ĐẠO MỘ BÚT KÝ

Editor: Yoo Chan

Beta: Thanh Du

~0O0~

Tà tà bóng ngả về tây, chỉ còn chút nắng vương mây mỏng mềm. Khối băng dần chuyển màu đen, bên trong cái bóng càng thêm mơ hồ.

Hình dạng của cái bóng kia hết sức kỳ quái, chẳng biết xếp vào loại gì, giống như thai nhi động vật chết cóng, đầu to dị thường, thân lại còn mọc gai dài, nhìn ghê chết đi được.

Diệp Thành há hốc miệng hỏi tôi: “Chết tiệt, lúc đi không bái Bồ Tát, quả nhiên đụng ngay phải thứ tà ma này. Đây là thứ quái quỷ gì vậy?”

Tôi và Bàn Tử đều lắc đầu, chúng tôi cũng chưa thấy nó bao giờ cả. Xem kích thước thì thứ này lớn cỡ một cái lầu nhỏ năm tầng, vậy mà có thể đông cứng trong lòng sông băng, nếu là lăng bồi táng thì xây dựng kiểu gì? Không lẽ nó lại là sinh vật thời tiền sử?

Theo truyền thuyết, vùng núi Trường Bạch này mấy chục vạn năm về trước vẫn còn là đại dương mênh mông, nhờ núi lửa phun trào mới nổi lên từ giữa lòng biển, vật này lớn như vậy, không lẽ là xác một sinh vật biển khổng lồ thời đó?

Nghĩ lại cũng không phải, khi sông băng cổ hình thành thì núi đã ở đó rồi, nếu có thi thể thì đã sớm hóa thạch.

Tuy đã trải qua một trận tuyết lở kinh thiên động địa, nhưng thật ra tuyết lở như vậy chỉ có thể gọi là tuyết đọng lâu ngày sạt xuống, khí thế không quá hào hùng mà trôi qua cũng nhanh. Tuy lúc đó mọi người vẫn còn sợ hãi nhưng bây giờ đều đã khôi phục tinh thần, cho nên khi nhìn thấy cái bóng trong băng thì lòng hiếu kì lập tức nổi lên.

Chúng tôi chống nhũ băng làm điểm tựa để đứng vững, người buộc dây thừng, chân đeo giày trượt, leo xuống quan sát kĩ càng bóng đen quỷ dị đông cứng giữa lòng sông băng, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng không thấy cửa vào đâu cả.

Lúc này Trần Bì A Tứ cũng đã khôi phục ý thức, Hoa hòa thượng và Diệp Thành dìu lão bước xuống lòng sông, chúng tôi cẩn thận đỡ lão tiến lại gần.

Trần Bì A Tứ phản ứng vẫn còn chậm chạp, khẽ dụi dụi mắt, ngồi xổm xuống nhìn chằm chằm vào cái bóng trong băng kia một hồi lâu rồi đột nhiên hừ một tiếng. “Cái bóng này … Chẳng lẽ là ‘Thai Côn Luân’?” nhưng rồi nhanh chóng lắc đầu.

“‘Thai Côn Luân’ là cái gì?” Chúng tôi chưa nghe nói đến bao giờ, thấy lão có vẻ phấn khích như thế thì không hiểu mô tê gì cả.

“’Thai Côn Luân’ là một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, chỉ có ở đầu nguồn long mạch, hay trong dân gian thường nói là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Trong lòng nham thạch, sông băng hay cây cổ thụ thường tự sinh ra một vật kì quái mang hình dạng trẻ con, cái này trong sách cổ gọi là “địa sinh thai”. Theo truyền thuyết, qua hàng vạn năm biến hóa, một số “địa sinh thai” sẽ thành tinh, như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký là một ví dụ.” Hoa Hòa Thượng giải thích cho chúng tôi: “Tôi còn nhớ trong một quyển bút kí thời Đường có nói, vào những năm cuối thời Tây Hán có truyền thuyết rằng dưới đáy hồ băng lớn trên núi Côn Luân, người Tạng trong vùng đã phát hiện ra một băng thai khổng lồ, to như trái núi, là một bé gái sơ sinh đã có đầy đủ ngũ quan, trông rất sinh động, vì thế “địa sinh thai” còn được gọi là “Thai Côn Luân”. Sau này người ta còn xây một ngôi miếu trên rốn đứa bé gái kia, tên là Côn Luân đồng tử miếu. Trong phong thủy, “Thai Côn Luân” là bảo huyệt trời định, không giống những huyệt vị phong thủy mà con người tìm ra. Không ai có thể chủ động tìm được long mạch có thể sinh ra “Thai Côn Luân”, mà chỉ có cách chờ cho ‘Thai Côn Luân’ bắt đầu hình thành, được người nào đó tình cờ phát hiện, kế đến là đào thai ra rồi xây dựng lăng mộ trong đó. Thứ bảo huyệt như thế chỉ có thể gặp mà không thể cầu, truyền thuyết nói rằng chỉ có người liên hệ được với trời mới đủ tư cách. Trong lịch sử chỉ ghi lại duy nhất một người được táng tại ‘Thai Côn Luân’, đó chính là Hoàng Đế.”

(Hoàng Đế ở đây là Hiên Viên Hoàng Đế, được coi là thủy tổ của người Hán, là một người cụ thể chứ không phải một danh từ chỉ chung các ông vua. Chữ Hoàng trong Hoàng Đế là 黃 (màu vàng) không phải 皇 (vua))

“Còn có chuyện tà môn như vậy sao?” Bàn Tử ngồi xổm xuống, nhìn cái bóng dáng kia. “Có điều, “Thai Côn Luân” này trông không giống thai người.”

Trần Bì A Tứ hình như cũng không thể khẳng định, gật đầu nói: “Ta cũng đoán Thai Côn Luân là vị trí thần định, cũng là thần vật sinh ra từ đất. Nếu đây đúng là Thai Côn Luân thì lăng bồi táng kia đương nhiên sẽ được xây cất bên trong, nhưng nếu là thế …” Trần Bì A Tứ nhìn đỉnh Tam Thánh phía xa xa, ánh mắt hiện lên nét nghi hoặc tột cùng.

Tôi biết điều lão ta đang băn khoăn, bèn tiếp lời: “Nơi này là bảo huyệt trời sinh ‘Thai Côn Luân’, nhưng cũng chỉ có một lăng mộ bồi táng. Nếu vậy thì Vân Đỉnh thiên cung trên núi Tam Thánh kia là mộ chính, không biết phong thủy còn tốt đến độ nào? Dù sao đi chăng nữa cũng không thể thua kém ‘Thai Côn Luân’.”

“Phải, làm gì có nơi nào phong thủy tuyệt hơn ‘Thai Côn Luân’ nữa. ‘Thai Côn Luân’ là nơi linh khí của cả mặt đất hội tụ, nếu có nơi nào đó tốt hơn thì chỉ có một khả năng.” Trần Bì A Tứ nghi hoặc, rồi chuyển giọng giận dữ: “Thiên cung kia quả thực được xây ở trên trời!”

Nét mặt của Trần Bì A Tứ khi nói ra những lời này rất mực nghiêm túc, rõ ràng không phải nói đùa, tôi nghe chỉ thấy toàn thân phát lạnh. Bàn Tử kêu lên: “Làm gì có chuyện đó!”

“Đúng là không thể, cho nên nơi này xuất hiện ‘Thai Côn Luân’, chắc chắn là có vấn đề. Chẳng lẽ hướng sông thế núi đã bị hắn sửa lại? Nhưng Uông Tàng Hải sao có thể thần thông đến thế?” Trần Bì A Tứ lại nhìn thế núi bốn phía xung quanh.

“Không, không nên nghĩ như vậy.” Tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng, bèn hỏi: “Có khi nào cái bào thai này là giả? Do con người tạo ra? Một loại thủ pháp tượng trưng, rất hay gặp trong kiến trúc các ngôi mộ cổ. Cũng như thành của Võ Tắc Thiên có hình dạng gần giống với âm hộ phụ nữ (1), nói không chừng cái bóng kia chỉ là bóng của lăng bồi táng thôi.”

Ý nghĩ này tự dưng nảy sinh trong đầu, bởi vì tôi làm nghề buôn đồ cổ, công việc hàng ngày chính là phân biệt thật giả. Lúc chọn mua đồ, cảm giác đầu tiên của tôi luôn là: đây chắc là đồ giả. Thế nên khi nghe Trần Bì A Tứ nói bằng giọng gay gắt như thế, suy nghĩ đầu tiên của tôi cũng là: hay nó là đồ giả? Cái này coi như là bệnh nghề nghiệp rồi.

Với lại, đông cứng cửa vào lăng mộ trong lòng đất, lại xây thành hình dạng trẻ con như vậy hoàn toàn giống với tính cách ưa đột phá (*) của Uông Tàng Hải.

(*) Nguyên văn: Bất kinh tử bất hưu (不惊死不休) xuất phát từ câu “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” nghĩa đen là “câu chữ không kinh người thì đến chết cũng không ngừng” là một danh ngôn của TQ nói lên thái độ trân trọng của những bậc trí thức thời xưa đối với việc sáng tác. Suy rộng ra thì bất kinh tử bất hưu nghĩa là không làm được chuyện kinh người thì đến chết vẫn không ngừng)

Trần Bì A Tứ tập trung tinh thần ngắm nghía sơn mạch xung quanh, căn bản không thèm nghe tôi nói. Tôi quay đầu nhìn sang Muộn Du Bình, vẻ mặt hắn cũng tràn đầy nghi hoặc, nhìn chằm chằm cái bóng kia bằng ánh mắt phức tạp nhưng cũng không lên tiếng. Được cái Hoa hòa thượng rất tán thành cách suy nghĩ của tôi (xem ra hắn cũng là dân buôn đồ cổ tuyến đầu nên mắc bệnh nghề nghiệp giống tôi). Hắn nói: “Cậu nói cũng có lý, tôi thấy ‘bóng thai’ kia còn mơ hồ phân chia thành các bộ phận, chắc chắn không phải là thứ đơn giản, dường như chiều cao cũng không đồng nhất, hơn nữa xung quanh còn có gai nhọn, không thể nói rõ là thứ gì, cũng có thể nó được con người xây dựng nên.”

Trong lòng tôi bỗng nổi lên một cảm giác kì lạ: Uông Tàng Hải xây lăng mộ thành hình dạng thai nhi, chẳng lẽ ổng hi vọng lăng mộ này cũng sẽ thành tinh giống ‘Thai Côn Luân’ hay sao?

Nếu đúng như thế thì quả là ngoài sức tưởng tượng.

Bàn Tử nói: “Suy đoán nhiều mà làm gì, nếu không đào nó lên thì đoán già đoán non cũng vô ích. Có thời gian rảnh rỗi ngồi đoán thà nghĩ cách xuống đó còn hơn.”

“Nếu đào xuống rồi mới phát hiện ra nó không phải lăng bồi táng, mà là thực sự là một khối băng khổng lồ thì ….” Diệp Thành đã hơi run, răng va lập cập :”…Thì biết làm sao?”

Bàn Tử vỗ về hắn: “Vậy anh cứ ở lại trên này, chúng tôi xuống kiểm tra, nếu an toàn sẽ gọi anh xuống.”

Tôi cũng nói: “Nếu kia thực sự là băng thai thì đúng là kì tích của tạo hóa, có thể tận mắt ngắm một lần cũng đáng giá.”

Hoa hòa thượng vỗ vai Diệp Thành: “Chú nhát gan quá, nên học hỏi thêm các đại ca đi… Vấn đề lúc này không phải là xuống hay không xuống mà là làm thế nào để xuống?” Hắn ước lượng độ dày của lớp băng, nói: “Nếu dùng cuốc chim thì có đào bạt mạng trong nửa tháng cũng chưa chắc đã xuống đến nơi.”

Chúng tôi là thổ phu tử chứ không phải băng phu tử, tác nghiệp trên băng hoàn toàn không giống với mặt đất bình thường, phải chú ý đến rất nhiều thứ, bình thường tài nghệ có tốt đến mấy cũng chưa chắc được việc.

Bàn Tử nhìn chằm chằm cái bóng khổng lồ dưới đáy sông băng kia, khoát tay nói với chúng tôi. “Chuyện này có gì khó chứ? Cứ để Bàn Tử ta ra tay.”

Tôi trông nét mặt hắn hình như đã phát hiện ra điều gì, trong lòng cũng sinh tò mò. Bàn Tử vẫn là kiểu người tích cực tiên phong trong đoàn, rất ít khi đưa ra ý kiến về mặt chuyên môn nhưng một khi đã phát biểu thì luôn nói trúng điểm then chốt, cho thấy tâm tư người này thực ra khá là tinh tế. Khi còn ở dưới đáy biển, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều này, đây hẳn là lý do hắn cực kì hám của nhưng vẫn có thể biến nguy thành an hết lần này đến lần khác. Nhưng với kiểu người như Bàn Tử, khi nói chuyện phải có chiêu. Hắn thuộc dạng cứng đầu, bình thường khích hắn còn công hiệu hơn là nịnh nọt hắn. Vì thế tôi nói: “Anh thì có biện pháp quái gì?”

Quả nhiên hắn tỏ vẻ khó chịu, đáp: “Nói vớ vẩn, thế sinh viên như cậu thì có biện pháp chắc? Tôi đã từng lên núi Côn Luân, nhiều sông băng trên đó còn dày hơn chỗ này, tất nhiên kinh nghiệm phong phú hơn cậu gấp vạn.”

Tôi cười nói: “Vậy anh nói tôi nghe thử xem.”

Bàn Tử hầm hừ với chúng tôi rồi cũng chịu nói, người dẫn đường của hắn trước đây có kể cho hắn nghe khá nhiều câu chuyện về băng. Độ cao so với mực nước biển của núi Côn Luân hơn nơi này rất nhiều, là sông băng trên núi cao đích thực, nơi đó hình thành những khe băng cực lớn do nhiệt độ thấp và địa thế núi vận động thường xuyên tạo ra những vết rạn nứt. Đôi khi trong khe băng lại phát hiện những di hài kỳ quái thời xưa, thậm chí có người còn phát hiện có nhà cửa bị chôn vùi sâu dưới lòng sông băng, nhưng đã sụp xuống cả, chỉ còn lại ít tàn tích.

Bàn Tử lúc ấy có hỏi trong môi trường băng giá như thế, vì sao các di tích cổ đại này lại không thể bảo tồn? Người dẫn đường của hắn liền đáp, đưa một tòa kiến trúc hoàn chỉnh đông cứng trong băng là chuyện không khả thi, đặc biệt là phòng ốc bằng gỗ gặp phải băng vỡ hay tuyết lở thì chắc chắn sẽ sụp trước tiên.

Tòa kiến trúc trong lòng sông băng dưới chân chúng tôi đang đứng bây giờ hiển nhiên được xây dựng trên vách núi. Cái bóng đen dưới đó trông rất hoàn chỉnh, hình dáng cực kì giống một đứa bé, chứng tỏ nó không có dấu hiệu bị sụp xuống, bởi vì với kiểu kiến trúc lầu gác thế này, một khi sụp xuống sẽ không thể giữ được hình dạng đó. Cho nên trừ phi vùi trong sông băng không phải lăng bồi táng mà là một khối đá, bằng không lăng bồi táng đóng băng trong lòng sông này nhất định không phải do tuyết lở mà do con người tạo nên.

Giả thiết của Bàn Tử vô cùng hoàn chỉnh, tôi gật đầu đồng ý với hắn, nhưng những người kia lại chưa hiểu ra ý nghĩa của nó. Phan Tử hỏi lại hắn: “Vậy thì sao?”

Bàn Tử xua tay nói: “Nếu như không có tuyết lở, lăng mộ kia lại được xây dựng cách đây hơn 900 năm, thì theo lý thuyết lớp băng tích tụ trong 900 năm không thể dày đến vậy. Cho nên mới nói lớp băng này chắc chắn là do con người tạo ra, dưới chân chúng ta là một lớp tường băng nhân tạo cực dày. Tường băng này lại không thể đè trực tiếp lên công trình, mà chắc chắn phải có một cái vòm, hình thành nên một khung băng tự nhiên bắc trên sườn dốc để bảo vệ những kiến trúc bên dưới. Tương tự như những nấm mộ giả bằng băng khác, băng này cũng không dày như chúng ta tưởng. Cậu xem, băng chỗ này rất trong, đây cũng là một bằng chứng.”

Bàn Tử nói xong, mọi người cùng ồ lên, ai nấy đều nhìn hắn với cặp mắt ngưỡng mộ, đồng thời cũng tự nhiên có cảm giác dưới chân mình bất ổn hơn rất nhiều.

Bàn Tử còn thù tôi vừa rồi coi thường hắn, lại biết tôi học kiến trúc, liền hỏi tôi giả thiết của hắn có vững không.

Tôi gật gật đầu, về lý thuyết hắn giải thích thông suốt, hơn nữa còn có tính khả thi cao. Kĩ thuật dùng băng làm khung cho nhà cửa, trên thế giới đã xuất hiện từ rất sớm. Thời Tam quốc, Tào Tháo một đêm xây thành chính là dùng băng cộng thêm rơm rạ, người Eskimo cũng sớm biết dùng băng để xây nhà ở cho mình. Gần đây nhất ở Đan Mạch hình như còn xuất hiện kiến trúc bằng băng hiện đại, cho thấy trong kiến trúc học thì độ cứng của băng tuyệt đối không thành vấn đề.

Tuy nhiên Tào Tháo xây thành trong một đêm là ở đồng bằng, còn đây là xây dựng một khung băng lớn trên vách đá dựng đứng, thực sự khả thi sao? Tôi vẫn chưa hoàn toàn đồng tình, dù sao thời gian cũng cách đây hơn 1000 năm, Uông Tàng Hải dù có tài năng vượt trội hơn con người thời đó rất nhiều nhưng cũng không thể đạt đến trình độ này.

Bàn Tử thấy tôi đồng ý với hắn, lập tức đắc ý, hất tóc: “Chuyện, Bàn gia ta chính là nhân tài.”

Diệp Thành hỏi tôi: “Cậu chủ Ngô, liệu có thể dựa vào kiến trúc học để tính ra độ dày của khung băng không?”

Kiến thức thời đại học của tôi phần lớn là chữ thầy trả thầy cả rồi, cơ mà trọng lượng của một đơn vị thể tích băng thì vẫn nhớ. Tôi lẩm nhẩm trong bụng, dùng mấy công thức tính toán ra một con số, bèn trả lời: “Nếu những lời Bàn Tử nói là đúng, giả sử dùng cọc gỗ để chống đỡ kết cấu thì tầng băng dưới chân chúng ta không thể dày quá mười mét, bằng không trọng lượng bản thân khối băng quá lớn sẽ tự sụp xuống, có chống bằng giời.”

“Mười mét.” Mọi người nhìn nhau, Phan Tử bèn nói: “Bố khỉ, vậy cũng quá sức rồi. Mặt băng chỗ này không giống những nơi khác, cứng rắn hơn nhiều, chúng ta lại không có thiết bị chuyên dụng. Vừa nãy tôi với Lang Phong dùng xẻng ra sức gõ thử mấy cái nhũ băng, mới gõ vài cái tay đã tê rần mà chỉ gõ ra được mấy cái vệt trăng trắng. Muốn xuyên thủng mười mét băng này chỉ e phải tốn kha khá thời gian, có khi một tuần vẫn chưa xong.”

Băng trọng lực không giống như băng đóng trên mặt sông bình thường. Băng trên mặt sông hình thành từ nước sông, lẫn nhiều tạp chất, hơn nữa bên trong lại chứa bọt khí, mà nhiệt độ trong lòng sông cũng không quá thấp. Nhưng băng trọng lực là do tuyết tích tụ ngàn năm chồng chất hết tầng này đến tầng khác nén xuống, không những ít tạp chất mà nhiệt độ lớp băng bên dưới tầng tuyết có thể xuống dưới -50 độ. Dưới nhiệt độ và độ tinh khiết như thế, băng sẽ có mật độ và độ cứng vô cùng đáng sợ.

Bàn Tử nói: “Chẳng phải chúng ta có thuốc nổ sao? Chúng ta cứ trèo lên nấp dưới tảng đá kia rồi đào một cái lỗ pháo là được.”

Hoa hòa thượng và tôi lập tức lắc đầu. Tôi nhớ vừa mình rồi suýt nữa đã chết trong đống tuyết, nổi giận với hắn: “Anh đúng là đồ não cá vàng, vừa rồi còn chưa nếm đủ sao? Còn nữa, nếu sông băng này rỗng ruột, một vụ nổ dù nhỏ đến đâu cũng có thể khiến khung băng nứt toác ra – nếu giả thiết của anh là chính xác thì không thể cân nhắc phương án dùng lực phá hoại quá lớn để mở đường. Nếu đào đến nơi quan trọng có khi cả xẻng băng cũng không dùng được, làm không tốt sẽ gây ra phản ứng dây chuyền.”

Bàn Tử vốn cực kì ác cảm với những lý luận khoa học, nghe thế liền làu bàu: “Cậu là đồ mọt sách xa rời thực tế. Xẻng băng cũng không được dùng thì biết làm sao? Chẳng lẽ xúc bằng thìa? Cậu đừng ỷ mình là sinh viên mà đứng ở đây diễu võ giương oai, cố tình làm khó chúng tôi.”

Tôi nói tôi còn sốt ruột hơn anh, nhưng sự thật là sự thật, nếu ai không tin thì cứ đi mà thử.

Một vấn đề vừa nghĩ thông suốt lại phát sinh vấn đề khác, trong thoáng chốc bầu không khí đã trầm xuống, mọi người không ai nói lời nào, tập trung nghĩ cách giải quyết. Đang lúc do dự chưa quyết, đột nhiên Muộn Du Bình cầm cái lò không khói mà Thuận Tử dùng để pha trà bước lại gần chúng tôi, thả xuống bên cạnh. Bếp lò nóng bỏng lập tức phản ứng với mặt băng lạnh buốt, phát ra tiếng xèo xèo. Hắn quay sang hỏi tôi: “Như thế đã được chưa?”

Tôi thấy vậy, trong lòng thầm nghĩ thôi chuẩn rồi. Tiên sư nó, trời lạnh não cũng đóng băng, sao mình lại không nghĩ ra cách này chứ, dùng lửa có nhanh hơn không.

Nhiệt độ và độ cứng của băng có liên quan trực tiếp với nhau, nhiệt độ càng tăng thì độ cứng càng giảm. Một khi lớp tường băng mặt ngoài bắt đầu biến giòn, phản ứng dây chuyền khi xẻng xúc đập vào băng sẽ giảm bớt. Chúng tôi có thể bước từng bước một, đầu tiên hơ nóng bề mặt băng để giảm bớt độ cứng, sau đó phá vỡ cả khối, lộ ra tâm băng sâu hơn lạnh hơn ở bên dưới. Rồi lại tiếp tục dùng lò nung nóng, cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi thông xuống đáy mới thôi.

Thực tiễn chính là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý, chúng tôi lập tức thử nghiệm cách này. Mọi người đều lấy bếp lò của mình ra, đốt lên xong đặt xuống mặt băng, một phút sau dùng xẻng xúc băng lên. Quả nhiên đúng như trong sách nói, khối băng nóng lên sẽ hóa giòn và vỡ ra từng mảnh.

Nhưng do nhiệt độ không khí quá thấp, làm như vậy cũng rất chậm, chúng tôi thay phiên nhau làm thử suốt 3 tiếng đồng hồ, cho đến khi trời đã tối đen mới đào được một cái hố rộng chừng nửa mét, sâu cỡ bảy, tám mét trong băng. Màu sắc tầng băng bên dưới biến đổi rõ rệt, độ tinh khiết của băng tăng lên rất nhiều. Lúc này có thể khẳng định Bàn Tử đã nói đúng phân nửa, băng này chắc chắn không phải do tự nhiên hình thành.

Bàn Tử lưng buộc dây thừng, hai chân xoải ra chống vào thành giếng băng, cuối cùng dùng lò không khói hơ nóng mặt băng dưới đáy hố, sau đó lấy búa ngắn đập mạnh một cái, đang định nện thêm cái nữa thì không ngờ đã nghe “rắc” một tiếng, khung băng nứt ra một cái khe. Trong chốc lát chúng tôi cảm giác được không khí bên ngoài tràn vào khe nứt kia tạo ra một luồng gió, khiến nhiệt độ đột nhiên hạ xuống rõ rệt.

Bàn Tử lại đập thêm một búa, phá tan khối băng dưới đáy, vụn băng rơi xuống ào ào, quả nhiên xuất hiện một cái cửa động, bên dưới trống không!

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, ngay cả Bàn Tử cũng tự thấy kinh ngạc, kêu lên một tiếng: “Tôi đã đoán thì chỉ có chuẩn!”

Chúng tôi kéo hắn lên, mọi người xúm lại xung quanh cửa động, tranh nhau cầm đèn pin rọi vào bên trong.

Bên trong giếng băng này là một khoảng không rộng lớn tối tăm, cả khung băng giống như một cái bát trong suốt úp ngược trên vách đá, dọc theo vách đá là vô số cột gỗ chống băng dựng thẳng đứng lên, đan xen với nhau, hình thành một kết cấu giống như giàn giáo, chống đỡ ‘bát băng’ bên ngoài. Thứ này chính là gai mọc trên người cái ‘bóng thai’ mà Hoa hòa thượng đã nói. Bên dưới vách đá là một vực sâu tối đen như hũ nút, nhìn không thấy đáy.

Ở độ sâu hơn một trăm mét so với vách đá, chúng tôi đã thấy được chân tướng của cái bóng thai màu đen kia. Đó là một hang núi hình bào thai rất lớn, cũng không biết do con người tu tạo hay hình thành tự nhiên. Miệng hang ước chừng rộng cỡ một cái bể bơi tiêu chuẩn, thoạt nhìn rất giống một đứa trẻ sơ sinh khổng lồ màu đen.

Chúng tôi nhìn mà sợ đến ngây người, ai nấy gần như không thốt nên lời. Bàn Tử mắt tinh như cú, cầm đèn pin của tôi chiếu vào một chỗ, nói: “Xem này!”

Theo hướng hắn chỉ, chúng tôi nheo mắt lại cẩn thận quan sát, lúc này mới thấy trong hang núi kia vậy mà lại xây một tòa cung điện hoành diêm phi lương nguy nga tráng lệ, có một phần kiến trúc còn nhô ra khỏi miệng động, dùng cột gỗ chống vào vách đá, giống như tòa lâu đài treo lơ lửng giữa trời. Nhưng phần lớn kiến trúc được xây bên trong hang động, không thể nhìn rõ toàn cảnh.

Do nơi này quanh năm giá lạnh, nơi nơi đều tích tụ băng tuyết, phần kiến trúc lộ ra ở miệng hang kia nhìn từ bên trên trông cứ như phủ một lớp bụi dày, không quá nổi bật nên nhìn lướt qua cũng không dễ mà phát hiện.

Đây chắc là linh cung của lăng bồi táng, cũng chính là long lâu bảo điện mà Mô Kim hiệu úy thường nhắc đến, là phần ‘lăng’ trong ‘lăng mộ’, mà mộ của chủ nhân nó hẳn là nằm sâu trong lòng núi dưới linh cung kia.

Tôi không khỏi cảm khái, cứ ngỡ nơi này nhiều nhất cũng chỉ có một lối kín đáo dẫn vào địa cung, không ngờ Vạn Nô vương lại phô trương cỡ này, lăng bồi táng mà cũng thiết kế linh cung hoành tráng đến vậy. Nếu Vân Đỉnh thiên cung kia không bị bao phủ dưới lớp tuyết dày thì cảnh tượng sẽ còn nguy nga tráng lệ đến nhường nào? Thực sự không tài nào tưởng tượng nổi, trí tuệ của cổ nhân thật khiến cho người ta kinh sợ.

Bàn Tử là người đầu tiên có phản ứng, hắn phá lên cười, kế đó những người khác cũng đều mỉm cười, mọi người cùng nhau vỗ tay ăn mừng. Tôi huých mông với Bàn Tử, suýt chút nữa đã trượt xuống khỏi mặt băng.

Hoa hòa thượng vội vàng ngăn chúng tôi lại. Hắn chỉ chỉ sườn tuyết trên đầu, ý nói coi chừng tuyết lở thêm lần nữa. Mà chúng tôi lại đang đứng trên mặt băng, có mà trốn đằng giời.

Lúc này chúng tôi mới cố nén kích động trong lòng, cố giữ trật tự, nhưng trên mặt ai cũng lộ ra nét vui sướng đến phát cuồng, không sao kiềm chế nổi.

Bây giờ ngẫm lại, kẻ trộm mộ, cho dù là trộm mộ lâu năm đi chăng nữa thì cũng chẳng mấy ai đào được loại mộ cao cấp như hoàng lăng. Nếu có thể tiến vào hoàng lăng một lần mà an toàn trở ra thì chẳng cần quan tâm trong lăng có những vật báu gì, bản thân chuyện này đã đủ chứng minh anh vĩ đại thế nào. Chưa tính đến chuyện anh có thể khoác lác thổi phồng với người ta bao nhiêu năm sau, thì tâm thái của chính anh cũng không còn như xưa nữa, loại hấp dẫn này dẫu là ai cũng không thể kháng cự nổi. Mà ngay cả một kẻ vốn không coi mình là dân trộm mộ như tôi cũng dâng lên cảm giác kích thích mãnh liệt, quả thực đã sốt ruột đến mức không chờ thêm được nữa, chỉ muốn xuống đó ngay lập tức xem sao.

Hoa hòa thượng tự vỗ mặt mình cho trấn tĩnh lại, sau đó quay sang hỏi Trần Bì A Tứ xem chúng ta nên xuống đó ngay bây giờ hay để đến ngày mai.

Trần Bì A Tứ âm trầm liếc qua chúng tôi rồi hỏi: “Ngày mai mới xuống? Các ngươi liệu có nhịn nổi không?”

—————————————————

(1) Thành của Võ Tắc Thiên là một cách gọi khác của thành Lạc Dương, do Võ Tắc Thiên đặc biệt yêu thích đô thành này, sau khi lên ngôi đã cho dời đô từ Trường An sang Lạc Dương và sống gần hết đời mình ở đây. Bản đồ thành Lạc Dương (tự xem và cảm nhận…)

Bình luận

Truyện đang đọc