TIỆM CƠM NHỎ THÀNH TRƯỜNG AN

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Qua Tết Trùng Cửu, vợ chồng Quách đại lang và Lý nương tử cũng đã xử lý xong xuôi số hàng tồn, bắt đầu thu thập hành lý, chuẩn bị về quê.

Thẩm Thiều Quang tặng bọn họ một hộp bánh hoa to: “Nếu trên đường có để lỡ nhà trọ hay quán ăn thì có thể ăn tạm lót bụng.”

Lý nương tử nhìn hộp bánh to đầy các loại bánh hoa đẹp mắt thì cười nói: “Ta lại thật không nỡ ăn lót bụng trên đường. Cầm về nhà, để cho mọi người cũng được nhìn, được nếm thử đồ trong kinh. Ở quê không có mấy thứ này.” Dù sao cũng đã ở thành Trường An này nhiều năm, lúc chưa về thì cả ngày ngóng trông ngày về, giờ phải về thật thì lại luyến tiếc nơi này.

“Cũng đâu có xa, bao giờ muốn quay lại thăm thú thì quay lại là được.” Nói thế nào thì Thẩm Thiều Quang vẫn luôn mang một chút hơi thở toàn cầu hóa thời hiện đại.

Lý nương tử biết là nàng đang an ủi, hơi không nỡ, níu tay nàng: “Mấu chốt nhất là không thể có một vị hàng xóm tốt như cô nương nữa.”

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Nhưng mà lại có con gái con dâu phụng dưỡng bên cạnh mà. Cả nhà vui vẻ bên nhau, thật là tốt.”

Nghe nàng nói vậy, Lý nương tử cười gật đầu: “Còn chẳng phải là vì điều này mới về sao?”



Tiễn người thuê cũ đi rồi, Thẩm Thiều Quang liền gọi thợ xây và thợ mộc tới, bắt đầu sửa sang tiệm ăn mới. Trước đó, Thẩm Thiều Quang cũng đã bàn chuyện phá tường với chủ nhà cũ, cũng gia hạn thời gian thuê thêm hai năm.

Bây giờ thu nhập trong tiệm cao lại ổn định, cho dù đã giao tiền thuê nhà, lại sửa sang trong quán thì chuyện tiền bạc cũng không gặp phải khó khăn gì.

Sửa sang quán không phải lo bớt cái này tiết kiệm cái kia, không phải tiếc tiền, đã có tiệm cũ làm cơ sở, bây giờ hai bên thông với nhau cũng phải trang trí cho đồng bộ mới ổn, cho nên cũng không phải nghĩ ngợi tìm phong cách mới, thành ra việc sửa sang trùng tu lại rất đơn giản.

Tường quét vôi trắng xóa, bên trên lắp bàn gỗ, đặt mấy chậu hoa xanh cùng mấy món đồ lặt vặt mới mua được ở Tây Thị, nào là tượng đất người Hồ, ngựa Hồ, chim chóc được bện từ cỏ, các loại nhạc khí từ sừng trâu, sau lại treo thêm hai bức tranh, thế là đủ rồi.

Mấy cái bàn ăn bằng gỗ hình dáng đồng bộ, bây giờ trong tiệm rộng, tiệm mới không cần lắp đặt kiểu quầy bar “diện bích” nữa, tiệm cũ thì vẫn giữ nguyên phong cách cũ – có lẽ có đôi người ngồi uống một mình lại thích kiểu này thì sao?

Trên mặt đất thì trải thảm kiểu Hồ – thực ra trong tiệm cũ vốn trải chiếu trúc, nhưng dùng rồi mới phát hiện, chưa được mấy ngày đã có que trúc bị đá rời ra, nếu đâm vào chân khách thì phiền to, hơn nữa chiếu trúc cũng khó lau dọn, Thẩm Thiều Quang dứt khoát trải thảm kiểu Hồ gần hết tiệm, bây giờ cũng đổi đồng bộ luôn.

Thảm kiểu Hồ có thể dùng đủ loại lông lạc đà, lông bò, lông dê bện lại với nhau, giữa một khoảng màu nâu sẫm lẫn vào một chút màu trắng, hoa văn hình thoi rất to, có đôi nét giống với vải nỉ thời hiện đại, đương nhiên là thô hơn nhiều.

Nói là đồ dị vực thế thôi chứ thực ra cũng không đắt lắm, không thể nào so được với thảm đỏ Tuyên Thành nổi tiếng khắp chốn, thậm chí còn chẳng bằng tơ tằm trong thành Trường An này, nhưng trải trong quán rượu nhỏ thì cũng có thể xem là đẹp mắt, huống hồ màu sắc cũng rất hợp với phong cách chỉnh thể trong quán.

Đương nhiên phòng bếp cũng được mở rộng ra, gọi thợ xây tới xây một bức tường mỏng, thợ mộc tới làm cửa gỗ, đối diện với đại sảnh thì chừa một ô cửa sổ để khách gọi món, cửa sổ mở ra bên ngoài thì không đụng đến.

Điều khiến Thẩm Thiều Quang vui mừng nhất là hậu viện phía sau cửa hàng mới thuê có một cái giếng nhỏ, thế này thì không cần phải ra ngoài lấy nước về nấu nữa, mùa hè lại có thể làm các loại đồ ăn “ướp lạnh”.

Việc sửa sang lại mấy gian nhà phía sau thì lại càng đơn giản hơn. Lý nương tử vốn cũng là người khá kĩ tính, nền nhà lát gạch, lại có giường và tủ của chủ nhà bày sẵn, Thẩm Thiều Quang chỉ việc quét lại tường, vá lại mấy viên gạch vỡ, chọn rèm thảm cho hợp, thế là đã có thể chuyển vào ở.

Thẩm Thiều Quang và A Viên dùng phòng ngủ lớn và gian giữa, căn phòng còn lại nhỏ hơn một chút hướng ra cửa viện, vừa khéo để cho Vu Tam.

Lúc dọn nhà, trụ trì dẫn mấy người Tịnh Thanh Tịnh Từ tiễn ra khỏi cửa am, Thẩm Thiều Quang cung cung kính kính hành lễ với trụ trì. Lúc vừa ra khỏi cung không có chỗ đặt chân, Viên Giác sư thái không chê nàng nghèo khó, không chỉ cho nàng ở lại mà còn đối đãi tận tình, Thẩm Thiều Quang vẫn nhớ rõ trong lòng.

Viên Giác sư thái mỉm cười hiền lành với nàng.

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Bao giờ sư thái viết xong Bánh Ký thì nhất định phải để ta được đọc trước.”

Viên Giác sư thái và Tịnh Thanh đều bật cười, chỉ có Tịnh Từ là không vui. Trước kia cứ một lòng một dạ muốn xúi giục trụ trì đuổi nữ nhân nghèo này đi, bây giờ người ta tự mình đi, trong lòng Tịnh Từ lại sinh ra cảm giác khó chịu. Cũng giống như một anh chàng chán bạn gái rồi, muốn chia tay, nhưng khi bạn gái nói chia tay trước thì anh ta lại cảm thấy không cam lòng.

Chuyển tới rồi, lại quét dọn một hồi, sửa soạn, bày biện đồ đạc, chạy tới Tây Thị hai chuyến mua thêm mấy món đồ, bận bận bịu bịu như thế mất mấy ngày, tới khi trời hơi lạnh mới tính là xong xuôi.

Trước đó đã đóng cửa tiệm, Thẩm Thiều Quang rửa mặt xong, ngồi trong phòng đọc vài trang sách, lồng giày vào loẹt quẹt đi ra sân, chỉ vào mấy xâu thịt khô, chân giò và mấy món ăn dân dã treo dưới hiên nhà, nói với Vu Tam vừa đi rửa mặt vào: “Sao thịt này mãi không thấy đỏ cũng không thấy cứng lại?”

Vu Tam vào nhà cầm que tăm đi ra, đâm đâm một cái: “Cô nương đừng có đến ngắm suốt. Cô nương ngắm cho nó chẳng thay đổi chút nào cả.”

Không phải chứ… Cái này sao trách ta được?

Thẩm Thiều Quang lại đột nhiên nghĩ tới “hiệu ứng Zeno lượng tử”, “nếu như chúng ta liên tục quan sát một hạt bất ổn định thì trạng thái của hạt đó sẽ không thay đổi”, bởi vì “trong cơ học lượng tử, cái gọi là “quan sát” sẽ sinh ra một lượng vật lý theo cơ học cổ điển, quan sát với tần số cao sẽ làm chậm lại sự chuyển đổi của hệ”*.

* Giải thích về hiệu ứng Zeno lượng tử lấy nguồn từ Baidu. [tác giả]

Cho nên thật sự là vì ta cứ đến xem suốt nên thịt này mới ướp không thành?

Thấy Thẩm Thiều Quang coi là thật, lúc đầu Vu Tam hơi kinh ngạc, sau đó thì bật cười thành tiếng. Bình thường cứ bày ra bộ mặt dở sống dở chết, lúc nói chuyện cũng cứ như thể đang mỉa mai người ta, không ngờ rằng lúc cười lên mặt mũi lại sáng sủa như vậy.

Thẩm Thiều Quang biết mình bị hố thì cũng không giận, ngược lại còn cười nói với Vu Tam: “Nên cười nhiều một chút, cười lên rất dễ nhìn!”

Có lẽ Vu Tam hơi ngượng ngùng vì việc khống chế biểu cảm trên mặt của mình xảy ra chút lỗi, không để ý tới Thẩm Thiều Quang, quay đầu đi thẳng vào phòng mình.

Tự kỷ có chọn lọc và kiêu ngạo mà cũng có thể đi đôi với nhau sao? Thẩm Thiều Quang bĩu môi, bắt chước dáng vẻ buông mày rũ mắt của Vu Tam, lại tiếp tục nhìn đám thịt muối treo dưới hiên, tưởng tượng đám thịt này biến thành thịt muối sốt mật ong, chân giò vàng óng, chân giò muối xào măng…



Kỹ thuật hong gió này từ xa xưa đã có, ít nhất thì từ thời Khổng Tử đã thu mười chuỗi thịt khô làm học phí. Thời nhà Đường không ít người thích ăn cá muối thịt muối – có người nói tiên đế thích ăn ức hươu muối, nhưng thánh thượng hiện giờ không thích lắm, trong cung cũng vì thế mà hiếm khi làm, Thẩm Thiều Quang không học lỏm được chút nào.

May mà chủ cũ của Vu Tam là người phía nam, cũng may nữa là một người sành ăn, cho nên mặc dù Vu Tam không giỏi ướp thịt lợn cho lắm, nhưng mấy thứ đồ dân dã thì lại rất rành.

Trình độ thực hành của Thẩm Thiều Quang thì không có gì cao siêu, nhưng kiến thức lý luận thì lại rất tốt. Nàng từng làm một chuyên đề nói về cách ướp chân giò muối, còn từng đích thân chạy tới vùng Giang Chiết phỏng vấn một vị sư phụ nổi tiếng về ướp chân giò.

Ướp chân giò muối là một quá trình cầu kỳ, chọn chân giò phải chọn cẩn thận, cả con lợn chỉ nặng tầm trên dưới 40 kg, không thể quá nhỏ, cũng không thể quá to, chân sau nặng khoảng bốn ký bốn ký rưỡi.

Lúc lấy chân giò phải xuống dao thật cẩn thận, hình dạng chân phải tròn, thực sự là “không tròn không ăn được”, cho nên sau đó mới có thêm khâu “chỉnh hình”.

Lúc ướp thì ướp từng lớp muối một, dùng muối gì để ướp rất quan trọng, cách xát muối cũng rất cầu kỳ hà khắc.

Trải qua mấy lần ướp muối, ước chừng khoảng một tháng sau thì lại tiến hành rửa sạch, phơi nắng, sau đó thì còn một loạt quy trình lên men, xếp lớp. Không chỉ có quy trình phức tạp nhiều bước mà bước nào cũng phải chú ý, thu đông năm nay bắt đầu ướp thì tới tận mùa hè năm sau mới xong, người nào chú trọng hơn nữa thì để hai năm, ba năm.

Nàng từng đọc được trong tác phẩm của Đường Lỗ Tôn tiên sinh viết rằng lúc ướp chân giò muối phải cho thêm một cái chân xiểng* thì mới ngon, Thẩm Thiều Quang từng hỏi vị sư phụ mà nàng phỏng vấn về chuyện này – điều này hơi có phần duy tâm, nhưng mấy chuyện dân dã thế này xuất hiện trong bài báo thì sẽ thú vị hơn một bài viết đơn thuần giới thiệu quy trình chế biến.

* Người ta kể rằng dùng chân chó để làm chân giò muối sẽ có mùi vị ngon hơn chân lợn, nhưng nếu nói chân chó thì lại không được lịch sự nên sửa thành chân xiểng (chữ “xiểng” và chữ “tuất” trong tiếng Trung cùng cách viết nhưng cách đọc khác nhau).

** Đường Lỗ Tôn là một nhà văn nổi tiếng với thể loại tạp văn, viết nhiều về lịch sử và phong tục văn hóa dân gian, ông là tác giả của cuốn “Cái ăn Trung Quốc”.

Không biết có phải thủ tục này đã thất truyền rồi hay không mà vị sư phụ trẻ tuổi mặc đồ bảo hộ chống vi khuẩn y như bác sĩ ngoại khoa kia vô cùng kiên định lắc đầu với Thẩm Thiều Quang. Thẩm Thiều Quang cảm thấy thật đáng tiếc khi không thể tăng thêm một chút “chân chó” vào bài báo của mình.

Thực ra lúc đầu Thẩm Thiều Quang cũng không có nhiều hảo cảm với món chân giò muối này như vậy. Nàng là người phương bắc, trong nhà cũng không làm mấy món ướp như thế này.

Lúc nàng còn bé từng có một người bạn của cha nàng ở miền nam tặng cho một cái chân giò muối Kim Hoa cũng không biết có phải là chính tông hay không. Thịt chân giò kia chưng cách thủy lên thì béo ngậy, mặn điếc, lại có một thứ mùi kỳ lạ, Thẩm Thiều Quang chỉ ăn một miếng đã không tài nào ăn tiếp được nữa. Về sau nàng mới biết, có lẽ là do mẹ nàng không xử lý tốt mặt thịt hoặc là không gạn bớt dầu.

Được thưởng thức các loại thịt chân giò muối một cách tiêu chuẩn là sau khi đi làm. Các loại thịt chân giò muối, cho dù là món chính hay là món phụ thì đều khiến Thẩm Thiều Quang nghiện tới nỗi muốn nuốt luôn cả lưỡi.

So với thịt tươi thì chân giò muối có một thứ hương thơm từ quá trình lên men lâu dài, giống như lúc so sánh giữa các ông chú già dặn với mấy anh chàng tiểu soái ca vậy, khuôn mặt từng trải không lộ rõ cảm xúc, đến cả mỗi một nếp nhăn cũng mang theo sự hấp dẫn được mài giũa qua tháng năm, so ra thì đám trẻ tuổi đúng thật là quá non, thiếu một chút “linh hồn”.

Kiếp trước, cả trong lẫn ngoài vòng giải trí có mấy “ông chú” mà Thẩm Thiều Quang khá là đánh giá cao, Thẩm Thiều Quang nhìn vầng trăng lưỡi liềm treo giữa trời, thương cảm nghĩ, bọn họ cũng không biết ở một thời không khác có một “fan bà xã” là nàng đây.

Sau khi xuyên qua, Thẩm Thiều Quang cũng từng gặp vài nam nhân có tướng mạo khá đẹp mắt, đặt vào thời đại này thì cũng coi là được, lại có thêm thân phận làm nền, nói năng lễ độ, mặc dù hơi nịnh nọt nhưng cũng không thái quá; ngoài ra còn có mấy vị đại vương cũng có diện mạo khá được.

Lý thị vốn là sĩ tộc vùng Lũng Tây, vốn dĩ đã có quyền ưu tiên trong việc chọn vợ gả chồng, sau lại có được thiên hạ, trong hậu cung cũng đều là mỹ nhân, gen tốt cứ thế mà được truyền từ đời này sang đời khác, có muốn xấu cũng khó.

Nói đến tướng mạo của giới sĩ tộc, Thẩm Thiều Quang không khỏi nhớ đến Lâm thiếu doãn mặt mày nhăn nhó trong phường mình, chắc hẳn cũng là kết quả tích lũy gen tốt suốt mấy đời. Mặt mày như vậy đúng là có nét như trong thơ trong tranh, khí chất cũng tốt, đẹp mà không ẻo, uy mà không dữ, lại có nét tao nhã lịch sự của người có ăn học, còn có vẻ uy nghi của quyền thần, chậc chậc… Tiếc là nét mặt hơi đơ!

Thực ra thì vị bằng hữu kia của Lâm thiếu doãn cũng không tệ, tướng mạo phong lưu, đặc biệt là đôi mắt rất hút hồn, nhưng cứ gặp hắn là Thẩm Thiều Quang lại nhớ tới “Thập niên nhất giác Dương Châu mộng, doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh*”.

* Trích “Khiển hoài” (Giải nỗi nhớ) của Đỗ Mục, nghĩa là: Mười năm chợt tỉnh một giấc mộng Dương Châu, lại được mang lấy tiếng bạc tình ở chốn thanh lâu.

Nhìn mấy xâu thịt muối, Thẩm Thiều Quang điểm lại một lượt mấy soái ca mà mình biết, bùi ngùi thở dài, chờ tới lúc thịt ướp được rồi thì phải chưng lên với rượu vàng và đường ăn một bát mới được.

Bình luận

Truyện đang đọc