*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Thẩm Thiều Quang cẩn thận lấy bánh hoa quế nhiều tầng từ trong khuôn ra, đặt vào trong cái khay to, phía trên phủ thêm hạt óc chó, hạt phỉ, hạt thông, táo đỏ, trang trí xong lại cho thêm một lớp mật hoa quế, vừa có mùi thơm ngọt ngào lại vừa đẹp mắt.
Đây là đồ người ta đặt để đêm nay cúng Ông Táo.
A Viên đi một vòng quanh cái bàn chế biến đồ ăn: “Bánh to thế này, ít nhất cũng phải nặng mười cân.”
Thẩm Thiều Quang vừa đổ mật hoa vừa trêu chọc nàng ta: “Thế này thì đã là gì chứ, còn có bánh ngọt nặng tới bốn tạ cơ.”
A Viên trợn tròn mắt, vẻ mặt cứ như thể cô nương lại lừa gạt người ta.
“Tiền triều có một vị lão thái hậu tổ chức mừng thọ, trong kinh thành có một cửa hàng bánh hoa vì muốn lấy lòng lão thái hậu mà quyết định làm một cái bánh mừng thọ có một không hai. Nhưng trong cung thì thiếu gì bánh, phải làm sao mới có thể khác biệt đây?”
A Xương và A Viên đều nghển cổ lên nghe Thẩm Thiều Quang kể chuyện, Vu Tam liếc bọn họ một cái, không nghỉ tay nhưng cũng vểnh tai lên nghe.
“Cửa hàng bánh hoa nghĩ đi nghĩ lại, nếu kiểu dáng không làm ra được cái gì đặc biệt, vậy thì làm thật to là được! To thì hùng vĩ, cũng thể hiện được phong phạm của thiên triều đúng không?”
“Thế là bắt tay vào làm, làm hẳn một cái bánh đào mừng thọ nặng bốn tạ. Nhưng vấn đề là thứ này đâu dễ đưa đến được trước mặt thái hậu như vậy? Chờ đi lại được với người trong cung rồi, dâng được cái bánh đào mừng thọ này lên thì bánh đã mốc xanh rồi.”
A Viên hỏi: “Sau đó thì sao?”
“Sau đó thì vứt đi thôi.” Thẩm Thiều Quang liếc nàng ta một cái.
A Viên giậm chân dẩu môi.
Thẩm Thiều Quang cười, gọi A Viên tới giúp nàng cùng đặt bánh hoa quế đã trang trí xong xuôi vào trong cái hộp to.
Đặt xong rồi, gói kín lại rồi, Thẩm Thiều Quang mới bổ sung kết cục cho câu chuyện kia: “Sau đó người ta mới có câu
“bánh đào mừng thọ bốn tạ – ấy là món bánh vứt đi*” đấy.”
* Điển cố “bánh đào mừng thọ bốn tạ – ấy là món bánh vứt đi” nghe nói là liên quan tới Từ Hy thái hậu, không nhớ là đọc được ở sách “Hiểu lệ cũ” hay ở đâu, cũng có thể là trong sách ngoại khóa của học sinh tiểu học. [tác giả]A Viên phì cười: “Cô nương thật là hay đùa.” A Xương cũng cười, đến cả Vu Tam cũng nhếch môi lên.
Thẩm Thiều Quang cũng mỉm cười, câu chuyện này nói với chúng ta rằng đừng có bắt chước chủ quán bánh ngọt kia mơ mấy giấc mơ quá viên mãn – ví dụ như mua lại nhà cũ.
Từ sau hôm trở về từ Lâm trạch, Thẩm Thiều Quang nằm mơ mấy ngày liên tục, phần lớn là những chuyện lúc nguyên thân còn nhỏ, bắt bướm câu cá nhảy dây, viết chữ vẽ tranh ăn bánh, khi đó cha mẹ đều còn trẻ, huynh trưởng là một thiếu niên đáng yêu, mỗi lần tỉnh lại Thẩm Thiều Quang lại buồn bã chán nản hơn.
Kiếp trước, chất lượng giấc ngủ của Thẩm Thiều Quang luôn rất tốt, bây giờ lại nằm mơ nhiều như vậy, chắc hẳn là vì xuyên không nhỉ?
Nói ra cũng buồn cười, thậm chí Thẩm Thiều Quang còn mơ thấy chuyện hoang đường hơn nữa, nàng thì đã lớn lên nhưng cha mẹ lại vẫn còn trẻ.
Cha buồn bã ưu tư.
Mẹ hỏi cha, cha đáp: “A Tề phải xuất giá rồi, ta thật sự không nỡ.”
Mẹ không biết làm sao: “Tiểu lang tử quả thật là không chê được điểm nào. Con nhà thế gia, thi đậu tiến sĩ, tướng mạo tốt, tính cách cũng trầm ổn, lại còn muốn thế nào nữa? Mà nhà cũng ở ngay trong kinh, muốn gặp là gặp được ngay.”
Ca ca vẫn trong dáng vẻ thiếu niên và cha đồng loạt lắc đầu: “Dù sao cũng là gả cho người ta, không giống như ở nhà.”
Nàng trong mộng lại cười híp mắt, thoáng nhìn thấy một bóng dáng cao lớn giữa đám hoa cỏ.
… Ây dà, thì ra là một giấc mộng xuân.
Nghĩ tới giấc mộng này, cẩu độc thân Thẩm Thiều Quang nhìn gian bếp đầy nồi niêu xoong chảo với đủ kiểu bánh hoa bánh ngọt, trong lòng lại càng thất vọng hơn, đúng là quá đáng tiếc, đám hoa cỏ đó quá dày, không nhìn rõ được mặt mũi vị hôn phu trong mộng, biết đâu lại là Cổ Thiên Lạc lúc còn trẻ thì sao?
Bên ngoài có người tới: “Chủ quán?”
Thẩm Thiều Quang lên tiếng đáp lại, đi ra khỏi phòng bếp. Là vị khách đặt cái bánh hoa quế cỡ lớn kia tới lấy hàng.
Thẩm Thiều Quang mở nắp đậy hộp bánh để hắn kiểm tra hàng, lại đặt một cái bánh hoa khác mà hắn đặt vào một cái hộp khác, dặn hắn nhất định phải cẩn thận, không thể để xóc nảy làm hỏng bánh.
Vị khách trông có dáng vẻ quản gia kia giao tiền, cười cảm ơn Thẩm Thiều Quang, nói lát nữa sẽ cho người đưa trả lại hộp đựng, sau đó bảo tên nô bộc bên cạnh cầm bánh, cáo từ ra về.
Các vị khách đặt trước bánh hoa khác cũng lục tục tới lấy hàng, tới lúc trống chiều gõ tiếng đầu tiên thì bánh đều đã lấy hết.
Thẩm Thiều Quang bảo A Viên đưa tấm biển ngừng bán hàng ra treo ngoài cửa, sau đó cùng Vu Tam chuẩn bị đồ cúng Ông Táo cho nhà mình và cả bữa tối.
Thời này lễ cúng Ông Táo cầu kỳ hơn thời hiện đại rất nhiều, gà vịt thịt cá bánh ngọt đều phải có, đặc biệt là không thể thiếu rượu và kẹo mạch nha, trong cung còn phải giết dê vàng và quay thịt dê vàng.
Kẹo mạch nha này có dạng khối cũng có dạng sợi, không phải là “viên quả bí” như Thẩm Thiều Quang ăn lúc còn nhỏ.
Thẩm Thiều Quang luôn cảm thấy kiểu như viên quả bí ăn ngon hơn, lớn chừng quả trứng gà, trông như quả bí đỏ, lớp vỏ rất mỏng, bên trong để rỗng, trên lớp vỏ có trang trí màu xanh lá hoặc màu đỏ cam, cắn một cái, ban đầu là giòn tan, sau đó lại dai dai dinh dính mà ngọt lịm.
Kẹo mạch nha thời giờ thiếu cái cảm giác giòn tan đó.
Mà cho dù là kẹo gì thì cũng là để làm ngọt miệng Ông Táo mà thôi, cả rượu cũng vậy. Lạ lùng nhất là thời này cúng Ông Táo còn phải bôi rượu và kẹo lên miệng Ông Táo, thật là hệt như trò chơi giả vờ uống rượu của trẻ con.
Táo Quân là nam, việc cầm đũa tre chấm rượu đút cho Táo quân này A Viên không tiện động tay, đành phải để A Xương làm.
Chờ hắn làm xong, Thẩm Thiều Quang cười híp mắt cầu khấn, hy vọng Táo Quân ăn uống no nê về trời, thìa dài thìa ngắn chớ vướng mây, xin được may mắn về thơm lây*…
* Dựa theo tác phẩm của Phạm Thành Đại thời Tống [tác giả]. Phạm Thành Đại là một nhà văn lớn thời Nam Tống.Thực ra việc cúng Ông Táo thường là để nam nhân làm, người ta bảo
“nam không bái nguyệt, nữ không cúng Ông Táo”, nhưng Thẩm gia cũng không còn ai khác, cho nên Thẩm Thiều Quang chỉ có thể tự mình làm.
Thẩm Thiều Quang lại đốt tiền giấy và hàng mã, Vu Tam A Viên A Xương cũng dập đầu theo, tiễn vị lão đại nhà bếp này về trời, tới đây thì lễ tế cũng hoàn thành.
Sau đó là bữa cơm tiểu niên. Thời này còn chưa có cách gọi “tiểu niên”, ngày này cũng không quy định phải ăn cái gì, mọi người đều ăn theo Ông Táo.
Thẩm Thiều Quang chuẩn bị nước dùng xong, đóng cửa quán, bốn người vui vẻ ăn thịt nhúng.
Thẩm Thiều Quang vớt đậu phụ đã nhúng xong cho vào trong bát, chấm nước trộn từ tương vừng, nước tôm và hoa hẹ, lại nhúng các loại cải thảo, củ cải, khoai sọ, thịt thì nàng không ăn mấy, chỉ nhúng vài viên thịt rồi thôi.
A Viên, A Xương thì thuộc phe ăn thịt, chưa từng có sức chống cự trước các loại thịt viên, thịt lát, dạ dày lá sách, tiết lợn tiết vịt đậu phụ, nhúng hết đĩa này tới đĩa khác, ăn vô cùng nhiệt tình.
Vu Tam thì yên ắng hơn nhiều, chỉ dùng canh sữa nhúng thịt dê và cải thảo.
Thấy Thẩm Thiều Quang chỉ ăn mấy viên thịt nhúng đã thôi, Vu Tam đứng dậy: “Ta đi nhào một ít bánh bột, các ngươi ai muốn ăn?”
A Viên và A Xương đều lắc đầu, đang ăn vui vẻ thế này, ai muốn ăn bánh bột cơ chứ? Ngươi nói thử xem sao mà nước lẩu này ăn mãi vẫn không đã thèm chứ? Chẳng lẽ đúng như lời cô nương nói, kiếp trước là lẩu tinh?
Thẩm Thiều Quang giơ tay: “Ta muốn một ít, phải mỏng, nấu kĩ mới dễ tiêu.”
Vu Tam nhíu mày tặng nàng một ánh mắt “sao mà kén chọn thế”, tự đi lấy bột để làm bánh.
Bình thường Thẩm Thiều Quang đã quen bị công chúa Vu Tam chê bai, híp mắt cười, chẳng hề có dáng vẻ uy nghiêm của chủ nhân.
Chẳng bao lâu sau, Vu Tam đã dùng cái mành trúc nhỏ bưng một ít bánh bột đi ra, một phần thì nặn hình cánh hoa be bé, phần còn lại thì là hình lá hẹ như bình thường.
Thẩm Thiều Quang cười hì hì lấy một ít bánh bột hình cánh hoa bỏ vào trong nồi nước dùng của mình, phần còn lại thì Vu Tam bỏ hết vào nồi hắn.
Thẩm Thiều Quang và Vu Tam đã ăn no, ngồi uống nước nhìn hai người nhỏ hơn ăn lẩu.
Thẩm Thiều Quang nhớ là kiếp trước lúc nàng mười sáu, mười bảy tuổi cũng ăn rất khỏe, có thể một mình ăn hết một con gà quay, còn ăn thêm được một cái bánh nướng. Thực ra ở kiếp này bây giờ nàng cũng mới mười chín tuổi, sao mà lại chẳng có khẩu vị mấy nữa chứ? Chẳng lẽ cái thứ khẩu vị này lại còn chơi trò hai kiếp gộp lại? Nhìn hai tên tham ăn đang ăn uống say sưa kia, Thẩm Thiều Quang hết sức hâm mộ.
Hai tên tham ăn chỉ ăn thịt ăn rau đã no, không cần Vu Tam phải mất công đi nhào bột lần nữa.
Ăn xong rồi, Vu Tam dẫn A Viên A Xương đi thu dọn nhà bếp, quét tước vệ sinh, Thẩm Thiều Quang dẫn A Viên thắp đèn lồng chậm rãi trở về hậu trạch.
Lão Bạch từng làm bài thơ, nói rằng sau bữa tiệc thì
“sênh ca quy viện lạc, đăng hỏa hạ lâu đài”.
* Trích “Yến tán” (Tan tiệc) của Bạch Cư Dị, dịch thơ: Về viện sênh réo rắt, xuống lầu đèn sáng choang. [Bản dịch của Phụng Hà]Yến Thù cho rằng đây là
“lời hay nói kẻ giàu sang”, mà trong Khấu Lão Tây lại bảo là
“già thấy thắt lưng vàng nặng, mệt thấy gối ngọc lạnh”, tục, rất tục,
“không phải lời nói cảnh giàu sang”.
* Yến Thù là một nhà chính trị, nhà thơ, nhà thư pháp Trung Quốc thời Tống.** Khấu Lão Tây Nhi là tên một bộ phim hài. Về sau Lỗ Tấn tiên sinh cũng cho rằng chỉ có yên vui mới thực sự là giàu sang, không cần bất cứ câu chữ đẹp đẽ nào tô điểm thêm, không có chữ nào phú quý thì mới càng tỏ rõ sự phú quý.
Thẩm Thiều Quang cũng cảm thấy thơ của lão Bạch rất giàu sang, cũng cho rằng hiện giờ mình đã đạt được một nửa thành tựu trong thơ của Bạch thượng thư, không có “sênh ca” nhưng đã có “tiểu viện”, mặc dù không có “lầu gác” nhưng đã có “đèn đóm”… Nghĩ thế rồi tự mình bật cười, mình đúng là không chỗ nào không cười được!
Cái vị thực sự có “lầu gác” kia lại không có “sênh ca”, đang dặn dò đám tỳ nữ và vú già gác đêm cho bà nội, trong phòng đốt than củi thì khó tránh khỏi khô hanh, trên lò nấu trà phải để sẵn chút nước ấm, chờ thái phu nhân tỉnh thì cho uống vài ngụm. Đám tỳ nữ đều hành lễ đáp vâng. Lâm Yến dặn dò thêm vài câu nữa rồi rời khỏi viện của bà nội.
Phía sau, mấy người vú già đóng cửa viện. Nô bộc xách đèn đi trước, Lâm Yến vừa nghĩ chuyện đêm nay phải điều chỉnh cách bố trí lính tuần vệ trong kinh để đảm bảo cho hội triều, vừa đi về phía thư phòng.
Gió bấc làm lung lay đám cây cối khô héo trong sân, lại xuyên qua chỗ trống giữa những nét chạm trổ hình hoa trên hành lang, phe phẩy trên khuôn mặt nghiêm nghị của Lâm Yến, thổi tung dây buộc áo khoác của hắn, vỗ vào góc áo choàng của hắn, tiếng trống canh ở xa xa cùng tiếng bước chân của một chủ một tớ vang lên giữa đêm đông vắng lặng này.