TIỂU THƯ HẦU PHỦ

Thôi kệ, người ta đã bảo là quà đáp lễ rồi thì mình cứ nhận thôi.

Vương Tự Bảo ngắm nghía, vuốt ve miếng ngọc bội đang cầm trên tay. Miếng ngọc bội này được khắc thành hình tuấn mã đang chạy. Con ngựa có vẻ uy vũ và mạnh mẽ, được khắc rất tỉ mỉ và sống động. Màu sắc đỏ tươi, chất ngọc thuần khiết, nhẵn nhụi và sáng bóng, cầm trong tay cảm thấy ấm áp như ánh nắng. Nếu đoán không nhầm thì đây là miếng ngọc noãn màu đỏ cực kỳ hiếm có trên thế giới.

Món đồ này thực quá quý giá. Có lẽ Lâm Khê là người có xuất thân không hề bình thường.

Vậy cô bé có nên trả lại miếng ngọc bội cho cậu không?

Nhưng vấn đề là Vương Tự Bảo tuổi ngựa, miếng ngọc bội này vừa hay phù hợp với tuổi của cô bé. Ngọc noãn có tính ấm, cực tốt đối với cơ thể của con gái, nếu mang theo người lâu ngày vừa có thể khỏe mạnh, tránh bị lạnh bụng. Đặc biệt là vào những ngày đèn đỏ, nếu đeo theo miếng ngọc này sẽ giảm nguy cơ bị đau bụng kinh.

Tại sao cậu nhóc kia lại đeo món đồ của con gái bên mình? Có lẽ đây là thứ mà cậu được trưởng bối là nữ đưa cho, rất có thể còn mang ý nghĩa kỷ niệm nữa. Vậy để khi nào có cơ hội thì đổi một món quà đáp lễ khác vậy.

Người đứng lớp ở giờ học hôm nay là Hứa Hoằng Hòa - một người xuất thân từ Võ cử nhân*. Trước khi thầy Hứa đến, Lâm Khê đã vội vàng quay lại.

(*) Võ cử nhân: người thi đỗ kỳ thi võ ở thời cổ đại.

Hứa Hoằng Hòa khoảng ba mươi tuổi, tướng mạo bình thường, vóc dáng cao lớn, đôi tay cực to. Sau lễ ra mắt với các học trò, thầy Hứa lấy cung ở phía sau mình ra, lại rút một mũi tên từ túi đựng tên rồi đặt lên cung. Hắn không hề đeo lót ngón tay, ngón cái móc lấy dây cung, ngón trỏ và ngón giữa ép xuống ngón cái, sau khi ngắm chuẩn thì lập tức buông tay.

"Vèo" một tiếng, mũi tên trong tay hắn bắn thẳng về phía bia.

"Phập!" Đầu mũi tên đâm trúng hồng tâm và xuyên thẳng qua tấm bia.

"Hay quá!" Lũ học trò thấy vậy thì vỗ tay và hoan hô khen ngợi. Vương Tự Bảo cũng vỗ tay theo.

Tiếp đó thầy Hứa lại làm thêm mấy động tác mẫu rồi sắp xếp cho học trò tự luyện tập.

Bãi tập luyện này có mười mấy tấm bia. Theo lý mà nói, một lớp có năm mươi người thì cứ năm người sẽ tập chung một tấm bia mới đúng, nhưng kỳ lạ là, tấm bia phía bên trái lại chỉ có mỗi Lâm Khê luyện tập.

Đám con gái thì nấp dưới bóng mát của cây đại thụ để tránh nóng.

Dưới bóng cây có xếp ngay ngắn mấy hàng ghế dài để khi nào có cuộc thi đấu diễn ra, khán giả sẽ có chỗ để nghỉ ngơi. Các nha hoàn của mỗi nữ sinh đứng hầu hai bên, có người quạt mát, có người lau mồ hôi, hoặc là bận bịu dâng trà đưa nước, chuẩn bị trái cây các thứ.

Nghĩ lại thì cũng đúng thôi. Bây giờ đang là giữa Hạ, không phù hợp để luyện bắn cung. Những người có thể đến đây học hành đều là quý nữ của các nhà giàu, nếu phải phơi nắng đen da thì khi quay về phủ nhà mình, chắc chắn phụ thân mẫu thân của họ sẽ đến trường mà hỏi cho ra lẽ.

Những nữ nhi được gửi tới đây đều trắng trẻo, được nâng niu cưng chiều từ bé, tại sao đến trường của các người để học mà lại bị đen sì sì thế này? Có định để cho con gái người ta tìm được mối hôn sự tốt không đây? Thử nghĩ mà xem, ai lại đồng ý cưới một nương tử đen thui về nhà chứ?

Có lẽ cũng là vì cân nhắc vấn đề này nên trường học chẳng yêu cầu gì cao đối với những nữ sinh này.

Vương Tự Bảo huých Trịnh Tương Quân đang lau mồ hôi cạnh mình, hỏi: "Trịnh tỷ tỷ, bọn mình không cần luyện tập sao?"

Vương Tự Bảo không cần Hương Vu hầu hạ, tự mình phe phẩy quạt.

"Không cần đâu. Bọn mình chỉ cần nghe và nhìn nhiều, khi nào về phủ thì luyện tập dần dần là được. Đến kỳ sát hạch cuối năm, chỉ cần bắn trúng một trong năm tên là được rồi. Nghe nói kỳ thi cuối năm nay so với bình thường cũng chỉ yêu cầu bắn trúng thêm một tên thôi." Trịnh Tương Quân nói xong thì nhìn đám đông đang tập luyện trên thao trường, rồi lại ca thán: "Chẳng hiểu sao trường lại không cho nữ sinh chúng ta nghỉ ngơi buổi chiều, để đám nam sinh kia tự luyện là được rồi. Sao cứ phải bắt chúng ta ngồi đây chịu nóng chứ? Nóng quá đi mất."

"Thì để chúng ta được nhìn đó thôi, cũng coi như để chúng ta học theo. Ổn rồi, ta cứ nghĩ họ sẽ bắt chúng ta ra đó để tự mình tập cơ, làm ta lo lắng không đâu." Không cần ra sân tập là tốt nhất, Vương Tự Bảo cũng không muốn phải tập luyện giữa lúc nắng nóng thế này. Chưa ra đó đã toát đầy mồ hôi, nếu thật sự phải đi thật thì chưa kể đến việc phơi nắng, chỉ riêng việc người toàn mùi mồ hôi thôi cũng làm người ta khó chịu lắm rồi.

"Cũng không phải là không cần xuống bãi tập. Có lúc thầy sẽ cho thi thử để xem chúng ta tự tập đến đâu. Đây cũng được coi là một cách giám sát, nếu không e là chẳng có mấy người chịu tập luyện thật đâu." Trịnh Tương Quân vừa phe phẩy quạt vừa giải thích.

"Ồ, nếu vậy thì càng không thể để chúng ta nghỉ ngơi vào buổi chiều rồi."

"Đúng vậy. Hôm nay nóng thật đấy, làm ơn đừng có thi thử nha." Nói xong, Trịnh Tương Quân làm động tác cầu xin Phật tổ phù hộ, khiến Vương Tự Bảo thấy rất hài hước.

Ở phía kia, hôm nay Lâm Khê bắn cung mà không hề chú tâm chút nào. Mặc dù mỗi mũi tên vẫn bắn trúng bia, nhưng lực đạo, tốc độ và tính chính xác thì hiển nhiên là không bằng thường ngày.

Thầy Hứa thấy vậy thì mau chóng đi đến, vỗ vào vai Lâm Khê đang chuẩn bị bắn tên, nói: "Tiểu tử, có tâm sự gì hay sao thế? Hôm nay bắn như thế là không ổn rồi."

Lâm Khê chẳng hé một lời, để luôn cung tên xuống rồi bước sang một bên. Tiểu tư Quyển Thư của cậu vội vàng đưa khăn lau mặt tới.

Lâm Khê lau qua mặt. Đôi lông mày anh tú nhíu chặt lại. Cậu đang thấy phiền muộn, ban đầu định thể hiện thật tốt trước mặt Vương Tự Bảo, thế nhưng càng như vậy thì tim đập càng nhanh, lúc bắn tên cũng không được tốt như bình thường. Nhân lúc nghỉ ngơi, cậu len lén liếc về phía bóng cây, nơi có Vương Tự Bảo đang ngồi ăn hoa quả.

Cậu thấy cô bé kia chẳng thèm liếc sang phía mình lấy một cái, trong lòng đột nhiên trào dâng cảm giác mất mát không nói thành lời.

Cậu cứ nghĩ sẽ không có ai phát hiện ra việc mình liếc trộm Vương Tự Bảo, chẳng ngờ lại bị thầy Hứa nhìn thấu.

Hứa Hoằng Hòa chẳng hề giữ phép mà khúc khích cười trộm.

Thảo nào hôm nay tiểu tử này bắn tên rất khác thường, hóa ra lý do là đây.

Cũng đúng thôi, mấy cậu nhóc lên tám, lên chín này cũng bắt đầu biết thầm thương trộm nhớ rồi. Tiểu tử này bình thường rất ra dáng người lớn, hiếm lắm mới thấy cậu thể hiện những gì mà tuổi mình nên có.

Vậy là hắn nảy ra ý định muốn trêu chọc Lâm Khê. Thế là Vương Tự Bảo và đám nữ sinh cũng bị vạ lây.

Hứa Hoằng Hòa quay về phía mấy cô nữ sinh, nói với giọng sang sảng: "Các trò nữ qua đây nào."

Vương Tự Bảo nhìn sang mấy người bên cạnh, mấy người bên cạnh cũng ngó về phía cô bé. Cả đám bất mãn mà đứng lên, đi về phía thầy Hứa.

"Thôi xong, chả lẽ hôm nay lại thi thử?" Trịnh Tương Quân nhỏ giọng lẩm bẩm.

Vương Tự Bảo chỉ muốn nói với thầy Hứa rằng: Chúng ta chỉ muốn làm một người đẹp yên tĩnh thôi mà.

Thấy sáu nữ sinh rề rà đi tới, Hứa Hoằng Hòa không khỏi cao giọng mà hét: "Tập trung mau lên, nếu không mỗi người sẽ bị phạt một lần đấy."

Nghe đến việc bị phạt, mấy người này mới mau chóng đi đến trước mặt Hứa Hoằng Hòa, đứng thành một nhóm.

"Rồi, hôm nay mỗi người sẽ có năm mũi tên, chỉ cần bắn trúng một mũi là được. Nếu không bắn trúng được phát nào thì sẽ phải bắn thêm năm phát nữa. Nếu vẫn không trúng thì đến tiết sau sẽ kiểm tra tiếp. Giờ bắt đầu từ Cảnh Ngọc Nhi."

Nghe thấy tên mình được gọi đầu tiên, Cảnh Ngọc Nhi nghênh ngang đứng dậy, sau đó nhìn thẳng, hếch cao cằm, đi về phía bia ở góc trái ngoài cùng. Nàng ta đứng ở phía nửa bên cạnh khu tập luyện của nam sinh, đó là khu vực để sẵn cung tên chuẩn bị cho nữ sinh.

Cảnh Ngọc Nhi đưa bàn tay phải thon thả trắng trẻo ra, nhận lấy cung và tên từ tay nha hoàn của mình. Rồi nàng ta giương cung, lắp tên, chuẩn bị bắn tên với tư thế cực kỳ đẹp mắt.

Năm nay Cảnh Ngọc Nhi mười tuổi, nàng ta đã mang trên mình vẻ đẹp động lòng người và dáng vẻ thướt tha của một thiếu nữ. Bởi vậy nên đám nam sinh đều ngừng việc luyện tập, nhìn sang bên này.

Có vài nam sinh mạnh dạn vây quanh đó, vậy là những người khác cũng bắt chước mà xúm lại xem.

Lâm Khê thì đứng ở chỗ xa, thấy Vương Tự Bảo thi thoảng lại lấy khăn lau mồ hôi thì thương xót vô cùng, chỉ hận không thể xông đến đó, đưa cô bé vào chỗ có bóng râm mát mẻ, tự tay lau mồ hôi và quạt mát cho cô bé.

Còn về Cảnh Ngọc Nhi, dáng vẻ khi nàng ta giương cung bắn tên trông cực kỳ đẹp. Độ chính xác khi bắn tên cũng khá ổn, năm mũi thì trúng hai mũi, vậy là qua bài kiểm tra một cách suôn sẻ.

Cảnh Ngọc Nhi thu lại mũi tên xong thì quay đầu lại, ném ánh nhìn khiêu khích về phía mấy nữ sinh còn lại. Tài bắn cung mà nàng ta có được là do chính phụ thân nàng ta luyện cho.

Người tiếp theo bị gọi tên là một trong những nữ sinh theo đuôi Cảnh Ngọc Nhi, tên là Thiệu Y Lan.

Mũi tên cuối cùng của nàng ta miễn cưỡng dính được vào bia, coi như suýt soát qua cửa.

Người được gọi sau Thiệu Y Lan là một nữ sinh khác chơi cùng Cảnh Ngọc Nhi, tên là La Man Hà. Tài bắn cung của nàng ta rất tốt, năm mũi tên cứ liên tiếp mà trúng đích vèo vèo. Tất cả đều trúng vào giữa bia, trong đó còn có một mũi trúng ngay hồng tâm.

"Giỏi quá." Rất nhiều lời khen ngợi mau chóng vang lên.

La Man Hà cười xấu hổ, sau đó lại ngượng ngùng quay về đứng bên cạnh Cảnh Ngọc Nhi.

Cảnh Ngọc Nhi hung hăng mà trợn mắt nhìn nàng ta, nói: "Hừ! Đúng là đồ thích thể hiện."

La Man Hà uất ức đứng sau lưng Cảnh Ngọc Nhi, khăn tay lau mồ hôi bị nàng ta vặn xoắn đến nhàu nát trong tay. Nàng ta thầm hậm hực: Ngươi chẳng qua chỉ là một thứ nữ, nếu không phải vì người phụ thân sủng thiếp mặc thê của ngươi thì chẳng ai coi ngươi ra gì cả đâu.

Người tiếp theo đáng lẽ sẽ là Châu Nhã Tuyết, nhưng nàng chưa từng luyện cưỡi ngựa hay bắn cung cả, cho nên tự động bỏ thi.

Hứa Hoằng Hòa không biết phải làm sao, muốn phạt cũng chẳng biết phải phạt thế nào.

Châu Nhã Tuyết là cháu gái của đại học sĩ Châu Tô Bình, thường ngày chỉ thích ca hát làm thơ, còn với việc cưỡi ngựa bắn cung thì hoàn toàn mù tịt.

Nếu theo lời Vương Tự Bảo mà nói thì đây mới chính là một người muốn làm mỹ nữ tĩnh lặng.

Châu Nhã Tuyết chín tuổi, dáng người nhỏ gầy, trông khá lanh lợi đáng yêu. Lúc nói chuyện thì nhỏ nhẹ từ tốn, thích trích dẫn kinh điển, lại còn thích học đòi văn vẻ mà ngâm thơ đối chữ các kiểu. Vương Tự Bảo đã từng tiếp xúc với nàng ta vài lần, lúc nói chuyện rất khó bắt sóng của nhau nên cũng ít qua lại.

Có lẽ trường nữ sinh và trường gia tộc hợp với Châu Nhã Tuyết hơn.

Mặc nỗi trường nữ sinh không quá quan tâm đến việc học văn sử, thi ca các loại mà chú trọng đến lễ nghi điển phạm của nữ tử hơn, dạy những môn cầm kỳ thi họa, nấu ăn, thêu thùa, may vá các kiểu. Nàng ta không thích học những lễ nghi đó, càng không thích nấu nướng hay nữ công gia chánh, chỉ thích ngâm thơ đối chữ mà thôi.

Hơn nữa cũng vì đại học sĩ Châu Tô Bình xuất thân từ nhà nghèo, sau khi ông làm đại học sĩ thì trường dòng tộc mới được xây. Trường gia tộc của ông chủ yếu dạy dỗ cho con em của nhà nghèo, kiến thức giảng giải thường liên quan đến khoa cử. Dĩ nhiên Châu Nhã Tuyết cũng chẳng thích.

Vậy là sau một thời gian đến học trường dòng tộc, nàng chọn Học viện Hoàng gia đến học thử xem sao, có khi lại gặp được tri âm tài tử có cùng sở thích với nàng cũng nên. Vậy mà không ngờ, học viện lại bắt học thứ nàng ghét nhất: cưỡi ngựa, bắn cung.

Nàng cũng từng cố gắng nhưng vẫn không thể giỏi được môn đó.

Sau khi Châu Nhã Tuyết bỏ thi, người tiếp theo chính là Trịnh Tương Quân.

Bình luận

Truyện đang đọc