nổi cái cách nói chuyện mặt dày như vậy, nhếch miệng, quay sang quan sát tiệm ăn nhỏ của Thẩm Thiều Quang, từ bao giờ mà đã sắm thêm thảm kiểu người Hồ rồi? Một tấm cả mấy trăm văn, xem ra cửa tiệm này đúng là ăn nên làm ra!

Thẩm Thiều Quang đi vào bếp xem lửa, dặn A Viên mấy câu, quay lại thì thấy vẻ mặt ghen tị của Lô nương tử… Tốt thôi, rất đưa cơm, hôm nay nàng có thể ăn thêm một bát cá.

Đang nói chuyện thì một nữ nhân chừng bốn, năm mươi tuổi đi vào, mặt tròn vóc người đẫy đà, áo lụa màu tương, trên đầu cắm hai cây trâm bạc rất to, còn chưa nói chuyện đã cười vang: “Cô nương làm món canh thơm lắm!”

“…” Không phải chỉ là một nồi cá hầm thôi sao? Mọi người có cần tâng bốc nịnh nọt thế không? Thẩm Thiều Quang cảm thấy thật sự nên thêm món cá vào thực đơn thật rồi.

Tưởng rằng vị này cũng là nghe mùi mà tới, nào ngờ người ta tới là có ý đồ khác: “Báo cho cô nương một tin vui!”

Vừa rồi Lô tam nương nghe nữ nhân này khen “món canh thơm lắm” thì tưởng là tới mua đồ ăn, trong lòng càng buồn bực hơn, đang định quay mông đi, nghe nói “báo tin vui” thì lại ngồi xuống.

Thẩm Thiều Quang mời khách ngồi, cũng rót cho nàng ta một cốc sữa: “Không biết là tin vui từ đâu tới?”

“Ta họ Tương, là một bà mối, có người tới nhờ ta tới đề thân với cô nương.”

Con mắt Lô tam nương lại càng trợn tròn thêm.

Thẩm Thiều Quang cười nhíu mày: “Thế sao? Không biết là vị công tử nào?”

“Chính là Liễu lục sự Liễu công tử trong phủ Kinh Triệu.” Bà mối cười đáp.

“…” Hiếm có lúc Thẩm Thiều Quang bị nghẹn họng không đối đáp lại được, hóa ra vị huynh đệ này đúng là thầm mến nàng sao? Lại còn trịnh trọng mời bà mối tới?

Không nhớ kiếp trước từng nghe ai nói rằng “sự tôn trọng lớn nhất đối với một cô gái chính là kết hôn cùng cô ấy”, mặc dù hơi khập khiễng, nhưng vào thời này, với hoàn cảnh của Liễu Phong và nàng, đây đúng là vô cùng có thành ý.

Người ta đã tôn trọng mình thì mình cũng phải tôn trọng lại người ta, Thẩm Thiều Quang đang nghĩ xem nên đáp lại thế nào thì Lô tam nương túm lấy tay áo nàng: “Lục sự phủ Kinh Triệu này là ai?”

Thẩm Thiều Quang yên lặng, bà mối cười nói: “Ta nói cho cô nương biết gia thế của Liễu công tử. Liễu công tử là người Đặng Châu, ông nội từng là Nam Dương lệnh, gia đình dòng dõi, làm người đàng hoàng. Bây giờ trong nhà còn mẹ và một người đệ đệ, đều đang ở quê.”

Nói xong gia thế lại nói tới tình trạng cá nhân của Liễu Phong: “Liễu công tử năm nay hai lăm, năm kia thi đậu, qua kỳ kiểm tra khoa chế nhận chức lục sự hiện giờ. Con người trung hậu lại thông tri đạt lễ, nếu cô nương theo hắn thì đúng là khó mà chê được.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu, đúng là rất tốt. Nếu trong nhà nàng chỉ đơn giản là sa sút, nàng không mang thân phận con gái của tội thần thì cứ vậy mà gả cho vị huynh đệ này rồi từ từ bồi dưỡng tình cảm, yên ổn sống qua ngày, sinh vài đứa con, nói không chừng kiếp này của nàng cứ thế mà thuận buồm xuôi gió giữa triều Đường.

Nhưng mà, hiện giờ… vẫn đừng nên liên lụy cho người khác thì hơn.

Thẩm Thiều Quang mỉm cười nói với bà mối: “Chuyện hôn nhân đại sự vẫn nên thận trọng, cho ta vài ngày suy nghĩ được không?”

Không thể ép người ta nhận lời ngay được, mà các cô nương trẻ tuổi thì luôn rụt rè, cho nên bà mối cười nói: “Đương nhiên là được rồi.”

Thẩm Thiều Quang lại cười nói: “Trong nhà cũng không còn cha mẹ, có một số việc chỉ có thể do ta dày mặt tự làm lấy. Ta có mấy lời muốn nói trực tiếp với Liễu công tử, nhờ nương tử thông báo giúp ta.”

Bà mối gật đầu, một cô nương xinh đẹp lại khôn khéo, nghe nói còn là con nhà dòng dõi, tiếc là trong nhà đã sa sút…

Tiễn bà mối đi rồi, Thẩm Thiều Quang quay đầu lại thì bắt gặp vẻ mặt tức tối bất bình của Lô tam nương.

“Cô nương không bằng lòng… chắc không phải là vì vị Liễu công tử này tướng mạo xấu xí chứ?” Lô tam nương lại đổi sắc mặt, vừa nghi ngờ vừa ghen tị. A Thẩm này có tài đức gì mà có thể có được một mối hôn nhân tốt như vậy? Chắc chắn là vì công tử kia xấu xí như quỷ!

Có thể là vì nghĩ tới tình trạng bi quan của mình trong chuyện hôn nhân, có thể là vì sắc mặt Lô tam nương quá rõ ràng, Thẩm Thiều Quang tức giận thật, lập tức nói mỉa mai: “Xấu thì không xấu, chính là người mỗi ngày mua bảy cái bánh rán mà Lô nương tử hay chê cười.”

Sắc mặt Lô tam nương lại thay đổi, vị công tử kia mặc quan phục xanh, mắt to mày rậm, đang độ trai tráng, hoàn toàn chẳng dính dáng gì tới hai chữ xấu xí!

“Nếu Lô tam nương nhìn trúng người ta làm con rể… Bà mối kia vẫn còn chưa đi xa, bây giờ đuổi theo vẫn còn kịp.”

Nói thế này rõ ràng là đang châm chọc nàng ta không tìm được một vị công tử tốt như vậy, lại tựa như nói là nàng không muốn, bảo nàng ta đi nhặt, Lô tam nương lại lần nữa bị Thẩm Thiều Quang làm cho tức giận đến nỗi không nói được lời nào, mãi một lúc lâu sau mới lên tiếng: “Cô nương đừng có kiêu ngạo quá! Ngươi có gì đáng giá mà kiêu ngạo thế chứ?”

Thẩm Thiều Quang nghĩ ngợi: “Có lẽ là tay nghề nấu nướng tốt, nhanh nhạy, kiếm được nhiều tiền?”

Lô tam nương bị nàng chọc cho tức giận, giậm chân đi về.

Thẩm Thiều Quang quay đầu dặn dò A Viên đang thái thịt: “Sau này mua quẩy thì tới hàng quẩy Trương gia ở phía nam phường mà mua!”

A Viên trả lời vô cùng sảng khoái: “Ta đã muốn đổi chỗ mua lâu lắm rồi!”

Thẩm Thiều Quang nghe nàng ta nói vậy thì không còn cáu nổi nữa, bực bội nói: “Quẩy nhà lão Trương chiên không đủ xốp giòn.”

Thẩm Thiều Quang trước giờ không chịu thua tiền bạc và cái ăn, lần này có thể coi như vì Lô tam nương mà phá lệ.

Buổi chiều, lúc khách khứa đã tan hết thì Liễu Phong tới.

Bình luận

Truyện đang đọc